TĂNG CƯỜNG SỰ THAM GIA SÂU HƠN CỦA ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀO THÚC ĐẨY THỰC HIỆN MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

07/04/2022

Chiều 06/4, sau các phiên thảo luận chuyên đề, Hội nghị “Vai trò của Quốc hội đối với các mục tiêu phát triển bền vững” do Ủy ban Đối ngoại phối hợp với Ủy ban Kinh tế - Xã hội khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Liên Hợp Quốc, Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc và Liên minh Nghị viện thế giới tổ chức đã bế mạc.

 

Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), còn được gọi là Mục tiêu toàn cầu, là mục tiêu phổ quát được thiết kế nhằm chấm dứt đói nghèo, bảo vệ hành tinh và đảm bảo rằng tất cả mọi người được hưởng hòa bình và thịnh vượng vào năm 2030 ở mỗi quốc gia thành viên Liên hiệp quốc.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội ở nhiều quốc gia, làm gia tăng thách thức trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững trên toàn thế giới, hội nghị đã tập trung thảo luận về cách thức phát huy vai trò của nghị viện để đạt được các mục tiêu này. 

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc Hội nghị

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định, trong bối cảnh thế giới và khu vực hiện nay, phát triển bền vững là nhu cầu cấp bách và là xu thế tất yếu trong tiến trình phát triển của mọi quốc gia. Đối với Việt Nam, phát triển nhanh và bền vững được Đảng, Nhà nước xác định là nhiệm vụ trọng tâm, là mục tiêu trong toàn bộ các chính sách phát triển kinh tế - xã hội. 

Thời gian qua, với quyết tâm và hành động cụ thể, đặc biệt là nỗ lực từ Quốc hội, Việt Nam đã đạt được một số tiến bộ đáng kể trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững như tỷ lệ nghèo đa chiều giảm mạnh, từ mức 9,2% năm 2016 xuống 4,8% năm 2020. Chỉ số bao phủ các dịch vụ y tế thiết yếu cao hơn mức chung toàn cầu. Tỷ lệ hộ có nguồn nước hợp vệ sinh năm 2020 đạt 97,4%.

Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc, Thư ký điều hành UNESCAP Armida Salsiah Alisjahbana đã ghi nhận Quốc hội Việt Nam đóng vai trò cốt yếu trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Trong quá trình đó, UNESCAP mong muốn các quốc gia tăng cường giám sát việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đánh giá: tổng quan Chương trình nghị sự 2030 và việc thực hiện SDGs tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương; tiến độ thực hiện SDGs tại Việt Nam và những thách thức đặt ra trong thời gian tới; các hoạt động của Quốc hội trong thực hiện một số SDG; kinh nghiệm quốc tế trong lồng ghép SDGs vào hoạt động của nghị viện và việc thực hiện chức năng lập pháp của nghị viện nhìn từ lăng kính của các SDGs.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà chủ trì Hội nghị

Các chuyên gia quốc tế cung cấp thông tin tổng hợp, bao quát về hình hình triển khai các mục tiêu phát triển bền vững trên thế giới và ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương cập nhật tiến độ thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững tại khu vực; đồng thời được nghe giới thiệu tổng quan về Bộ công cụ tự đánh giá vai trò của Nghị viện với các mục tiêu phát triển bền vững; chia sẻ kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn tốt trong một số lĩnh vực như xóa đói nghèo, bình đẳng giới và biến đổi khí hậu; cũng như về vai trò của Quốc hội trong việc phân bổ ngân sách cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Bên cạnh các thông tin của các chuyên gia quốc tế về tình hình thế giới và khu vực, Hội thảo cũng đã được nghe các đại biểu Quốc hội Việt Nam thông tin về tiến độ thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam; sự tham gia của Quốc hội vào quá trình triển khai trên thực tế, trong đó có các mục tiêu về xóa nghèo (mục tiêu số 1); công việc tốt và tăng trưởng kinh tế (mục tiêu số 8); biến đổi khí hậu (mục tiêu số 13). Các đại biểu đã phân tích những kết quả đạt được cũng như những hạn chế, tồn tại, xác định nguyên nhân của những hạn chế; và qua đó rút ra những bài học kinh nghiệm; nêu ra những đề xuất, kiến nghị để triển khai hiệu quả các mục tiêu phát triển bền vững.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phạm Thị Hồng Yến trao đổi về hoạt động của Quốc hội Việt Nam trong thúc đẩy thực hiện mục tiêu phát triển bền vững số 8 về việc làm và tăng trưởng kinh tế

Trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện các mục tiêu SDGs, nhiều ý kiến cho rằng, cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện vai trò lập pháp của Quốc hội hướng tới hoàn thiện hệ thống luật pháp, cơ chế chính sách nhằm đảm bảo khung pháp lý đầy đủ cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về phát triển bền vững quốc gia. Quốc hội cùng với Chính phủ cần tiếp tục nỗ lực và tập trung nguồn lực cho các mục tiêu này; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong đó có sự tham gia, đóng góp của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân. Cần nâng cao nhận thức của các đại biểu Quốc hội về các Mục tiêu phát triển bền vững; cụ thể hóa hơn nữa các nội dung của Bộ Công cụ để việc áp dụng có tính hiệu quả và khả thi cao tại Việt Nam. Đồng thời, tăng cường giám sát, đánh giá việc thực hiện việc thực thi SDGs thông qua việc tổ chức giám sát chuyên đề hoặc lồng ghép trong việc giám sát các mục tiêu kinh tế - xã hội của đất nước; tăng cường hơn nữa nhiệm vụ giải trình của các thành viên Chính phủ trước Quốc hội trong việc thực hiện SDGs.

Trong phiên bế mạc, đại diện ESCAP Ricardo Mesiano nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 và đạt được SDGs. Đây là công việc của tất cả mọi người, không chỉ của Chính phủ, Quốc hội mà cần sự tham gia của cả cộng đồng và toàn xã hội. Đại diện UNESCAP cũng cho rằng, đến thời điểm này, cần đẩy nhanh tiến trình thực hiện để bảo đảm các yêu cầu đề ra. Trong quá trình đó, Quốc hội đóng vai trò rất quan trọng trong việc đẩy nhanh thực hiện chương trình và các mục tiêu này.

Đại diện ESCAP Ricardo Mesiano phát biểu trực tuyến trong phiên bế mạc Hội nghị 

Hoan nghênh các ý kiến thảo luận, đóng góp tại hội nghị, đồng thời, đánh giá cao nhưng kết quả đạt được của Quốc hội Việt Nam đối với việc thực hiện một số SDG, trong đó có Mục tiêu số 1 và Mục tiêu số 13, đại diện UNESCAP mong muốn, Quốc hội Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì hướng đi này và cùng nhau vượt qua khó khăn, thách thức để thực hiện thành công mục tiêu phát triển bền vững.

Phát biểu bế mạc hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà khẳng định quyết tâm chính trị của của Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, “Không có ai bị bỏ lại phía sau” và căn cứ trên bộ Công cụ của IPU để Quốc hội thực hiện công tác giám sát một cách hiệu quả.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà đánh giá cao các tham luận, ý kiến phát biểu và thảo luận sâu sắc của các đại biểu đã mang đến nhiều kiến thức, thông tin mới, nhiều đóng góp tâm huyết về vai trò của Quốc hội và việc thực thi các mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam. Đây là dịp quan trọng để Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội phát huy vai trò của mình và tiếp tục xây dựng kế hoạch hành động nhằm tham gia sâu hơn vào việc thúc đẩy thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ cấp quốc gia.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà phát biểu bế mạc Hội nghị

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại tin tưởng những kết quả đạt được của Hội nghị sẽ là những tài liệu quan trọng, những kinh nghiệm quý báu để các đại biểu Quốc hội sử dụng trong quá trình tham gia hoạch định, quyết định chính sách vì các mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam.

Bảo Yến - Phạm Thắng