Ngày 14/10/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 19-KL/TW về định hướng Chương trình Xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, theo đó Bộ Chính trị thông qua Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV do Đảng đoàn Quốc hội trình. Đây là Đề án đầu tiên của Đảng đoàn Quốc hội nhiệm kỳ này trình Bộ Chính trị xem xét, thông qua với sự tán thành cao, là minh chứng rõ rệt của sự đổi mới mạnh mẽ tư duy xây dựng pháp luật từ quản lý sang kiến tạo phát triển bền vững đất nước, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, tính chủ động, tích cực của Đảng đoàn Quốc hội trong việc khẩn trương thể chế hóa chủ trương, đường lối Đại hội XIII của Đảng, sớm đưa Nghị quyết Đại hội vào cuộc sống.
Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị cũng giao Đảng đoàn Quốc hội căn cứ Kết luận để hoàn chỉnh Đề án, thông báo cho các cơ quan, tổ chức liên quan để triển khai thực hiện; đồng thời, giao các cơ quan, tổ chức có liên quan xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, cụ thể hoá nội dung Đề án vào chương trình công tác, chương trình xây dựng pháp luật hằng năm.
Nhân dịp này, Truyền hình Quốc hội Việt nam đã có cuộc trao đổi với đồng chí Hoàng Thanh Tùng - Uỷ viên Trung ương Đảng, Uỷ viên Đảng đoàn Quốc hội, Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội, để làm rõ thêm về nội dung Kết luận số 19 - KL/TW của Bộ Chính trị; Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV;...
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thành Tùng
Phóng viên: Thưa Chủ nhiệm, sau khi Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 19-KL/TW về định hướng Chương trình Xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội đã triển khai thực hiện Kết luận như thế nào?
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng: Ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 19-KL/TW về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Đảng đoàn Quốc hội đã chỉ đạo hoàn thiện tiếp thu ý kiến của Bộ Chính trị và hoàn thiện Đề án trình Bí thư Đảng đoàn Quốc hội ký ban hành Thông báo cùng Kết luận và Đề án đến các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương để triển khai thực hiện. Đồng thời, Đảng đoàn Quốc hội cũng giao cho các cơ quan của Quốc hội, các Tổ Đảng, Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban nghiên cứu, quán triệt Kết luận và Đề án. Đây là Kết luận hết sức quan trọng về nội dung lớn, định hướng lớn, nhiệm vụ lớn đối với hoạt động lập pháp phải triển khai trong cả nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, cũng là nội dung, nhiệm vụ chính của các cơ quan của Quốc hội. Do đó, Đảng đoàn Quốc hội cũng yêu cầu quán triệt đầy đủ, nghiêm túc; xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ lập pháp được giao trong Đề án thuộc lĩnh vực phạm vi phụ trách.
Đảng đoàn Quốc hội cũng giao cho Thường trực Ủy ban Pháp luật phối hợp với các cơ quan để xây dựng Kế hoạch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhằm triển khai thực hiện Kết luận, Đề án. Bên cạnh đó là công tác chuẩn bị và tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc để quán triệt và triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW. Có thể khẳng định, đây là Hội nghị rất quan trọng, vào ngày 3/11 Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp với các cơ quan Đảng, Chính phủ, Ban Nội chính Trung ương để tổ chức Hội nghị triển khai trong toàn quốc.
Phóng viên: Chủ nhiệm nhận xét gì về những vấn đề cần lưu ý trong triển khai thực hiện Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV mà Kết luận 19 đã nêu ra, thưa Chủ nhiệm?
