2. Hoạt động của Văn phòng Uỷ ban thường vụ Quốc hội (1960 - 1975)
2.1. Phục vụ các hoạt động của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội và các Ủy ban của Quốc hội
Nội dung công việc được Văn phòng quan tâm triển khai thực hiện trước hết là công tác tổ chức, phục vụ các kỳ họp Quốc hội. Công tác phục vụ chủ yếu tập trung vào các thủ tục hành chính cho các kỳ họp; chỉnh lý biên bản, tổng hợp, sắp xếp các ý kiến tham luận của đại biểu Quốc hội trong các cuộc họp tổ và các kỳ họp; tập hợp các yêu cầu chất vấn của đại biểu Quốc hội và các Đoàn đại biểu Quốc hội để gửi cho các bộ, ngành liên quan; ngoài ra Văn phòng còn chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ các kỳ họp Quốc hội và các phiên họp Ủy ban của Quốc hội…
Trước mỗi kỳ họp, Văn phòng đã chủ động liên hệ với các cơ quan hữu quan đề nghị chuẩn bị nội dung báo cáo theo yêu cầu của các Ủy ban của Quốc hội. Đồng thời, Văn phòng còn tổ chức, phục vụ Uỷ ban thường vụ Quốc hội thẩm tra báo cáo về tình hình phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của đất nước do Chính phủ trình; phục vụ Ủy ban Kế hoạch và Ngân sách của Quốc hội thẩm tra các dự án về kế hoạch nhà nước, ngân sách nhà nước và tổng quyết toán ngân sách nhà nước. Từ đó giúp Uỷ ban thường vụ Quốc hội có cơ sở xây dựng và chỉ đạo công tác quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, xã hội.
Để tăng cường công tác lập pháp của Quốc hội, Văn phòng đã tích cực liên hệ với các cơ quan của Chính phủ trong việc chuẩn bị các dự án luật và pháp lệnh trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội; phục vụ Ủy ban Dự án pháp luật của Quốc hội trong công tác thẩm tra và phục vụ Uỷ ban thường vụ Quốc hội trong quá trình thảo luận, thông qua các dự án pháp lệnh ghi trong chương trình lập pháp của Chính phủ[12]. Nhằm góp phần nâng cao chất lượng của công tác lập pháp, Văn phòng đã tích cực cải tiến công tác tham mưu, phục vụ. Đối với chương trình xây dựng pháp luật của Chính phủ trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Văn phòng đều nghiên cứu kỹ lưỡng, phát hiện những vấn đề còn vướng mắc hoặc chưa hợp lý; làm báo cáo trình Tổng Thư ký tham mưu để Ủy ban Thường vụ đề nghị Chính phủ báo cáo về vấn đề này. Văn phòng còn giúp Uỷ ban thường vụ Quốc hội soạn thảo công văn yêu cầu Chính phủ và các cơ quan hành chính các cấp “chịu trách nhiệm và báo cáo công tác” trước cơ quan quyền lực và tạo điều kiện giúp các cơ quan quyền lực (Quốc hội và Hội đồng nhân dân) hoạt động đúng với chức năng mà luật pháp quy định; đề ra các biện pháp để nâng cao ý thức và sự ủng hộ của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và quần chúng nhân dân đối với công tác của Quốc hội, giúp đỡ, làm chỗ dựa cho hoạt động của đại biểu Quốc hội.
Vấn đề hoạt động của đại biểu Quốc hội giữa hai kỳ họp Quốc hội luôn được Văn phòng quan tâm. Lãnh đạo Văn phòng đã chỉ đạo cho các Vụ phải thường xuyên giữ mối liên hệ với các Đoàn đại biểu Quốc hội để theo dõi, tổng hợp tình hình hoạt động của các Đoàn ở địa phương và tập hợp ý kiến của đại biểu Quốc hội báo cáo với Uỷ ban thường vụ Quốc hội. Năm 1974, Chủ nhiệm Văn phòng đã giao cho Vụ Dân chính xây dựng bản dự thảo về chế độ hoạt động của đại biểu Quốc hội, tạo điều kiện giúp đại biểu làm tròn nhiệm vụ của mình. Văn phòng cũng đã nghiên cứu và đề xuất ý kiến để Chính phủ có chỉ thị cho Ủy ban hành chính các cấp tạo điều kiện thuận lợi để các đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp hoạt động.
Trên cơ sở nhiệm vụ công tác hàng năm, Văn phòng đã chủ động tham mưu giúp Uỷ ban thường vụ Quốc hội và các Ủy ban của Quốc hội lập chương trình công tác sát với yêu cầu, nhiệm vụ. Sau khi nghiên cứu các báo cáo, dự án của Chính phủ, Văn phòng đã cử cán bộ phục vụ thành viên của các Ủy ban đi thị sát một số cơ sở sản xuất ở Trung ương và địa phương để nghe báo cáo về những vấn đề có liên quan. Từ đó, đưa ra những đề xuất giúp cho công tác thẩm tra của các Ủy ban đạt kết quả, đồng thời giúp cho các đại biểu Quốc hội có cơ sở thực tiễn để biểu quyết thông qua nghị quyết về báo cáo của Chính phủ.
Năm 1975, nhiều vấn đề về kinh tế, chính trị, quân sự, ngoại giao cần được Quốc hội xem xét, quyết định. Văn phòng đã tổ chức các phiên họp để Uỷ ban thường vụ Quốc hội nghe Chính phủ báo cáo trước khi trình Quốc hội phê chuẩn; nghe Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao báo cáo về chủ trương, biện pháp cần thiết để tăng cường công tác quản lý về mặt nhà nước, giữ gìn trật tự, an ninh, xã hội.
Sau khi Phòng Xét khiếu tố và Dân nguyện được thành lập, Văn phòng đã cải tiến công tác tiếp dân, cử cán bộ ghi chép đầy đủ, rõ ràng ý kiến của người xét khiếu tố để làm báo cáo trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội. Cán bộ làm công tác dân nguyện chủ động nghiên cứu chính sách cụ thể của Đảng và pháp luật của Nhà nước để đề xuất ý kiến với Uỷ ban thường vụ Quốc hội trong việc vận dụng giải quyết công tác xét khiếu tố, nhất là trong việc tiếp công dân, bảo đảm quyền dân chủ và các quyền lợi về kinh tế, chính trị, xã hội của công dân[13]. Nhìn chung, cán bộ và các cơ quan có trách nhiệm đều có thái độ chấp hành nghiêm các chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, nhưng qua nội dung các đơn, thư khiếu nại, tố cáo của nhân dân gửi đến Uỷ ban thường vụ Quốc hội và qua báo cáo của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, của Thanh tra Chính phủ cho thấy, trong một số cơ quan, xí nghiệp, công trường, nông trường và hợp tác xã vẫn có những hiện tượng vi phạm pháp luật, vi phạm quyền dân chủ của nhân dân. Hàng năm, số lượng đơn, thư khiếu tố gửi đến Uỷ ban thường vụ Quốc hội lên tới hàng nghìn, trong đó có hàng trăm người đã trực tiếp đến Trụ sở của Văn phòng Uỷ ban thường vụ Quốc hội để trình bày ý kiến và nguyện vọng. Chỉ trong 9 tháng từ tháng 6-1970 đến tháng 2-1971, số đơn đã nhận được nhiều hơn năm 1969 là 638 đơn, bình quân mỗi tháng có khoảng 252 đơn. Đặc biệt, từ sau kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá VI đến tháng 12-1975, Văn phòng đã nhận được 4.531 đơn khiếu nại, tố cáo và đã tiếp trên 1.000 lượt người đến trực tiếp trình bày sự việc[14].
Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình, lãnh đạo Văn phòng đã trực tiếp chỉ đạo cho các Vụ chuyên môn phải làm tốt việc tiếp nhận đơn, nghiên cứu nội dung đơn, phân loại vụ việc rồi chuyển cho các cơ quan chức năng của Chính phủ đề nghị xem xét, giải quyết. Văn phòng còn giúp Ban Thư ký tổ chức các buổi tiếp dân đến khiếu tố và theo dõi việc giải quyết nội dung các đơn, thư của nhân dân để báo cáo Uỷ ban thường vụ Quốc hội. Trong quá trình tiếp dân, cán bộ Văn phòng đã chú ý lắng nghe ý kiến của nhân dân trình bày, giữ thái độ khiêm tốn, bình tĩnh, kiên nhẫn giải thích cho đương sự hoặc hướng dẫn đương sự khiếu tố đúng nơi, đúng chỗ. Văn phòng còn chủ động kết hợp với cán bộ phụ trách khu vực, phân loại các vụ việc quan trọng để kịp thời đề xuất biện pháp xử lý. Đồng thời, cử cán bộ liên hệ với một số cơ quan và địa phương, nhất là những cơ quan, địa phương có các vụ việc nổi cộm hoặc có nhiều đơn để nắm tình hình rồi cùng trao đổi và thống nhất biện pháp giải quyết.
Để thực hiện nhiệm vụ tham mưu cho Uỷ ban thường vụ Quốc hội trong công tác xử lý đơn, thư khiếu tố, Văn phòng đã nghiên cứu và đề xuất cách giải quyết các đề nghị và nguyện vọng của nhân dân dựa trên cơ sở nghiên cứu cụ thể từng nội dung vụ việc. Với cách làm này, vừa góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm đối với công tác, vừa nâng cao được trình độ tổng hợp, trình độ nghiên cứu của cán bộ tiếp dân. Hàng tháng, hàng quý và hàng năm, Văn phòng đều báo cáo về tình hình đơn, thư khiếu tố, về kết quả xử lý đơn, thư và kết quả của công tác tiếp dân dưới hình thức thống kê để giúp lãnh đạo Văn phòng tiện theo dõi và báo cáo Uỷ ban thường vụ Quốc hội. Các cán bộ tiếp dân luôn có ý thức sưu tầm các tài liệu về chế độ, chính sách pháp luật liên quan đến công tác dân nguyện để nghiên cứu, vận dụng khi xử lý công việc.
Qua công tác tiếp dân và nghiên cứu đơn, thư khiếu tố của nhân dân, Văn phòng đã làm báo cáo đề xuất một số vấn đề thuộc chủ trương, chính sách và kiến nghị một số nội dung liên quan như: tăng cường vai trò giám sát của Uỷ ban thường vụ Quốc hội và các Đoàn đại biểu Quốc hội; đề nghị Uỷ ban thường vụ Quốc hội sớm ban hành Pháp lệnh Xét khiếu tố của công dân; kiến nghị Tòa án nhân dân tối cao xem xét lại một số vụ án kéo dài… Đối với các cơ quan có thẩm quyền ở địa phương, Văn phòng đề nghị phải tăng cường công tác kiểm tra việc giải quyết đơn, thư khiếu tố của nhân dân và thực hiện tốt chế độ tiếp dân theo quy định.
