Trưng cầu ý dân - xuất phát từ người dân và hợp với lòng dân

23/06/2015

Chiều 23/6, thảo luận tại Hội trường về phạm vi trưng cầu ý dân trong dự thảo Luật trưng cầu ý dân, một số ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, vấn đề quan trọng của đất nước phải do toàn dân quyết định, do đó ủng hộ phạm vi trưng cầu chỉ nên thực hiện trên cả nước. Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác cũng đề nghị phải thực hiện ở cả cấp địa phương, khu vực hay cơ sở bởi sẽ phản ánh đúng nguyện vọng, mong muốn của người dân địa phương đối với chính sách của nhà nước.

Đại biểu Trần Xuân Hòa-Quảng Ninh                                                                                                    Ảnh: Văn Bình

Vấn đề quan trọng của đất nước phải do toàn dân quyết định

Theo đại biểu Trần Xuân Hòa-Quảng Ninh, Hiến pháp năm 2013 quy định thẩm quyền quyết định trưng cầu ý dân là của Quốc hội, đồng thời những vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân phải là những vấn đề về Hiến pháp và những vấn đề quan trọng của đất nước, có ý nghĩa tầm quốc gia. Trưng cầu ý dân mặc dù là hoạt động không thường xuyên, nhưng việc tổ chức trưng cầu ý dân theo quy định của dự thảo Luật cũng rất chặt chẽ. Kết quả của cuộc trưng cầu ý dân có giá trị quyết định.

Do đó, đại biểu cho rằng, các cuộc trưng cầu ý dân phải được thực hiện trên phạm vi cả nước. Không nên tổ chức trưng cầu ý dân ở một địa phương hay phạm vi, khu vực nhất định. Vấn đề quan trọng của đất nước phải do toàn dân quyết định, không để một bộ phận người dân ở khu vực hay địa phương quyết định. Những vấn đề cụ thể mang tính địa phương hoặc khu vực thì áp dụng hình thức lấy ý kiến nhân dân theo quy định của một số văn bản pháp luật hiện hành.

Đại biểu Trần Hồng Thắm-Cần Thơ                                                                                                            

Đồng tình với ý kiến trên, các đại biểu Trần Hồng Thắm-Cần Thơ, Trần Ngọc Vinh-Hải Phòng, Bùi Văn Xuyền-Thái Bình, Hà Minh Huệ-Bình Thuận cũng cho rằng phạm vi trưng cầu ý dân được thực hiện trên cả nước là phù hợp với quy định của Hiến pháp. Trưng cầu ý dân phải là những vấn đề có ý nghĩa ở tầm quốc gia, đưa ra để toàn thể nhân dân quyết định. Còn những vấn đề mang tính địa phương hoặc khu vực thì áp dụng hình thức lấy ý kiến nhân dân trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định.

Theo các đại biểu, các vấn đề liên quan đến đời sống nhân dân ở một số địa phương hoặc vùng lãnh thổ nhất định, hiện pháp luật đã quy định cơ chế bảo đảm có sự tham gia ý kiến của người dân trực tiếp chịu tác động. Ví dụ việc lấy ý kiến của nhân dân địa phương trong trường hợp nhập, chia, điều chỉnh địa giới hành chính, lấy ý kiến nhân dân về xây dựng các công trình kinh tế trọng điểm hay việc tham gia vào các dự án Bộ luật dân sự, Luật đất đai...

Bổ sung vào quan điểm này, đại biểu Đinh Xuân Thảo-Hà Nội cho rằng, do đặc thù nước ta là một nước đơn nhất, một nước thống nhất, không phải là một nước liên bang. Vì vậy, việc trưng cầu ý dân trên phạm vi cả nước là phù hợp.

Còn những vấn đề sống còn, bức xúc của địa phương, khu vực?

Bên cạnh luồng ý kiến đại biểu Quốc hội ủng hộ việc trưng cầu ý dân trên phạm vi cả nước thì một số ý kiến khác cho rằng, phạm vi trưng cầu ý dân nên được thực hiện ở cả tầm quốc gia, ở địa phương, cơ sở hoặc trường hợp đặc biệt là cả ở nước ngoài.

Đại biểu Đỗ Ngọc Niễn-Bình Thuận                                                                                                           

Đại biểu Đỗ Ngọc Niễn-Bình Thuận cho rằng, tính chất và hệ quả pháp lý của hình thức lấy ý kiến nhân dân hoàn toàn khác so với hình thức trưng cầu ý dân. Trưng cầu ý dân được tổ chức theo quy trình, thủ tục chặt chẽ, kết quả có giá trị quyết định còn việc lấy ý kiến nhân dân được thực hiện một cách đơn giản, kết quả không có giá trị quyết định, chỉ là những thông tin tham khảo, quyền quyết định thuộc về các cơ quan có thẩm quyền.