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng: Trong Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị khẳng định: Bộ Chính trị thông qua Đề án và giao trách nhiệm cho các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị chú trọng tăng cường công tác xây dựng pháp luật để đảm bảo thực hiện mục tiêu của công tác xây dựng pháp luật trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Bên cạnh đó, Kết luận số 19-KL/TW cũng lưu ý một số vấn đề trong công tác xây dựng pháp luật của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Trước hết, Bộ Chính trị đặt ra yêu cầu rất cao về công tác xây dựng pháp luật của Quốc hội. Đó là, phải tập trung xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, kịp thời, khả thi, ổn định, công khai, minh bạch, có sức cạnh tranh quốc tế và lấy quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm. Như vậy, trọng tâm của công tác xây dựng pháp luật không phải là việc phục vụ quản lý nhà nước mà là bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp. Qua đó, thúc đẩy sự đổi mới, sáng tạo; đề ra giải pháp, biện pháp để thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Đại hội Đảng XIII đã đề ra, đảm bảo phát triển đất nước nhanh, bền vững.
Bên cạnh việc đề ra mục tiêu trong công tác xây dựng pháp luật rất là cao như vậy, Bộ Chính trị cũng lưu ý trong công tác xây dựng pháp luật phải làm tốt tất cả các khâu, làm thận trọng, chặt chẽ và không chạy theo số lượng, phải đặt yêu cầu cao về chất lượng. Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng, liên quan một phần đến những bất cập, hạn chế đã được đúc kết, nhận diện qua công tác tổng kết từ thực hiện Nghị quyết số 48 của Bộ Chính trị cũng như quá trình tổng kết để xây dựng Đề án của Đảng đoàn Quốc hội.
Một số vấn đề bất cập khác mà Bộ Chính trị cũng lưu ý cần phải có giải pháp khắc phục hiệu quả. Đó là, tình trạng kỷ luật kỷ cương chưa nghiêm trong công tác xây dựng pháp luật. Việc một số cơ quan, tổ chức tham gia vào quy trình xây dựng pháp luật nhưng chưa tuân thủ nghiêm quy trình, trình tự thủ tục ban hành văn bản theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Từ khâu lập chương trình, soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, tiếp thu ý kiến, lấy ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động, … là một quy trình hết sức chặt chẽ tuy nhiên, trong thực tế cũng có những trường hợp, dự án luật trong quá trình soạn thảo chưa đáp ứng đầy đủ những yêu cầu đề ra. Vì vậy, dẫn đến chưa đảm bảo về mặt chất lượng của dự án luật. Bộ Chính trị lưu ý phải khắc phục hạn chế này để nâng cao chất lượng của công tác xây dựng pháp luật và các dự án luật trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Bên cạnh đó, Bộ Chính trị cũng lưu ý phải khắc phục ngay tình trạng luật thiếu ổn định. Tức là, có những vấn đề quy định trong luật chưa được cân nhắc kỹ lưỡng dẫn đến khi đi vào cuộc sống vướng mắc, không khả thi và phải sửa đổi, bổ sung, "tuổi thọ" của luật không cao. Đồng thời, cũng phải tránh tình trạng luật khung, luật ống (luật quy định không cụ thể) dẫn tới phải có nhiều văn bản quy định chi tiết thì mới thực hiện được. Trong khi chúng ta vẫn còn tình trạng nợ đọng văn bản chi tiết. Hay ở đâu đó, vẫn còn tình trạng lồng ghép lợi ích cục bộ của cơ quan quản lý nhà nước, của bộ, ngành chủ trì soạn thảo văn bản, chưa chú trọng bảo vệ quyền và lợi ích của doanh nghiệp và người dân. Đây cũng là vấn đề đã được nhận diện và cần có giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Ngoài ra, Kết luận 19-KL/TW cũng yêu cầu các chủ thể tham gia vào quy trình lập pháp tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng. Ví dụ: Đối với Quốc hội, Kết luận 19-KL/TW đặt ra yêu cầu phải tăng cường tính chủ động của các cơ quan Quốc hội và đại biểu Quốc hội trong công tác lập pháp, tăng cường hiệu quả giám sát thi hành pháp luật. Đối với các chủ thể khác, đặc biệt là Chính phủ thì Kết luận 19-KL/TW cũng yêu cầu phải phát huy tính năng động, sáng tạo; vai trò chủ động, tích cực trong công tác xây dựng pháp luật bởi vì Chính phủ có vai trò quan trọng trong soạn thảo, trình ra Quốc hội các dự án luật.
