Ủy ban Pháp luật cho ý kiến dự án Luật Tổ chức Chính phủ

19/08/2014

Tiếp tục chương trình làm việc phiên họp toàn thể lần thứ 16, ngày 19/8, dưới sự chỉ trì của Chủ nhiệm Phan Trung Lý, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho ý kiến dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi).

Tham dự Phiên họp có Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu; các chuyên gia, nhà nghiên cứu pháp luật, đại diện bộ, ngành Trung ương. Đại diện cơ quan soạn thảo dự án Luật có Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình cùng các cơ quan chuyên môn.

Thảo luận về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), các đại biểu thống nhất với sự cần thiết của việc sửa đổi luật hiện hành nhằm thể chế hóa các quy định và tinh thần mới của Hiến pháp về tổ chức, hoạt động của Chính phủ; khắc phục những hạn chế, tháo gỡ khó khăn về tổ chức hoạt động của Chính phủ.

Một số ý kiến cho rằng, dự án Luật cần giải quyết triệt để một số khó khăn, bất cập về tổ chức và hoạt động của Chính phủ như cần cụ thể hóa mối quan hệ giữa Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ; phân định rõ lĩnh vực quản lý của các bộ, ngành nhằm khắc phục tình trạng chồng chéo hoặc tình trạng có lĩnh vực mà không thấy có cơ quan quản lý; tình trạng đùn đẩy trách nhiệm lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ…

Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận cho rằng dự án Luật cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp, đặc biệt cần tạo sự gắn kết giữa lập pháp và hành pháp. Trong dự án Luật, nội dung quản lý Nhà nước về ngành, lĩnh vực vẫn còn phân tán, chồng chéo.

Giáo sư Phạm Hồng Thái cho rằng dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) phải là sự cụ thể hóa, chi tiết hóa Hiến pháp. Theo đánh giá của đại biểu, dự án Luật chưa thể hiện được nội dung nguyên tắc "Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp" quy định tại Hiến pháp 2013.

Đại biểu cho rằng, dự án luật cần thiết kế theo hướng đã được hiến định đó là: "Chính phủ là cơ quan hành chính Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội" khi quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ.

Theo giáo sư Trần Ngọc Đường, không nên quy định cụ thể nhiệm vụ của Chính phủ trong dự án Luật. Dự án Luật đã cụ thể hóa và khái quát 7 nhiệm vụ của Chính phủ quy định tại Điều 96 Hiến pháp năm 2013 theo 12 nhóm nội dung để bao quát hết tất cả các lĩnh vực quản lý nhà nước của Chính phủ.

So với Luật Tổ chức Chính phủ năm 2001, tất cả các nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ được chỉnh sửa, bổ sung phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013; đặc biệt bổ sung và làm rõ hơn nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ về các lĩnh vực như tổ chức thi hành Hiến pháp và pháp luật; kinh tế; tài nguyên và môi trường; quản lý và tổ chức hệ thống hành chính nhà nước…

Theo giáo sư Trần Ngọc Đường "càng quy định cụ thể càng thiếu" nên đại biểu đề xuất nhiệm vụ của Chính phủ chỉ nên quy định những nét chung nhất; đối với các luật khác sẽ quy định cụ thể.

Giáo sư Trần Ngọc Đường cũng đề nghị dự án Luật cần làm rõ trách nhiệm quyền hạn của tập thể và cá nhân trong hoạt động của Chính phủ trong đó đề cao trách nhiệm của cá nhân…

Thảo luận về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, có ý kiến cho rằng dự án Luật chưa phân định rõ trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình; trách nhiệm của Chính phủ với tư cách là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, cơ quan thực hiện quyền hành pháp, cơ quan chấp hành của Quốc hội; trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ với tư cách là người đứng đầu tập thể Chính phủ cũng chưa được xác định rõ ràng trong dự án Luật…

Tại phiên họp, các đại biểu đã cho ý kiến cụ thể về các nội dung: quan điểm, mục tiêu của dự án Luật; chức năng của Chính phủ; cơ cấu tổ chức của Chính phủ; nhiệm vụ của Bộ và nhiệm vụ, quyền hạn của bộ trưởng…

Trên cơ sở các ý kiến đóng góp của đại biểu, Ban soạn thảo sẽ tiếp tục hoàn thiện dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét.

(Theo Quân đội Nhân dân)