QUỐC HỘI KHÓA XIV: CÔNG TÁC ĐỐI NGOẠI - DẤU ẤN NHIỆM KỲ

10/02/2021

Trong nhiệm kỳ khóa XIV, công tác đối ngoại của Quốc hội đã ghi được nhiều dấu ấn, góp phần khẳng định hơn nữa vai trò và trị trí của ngoại giao nghị viện trong công tác ngoại giao của Việt Nam, góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Quốc hội, giữa nhân dân ta với Quốc hội và nhân dân các nước, với các tổ chức liên nghị viện khu vực và thế giới.

 

Nói đến những thành tựu trong công tác đối ngoại của Quốc hội trong nhiệm kỳ khóa XIV, không thể không kể đến những dấu ấn nổi bật như tổ chức thành công Năm Chủ tịch AIPA 2020 và Đại hội đồng AIPA lần thứ 41, đăng cai tổ chức thành công Diễn đàn nghị viện châu Á Thái Bình Dương APPF 26; việc Quốc hội thông qua 7 điều ước quốc tế quan trọng, trong đó có Hiệp định đối tác Toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), mở ra nhiều cơ hội mới về hội nhập và phát triển kinh tế.

Nhân dịp đầu xuân mới Tân Sửu, phóng viên Truyền hình Quốc hội Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu để cùng nhìn lại những dấu ấn trong công tác đối ngoại của Quốc hội nói chung và của Ủy ban Đối ngoại nói riêng trong nhiệm kỳ khóa XIV.

Phóng viên: Trong nhiệm kỳ khóa XIV vừa qua, công tác đối ngoại của Quốc hội đã ghi được nhiều dấu ấn, góp phần khẳng định hơn nữa vai trò và trị trí của ngoại giao nghị viện trong công tác ngoại giao của Việt Nam. Theo Chủ nhiệm, đâu là những dấu ấn nổi bật nhất trong công tác đối ngoại của Quốc hội khóa XIV?

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu: Hoạt động đối ngoại đa phương là một mảng hoạt động rất quan trọng trong hoạt động đối ngoại của Quốc hội. Nếu như gọi là dấu ấn của hoạt động đối ngoại đa phương thì chúng ta vừa hoàn thành xuất sắc Năm Chủ tịch AIPA 2020 và tổ chức thành công Đại hội đồng AIPA 41 tại Việt Nam trong 3 ngày, mùng 08, 09 và 10/9/2020. Năm 2020 là năm đầu tiên Việt Nam đảm nhận 3 trọng trách quốc tế lớn. Đó là Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc trong, trọng trách thứ 2 là Chủ tịch ASEAN, và đối với Quốc hội Việt Nam, năm 2020, chúng ta giữ vai trò Chủ tịch Năm AIPA 2020 và tiến hành các hoạt động trong khuôn khổ Năm Chủ tịch AIPA, cũng như tiến tới Đại hội đồng lần thứ 41.

Các hoạt động, trọng trách lớn như vậy được chúng ta đảm nhận trong bối cảnh đại dịch COVID-19 làm thay đổi đi tất cả các kế hoạch đã có ban đầu. Trong bối cảnh thông thường, các hoạt động trong khuôn khổ AIPA đều được diễn ra theo hình thức trực tiếp. Khi nhận chức vụ Chủ tịch năm AIPA, chúng ta đã công bố địa điểm, dự kiến tổ chức Đại hội đồng AIPA 41 vào đầu tháng 9/2020 tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Nhưng do đại dịch diễn biến phức tạp, chúng ta phải thay đổi các phương án để thích ứng với tình hình mới. Từ việc chuẩn bị tổ chức họp trực tiếp, họp tập trung, chuyển đổi sang hình thức mới - họp trực tuyến - là cực kỳ khó khăn, mà thời gian chuẩn bị rất ngắn. Và với sự chuẩn bị chu đáo, linh hoạt và đầy bản lĩnh trách nhiệm của Quốc hội Việt Nam, những đề xuất của Việt Nam chúng ta trong khuôn khổ hoạt động của AIPA được các nghị viện thành viên ủng hộ rất cao.

Có thể nói rằng, chúng ta đã triển khai một cách đầy đủ, hiệu quả tất cả các hoạt động trong khuôn khổ AIPA. Năm AIPA 2020 tại Việt Nam và Đại hội đồng AIPA 41 đã để lại 7 dấu ấn mang tính chất lịch sử trong chặng đường 43 phát triển của AIPA.