Kết luận 19-KL/TW cũng đặt ra yêu cầu cao đối với công tác lấy ý kiến nhân dân, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên trong giám sát công tác thi hành luật, thực hiện phản biện xã hội đối với những dự án, dự thảo; Kết luận 19 -KL/TW cũng thấy những bất cập trong năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật, điều kiện bảo đảm cho công tác xây dựng pháp luật cũng bộc lộ những hạn chế;…
Như vậy, tất cả vấn đề cần lưu ý trong Kết luận 19-KL/TW có thể tổng kết lại: Thứ nhất, nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật; Thứ hai, khắc phục bất cập hạn chế đã được nhận diện trong công tác xây dựng pháp luật ; Thứ ba, đề cao vai trò các chủ thể tham gia vào quy trình xây dựng pháp luật; Thứ tư, đảm bảo điều kiện thỏa đáng để cho công tác xây dựng pháp luật và những người làm công tác xây dựng pháp luật.
Phóng viên: Có thể khẳng định, Quốc hội khóa XIV kế thừa các thành tựu lập pháp của giai đoạn trước, tiếp tục đẩy mạnh công tác lập pháp, tập trung xây dựng và ban hành số lượng lớn văn bản luật, pháp lệnh, nghị quyết, kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước. Chủ nhiệm có thể cho biết những kết quả cụ thể hơn về công tác lập pháp của Quốc hội Khóa XIV?
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng: Trong khóa XIV, bên cạnh những nhiệm vụ về giám sát tối cao, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, Quốc hội đã nỗ lực, đẩy mạnh công tác lập pháp và ban hành số lượng khá lớn các luật, pháp lệnh, nghị quyết. Theo tổng kết nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã ban hành 126 dự luật, pháp lệnh, Nghị quyết. Trong đó, có 73 luật, 20 Nghị quyết, quy phạm pháp luật của Quốc hội; 2 pháp lệnh và 31 Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Có thể nói, trong số những luật đã được Quốc khóa XIV thông qua đã có những luật có tác động mạnh mẽ đến toàn bộ đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn như: Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Phòng chống tác hại thuốc lá, Luật An ninh mạng,….
Kết quả xây dựng pháp luật của Quốc hội khóa XIV đã tạo cơ sở nền tảng chính trị pháp lý cho việc đảm bảo sự phát triển ổn định cũng như bền vững của đất nước. Đây là một trong những yếu tố có tính chất quyết định góp phần để đất nước ta đạt thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, hội nhập quốc tế trong nhiệm kỳ vừa qua.
Phóng viên: Thưa Chủ nhiệm, phát huy những kết quả đạt được của Quốc hội Khóa XIV, Quốc hội khóa XV đặt ra những mục tiêu, quan điểm chỉ đạo về công tác xây dựng pháp luật và nội dung định hướng Chương trình Xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV như thế nào?
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng: Mục tiêu của công tác xây dựng pháp luật là hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, tạo lập cơ sở pháp lý, khuôn khổ pháp lý cho việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của giai đoạn 2021 -2025; gắn với việc thực hiện 12 định hướng phát triển đất nước, 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá chiến lược đã được đề ra trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, thể chế hóa kịp thời đầy đủ đồng bộ chủ trương đường lối của Đảng; Xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, lấy người dân và doanh nghiệp làm trọng tâm, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo; tăng cường cơ chế kiểm soát việc thực hiện quyền lực nhà nước. Bên cạnh đó, cũng phải phát huy mạnh mẽ vai trò của khoa học công nghệ đặc biệt là tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đặt ra khuôn khổ pháp lý mới cho việc phát triển Chính phủ điện tử, kinh tế số, Chính phủ số, xã hội số, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số;… Đó là những nhiệm vụ đặt ra đối với hệ thống pháp luật.
