GIÁM SÁT PCCC: LÂM ĐỒNG CẦN TĂNG CƯỜNG ĐẦU TƯ THIẾT BỊ CHO PCCC RỪNG

15/07/2023

Ngày 14/7, Đoàn giám sát của Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã giám sát thực tế công tác PCCC rừng và làm việc với UBND tỉnh Lâm Đồng về “việc thực hiện Nghị quyết số 99/2019 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách pháp luật về phòng cháy và chữa cháy giai đoạn 2020-2022”.

GIÁM SÁT PCCC TẠI CẢNG CÁ HÒN RỚ, KHÁNH HÒA: COI TRỌNG CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN

Toàn cảnh buổi làm việc 

Đoàn giám sát do Trung tướng Nguyễn Hải Hưng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh làm Trưởng đoàn công tác.

Tham gia Đoàn giám sát có Trung tướng Đỗ Quang Thành, Trung tướng Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban; Thiếu tướng Trần Đức Thuận, Ủy viên thường trực; đại biểu Trịnh Xuân An, Ủy viên chuyên trách Ủy ban.

Cùng tham gia Đoàn giám sát có ông Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường; bà Nguyễn Thị Việt Nga, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương; đại diện Cục Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ, Bộ Công an; Cục Cứu hộ, cứu nạn, Bộ Tổng tham mưu, Bộ Quốc phòng; đại diện Bộ Giao thông Vận tải; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Làm việc với Đoàn giám sát, về phía tỉnh Lâm Đồng có ông Nguyễn Ngọc Phúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo các Sở, banh ngành, chính quyền các địa phương và chủ rừng.  

Bà Nguyễn Thị Việt Nga - thành viên Đoàn giám sát

Lâm Đồng là tỉnh miền núi Nam Tây Nguyên. Do chịu ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới gió mùa biến thiên theo độ cao, mùa khô nhiều khu rừng có nguy cơ cháy cao. Tổng diện tích có rừng của tỉnh là trên 538.000 ha. Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, từ mùa khô 2019-2020 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 95 vụ cháy rừng với tổng diện tích là hơn 200ha. Các vụ cháy cơ bản đã được các cơ quan chức năng, đơn vị chủ rừng phát hiện và xử lý kịp thời. Báo cáo của UBND tỉnh cho biết, từ ngày 01/01/2020 đến ngày 31/12/2022, toàn tỉnh đã xảy ra 61 vụ cháy, trong đó phần lớn là cháy nhà dân với 26 vụ. Trong thời gian tới, dự báo biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, kinh tế-xã hội ở địa phương tiếp tục phát triển mạnh, nhất là đối với các ngành công nghiệp và dịch vụ, đòi hỏi cần nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác PCCC trên địa bàn.

Triển khai thực hiện Nghị quyết 99/2019 của Quốc hội, UBND tỉnh đã tham mưu HĐND ban hành 2 Nghị quyết. UBND tỉnh ban hành 12 văn bản chỉ đạo thực hiện công tác PCCC trên địa bàn. Hiện nay, UBND tỉnh đang chỉ đạo xây dựng dự thảo, trình HĐND tỉnh xem xét, thông qua Nghị quyết quy định việc trang bị, sử dụng phương tiện PCCC và CNCH cho đội PCCC dân phòng trên địa bàn tỉnh; rà soát các cơ sở, công trình, phương tiện giao thông cơ giới có tính chất đặc thù của địa phương để đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ.

Trong giai đoạn giám sát, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo duc pháp luật về PCCC đã được các cấp, ngành quan tâm thực hiện với nhiều hình thức. Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã thực hiện hơn 58.000 lượt kiểm tra an toàn về lĩnh vực phụ trách; lập hơn 1.300 quyết định xử phạt vi phạm hành chính về PCCC và có các hình thức kiến nghị chấn chỉnh. Hiện trên địa bàn tỉnh có 55 công trình xây dựng đưa vào sử dụng khi chưa có văn bản nghiệm thu PCCC của cơ quan Cảnh sát PCCC; 161 cơ sở không bảo đảm yêu cầu về PCCC được đưa vào sử dụng trước ngày Luật PCCC có hiệu lực. Mặc dù đã được quan tâm đầu tư nhưng nhìn chung, các điều kiện về phương tiện, trang thiết bị của lực lượng PCCC và CNCH còn hạn chế. Trong những năm gần đây, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về PCCC thay đổi nhiều và được ban hành trong thời gian liền kề nhau; nhiều nội dung có thể hiểu khác nhau và chưa thật sự phù hợp so với thực tiễn, gây khó khăn trong công tác hướng dẫn, tuyên truyền cho người dân. Một số người đứng đầu cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức và một bộ phận nhân dân chưa nhận thức rõ trách nhiệm trong công tác PCCC, thiếu kỹ năng thoát hiểm và xử lý các sự cố cháy nổ ngay từ ban đầu.

Trung tướng Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh 

Tỉnh Lâm Đồng kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, Bộ Công an thường xuyên tổ chức rà soát các chính sách, pháp luật về PCCC và CNCH để đề xuất sửa đổi, bổ sung hoàn thiện, bảo đảm đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật và phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Bên cạnh đó, tăng cường bố trí các nguồn lực đầu tư, xây dựng, trang bị cơ sở vật chất, hậu cần cho các lực lượng tham gia công tác PCCC nhằm đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Chi cục Kiểm lâm tỉnh kiến nghị Trung ương, tỉnh cấp kinh phí để mua xe ô tô chuyên dùng và các trang thiết bị phục vụ công tác tuần tra truy quét bảo vệ rừng, chữa cháy rừng và cứu nạn cứu hộ.