Từ những diễn biến của đại dịch, lần đầu tiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, trên vai trò Chủ tịch AIPA đã có một bức thư gửi tới Chủ tịch Quốc hội các nước nghị viện thành viên, chia sẻ với người dân, với cử tri. Quan trọng là Chủ tịch Quốc hội chúng ta thể hiện mong muốn Chủ tịch Nghị viện các nước thành viên phải đồng thuận, đồng lòng với chính phủ, và đặc biệt là với thẩm quyền, với quyền năng của mình thì phải ủng hộ chính phủ đưa ra các gói giải pháp để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, nhưng đồng thời phải duy trì được mức độ phát triển kinh tế để đảm bảo sự ổn định chính trị và xã hội của mỗi nước. Bức thư của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam với tư cách Chủ tịch AIPA đã được các nước phản hồi rất tích cực. Tôi đã đọc nhiều bức thư phản hồi của Chủ tịch Quốc hội các nước và cảm thấy rất cảm động. Tôi không nghĩ rằng bức thư của chúng ta có thể có tác động cộng hưởng mạnh mẽ như vậy. Đó là sáng kiến thứ nhất.

Về sáng kiến thứ hai. Các năm trước, các nước cũng tổ chức AIPA rất thành công, nhưng điểm mới thì chúng ta không thấy nhiều. Chúng tôi có đề xuất là chúng ta sẽ kết nối với tổ chức Liên hợp quốc, với Liên minh nghị viện thế giới để hình thành một Hội nghị hợp tác nghị viện phát triển văn hóa giáo dục vì sự phát triển bền vững, có sự tham gia của các đại diện cấp cao của Liên hợp quốc, Tổng thư ký Liên minh nghị viện thế giới (IPU) và nhận được sự ủng hộ của tất cả các Nghị viện thành viên. Có thể nói đây là một sáng kiến rất thành công, vì từ trước đến nay, AIPA chưa bao giờ bàn về các mục tiêu phát triển bền vững.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu

Sáng kiến thứ ba là về một hội nghị mà cá nhân tôi cũng dành rất nhiều tâm tư. Đó là Hội nghị Nghị sĩ trẻ của AIPA. Đây có thể nói là sáng kiến, và cũng là mong muốn của chúng ta.

Trước đây, Hội nghị Nghị sĩ trẻ cũng đã được Liên minh nghị viện thế giới tổ chức rất thành công. Khi chúng ta đặt ra vấn đề này thì nhận được sự ủng hộ rất nhiệt tình của các nghị viện thành viên AIPA. Cuối cùng, chúng ta đã đạt được sự đồng thuận cao và đưa Hội nghị Nghị sĩ trẻ vào khuôn khổ hoạt động của AIPA sau Đại hội đồng AIPA lần thứ 41 tại VN. Đây là một sáng kiến rất đặc biệt, rất mới. Các ĐBQH trẻ thường có nhiều mơ ước, hoài bão, những mong muốn cháy bỏng và rất mạnh mẽ, có nhiều sáng tạo và sáng kiến. Và chúng ta nên tin tưởng vào hoạt động của họ.

Dấu ấn thứ tư là chúng ta đã phục hồi được Hội nghị của Ủy ban Chính trị sau 3 năm gián đoạn và căng thẳng. Hội nghị này rất quan trọng vì nó nêu ra vấn đề an ninh, hòa bình, và đặc biệt tại khu vực của chúng ta là vấn đề Biển Đông, từ đó giúp giữ gìn môi trường hòa bình để hợp tác, phát triển, thịnh vượng.

Sáng kiến thứ năm cũng rất ấn tượng. Đó là để thích ứng với phiên họp trực tuyến, chúng ta đề xuất với các nước gộp các đề xuất của các nước, để mỗi ủy ban chỉ ban hành 1 nghị quyết thôi, nhằm đảm bảo về mặt nội dung, chất lượng và thời gian. Đây có thể gọi là sáng kiến nghị quyết.

