Giám sát thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010- 2015

30/05/2016

Ngày 30/5, Đoàn giám sát chuyên đề "Việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010- 2015 gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp" của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu dẫn đầu đã làm việc với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ngân hành Công Thương Việt Nam.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu phát biểu tại buổi làm việc

Báo cáo với Đoàn giám sát về kết quả thực hiện chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010- 2015, Lãnh đạo Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) cho biết, đến ngày 31/12/2015 dư nợ của toàn ngành Ngân hàng đạt 4.655.890 tỷ đồng; trong đó dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn đạt 843.972 tỷ đồng, chiếm 18,1% tổng dư nợ; riêng dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn của Agribank đạt 444.660 tỷ đồng, chiếm 52,7% trên tổng dư nợ cho vay trong lĩnh vực này của toàn Ngân hàng và chiếm 71% tổng dư nợ của Agribank.

Báo cáo của Ngân hàng Công thương Việt Nam (Viettinbank) cho biết, doanh số cho vay nông nghiệp nông thôn giai đoạn 2010- 2015 bình quân mỗi năm đạt 116 ngàn tỷ đồng, doanh số thu nợ bình quân năm là 113 ngàn tỷ đồng, dư nợ bình quân 70 ngàn tỷ đồng. Dự kiến đến hết tháng 5 năm 2016 dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn ước đạt 110 ngàn tỷ đồng, tăng trưởng gấp 2,6 lần so với năm 2010 và chiếm tỷ trọng 20% tổng dư nợ của VietinBank. Bên cạnh việc cung cấp vốn phát triển nông nghiệp, nông thôn, VietinBank cũng đã hỗ trợ khách hàng các kỹ năng về quản lý sản xuất kinh doanh, quản lý tài chính... Chất lượng tín dụng cho văn nông nghiệp, nông thôn của VietinBank ở mức tốt- tỷ lệ nợ xấu trong tầm kiểm soát từ 0,3%-1,9%. 

Lãnh đạo hai ngân hàng cho rằng, việc ban hành cơ chế, chính sách để thực hiện phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới đã mang lại nhiều thuận lợi cho quá trình triển khai các nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, trong triển khai thực hiện vẫn còn khoảng cách khiến cho hiệu quả của việc thực hiện các chính sách chưa cao như sự vào cuộc không đồng bộ của cấp ủy, chính quyền địa phương; sự phối hợp chưa ăn ý và nhịp nhàng của các Bộ, ban, ngành trong triển khai thực hiện...

Phát biểu tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn giám sát ghi nhận những đóng góp của các ngân hàng trong việc cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn. Các thành viên cho rằng, thông qua việc thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, cơ cấu kinh tế nông nghiệp ở từng địa phương có bước chuyển biến tốt, tạo điều kiện tiên quyết cho sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. 

Một số thành viên đoàn giám sát nêu lên hiện trạng doanh nghiệp lớn, tập đoàn, tổng công ty đầu tư cho nông nghiệp nông thôn còn ít do các chính sách hỗ trợ, thu hút chưa đủ hấp dẫn; sự liên kết vùng còn chưa chặt chẽ, chưa có chế tài ràng buộc nên chưa phát huy tác dụng và hiệu quả. Mô hình chuỗi giá trị liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, mặc dù được đánh giá là có nhiều ưu điểm nhưng thiếu sự phối hợp đồng bộ, bài bản giữa các ban, ngành...

Thay mặt Đoàn giám sát, phát biểu kết luận tại các buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, Trưởng Đoàn giám sát Nguyễn Văn Giàu ghi nhận những khó khăn, vướng mắc và những kiến nghị của Ngân hàng NN& PTNT và Ngân hàng Công thương Việt Nam nêu ra trong việc thực hiện các chương trình tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Những kiến nghị cụ thể của Agribank và VietinBank sẽ được Đoàn giám sát tiếp thu, tổng hợp để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đồng thời, đề xuất nhiều biện pháp và cách thức để các ngân hàng có thể góp phần hoàn thiện chính sách pháp luật về phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Đặng Mai