Giới hạn việc đặt tên, cần quy định cụ thể

25/06/2015

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII, chiều 25/6, Quốc hội đã có phiên thảo luận tại hội trường về Dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi). Nhiều đại biểu bày tỏ sự quan tâm về vấn đề giới hạn việc đặt tên trong Quyền đối với họ tên ( Khoản 3, Điều 26) được quy định trong dự thảo luật.

Đại biểu Triệu Thị Thu Phương- Bắc Kạn                                                                                                            Ảnh: Văn Bình

Đại biểu Triệu Thị Thu Phương- Bắc Kạn thể hiện sự đồng tình cao với quy định tại Khoản 3, Điều26: "Không đặt tên bằng số, bằng ký tự mà không phải chữ. Họ, tên của một người không quá 25 chữ cái". Đại biểu phân tích, thực hiện thi hành pháp luật ở nước ta trong thời gian qua cho thấy việc đặt họ, tên có nhiều trường hợp không phù hợp với tập quán, thuần phong mỹ tục của Việt Nam. Chẳng hạn như tên quá dài, không thuần Việt mà cơ quan đăng ký hộ tịch vẫn phải đăng ký, vì không có cơ sở pháp lý để từ chối. Mặt khác, cũng làm khó cho các cơ quan chức năng thực hiện việc cấp các giấy tờ liên quan như thẻ bảo hiểm y tế, giấy phép lái xe, chứng minh thư nhân dân… Do đó, việc luật sửa đổi lần này quy định như trên là phù hợp.

Nhất trí cao với quy định về giới hạn việc đặt tên tại Điều 26, đại biểu Khúc Thị Duyền-Thái Bình cho rằng, việc đặt tên dài, tên ngắn không ảnh hưởng tới vấn đề quốc phòng, vấn đề an ninh về trật tự an toàn xã hội và là quyền của nhân dân. Nhưng việc làm này cũng phải tuân theo quy định của pháp luật, cần phải có một thiết chế để cho cá nhân thực hiện quyền này. Theo đại biểu, pháp luật Việt Nam cũng phải quy định cụ thể về vấn đề này bởi vì, trên thực tế, ngay cả người Việt Nam đi ra nước ngoài sinh sống cũng phải tuân thủ theo pháp luật của nước sở tại trong vấn đề đặt tên.

Đại biểu Khúc Thị Duyền-Thái Bình                                                                                                                                  

Đại biểu Nông Thị Lâm-Lạng Sơn cũng đồng tình với quy định tại khoản 3, Điều 26 của dự thảo. Đại biểu phân tích, khái niệm về quyền con người không hẳn là quyền không giới hạn mà quyền con người là một tổng thể những quyền gắn bó với nhau trong mối tương quan biện chứng, đó là quyền cá nhân và quyền của dân tộc cộng đồng, quyền chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội, quyền của cá nhân phải đi đôi với nghĩa vụ đối với xã hội. Do vậy, dưới góc độ quản lý xã hội cần có những quy định để bảo đảm giảm thiểu được những vướng mắc trong thực tế do việc đặt tên.

Theo đại biểu, việc đặt tên quá dài, một mặt phức tạp cho công tác quản lý, một mặt phức tạp cho ngay cả người có tên đó trong đời sống, học tập. Đặc biệt, khi công nghệ số hóa phát triển, công dân phải sử dụng rất nhiều thẻ từ trong các giao dịch mà trường ký tự không đủ. Cùng với trường hợp đặt tên theo ký tự sẽ dễ gây ra sai sót, rắc rối cho chính người có tên đó. Do đó, dự thảo luật có thể quy định mở hơn là họ tên của một người không nên vượt quá 25 chữ cái để mang tính khuyến cáo cho người dân.

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh-Bình Định                                                                                                                                

Cho ý kiến về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh-Bình Định cho rằng, hiện nay chúng ta rất nhiều loại giấy tờ và các loại thẻ nhỏ, gọn để thực hiện các giao dịch dân sự và kiểm tra hành chính. Nếu họ, tên quá dài thì các giấy tờ trên không đủ chỗ để ghi đầy đủ họ và tên, nếu viết tắt sẽ gây nhầm lẫn, dẫn đến các giao dịch dân sự hay kiểm tra hành chính không chấp nhận được. Nếu không có giới hạn chữ cái đối với tên họ mà một người dân muốn đặt tên với 100 chữ cái thì cơ quan nhà nước có chấp nhận hay không? Hiện tại ở nước ta có tên dài 35 chữ cái, nước ngoài có tên lên đến 300 chữ cái. Để thuận tiện cho việc cung cấp giấy tờ cho người dân, tránh bớt rắc rối phát sinh cho chính họ và cá nhân, tổ chức khác trong giao dịch dân sự hay kiểm tra hành chính vì tên quá dài, đại biểu tán thành với quy định có giới hạn số chữ cái đối với họ và tên của cá nhân.

Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần làm rõ tính hợp lý tại sao lại giới hạn 25 chữ cái, mà không phải là giới hạn ở mức độ khác. Bên cạnh đó, còn quy định để đáp ứng nhu cầu họ, tên của người dân không hạn chế số chữ cái, nếu tên đó vì mục đích thể hiện nguồn gốc, hay thực hiện tâm nguyện chính đáng của người thân đã mất. Nếu quy định giới hạn số chữ cái đối với họ tên được chấp nhận.

Hồ Hương