Tại buổi làm việc với UBND tỉnh, các thành viên Đoàn giám sát đề nghị địa phương báo cáo, phân tích rõ nguyên nhân chủ quan khiến xảy ra các vụ cháy; đánh giá cụ thể các vướng mắc từ việc thực hiện Nghị định 136/2020 hướng dẫn Luật PCCC, các Quy chuẩn, Tiêu chuẩn về an toàn phòng cháy để kịp thời tham mưu, đề xuất, kiến nghị Quốc hội, Chính phủ có những bổ sung kịp thời. Lâm Đồng có đặc thù nhiều rừng núi, vì vậy cần nêu rõ số diện tích rừng có nguy cơ cháy cao là bao nhiêu, đặc biệt chỉ ra nguyên nhân các vụ cháy rừng để rút kinh nghiệm và có kiến nghị phù hợp.

Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Bên cạnh đó, thành viên Đoàn giám sát cũng đề nghị Báo cáo của tỉnh cần bổ sung nguồn ngân sách chi cho công tác PCCC và CNCH sau khi có Nghị quyết của Quốc hội; báo cáo làm rõ thêm việc gắn phát triển KT-XH với quy hoạch hạ tầng PCCC, việc bố trí quỹ đất cho PCCC, lồng ghép, giáo dục kiến thức PCCC và kỹ năng thoát hiểm trong trường học trên địa bàn.

Tại buổi làm việc, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, qua giám sát thực tế cho thấy việc tổ chức phòng, đặc biệt là chữa cháy của chủ rừng đang gặp nhiều khó khăn, cả về nguồn lực con người và trang thiết bị. Cần thiết tăng cường năng lực PCCC tại chỗ. Vấn đề này sẽ được ghi nhận và báo cáo Bộ để có những chỉ đạo, hỗ trợ hơn nữa trong thực hiện Nghị quyết 99 của Quốc hội.

Ông Nguyễn Ngọc Phúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh

Thay mặt tỉnh Lâm Đồng, ông Nguyễn Ngọc Phúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, kể từ sau khi có Nghị quyết của Quốc hội, nhận thức của các cơ quan nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp và người dân đã được nâng cao, bởi cháy nổ có thể ảnh hưởng trực tiếp đến các cơ quan, đơn vị cũng như hộ gia đình.

Về chính sách pháp luật, trước mắt các cấp trên cần nghiên cứu ban hành các văn bản ở mức Thông tư hướng dẫn để các địa phương dễ thực hiện hoặc có thể sửa đổi, bổ sung kịp thời so với việc sửa đổi Luật, Nghị định. Riêng PCCC rừng ngay từ ban đầu, trong thời gian qua việc chữa cháy chủ yếu bằng nước, bằng tay. Việc điều động xe chữa cháy đến hiện trường gặp nhiều khó khăn. Tỉnh đã quan tâm đến việc đầu tư các phương tiện bay để phát hiện nhanh các vụ cháy, tới đây sẽ tiếp tục quan tâm đến công tác PCCC rừng để nâng cao hiệu quả.

Trung tướng Nguyễn Hải Hưng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh

Thay mặt Đoàn giám sát, Trung tướng Nguyễn Hải Hưng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh đánh giá cao tỉnh Lâm Đồng đã nghiêm túc triển khai thực hiện Nghị quyết 99/2019 của Quốc hội với 9 nhóm vấn đề Nghị quyết đã nêu.

Trưởng đoàn công tác cũng đề nghị địa phương tăng cường công tác phổ biến pháp luật đối với người dân, doanh nghiệp, chủ rừng; có giải pháp để nâng cao hiệu quả bằng hình thức công khai các cơ sở, đơn vị vi phạm về PCCC trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bên cạnh đó, chủ động tuyên truyền trong nhà trường về công tác PCCC và CNCH; quan tâm đầu tư hơn nữa về nguồn lực cho các lực lượng PCCC và CNCH. Đoàn giám sát cũng chia sẻ những khó khăn của địa phương và sẽ có kiến nghị với Chính phủ, Bộ Tài chính để quy định mục chi Ngân sách riêng cho phòng cháy chữa cháy, làm cơ sở để các cấp, ngành, địa phương đầu tư, quan tâm hơn nữa cho hoạt động này.

Đoàn giám sát thực tế

Trước đó, trong buổi sáng ngày 14/7, Đoàn giám sát của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đã đi giám sát, tìm hiểu thực tế công tác PCCC rừng tại các điểm đã xảy ra cháy rừng trong tháng 4/2023.

Đoàn giám sát ghi nhận những nỗ lực của các chủ rừng, lực lượng Kiểm lâm trong công tác PCCC. Tuy nhiên, nguồn lực đầu tư cho công tác này vẫn là vấn đề cần quan tâm khi những hộ nhận giao khoán bảo vệ rừng vẫn chưa được cung cấp các trang thiết bị phòng cháy chữa cháy như bình chữa cháy hay các dụng cụ cần thiết. Tại các địa điểm có nguy cơ cháy rừng cao, Đoàn giám sát chưa thấy có các biển cảnh báo để nâng cao ý thức của người dân, tránh bất cẩn trong việc đốt nương rẫy gây ra hỏa hoạn, thiệt hại về rừng.

Đoàn giám sát thực tế

Đoàn giám sát cũng đề nghị tỉnh Lâm Đồng và các cơ quan có liên quan quan tâm hơn nữa đến hoạt động PCCC rừng, để phát huy vai trò 4 tại chỗ trong bảo vệ rừng, kịp thời dập tắt các dám cháy nhỏ ngay từ ban đầu./.