2.2. Phục vụ công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và theo dõi hoạt động của Hội đồng nhân dân
Từ năm 1960 đến năm 1975, nhân dân miền Bắc đã lần lượt bầu cử đại biểu Quốc hội các khóa II, III, IV, V. Văn phòng đã tham mưu, phục vụ Uỷ ban thường vụ Quốc hội trong việc chỉ đạo, tổ chức các cuộc tuyển cử đại biểu Quốc hội. Sau khi Uỷ ban thường vụ Quốc hội quyết định ngày bầu cử, Văn phòng đã tích cực triển khai các công việc phục vụ cuộc bầu cử, từ việc soạn thảo các văn bản hướng dẫn chi tiết, cụ thể về công tác bầu cử đến việc xây dựng kế hoạch tuyên truyền về cuộc bầu cử; lập danh sách cử tri và danh sách trích ngang những người ứng cử; kiểm tra và báo cáo Uỷ ban thường vụ Quốc hội về công tác chuẩn bị bầu cử, theo dõi diễn biến các cuộc bầu cử và làm báo cáo tổng hợp kết quả bầu cử để trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội.
Mặc dù điều kiện và phương tiện làm việc thời kỳ này còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng tập thể cán bộ, nhân viên của Văn phòng đều rất tận tụy làm việc, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Để làm tốt công tác tham mưu, giúp Uỷ ban thường vụ Quốc hội chủ trì các cuộc tuyển cử đại biểu Quốc hội, cán bộ Văn phòng đã chủ động sưu tầm tài liệu về tổ chức Quốc hội, về bầu cử đại biểu Quốc hội của các nước xã hội chủ nghĩa và một số nước tư bản chủ nghĩa để rút kinh nghiệm và vận dụng cho các cuộc bầu cử của nước nhà.
Quốc hội khóa III được bầu ngày 26-4-1964, đúng ra đã hết nhiệm kỳ từ ngày 26-4-1968. Song, do đế quốc Mỹ đẩy mạnh chiến tranh trên cả hai miền Nam - Bắc, cả nước phải dồn sức vào sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước nên việc chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội ở miền Bắc gặp những trở ngại lớn. Trước tình hình đó, căn cứ vào Điều 45 của Hiến pháp 1959, ngày 2-5-1968, Quốc hội đã ra Nghị quyết về việc kéo dài nhiệm kỳ Quốc hội khóa III và giao cho Uỷ ban thường vụ Quốc hội quyết định việc tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa IV khi nào tình hình cho phép[15].
Tháng 3-1971, nhiệm kỳ Quốc hội khóa III đã kéo dài gần 7 năm. Lúc này, tuy cả nước vẫn ở trong tình trạng chiến tranh, nhưng đế quốc Mỹ đã phải chấm dứt chiến tranh phá hoại đối với miền Bắc. Để đời sống chính trị của miền Bắc dần dần trở lại bình thường và bảo đảm đầy đủ hoạt động dân chủ của nhân dân khi đã có điều kiện, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã quyết định tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa IV vào Chủ nhật, ngày 11-4-1971. Khi thảo luận về việc chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa IV, có hai vấn đề cần phải xin ý kiến Quốc hội, đó là: vấn đề lưu nhiệm đại biểu miền Nam (khóa I) và ấn định số đại biểu bầu vào Quốc hội khóa IV. Văn phòng đã phục vụ Uỷ ban thường vụ Quốc hội xây dựng Tờ trình về hai nội dung trên để xin ý kiến Quốc hội. Sau khi xem xét Tờ trình của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, ngày 4-3-1971, Quốc hội đã thông qua quyết nghị nhiệm kỳ của các đại biểu Quốc hội đã được nhân dân miền Nam bầu ra ngày 6-1-1946 sẽ chấm dứt cùng với nhiệm kỳ Quốc hội khóa III và số đại biểu được bầu vào Quốc hội khóa IV là 420 người. Thực hiện kế hoạch bầu cử đại biểu Quốc hội khóa IV của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Văn phòng đã chuẩn bị mọi công việc bảo đảm đúng thời gian và tiến độ của cuộc bầu cử.
Việc chuẩn bị, tuyên truyền vận động bầu cử đại biểu Quốc hội khóa V được triển khai trong bối cảnh cả nước sắp bước vào thời điểm lịch sử trọng đại của dân tộc - thời điểm mở đầu cho cuộc tổng tiến công chiến lược mùa Xuân năm 1975. Vì vậy, nhiệm vụ chuẩn bị và thực hiện tuyển cử bầu Quốc hội khóa V là một sự kiện lịch sử - chính trị đặc biệt. Văn phòng đã tham mưu cho Uỷ ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội quyết định sửa đổi Điều 11 và Điều 12 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội năm 1959, Sau khi Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội (sửa đổi) được thông qua, căn cứ vào số dân của từng địa phương và Quyết định của Quốc hội ngày 28-12-1974, Văn phòng đã phục vụ Uỷ ban thường vụ Quốc hội tổ chức 85 đơn vị bầu cử và theo dõi sát quá trình chuẩn bị, báo cáo nhanh những sự kiện bất thường, giúp Uỷ ban thường vụ Quốc hội có biện pháp xử lý kịp thời. Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa V tiến hành ngày 6-4-1975 đã thành công tốt đẹp, các quyền dân chủ cơ bản của nhân dân và quyền bình đẳng giữa các dân tộc thực sự được tôn trọng. Việc tuyên truyền, vận động bầu cử được tiến hành hoàn toàn tự do và đúng pháp luật.
Để giúp Uỷ ban thường vụ Quốc hội giám sát hoạt động của Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Văn phòng đã nghiên cứu các báo cáo thường kỳ và theo dõi việc ban hành các nghị quyết của Hội đồng nhân dân để báo cáo Uỷ ban thường vụ Quốc hội; tổ chức phục vụ các thành viên Ban Thư ký tham dự Hội nghị Hội đồng nhân dân. Ngày 5-5-1974, cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp được triển khai, Văn phòng đã cử cán bộ tham gia phục vụ các đoàn đại biểu Uỷ ban thường vụ Quốc hội đi giám sát cuộc bầu cử.
2.3. Phục vụ công tác đối ngoại của Quốc hội
Đầu năm 1965, quan hệ quốc tế của Quốc hội Việt Nam được mở rộng. Nhiều đoàn đại biểu Quốc hội nước ta đã lần lượt đi thăm một số nước trên thế giới. Bộ phận phụ trách công tác đối ngoại của Văn phòng hoạt động ngày càng tích cực trong các công việc chủ yếu như: nghiên cứu, đề xuất các vấn đề về hoạt động ngoại giao của Quốc hội để trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội; tổ chức phục vụ các phái đoàn của Quốc hội nước ta đi thăm và làm việc với Quốc hội các nước hoặc tham dự các Hội nghị quốc tế…
Để giúp cho hoạt động đối ngoại của Quốc hội đạt kết quả tốt, Văn phòng đã nghiên cứu, sưu tầm tư liệu cơ bản về hoạt động của Quốc hội các nước để phục vụ các đoàn công tác. Đồng thời, phối hợp với Bộ Ngoại giao để duy trì quan hệ với Văn phòng Liên minh Quốc hội và các nhóm nghị sĩ Quốc hội các nước, đề xuất phương án thích hợp trong việc phục vụ các đại biểu Quốc hội của ta hoạt động trong các cuộc họp Liên minh Quốc hội.
Tháng 4-1974, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội được thành lập, đánh dấu một bước phát triển trong hoạt động đối ngoại của Quốc hội Việt Nam. Văn phòng đã tổ chức phục vụ Chủ tịch và các Phó Chủ tịch Uỷ ban thường vụ Quốc hội đón, tiếp nhiều Đoàn đại biểu Quốc hội các nước từ châu Á, châu Âu, châu Mỹ và châu Phi đến thăm chính thức Việt Nam. Các cuộc tiếp khách quốc tế của lãnh đạo Quốc hội và Uỷ ban thường vụ Quốc hội đều được cán bộ Văn phòng ghi biên bản và phục vụ chu đáo, tạo không khí cởi mở, thân thiện. Văn phòng thường xuyên rút kinh nghiệm trong công tác phục vụ, cải tiến lề lối làm việc, tăng cường số lượng và chất lượng cán bộ làm công tác đối ngoại để bảo đảm phục vụ các hoạt động đối ngoại của Quốc hội.
Ngoài công tác nói trên, Văn phòng còn phục vụ Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội duy trì quan hệ với Đại sứ quán các nước ở Hà Nội; mời Ngoại giao đoàn và báo chí nước ngoài dự thính các kỳ họp Quốc hội; chuẩn bị các tư liệu, văn kiện cho Quốc hội ra tuyên bố về các vấn đề quốc tế xét thấy cần thiết; chuẩn bị các bài phát biểu cho Chủ tịch Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Uỷ ban thường vụ Quốc hội trả lời phỏng vấn của phóng viên báo chí nước ngoài; chuẩn bị các văn bản, tờ trình Quốc hội phê chuẩn hoặc bãi bỏ các hiệp ước, hiệp định về kinh tế, văn hóa…
2.4. Quản lý công tác hành chính của Quốc hội
Quản lý công tác hành chính không chỉ đơn thuần là công tác nghiệp vụ mà còn quan hệ tới nhiều công tác khác. Được sự quan tâm của lãnh đạo Văn phòng, công tác quản lý hành chính của Quốc hội ngày càng đi vào nền nếp.
Trước những năm 1960, công tác quản lý tài liệu của Quốc hội chưa được quan tâm đúng mức; phần lớn các tài liệu liên quan đến hoạt động của Quốc hội bị thất lạc. Việc sưu tầm, chỉnh lý các văn kiện của Quốc hội tuy có đặt ra, nhưng do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan nên công việc hầu như không có kết quả. Chủ trương biên soạn các Văn kiện của Quốc hội không thực hiện được, một phần do không sưu tầm được tài liệu, một phần do thiếu cán bộ.
