Tại kỳ họp thứ 9 vừa qua, thảo luận về vấn đề này, nhiều đại biểu còn băn khoăn về vị trí của Viện kiểm sát trong tố tụng dân sự, đây là cơ quan tiến hành tố tụng hay cơ quan tham gia tố tụng? Khi Viện kiểm sát tham gia vào phiên tòa dân sự thì Viện kiểm sát có quyền phát biểu quan điểm của mình về việc giải quyết liên quan đến nội dung vụ việc không, hay chỉ phát biểu về việc bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật tố tụng dân sự, tức là chỉ phát biểu về luật hình thức?
Về vấn đề này, Thường trực Ủy ban Tư pháp cho rằng, trong tố tụng dân sự, Viện kiểm sát không thực hành quyền công tố, không khởi tố vụ việc dân sự, không chủ trì thực hiện bất kỳ một giai đoạn tố tụng nào mà chỉ kiểm sát hoạt động tư pháp trong tố tụng dân sự. Viện kiểm sát là cơ quan kiểm sát việc giải quyết vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động; Kiểm sát viên, Kiểm tra viên là người thực hiện nhiệm vụ kiểm sát. Quy định như vậy sẽ rõ ràng về vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, bảo đảm cho Viện kiểm sát thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình.
Đại biểu Lê Đình Khanh phát biểu tại Hội nghị Ảnh: Đình Nam
Thảo luận tại hội nghị, đại biểu Lê Đình Khanh-Hải Dương đồng tình quan điểm của Ủy ban Tư pháp, nghĩa là trong vụ án dân sự thì Viện kiểm sát chỉ là một bên tham gia tố tụng và chỉ kiểm sát việc tuân thủ pháp luật của những người tham gia tố tụng. Đại biểu Trần Du Lịch-TP Hồ Chí Minh cũng ủng hộ phương án của luật rằng Viện kiểm sát chỉ kiểm sát về tư pháp và không can dự vào nội dung của quan hệ dân sự. Đại biểu Trần Du Lịch phân tích, hiện nay chủ trương của Đảng là xã hội hóa, thực chất là chúng ta bớt chuyện Nhà nước can thiệp vào các quan hệ dân sự và chỉ bảo đảm tuân theo pháp luật và vai trò của Viện kiểm sát như vậy là đúng, đủ và chúng ta không nên làm thay các quan hệ dân sự.
Ở quan điểm ngược lại, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền-Lâm Đồng đề nghị, Viện kiểm sát vẫn là cơ quan tiến hành tố tụng. Viện kiểm sát tham gia là thay mặt nhà nước. Mặc dù việc dân sự là cốt ở hai bên nhưng bởi vì những tranh chấp đã gửi đến Tòa là rất phức tạp. Do đó, nên cân nhắc và quy định Viện kiểm sát là cơ quan tiến hành tố tụng để giải quyết những vụ án phức tạp trong quan hệ xã hội dân sự.
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền phát biểu tại Hội nghị
Bày tỏ quan điểm về vị trí, vai trò của Viện kiểm sát , đại biểu Nguyễn Anh Sơn-Nam Định cho rằng, quan điểm chung của Ủy ban Tư pháp có sửa đổi rất cơ bản về vị trí, vai trò trong tham gia hoạt động tố tụng dân sự ở 3 khía cạnh: Thứ nhất là trước kia chúng ta quy định Viện kiểm sát là cơ quan tiến hành tố tụng, bây giờ quy định chỉ tham gia thôi.
Thứ hai, trước kia luật bắt buộc phải tham gia phiên tòa, Viện kiểm sát mà vắng mặt là không tiến hành, bây giờ thì quy định có cũng được, không có cũng được, phiên tòa vẫn tiến hành bình thường. Thứ ba, trước kia Viện kiểm sát phát biểu cả về hình thức, cả về nội dung những vấn đề đưa ra của phiên tòa, bây giờ quy định chỉ phát biểu chung chung về nhận xét, về quy trình, về thủ tục của cơ quan tiến hành tố tụng cũng như những bên tham gia tố tụng dân sự.
Đại biểu Nguyễn Anh Sơn đề nghị, Viện kiểm sát vẫn phải là một thành phần tiến hành hoạt động tố tụng. Quy định đó phải cụ thể, uyển chuyển, khác với việc chỉ tham gia vào hoạt động tố tụng. Đại biểu cũng cho rằng, sự tham gia của Viện kiểm sát chỉ làm tốt lên, làm cho pháp luật của chúng ta công khai, minh bạch, rõ ràng để bảo vệ được quyền lợi của những người tham gia tố tụng. Ý kiến phát biểu của Viện kiểm sát căn cứ vào các quy định của pháp luật, nhận xét cả về nội dung, hình thức tố tụng thì làm cho pháp luật của chúng ta rõ ràng hơn và trong chừng mực đó là Viện kiểm sát đóng vai trò bảo vệ quyền lợi của những người tham gia tố tụng.
Đại biểu Phạm Xuân Thường phát biểu tại Hôi nghị
Liên quan đến việc phát biểu của Viện kiểm sát, đại biểu Phạm Xuân Thường-Thái Bình cho rằng, Viện kiểm sát phát biểu quan điểm ở đây cũng là một kênh để tòa án xem xét, xem chúng ta giải quyết vụ án có phù hợp với quy định của pháp luật hay không, còn có chỗ nào cần thiết phải xem xét lại hay không. Việc này chỉ giúp tốt hơn cho Tòa án. Khi Viện kiểm sát phát biểu quan điểm của mình về nội dung vụ việc ấy thì nó cũng làm cho người dân hiểu hơn. Đến khi vụ án được xét xử thì người ta chấp hành nghiêm túc hơn, đúng hơn, họ an tâm hơn.
Kết thúc phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, về vị trí, vai trò của Viện kiểm sát, trong Hiến pháp vẫn khẳng định Viện kiểm sát có 2 chức năng là công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Vậy nếu như Viện kiểm sát chỉ là người tham gia tố tụng như những người tham gia tố tụng khác thì tại sao pháp luật của chúng ta lại trao cho Viện kiểm sát quyền kiến nghị, kháng nghị, yêu cầu xử lý. Nếu Viện kiểm sát bình đẳng với những người tham gia tố tụng như các bên thì làm sao Hiến pháp, Luật tố tụng, Luật tổ chức Viện kiểm sát chúng ta vừa thông qua lại trao cho Viện kiểm sát quyền như vậy. Hơn nữa, Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 đã sửa đổi vẫn khẳng định Viện kiểm sát là cơ quan tiến hành tố tụng. Với những lập luận, lý lẽ đó nên khẳng định Viện kiểm sát có vai trò là cơ quan tiến hành tố tụng trong dân sự.