Sáng kiến thứ sáu là trao giải thưởng cống hiến xuất sắc cho các vị lãnh đạo của nghị viện các nước thành viên. Trước đây AIPA đã từng trao giải thưởng này nhưng đối tượng được trao thưởng chỉ là các đại biểu mà thôi. Thực sự, Chủ tịch của nghị viện các nước trong khu vực chúng ta là những nhà chính trị lão luyện, đóng góp nhiều cho AIPA, để chọn ra 2 người không phải là dễ. Cuối cùng, với sự thống nhất cao, chúng ta đã lựa chọn trao giải thưởng cho Chủ tịch Quốc hội Lào và Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội của Việt Nam, rất xứng đáng.

Sáng kiến cuối cùng là chúng ta đã kết nạp 2 thành viên mới là nghị viện quan sát viên. Nauy – một nước Bắc Âu và Ma-rốc – một nước châu Phi. Có thể nói đây là một sáng kiến vì lần kết nạp nghị viện quan sát viên gần đây nhất đã cách đây 10 năm. Lần này, có 5 nghị viện đề xuất được kết nạp, nhưng cuối cùng, bằng sự phối hợp chặt chẽ giữa chúng ta và Tổng thư ký AIPA, chúng ta đã kết nạp được trước 2 nước, đó là Nauy và Ma-rốc.

Đại hội đồng lần này đã thông qua được thông cáo chung và 26 nghị quyết cho từng lĩnh vực cụ thể của các ủy ban. Tại phiên bế mạc, khi chúng ta thông qua thông cáo chung, ngỡ rằng nghị viện các nước sẽ tham gia đóng góp ý kiến vào thông cáo. Nhưng vô cùng bất ngờ, Chủ tịch nghị viện các nước đã dành thời gian 1 phút để cảm ơn Việt Nam. Cảm ơn bản lĩnh Việt Nam đã duy trì hoạt động của AIPA liên tục mặc dù trong điều kiện đại dịch, thứ hai là bản lĩnh tổ chức của Việt Nam, thứ ba là tinh thần trách nhiệm của Việt Nam, thứ tư nữa là đề cao vai trò cá nhân lãnh đạo tài tình của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã điều hành Năm Chủ tịch AIPA rất thành công.

Song song với hoạt động AIPA thì còn có 3 hoạt động lớn nữa mà chúng tôi chuẩn bị cho Chủ tịch Quốc hội tham dự. Đó là Phiên đối thoại giữa các nhà lãnh đạo ASEAN và các nhà lãnh đạo AIPA. Tôi cho rằng phiên làm việc này rất thành công. Bên cạnh đó, với sáng kiến của chính phủ Việt Nam trên tư cách Chủ tịch ASEAN, đã diễn ra Phiên họp đặc biệt của các nhà Lãnh đạo ASEAN về tăng quyền năng cho phụ nữ trong thời đại số. Tiếp tục thêm một sáng kiến nữa của Việt Nam là Hội nghị thượng đỉnh Lãnh đạo nữ các nước Đông Nam Á. Tôi cho rằng chúng ta có lợi thế vì có Chủ tịch Quốc hội là nữ, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội là nữ, trưởng đoàn đại biểu của Quốc hội Việt Nam cũng là nữ. Chính vì vậy nên chúng ta đã tham gia rất tốt vào các hội nghị này.

Tóm lại, chúng ta đã trải qua 1 năm Chủ tịch AIPA vô cùng khó khăn về công tác chuẩn bị nhưng vô cùng thành công. Nhiều nhà lãnh đạo nghị viện các nước cho rằng, đây là năm chúng ta đảm nhận vai trò Chủ tịch AIPA 2020 và tổ chức Đại hội đồng AIPA 41 thành công xuất sắc.

Có được thành công đó là nhờ chúng ta đã tranh thủ sự lãnh đạo của Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, sự phối hợp giữa các cơ quan của Quốc hội, cơ quan của Quốc hội với các cơ quan Đảng, cơ quan của Chính phủ, đặc biệt là đội ngũ làm trực tiếp. Chúng ta cũng ghi nhận sự đóng góp rất lớn của giới truyền thông, các ban biên tập của các báo chí, các phóng viên. Tôi nhớ không nhầm thì có khoảng 1.206 bài báo nói về hoạt động Đại hội đồng AIPA lần thứ 41, tác động tích cực đến uy tín, vị thế của Việt Nam.