Từ sau năm 1962, trên cơ sở cải tiến công tác tổ chức theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng đã có một bộ phận chức năng làm nhiệm vụ tiếp nhận, sưu tầm, chỉnh lý và bảo quản tài liệu của Quốc hội để phục vụ việc nghiên cứu, khai thác của đại biểu Quốc hội và của cán bộ Văn phòng. Thời gian đầu, công tác chỉnh lý và bảo quản tài liệu còn một số thiếu sót như trình độ chuyên môn và kỹ thuật của cán bộ chưa cao, chưa thực hiện tốt nội quy bảo mật, việc học tập để nâng cao trình độ nghiệp vụ chưa được tiến hành thường xuyên. Nhờ kết hợp tốt giữa công tác văn thư và công tác lưu trữ, Văn phòng đã từng bước chấn chỉnh những yếu kém về nghiệp vụ, xây dựng bản điều lệ về công tác bảo quản tài liệu, hồ sơ của Quốc hội và Uỷ ban thường vụ Quốc hội, hướng dẫn, giúp đỡ cán bộ của Văn phòng lập hồ sơ theo quy định của Nhà nước.
Công tác quản lý, tổ chức, cán bộ, lao động, tiền lương, tài sản và tài vụ của Văn phòng Uỷ ban thường vụ Quốc hội cũng từng bước được củng cố. Căn cứ vào Nghị quyết của phiên họp Hội đồng Chính phủ ngày 17-1-1962 về việc “tinh giản bộ máy làm cho tổ chức gọn, nhẹ, có hiệu suất cao”, lãnh đạo Văn phòng đã cải tiến công tác tổ chức - cán bộ trên cơ sở hoàn thành văn bản quy định về lề lối làm việc của Văn phòng, xác định tiêu chuẩn cán bộ để bố trí, sắp xếp xuất phát từ nhu cầu thực tế của công việc; đề cao vai trò nòng cốt của cán bộ lâu năm, đồng thời cũng coi trọng việc đề bạt, cất nhắc những cán bộ trẻ có trình độ chuyên môn, kỹ thuật. Năm 1974, Văn phòng đã hoàn thành văn bản quy định chế độ làm việc và đề ra các biện pháp thiết thực để đoàn kết cán bộ, nhân viên thi đua nâng cao chất lượng công tác của cơ quan. Lãnh đạo Văn phòng đã mạnh dạn cử cán bộ đi học các lớp dài hạn, ngắn hạn về chính trị, văn hóa và chuyên môn nhằm nâng cao nhận thức chính trị và trình độ nghiệp vụ cho cán bộ, nhân viên của Văn phòng.
Việc thực hiện các chế độ, chính sách như lao động, tiền lương, an dưỡng, nghỉ ngơi, trợ cấp khó khăn được bảo đảm kịp thời, đúng đối tượng, phù hợp với tình hình thực tế.
Công tác quản lý tài vụ và tài sản của Văn phòng cũng được quan tâm và cải tiến, từ việc phục vụ, sắp xếp phòng họp, phòng làm việc đến việc mua sắm, nâng cấp trang, thiết bị nội thất, cải tạo lại hệ thống điện, đèn, bảo đảm nguồn điện ổn định và an toàn cho phòng họp Uỷ ban thường vụ Quốc hội, phòng làm việc của Chủ tịch và các Phó Chủ tịch Uỷ ban thường vụ Quốc hội, của Chủ nhiệm các Ủy ban… được cán bộ Văn phòng thực hiện chu đáo. Việc bảo đảm chế độ ăn, ở và đi lại cho các thành viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội cũng được Văn phòng nghiên cứu và từng bước cải tiến cách thức phục vụ.
Ngoài công tác thường xuyên và đột xuất phải bảo đảm phục vụ, Văn phòng đã xúc tiến một loạt các công việc mang tính chất sự vụ như: cải tạo nhà tiếp khách, nhà thường trực cơ quan; sửa chữa nhỏ cơ quan và các khu tập thể… nhằm bảo đảm mọi yêu cầu công tác và sinh hoạt cho cán bộ và nhân viên Văn phòng.
II. GIAI ĐOẠN 1976 - 1981
Ngày 30-4-1975, miền Nam nước ta được hoàn toàn giải phóng, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước kết thúc thắng lợi. Nhiệm vụ chiến lược cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân được hoàn thành, đất nước thống nhất, bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên xây dựng Tổ quốc Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất và đi lên chủ nghĩa xã hội với khẩu hiệu “Tất cả cho sản xuất, tất cả để xây dựng chủ nghĩa xã hội”, “Tất cả vì Tổ quốc giàu mạnh và hạnh phúc của nhân dân”[16].
Nhằm đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, Văn phòng Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã tiến hành kiện toàn lại bộ máy các vụ, đơn vị để phục vụ hoạt động của Quốc hội trong sự nghiệp thống nhất đất nước.
1. Kiện toàn tổ chức bộ máy của Văn phòng Uỷ ban thường vụ Quốc hội
Thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ về việc sắp xếp, tổ chức bộ máy hành chính theo hướng thống nhất, Văn phòng Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã triển khai đề án kiện toàn công tác tổ chức, tăng cường cán bộ cho các đơn vị, đẩy mạnh việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ về chính trị và nghiệp vụ chuyên môn. Về cơ bản, chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng không thay đổi nhưng do địa bàn hoạt động được mở rộng trong toàn quốc nên công tác tổ chức được chấn chỉnh lại.
Về lãnh đạo Văn phòng: tháng 12-1978, ông Trần Đình Tri, ủy viên Thư ký Uỷ ban thường vụ Quốc hội kiêm Chủ nhiệm Văn phòng đi nghỉ dưỡng bệnh nên Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Việt Dũng, Chánh Văn phòng Phủ Chủ tịch làm quyền Chủ nhiệm Văn phòng Uỷ ban thường vụ Quốc hội[17].
Về cơ cấu tổ chức của Văn phòng: ngoài việc duy trì ba Vụ chuyên môn là Vụ Hành chính, Vụ Dân chính và Vụ Pháp chính, Văn phòng đã quyết định thành lập một số phòng trực thuộc các vụ và một số phòng chuyên môn trực thuộc Văn phòng để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo quy định.
Căn cứ vào Điều 4 của Nghị quyết 87NQ/TVQH ngày 16-1-1962 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội và Quyết định số 435NQ/QH/K4 ngày 28-3-1974 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về việc đặt chức Chủ nhiệm Văn phòng Uỷ ban thường vụ Quốc hội; theo đề nghị của Chủ nhiệm Văn phòng, ngày 26-7-1975 Tổng Thư ký Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã ban hành Quyết định số 2341QH/TC về việc nâng Tổ Tổng hợp thuộc Vụ Hành chính lên thành Phòng Tổng hợp - Tư liệu trực thuộc Văn phòng Uỷ ban thường vụ Quốc hội.
Phòng Tổng hợp - Tư liệu do ông Đặng Thư làm Trưởng phòng với biên chế có 5 cán bộ. Nhiệm vụ của phòng là giúp Chủ nhiệm Văn phòng trong việc tổng hợp tình hình công tác của cơ quan; quản lý công tác biên bản, làm thủ tục công bố và truyền đạt các nghị quyết của Quốc hội và Uỷ ban thường vụ Quốc hội; quản lý tủ sách, quản lý công tác tư liệu, lưu trữ thông tin, xuất bản và bảo tàng[18].
Ngày 13-1-1976, Tổng Thư ký Uỷ ban thường vụ Quốc hội ban hành Quyết định số 180QH/HC về việc nâng bộ phận Tổ chức - Cán bộ thuộc Vụ Hành chính lên thành Phòng Tổ chức - Cán bộ trực thuộc Văn phòng Uỷ ban thường vụ Quốc hội.
Phòng Tổ chức - Cán bộ do ông Nguyễn Hữu Tâm làm Trưởng phòng. Phòng có nhiệm vụ giúp Chủ nhiệm Văn phòng quản lý công tác tổ chức - cán bộ gồm các công việc cụ thể như: nghiên cứu và đề xuất ý kiến về công tác cải tiến, kiện toàn bộ máy Văn phòng và công tác quản lý cán bộ của Văn phòng theo sự phân công của Trung ương; đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, bố trí, sử dụng, điều động, đề bạt, khen thưởng. Trong phạm vi trách nhiệm của mình, Phòng còn thực hiện việc quản lý tổ chức và cán bộ trong cơ quan; quản lý tài liệu hồ sơ về công tác tổ chức và cán bộ thuộc Văn phòng Uỷ ban thường vụ Quốc hội, quản lý danh sách và tiểu sử tóm tắt của đại biểu Quốc hội. Phòng có 1 Trưởng phòng và 2 cán bộ chuyên môn[19].
Cùng ngày 13-1-1976, Tổng Thư ký Uỷ ban thường vụ Quốc hội còn ban hành Quyết định 181QH/HC về việc nâng bộ phận phục vụ công tác đối ngoại lên thành Phòng Đối ngoại trực thuộc Vụ Hành chính. Nhiệm vụ của Phòng là nghiên cứu các vấn đề về công tác đối ngoại của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội và báo cáo với Chủ nhiệm Văn phòng; quản lý và tổ chức phục vụ các hoạt động của Quốc hội, của Uỷ ban thường vụ Quốc hội và của Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội; thực hiện những công tác khác về đối ngoại do Chủ nhiệm Văn phòng giao[20].
Ngày 26-8-1976, căn cứ vào đề nghị của Chủ nhiệm Văn phòng và căn cứ vào nhu cầu thực tế của công tác xét khiếu tố, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 13NQ/QHK6 về việc nâng Phòng Xét khiếu tố và Dân nguyện thuộc Vụ Dân chính lên thành Vụ Xét khiếu tố và Dân nguyện trực thuộc Văn phòng[21].
Vụ Xét khiếu tố và Dân nguyện do ông Nguyễn Xuân Phương (Phương Nam) làm Vụ trưởng. Với 10 cán bộ, nhân viên, vụ có nhiệm vụ giúp Uỷ ban thường vụ Quốc hội trong các công việc: tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo hay trình bày nguyện vọng; nghiên cứu và đề nghị cách giải quyết các khiếu nại, tố cáo và nguyện vọng của nhân dân; thông qua việc xét khiếu tố và dân nguyện của nhân dân để giúp Uỷ ban thường vụ Quốc hội giám sát việc thi hành pháp chế xã hội chủ nghĩa.
