Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội triển khai lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp

31/01/2014

Hội nghị đóng góp ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 do Ủy ban Đối ngoại Quốc hội tổ chức ngày 31/1 tại Thành phố Hồ Chí Minh, đã diễn ra trong không khí trao đổi thẳng thắn, dân chủ, cởi mở và đầy tâm huyết của các nhà làm luật, các chuyên gia, nhà nghiên cứu.

Hầu hết các ý kiến đều đánh giá cao dự thảo Hiến pháp sửa đổi, thể hiện tính nhân văn, hiện đại, tiếp thu, kế thừa thành tựu các bản Hiến pháp trước đó cũng như xu thế tiến bộ của nhân loại. Bà Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội cho rằng, mặc dù có nhiều điểm tiến bộ nhưng vấn đề quyền con người trong Dự thảo vẫn còn mang tư tưởng ứng phó, nhất thời. Dự thảo chưa mở rộng khái niệm người Việt tại nước ngoài.
 
Theo ông Đặng Thành Tâm, Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh, trong phần quyền con người, Dự thảo cần mở rộng đối tượng được kết hôn, vì hiện nay có những người không rõ giới tính, trong khi quy định chỉ có nam nữ kết hôn với nhau.
 
Có chung quan điểm này, bà Phạm Phương Thảo, nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, hiện tượng đồng tính xuất hiện ngày càng nhiều nhưng do Hiến pháp không quy định nên trong thực tế không đủ xử lý những trường hợp kết hôn đồng giới. Trong khi đó, theo tiến sỹ triết học Hồ Bá Thâm, nên thay đổi giọng văn trong phần lời nói đầu của Dự thảo cũng như góc độ tiếp cận lý luận trên tinh thần quán triệt tư tưởng đổi mới toàn diện, hội nhập để phát triển.
 
Bà Phạm Phương Thảo khẳng định: Quyền lực của Đảng là rất lớn nhưng cũng phải quy trách nhiệm cụ thể của Đảng một cách rõ ràng và trên thực tế việc làm này không dễ thực hiện. Trong tham luận gửi tới hội nghị, ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội cho rằng: Hiện chưa có một chế tài cụ thể nào về sự lãnh đạo của Đảng, về cơ chế giám sát của nhân dân và sự chịu trách nhiệm của Đảng trước nhân dân và quyết định của mình. 
 
Theo giáo sư, tiến sỹ khoa học Nguyễn Ngọc Trân: Điều 4 Dự thảo xác định Đảng phải gắn bó với nhân dân, chịu trách nhiệm trước các quyết định của mình nhưng cần phải nói rõ chịu trách nhiệm như thế nào chứ không thể nói chung chung. Còn như tiến sỹ Hồ Bá Thâm, trong quyền con người, cứ mỗi quyền thì nên viết một khoản riêng để sau này ban hành luật, áp dụng được vào cuộc sống.
 
Theo tiến sỹ Trần Du Lịch, thành viên Ban soạn thảo Hiến pháp, khái niệm sở hữu toàn dân về đất đai đã không còn hợp lý vì đất của một cá nhân có sổ đỏ thì không thể là của chung, Nhà nước muốn lấy lại cũng phải bồi thường. Khi pháp lý không chính danh thì không chế định được. Ông Hồ Xuân Thắng, Đại học Sài Gòn cho rằng, khái niệm sở hữu toàn dân về đất đai như hiện nay không thể xác định được chủ sở hữu dẫn đến các vi phạm. Sửa Hiến pháp liên quan đến sở hữu đất đai nên tôn trọng sự phát triển của thị trường. Bà Phạm Phương Thảo góp ý: Luật Đất đai là một trong những luật không áp dụng được nhiều vào thực tế. Do vậy, sửa đổi hiến pháp lần này phải mạnh dạn sửa đổi cách hiểu về sở hữu, phải lắng nghe ý kiến của nhân dân.
 
Về vấn đề thành lập Hội đồng Hiến pháp, bà Đinh Thị Bạch Mai, Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Hội đồng Hiến pháp phải có thực quyền để ngay cả khi Quốc hội ban hành trái luật thì cũng có quyền bác bỏ. Bà Phạm Phương Thảo cho biết thêm: "Hội đồng Hiến pháp trong dự thảo do Quốc hội lập đang còn yếu, chỉ có chức năng tham mưu, kiến nghị. Đã không đưa vào thì thôi chứ đưa vào thì phải có thực quyền để xử lý những hành vi vi hiến. Người dân không đụng đến Hiến pháp đâu, họ chỉ đụng luật thôi; trong khi cơ quan, tổ chức Nhà nước lại vi hiến."
 
Kết thúc hội nghị, ông Trần Văn Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội nhấn mạnh, hội nghị đã diễn ra trong không khí trao đổi thẳng thắn, dân chủ, sôi nổi, có chất lượng. Ban tổ chức sẽ lắng nghe, tập hợp các ý kiến để chuyển đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban soạn thảo Hiến pháp nghiên cứu. Ông Trần Văn Hằng cũng thừa nhận, thời gian lấy ý kiến là quá gấp, lại đúng vào dịp cuối năm, dự kiến đến tháng 10/2013 Quốc hội sẽ thông qua Hiến pháp sửa đổi.
 
Cũng trong ngày 31/1, Hội đồng Nhân dân tỉnh Ninh Thuận phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Hội đồng Nhân dân tỉnh đã báo cáo triển khai Kế hoạch số 216 của Ủy ban sửa đổi Hiến pháp năm 1992; Kế hoạch số 01 của thường trực Hội đồng Nhân dân tỉnh về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
 
Ủy ban Nhân dân tỉnh trình bày Quyết định số 136/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch của Chính phủ về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; Quyết định 362 của Ủy ban Nhân dân tỉnh về việc thành lập tổ giúp việc, tổ thư ký giúp Thường trực Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân tỉnh tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
 
Bà Đinh Thị Vân, Ủy viên Thường trực Hội đồng Nhân dân tỉnh Ninh Thuận nêu rõ: Việc lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là nhiệm vụ trọng tâm, được ưu tiên và tập trung chỉ đạo thực hiện khẩn trương. Việc lấy ý kiến phải được thảo luận bằng hình thức thích hợp, khoa học, công khai, tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ, công chức, viên chức, các tầng lớp nhân dân trong toàn tỉnh cùng tham gia, đảm bảo chất lượng, thiết thực và tiết kiệm.
 
Các ý kiến đóng góp phải được tập hợp đầy đủ, nghiêm túc, cần đánh giá về phạm vi, ưu điểm, hạn chế từng nội dung được sửa đổi, ý kiến sâu về những nội dung liên quan trực tiếp đến phạm vi quản lý. Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân được tỉnh Ninh Thuận bắt đầu triển khai từ 1/2; đến ngày 20/3 sẽ hoàn chỉnh báo cáo tổng hợp ý kiến góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

(Theo TTXVN)