Tổ chức nghị viện đa phương thứ hai mà tôi muốn nhắc tới là Liên minh Nghị viện thế giới (IPU). Nhiệm kỳ này, chúng ta có một vai trò mới tại IPU. Ngay năm 2016, khi chuyển sang Ủy ban Đối ngoại, tôi đã được tín nhiệm bầu làm ủy viên Ban Chấp hành Liên minh nghị viện thế giới (IPU). Năm 2018-2019, tôi được bầu giữ chức Phó Chủ tịch IPU. Đây là chức vụ cao nhất từ trước đến nay của Việt Nam kể từ khi tham gia IPU, tạo điều kiện để chúng ta cất lên tiếng nói nhiều hơn, tranh luận nhiều hơn, đề xuất sáng kiến nhiều hơn. Đối với IPU, ngoài việc tham gia các hoạt động thường xuyên, 1 năm 2 kỳ họp và các hoạt động của IPU tại khu vực, chúng ta đã đăng cai tổ chức một sự kiện rất quan trọng về triển khai các mục tiêu phát triển bền vững trong chương trình nghị sự 2030, với mục tiêu là giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Hội nghị được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh, với sự tham gia của các nước khu vực châu Á Thái Bình Dương, đồng thời có Chủ tịch và Tổng thư ký IPU đến dự. Chúng ta đã dành thời gian để thực địa vùng chịu tác động của biến đổi khí hậu tại Cần Giờ. Tại đây, chúng ta đã bàn với địa phương, sử dụng một phần đất công viên của huyện Cần Giờ để trồng một khu rừng, chống xói mòn, giữ đất. Từ thành công của hội nghị này, Tổng thư ký IPU đề xuất chúng ta tổ chức một hội nghị để công bố Bộ tiêu chí tự đánh giá của đại biểu Quốc hội về thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Hoạt động nghị viện thứ ba đa phương cũng rất quan trọng, đó là Diễn đàn Nghị viện châu Á Thái Bình Dương (APPF). Đặc biệt năm 2018, chúng ta đăng cai tổ chức diễn đàn APPF 26 tại Việt Nam. Diễn đàn này thành công ở chỗ, lần đầu tiên tại Việt Nam, Quốc hội nước ta đã đề xuất đưa Hội nghị Nữ nghị sĩ - một cơ chế chưa chính thức - trở thành cơ chế định kỳ của APPF thông qua việc sửa đổi Quy chế hoạt động của tổ chức này. Thứ hai là qua hội nghị, chúng ta đã hình thành được tuyên bố Hà Nội. Sau hàng chục năm hoạt động, diễn đàn này chỉ thông qua được 3 tuyên bố, đó là tuyên bố Tokyo, tuyên bố tại Montreal và tuyên bố tại Việt Nam.

Chúng ta cũng hoạt động rất tích cực tại các diễn đàn đa phương khác như Hội nghị Đối tác Nghị viện Á Âu (ASEP), Liên minh nghị viện Pháp ngữ (APF), Hội nghị Chủ tịch Quốc hội các nước Á Âu (MSEAP)…

Tóm lại, trong hoạt động đa phương, Quốc hội Việt Nam đã làm cho thế giới thấu hiểu sâu sắc về Việt Nam, đồng thuận với các quan điểm mà VN đề xuất, mang lại lợi ích quốc gia dân tộc, có sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, nhất là đối với các vấn đề nhạy cảm trong khu vực.

Phóng viên: Trong nhiệm kỳ khóa XIV vừa qua, công tác đối ngoại song phương đã được Quốc hội Việt Nam chú trọng như thế nào, thưa Chủ nhiệm?

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu: Hoạt động đối ngoại song phương cũng diễn ra rất sôi nổi trong 4 năm đầu của nhiệm kỳ. Sang đến năm 2020, do tác động của đại dịch COVID-19 nên hoạt động đối ngoại song phương chịu những ảnh hưởng nhất định. Trong 4 năm đầu tiên, chúng ta đã tổ chức 98 đoàn ra thăm nước ngoài và đón nhận 97 đoàn, tức là gần 200 đoàn. Đối với hoạt động song phương, chúng ta có định hình theo định hướng sự phát triển của đất nước. Ví dụ như ưu tiên cho các nước láng giềng, các bạn bè truyền thống, các đối tác lớn, các đối tác mới, các đối tác cần mở rộng. Chủ tịch Quốc hội chúng ta đã đi thăm gần hết các nước. Các bạn bè truyền thống thống có thể kể đến Lào, Campuchia, Trung Quốc, Cuba, Nga. Các nước lớn, các đối tác chiến lược toàn diện có thể kể đến Ấn Độ. Các nước Đông Á thì có Nhật Bản, rồi các nước trong khu vực như Myanmar, Thái Lan, Singapore. Các nước bạn bè Liên Xô cũ thì ngoài Liên Xô còn có Belarus, Kazakhstan. Các nước Bắc Âu và các nước Tây Âu như là Pháp, Thụy Điển, Hà Lan, Hungary, Cộng hòa Séc. Chủ tịch Quốc hội cũng đã tới thăm các nước Trung Đông như Qatar, UAE, đặc biệt là thăm cả châu Phi như Ma-rốc.