Sau khi đất nước thống nhất, nhiều cơ quan Trung ương đều có Văn phòng đại diện tại thành phố Hồ Chí Minh để phục vụ công tác tại các tỉnh phía Nam. Đầu năm 1976, được sự giúp đỡ của Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, Văn phòng Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã tiếp nhận nhà số 165 đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa làm trụ sở liên lạc của Quốc hội ở các tỉnh phía Nam[22]. Để xây dựng bộ máy giúp việc của Văn phòng tại cơ sở phía Nam, ngày 14-10-1976 theo đề nghị của Chủ nhiệm Văn phòng, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã ban hành Quyết định số 20NQ/QH/K6 về việc thành lập một bộ phận của Văn phòng tại thành phố Hồ Chí Minh, lấy tên là Phòng Liên lạc của Văn phòng Uỷ ban thường vụ Quốc hội trực thuộc Vụ Hành chính. Trưởng phòng Liên lạc là ông Nguyễn Xuân Phương (Phương Bắc).
Phòng Liên lạc có nhiệm vụ giữ mối liên hệ giữa Văn phòng Uỷ ban thường vụ Quốc hội với các đại biểu Quốc hội ở phía Nam và giải quyết các công việc về chế độ, chính sách cho các đại biểu phía Nam; phục vụ các cuộc họp của Uỷ ban thường vụ Quốc hội và các Ủy ban của Quốc hội tại thành phố Hồ Chí Minh; giao dịch với các cơ quan nhà nước về các vấn đề có liên quan đến hoạt động của Quốc hội tại các tỉnh phía Nam. Tuy là đơn vị trực thuộc Văn phòng, nhưng vì điều kiện ở xa cơ quan nên Chủ nhiệm Văn phòng đã đồng ý cho Phòng Liên lạc có con dấu để giao dịch theo chức năng, nhiệm vụ đã quy định.
Trước năm 1979, trong biên chế của Văn phòng chưa có bộ phận bảo vệ. Các công việc từ bảo vệ chính trị nội bộ đến bảo vệ trật tự, an toàn cơ quan đều do Tổ Công tác của Bộ Công an đảm nhiệm. Ngày 4-10-1979, trước yêu cầu cần phải tăng cường công tác bảo vệ cơ quan, căn cứ vào Nghị định số 36-CP ngày 3-2-1975 của Hội đồng Chính phủ về tổ chức bảo vệ ở các cơ quan, xí nghiệp nhà nước, theo đề nghị của Chủ nhiệm Văn phòng, Tổng Thư ký Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã ban hành Quyết định số 2746QH/TC về việc thành lập Phòng Bảo vệ cơ quan trực thuộc Văn phòng Uỷ ban thường vụ Quốc hội.
Phòng Bảo vệ do ông Phạm Năng Khiêm làm Trưởng phòng. Căn cứ vào quy định tại Điều 5 của Nghị định 36-CP, phòng có nhiệm vụ nghiên cứu các kế hoạch, biện pháp tổ chức thực hiện các chế độ, thể lệ chung về công tác bảo vệ bí mật Nhà nước, bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa và trật tự, an ninh trong cơ quan; kiểm tra việc chấp hành các chế độ, thể lệ, nội quy bảo vệ của các đơn vị chuyên môn trong cơ quan và trực tiếp kiểm soát việc ra vào, đi lại trong cơ quan, thi hành các luật lệ về quản lý hành chính khác; trực tiếp hoặc phối hợp với lực lượng tự vệ, thanh niên cờ đỏ của cơ quan để tuần tra, canh gác, bảo vệ cơ quan; theo dõi, nắm tình hình chung về bảo vệ bí mật Nhà nước, bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa và trật tự an ninh trong cơ quan...
Quốc hội khóa VI được bầu ra ngày 25-4-1976 với 492 đại biểu. Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội đã thành lập thêm 3 Ủy ban mới: Ủy ban Văn hóa và Giáo dục; Ủy ban Y tế và Xã hội; Ủy ban Đối ngoại, nâng tổng số các cơ quan của Quốc hội lên 6 Ủy ban.
Việc tăng số lượng các Ủy ban của Quốc hội làm cho khối lượng công việc của Văn phòng cũng tăng lên, yêu cầu về cường độ và chất lượng phục vụ đòi hỏi ngày càng cao. Trên cơ sở nhiệm vụ của Văn phòng được quy định từ trước năm 1975 với ba khối công việc, tháng 4-1977, Văn phòng đã điều chỉnh về nhân sự và chức năng, nhiệm vụ của 2 Vụ Dân chính và Vụ Hành chính.
Vụ Dân chính được bổ sung 1 Phó Vụ trưởng và 5 chuyên viên nghiên cứu. Nhiệm vụ của Vụ được sửa đổi, bổ sung như sau: phục vụ hoạt động của 4 Ủy ban của Quốc hội: Ủy ban Kế hoạch và Ngân sách, Ủy ban Dân tộc, Ủy ban Văn hóa và Giáo dục, Ủy ban Y tế và Xã hội; phục vụ Uỷ ban thường vụ Quốc hội trong việc chủ trì bầu cử Quốc hội và trong việc giám sát hoạt động của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp; phục vụ Uỷ ban thường vụ Quốc hội theo dõi hoạt động của các Đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội; cùng với các vụ, các tổ chức, đơn vị trong cơ quan phục vụ các kỳ họp của Quốc hội và của Uỷ ban thường vụ Quốc hội.
Vụ Hành chính cũng được bổ sung 1 Phó Vụ trưởng, nâng tổng số cán bộ, nhân viên của Vụ lên 41 người. Vụ có nhiệm vụ: phục vụ các kỳ họp, các hoạt động của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội và của các Ủy ban của Quốc hội về mặt tổ chức vật chất; phục vụ việc liên hệ giữa Uỷ ban thường vụ Quốc hội với Hội đồng Chính phủ; giữa Uỷ ban thường vụ Quốc hội với các Ủy ban của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội; giữa Uỷ ban thường vụ Quốc hội với Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan hữu quan; tổ chức phục vụ về mặt vật chất cho các phái đoàn của Quốc hội, của Uỷ ban thường vụ Quốc hội đi thăm nước ngoài và đón tiếp các phái đoàn Quốc hội nước ngoài đến thăm Việt Nam; làm công tác quản trị, hành chính, nghiệp vụ, chuyên môn và quản lý toàn bộ tài sản của Văn phòng; phối hợp với Phòng Tổ chức - Cán bộ thực hiện các chế độ, chính sách đối với đại biểu Quốc hội và đối với cán bộ, viên chức của Văn phòng.
Việc kiện toàn tổ chức bộ máy đã làm cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của Văn phòng Uỷ ban thường vụ Quốc hội được tăng cường. Trước năm 1974, đội ngũ cán bộ, nhân viên của Văn phòng còn ít, hầu hết đều là cán bộ được tuyển chọn từ các cơ quan Trung ương và địa phương, bình quân tuổi đời từ 45 đến 50. Từ năm 1974, do khối lượng công việc ngày càng tăng và để đáp ứng yêu cầu phục vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng bắt đầu tuyển dụng cán bộ trẻ, có trình độ đại học. Tháng 4-1974, Văn phòng tuyển dụng 4 cán bộ tốt nghiệp đại học, công tác tuyển dụng thời gian sau đó được tiến hành đồng loạt hơn. Năm 1978, số cán bộ trẻ tốt nghiệp các trường đại học trong và ngoài nước được tuyển dụng về Văn phòng nhiều hơn, nâng tổng số cán bộ nhân viên của Văn phòng lên khoảng 100 người vào cuối những năm 1970[23].
Đội ngũ cán bộ Văn phòng lúc này phần lớn đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong công tác thực tế, gương mẫu, tận tụy trong công việc, có lối sống cần, kiệm, liêm, chính, có lập trường chính trị vững vàng, tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Tuy nhiên, do trình độ chuyên môn của số đông cán bộ còn hạn chế, số cán bộ trẻ được đào tạo theo các chuyên ngành pháp luật và kinh tế được tuyển về Văn phòng còn ít, số sinh viên mới tốt nghiệp này chưa được bồi dưỡng một cách có hệ thống về lý luận chính trị nên chưa có điều kiện để phát huy năng lực chuyên môn. Nhưng do có sự bố trí, sắp xếp cán bộ hợp lý, các bộ phận được phân công, phân nhiệm rõ ràng, nên Văn phòng đã hoàn thành công tác tham mưu, phục vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội.
2. Hoạt động trong giai đoạn 1976-1981
Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, non sông thu về một mối, ngày 25-4-1976, nhân dân cả nước đã nô nức tham gia cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa VI của nước Việt Nam thống nhất. Sự kiện này có ý nghĩa trọng đại mở đầu cho thời kỳ mới trong quá trình phát triển của đất nước. Theo chức năng, nhiệm vụ đã được xác định, Văn phòng Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã phục vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội trên các lĩnh vực công tác.
2.1. Phục vụ công tác soạn thảo Hiến pháp mới và xây dựng pháp luật
Nhằm đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước, nhiệm vụ đặt ra là phải có một bản Hiến pháp mới. Ngày 3-7-1976, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa VI đã thông qua Nghị quyết về việc thành lập Ủy ban dự thảo Hiến pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Chủ tịch Uỷ ban thường vụ Quốc hội Trường Chinh làm Chủ tịch.
Tháng 7-1976, triển khai nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban dự thảo Hiến pháp đã họp và cử ra Ban Thường trực[24] để chỉ đạo việc soạn thảo nội dung. Công tác nghiên cứu, soạn thảo Hiến pháp mới được bắt đầu từ cuối năm 1976, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch Uỷ ban thường vụ Quốc hội Trường Chinh. Để giúp Ủy ban dự thảo Hiến pháp sưu tầm, soạn thảo tài liệu, Văn phòng đã trưng tập hơn 100 cán bộ từ nhiều cơ quan Trung ương và Hà Nội để phục vụ công tác nghiên cứu, xây dựng Hiến pháp 1980. Công việc được tiến hành khẩn trương và liên tục trong nhiều tháng. Sau khi hoàn thành, phần lớn số cán bộ trưng tập lại trở về cơ quan cũ. Do tính chất đặc thù của công việc, Văn phòng đã đề nghị với Ban Thống nhất Trung ương, Ban Dân tộc Trung ương, Tòa án nhân dân tối cao và một số cơ quan khác điều động 10 cán bộ có nhiều kinh nghiệm và trình độ chuyên môn sâu về lĩnh vực pháp lý để thành lập Tổ Chuyên viên giúp việc thường xuyên Ủy ban dự thảo Hiến pháp, tổ trưởng là ông Trần Minh Việt. Nhiệm vụ của Tổ là phục vụ các phiên họp của Ủy ban dự thảo Hiến pháp; chuẩn bị tài liệu, tư liệu theo yêu cầu của Chủ tịch và các ủy viên Ủy ban; tham gia ý kiến trong quá trình soạn thảo nội dung khi được Chủ tịch cho phép… Các cán bộ Văn phòng được phân công trực tiếp phục vụ Ban Thường trực của Ủy ban dự thảo Hiến pháp gồm các ông Nguyễn Văn Kiêm, Vũ Như Giới và một số cán bộ của Vụ Pháp chính. Để có thêm tài liệu tham khảo, một mặt, Văn phòng đã thông qua Bộ Ngoại giao nhờ liên hệ với đại sứ các nước xã hội chủ nghĩa ở Hà Nội và các đại sứ quán của ta ở nước ngoài để tìm tài liệu về Hiến pháp và nhờ dịch ra bản tiếng Việt. Mặt khác, Văn phòng cũng tổ chức một đoàn cán bộ đi nghiên cứu kinh nghiệm về xây dựng Hiến pháp và tổ chức hoạt động của Văn phòng Quốc hội ở một số nước. Trên cơ sở tiếp thu kinh nghiệm của các nước bạn, cán bộ Văn phòng đã tham mưu, giúp Ban Thường trực của Ủy ban dự thảo Hiến pháp xây dựng nội dung bản sơ thảo Hiến pháp mới.
