Khai mạc hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho biết Thực hiện Nghị quyết số 89/2015/QH13 ngày 09 tháng 6 năm 2015 của Quốc hội về điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII năm 2015 và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật chuyển giao công nghệ sẽ được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV. Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã tiến hành thẩm tra sơ bộ và đánh giá dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật chuyển giao công nghệ đủ điều kiện trình Quốc hội. Tuy nhiên bên cạnh những vấn đề được Chính phủ trình lần thứ nhất, các đại biểu Quốc hội, các nhà khoa học, doanh nghiệp cũng đề xuất cần sửa đổi, bổ sung Luật chuyển giao công nghệ một cách toàn diện và được Ủy ban thường vụ Quốc hội tán thành. Theo đó, tại kỳ họp thứ 2, thay vì xem xét Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật chuyển giao công nghệ, Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến lần đầu đối với dự án Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi).
Với sự tham gia của các đại biểu Quốc hội, đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp và hiệp hội ngành nghề, hội thảo được tổ chức nhằm thu thập thông tin, kiến nghị đề xuất để hoàn thiện dự thảo Luật chuyển giao công nghệ, đặc biệt là các chính sách khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động chuyển giao công nghệ, các hoạt động liên quan đến chuyển giao công nghệ từ Việt Nam ra nước ngoài, từ nước ngoài vào Việt Nam, chuyển giao công nghệ từ các viện, trường đến doanh nghiệp, giữa các doanh nghiệp. Trên cơ sở ý kiến đóng góp của các đại biểu, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường sẽ xem xét thẩm tra dự án Luật, góp phần xây dựng, hoàn thiện Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi), thúc đẩy hoạt động đổi mới và chuyển giao công nghệ, ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ vào sản xuất, từng bước cải tiến trình độ, năng lực công nghệ của các doanh nghiệp trong nước, bảo vệ môi trường, hỗ trợ phát triển thị trường chuyển giao công nghệ, ngăn chặn nhập khẩu công nghệ lạc hậu, tiếp thu và làm chủ công nghệ cao, hiện đại phù hợp với điều kiện trong nước và yêu cầu của hội nhập quốc tế.
Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Chu Ngọc Anh cho biết để có thể nắm bắt cơ hội, vượt qua được thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp hiện đại và hội nhập toàn cầu phục vụ tăng trưởng kinh tế bền vững, Việt Nam cần chủ động chuẩn bị các giải pháp ứng phó, trong đó cần chú trọng nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ của các doanh nghiệp Việt Nam. Việc sửa đổi Luật chuyển giao công nghệ cần hướng tới mục đích cuối cùng là tạo môi trường thuận lợi nhất cho hoạt động chuyển giao công nghệ trong nước và từ nước ngoài vào Việt Nam để cải thiện trình độ công nghệ quốc gia và năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp; từ đó giúp doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả của sản phẩm, dịch vụ; duy trì và phát huy lợi thế cạnh tranh để trụ vững trên thị trường nội địa, vươn tới thị trường khu vực và quốc tế.
Theo báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ, dự án Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi) có một số điểm mới như quy định việc đưa kết quả nghiên cứu và phát triển công nghệ, công nghệ, đối tượng sở hữu trí tuệ có thể xác định được giá trị làm tài sản bảo đảm trong giao dịch vay vốn đầu tư cho các dự án khoa học công nghệ, khởi nghiệp công nghệ, phát triển sản xuất kinh doanh; Quy định việc thành lập các Trung tâm ứng dụng và đổi mới công nghệ theo các vùng kinh tế trên cơ sở nâng cấp các trung tâm có chức năng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong các hoạt động chế tạo, thử nghiệm, hoàn thiện và làm chủ công nghệ; quy định cơ chế phối hợp giữa Bộ KHCN với một số cơ quan có liên quan trong việc chống chuyển giá trong hoạt động chuyển giao công nghệ. Đồng thời sửa đổi, bổ sung nội dung liên quan đến phát triển thị trường khoa học và công nghệ; thương mại hóa công nghệ, kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng và đổi mới công nghệ; quản lý nhà nước đối với hoạt động chuyển giao công nghệ.
Thảo luận tại Hội thảo, các đại biểu nêu nhiều vấn đề thực tiễn cần được khắc phụ hiện nay như chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam thông qua các dự án FDI mở rộng nhưng không kiểm soát được công nghệ gây ra hậu quả nặng nề; chưa có cơ chế để khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho chuyển giao công nghệ từ Việt Nam ra nước ngoài; các kết quả nghiên cứu của viện trường thực tế chưa được thương mại hóa nhiều; kết nối cung cầu phát triển thị trường chuyển giao công nghệ cũng chưa thực sự đi vào hoạt động.
Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam Đào Phan Long chia sẻ thực tiễn hiện nay chưa có cơ quan tổ chức kiểm soát thẩm định công nghệ; cũng như chưa phát huy được vai trò, trách nhiệm của các hiệp hội ngành nghề trong việc thẩm định công nghệ góp phần vào việc kiểm soát công nghệ. Đồng quan điểm, một số đại biểu cho rằng hiện nay trong nước đang thiếu các đơn vị thẩm định công nghệ, các căn cứ thẩm định công nghệ cũng chưa được làm rõ trong các văn bản quy phạm pháp luật. Vì vậy cần có quy định cụ thể về điều kiện, tiêu chí và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động đánh giá, định giá và giám định công nghệ.
Ngoài ra, đối với vấn đề làm chủ công nghệ, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tự động hóa đề nghị cần làm rõ khái niệm người làm chủ công nghệ, theo hướng phải đạt được đủ năng lực thiết kế, chế tạo, khai thác… ở quy mô thương mại chứ không chỉ dừng ở thử nghiệm như trong dự thảo Luật. Về tổ chức trung gian trong thị trường công nghệ, đại diện Hiệp hội tự động hóa Việt Nam Dương Nguyên Bình cũng kiến nghị cũng mong muốn cơ quan soạn thảo làm rõ hơn năng lực của các tổ chức trung gian bằng cách đánh giá sự phù hợp thông qua kiểm định, giải mã… Đối với khái niệm thương mại hóa công nghệ, luật sửa đổi bổ sung cũng không nên chỉ dừng ở mục đích có lợi nhuận mà cần bắt buộc mạnh mẽ hơn trong thương mại.