Ngược lại, chúng ta cũng đón các nước bạn bè truyền thống, Chủ tịch Quốc hội các nước lớn đều đến Việt Nam. Ví dụ như Chủ tịch Quốc hội Lào, Campuchia, Cuba, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia. Thông qua hoạt động đối ngoại song phương, có thể thấy mối quan hệ giữa Việt Nam và các nước ngày càng trở nên sâu sắc hơn, nhưng cái lớn nhất là giúp tháo gỡ những khó khăn, bất cập. Thứ hai là mở ra hợp tác mới, kể cả về kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội. Có thể nói là mỗi lần gặp nhau lại mở ra một chương mới, một nội dung mới sâu sắc hơn.

Trong hoạt động song phương, tôi tâm đắc chuyến thăm châu Âu vào cuối tháng 3, đầu tháng 4 năm 2019 của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Chuyến đi có một chủ đề là đi để thuyết phục Ủy ban Châu Âu và Nghị viện châu Âu về vấn đề ký kết và phê chuẩn 2 hiệp định quan trọng là Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu cũng như Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu. Cuộc gặp gỡ của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân với các nhà lãnh đạo châu Âu đã có tác động rất mạnh mẽ, tháo gỡ những điểm chốt cuối cùng, liên quan đến vấn đề hiểu biết lẫn nhau về lao động, về nhân quyền và một số vấn đề mà phía châu Âu còn chưa rõ về Việt Nam. Sau đó, chúng ta đã sửa đổi hoàn thiện Bộ luật Lao động và gia nhập các công ước của Tổ chức Lao động quốc tế, giải tỏa được những vấn đề cụ thể. Sau chuyến đi này, ngày 30/6, hai bên đã tiến hành ký kết hai hiệp định tại Việt Nam. Sau đó, các ủy ban của cộng đồng châu Âu đã trình châu Âu phê chuẩn, đồng thời trình sang Ủy ban thương mại quốc tế của Nghị viện châu Âu, trình lên Nghị viện châu Âu phê chuẩn. Đây là mốc son rất quan trọng.

Phóng viên: Trong nhiệm kỳ vừa qua, Ủy ban Đối ngoại đã chủ trì thẩm tra, trình Quốc hội thông qua 7 điều ước quốc tế quan trọng. Trong đó, đáng chú ý, Hiệp định đối tác Toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) đều đạt tỷ lệ 100% đại biểu tham gia biểu quyết tán thành. Việc thông qua các điều ước quốc tế quan trọng trong nhiệm kỳ này có ý nghĩa như thế nào đối với Việt Nam, thưa Chủ nhiệm?

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu: Trong 5 năm qua, hoạt động hội nhập quốc tế của Việt Nam ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất. Trong nhiệm kỳ vừa qua, Chủ tịch nước đã trình Quốc hội thông qua Ủy ban Đối ngoại với tư cách là cơ quan chủ trì thẩm tra, trình 7 Điều ước Quốc tế cực kỳ quan trọng đối với Việt Nam. Đây chính là một cái đà, tạo động lực phát triển mới. Thứ nhất là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Có thể nói, đây là hiệp định được dày công chuẩn bị, mở ra chương mới cho các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Hiệp định này đã được trình Quốc hội biểu quyết thông qua với 100% ý kiến đồng thuận. Sau đó, Chủ tịch nước tiếp tục trình Quốc hội, thông qua Ủy ban Đối ngoại là cơ quan chủ trì thẩm tra, trình Quốc hội phê chuẩn 2 hiệp định thương mại tự do nữa là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA). EVFTA cũng được 100% đại biểu Quốc hội có mặt tán thành. EVIPA đạt tỷ lệ 99,78% ĐBQH có mặt tán thành.

