TIẾP TỤC ĐỔI MỚI, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ GIÁM SÁT TRONG LĨNH VỰC KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ

16/10/2021

Chiều ngày 16/10, tiếp tục Phiên họp toàn thể lần thứ 2, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho ý kiến về Chương trình giám sát năm 2022 của Ủy ban. Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy chủ trì phiên họp.

 

Hoạt động giám sát bảo đảm đúng tiến độ

Theo Tờ trình về Chương trình giám sát năm 2022 của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, năm 2020 và những tháng đầu năm 2021 là thời gian chuyển giao giữa hai nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV và khóa XV với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường đã tác động tiêu cực đến nhiều mặt đời sống kinh tế - xã hội. Trước tình hình đó, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã chủ động nghiên cứu, điều chỉnh, cải tiến, đổi mới cách thức tiến hành các hoạt động giám sát bảo đảm khả thi, phù hợp với thực tiễn; qua đó, đến nay cơ bản đã hoàn thành các nội dung đề ra, đạt yêu cầu về tiến độ và chất lượng.

Toàn cảnh phiên họp

Về cơ bản, việc thực hiện các hoạt động giám sát của Ủy ban được triển khai bảo đảm tiến độ, tuân thủ quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Quy chế tổ chức thực hiện một số hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội, bảo đảm sự điều hòa của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Các hoạt động giám sát được chuẩn bị kỹ nội dung, báo cáo giám sát có chiều sâu, huy động được sự tham gia tích cực, phát huy vai trò của các thành viên Ủy ban dưới nhiều hình thức khác nhau, góp phần nâng cao chất lượng báo cáo giám sát, báo cáo thẩm tra và tham gia thẩm tra của Ủy ban.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Tờ trình của Ủy ban cũng chỉ ra, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần tiếp tục hoàn thiện như: hàng năm, Ủy ban chưa ban hành Nghị quyết về Chương trình giám sát, chưa ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình giám sát, chưa ban hành Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề; một số phiên giải trình chưa có thông báo kết luận; một số hoạt động chưa có tính kết nối; việc giám sát văn bản quy phạm pháp luật, việc theo dõi, giám sát tới cùng các kiến nghị sau giám sát chưa được thực hiện thường xuyên, nhất là các nội dung trong các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Lãnh đạo Quốc hội và của Ủy ban. Việc tham gia phối hợp thẩm tra báo cáo công tác tại một số lĩnh vực mặc dù đã có quy định nhưng chưa được thực hiện. Một số vị đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm chưa quan tâm, chủ động giám sát tại các địa phương, cơ quan liên quan theo nội dung các chuyên đề giám sát của Ủy ban.

Nguyên nhân của tồn tại nêu trên một phần do khối lượng công việc của Ủy ban ngày càng lớn, tính chất công việc ngày càng phức tạp, nhân lực của Vụ tham mưu giúp việc còn mỏng, năng lực không đồng đều, một phần do Ủy ban chưa ban hành Quy chế tổ chức hoạt động của Ủy ban (mới chỉ ban hành Quy chế làm việc của Thường trực Ủy ban), chưa xây dựng Bộ quy trình triển khai công việc cụ thể.

Dự kiến hoạt động giám sát trong năm 2022

Trên cơ sở báo cáo đánh giá kết quả giám sát của Ủy ban năm 2020 và 09 tháng đầu năm 2021, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường dự kiến Chương trình giám sát năm 2022 sẽ tập trung thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện chính sách, biện pháp để phát triển khoa học và công nghệ; việc sử dụng ngân sách nhà nước đầu tư cho khoa học và công nghệ; kết quả hoạt động khoa học và công nghệ; thẩm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ, ngân sách trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu năm 2021, triển khai những tháng đầu năm 2022; thẩm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ, ngân sách trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu năm 2022 và dự kiến nhiệm vụ, ngân sách cho bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu năm 2023; tham gia thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về tình hình công tác triển khai thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội….

Bên cạnh đó, giám sát việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các công trình quan trọng quốc gia, các Chương trình mục tiêu quốc gia. Cụ thể, thẩm tra tình hình thực hiện nghị quyết của Quốc hội về đường Hồ Chí Minh; thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện nghị quyết của Quốc hội về Dự án Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam,tỉnh Bình Thuận; thẩm tra Báo cáo việc thực hiện Nghị quyết 135/2020/QH14 về nội dung chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng, Nghệ An, Hồ chứa nước sông Than, tỉnh Ninh Thuận; thẩm tra Báo cáo việc triển khai thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới theo Nghị quyết số 25/2021/QH15 của Quốc hội.

