Tham dự Tọa đàm còn có các thành viên Ban soạn thảo, thành viên Tổ biên tập dự án Luật hành chính công, đại diện lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông cùng chuyên gia Hàn Quốc, tư vấn của Bộ Thông tin - Truyền thông về chính phủ điện tử Young J.Kim.
Chuyên gia Hàn Quốc chia sẻ kinh nghiệm xây dựng Luật chính phủ điện tử
Tại tọa đàm, Ban soạn thảo và các đại biểu đã nghe chuyên gia của Hàn Quốc Young J. Kim giới thiệu về cấu trúc hệ thống pháp luật Hàn Quốc, các nội dung chính của Luật chính phủ điện tử của Hàn Quốc và cùng trao đổi, chia sẻ những bài học kinh nghiệm dành cho Việt Nam trong quá trình đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý hành chính nhà nước và xây dựng Luật hành chính công.
Chuyên gia Hàn Quốc cho biết, Luật chính phủ điện tử Hàn Quốc khởi đầu là Luật thúc đẩy số hóa các nhiệm vụ hành chính nhằm triển khai Chính phủ điện tử năm 2001. Đến năm 2007, Luật này được đổi tên thành Luật chính phủ điện tử với nhiều nội dung mới được sửa đổi, bổ sung. Luật Chính phủ điện tử gồm 7 chương, 78 điều và phụ lục quy định về các nội dung chung như định nghĩa, mục đích của Chính phủ điện tử, nhiệm vụ của các cơ quan, mối quan hệ với các đạo luật khác; quy định về việc cung cấp và sử dụng các dịch vụ của Chính phủ điện tử như xử lý các kiến nghị điện tử của công dân, cung cấp và thúc đẩy sử dụng các dịch vụ Chính phủ điện tử; quản lý các thủ tục hành chính điện tử; chia sẻ thông tin hành chính; tăng cường nền tảng hoạt động cho Chính phủ điện tử như cấu trúc công nghệ thông tin, quản lý hiệu quả nguồn lực thông tin, bảo đảm tính an toàn và tin cậy của hệ thống; chính sách nhằm thực hiện Chính phủ điện tử trên thực tế và các điều khoản xử lý vi phạm.
Với kinh nghiệm trong quá trình xây dựng và vận hành Chính phủ điện tử, chuyên gia Hàn Quốc cho rằng, Luật cần định nghĩa và phân chia rõ ràng vai trò, trách nhiệm giữa các cơ quan chuyên trách; thường xuyên điều chỉnh và ban hành các luật hỗ trợ hoặc có liên quan. Hài hòa hóa các luật có liên quan nhằm tránh sự chồng chéo giữa các luật và các cơ quan. Bảo đảo tính liên kết và thống nhất của hệ thống Chính phủ điện tử. Thực tế tại Hàn Quốc không chỉ có Luật chính phủ điện tử mà trên cơ sở Luật khung về tin học hóa quốc gia còn có 04 nhóm luật về Chính phủ điện tử và tin học hóa khi vực công; tin học hóa khu vực tư nhân; giải pháp xử lý những hệ quả bất lợi và phát triển công nghệ thông tin và công nghiệp. Mỗi nhóm luật gồm nhiều luật khác nhau không vừa hỗ trợ, cụ thể hóa luật khung vừa có sự thống nhất, liên kết với nhau. Chuyên gia Hàn Quốc khẳng định, chính nhờ hệ thống pháp luật hoàn thiện và các cơ quan chuyên ngành đã giúp Hàn Quốc trở thành quốc gia số 1 về chính phủ điện tử trong nhiều năm liền theo đánh giá xếp hàng của Liên Hợp Quốc.
Các đại biểu tham dự Tọa đàm chụp ảnh lưu niệm
Tại Tọa đàm, các đại biểu đã sôi nổi trao đổi thêm về các nội dung như điều kiện kinh tế xã hội, các yếu tố quyết định, ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện xây dựng Chính phủ điện tử của Hàn Quốc như cơ sở hạ tầng, trình độ dân trí, trách nhiệm công vụ, truyền thông. Căn cứ xác định trách nhiệm của công chức trong thực hiện nhiệm vụ của mình. Mối quan hệ giữa Luật chính phủ điện tử với Luật tổ chức chính phủ, việc phân chia trách nhiệm của các thành viên Chính phủ, phân định thẩm quyền Trung ương với địa phương. Cách thức xử lý các ý kiến phản hồi của người dân trên mạng…
Đánh giá cao những thông tin và kinh nghiệm xây dựng pháp luật của Hàn Quốc, trong đó có Luật Chính phủ điện tử, các đại biểu cho rằng đây là kinh nghiệm và bài học quý giá cho Việt Nam trong quá trình xây dựng Luật hành chính công cũng như đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hành chính nhà nước. Nhiều nội dung của Luật chính phủ điện tử Hàn Quốc, đặc biệt là nội dung về các điều khoản chung, các nguyên tắc, định nghĩa, quản lý thủ tục hành chính trên mạng và chia sẻ thông tin quản lý hành chính có ý nghĩa tham khảo quan trọng trong việc nghiên cứu xây dựng và soạn thảo Luật hành chính công của Việt Nam.
Trên cơ sở các ý kiến, tham luận tại cuộc toạ đàm, Trưởng ban soạn thảo dự án Luật hành chính công Trần Thị Quốc Khánh đề nghị, các thành viên trong Ban soạn thảo, Tổ biên tập tiếp tục nghiên cứu, tham khảo ý kiến của các chuyên gia, hoàn thiện dự án, trình Ủy ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét theo đúng tiến độ đã thông qua.