Đối với quan điểm chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, trong Đề án xác định rõ: (1) Công tác xây dựng hoàn thiện thể chế phải đặt dưới sự lãnh đạo chặt chẽ, toàn diện của Đảng, hướng tới mục tiêu vì người dân vì con người,… đảm bảo tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người quyền công dân; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, trật tự kỷ cương xã hội; (2) Phải tạo lập đủ hành lang pháp lý để bảo đảm Nhà nước, các cơ quan nhà nước, cán bộ công chức hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật; xác lập đầy đủ mối quan hệ về mặt pháp lý giữa nhà nước và công dân; (3) Tạo sự đột phá thực sự về thể chế, chuyển đổi tư duy trong công tác xây dựng pháp luật từ quản lý sang kiến tạo phát triển; (4) Bảo đảm dân chủ thực chất, thực sự trong quy trình xây dựng pháp luật. Chúng ta phải huy động sự tham gia của người dân, lấy ý kiến, tiếp thu ý kiến của người dân trong quá trình xây dựng pháp luật, phải huy động trí tuệ của đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học những người hoạt động thực tiễn vào trong công tác xây dựng pháp luật; những chính sách được đề ra trong dự thảo, dự án cũng phải đánh giá tác động, lấy ý kiến của những đối tượng tác động,… phải đảm bảo đáp ứng yêu cầu triển khai đồng bộ sáng tạo hiệu quả chủ trương đường lối của Đảng về đối ngoại tích cực tăng cường hội nhập quốc tế sâu rộng; (5) Phải đảm bảo thận trọng, chặt chẽ trong việc xây dựng, ban hành luật và đạt yêu cầu cao, chất lượng không chạy theo số lượng.
Về nội dung các định hướng, trên cơ sở chủ trương, đường lối của Đảng, đối chiếu với yêu cầu thực tế, Đề án đề ra 8 định hướng lớn: (1) Liên quan đến vấn đề hoàn thiện đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; (2) Liên quan đến giáo dục đào tạo, tiếp tục đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo; (3) Liên quan đến công tác hoàn thiện pháp luật đáp ứng yêu cầu quản lý phát triển xã hội bền vững, bảo đảm công bằng xã hội mà trọng tâm ở đây là pháp luật về bảo hiểm xã hội, việc làm; bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân, về phòng chống dịch có quy mô tác động lớn; (4) Hoàn thiện pháp luật đáp ứng yêu cầu quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên bảo vệ môi trường, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu trong đó trọng tâm là pháp luật về đất đai; (5) Hoàn thiện pháp luật đáp ứng yêu cầu bảo đảm quốc phòng an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia toàn vẹn lãnh thổ, độc lập Tổ quốc, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; (6) Liên quan đến hoàn thiện pháp luật đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; (7) là hoàn thiện pháp luật, đáp ứng yêu cầu và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc dân chủ XHCN và quyền làm chủ của nhân dân; (8) là tiếp tục xây dựng hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, ...
Đây là những nội dung, định hướng lớn tiêp tục hoàn thiện pháp luật trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Những nội dung này được cụ thể hóa thành những nhiệm vụ lập pháp cụ thể. Trong Đề án cũng đề ra 137 nhiệm vụ của lập pháp liên quan đến tất cả lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, các cơ quan thời gian tới sẽ nghiên cứu, rà soát, đánh giá những luật đang thực hiện liên quan đến định hướng xây dựng công tác lập pháp để đề xuất sửa đổi hoặc do nguyên nhân từ khâu triển khai thực hiện thì có biện pháp chấn chỉnh kịp thời.
Phóng viên: Trong thời gian rất ngắn, giữa bộn bề công việc và hoạt động của Kỳ họp thứ 2, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Uỷ ban Pháp luật cũng đã khẩn trương xây dựng kế hoạch, đề án để thực hiện Kết luận 19 của Bộ Chính trị. Chủ nhiệm có thể cho biết một số nội dung chính trong dự thảo Kế hoạch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị và Đề án?
