Ủy ban Pháp luật thẩm tra dự thảo Nghị quyết thành lập và quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.
Tham dự phiên họp còn có Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc; Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Phó trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh, các Phó Chủ nhiệm và Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật tại trung tâm điều hành Quốc hội điện tử; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các thành viên khác của Ủy ban Pháp luật tham gia họp trực tuyến.
Kiện toàn tổ chức và hoạt động của bộ máy giúp việc phục vụ Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh
Trình bày dự thảo Nghị quyết thành lập và quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu, tổ chức của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc – Trưởng Ban soạn thảo Nghị quyết, cho biết dự thảo Nghị quyết quy định Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân là cơ quan tương đương cấp Sở, có chức năng tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của các đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tại địa phương và các đại biểu Hội đồng nhân dân, Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.
Nhiệm vụ và quyền hạn của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh là cơ quan tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của các đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội tại địa phương.
Về cơ cấu, tổ chức, dự thảo Nghị quyết xây dựng theo hướng Văn phòng có cơ cấu tổ chức chặt chẽ, hợp lý, đủ điều kiện để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Cụ thể, Văn phòng có có Chánh Văn phòng và không quá 3 Phó Chánh Văn phòng. Văn phòng có 4 phòng gồm Phòng Công tác Quốc hội, Phòng Công tác Hội đồng nhân dân, Phòng Hành chính - Tổ chức - Quản trị và 01 phòng do Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh sau khi thống nhất với Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội quyết định.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc – Trưởng Ban soạn thảo, trình bày dự thảo Nghị quyết thành lập và quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu, tổ chức của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh,
Biên chế của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân nằm trong tổng biên chế hành chính của địa phương, do địa phương quyết định trên cơ sở vị trí việc làm và không vượt quá số lượng biên chế của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Văn phòng Hội đồng nhân dân được cấp có thẩm quyền giao trước khi hợp nhất.
Dự thảo Nghị quyết xây dựng theo hướng kinh phí hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội do Văn phòng Quốc hội đảm bảo còn kinh phí hoạt động của Hội đồng nhân dân và Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân nằm trong kinh phí của địa phương. Chánh Văn phòng chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện, quản lý và là chủ tài khoản của 2 nguồn kinh phí của Trung ương và địa phương. Văn phòng Quốc hội sẽ ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về việc sử dụng và quản lý kinh phí hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội do Trung ương bảo đảm.
Dự thảo Nghị quyết dự kiến có hiệu lực từ ngày 01/01/2021, cùng thời điểm hiệu lực của Luật Tổ chức Quốc hội đã được sửa đổi, bổ sung năm 2020 để thuận tiện và kịp thời trong việc triển khai, tổ chức thực hiện.
Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu cơ bản tán thành với sự cần thiết, mục đích và quan điểm chỉ đạo xây dựng Nghị quyết quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh như đã nêu trong Tờ trình của Văn phòng Quốc hội. Nhấn mạnh, việc ban hành Nghị quyết này là thực sự cần thiết nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương của Đảng về sắp xếp tổ chức bộ máy, kịp thời triển khai Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương vừa được Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều; đồng thời nhằm tiếp tục sắp xếp, kiện toàn tổ chức và hoạt động của bộ máy giúp việc phục vụ Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ở địa phương.
Cân nhắc thẩm quyền thành lập Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân
Các đại biểu cũng đặt ra nhiều vấn đề cần cân nhắc như thẩm quyền thành lập Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Một số ý kiến tán thành với dự thảo Nghị quyết giao Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định sau khi thống nhất với Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội. Theo loại ý kiến này, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa cho rằng việc thành lập Văn phòng này thực hiện theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội và giao địa phương tổ chức thực hiện thì nên để Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định sẽ nhanh gọn trong quy trình thủ tục.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phạm Trí Thức phát biểu tại phiên họp.