Ngày 4-2-1978, Bộ Chính trị đã ra Chỉ thị số 36-CT/TW về việc tổ chức thảo luận dự thảo Hiến pháp mới trong cán bộ và nhân dân. Thi hành Chỉ thị của Bộ Chính trị, từ ngày 23-2 đến ngày 1-3-1978, Văn phòng đã phục vụ Hội nghị với gần 700 cán bộ tham dự do Ban Bí thư Trung ương Đảng triệu tập để nghe giới thiệu nội dung dự thảo Hiến pháp mới, phổ biến kế hoạch tổ chức, thảo luận dự thảo Hiến pháp trong cán bộ và nhân dân, bồi dưỡng một số báo cáo viên và hướng dẫn viên cho các cơ quan Trung ương và các địa phương.
Để giúp Ủy ban dự thảo Hiến pháp có cơ sở chỉnh sửa nội dung, Chủ nhiệm Văn phòng đã chỉ đạo trực tiếp và giao cho một bộ phận cán bộ nghiên cứu, khai thác các biên bản Hội nghị thảo luận của 38 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và hơn 100 cơ quan ở Trung ương; khai thác những thư góp ý của đại biểu Quốc hội và của một số cơ quan, đoàn thể gửi đến Văn phòng Uỷ ban thường vụ Quốc hội[25]. Đợt 1, Văn phòng đã khai thác, phân loại và thống kê được 44.540 ý kiến với 240.580 lượt người phát biểu. Đây là công việc phức tạp, nhưng đã được Văn phòng thực hiện chu đáo. Cán bộ Văn phòng được phân công phục vụ trực tiếp, đã cùng Ban Thường trực Ủy ban dự thảo Hiến pháp nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến để bổ sung vào bản dự thảo, tham gia viết lại các chương, các điều. Đầu năm 1980, khi bản Dự thảo cơ bản được chỉnh lý, Chủ tịch Ủy ban dự thảo Hiến pháp đã giao cho ông Nguyễn Mạnh Hùng[26], Uỷ viên Thư ký Ủy ban Pháp luật của Quốc hội kiêm Vụ trưởng Vụ Pháp luật của Văn phòng Quốc hội viết bản giới thiệu về dự thảo Hiến pháp đưa ra công bố để trưng cầu ý kiến cán bộ và nhân dân trong cả nước. Ngày 18-12-1980, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa VI đã thảo luận và thông qua Hiến pháp 1980. Tiếp đó, trong cuộc họp của Ủy ban dự thảo Hiến pháp chiều ngày 27-12-1980, Chủ tịch Uỷ ban thường vụ Quốc hội Trường Chinh đã biểu dương, khen ngợi những đóng góp của Văn phòng trong việc phục vụ Ủy ban dự thảo Hiến pháp mới - Hiến pháp 1980.
Trong nhiệm kỳ 5 năm (1976 - 1981), Văn phòng đã phục vụ Quốc hội ban hành nhiều nghị quyết quan trọng như Nghị quyết thông qua nhiệm vụ cơ bản kế hoạch của Nhà nước 5 năm (1976 - 1980); Nghị quyết phê chuẩn việc phân vạch lại địa giới thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh khác; Nghị quyết về việc thành lập đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo trực thuộc Trung ương[27]...
Văn phòng còn phục vụ Uỷ ban thường vụ Quốc hội ban hành 5 Pháp lệnh trên cơ sở đề nghị của Hội đồng Chính phủ và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, đó là: Pháp lệnh về việc xin ân giảm án tử hình và xét duyệt án tử hình; Pháp lệnh về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; Pháp lệnh sửa đổi và bổ sung một số điều về thuế công thương nghiệp và thuế sát sinh; Pháp lệnh sửa đổi và bổ sung một số điều khoản của Pháp lệnh năm 1961 quy định thể lệ bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp và Pháp lệnh trừng trị tội hối lộ[28].
Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa VI có 7 kỳ họp. Để hoàn thành chương trình của mỗi kỳ họp, Văn phòng đã thành lập Tổ Thư ký gồm cán bộ ở các cơ quan Trung ương, cán bộ Văn phòng để ghi chép biên bản của các của Tổ Đại biểu, phản ánh đầy đủ những ý kiến của đại biểu với Đoàn Thư ký kỳ họp. Năm 1978, Văn phòng đã tổ chức ghi biên bản của gần 100 cuộc họp tổ đại biểu, 55 tham luận của đại biểu ở kỳ họp, tập hợp trên 500 ý kiến chất vấn và kiến nghị của đại biểu và cử tri cả nước gửi Chính phủ và các bộ, ngành[29]. Tại kỳ họp thứ nhất, Văn phòng đã chuẩn bị và phục vụ Ủy ban Thẩm tra tư cách đại biểu của những người trúng cử; chuẩn bị các phương tiện phục vụ việc bầu, phê chuẩn các chức danh lãnh đạo cấp cao của Nhà nước. Trong thời gian Quốc hội họp, Văn phòng đã phục vụ kịp thời các tài liệu, văn bản, thông tin phản ánh dư luận trong và ngoài nước có liên quan đến kỳ họp, đến đại biểu Quốc hội và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Sau mỗi kỳ họp, Văn phòng đã tham gia vào việc hoàn chỉnh các văn bản, nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua; tiến hành các thủ tục cần thiết để công bố và tổ chức thực hiện. Văn phòng còn giúp Uỷ ban thường vụ Quốc hội trong việc tổng kết, đánh giá kết quả kỳ họp; rút kinh nghiệm công tác chỉ đạo điều hành, dự kiến chương trình, kế hoạch và biện pháp thực hiện cho kỳ họp tiếp theo...
2.2. Phục vụ hoạt động của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội và các Ủy ban của Quốc hội
Để giúp Quốc hội xem xét và quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, Văn phòng đã thường xuyên liên hệ với Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Tài chính để nắm thông tin về việc xây dựng kế hoạch và ngân sách nhà nước hàng năm, làm báo cáo trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội; liên hệ với Bộ Xây dựng về các vấn đề thuộc phạm vi công tác xây dựng cơ bản ở miền Bắc; liên hệ với Ủy ban Dân tộc của Chính phủ để nắm tình hình thực hiện chính sách dân tộc ở miền núi, chủ yếu là vấn đề định canh, định cư và ổn định đời sống vật chất, tinh thần và văn hóa của đồng bào các dân tộc; cùng với Ban Tổ chức Chính phủ làm thủ tục trình Quốc hội về việc sáp nhập một số tỉnh, thành phố và nghiên cứu các vấn đề phân vạch địa giới khi Chính phủ nêu ra để Quốc hội có căn cứ phê chuẩn.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, nhiều công việc mới đặt ra rất khẩn trương, cần được thực hiện để bảo đảm thống nhất về mặt nhà nước. Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Hội nghị lần thứ 24 Ban Chấp hành Trung ương Đảng, tháng 9-1975, Chủ tịch Uỷ ban thường vụ Quốc hội Trường Chinh đã chủ trì, nghiên cứu gấp việc mở Hội nghị Hiệp thương chính trị để bàn về việc thống nhất nước nhà về mặt nhà nước.
Là cơ quan tham mưu, giúp việc Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Văn phòng đã chuẩn bị các văn bản và địa điểm họp Hội nghị Hiệp thương. Công việc vừa đòi hỏi khẩn trương, vừa yêu cầu tính chính xác nên ông Trần Đình Tri, Chủ nhiệm Văn phòng đã trực tiếp chỉ đạo và điều hành công việc. Kết quả là, cuối tháng 11-1975, Hội nghị Hiệp thương chính trị họp tại Dinh Độc lập, thành phố Sài Gòn đã thành công tốt đẹp. Tại kỳ họp thứ 2 (từ ngày 22 đến ngày 27-12-1975) của Quốc hội khóa V, Văn phòng đã phục vụ Uỷ ban thường vụ Quốc hội chuẩn bị báo cáo về kết quả của Hội nghị Hiệp thương chính trị thống nhất Tổ quốc trình Quốc hội phê chuẩn.
Để bảo đảm cho sự thành công của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội thống nhất trong cả nước, Văn phòng đã chuẩn bị và phục vụ các cuộc họp của Ban Chỉ đạo bầu cử và Uỷ ban thường vụ Quốc hội bàn về việc triển khai công tác bầu cử; theo dõi việc hướng dẫn các cấp phục vụ cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội; tiếp nhận và kiểm tra các biên bản bầu cử, phục vụ công tác tổng kết bầu cử trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội…
Văn phòng cũng đã nghiên cứu, đề xuất giúp thường trực các Ủy ban dự kiến chương trình công tác hàng năm và dự thảo nội quy hoạt động của Ủy ban; tham mưu và tổ chức phục vụ các kỳ họp theo chuyên đề của các Ủy ban. Năm 1978, Vụ Dân chính đã phục vụ 8 cuộc họp của các Ủy ban Kế hoạch và Ngân sách, Ủy ban Văn hóa và Giáo dục, Ủy ban Y tế và Xã hội, Ủy ban Dân tộc của Quốc hội. Trong nhiệm kỳ khóa VI, Văn phòng đã đề xuất cải tiến việc tổ chức hoạt động giám sát của các Ủy ban dưới hình thức đi thăm và xem xét tình hình thực tế ở các địa phương. Cụ thể như, tổ chức phục vụ các Ủy ban đi giám sát tình hình xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa mới; tình hình văn hóa và giáo dục ở các vùng dân tộc thiểu số; việc thực hiện chính sách thương binh và gia đình liệt sĩ… Kết quả của các cuộc giám sát đã thu thập được nhiều thông tin phục vụ cho các kỳ họp của Ủy ban, nhất là các kỳ họp để thẩm tra về những nội dung liên quan đến trách nhiệm của các Ủy ban. Văn phòng cũng đã tích cực giúp các Ủy ban trong việc chuẩn bị dự thảo thuyết trình, kiến nghị để báo cáo trước Quốc hội.
