Vị trí, vai trò của nữ ĐBQH được ghi nhận và đánh giá cao
- Trên thế giới, phụ nữ có xu hướng tham gia ngày càng sâu rộng hơn vào đời sống chính trị - xã hội của các nước. Còn với Việt Nam thì sao, thưa bà?
- Đúng vậy! Bản đồ Phụ nữ tham chính năm 2019 của Cơ quan Phụ nữ Liên Hợp Quốc (UN Women) và Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) cho thấy, phụ nữ có xu hướng tham gia ngày càng sâu rộng hơn vào đời sống chính trị - xã hội của các nước. Ở Việt Nam, phụ nữ đã tham gia lãnh đạo từ rất sớm. Trong lịch sử, Bà Trưng, Bà Triệu đã lãnh đạo nhân dân đánh đuổi quân xâm lược để giành độc lập, tự do cho đất nước. Phát huy truyền thống đó, ngày nay nhiều phụ nữ tiếp tục giữ các vị trí lãnh đạo, quản lý đất nước và có nhiều đóng góp quan trọng cho tiến trình phát triển và hội nhập quốc tế. Báo cáo của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP) nhận định “Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là một trong những quốc gia có điểm sáng về bảo đảm thực hiện quyền bình đẳng giới và quyền tham chính của phụ nữ”.
Kết quả bầu cử Quốc hội năm 2016 cho thấy, tỷ lệ nữ ĐBQH Khóa XIV là 26,72%, cao nhất trong 2 nhiệm kỳ Quốc hội trở lại đây, cao hơn tỉ lệ trung bình của thế giới (22,8%) và đứng thứ 68 trên thế giới, thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á sau Timor Leste (38,46%), Philipines (27,96%) và Lào (27,52%). Số nữ ĐBQH giữ các trọng trách quan trọng trong các cơ quan của Quốc hội có xu hướng tăng lên. Lần đầu tiên có 3 nữ ĐBQH là Ủy viên Bộ Chính trị và cũng lần đầu tiên chúng ta có nữ Chủ tịch Quốc hội. Bên cạnh đó, chúng ta luôn có nữ Phó Chủ tịch Nước, Phó Chủ tịch Quốc hội trong nhiều khóa.
- Là một trong những nữ đại biểu Quốc hội (ĐBQH) của Quốc hội Khóa XIV, bà đánh giá thế nào về chất lượng của nữ đại biểu trong Quốc hội hiện nay?
- So với các giai đoạn trước, trình độ học vấn và chuyên môn của các nữ ĐBQH đã từng bước được cải thiện và nâng cao: 100% có trình độ đại học và đại học trở lên. Vị trí, vai trò của nữ ĐBQH trong hoạt động của Quốc hội được ghi nhận và đánh giá cao. Các nữ ĐBQH đã phát huy trí tuệ, kinh nghiệm công tác, dành nhiều thời gian, công sức nghiên cứu, tham gia tích cực và có trách nhiệm trong lĩnh vực xây dựng pháp luật, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.
Theo dõi trên nghị trường, có thể thấy, tại các phiên thảo luận kinh tế - xã hội, đơn cử như tại Kỳ họp thứ Hai (tháng 10.2016) đã có 86 lượt ý kiến phát biểu, trong đó ý kiến của đại biểu nữ là 19 (chiếm 22,10%); tương tự như vậy, tại Kỳ họp thứ Tư (2017) là 21/94 lượt ý kiến (22,34%) và Kỳ họp thứ Sáu (2018) là 21/88 (23,86%). Các con số này nói lên rằng, số lượng và tỷ lệ ý kiến của nữ ĐBQH qua các kỳ họp ngày càng tăng lên. Với 26,72% nữ ĐBQH trong tổng số ĐBQH thì các tỷ lệ 22,10% và 23,86% đã chỉ rõ, tuyệt đại bộ phận nữ ĐBQH đều đã hăng hái tham gia phát biểu, bày tỏ chính kiến của mình.
Bên cạnh đó, trong quá trình hoạt động của mình, các nữ ĐBQH chuyên trách đã có nhiều đề xuất, sáng kiến nhằm góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban thường vụ Quốc hội và các Đoàn đại biểu Quốc hội. Nhiều hoạt động của nữ đại biểu đã trở thành căn cứ thực tiễn để tiến hành sửa đổi quy định của pháp luật có liên quan.
Cần xóa bỏ những rào cản đối với phụ nữ tham chính
- Theo quan niệm truyền thống, phụ nữ vẫn được coi là phái yếu, vì vậy những việc nặng, khó nhọc nên dành cho phái mạnh. Quan niệm này có phù hợp với nữ ĐBQH không khi mà hoạt động dân cử là công việc không hề nhẹ nhàng, thưa bà?
- Có thể trong gia đình thì như vậy, việc nặng nam giới gánh vác, phụ nữ làm những việc nhẹ nhàng hơn. Nhưng ngoài xã hội, đặc biệt là trên chính trường thì nam giới và nữ giới đều bình đẳng trong thực thi nhiệm vụ. Chúng tôi chịu trách nhiệm như nhau trước nhân dân và trước cử tri của mình, tham gia công tác xây dựng pháp luật từ góc độ chuyên môn của mình, giám sát việc thực thi pháp luật ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương và cho ý kiến quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, những vấn đề mà nhân dân quan tâm.