Một số ý kiến khác cho rằng nên giao thẩm quyền thành lập Văn phòng cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh sau khi thống nhất ý kiến với Đoàn Đại biểu Quốc hội ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Lý giải cho đề nghị này, các đại biểu cho rằng, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có vị trí quan trọng trong tổ chức bộ máy của chính quyền địa phương cấp tỉnh, nên giao cho Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập Văn phòng là chưa thực sự phù hợp, chưa đề cao vai trò của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh - cơ quan quyền lực nhà nước địa phương, có thẩm quyền quyết định những vấn đề quan trọng liên quan đến tổ chức bộ máy, biên chế và ngân sách của địa phương.
Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa Lê Xuân Thân cho rằng dự thảo Nghị quyết xác định Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh là cơ quan tương đương cấp sở do đó việc giao cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập là đúng thẩm quyền; đồng thời khẳng định vị trí pháp lý, vai trò của Văn phòng trong tổ chức bộ máy chính quyền địa phương.
Cùng quan điểm, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam Phan Thái Bình nêu rõ Thường trực Hội đồng nhân dân không có thẩm quyền thành lập cơ quan nên giao cho Thường trực Hội đồng nhân dân thành lập Văn phòng là không hợp lý; đồng thời lưu ý việc thành lập Văn phòng, quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn cần bám sát quy định của Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa Lê Xuân Thân phát biểu góp ý qua hệ thống trực tuyến.
Ngoài ra, tại phiên họp nhiều vấn đề còn có ý kiến khác nhau như về số lượng các phòng thuộc Văn phòng, số lượng các Phó trưởng phòng; việc quy định nhiệm vụ quyền hạn nên thiết kế theo hướng xác định rõ việc nào là tham mưu giúp việc chung, việc nào tham mưu giúp việc riêng cho lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, việc nào giúp việc cho các đại biểu trong Đoàn hay Thường trực Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân…; vấn đề kinh phí hoạt động; về hiệu lực thi hành và điều khoản chuyển tiếp.
Kết luận nội dung thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nên rõ, Ủy ban Pháp luật đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, sự chuẩn bị của Ban soạn thảo, các cơ quan hữu quan trong việc chuẩn bị Hồ sơ dự thảo Nghị quyết đầy đủ, kỹ lưỡng.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng kết luận nội dung phiên họp.
Về các nội dung cụ thể, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, qua thảo luận Ủy ban Pháp luật cơ bản nhất trí với nhiều nội dung của dự thảo Nghị quyết, tuy nhiên còn một số vấn đề còn ý kiến khác nhau sẽ được thể hiện theo hai phương án để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét.
Theo đó, về tên gọi của Nghị quyết có ý kiến tán thành với tên gọi của dự thảo Nghị quyết như trong Tờ trình của Văn phòng Quốc hội; cũng có ý kiến đề nghị xác định tên gọi của Nghị quyết là “Nghị quyết về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh” (bỏ cụm từ “thành lập”) để thể hiện đúng tính chất và nội dung của Nghị quyết.
Về thẩm quyền thành lập Văn phòng, nhiều ý kiến đề nghị quy định giao Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cũng có ý kiến cho rằng nên giao cho Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định. Về cơ cấu tổ chức, số lượng các phòng trực thuộc Văn phòng, đa số ý kiến tán thành với phương án quy định có 3 phòng cứng (gồm Phòng Công tác Quốc hội, Phòng Công tác Hội đồng nhân dân, Phòng Hành chính - Tổ chức - Quản trị) và 1 phòng mềm do địa phương quyết định. Điều này thể hiện các mảng hoạt động chính cũng như tạo sự chủ động linh hoạt cho chính quyền địa phương quyết gắn với tình hình thực tiễn.
Về hiệu lực văn bản, Ủy ban Pháp luật thống nhất với việc quy định Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 để bảo đảm thống nhất với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; đồng thời lưu ý về điều khoản chuyển tiếp để xử lý các vấn đề thực tiễn./.