Khai mạc Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận một số nội dung trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 10

24/08/2015

Sáng 24/8, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luật một số nội dung trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIII. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì Hội nghị.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, trọng tâm của Kỳ họp thứ 10 tới là công tác xây dựng pháp luật nhằm tiếp tục triển khai thi hành Hiến pháp mới, trong đó Quốc hội sẽ xem xét thông qua 17 dự án luật và cho ý kiến vào 10 dự án luật khác, cũng như xem xét tình hình kinh tế xã hội 5 năm và của các năm tiếp theo.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, việc hoàn thiện các dự án luật quan trọng liên quan tới quyền con người, tổ chức bộ máy nhà nước trong các kỳ họp vừa qua và trong các kỳ họp còn lại của khóa XIII sẽ tạo cơ sở pháp lý vững chắc để thi hành Hiến pháp 2013. Do đó, để đảm bảo chất lượng các nội dung văn bản pháp luật, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội chuyên trách tập trung thảo luận cũng như tiếp tục góp ý hoàn thiện các dự thảo luật cho phù hợp với Hiến pháp năm 2013, bảo vệ quyền và lợi ích con người; đưa các luật vào cuộc sống, phát huy các giá trị thực tiễn.

Hội nghị đại biểu chuyên trách sẽ diễn ra trong 3 ngày, thảo luận về một số vấn đề lớn, còn có ý kiến khác nhau của 5 dự án luật gồm: dự án Bộ luật dân sự (sửa đổi), dự án Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, dự án Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi), dự án Bộ luật hình sự (sửa đổi), dự án Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi).

Tiếp đó, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Hội nghị thảo luận về Dự án Bộ luật dân sự (sửa đổi), trong đó tập trung vào một số nội dung như: chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự; trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong việc bảo vệ quyền dân sự; điều chỉnh hợp đồng do hoàn cảnh thay đổi cơ bản; lãi suất trong hợp đồng vay tài sản.

Giải quyết mọi tranh chấp dân sự là trách nhiệm của tòa án

Về trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong việc bảo vệ quyền dân sự được quy định tại điều 14 dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi), nhiều đại biểu tán thành việc cần có quy định về bảo vệ quyền dân sự thông qua cơ quan có thẩm quyền để thể chế Hiến pháp về việc bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Cụ thể, các đại biểu đề nghị, toà không được từ chối giải quyết tranh chấp dân sự với lý do không có điều luật quy định mà phải áp dụng tập quán, tương tự pháp luật và lẽ công bằng để xử lý.

Hoàn toàn tán thành quy định này của dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền-Lâm Đồng cho rằng, Tòa án là cơ quan xét xử, đảm bảo lẽ công bằng cho người dân. Do đó, Toà phải thụ lý các khiếu kiện của dân, tránh tình trạng để dân chạy lòng vòng mà cũng không giải quyết được vấn đề. Đại biểu đề nghị, Tòa phải có trách nhiệm thụ lý còn tòa tuyên ai thua thua, ai thắng là việc khác.

Tuy nhiên, bày tỏ băn khoăn về trình độ thẩm phán, nhất là thẩm phán Tòa án nhân dân cấp huyện, đại biểu Lê Nam-Thanh Hóa cho rằng, trong điều kiện nước ta hiện nay, nếu giao cho các thẩm phán quyền quyết định áp dụng các tập quán, tương tự pháp luật và lẽ công bằng để xử lý là chưa bảo đảm. Đại biểu Lê Nam đề nghị, nên giao cho Hội đồng thẩm phán, Tòa án nhân dân Tối cao có những tổng kết, quy định về cơ chế áp dụng tương tự pháp luật, lẽ công bằng trong xét xử để làm cơ sở thì sẽ bảo đảm được sự công bằng, thống nhất áp dụng trên toàn quốc. Đồng tình với ý kiến này, đại biểu Trương Minh Hoàng-Cà Mau đề nghị, quy định rõ cấp nào, ở đâu thừa nhận tập quán để các thẩm phán áp dụng. 

Phát biểu ý kiến về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh quan điểm, Hiến pháp đã giao cho toà thực hiện quyền tư pháp, quyền quyết định “đúng sai”, “phải trái”. Do đó, nếu dân đến kiện mà tòa từ chối với lý do chưa có điều luật quy định thì chẳng có trách nhiệm gì cả. Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, nhân dân đặt ra Nhà nước để giải quyết việc của dân, dân sự là việc cốt ở hai bên, nếu tự giải quyết được với nhau là tốt nhất nhưng trong trường hợp người dân không tự giải quyết được, thì tòa phải có trách nhiệm giải quyết.

Phải quy định một mức lãi suất trần

Về lãi suất trong hợp đồng vay tài sản, dự thảo Luật quy định "trường hợp các bên có thảo thuận về lãi suất thì lãi suất theo thảo thuận không được vượt quá 200% theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác". Một số đại biểu đề nghị làm rõ cơ sở của việc nâng mức lãi suất lên 200% lãi suất cơ bản và đề nghị không sử dụng lãi suất cơ bản làm tham chiếu. Tuy nhiên, cũng có đại biểu đề nghị không quy định điều này trong dự thảo.

Đại biểu Nguyễn Anh Sơn-Nam Định đề nghị, dứt khoát là phải có trần lãi suất thì sau này mới xử được những trường hợp vi phạm, phải căn cứ vào lãi suất để xử lý vấn đề cho vay nặng lãi, vấn đề là mức quy định nào là phù hợp, có nên đưa ra con số cố định hay không, nếu đưa con số cố định mà sau này lại sửa luật thì không nên. Đại biểu Lê Nam-Thanh Hóa đề nghị, ban soạn thảo làm rõ cơ sở của việc nâng mức lãi suất từ 150% theo quy định hiện hành lên 200% lãi suất cơ bản, đồng thời ban soạn thảo cần giải trình, làm rõ cơ sở của việc nâng lên này, nếu không đầy đủ lý lẽ thì giữ nguyên như hiện hành.

Cũng tại buổi thảo luận, nhiều đại biểu không tán thành việc bổ sung điều 435 về việc Tòa án được quyền điều chỉnh hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản. Đưa ra lý do cho việc không đồng tình, đại biểu Đỗ Văn Đương-TP.Hồ Chí Minh nhấn mạnh, bản chất của giao dịch dân sự là sự tự nguyện thỏa thuận giữa hai bên, do đó việc kí kết, sửa đổi hay chấm dứt cũng phải trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết của các bên, nếu đưa Tòa án vào sẽ thành quan hệ ba bên, không phù hợp với tính chất của giao dịch dân sự.

Nguyễn Phương- Hồ Hương