Hình phạt tử hình có tính răn đe không nhiều

26/08/2015

Chiều 25/8, Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách lần thứ 7 đã có buổi làm việc thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi). Việc hạn chế hình phạt tử hình là một trong những nội dung lớn còn nhiều ý kiến khác nhau của dự thảo Luật.

Hạn chế hình phạt tử hình được xem xét dưới 3 khía cạnh là bỏ hình phạt tử hình ở một số tội danh; các trường hợp không áp dụng hình phạt tử hình và các trường hợp không áp dụng hình phạt tử hình.

Dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi) quy định bỏ hình phạt tử hình đối với 7 tội danh. Theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đa phần đại biểu Quốc hội và của Ủy ban Tư pháp tán thành với quy định này. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị không bỏ hình phạt tử hình đối với các tội chống phá loài người, phá hoại hòa bình, tội phạm chiến tranh; vận chuyển trái phép chất ma túy; tham nhũng… Nhóm ý kiến khác cho rằng cần bỏ hình phạt tử hình ở tất cả các tội tham nhũng; sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc phòng bệnh, chữa bệnh; các tội phạm kinh tế.

Về các trường hợp không áp dụng hình phạt tử hình, có ý kiến tán thành với quy định của dự thảo Bộ luật về các trường hợp không áp dụng hình phạt tử hình, trong đó có quy định không áp dụng hình phạt tử hình đối với người từ 70 tuổi trở lên. Một số ý kiến khác đề nghị không quy định loại trừ áp dụng hình phạt tử hình đối với người từ 70 tuổi trở lên. Một số ý kiến đề nghị bổ sung thêm các trường hợp không áp dụng hình phạt tử hình.

Thảo luận tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, nội dung quy định hạn chế hình phạt tử hình trong Bộ luật hình sự (sửa đổi) vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh phát biểu tại phiên họp                                                                         Ảnh: Đình Nam

Đại biểu Trần Ngọc Vinh-Hải Phòng cho rằng, cần phải nghiên cứu giảm các tội danh áp dụng hình phạt tử hình sao cho đạt được mức độ yêu cầu của xu hướng tiến bộ nhưng đối với một số tội danh cần giữ nguyên và xử lý nghiêm minh mới đử sức răn đe.

Đại biểu Bùi Ngọc Vinh cũng cho rằng, không nên giảm án tử hình với những người từ 70 tuổi trở lên. Bởi theo đại biểu, người ở lứa tuổi nào phạm tội cũng phải xử lý nghiêm minh theo pháp luật, đặc biệt những người 70 tuổi đã rất chín chắn và hiểu rõ mức độ nguy hiểm của hành vi. Chung quan điểm, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền - Lâm Đồng nhấn mạnh, quy định này cần phải được cân nhắc thêm.

Tán thành với ý kiến của đại biểu Vinh, đại biểu Phạm Xuân Thường-Thái Bình đề nghị không nên giảm các hình phạt tử hình mà vẫn giữ nguyên, nhưng quan trọng là áp dụng hình phạt tử hình đối với các loại tội phạm trong thực tiễn xét xử. Đại biểu Phạm Xuân Thường gợi ý thay vì giảm ám tử hình ở các tội có thể xảy ra trong tương lai thì có thể xử tử hình ít trong các vụ án cụ thể.

Trong khi đó, đại biểu Trần Văn Độ-An Giang chỉ ra rằng, hiện nay chưa có nghiên cứu nào khẳng định việc cứ áp dụng hình phạt tử hình là giảm được tội phạm. Dẫn ra một số ví dụ thực tiễn trong quá trình xét xử tội phạm, đại biểu Trần Văn Độ cho rằng tác dụng răn đe của hình phạt tử hình trên thực tế là không nhiều mà còn có nguy cơ tạo ra sự phạm tội nguy hiểm, đặc biệt nghiêm trọng.

Đại biểu Trần Văn Độ phát biểu tại phiên họp                                                                                                      

Đối với không thi hành án tử hình với người trên 70 tuổi, đại biểu Trần Văn Độ cho rằng, không nên căn cứ vào sức khỏe hay lý do nào khác để quy định mà đây đơn thuần là biện pháp nhân đạo của nhà nước. Đại biểu lập luận, thực tế xét xử các tội như tội phạm ma túy, giết người,... từ trước đến nay chưa tử hình người nào trên 70 tuổi, đồng thời, không áp dụng hình phạt tử hình không có nghĩa là được tha bổng mà còn hình phạt tù chung thân, tù có thời hạn.

Ngoài ra, đại biểu Trần Văn Độ cũng bày tỏ không tán thành với quy định không xét giảm án đối với người kết án tử hình được ân giảm xuống tù chung thân. Bởi, quy định như vậy không phát huy được tính giáo dục để người phạm tội trở thành người có ích cho xã hội và giáo dục người khác không phạm tội. Khẳng định, trừng trị chỉ là thuộc tính của hình phạt, chứ không phải mục đích của hình phạt, mục đích của hình phạt chính là giáo dục, là phòng ngừa, đại biểu đề nghị cần có sự cân nhắc trong quy định của dự thảo Bộ luật.

Đại biểu Trương Minh Hoàng-Cà Mau, đại biểu Trần Du Lịch- TP.Hồ Chí Minh, đại biểu Đỗ Văn Đương-TP.Hồ Chí Minh cũng có cùng quan điểm với đại biểu Trần Văn Độ. Đại biểu Đỗ Văn Đương nói thêm vấn đề quan trọng nhất là không phải là trừng phạt nặng hay nhẹ mà vấn đề là không một tội phạm nào thoát khỏi sự trừng phạt. Do đó, nên mạnh dạn bỏ 7 tội danh áp dụng hình phạt tử hình. Ngoài ra còn có thể nghiên cứu với một số tội phạm khác, nhất là những tội phạm liên quan đến chính trị nói chung nhằm giảm bớt áp lực trong xã hội dân chủ.

Bảo Yến