Đồng thời, giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Giao dịch điện tử; giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật An toàn thực phẩm năm 2010.

Thực hiện giám sát chuyên đề về: việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý nuôi thủy sản và khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo (IUU); việc thực hiện chính sách, pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu; việc thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến chuyển đổi số quốc gia; giám sát việc thực thi pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Giám sát việc thực hiện các nghị quyết, kết luận sau giám sát (việc thực hiện Nghị quyết 134/2020/QH14 ngày 17/11/2020 về tiếp tục thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII đối với các lĩnh vực thuộc Ủy ban phụ trách; việc thực hiện các nghị quyết, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIV đến hết năm 2018 đối với các lĩnh vực thuộc Ủy ban phụ trách, định kỳ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 6 và tháng 12 hằng năm)

Ngoài ra, kết hợp với các hoạt động giám sát, Ủy ban cũng sẽ tiến hành khảo sát một số nội dung khi cần thiết phục vụ hoạt động của Ủy ban và theo yêu cầu khác (nếu có); thực hiện các hoạt động phát sinh theo phân công của Lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; phối hợp với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong hoạt động giám sát có liên quan...

Tiếp tục nghiên đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát

Qua thảo luận tại phiên họp, các đại biểu cơ bản tán thành và thống nhất đối với nội dung Chương trình giám sát năm 2022 của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi Trường; cho rằng các nội dung giám sát mà Ủy ban đề ra rất chu đáo, toàn diện, bao hàm đầy đủ các nội dung.

Đại biểu phát biểu tại phiên họp

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả việc thực hiện Chương trình giám sát năm 2022 của Ủy ban, các đại biểu đề nghị Ủy ban  giao Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi Trường  tổ chức thực hiện Nghị quyết về Chương trình giám sát năm 2022 của Ủy ban, chịu trách nhiệm chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động giám sát của các Tiểu ban; chỉ đạo tiếp tục nghiên cứu đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát trong đó có việc phối hợp với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban khác, các Ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội trong việc tổ chức hoạt động giám sát; theo dõi, đôn đốc, tổng hợp kết quả giải quyết các kiến nghị giám sát, báo cáo tổng hợp kết quả thực hiện Chương trình giám sát của Ủy ban tại các phiên họp toàn thể.

Đồng thời, căn cứ vào Chương trình giám sát năm 2022 của Ủy ban, đề nghị các thành viên Ủy ban, đặc biệt là các đại biểu Quốc hội chuyên trách quan tâm, căn cứ điều kiện và tình hình thực tế tại địa phương, chủ động phối hợp và tiến hành hoạt động giám sát, báo cáo kết quả về Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi Trường .

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy phát biểu bế mạc phiên họp

Kết luận nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi Trường Lê Quang Huy nhấn mạnh, Chương trình giám sát năm 2022 là cơ sở pháp lý rất quan trọng làm cơ sở để Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi Trường thực hiện các nhiệm vụ của mình được đặt ra. Trên cơ sở ý kiến góp ý của các đại biểu về nội dung này tại phiên họp, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi Trường sẽ tiếp thu, cân đối hợp lý với các nhiệm vụ chung để hoàn chỉnh lại dự kiến Chương trình, xin lại ý kiến các thành viên Ủy ban để thống nhất được một chương trình giám sát khả thi nhất.

Cũng trong chiều nay, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi Trường đã tiến hành thẩm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ, ngân sách cho bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu năm 2021 và dự kiến nhiệm vụ, ngân sách cho bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu năm 2022; và Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện Dự án hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận; và cho ý kiến về Chương trình giám sát năm 2022 của Ủy ban.

Phát biểu bế mạc phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi Trường Lê Quang Huy cho biết, với tinh thần làm việc, thảo luận sôi nổi, phiên họp toàn thể lần thứ 2 của Ủy ban đã hoàn thành chương trình đề ra. Nhấn mạnh Kỳ họp thứ 2 của Quốc hội đang tới gần, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi Trường Lê Quang Huy đề nghị Chính phủ và Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi Trường đôn đốc, khẩn trương hoàn thiện các hồ sơ báo cáo trên cơ sở các ý kiến thảo luận vào 5 nội dung của phiên họp hôm nay sao cho thật khách quan, chất lượng./.

Thu Phương – Nghĩa Đức