Ngoài ra, chúng ta đã gia nhập 2 Công ước cơ bản của Tổ chức lao động Quốc tế là Công ước 98 về Quyền tổ chức và thương lượng tập thể và Công ước 105 về Xóa bỏ lao động cưỡng bức, là hai công ước cực kỳ quan trọng.

Như vậy, chúng ta đã gia nhập 7/8 công ước cơ bản của Tổ chức Lao động Quốc tế, chỉ còn 1 công ước cuối cùng dự kiến gia nhập vào năm 2023. Ba điều ước kinh tế và hai điều ước lao động này có tác dụng thúc đẩy hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường của Việt Nam, hay nói cách khác là giúp chúng ta hoàn thiện hệ thống pháp luật của Việt Nam. Thứ hai, việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường cũng tạo ra một năng lực cạnh tranh mới, thúc đẩy đổi mới doanh nghiệp, cách thức quản lý trong nước, tham gia vào các thị trường lớn, mở rộng thị trường. Vấn đề thứ ba cũng rất quan trọng nữa, đó là khi nói là hội nhập sâu rộng thì không phải chỉ trong lĩnh vực kinh tế, mở rộng thị trường hay mở rộng đầu tư, mà còn phi thương mại nữa, ví dụ như về sở hữu trí tuệ, về mua sắm chính phủ, về doanh nghiệp nhà nước, về khiếu nại, về tham nhũng, về thương hiệu sản phẩm, về lao động. Điều cuối cùng là người dân thụ hưởng được nhiều hơn, hàng hóa tốt hơn, rẻ hơn. Người sản xuất của Việt Nam có thị trường bán giá tốt hơn, bán nhiều hơn, và Nhà nước có khả năng thu thuế cao hơn, đóng góp cho tăng trưởng GDP cao hơn. Đặc biệt, lao động càng ngày càng ổn định hơn, thất nghiệp càng ngày càng ít đi. Đó là điều hết sức tuyệt vời.

Cùng 5 điều ước quốc tế đó, Chủ tịch nước cũng thông qua Ủy ban Đối ngoại tham mưu, trình Quốc hội phê chuẩn 2 điều ước cực kỳ quan trọng liên quan đến vấn đề biên giới. Đó là Hiệp ước bổ sung điểm khởi đầu và độ tăng dày cột mốc giữa Việt Nam và Lào, cũng được Quốc hội thông qua với tỷ lệ 100% số đại biểu có mặt tán thành. Và đặc biệt, sau 40 năm, chúng ta đã phê chuẩn được Hiệp ước bổ sung về hoạch định và cắm mốc biên giới giữa Việt Nam với Campuchia, cũng được 100% ĐBQH có mặt tán thành.

Phóng viên: Trong nhiệm kỳ vừa qua, Ủy ban Đối ngoại đã có nhiều hoạt động giám sát đa dạng, toàn diện, gắn với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Chủ nhiệm có thể nhận định về vai trò, ý nghĩa của các chương trình giám sát này?

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu: Có thể nói, trong nhiệm kỳ, Ủy ban Đối ngoại đã tổ chức giám sát rất sâu rộng, hiệu quả. Ngoài việc thường trực Ủy ban Đối ngoại tham gia cùng với các cơ quan khác để thực hiện giám sát chuyên đề tối cao của Quốc hội, thì Uỷ ban Đối ngoại cũng được phân công tham gia giám sát cấp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Đó là giám sát chuyên đề các FTA thế hệ mới mà Việt Nam là thành viên. Ngoài ra chúng tôi tổ chức giám sát các chuyên đề để phục vụ thẩm tra các điều ước quốc tế, quá trình làm luật.