Đại biểu nhận định, “như vậy là không công bằng và quyền thực thi dân chủ trực tiếp của người dân, của địa phương không được coi trọng. Mặc dù, những vấn đề đặt ra có thể là những vấn đề sống còn, bức xúc của địa phương, khu vực như: sự an toàn hồ đập, thủy điện, thủy lợi, an toàn hạt nhân, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, nhập, chia các đơn vị hành chính...”.

Do đó, đại biểu đề nghị phạm vi trưng cầu ý dân phải được thực hiện ở cả tầm quốc gia và địa phương. Đồng thời, đề nghị bổ sung thêm điều luật để người dân có quyền đưa ra sáng kiến về nội dung và phạm vi trưng cầu ý dân.

Theo đại biểu Lê Văn Lai-Quảng Nam, có thể áp dụng việc trưng cầu ý dân trên phạm vi cả nước và địa phương. Bởi vì, thứ nhất, địa vị pháp lý của việc hỏi ý kiến nhân dân khác với trưng cầu ý dân.

Thứ hai, có những vấn đề không thuộc phạm vi quốc gia nhưng cũng không thuộc phạm vi của một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương mà thuộc phạm vi của nhiều đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương. Do đó, nếu trưng cầu ý dân trên phạm vi cả nước thì kết quả phản ánh không đúng tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Nếu không trưng cầu ý dân thì ai đứng ra chủ trì bởi việc này liên quan đến nhiều địa phương.

Thứ ba, việc đưa một chủ trương chỉ liên quan đến những địa phương cụ thể, với hoàn cảnh địa lý, lịch sử, văn hóa cụ thể nhưng lại xin ý kiến 63 tỉnh, thành. Như vậy sẽ dẫn đến việc quyết định vấn đề không sát, không được thỏa đáng và còn ý kiến khác nhau.

Đại biểu Nguyễn Thanh Thụy-Bình Định                                                                                                        

Đồng tình với ý kiến trên, đại biểu Nguyễn Thanh Thụy-Bình Định đề nghị, cần có quy định mở rộng theo hướng: trong trường hợp cần thiết, Quốc hội quyết định trưng cầu ý dân ở một hoặc một số tỉnh trực thuộc trung ương về vấn đề thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội mà vấn đề đó tác động trực tiếp đến các địa phương. Theo đại biểu, kết quả trưng cầu ý dân trong trường hợp này phản ánh đúng nguyện vọng, mong muốn của người dân địa phương đối với chính sách của nhà nước. Đồng thời, phản ánh đúng bản chất của trưng cầu ý dân là đảm bảo chủ trương, chính sách của nhà nước, xuất phát từ người dân và hợp với lòng dân.

Đại biểu Nguyễn Văn Phúc-Hà Tĩnh cũng cho rằng, theo kinh nghiệm của các nước trên thế giới thì trưng cầu ý dân được thực hiện ở phạm vi toàn quốc, phạm vi địa phương và phạm vi cơ sở. Đôi khi ở các nước, trưng cầu ý dân trên phạm vi địa phương, cơ sở nhiều hơn phạm vi toàn quốc. Ví dụ: Canada có 3 cuộc trưng cầu ý dân phạm vi cả nước, nhưng có 43 cuộc ở các cấp dưới. Do đó, đại biểu đề nghị cần xem xét, làm rõ lại vấn đề này để phạm vi trưng cầu ý dân có thể trên cả nước, địa phương và cơ sở.

Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng-Thái Nguyên                                                                                                         

Ở một góc độ khác, theo đại biểu Đỗ Mạnh Hùng-Thái Nguyên, cần bổ sung quy định về việc công dân Việt Nam đang sinh sống, học tập, công tác, lao động ở nước ngoài hay kể cả những đối tượng đang bị tạm giữ, tạm giam cũng được tham gia bỏ phiếu việc trưng cầu ý dân. Đồng thời đại biểu cũng đề nghị trong quá trình từ nay đến Kỳ họp thứ 10 cần có nhiều hình thức để tăng cường lấy ý kiến người dân trực tiếp xây dựng dự thảo luật này.

Phát biểu kết luận, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, đây là lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp, Quốc hội ban hành đạo luật về trưng cầu ý dân để thể chế hóa các Nghị quyết của Đảng, cụ thể hóa Hiến pháp 2013 và thực hiện chủ quyền, quyền dân chủ trực tiếp của nhân dân. Do đó, Phó chủ tịch đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo Ủy ban Pháp luật, Hội Luật gia Việt Nam, các cơ quan, tổ chức hữu quan rà soát lại, tổ chức thêm một số hội nghị, hội thảo hoặc tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách để cho ý kiến thêm về Dự án luật này.

Quang Minh