Phục vụ hoạt động của đại biểu Quốc hội và theo dõi hoạt động của Hội đồng nhân dân là công việc thường xuyên của Văn phòng. Tháng 9-1976, theo chủ trương của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Văn phòng đã phối hợp với các Đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức ba cuộc họp ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Nghĩa Bình với sự tham gia của nhiều đại biểu các tỉnh để thảo luận và góp ý kiến vào bản dự thảo Điều lệ hoạt động của các đại biểu Quốc hội. Trên cơ sở tổng hợp ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Văn phòng đã nghiên cứu và soạn thành dự án chính thức trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa VI; tập hợp gửi Chính phủ và các bộ trên 500 ý kiến; kỳ họp thứ 4 tập hợp được trên 200 ý kiến… Việc nghiên cứu và tổng hợp báo cáo của các Đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu giữa hai kỳ họp được Văn phòng tiến hành thường xuyên. Theo ý kiến chỉ đạo của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Văn phòng đã soạn thảo công văn gửi đến các Đoàn đại biểu nhắc lại một số điểm đã quy định và một số kinh nghiệm về hoạt động của đại biểu Quốc hội để các Đoàn nghiên cứu, vận dụng vào thực tế của địa phương. Đồng thời, Văn phòng còn hướng dẫn các Đoàn lập Phòng Tiếp dân để tiếp nhận các ý kiến của cử tri phản ánh với Quốc hội và các cơ quan nhà nước khác.
Văn phòng đã phục vụ các thành viên trong Ban Thư ký nắm tình hình hoạt động của Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đặc biệt là của Hội đồng nhân dân các tỉnh mới hợp nhất để báo cáo Uỷ ban thường vụ Quốc hội. Văn phòng còn tổ chức nghiên cứu các tài liệu chính thức của kỳ họp thường xuyên hoặc bất thường của Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố; phục vụ việc kiểm tra tình hình hoạt động của Hội đồng nhân dân ở các địa phương, làm báo cáo trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội. Năm 1978, Văn phòng đã nghiên cứu giúp Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Hành chính các cấp theo hướng tăng cường nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân; quy định lại số thành viên Ủy ban nhân dân tỉnh và huyện. Trong khi chờ luật mới được ban hành, Văn phòng đã tham mưu để Uỷ ban thường vụ Quốc hội cho phép áp dụng Pháp lệnh ngày 1-4-1965 về bầu cử, tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính các cấp[30].
Sau cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung của cả nước, cuộc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp tiến hành lần đầu tiên trên phạm vi cả nước vào quý II năm 1977. Đây là cuộc vận động chính trị lớn nhằm tăng cường và củng cố chính quyền địa phương, Văn phòng Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã phối hợp cùng với Ban Tổ chức Chính phủ nghiên cứu vấn đề phát huy vai trò của Hội đồng nhân dân các cấp và kiến nghị để Ban Tổ chức Chính phủ trình Trung ương Đảng và Hội đồng Chính phủ sớm ra chỉ thị và các văn bản hướng dẫn về công tác bầu cử. Nhân dịp này, Văn phòng đã giúp Tổng Thư ký Uỷ ban thường vụ Quốc hội soạn thảo nội dung thư đề nghị các đại biểu Quốc hội làm tròn nghĩa vụ công dân, góp phần cho cuộc bầu cử đạt kết quả tốt đẹp. Để thống nhất quy định và thể lệ bầu cử, Văn phòng đã tham gia xây dựng dự thảo Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh năm 1961 quy định thể lệ bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.
2.3. Phục vụ công tác xét khiếu tố và dân nguyện
Đây là công tác phức tạp, tuy các địa phương đã có cố gắng giải quyết, nhưng số lượng đơn, thư khiếu nại, tố cáo gửi đến Văn phòng Uỷ ban thường vụ Quốc hội vẫn tăng, trung bình mỗi năm Văn phòng đã nhận khoảng từ 4.000 đến 5.000 đơn và trên 1.000 thư dân nguyện, tiếp trên 1.000 lượt người trực tiếp đến trình bày sự việc. Nội dung các đơn, thư khiếu tố tập trung vào những vấn đề liên quan đến tài sản, quyền lợi của công dân. Văn phòng đã nghiên cứu và nhanh chóng chuyển những đơn, thư nhận được tới các cơ quan, địa phương hữu quan đề nghị xét và giải quyết. Đối với những vụ việc có tính chất nghiêm trọng, cấp bách, Văn phòng đã có điện hoặc công văn khẩn gửi đến các Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, đồng thời gửi các Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố đề nghị xem xét, giải quyết gấp. Trường hợp nghiêm trọng và cấp bách có ảnh hưởng xấu đến tài sản của nhà nước hoặc của tập thể, đến tính mạng và tài sản của công dân đã được lãnh đạo Văn phòng chỉ đạo cho Vụ Xét khiếu tố và Dân nguyện đến tận nơi để tìm hiểu và tùy tình hình cụ thể tham gia góp ý kiến với cơ quan và địa phương về biện pháp giải quyết. Năm 1976, Văn phòng đã cử cán bộ đi 18 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 30 huyện, thị xã, khu phố ở miền Bắc và một số tỉnh miền Nam (từ Nghĩa Bình trở ra), có nơi phải đi 2-3 lần cùng địa phương để nắm tình hình, đôn đốc và trao đổi ý kiến nhằm thúc đẩy công tác này[31]. Hàng tháng, hàng quý, Văn phòng đều gửi công văn kèm theo thống kê số đơn đã chuyển nhắc các cơ quan và địa phương báo cáo Uỷ ban thường vụ Quốc hội về kết quả giải quyết.
2.4. Phục vụ công tác đối ngoại của Quốc hội
Năm 1978, trước tình hình thế giới ngày càng diễn biến phức tạp, nhằm đề cao vị thế của Việt Nam trên diễn đàn Nghị viện quốc tế, đồng thời tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước, chống lại sự bao vây cấm vận của các thế lực thù địch đối với Việt Nam, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội đã đề nghị việc Quốc hội nước ta gia nhập Liên minh Quốc hội (IPU). Nhằm giúp Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội có cơ sở pháp lý trình bày trước Quốc hội và Uỷ ban thường vụ Quốc hội về vấn đề nêu trên, Văn phòng đã phối hợp với Bộ Ngoại giao và Ban Đối ngoại Trung ương sưu tầm tư liệu và chuẩn bị nội dung cho các phiên họp của Ủy ban. Văn phòng đã cho đăng toàn văn Điều lệ của Liên minh Quốc hội trên trang Thông tin Quốc hội số 14 năm 1978 để làm tài liệu tham khảo cho đại biểu Quốc hội. Ngày 30-10-1978, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã tán thành đề nghị của Ủy ban Đối ngoại, vì cho rằng Liên minh Quốc hội là một diễn đàn dư luận quốc tế ta có thể sử dụng có lợi để nói lên lập trường, quan điểm chính nghĩa của mình, tranh thủ thêm nhiều bầu bạn, góp phần nâng cao vai trò, vị trí của nước ta và thực hiện nghĩa vụ quốc tế của mình”[32]. Ngày 10-2-1979, Đoàn Việt Nam gồm 264 đại biểu Quốc hội đã được thành lập để gia nhập Liên minh Quốc hội. Tháng 4-1979, tại Thủ đô Praha, Tiệp Khắc, Liên minh Quốc hội đã tiến hành thủ tục kết nạp Quốc hội Việt Nam làm thành viên của mình.
Văn phòng còn phục vụ nhiều Đoàn đại biểu cấp cao của Quốc hội Việt Nam đi thăm các nước và phối hợp với Bộ Ngoại giao đón nhiều đoàn nghị sĩ của các nước đến thăm nước ta. Để bảo đảm cho các chuyến thăm và làm việc có hiệu quả, Văn phòng đã nghiên cứu và chuẩn bị nội dung đề án chính trị liên quan đến công tác ngoại giao, phục vụ các đồng chí lãnh đạo Quốc hội trả lời phỏng vấn của các cơ quan thông tấn, báo chí nước ngoài; qua đó, giúp bạn bè thế giới hiểu rõ hơn về tình hình của Việt Nam.
2.5. Giữ mối liên hệ giữa Uỷ ban thường vụ Quốc hội với Hội đồng Chính phủ, các cơ quan thuộc Hội đồng Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao
Đối với Hội đồng Chính phủ và các cơ quan thuộc Hội đồng Chính phủ, Văn phòng đã giúp Uỷ ban thường vụ Quốc hội duy trì mối liên hệ thường xuyên để tiếp nhận các nghị quyết, nghị định, chỉ thị, thông báo về các lĩnh vực hoạt động, các báo cáo hàng năm của Hội đồng Chính phủ và Thường vụ Hội đồng Chính phủ. Căn cứ vào nội dung chương trình công tác của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Văn phòng đã sắp xếp lịch làm việc để đại diện Hội đồng Chính phủ tham dự các phiên họp của Uỷ ban thường vụ Quốc hội và báo cáo với Uỷ ban thường vụ Quốc hội những vấn đề cần thiết hoặc những vấn đề mà Uỷ ban thường vụ Quốc hội yêu cầu như: thành lập, chia, tách các bộ, các viện; bổ nhiệm, bãi nhiệm đại sứ nước ta tại một số nước; đặc xá phạm nhân; ký kết hiệp ước hữu nghị giữa các nước… Đối với các câu hỏi hoặc các ý kiến, kiến nghị mà đại biểu Quốc hội nêu ra tại các kỳ họp đã được Văn phòng tập hợp, tổng hợp chuyển đến Hội đồng Chính phủ để các bộ hữu quan nghiên cứu và trả lời đại biểu Quốc hội. Văn phòng còn giúp Uỷ ban thường vụ Quốc hội nghiên cứu các báo cáo của Hội đồng Chính phủ để thảo luận và thông qua các nội dung về kế hoạch nhà nước, dự toán ngân sách, tổng quyết toán Ngân sách Nhà nước hàng năm.
