PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN KHẮC ĐỊNH DỰ VÀ CHỈ ĐẠO PHIÊN HỌP TOÀN THỂ LẦN THỨ 5 CỦA UỶ BAN PHÁP LUẬT

01/04/2022

Sáng ngày 01/4 tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Pháp luật tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 5 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu chỉ đạo Phiên họp.

 


Toàn cảnh Phiên họp lần thứ 5 của Ủy ban Pháp luật.

Tham dự Phiên họp còn có Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành và các Ủy viên Ủy ban cùng đại diện lãnh đạo một số Ủy ban của Quốc hội; đại diện lãnh đạo một số Bộ, ngành có liên quan.

Phát biểu khai mạc Phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành nêu rõ: Ngay sau khi nhận được các Tờ trình của Chính phủ và hồ sơ Chính phủ trình, Ủy ban Pháp luật đã chuyển toàn bộ hồ sơ lên trang thông tin nội bộ của Văn phòng Quốc hội để Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội có thể cập nhật, nghiên cứu. Đồng thời, đã gửi văn bản tới Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban Quốc hội đề nghị các cơ quan, tổ chức nghiên cứu, thẩm tra và có văn bản tham gia thẩm tra gửi về Ủy ban Pháp luật. Trên cơ sở kết quả tổ chức nghiên cứu của Thường trực Ủy ban Pháp luật và ý kiến tham gia thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã xây dựng dự thảo báo cáo thẩm tra bước đầu để phục vụ cho phiên họp Thẩm tra.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành cho biết, theo quy trình sau Phiên họp toàn thể thì Ủy ban Pháp luật sẽ có báo cáo thẩm tra Tờ trình để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến trong tháng 4/2022. Trên cơ sở kết quả phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Pháp luật sẽ có trách nhiệm giúp Ủy ban thường vụ Quốc hội lập dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh để trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ Ba sắp tới. Do đó, đề nghị các đại biểu tích cực phát biểu thẳng thắn, chỉ ra những điểm được, chưa được và nêu rõ quan điểm đánh giá về các dự án luật được đề xuất xây dựng. 

Tại Phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cho biết, thực hiện quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tư pháp ngay từ đầu năm và hằng tháng có văn bản đôn đốc các bộ chủ động lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh để đề xuất đưa vào Chương trình năm 2023, điều chỉnh Chương trình năm 2022.


 Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu.

Để bảo đảm chất lượng, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tư pháp tổ chức họp với các bộ để nắm tình hình, đôn đốc, hướng dẫn nghiệp vụ trong việc lập đề nghị xây dựng các dự án luật; tổ chức làm việc trực tiếp với pháp chế các bộ với sự tham gia của đại diện các đơn vị xây dựng pháp luật thuộc Bộ Tư pháp. Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội để đôn đốc và trao đổi, thảo luận về việc lập đề nghị về Chương trình năm 2023, điều chỉnh Chương trình năm 2022. Ngày 30/12/2021, Bộ Tư pháp đã tổ chức họp với đại diện Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ và đại diện các bộ để trao đổi, thảo luận thống nhất một số vấn đề đối với Đề nghị của Chính phủ về Chương trình năm 2023, điều chỉnh Chương trình năm 2022. Tại Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật ngày 16/02/2022, Chính phủ đã thảo luận cho ý kiến và thông qua đối với đề nghị về Chương trình năm 2023, điều chỉnh Chương trình năm 2022.

Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội có nhiều đổi mới trong hoạt động lập pháp

Đề cập thẩm tra về Chương trình, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Trần Thị Kim Nhung cho rằng, về tình hình thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, Ủy ban Pháp luật nhận thấy, mặc dù là giai đoạn chuyển giao nhiệm kỳ, nhưng công tác lập và triển khai thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh tiếp tục có những cải tiến, đổi mới thiết thực, hiệu quả. Công tác phối hợp giữa các cơ quan của Chính phủ, Quốc hội và cơ quan, tổ chức có liên quan ngày càng chặt chẽ, hiệu quả và kịp thời hơn. Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội có nhiều đổi mới trong hoạt động lập pháp; số lượng các văn bản luật, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội được xem xét, thông qua ngày càng tăng, chất lượng ngày càng được nâng cao; đặc biệt là kịp thời xem xét, thông qua các luật, nghị quyết phục vụ công tác phòng, chống dịch Coivd-19 và phục hồi kinh tế, tháo gỡ điểm nghẽn, nút thắt về thể chế.


Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Trần Thị Kim Nhung đề cập về thẩm tra về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.

Tuy nhiên, công tác lập và triển khai thực hiện Chương trình vẫn còn những hạn chế, bất cập, trong đó có việc điều chỉnh Chương trình khá nhiều, chậm gửi hồ sơ dự án, dự thảo đến cơ quan thẩm tra, Ủy ban Thường vụ, Quốc hội, đại biểu Quốc hội đã gây khó khăn, bị động cho công tác thẩm tra, cho ý kiến, xem xét, quyết định. Dẫn đến những hạn chế nêu trên, nguyên nhân chủ yếu là do tổ chức thực hiện chưa tốt; kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật chưa thật nghiêm. Trong đề nghị xây dựng luật, một số cơ quan được giao chủ trì chuẩn bị chưa thực sự chủ động, thiếu sự quan tâm, đầu tư thoả đáng… Đây là những hạn chế, bất cập và nguyên nhân đã được chỉ ra nhiều lần, nhiều báo cáo của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhưng đến nay vẫn chậm được khắc phục.

Về điều chỉnh Chương trình năm 2022, Chính phủ đề nghị điều chỉnh 15 dự án luật (trong đó 6 dự án tại Kỳ họp thứ Ba và 9 dự án tại Kỳ họp thứ Tư). Với ý kiến của các cơ quan của Quốc hội, sau khi điều chỉnh, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 là tại Kỳ họp thứ Ba trình Quốc hội thông qua 5 dự án luật, 2 Nghị quyết và cho ý kiến 6 dự án luật. Tại Kỳ họp thứ Tư trình Quốc hội thông qua 6 dự án luật và cho ý kiến 5 dự án luật.

Về dự kiến Chương trình năm 2023, Chính phủ đề nghị đưa vào 15 dự án luật, sau khi thẩm tra, dự kiến tại Kỳ họp thứ Năm (tháng 5/2023), Quốc hội thông qua 4 dự án luật đã được cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Tư và dự thảo Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, cho ý kiến 6 dự án luật khác. Tại Kỳ họp thứ Sáu (tháng 10/2023) thông qua 6 dự án luật đã được cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Năm và cho ý kiến 4 dự án luật.

Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ quan tâm, chỉ đạo các cơ quan khẩn trương hoàn thiện hồ sơ nhiều dự án luật cụ thể để đưa vào Chương trình nhằm kịp thời thể chế hóa các nghị quyết Trung ương, kết luận, chỉ đạo của Bộ Chính trị; hoàn thành các nhiệm vụ lập pháp trong Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV.

Cần bám sát định hướng chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội Khóa XV

Phát biểu chỉ đạo Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, cách trình và thẩm tra Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm nay cơ bản giống như các năm trước đây. Tuy nhiên, không phải Chính phủ trình cái gì thì Quốc hội xem cái đó mà phải có cách nhìn rộng hơn.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, đánh giá về tình hình thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021; điều chỉnh năm 2022 và Chương trình năm 2023 phải đặt trong bối cảnh năm 2021 là năm chuyển giao nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV và Khóa XV thì chỉ rõ trong công tác xây dựng luật, pháp lệnh có thuận lợi, khó khăn gì? Có bảo đảm sự liên tục, nhịp nhàng không?

