Hiến pháp là đạo luật cơ bản của một quốc gia, quy định những vấn đề quan trọng nhất về thể chế chính trị, các nguyên tắc cơ bản về tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước, các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Từ Hiến pháp đầu tiên năm 1946, cho đến nay, nước ta đã có thêm Hiến pháp năm 1959, năm 1980, năm 1992 (được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2001). Mỗi bản Hiến pháp được ban hành đều phù hợp với tình hình, nhiệm vụ của từng thời kỳ cách mạng Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Sau hai mươi năm tiến hành công cuộc đổi mới, Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ X đã xác định: "Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Cần xây dựng cơ chế vận hành của Nhà nước, bảo đảm nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Hoàn thiện hệ thống pháp luật... Xây dựng và hoàn thiện thể chế giám sát, kiểm tra tính hợp hiến và hợp pháp trong các hoạt động và quyết định của các cơ quan công quyền" (Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2006, trang 45).
Để thể chế hóa Nghị quyết của Đảng, Nhà nước ta đã từng bước hoàn thiện cơ sở pháp lý, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phát huy mạnh mẽ vai trò làm chủ của nhân dân trong việc tham gia quản lý Nhà nước và giám sát thực hiện quyền lực nhà nước. Hiện nay, chúng ta đang tiến hành cải cách hành chính, cải cách tư pháp, trong đó đang thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường ở một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; nghiên cứu tổ chức mô hình tòa án khu vực... Những vấn đề này cho thấy tình hình thực tiễn đang đặt ra việc xem xét nhu cầu sửa đổi Hiến pháp 1992 ở Việt Nam.
Là diễn đàn về Nhà nước, Pháp luật và Chính sách, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp- cơ quan của Văn phòng Quốc hội - trong mười năm qua đã công bố nhiều bài viết có giá trị lý luận và thực tiễn về Nhà nước và Pháp luật, đặc biệt là đăng tải các công trình nghiên cứu về xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp. Chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và để phục vụ ngày một tốt hơn các hoạt động của Quốc hội, Ban biên tập Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp đã tuyển chọn, biên tập các bài viết tiêu biểu và xuất bản cuốn sách Bàn về Lập hiến. Cuốn sách cũng là công trình chào mừng kỷ niệm 65 năm Quốc hội Việt Nam (6/1/1946 - 6/1/2011) và 10 năm thành lập Tạp chí Nghiên cứu lập pháp (14/12/2000 - 14/12/2010)