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng: Trong quá trình chuẩn bị triển khai Kết luận 19-KL/TW của Bộ Chính trị, Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, giao cho Thường trực Ủy ban Pháp luật phối hợp với các cơ quan để xây dựng kế hoạch của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội triển khai thực hiện Kết luận 19-KL/TW của Bộ Chính trị và thực hiện nhiệm vụ. Thường trực Uỷ ban Pháp luật đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Quốc hội, cơ quan Chính phủ, các cơ quan tổ chức hữu quan dự thảo Kế hoạch và xin ý kiến trong Hội nghị ngày 03/11.
Về bố cục của Kế hoạch có 3 phần lớn: Yêu cầu, nội dung công việc cần triển khai và tổ chức thực hiện. Về mục đích việc ban hành Kế hoạch này nhằm xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị từ Chính phủ cho đến các cơ quan Quốc hội, các cơ quan Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dântối cao, Kiểm toán nhà nước, các bộ ngành, các cơ quan khác,….trong việc tổ chức triển khai Kết luận của Bộ Chính trị và giải pháp đảm bảo thực hiện.
Trong nội dung triển khai: Xác định yêu cầu và nội dung Kế hoạch các cơ quan, tổ chức cần phải ban hành để thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị. Các cơ quan, các chủ thể chính ở trong hệ thống chính trị, trung ương và địa phương đều có trách nhiệm ban hành Kế hoạch phù hợp với phạm vi, chức năng nhiệm vụ của mình để thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị. Trong kế hoạch cũng đặt ra yêu cầu về mặt nội dung của Kế hoạch đó. Ví dụ: Đối với Chính phủ, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trong Kế hoạch phải xác định rõ thực hiện những khối lượng, nhiệm vụ lập pháp nào? Việc xác định thời hạn báo cáo, nội dung báo cáo, quy định rất rõ.
Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội cũng phải ban hành Kế hoạch phù hợp với lĩnh vực cơ quan phụ trách và một nhiệm vụ quan trọng là phải phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Chính phủ, các cơ quan khác trong quá trình các cơ quan đó thực hiện, tổ chức nghiên cứu để thực hiện nhiệm vụ lập pháp đồng thời đôn đốc giám sát việc triển khai thực hiện, kịp thời báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khi có vấn đề phải xin ý kiến;
Việc xác định thời hạn, tiến độ báo cáo khi các cơ quan tổ chức triển khai nhiệm vụ lập pháp được giao trong Đề án xác định rất rõ tiến độ khi nào phải hoàn thành. Hai loại thời điểm: (1) Nhiệm vụ lập pháp phải hoàn thành thời điểm 30/6/2022 thì phải báo cáo trước 15/7 với UBTVQH kết quả nghiên cứu rà soát đối với nhữnh nhiệm vụ đó; (2) Nhiệm vụ khác trong kế hoạch đề ra hoàn thành trong năm 2022; 2023 và 2025 thì báo cáo trước ngày 1/3 của năm tiếp theo.
Năm 2022 là năm bản lề cho việc triển khai kết luận Đề án bởi vì trong tổng số 137 nhiệm vụ lập pháp được đề ra có 95 nhiệm vụ phải thực hiện trong năm 2022. Các cơ quan phải khẩn trương, có kế hoạch chi tiết bám sát và đôn đốc triển khai quyết liệt thì mới có thể hoàn thành khối lượng công việc lớn.
Kế hoạch cũng xác định cách thức triển khai công tác nghiên cứu rà soát đối với hoạt động lập pháp. Khi đánh giá luật hiện hành liên quan đến nội dung định hướng ở trong Đề án phải đánh giá những vấn đề về mức độ phù hợp, vướng mắc, mâu thuẫn chồng chéo, tính khả thi,… nếu thấy có vướng mắc thì phải đề xuất sửa đổi; nếu vướng mắc do công tác thực hiện thì chấn chỉnh công tác thực hiện;…
Liên quan đến giải pháp thực hiện thì trong kế hoạch đặt ra yêu cầu đối với các cơ quan ngoài Quốc hội như Chính phủ, Tòa án,.. trách nhiệm phải triển khai thực hiện các giải pháp đảm bảo thực hiện Đề án như thế nào để tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ công chức hay giải pháp về mặt quy trình, điều kiện,
Về tổ chức thực hiện cũng giao trách nhiệm hết sức cụ thể các cơ quan Trung ương cần làm gì để thực hiện Đề án.
