SẼ TRÌNH UBTVQH XEM XÉT VIỆC BỔ SUNG VÀO CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG LUẬT, PHÁP LỆNH NĂM 2022 DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT THÍ ĐIỂM MÔ HÌNH TỔ CHỨC LAO ĐỘNG, HƯỚNG NGHIỆP, DẠY NGHỀ CHO PHẠM NHÂN NGOÀI TRẠI GIAM

16/12/2021

Sáng 16/12, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Thường trực Ủy ban Pháp luật họp phiên mở rộng thẩm tra đề nghị của Chính phủ về việc bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm mô hình tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam.

 

Cùng dự phiên họp còn có các Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Ủy viên thường trực, Ủy viên chuyên trách của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội. Về phía khách mời có Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng, đại diện lãnh đạo Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, đại diện lãnh đạo các cơ quan, tổ chức hữu quan.

 Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng trình bày Tờ trình của Chính phủ về đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội thí điểm mô hình tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam

Trình bày Tờ trình của Chính phủ về đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội thí điểm mô hình tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng nêu rõ, chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước ta trong xử lý người phạm tội nói chung và công tác thi hành án phạt tù nói riêng là nhằm giáo dục, cảm hóa, giúp đỡ người phạm tội trở thành người có ích cho xã hội. Xuất phát từ cơ sở pháp lý, chính trị, cơ sở thực tiễn, Chính phủ nhận thấy việc xây dựng Nghị quyết thí điểm mô hình tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam là cần thiết. Từ đó, tạo cơ sở pháp lý để thống nhất tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các trại giam trong giai đoạn hiện nay, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác thi hành án phạt tù, công tác chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng cho người chấp hành án xong án phạt tù trong thời gian tới. Đồng thời đánh giá tính hiệu quả của mô hình tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam, trên cơ sở đó đề xuất đưa quy định về vấn đề này vào pháp luật về thi hành án hình sự.

Về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Nghị quyết,Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng cho biết, Nghị quyết quy định thí điểm mô hình tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam gồm các nguyên tắc tổ chức thí điểm; trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt và thành lập Khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam; cơ chế quản lý, chi tiêu, điều kiện lựa chọn phạm nhân, cán bộ, chiến sỹ, tổ chức, cá nhân hợp tác với trại giam, ngành nghề tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề; công tác bảo đảm an ninh, an toàn giam giữ; chế độ chính sách cho phạm nhân, sử dụng kết quả lao động của phạm nhân; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam.

Chính phủ dự kiến số lượng trại giam thực hiện thí điểm không quá 25 trại giam thuộc Bộ Công an. Căn cứ vào nhu cầu sử dụng lao động của tổ chức, cá nhân, hợp tác, trại giam bố trí phạm nhân đưa ra lao động tuy nhiên không qua 20% tổng số phạm nhân trại giam quản lý. Thời gian thực hiện thí điểm là 05 năm.

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu đã tập trung cho ý kiến về sự cần thiết ban hành Nghị quyết thí điểm về vấn đề này, về phạm vi thí điểm, thời gian thí điểm, các tiêu chí thực hiện và các chính sách cụ thể trong dự thảo Nghị quyết.

Thường trực Ủy ban Pháp luật tổ chức phiên họp mở rộng

Theo đó, các đại biểu cơ bản thống nhất với sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm mô hình tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam. Do đó nhất trí với việc trình bổ sung nội dung này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng cho rằng việc tổ chức lao động cho phạm nhân khá đa dạng, phức tạp, liên quan đến nhiều quy định về các chế độ lao động, tiền công và các vấn đề bảo đảm điều kiện lao động khác của pháp luật về lao động, các cam kết quốc tế và hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Vì vậy để có cơ sở đầy đủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định, đề nghị Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo giải trình, làm rõ hơn các vấn đề nhất là sự phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Các đại biểu cũng đề nghị bổ sung hồ sơ dự thảo Nghị quyết theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật như ý kiến của các Bộ ngành; làm rõ và có đánh giá tác động một cách đầy đủ nguồn lực dự kiến thực hiện thí điểm, tính khả thi và hiệu quả của các chính sách, bổ sung kinh nghiệm quốc tế…

Có ý kiến đề nghị nghiên cứu thu hẹp phạm vi thí điểm thực hiện; nghiên cứu quy định rõ hơn về chế độ lao động, học nghề đối với phạm nhân ngoài trại giam bảo đảm tính đặc thù của hoạt động này, quy định cụ thể về quản lý, sử dụng nguồn thu từ hoạt động lao động của phạm nhân ngoài trại giam để bảo đảm phù hợp với các điều ước quốc tế, quyền và lợi ích hợp pháp của phạm nhân, tạo động lực khuyến khích phạm nhân tích cực lao động, học tập và cải tạo.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng kết luận nội dung phiên họp

Kết luận nội dung phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết qua thảo luận, các đại biểu nhất trí với sự cần thiết và cho rằng hồ sơ Chính phủ trình đủ điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 tại phiên họp thường kỳ tháng 1/2022.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu ý kiến của các đại biểu tại phiên họp để tiếp tục hoàn thiện hồ sơ. Theo đó, cần làm rõ yêu cầu thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, giải quyết các vấn phát sinh từ thực tiễn; lưu ý tổng kết việc thực hiện tổ chức lao động cho phạm nhân hiện nay; tính phù hợp với các điều ước quốc tế, hiệp định tự do thương mại thế hệ mới; làm rõ thêm các tiêu chí, việc áp dụng các tiêu chí để lựa chọn đơn vị thực hiện, phạm vi thí điểm; đánh giá tác động chính sách.

Bảo Yến - Nghĩa Đức

Các bài viết khác