ĐỀ XUẤT CÓ CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI CHO CÁC DOANH NGHIỆP TRONG VIỆC CHIA SẺ HẠ TẦNG VIỄN THÔNG ĐỂ ĐẢM BẢO AN NINH QUỐC PHÒNG

25/07/2023

Để phục vụ hiệu quả hơn cho việc bảo vệ, đảm bảo an ninh quốc phòng, đại diện Bộ Quốc phòng và nhiều đại biểu Quốc hội đề xuất có chính sách ưu đãi về thuế, tài chính cho các doanh nghiệp trong việc chia sẻ hạ tầng viễn thông...

CẦN THIẾT BỔ SUNG QUY ĐỊNH DOANH NGHIỆP VIỄN THÔNG PHẢI CÓ NGHĨA VỤ CHIA SẺ THÔNG TIN THUÊ BAO ĐIỆN THOẠI VỚI BỘ CÔNG AN

TIẾP TỤC NGHIÊN CỨU CƠ CHẾ QUẢN LÝ, GIÁM SÁT HOẠT ĐỘNG CỦA QUỸ DỊCH VỤ VIỄN THÔNG CÔNG ÍCH VIỆT NAM

Dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) sẽ tiếp tục được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 tới. Dự án Luật do Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 gồm 10 chương, 74 điều. Một trong những nội dung quan trọng nhận được quan tâm của các Bộ ngành, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đối với dự án Luật là về chia sẻ hạ tầng viễn thông để phục vụ hiệu quả hơn cho việc bảo vệ, đảm bảo an ninh quốc phòng.

Cuộc họp giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) do Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức.

Tại cuộc họp giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) sau kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV do Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức vừa diễn ra tại Hà Nội, đại diện Bộ Quốc phòng đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật đề cập rõ hơn trong dự án Luật việc chia sẻ hạ tầng viễn thông cũng như sự hỗ trợ của các doanh nghiệp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng.

Đại tá Vũ Ngọc Khương – Phó Tham mưu trưởng Binh chủng Thông tin liên lạc cho rằng, để thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ, bảo đảm an ninh quốc phòng thì cần nâng cấp hạ tầng viễn thông và sự hỗ trợ của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc này hiện đang vướng về mặt hành lang pháp lý nên cần được quy định rõ trong Luật Viễn thông (sửa đổi).

Theo Đại tá Vũ Ngọc Khương, việc bổ sung chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông bên cạnh việc thực hiện thông qua hợp đồng trên cơ sở bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các bên thì trong dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) cần có quy định cụ thể, ưu tiên miễn phí đối với các trường hợp cấp bách, thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Ngoài ra, đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật quy định cụ thể về nhiệm vụ của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an trong việc xây dựng, quản lý hạ tầng viễn thông phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.

Đại tá Vũ Ngọc Khương – Phó Tham mưu trưởng Binh chủng Thông tin liên lạc.

Để tạo thuận lợi hơn trong việc sử dụng hạ tầng mạng viễn thông, phục vụ nhiệm vụ quốc phòng an ninh, đề nghị bổ sung vào Điều 4 của dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) quy định các doanh nghiệp viễn thông ưu tiên cung cấp các sản phẩm, dịch vụ, chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin cho Bộ Công an, Bộ Quốc phòng với chính sách ưu đãi phù hợp với quy định của pháp luật.

Đề cập về chia sẻ hạ tầng viễn thông tại khoản 2 Điều 48, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân – Đoàn ĐBQH Bình Dương kiến nghị dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) cần quy định bắt buộc phải chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông cho các nhiệm vụ cấp bách, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh cho phù hợp với Điều 7 của dự án Luật; đồng thời cần có chính sách phù hợp với nhiệm vụ chia sẻ hạ tầng viễn thông trong các trường hợp này. Đối với hạ tầng viễn thông do các tập đoàn, các doanh nghiệp đầu tư khi được cơ quan có thẩm quyền yêu cầu chia sẻ hạ tầng viễn thông, cần có chính sách ưu đãi về tài chính, thuế cho các doanh nghiệp. Đồng thời, cần có một điều quy định cụ thể về hạ tầng viễn thông trong lĩnh vực cấp bách và cần thiết này, quy định cụ thể hơn về nhiệm vụ của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; các Bộ ngành có liên quan và Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh trong xây dựng, quản lý, chia sẻ hạ tầng viễn thông phục vụ nhiệm vụ khẩn cấp quốc phòng, an ninh.

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương.

Cho ý kiến về nội dung trên, đại biểu Nguyễn Minh Tâm – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình cho rằng, vấn đề kết nối và chia sẻ hạ tầng viễn thông tại Chương V của dự án Luật đã quy định khá chi tiết việc kết nối và chia sẻ hạ tầng viễn thông. Các quy định này trên cơ sở kế thừa các quy định tại Chương VI của Luật Viễn thông năm 2009. Theo đó, dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) giữ nguyên nguyên tắc doanh nghiệp viễn thông có quyền kết nối mạng viễn thông của mình với mạng hoặc dịch vụ viễn thông của doanh nghiệp viễn thông khác, có nghĩa vụ cho doanh nghiệp viễn thông khác kết nối với mạng hoặc dịch vụ viễn thông của mình. Đồng thời, quy định giữa các doanh nghiệp viễn thông hoặc doanh nghiệp viễn thông với các tổ chức trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh, hoạt động phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, phòng, chống dịch bệnh chia sẻ hạ tầng viễn thông thông qua việc sử dụng chung một phần mạng, công trình, thiết bị viễn thông.

Việc làm trên nhằm đảm bảo thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ viễn thông hiệu quả, thuận lợi, nhanh chóng, đảm bảo yêu cầu về cảnh quan môi trường và quy hoạch đô thị. Đây là những quy định mới, có tính ưu việt lớn nhằm khắc phục tình trạng độc quyền trong khai thác hạ tầng viễn thông và hạ tầng dịch vụ khác có liên quan. Đồng thời, tạo sự liên kết, chia sẻ nguồn lực góp phần đa dạng hóa và nâng cao chất lượng của các dịch vụ thiết yếu phục vụ phát triển đất nước, phục vụ nhu cầu của người dân, khai thác tối đa hệ thống cơ sở hạ tầng hiện có, tránh lãng phí nguồn lực và đảm bảo cảnh quan môi trường đô thị.

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình.

Nhằm đảm bảo tính khả thi, hiệu quả, phù hợp và triển khai áp dụng có hiệu quả trong thực tiễn, đại biểu Nguyễn Minh Tâm cũng đề nghị Ban soạn thảo xem xét, cân nhắc để quy định cụ thể hơn các trường hợp được kết nối mạng, chia sẻ hạ tầng, các trường hợp được ưu tiên kết nối, chia sẻ ngay trong luật này mà không giao cho Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông như quy định chi tiết tại các điều từ Điều 46, 47, 48 của Luật./.

Bích Lan