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, năm 2021 là năm đầu tiên của nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV và cũng là năm đầu tiên thực hiện Đề án định hướng chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội Khóa XV theo Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị. Do đó đề nghị, cần đánh giá, đối chiếu với định hướng nêu trên để vận dụng vào điều chỉnh, bổ sung Chương trình năm 2022, năm 2023 cho hợp lý. Việc tiếp tục điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, xây dựng Chương trình năm 2023 đã bám sát thực tế hay chưa khi Tờ trình của Chính phủ chưa nêu rõ; đối chiếu với 137 nhiệm vụ lập pháp của Quốc hội Khóa XV thì năm 2024, 2025 có thực hiện hết được không?

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng đề nghị, nếu Tờ trình của Chính phủ thiếu thì Ủy ban Pháp luật phải đề nghị Quốc hội giao cho Chính phủ khẩn trương chuẩn bị, giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh, bổ sung Chương trình khi Chính phủ chuẩn bị xong. Nếu thiếu thời gian, phải kiến nghị Quốc hội tổ chức kỳ họp chuyên đề về xây dựng pháp luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội cần so sánh, đối chiếu với Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị; Kế hoạch 81 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV; Quyết định số 2114/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV và Kế hoạch của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban để xem xét cần thực hiện công việc gì tiếp theo; cảnh báo những khó khăn, đề xuất những giải pháp nhằm thực hiện tốt và hoàn thành công tác xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội Khóa XV.


Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Thị Mai Phương phát biểu tại Phiên họp.

Tại Phiên họp, các Ủy viên các Ủy ban của Quốc hội, đại biểu Quốc hội đã cho ý kiến về chương trình xây dựng luật về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022. Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, việc điều chỉnh dự án Luật Đất đai phải phù hợp và có sự thống nhất, tránh chồng chéo với các luật liên quan như: Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi)

Đối với dự án Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội, Ủy viên các Ủy ban của Quốc hội nêu quan điểm là việc bổ sung dự án Luật này cần có sự liên quan với Luật Bảo hiểm xã hội, tình hình dịch bệnh Covid-19.

Cũng tại Phiên họp, các Ủy viên các Ủy ban của Quốc hội cũng cho ý kiến về Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Hợp tác xã (sửa đổi) và đề nghị bổ sung các dự án Luật này vào Chương trình năm 2022, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5...

Trong khuôn khổ Phiên họp, đại diện lãnh đạo các Bộ Y tế, Bộ Xây dựng cũng đã trao đổi, làm rõ thêm các ý kiến đóng góp, đề xuất của đại biểu Quốc hội, thành viên các Ủy ban.


Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành phát biểu kết luận Phiên họp.

Phát biểu kết luận Phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành cho biết, kết thúc Phiên họp, có 15 ý kiến của thành viên các Ủy ban của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, đại diện lãnh đạo Bộ ngành phát biểu cho ý kiến về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022. Các ý kiến đóng góp cho Chương trình đều trên tinh thần xây dựng, trách nhiệm cao với.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành yêu cầu Bộ Tư pháp tiếp thu ý kiến của các đại biểu, các Ủy ban để Ủy ban Pháp luật thẩm tra kỹ lưỡng, hoàn thiện đối với Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét./.

** Cổng Thông tin Điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại Phiên họp:


Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội Lò Thị Việt Hà đóng góp ý kiến đối với Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi).

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, ngân sách Vũ Tuấn Anh nêu quan điểm tại Phiên họp.


Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên.


Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy.


Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang bày tỏ quan điểm.


Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh làm rõ ý kiến của các đại biểu về một số dự án Luật.

Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường giải thích rõ hơn ý kiến của các đại biểu tham dự Phiên họp.


Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn giải trình thêm ý kiến của các đại biểu về Luật Khám bệnh chữa bệnh, Luật Bảo hiểm Y tế (sửa đổi)


 Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành phát biểu kết luận Phiên họp. 

Bích Lan - Minh Thành