HÌNH ẢNH ỦY BAN QUỐC PHÒNG VÀ AN NINH THẨM TRA DỰ ÁN LUẬT BẢO ĐẢM TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

01/10/2020

Chiều ngày 01/10, tại Phiên họp toàn thể lần thứ 17 Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, sau khi nghe Tờ trình về Dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Trần Ngọc Khánh trình bày Báo cáo thẩm tra Dự án Luật này.

Về sự cần thiết ban hành Luật, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Trần Ngọc Khánh cho biết, đa số ý kiến của thành viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật đã được nêu trong Tờ trình của Chính phủ và cho rằng hầu hết các hoạt động bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ tác động đến quyền con người, quyền công dân mà theo tinh thần Hiến pháp phải được quy định trong văn bản luật và có nhiều nội dung bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ nêu trong Công ước 1968 về giao thông đường bộ chưa được nội luật hóa.

Luật Giao thông đường bộ năm 2008 có phạm vi điều chỉnh gồm hai nội dung bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ và xây dựng, phát triển, quản lý kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, quản lý vận tải đường bộ, nên việc tách lĩnh vực giao thông đường bộ thành hai nội dung lớn để xây dựng thành hai Dự án Luật là phù hợp với thực tiễn hiện nay. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng không có cơ sở pháp lý để tách lĩnh vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ ra để ban hành luật riêng, vì Luật Giao thông đường bộ là luật chuyên ngành về lĩnh vực giao thông đường bộ và giao thông đường bộ bao gồm tổng thể các yếu tố: kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, phương tiện giao thông đường bộ, người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ và người tham gia giao thông đường bộ, quy tắc giao thông đường bộ. Hơn nữa, bảo đảm trật tự an toàn giao thông là mục đích của giao thông đường bộ, không phải là đối tượng điều chỉnh của Luật.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình tại phiên họp:

Toàn cảnh Ủy ban Quốc phòng và An ninh thẩm tra Dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Trần Ngọc Khánh cho biết, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát phạm vi, nội dung điều chỉnh của Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) để hoàn thiện, bảo đảm mối quan hệ hài hòa, thống nhất giữa hai Luật này, không để chồng chéo, trùng lắp; phân định rõ ràng hơn trách nhiệm quản lý nhà nước và trách nhiệm thực thi của các cơ quan, lực lượng chức năng để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, đúng với chức năng, nhiệm vụ và lĩnh vực phụ trách

Góp ý về việc tách Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thành hai luật riêng là Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Trọng Bình nêu thực tế ở các nước trên thế giới, có một số quốc gia tách thành hai luật riêng, nhưng cũng có một số nước gộp chung thành một luật. Do vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ giải trình rõ hơn, đủ sức thuyết phục hơn về căn cứ tách Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thành hai luật riêng biệt, để đảm bảo tính khách quan. Theo đại biểu Nguyễn Trọng Bình, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng, trong nhiều trường hợp vấn đề kỹ thuật và trật tự an toàn giao thông không thể tách bạch, đó là lý do vì sao vẫn có nhiều quốc gia trên thế giới vẫn quy định chung vấn đề này trong một luật

Đại biểu Nguyễn Mai Bộ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh, nêu quan điểm, giao thông đường bộ gồm 4 yếu tố là kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, phương tiện giao thông đường bộ, quy tắc giao thông đường bộ, người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ và người tham gia giao thông đường bộ

Đại biểu Sùng Thìn Cò, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang, bày tỏ nhất trí với quan điểm tách Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thành hai luật chuyên sâu và cho rằng, thực tế công tác đảm bảo an toàn giao thông cơ bản do lực lượng công an thực hiện, nên việc tách luật là phù hợp với thực tiễn.

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đồng tình với quan điểm tách Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thành hai luật riêng. Lí do tách là dựa trên Chỉ thị 18 và Kết luật 45 của Ban Bí thư về hoàn thiện hệ thống pháp luật về trật tự, an toàn giao thông phù hợp với tình hình mới. Chính phủ cũng đưa ra Nghị quyết 70 về sự cần thiết xây dựng, ban hành Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; Luật Công an nhân dân cũng quy định trách nhiệm đảm bảo an toàn giao thông là lực lượng công an…

Giải trình về vấn đề đại biểu nêu, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc cho biết, về sự cần thiết ban hành Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong Tờ trình đã nêu rõ việc đề xuất ban hành luật căn cứ vào các Nghị quyết, Chỉ thị của Ban Bí thư đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Bên cạnh đó, xuất phát từ yêu cầu xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật của Việt Nam hiện nay theo hướng chuyên sâu hóa; đồng thời căn cứ vào sự chỉ đạo của Chính phủ, trong đó có sự đồng thuận của 4 bộ gồm Tư pháp, Công an, Giao thông vận tải và Văn phòng Chính phủ về việc cần thiết xây dựng luật bởi khi xây dựng luật chuyên sâu thì công tác quản lý sẽ chặt chẽ hơn

\

Đại biểu Phùng Văn Hùng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chưa đồng tình với Tờ trình của Chính phủ và cho rằng, công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe thời gian qua có nhiều bất cập nên Dự án Luật chuyển cơ sở đào tạo, sát hạch sang Bộ Công an quản lý là không phù hợp. Đại biểu cho rằng, cần làm sáng tỏ các căn cứ chuyển thẩm quyền đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông sang Bộ Công an

Đại biểu Nguyễn Minh Hoàng, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh đề nghị Ban soạn thảo giải trình thêm việc thay đổi đơn vị chủ quan có nâng cao chất lượng đào tạo lái xe. Nếu tiến hành chuyển đổi thì vấn đề nhân lực, tài sản tại các trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe sẽ được xử lý như thế nào

Tại phiên họp, một số ý kiến đề nghị cân nhắc việc quy định đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe trong Luật này và việc chuyển thầm quyền quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông vận tải sang Bộ Công an. Việc thay đổi thẩm quyền quản lý nêu trên là trái với Nghị quyết số 17-NQ/TW ngày 1/8/2017 về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý phương tiện, cơ sở đào tạo, cơ sở vật chất bảo đảm, nhưng ở Bộ Giao thông vận tải đã và đang thực hiện ổn định

Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh, Dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ có vai trò quan trọng liên quan đến nhiều lĩnh vực, được nhân dân, cử tri và dư luận cả nước đặc biệt quan tâm, đòi hỏi phải có quy định mang tính tổng thể và chặt chẽ để điều chỉnh các nội dung liên quan đến vấn đề đảm bảo an toàn của người dân tham gia giao thông, góp phần phát triển kinh tế xã hội. Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị Ban soạn thảo tiếp thu đầy đủ ý kiến kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 48

Phát biểu kết luận Phiên họp thẩm tra Dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt cho biết, hồ sơ Dự án Luật được chuẩn bị công phu, đủ điều kiện trình Quốc hội cho ý kiến. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt cũng đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung về cơ sở lý luận thực tiễn của việc tách Luật Giao thông đường bộ hiện hành thành hai luật, để cung cấp thêm thông tin cho đại biểu Quốc hội. Việc tách thành hai luật cũng phải đảm bảo tránh tình trạng chồng chéo, chồng lấn giữa hai Dự án Luật và đảm bảo sự thống nhất trong hệ thống pháp luật hiện hành

 

Minh Thành