Tôi ấn tượng nhất với hai giám sát sau đây. Năm 2018, lần đầu tiên Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Lào tổ chức giám sát chung việc thực hiện thỏa thuận giữa hai Chính phủ về việc giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới hai nước. Hai quốc gia phối hợp với nhau để giám sát chung là việc thực sự hiếm có. Đoàn giám sát này đã tới làm việc tại một số tỉnh của Lào và một số tỉnh của Việt Nam. Đến nay, cơ bản đã nắm chắc số người di dân tự do và kết hôn ngoài giá thú, từ đó hoàn thiện các thủ tục hợp pháp để cấp quốc tịch cho người dân yên tâm sinh sống, và cũng tạo điều kiện để người dân thụ hưởng được tất cả quyền con người và quyền công dân, nhất là quyền lợi về mặt kinh tế. Giám sát thứ hai mà tôi cảm thấy ấn tượng là giám sát chuyên đề về “Tình hình thực hiện các điều ước quốc tế đã ký kết giữa nước CHXHCN Việt Nam và Liên bang Nga giai đoạn 2001 - 2018”, để chuẩn bị nội dung cho phiên họp đầu tiên của Ủy ban hợp tác Liên nghị viện giữa Quốc hội Việt Nam và Đuma quốc gia Nga. Chuyên đề giám sát này đã giúp đánh giá lại toàn bộ hợp tác của Việt Nam với Liên bang Nga, về tất cả mọi mặt kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội.

Phóng viên: Hoạt động của Ủy ban Đối ngoại trong nhiệm kỳ khóa XIV còn những dấu ấn đáng chú ý nào, thưa Chủ nhiệm?

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu: Là cơ quan làm luật, Ủy ban Đối ngoại đã trình Quốc hội thông qua 2 đạo luật. Thứ nhất là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cơ quan đại diện của nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài, nhận được 100% ý kiến đại biểu có mặt tán thành. Thứ hai là Luật thỏa thuận quốc tế, được 99,56% đại biểu Quốc hội tán thành, tạo hành lang quan trọng cho ký kết các thỏa thuận quốc tế, nhất là tại cấp địa phương hiện nay.

Trong nhiệm kỳ, phục vụ cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Thường trực Ủy ban Đối ngoại đã triển khai thực hiện và hoàn thành nghiệm thu 02 đề tài nhánh của Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, bao gồm: nhiệm vụ số 02 “Nhìn lại bối cảnh (quốc tế và trong nước) thực hiện các nhiệm vụ chiến lược giai đoạn 2011-2020, Kế hoạch 5 năm 2016-2020 và đánh giá bối cảnh mới của thời kỳ 2021-2030" và nhiệm vụ số 20 “Đánh giá việc thực hiện các mục tiêu chủ động hội nhập quốc tế, chính sách đối ngoại giai đoạn 2011-2020 và mục tiêu, nhiệm vụ của giai đoạn 2021 - 2030, Kế hoạch 5 năm 2021-2025”.

Ngoài ra, chúng tôi cũng làm tham mưu, chủ trì, trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn 112 đại sứ theo Hiến pháp 2013 với chất lượng cao hơn. Chúng tôi cũng giữ vai trò tham mưu cho hoạt động của Nhóm nghị sĩ nữ và Nhóm Đại biểu Quốc hội trẻ. Đầu nhiệm kỳ, Ủy ban Đối ngoại đã chủ động tham mưu Ủy ban thường vụ Quốc hội thành lập Tổ chức Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV gồm 57 Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam với các nước trên  cơ sở rà soát và nguyện vọng của các đại biểu Quốc hội, tăng 7 nhóm nghị sĩ hữu nghị so với Quốc hội khóa XIII. Trong nhiệm kỳ vừa qua, các nhóm nghị sĩ hữu nghị đã hoạt động rất thành công.

Phóng viên: Nhân dịp đầu xuân mới Tân Sửu, Chủ nhiệm muốn nhắn gửi điều gì tới các vị đại biểu Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội?

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu: Nhân dịp đầu xuân năm mới, thay mặt Ủy ban Đối ngoại, tôi xin cảm ơn các đại biểu Quốc hội của Quốc hội khóa XIV đã ủng hộ chúng tôi; xin cảm ơn sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ, chỉ đạo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan báo chí, trong đó có Truyền hình Quốc hội Việt Nam và Báo Đại biểu nhân dân.

Nhân dịp đầu năm mới năm 2021, chuẩn bị đón Tết Tân Sửu cổ truyền, tôi xin chúc tất cả các vị đại biểu Quốc hội và gia đình, anh em làm công tác phóng viên báo chí và gia đình bước sang năm mới dồi dào sức khỏe, hạnh phúc, một năm mới thành công hơn năm 2020!

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Chủ nhiệm! Nhân dịp đầu xuân năm mới, kính chúc Chủ nhiệm sức khoẻ và cùng tập thể Uỷ ban Đối ngoại gặt hái được nhiều thành công hơn nữa!

Kim Ngọc