UỶ BAN KINH TẾ HỌP PHIÊN TOÀN THỂ

03/06/2019

Cuối giờ chiều ngày 03/6, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Kinh tế họp phiên toàn thể thẩm tra dự thảo Nghị quyết thi hành Luật Quy hoạch; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật có liên quan đến quy hoạch và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh chủ trì cuộc họp.

Phát biểu khai mạc, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, ngày 31.5.2019, Ủy ban Kinh tế nhận được Tờ trình số 241/TTr-CP của Chính phủ, trình Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết về việc chuyển tiếp thi hành Luật Quy hoạch; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật có liên quan đến quy hoạch và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch. “Nếu không có gì thay đổi, chiều tối mai (ngày 4.6 – PV), UBTVQH sẽ họp, xem xét sự cần thiết ban hành Nghị quyết này và đưa vàoChương trình Kỳ họp thứ 7. Để chuẩn bị báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết, chúng tôi tổ chức họp phiên toàn thể và mời một số chuyên gia tham dự, góp ý kiến”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nói.

Trình bày Tờ trình 241, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư Nguyễn Văn Trung cho biết, trong quá trình thực hiện Luật Quy hoạch (có hiệu lực từ 1.1.2019) và các luật sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến quy hoạch đã phát sinhmột số vướng mắc.

Thứ nhất, một số quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021- 2030 đã triển khai lập trước ngày 1.1.2019 theo pháp luật chuyên ngành, hiện nay chủ yếu đang trong giai đoạn tổ chức lập, chưa được thẩm định (Quy hoạch không gian biển quốc gia, Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản quốc gia, Quy hoạch tài nguyên nước quốc gia, Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ quốc gia…). Nếu phải thực hiện theo Luật Quy hoạch, các quy hoạch này sẽ phải tổ chức lập, thẩm định lại, như vậy sẽ lãng phí nguồn lực và kéo dài thời gian lập.

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh chủ trì cuộc họp - Ảnh: Quang Khánh

Thứ hai, nội dung của các quy hoạch đã được quyết định hoặc phê duyệt trước ngày 1.1.2019 khác nhiều so với nội dung quy định tại Luật Quy hoạch, các luật và pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều có liên quan đến quy hoạch. Việc áp dụng Luật Quy hoạch để điều chỉnh các quy hoạch này sẽ mất nhiều thời gian so với trước, không bảo đảm sự linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành phát triển của các cấp, ngành trong giai đoạn cuối của kỳ quy hoạch hiện nay; nhất là việc điều chỉnh, bổ sung vào quy hoạch các dự án đầu tư cấp bách như dự án điện gió, điện mặt trời. Các quy định hiện hành cũng chưa đủ cơ sở pháp lý cho việc điều chỉnh nội dung các quy hoạch, nhất là việc bổ sung các dự án đầu tư trong khi quy hoạch mới chưa được ban hành, gây khó khăn trong điều hành phát triển của các ngành trong thời hạn quy hoạch và trong thời gian kéo dài.

Để giải quyết những vướng mắc này, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua theo trình tự rút gọn Nghị quyết thi hành Luật Quy hoạch; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật có liên quan đến quy hoạch và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch để cho phép: Hướng dẫn chuyển tiếp đối với các quy hoạch đã tổ chức lập, thẩm định trước ngày 1.1.2019; Kéo dài thời hạn áp dụng pháp luật chuyên ngành có liên quan đến quy hoạch để điều chỉnh và thực hiện các quy hoạch đã được quyết định hoặc phê duyệt trước ngày 1.1.2019, cho đến khi quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030 được phê duyệt hoặc quyết định theo Luật Quy hoạch và các luật sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến quy hoạch.

Tại cuộc họp, đa số đại biểu nhất trí với sự cần thiết phải ban hành Nghị quyết để có căn cứ pháp lý thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt các quy hoạch thời kỳ 2021 – 2030 đã tổ chức lập trước ngày Luật Quy hoạch có hiệu lực và điều chỉnh, tổ chức thực hiện các quy hoạch đã được phê duyệt trước ngày Luật Quy hoạch có hiệu lực, đặc biệt là việc bổ sung các dự án cần thiết, cấp bách để đáp ứng yêu cầu đất tư, phát triển của đất nước. Tuy nhiên, hồ sơ dự thảo Nghị quyết của Chính phủ còn sơ sài, chưa đánh giá rõ tác động của Nghị quyết, nhất là khi Nghị quyết này ảnh hưởng tới 93 luật, và cũng chưa đưa ra thời hạn thực hiện.

Bên cạnh đó, cũng có đại biểu chưa tán thành với việc ban hành Nghị quyết và cho rằng Chính phủ phải nhận trách nhiệm trong việc chậm ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Quy hoạch, từ đó dẫn đến phải đề xuất ban hành Nghị quyết này.

(Theo Báo Người đại biểu)