GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN CÁC ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ VỀ BIÊN GIỚI LÃNH THỔ VIỆT NAM - CAMPUCHIA
Cùng tham dự có: Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Lê Anh Tuấn; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, Ủy ban Pháp luật, Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công an, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng; các đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Bình Phước, Lâm Đồng, Đắk Nông.
Về phía tỉnh Gia Lai có: Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch; lãnh đạo các sở, ngành.
Đoàn giám sát của Ủy ban Đối ngoại thăm, tặng quà lực lượng Bộ đội Biên phòng Cửa khẩu Lệ Thanh (huyện Đức Cơ, Gia Lai)
Gia Lai có đường biên giới tiếp giáp với tỉnh Ratanakiri (Campuchia) chiều dài khoảng 80,485km (trong đó có 18,618km đường biên giới trên sông suối, 61,867km đường biên giới trên đất liền); có một cặp cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh (Gia Lai) - Oyaday (Ratanakiri) và 2 trạm kiểm soát (lối mở) gồm: Phà 8 thuộc xã Ia Chia, huyện Ia Grai và K3 thuộc xã Ia Nan, huyện Đức Cơ.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Đôn Tuấn Phong phát biểu tại cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Gia Lai
Báo cáo với Đoàn giám sát, đại diện lãnh đạo tỉnh Gia Lai cho biết, biên giới tỉnh Gia Lai và tỉnh Ratanakiri của nước bạn Campuchia trong nhiều năm qua cơ bản ổn định. Chính quyền địa phương các cấp và lực lượng chức năng hai bên biên giới luôn thể hiện tình đoàn kết sâu sắc, bà con dân tộc Jarai sinh sống hai bên biên giới hai nươc có mối quan hệ họ hàng, thân tộc, thường xuyên qua lại thăm hỏi nhau.
Tuy nhiên, tuyến biên giới hiện vẫn còn khoảng 59,859km chưa phân giới cắm mốc (55,784 km trên đất liền, 4,075 km trên sông suối). Đây là vấn đề tiềm ẩn nguy cơ gây ảnh hưởng đến quan hệ chung giữa hai nước cũng như việc triển khai các điều ước quốc tế về biên giới, lãnh thổ trên đất liền đoạn qua tỉnh Gia Lai và tỉnh Ratanakiri.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Thị Thanh Lịch đề nghị Chính phủ chỉ đạo Ủy ban liên hợp biên giới Việt Nam phối hợp với Ủy ban liên hợp biên giới Campuchia tiếp tục đẩy nhanh tiến độ phân giới cắm mốc hết tuyến biên giới đất liền còn lại giữa Việt Nam - Campuchia nói chung và đoạn qua địa bàn tỉnh Gia Lai nói riêng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai thực hiện các điều ước quốc tế về biên giới lãnh thổ Việt Nam - Campuchia trên tuyến biên giới tỉnh Gia Lai.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Thị Thanh Lịch báo cáo với Đoàn giám sát
Sau khi lắng nghe ý kiến đóng góp của đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương và những kiến nghị từ địa phương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Đôn Tuấn Phong nhấn mạnh, các điều ước quốc tế về biên giới lãnh thổ giữa Việt Nam - Campuchia đã tạo khung pháp lý cho công tác quản lý đường biên giới chung của lực lượng chức năng hai nước cũng như góp phần định hướng, thúc đẩy công tác phân giới cắm mốc đoạn qua địa bàn Gia Lai. Đây là cơ sở quan trọng cho chính quyền, lực lượng vũ trang hai tỉnh đối biên Gia Lai - Ratanakiri giải quyết các vụ việc, vấn đề phức tạp phát sinh liên quan công tác quản lý đường biên giới chung giữa hai nước.
Việc triển khai thực hiện các điều ước quốc tế tại Gia Lai đã góp phần bảo đảm an ninh trật tự khu vực biên giới, thúc đẩy công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế với chính quyền, lực lượng vũ trang giữa các tỉnh giáp biên Việt Nam - Lào - Campuchia, góp phần xây dựng môi trường hòa bình, hữu nghị, hợp tác giữa hai nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại hai tỉnh Gia Lai và Ratanakiri.
* Sáng cùng ngày, tại Gia Lai, Đoàn giám sát của Ủy ban Đối ngoại đã khảo sát thực tế tại Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh.
Đây là cửa khẩu quốc tế đường bộ thuộc xã biên giới Ia Dom, huyện Đức Cơ, với vị trí địa chính trị quan trọng nằm trong Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh thuộc khu vực tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia, cách TP. Pleiku 72km, cách trung tâm huyện Đức Cơ 23km, cách huyện Ozadao 30km, cách TP BunLung (tỉnh Ratanakiri, Campuchia) 75km và được Chính phủ 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia đặc biệt quan tâm. Sự phát triển của khu vực này có tác động lớn đến quá trình phát triển của Gia Lai cả về mặt kinh tế, xã hội, môi trường và quốc phòng, an ninh; đồng thời góp phần hỗ trợ cho sự phát triển của tỉnh Đông Bắc Campuchia và các tỉnh Nam Lào.
Đoàn giám sát của Ủy ban Đối ngoại khảo sát thực tế tại Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh
Đoàn giám sát của Ủy ban Đối ngoại tại cột mốc biên giới của khẩu quốc tế Lệ Thanh
Trong những năm qua, tình hình chủ quyền, lãnh thổ trên khu vực biên giới hai bên cơ bản ổn định; lực lượng bảo vệ biên giới hai bên hợp tác tốt, thường xuyên trao đổi thông tin, đặc biệt là trao đổi thông tin qua đường dây nóng; phối hợp bảo vệ an toàn các cột mốc và cọc dấu đã cắm, đường biên giới đã được phân giới, kịp thời phối hợp giải quyết các vấn đề phát sinh trên biên giới theo đúng Hiệp định, Hiệp ước của Chính phủ hai nước, các Thỏa thuận, Biên bản ghi nhớ ở các cấp đã ký.
Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên khu vực biên giới nói chung, cửa khẩu nói riêng cơ bản ổn định. Trong năm 2023, các cơ quan nghiệp vụ và các đơn vị cơ sở hai bên biên giới thường xuyên trao đổi tình hình, thông tin liên quan đến an ninh, trật tự biên giới, phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý, bảo vệ biên giới, đấu tranh phòng chống xuất nhập cảnh, vượt biên trái phép và hoạt động các loại tội phạm, góp phần giữ vững an ninh, trật tự trên khu vực biên giới; góp phần xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.