Đối với các nữ ĐBQH chuyên trách thì nhiệm vụ còn nặng nề hơn vì bên cạnh nhiệm vụ của người đại biểu nhân dân, họ còn gánh vác thêm trọng trách của các Ủy ban chuyên môn của Quốc hội. Đó là chưa kể tới yếu tố giới gắn chặt các nữ đại biểu với thiên chức của người mẹ, người vợ, người con. Vì vậy, để hoàn thành cùng một nhiệm vụ, cùng một khối lượng công việc, trước yêu cầu ngày càng cao của Quốc hội, cũng như của cử tri, nam giới nỗ lực một thì nữ giới phải nỗ lực gấp nhiều lần mới có thể đảm đương tốt vai trò của mình và được thừa nhận. Đây cũng chính là một trong những rào cản đối với phụ nữ tham chính ở Việt Nam. Điều đó lí giải tại sao chúng ta đặt ra tỉ lệ ĐBQH nữ là 30% nhưng rất khó để đạt được. Chính vì vậy, tôi rất thích câu nói: “Đằng sau những người đàn ông thành đạt luôn có bóng dáng của những người phụ nữ, nhưng đằng sau những người phụ nữ thành công là cả một nghệ thuật”.
- Thực tế, phụ nữ cũng có lợi thế riêng để phát huy tiềm năng trong hoạt động chính trị và đảm nhận vai trò lãnh đạo, quản lý, thưa bà?
- Không thể phủ nhận những khả năng và “quyền lực mềm” nhất định trong sự lãnh đạo của phụ nữ. Hiện nay, “quyền lực mềm” được xem là một công cụ, chiến thuật, hay là một “thế” giúp nâng cao hiệu quả của nhiều chính phủ trên thế giới. Ví dụ như Chính phủ của Thủ tướng Đức Angela Merkel đã rất thành công trong việc giải quyết các vấn đề xung đột, khủng hoảng ở châu Âu, vấn đề người di cư… và bà đã được tạp chí Forbes 9 lần vinh danh là người phụ nữ quyền lực nhất thế giới.
Phụ nữ Việt Nam có rất nhiều phẩm chất tốt đẹp, như giàu nghị lực, ý chí vươn lên, tinh thần vượt khó, ham hiểu biết. Phụ nữ cũng là người chu đáo, tỉ mỉ, thông hiểu và nhạy cảm. Phẩm chất đó là tiền đề rất quan trọng giúp phụ nữ có được lợi thế so với nam giới. Tôi cho rằng, đây là lợi thế quan trọng nhất, là một “quyền lực mềm” - đó là tính kết nối phụ nữ như là nhân tố hài hòa trong rất nhiều môi trường giao tiếp và từ đó sẽ kết nối con người, kết nối tri thức và các nền văn hóa, làm cân bằng sự khác biệt, đi đến thống nhất một cách thuận lợi hơn.
Điều này đúng trong cả hoạt động nghị trường cũng như hoạt động đối ngoại mà tôi đã trải qua. Đơn cử như trong khi nam giới tỏ ra mạnh mẽ, quyết đoán, thích kiểm soát và cạnh tranh thì phụ nữ tỏ ra mềm mại, linh hoạt, thường chọn con đường thuyết phục và hợp tác. Vì thế, ở cùng một vị trí, xử lý cùng một sự việc, người phụ nữ thể hiện khả năng tương tác tốt hơn, bởi phần lớn phụ nữ có xu hướng khuyến khích sự tham gia, phát huy năng lực của mọi người và chia sẻ quyền lực. Chính vì vậy, các nhà khoa học cho rằng, phụ nữ có thể đảm nhận rất nhiều vai trò khác nhau. Họ có thể vừa là người mẹ, người vợ vừa là nhà khoa học, nhà chính trị và nhà quản lý. Từ đó, phụ nữ có thể lựa chọn, quyết định và làm tốt vai trò của mình trong gia đình và xã hội với tinh thần trách nhiệm cao và đạo đức nghề nghiệp tốt. Đây cũng là nét khác biệt đáng chú ý trong cách thức lãnh đạo và quản lý giữa nam và nữ.
- Theo bà, cần làm gì để xóa bỏ những rào cản đối với phụ nữ tham gia hoạt động chính trị và đảm nhận vai trò lãnh đạo, quản lý?
- Tôi cho rằng, việc cần thiết và trước mắt để nâng cao vị trí, vai trò của phụ nữ nói chung, trong đó có nữ ĐBQH là xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, thể chế về bình đẳng giới nhằm tạo cơ sở pháp lý và bộ máy triển khai các biện pháp nâng cao quyền năng cho phụ nữ. Song song với đó là nâng cao nhận thức xã hội về bình đẳng giới, về vai trò và đóng góp của phụ nữ khi họ tham gia lãnh đạo và quản lý; nâng cao nhận thức của nam giới trong việc đảm nhận nhiều hơn công việc gia đình để hỗ trợ phụ nữ theo đuổi và thành công trong sự nghiệp của mình; nâng cao nhận thức của cộng đồng về vị trí quan trọng của phụ nữ trong xã hội để tạo áp lực làm thay đổi quan niệm về giới trong đảm nhận các chức vụ lãnh đạo, quản lý cấp cao. Cuối cùng, quan trọng hơn cả, bản thân phụ nữ phải không ngừng nỗ lực, tự nắm bắt xu thế cũng như các cơ hội giáo dục, đào tạo, nghề nghiệp, từ đó vươn lên và phát huy tiềm năng của bản thân.
- Xin cảm ơn bà!