VIỆT NAM THAM DỰ DIỄN ĐÀN NGHỊ VIỆN BÊN CẠNH DIỄN ĐÀN CHÍNH TRỊ CẤP CAO VỀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG TẠI LIÊN HỢP QUỐC

12/07/2021

Tối 12/7 (theo giờ Việt Nam), tại Nhà Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội Việt Nam đã tham dự Diễn đàn Nghị viện bên cạnh Diễn đàn Chính trị cấp cao về Phát triển bền vững tại Liên Hợp Quốc (HLPF) theo hình thức trực tuyến.

Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự Diễn đàn Nghị viện trực tuyến 

Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự Diễn đàn Nghị viện bên cạnh Diễn đàn HLPF theo thư mời của Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU). Tham dự diễn đàn có các Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Đôn Tuấn Phong và Đinh Công Sỹ cùng một số cán bộ Vụ Đối ngoại.

Diễn đàn HLPF là cơ chế hoạt động của Liên Hợp Quốc được tổ chức hàng năm nhằm rà soát tiến độ các nước thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), vượt qua đói nghèo, bất bình đẳng đồng thời bảo đảm cuộc sống bền vững cho mọi người dân trên thế giới. Bối cảnh ngày nay khi thế giới đối mặt với đại dịch COVID-19 đặt ra những yêu cầu cấp bách về xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn. Trong những năm qua, IPU có nhiều hoạt động nhằm tăng cường vai trò của các Nghị viện thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, dần đưa cơ chế họp nghị viện với hình thức Diễn đàn nghị viện bên cạnh HLPF vào hoạt động chính thức của các phiên họp HLPF hàng năm.

Chủ đề của Diễn đàn Nghị viện bên cạnh HLPF năm nay là Thông điệp từ đại dịch: Đưa “Chính phủ” trở lại sẽ tập trung vào “bức tranh rộng lớn”. Trong đó có vai trò của Chính phủ trong tình hình hiện nay, hành động của Chính phủ vì các mục tiêu SDGs. Theo đó, Diễn đàn thảo luận những góc nhìn khác về vai trò của chính sách công, khu vực công trong quản lý điều hành nền kinh tế và đáp ứng với những nhu cầu của người dân.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Chủ tịch IPU Duarte Pacheco nhấn mạnh: Đây là thời điểm các nhà lập pháp cần hợp tác cùng nhau để tìm kiếm giải pháp, để đồng hành và hỗ trợ, tạo điều kiện cho hoạt động của Chính phủ, nhằm vượt qua khó khăn do đại dịch, phục hồi nền kinh tế. Đây là cơ hội để các quốc gia cùng trao đổi kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau, rút ra bài học nhằm hoàn thiện hơn nữa hoạt động của Nghị viện, nâng cao vai trò của cơ quan lập pháp trong thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, Chính phủ của các quốc gia đóng vai trò quan trọng trong công cuộc phòng chống dịch bệnh, triển khai chiến dịch tiêm chủng và phân phối vaccine một cách công bằng trên toàn cầu, đảm bảo cuộc sống của người dân và thúc đẩy các chính sách phục hồi sau đại dịch.  

Để làm được những nhiệm vụ trên, Chính phủ các nước cần phải lắng nghe và hợp tác chặt chẽ với mọi thành phần của nền kinh tế. Trong bối cảnh này, các Nghị viện đóng vai trò quan trọng trong việc thông qua các đạo luật để chống lại các tác động của đại dịch COVID-19, đảm bảo các dịch vụ về y tế, giáo dục, thúc đẩy nền kinh tế xanh và bền vững, hướng đến sự phục hồi nền kinh tế, thực hiện tốt xóa đói giảm nghèo. Việc thông qua các đạo luật cũng góp phần thúc đẩy phục hồi nền kinh tế. Bên cạnh đó, các Nghị viện cũng đóng vai trò quan trọng trong việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.

Ngoài ra, các Nghị viện cần ban hành các đạo luật và dành nguồn lực để hỗ trợ các chính sách công, nhằm đảm bảo đạt được các mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030.

Tham dự diễn đàn có các Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Đôn Tuấn Phong và Đinh Công Sỹ

Tại Diễn đàn, 154 đại biểu đến từ các Nghị viện thành viên IPU và các chuyên gia đã tập trung thảo luận về một số vấn đề chính: Làm thế nào để các nghị viện hỗ trợ định hình mối quan hệ giữa khu vực công và khu vực tư nhân? Quốc hội có nên hỗ trợ các chính sách tài khóa mở rộng hơn để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về giáo dục, chăm sóc sức khỏe và các dịch vụ công khác? Quốc hội có thể làm gì để giảm bớt sự thống trị của các công ty độc quyền lớn trong mọi lĩnh vực của nền kinh tế? Quốc hội cần thúc đẩy những cải cách thể chế nào để giúp cho Chính phủ linh hoạt hơn và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân?

Cũng tại Diễn đàn, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam đánh giá cao và cho rằng đây là những nội dung thiết thực, phù hợp với việc nâng cao vai trò của Quốc hội trong thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam. Đồng thời tiếp tục phát huy vai trò thành viên chủ động, trách nhiệm và tích cực trong IPU.

Việt Nam đã và đang hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng vào các tổ chức như ASEAN, APEC, WTO, AFTA, sắp tới sẽ là Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TTP). Để cạnh tranh trên trường quốc tế với các nước và tổ chức, Việt Nam cần nâng cao năng lực cạnh tranh của toàn bộ nền kinh tế bao gồm các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần, trong đó pháp luật cần hướng tới tăng khả năng cạnh tranh và từng bước hạn chế độc quyền./.

Bích Lan - Bùi Hùng