Tóm lại, dự thảo Kế hoạch đã hoàn thành và xin ý kiến các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tiếp thu để báo cáo ra Hội nghị ngày 03/11, trên cơ sở ý kiến tại Hội nghị sẽ tiếp tục hoàn thiện và ban hành sớm.
Phóng viên: Thưa Chủ nhiệm, theo Đề án thì có 08 nhóm định hướng lớn với 70 định hướng cụ thể, 137 nhiệm vụ lập pháp đã được xác định cần phải thực hiện trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV trên tổng số 193 nhiệm vụ do các cơ quan, tổ chức đề xuất. Đây là khối lượng công việc vô cùng lớn đặt ra cho Quốc hội Khóa XV. Vậy đâu là các giải pháp để Quốc hội có thể thực hiện hoàn thành Đề án định hướng Chương trình Xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV?
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng: Khối lượng công việc rất nặng, cho nên các cơ quan, tổ chức tham gia vào quy trình lập pháp phải có một Kế hoạch rất cụ thể, rất chi tiết, bám sát yêu cầu trong Đề án Kết luận Kết luận 19-KL/TW của Bộ Chính trị để xây dựng kế hoạch của mình đảm bảo các nhiệm vụ lập pháp được giao cho các cơ quan được triển khai một cách đồng bộ có chất lượng và đáp ứng đúng tiến độ. Trong đó, vai trò của Chính phủ hết sức quan trọng. Chính phủ là cơ quan chủ yếu trình dự án luật ra Quốc hội và Chính phủ giao cho các bộ ngành theo lĩnh vực của mình để chủ trì soạn thảo hoặc chủ trì việc nghiên cứu rà soát đối với những vấn đề nhiệm vụ lập pháp đã xác định thì Chính phủ cần có kế hoạch đồng thời cũng phải giao cho các Bộ, ngành chuẩn bị kế hoạch rất chi tiết và có cơ chế kiểm tra, kiểm soát chỉ đạo đôn đốc quyết liệt. Đây là yếu tố đầu tiên, quan trọng trong triển khai.
Yếu tố thứ hai chính là vấn đề siết chặt kỷ luật kỷ cương.Ở đây đòi hỏi trước hết là phải tuân thủ đầy đủ nghiêm túc trình tự thủ tục mà luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã quy định đối với công tác soạn thảo các dự án luật. Bắt đầu từ quy trình lập đề nghị để đưa dự án luật vào chương trình, đảm bảo đề nghị xây dựng pháp luật có chất lượng. Đây cũng là yếu tố tiên quyết để khi dự án được đưa vào chương trình thì công tác soạn thảo mới đảm bảo chất lượng.
Tiếp theo, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu gắn với trách nhiệm cơ quan được giao chủ trì soạn thảo dự án luật. Trong các văn kiện của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội cũng đã nhiều lần nói đến vấn đề gắn đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu các cơ quan, các bộ được giao nhiệm vụ chủ trì soạn thảo với chất lượng tiến độ dự án mình phụ trách và phải coi đây là 1 trong những tiêu chí để lấy phiếu tín nhiệm khi Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu và phê chuẩn.
Để đảm bảo triển khai khối lượng công việc này, phải nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật. Đây không chỉ là tổ chức pháp chế của các bộ ngành mà cả những đơn vị chuyên môn phụ trách lĩnh vực mà dự án luật điều chỉnh. Đồng thời, đảm bảo các điều kiện đảm bảo khác cho công tác xây dựng pháp luật;…
Như vậy, với tất cả những yếu tố đó cùng với sự nỗ lực cố gắng của từng công chức, người đứng đầu sẽ góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp để thực hiện và hoàn thành tốt khối lượng công việc được giao trong Đề án.