Văn phòng đã giúp Uỷ ban thường vụ Quốc hội giữ mối quan hệ mật thiết với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao để nắm tình hình về công tác xét xử, công tác kiểm sát và quyết định những vấn đề về tổ chức của hai ngành. Số lượng đơn, thư khiếu nại, tố cáo gửi đến Văn phòng ngày càng nhiều, có nhiều đơn tố cáo cán bộ nhận hối lộ, cán bộ có chức quyền “móc ngoặc” với nhau chiếm đoạt, làm thiệt hại đến tài sản xã hội chủ nghĩa. Văn phòng đã giúp Uỷ ban thường vụ Quốc hội theo dõi hoạt động của Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, trao đổi ý kiến về các vụ việc khiếu kiện kéo dài. Văn phòng cũng đã tham mưu cho Uỷ ban thường vụ Quốc hội yêu cầu hai ngành Tòa án và Kiểm sát có báo cáo thường kỳ và đề nghị cử đại diện tham dự các phiên họp của Uỷ ban thường vụ Quốc hội để kịp thời báo cáo về công tác của ngành mình[33].
2.6. Quản lý công tác hành chính
Sau năm 1975, trước yêu cầu phát triển của công tác phục vụ, Phòng Tổng hợp - Tư liệu được thành lập có nhiệm vụ giúp Chủ nhiệm Văn phòng trong việc quản lý tư liệu, lưu trữ thông tin và xuất bản Văn kiện Quốc hội… Từ đây, mảng công tác này được cải tiến thêm một bước. Các văn bản, tài liệu phục vụ các kỳ họp Quốc hội, phiên họp Uỷ ban thường vụ Quốc hội và phục vụ công tác bầu cử đại biểu Quốc hội… đã được tập hợp, lập hồ sơ lưu trữ và in thành các tập Văn kiện Quốc hội. Đối với các tài liệu chuyên dùng hoặc tài liệu tham khảo đã được sắp xếp hợp lý để thuận tiện cho công tác tra cứu. Các tài liệu là điện văn, thư và quyết tâm thư của các nơi gửi đến đều được vào sổ và bảo quản chu đáo. Chỉ riêng năm 1980, Phòng Tổng hợp - Tư liệu đã lập phông tài liệu Quốc hội và nộp cho Cục Lưu trữ Phủ Thủ tướng 108 cặp hồ sơ lưu trữ.
Trước năm 1976, Văn phòng Uỷ ban thường vụ Quốc hội chỉ có một bộ phận làm công tác tổ chức - cán bộ thuộc Vụ Hành chính. Do người ít, công việc nhiều nên bộ phận này không có điều kiện nghiên cứu sâu để đề xuất với lãnh đạo Văn phòng về công tác tổ chức - cán bộ. Từ năm 1976, Phòng Tổ chức - Cán bộ được thành lập để giúp lãnh đạo Văn phòng theo dõi về công tác này. Được sự chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo Văn phòng, Phòng Tổ chức - Cán bộ đã tích cực triển khai công tác kiện toàn tổ chức, tăng cường cán bộ trẻ có trình độ đại học cho các Vụ; thực hiện các chế độ, chính sách cho cán bộ, nhân viên như đề bạt, điều chỉnh lương, giải quyết chế độ hưu trí, làm thủ tục về mất sức lao động... Phòng đã giúp lãnh đạo cơ quan phối hợp với Đảng ủy, Ban Chấp hành Công đoàn tổ chức ngày Thương binh liệt sĩ 27-7 và tổ chức các buổi gặp mặt thân mật với cán bộ, nhân viên nhân các ngày lễ lớn và Tết cổ truyền của dân tộc… Năm 1978, Phòng đã lập dự trù kinh phí và cấp phát đúng chế độ, kịp thời, chu đáo về trợ cấp đặc biệt và bồi dưỡng hè cho cán bộ trung, cao cấp với tổng số tiền là 1.150 đồng[34].
Để giúp Đảng ủy và lãnh đạo Văn phòng về công tác quản lý cán bộ, công tác bảo vệ nội bộ đã được chú trọng. Việc tuần tra, canh gác bảo đảm an toàn cho hai khu vực làm việc của cơ quan ở 27A Trần Hưng Đạo và 22 Lý Thường Kiệt, Hà Nội được thực hiện tốt. Bộ phận bảo vệ của Văn phòng đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng an ninh bảo vệ các ngày lễ, ngày bầu cử đại biểu Quốc hội và những ngày diễn ra kỳ họp Quốc hội an toàn, không để xảy ra sai sót.
Công tác tài vụ của Văn phòng đã được thực hiện chặt chẽ từ việc lập dự toán, quyết toán đến việc xét duyệt chứng từ đều được áp dụng theo đúng quy định của nhà nước. Việc kiểm tra theo dõi, quản lý tài sản cơ quan đã đi vào nền nếp, việc nâng cấp, cải tạo, sửa chữa và mua sắm trang, thiết bị của Văn phòng đã được quan tâm đúng mức. Ý thức trách nhiệm của cán bộ, nhân viên trong việc giữ gìn và bảo vệ tài sản công được đề cao, không để xảy ra tham ô, lãng phí.
3. Hoạt động của tổ chức Đảng và các tổ chức đoàn thể
Giữa năm 1968, số lượng đảng viên được tăng cường nên Văn phòng đã thành lập được một Chi bộ trực thuộc Đảng bộ khu Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ngày 18-7-1968, Chi bộ đã tiến hành Đại hội nhiệm kỳ đầu tiên và bầu ra một Ban Chi ủy gồm 5 người[35] do ông Nguyễn Xuân Kỳ, Vụ trưởng Vụ Hành chính làm Bí thư. Hàng năm, Chi bộ Đảng của Văn phòng đều tiến hành đại hội. Đến năm 1977, do số lượng đảng viên đông hơn ở các vụ, đơn vị nên các chi bộ lần lượt được thành lập. Từ đó, Đảng ủy các cơ quan Dân Chính Đảng Trung ương đã ra quyết định thành lập Đảng bộ Văn phòng Uỷ ban thường vụ Quốc hội. Bí thư Đảng bộ Văn phòng đầu tiên là ông Trần Quán, Trưởng phòng Đối ngoại thuộc Vụ Hành chính.
Để tăng cường công tác giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng, bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn, Đảng ủy và lãnh đạo Văn phòng đã phối hợp tiến hành công tác giáo dục chính trị tư tưởng bằng nhiều hình thức, như tổ chức các đợt học tập chính trị, phổ biến tình hình thời sự và quán triệt các văn bản, nghị quyết của Đảng, giúp cán bộ, đảng viên toàn cơ quan nâng cao nhận thức và trình độ chính trị. Đảng ủy và lãnh đạo Văn phòng cũng đã tăng cường chỉ đạo tổ chức các đợt thi đua hàng năm của cơ quan nhằm phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn; duy trì đều đặn sinh hoạt Đảng bộ và các chi bộ, bảo đảm theo nguyên tắc và Điều lệ Đảng. Đảng bộ luôn quan tâm đến công tác xây dựng Đảng; công tác cán bộ, công tác vận động quần chúng và chăm lo đời sống cán bộ, nhân viên, đặc biệt là quan tâm đến việc phát triển đảng viên mới. Việc tuyển chọn, bồi dưỡng, đề bạt cán bộ được bàn bạc dân chủ giữa Đảng ủy và lãnh đạo Văn phòng. Để nắm bắt tình hình tư tưởng của quần chúng và làm tốt công tác lãnh đạo, Đảng ủy Văn phòng đã phân công các đảng ủy viên tham gia Ban Chấp hành Công đoàn và Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên của cơ quan.
Đầu năm 1962, Tổ Công đoàn của Văn phòng không còn sinh hoạt chung với Công đoàn Bộ Nội vụ, nhưng trên thực tế tổ chức Công đoàn vẫn chưa hình thành. Lúc này, các hoạt động thuộc chức năng của Công đoàn như chăm lo đời sống vật chất cho cán bộ, công nhân viên trong Văn phòng do Tổ Căng tin của Văn phòng đảm nhiệm. Năm 1969, Hội nghị Cán bộ, công nhân viên chức đã quyết định thành lập tổ chức Công đoàn của Văn phòng và ngày 25-6-1969, Công đoàn đã tiến hành Đại hội để bầu ra một Ban Chấp hành Công đoàn cơ quan gồm 7 người[36]. Thời kỳ này, Công đoàn Văn phòng trực thuộc Liên hiệp công đoàn khu phố Hoàn Kiếm (nay là quận Hoàn Kiếm). Nhiệm kỳ 1977-1979, Công đoàn Văn phòng có 78 đoàn viên, đến tháng 3-1980, số đoàn viên công đoàn đã tăng lên 108 người. Ban Chấp hành Công đoàn đã bám sát nhiệm vụ chính trị của cơ quan phối hợp với chính quyền và Chi đoàn Thanh niên tổ chức, phát động các phong trào thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của cơ quan; phối hợp với chính quyền tổ chức các buổi nói chuyện về thời sự để nâng cao về nhận thức tư tưởng cho công đoàn viên[37]. Ban Chấp hành Công đoàn thường xuyên quan tâm, thực hiện các chế độ, chính sách đối với cán bộ, nhân viên như chính sách bảo hiểm, phúc lợi tập thể, trợ cấp khó khăn; quan tâm động viên, thăm hỏi các cán bộ ốm đau, thai sản…
Trước năm 1978, Đoàn Thanh niên Văn phòng chưa có Chi đoàn riêng. Do số lượng đoàn viên thanh niên ở Văn phòng còn ít[38], nên sinh hoạt Đoàn phải “ghép” với Chi đoàn Thanh niên của Ban Pháp chế Trung ương cùng đóng trụ sở tại 35 Ngô Quyền, Hà Nội. Đầu năm 1979, tổng số đoàn viên của Văn phòng lên khoảng 20 người, nhưng vẫn sinh hoạt chung với Chi đoàn Ban Pháp chế Trung ương. Cuối năm 1979, Ban Pháp chế Trung ương được đổi tên thành Ban Nội chính Trung ương và chuyển trụ sở làm việc về số 10 Nguyễn Cảnh Chân, Hà Nội. Do số đoàn viên thanh niên của Văn phòng được tăng cường nên Đảng ủy Văn phòng đã quyết định thành lập Chi đoàn Thanh niên Lao động Hồ Chí Minh của cơ quan và chỉ định đồng chí Trần Thế Vượng, chuyên viên Vụ Pháp luật làm Bí thư. Năm 1980, Chi đoàn đã tiến hành Đại hội và bầu ra Ban Chấp hành do đồng chí Phan Trung Lý, chuyên viên Vụ Pháp luật làm Bí thư. Sau khi tách sinh hoạt khỏi Ban Pháp chế Trung ương, Chi đoàn Thanh niên của Văn phòng trực thuộc khu Đoàn Hoàn Kiếm, Hà Nội. Từ năm 1981, Chi đoàn trực thuộc Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh các cơ quan Trung ương. Chi đoàn Thanh niên của Văn phòng không chỉ là nòng cốt của Trung đội tự vệ cơ quan mà còn là lực lượng xung kích tham gia các hoạt động xã hội của phường sở tại và của thành phố. Để gây quỹ hoạt động, Chi đoàn đã tổ chức lao động ngoài giờ, nhận khoán một số công việc làm sạch đẹp cơ quan… Các đoàn viên thanh niên luôn tích cực trong các hoạt động chuyên môn của đơn vị phục vụ Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội và hăng hái tham gia các phong trào do Công đoàn cơ quan phát động.
*
* *
Trong gần 20 năm hoạt động phục vụ Quốc hội (1960 - 1981), Văn phòng Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã từng bước trưởng thành và có nhiều tiến bộ. Tập thể cán bộ, nhân viên Văn phòng đã “phát huy quyền làm chủ tập thể, đề cao tinh thần trách nhiệm, chủ động sáng tạo, tăng cường đoàn kết và hợp tác, nâng cao tính nguyên tắc, tính tổ chức, tính kỷ luật, đẩy mạnh hoạt động của tổ chức Đảng và các tổ chức đoàn thể trong cơ quan, thực hiện sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền và các đoàn thể nhằm hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất của cơ quan”[39].
[1] Xem Lịch sử Quốc hội Việt Nam 1960 - 1976, Sđd, 2004, tr.22, 23.
[2] Luật Tổ chức Quốc hội gồm 4 chương, 49 điều. Chương I quy định về Hội nghị Quốc hội; Chương II quy định về Uỷ ban thường vụ Quốc hội; Chương III quy định về các Ủy ban của Quốc hội; Chương IV quy định về các đại biểu Quốc hội.
[5] Các uỷ viên thư ký họp thành Ban Thư ký Uỷ ban Thường vụ Quốc hội để phụ trách các công việc của Văn phòng. Theo Nghị quyết số 03NQ/TVQH ngày 11-7-1964, uỷ viên thư ký Uỷ ban Thường vụ Quốc hội gồm các ông: Trần Đình Tri, Trương Tấn Phát, Nguyễn Văn Chi - Hồ sơ lưu trữ tại Vụ Tổ chức - Cán bộ, Văn phòng Quốc hội.
[6] Xem Lịch sử Quốc hội Việt Nam 1960 - 1976, Sđd, tr. 46.
[7] Năm ủy viên Thư ký Uỷ ban thường vụ Quốc hội tính đến ngày 19-1-1972 gồm các ông: Trần Đình Tri, Trương Tấn Phát, Nguyễn Văn Chi, Nguyễn Xuân Linh và Hồ Ngọc Thu.
[8] Ông Trần Đình Tri sinh năm 1915, quê ở huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, tham gia cách mạng từ năm 1935, vào Đảng Cộng sản Việt Nam tháng 11-1945. Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam từ khóa I đến khóa VI, Chủ nhiệm Văn phòng Uỷ ban thường vụ Quốc hội từ tháng 3-1974 đến tháng 12-1978. Hồ sơ lưu trữ tại Vụ Tổ chức - Cán bộ, Văn phòng Quốc hội.
[9] Hồ sơ số 949, phông Quốc hội, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III.
[11] Theo ông Nguyễn Hữu Tâm, nguyên cán bộ tổ chức của Văn phòng Quốc hội.
[12] Hồ sơ số 1791, phông Văn phòng Quốc hội, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III.
[13] Hồ sơ số 1791, phông Văn phòng Quốc hội, Trung tâm lưu trữ Quốc gia III.
[14] Xem Lịch sử Quốc hội Việt Nam (1960 - 1976), Sđd, tr. 80, 234.
[15] Điều 45 của Hiến pháp năm 1959 quy định: “Nhiệm kỳ của mỗi khóa Quốc hội là 4 năm. Trong trường hợp xảy ra chiến tranh hoặc các trường hợp bất thường khác, Quốc hội có thể quyết định kéo dài nhiệm kỳ của mình và những biện pháp cần thiết để bảo đảm sự hoạt động của Quốc hội và đại biểu Quốc hội”.
[16] Các Văn kiện của kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa V, Văn phòng Uỷ ban thường vụ Quốc hội, 1976, tr. 40. Lưu trữ Văn phòng Quốc hội.
[17] Ông Nguyễn Việt Dũng (1926-2003), quê xã Phượng Dực, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây, tham gia Việt Minh tháng 1-1945, được kết nạp Đảng Cộng sản Đông Dương tháng 6-1945, nguyên là cán bộ của Bộ Ngoại giao. Năm 1967, được bổ nhiệm làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước ta tại Cộng hòa Dân chủ Đức. Từ năm 1970 đến tháng 12-1978, được cử giữ chức Chánh Văn phòng Phủ Chủ tịch. Từ tháng 12-1978 đến tháng 7-1981, giữ chức quyền Chủ nhiệm Văn phòng Uỷ ban thường vụ Quốc hội, từ tháng 7-1981 đến tháng 12-1987 là Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước, đại biểu Quốc hội các khóa VII, VIII, IX. Hồ sơ lưu trữ tại Vụ Tổ chức - Cán bộ, Văn phòng Quốc hội.
[18] Hồ sơ lưu trữ tại Vụ Tổ chức - Cán bộ, Văn phòng Quốc hội.
[20] Hồ sơ lưu trữ tại Vụ Tổ chức - Cán bộ, Văn phòng Quốc hội.
[21] Phòng Xét khiếu tố và Dân nguyện được đổi tên từ Phòng Dân nguyện và Khen thưởng. Cuối năm 1973, do tính chất và khối lượng công việc, Phòng đã có văn bản chính thức đề nghị nâng Phòng Xét khiếu tố và Dân nguyện lên thành Vụ Xét khiếu tố và Dân nguyện.
[22] Căn nhà số 165 đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa nguyên là trụ sở của Hội đồng cố vấn Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. (Theo ông Trương Quang Phái, nguyên Trưởng phòng Liên lạc tại thành phố Hồ Chí Minh).
[23] Theo số liệu Báo cáo khoa học đề tài “Xây dựng và hoàn thiện tổ chức bộ máy phục vụ Quốc hội”, Vụ Tổ chức - Cán bộ, Hà Nội, tháng 7-2005.
[24] Ban Thường trực Ủy ban dự thảo Hiến pháp gồm các ông: Phan Anh, Nghiêm Xuân Yêm, Đào Văn Tập, Phạm Văn Bạch, Trương Tấn Phát, Hoàng Văn Hoan, Nguyễn Xiển, Đỗ Xuân Sảng, Trần Kiêm Lý, Trần Đình Tri, xem Nhớ cùng năm tháng, Hồi ký của cán bộ Văn phòng Quốc hội, Hà Nội, 2000, tr. 32.
[25] Theo thống kê chưa đầy đủ, số cử tri tham gia thảo luận ở các thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan Trung ương là 16.750.000 người, đạt trung bình từ 70% đến 90% tổng số cử tri của các địa phương, đơn vị, riêng các lực lượng vũ trang đạt từ 90% đến 95% quân số. Các đoàn thể ở Trung ương và địa phương còn tổ chức hàng nghìn cuộc thảo luận theo giới và ngành có 2.000.000 người tham dự. Ngoài ra, các địa phương, các cơ quan ở Trung ương và Văn phòng Uỷ ban thường vụ Quốc hội còn nhận được hơn 4.200 lá thư góp ý kiến về dự thảo Hiến pháp 1980 (Theo Báo cáo của Uỷ ban thường vụ Quốc hội tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa VI. Hồ sơ lưu trữ, Văn phòng Quốc hội).
[26] Ông Nguyễn Mạnh Hùng, đại biểu Quốc hội khóa VII của tỉnh Hà Nam Ninh, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Tòa án nhân dân tối cao. Năm 1978, ông được điều động sang giúp việc Ủy ban dự thảo Hiến pháp 1980 và được bổ nhiệm làm Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Quốc hội từ năm 1983 cho đến khi nghỉ hưu.
[27] Xem Cơ sở dữ liệu luật, Văn phòng Quốc hội.
[29] Hồ sơ số 55, Báo cáo trước Hội nghị cán bộ, nhân viên Văn phòng Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Lưu trữ Văn phòng Quốc hội.
[30] Hồ sơ số 55, Báo cáo trước Hội nghị cán bộ, nhân viên Văn phòng Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Lưu trữ Văn phòng Quốc hội.
[31] Theo Báo cáo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa VI. Lưu trữ Văn phòng Quốc hội.
[32] Báo cáo của Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội. Quốc hội khóa VI, kỳ họp thứ 4, tr. 108. Hồ sơ lưu trữ Văn phòng Quốc hội.
[33] Báo cáo công tác của Uỷ ban thường vụ Quốc hội tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa VI ngày 23-12-1979. Hồ sơ lưu trữ, Văn phòng Quốc hội.
[34] Hồ sơ số 55, Báo cáo trước Hội nghị cán bộ, nhân viên Văn phòng Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Lưu trữ Văn phòng Quốc hội.
[35] Ban Chi ủy do Đại hội Chi bộ bầu ra ngày 18-7-1968 gồm các ông: Nguyễn Xuân Kỳ, Nguyễn Văn Luận, Tống Kim Cao, Trần Đình Tri, Lý Thuần. Theo ông Đặng Thư, nguyên cán bộ Văn phòng Quốc hội.
[36] Ban Chấp hành Công đoàn cơ quan do Đại hội Công đoàn bầu ra ngày 25-6-1969 gồm các ông: Lý Thuần, Dương Kỳ Xương, Hồ Xuân Đào, Phan Hồ và các bà: Hoàng Oanh, Lê Thị Dậu, Trương Thị Hưởn. Theo ông Đặng Thư, nguyên cán bộ Văn phòng Quốc hội.
[37] Hồ sơ số 54, Báo cáo công tác Công đoàn của Văn phòng Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tại Đại hội Công đoàn ngày 8-3-1980. Lưu trữ Văn phòng Quốc hội
[38] Tính đến ngày 6-4-1974, đoàn viên thanh niên trong Văn phòng có 4 người gồm: Trần Thế Vượng, Cao Đức Hậu, Nguyễn Thị Nguyệt, Cao Lan Quế.
[39] Trích Nghị quyết của Hội nghị Cán bộ, nhân viên Văn phòng Uỷ ban thường vụ Quốc hội, ngày 25-4-1979.