Phóng viên: Thưa Chủ nhiệm, sự kiện Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình Xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV có nội dung, mục đích và ý nghĩa như thế nào đối với việc thực hiện Chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội Khóa XV?
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng: Đây là Hội nghị hết sức quan trọng do Chủ tịch Quốc hội cùng với đồng chí Thường trực Ban Bí thư, đồng chí Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, đồng chí Trưởng ban Tổ chức Trung ương đồng chủ trì và Hội nghị được tổ chức trực tuyến ở đầu cầu Diên Hồng, kết nối 62 điểm cầu của các địa phương trong cả nước (đại biểu Hà Nội dự tại phòng Diên Hồng). Hội nghị cũng mời đại diện lãnh đạo, đại diện các cơ quan, ban Đảng ở Trung ương, các bộ ngành của Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức xã hội; các cơ quan, tổ chức tham gia vào quy trình xây dựng pháp luật.
Quá trình xây dựng pháp luật không phải 1 chiều từ phía cơ quan soạn thảo mà đòi hỏi phải có sự phản biện, lấy ý kiến và lắng nghe ý kiến từ các chủ thể khác trong xã hội nhất là đối tượng chịu sự tác động. Qua đó, sẽ giúp nâng cao chất lượng của công tác xây dựng pháp luật. Do vậy, ý nghĩa của Hội nghị này là quán triệt và thống nhất trong tổ chức hành động đối với việc triển khai Kết luận của Bộ Chính trị và Đề án, đặc biệt những vấn đề Bộ Chính trị lưu ý thì cũng phải có sự trao đổi, làm rõ để nhận thức đúng, đầy đủ và có giải pháp khắc phục hiệu quả. Từ đó, triển khai thực hiện đúng quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị. Đồng thời, Hội nghị sẽ bàn về Kế hoạch và giải pháp để triển khai thực hiện các nhiệm vụ lập pháp được giao trong Đề án.
Khối lượng công việc đề ra là rất lớn, vì vậy cần được tính toán cách thức triển khai như thế nào, phối hợp giữa các cơ quan ra sao, điều kiện gì để đảm bảo thực hiện cũng sẽ được đưa ra thảo luận. Ngoài ra, đây còn là diễn đàn và là cơ hội để các cơ quan tổ chức, các vị đại biểu Quốc hội tiếp cận với nhiệm vụ này ngay từ đầu. Đúng như quan điểm chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội: Phải tiếp cận từ sớm, từ xa, chủ động vào cuộc ngày từ đầu. Có như vậy, mới đảm bảo hoàn thành các nhiệm vụ lập pháp trong Đề án.
Thực hiện những nhiệm vụ này cũng chính là phục vụ việc đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống thông qua công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật. Chất lượng của công tác xây dựng pháp luật sẽ quyết định chất lượng của thể chế và khi có thể chế tốt, thể chế hiệu quả thì mới thực hiện được nhiệm vụ, định hướng lớn về công tác lập pháp, giúp chúng ta thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng XIII đã đề ra. Đây là công việc hết sức khó khăn đòi hỏi sự kiên nhẫn, nghiên cứu, đầu tư công sức trí tuệ lớn,… đòi hỏi sự nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ lập pháp được giao với chất lượng tốt nhất, đảm bảo tiến độ và thời hạn, trên cơ sở đó, triển khai thực hiện một cách đầy đủ, toàn diện đường lối chủ trương của Đảng, đưa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng thành pháp luật và triển khai thực hiện có như vậy mới giúp thúc đẩy sự phát triển xã hội, hoàn thành những định hướng phát triển đất nước, những nhiệm vụ trọng tâm và những đột phá chiến lược được đề ra trong Văn kiện Đại hội XIII.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng!