Thưa các vị đại biểu Quốc hội,
Thừa lệnh cụ Trưởng ban và thay mặt Ban sửa đổi Hiến pháp, chúng tôi xin báo
cáo trước Quốc hội về công tác của Ban Sửa đổi Hiến pháp từ khoá họp Quốc
hội lần trước đến khoá họp này.
Theo nghị quyết của khoá họp Quốc hội lần thứ 6 về vấn đề sửa đổi Hiến pháp
đã được thông qua trong phiên họp ngày 25-1-1957
Ban Sửa đổi Hiến pháp đã được thành lập gồm 29 uỷ viên do cụ Hồ Chí Minh làm
Trưởng ban. Từ bấy tới nay, dưới sự điều khiển của cụ Trưởng ban, Ban Sửa
đổi Hiến pháp vẫn làm việc đều đặn, khẩn trương và hôm nay chúng tôi xin
trình bày trước Quốc hội về quá trình công tác và kết quả hiện nay của công
tác.
Bản Hiến pháp
sửa đổi mà ta đương tiến hành dự thảo là dựa vào bản Hiến pháp năm 1946 đã
được Quốc hội thông qua và căn cứ vào điều kiện cụ thể của nước nhà hiện nay
cùng hướng tiến lên của xã hội Việt Nam. Công việc xây dựng đạo luật căn bản
của Nhà nước, xác nhận những thành quả của cuộc đấu tranh cách mạng, nêu
hướng tiến lên của chế độ là một công việc đòi hỏi nhiều công phu và thì giờ
nghiên cứu, không phải trong một thời gian ngắn mà có thể hoàn thành. Chẳng
những thế, việc xây dựng Hiến pháp mới cũng không phải là công việc riêng
của Ban Sửa đổi Hiến pháp, mà cần phải có sự tham gia đông đảo của nhân dân
trong nước; đồng thời cũng là dịp giáo dục nhân dân về ý thức tham gia công
việc Nhà nước. Tại phiên họp thứ nhất của Ban Sửa đổi Hiến pháp ngày
27-2-1957, trong bài diễn từ khai mạc, cụ Trưởng ban đã xác nhận bản Hiến
pháp thảo ra sẽ phải phát huy tinh thần của bản Hiến pháp năm 1946, đồng
thời phản ánh đầy đủ tình hình thực tế của chế độ ta do cuộc cách mạng phản
đế phản phong thắng lợi đã mang lại, phản ánh đúng con đường tiến lên của
dân tộc ta. Nó sẽ là bản Hiến pháp của một nước dân chủ nhân dân tiến dần
lên chủ nghĩa xã hội, chẳng những tiêu biểu được nguyện vọng của nhân dân
miền Bắc, mà còn là mục tiêu phấn đấu cho đồng bào miền Nam.
Kế hoạch tiến
hành của Ban Sửa đổi Hiến pháp chia ra 3 bước: Bước thứ nhất, nghiên cứu bản
Hiến pháp năm 1946 và tình hình cụ thể nước ta hiện nay, tham khảo Hiến pháp
các nước bạn và Hiến pháp một số nước tư bản có tính chất điển hình. Từ công
trình nghiên cứu này, Ban Sửa đổi Hiến pháp sẽ thảo ra một đề cương làm cơ
sở cho một bản sơ thảo Hiến pháp sửa đổi. Bước thứ hai, là sau khi đã xây
dựng xong bản sơ thảo Hiến pháp, Ban Sửa đổi Hiến pháp sẽ đưa ra trưng cầu ý
kiến của nhân dân một cách có tổ chức, trước tiên là ý kiến của các chính
đảng, các cơ quan và các đoàn thể nhân dân. Bước thứ ba, là sau khi đã tiến
hành xong cuộc trưng cầu ý kiến của nhân dân, Ban Sửa đổi Hiến pháp sẽ tổng
kết ý kiến của nhân dân, chỉnh lý bản sơ thảo và thảo luận lại một lần nữa
những vấn đề đã nêu ra, hoàn thành bản dự thảo Hiến pháp để đem trình Quốc
hội.
Thưa các đại biểu,
Sau khi đã
trình bày kế hoạch tiến hành công tác, chúng tôi xin báo cáo về quá trình và
kết quả công tác hiện nay. Để có một bộ máy làm việc thường xuyên, ban Sửa
đổi Hiến pháp đã bầu ra một Ban Thư ký gồm 9 người có nhiệm vụ chuyên nghiên
cứu và làm những bản thuyết trình những vấn đề đưa ra bàn tại Ban Sửa đổi
Hiến pháp. Trong bước thứ nhất này, công việc làm những bản thuyết trình và
thảo luận ở Ban Sửa đổi Hiến pháp là chủ yếu. Những bản thuyết trình này đặt
vấn đề thảo luận trên cơ sở nghiên cứu thực tế của xã hội nước ta và tham
khảo kinh nghiệm các nước bạn. Một khi thảo luận và thông qua những bản
thuyết trình là đã định phương hướng và nội dung của từng bộ phận của bản sơ
thảo Hiến pháp.
Từ tháng 2 tới
nay, Ban Thư ký đã nghiên cứu và hoàn thành những bản thuyết trình đem ra
bàn tại Ban Sửa đổi Hiến pháp về những vấn đề sau đây:
- Xác nhận
tính chất và nội dung của Bản Hiến pháp sửa đổi.
- Tính chất và
nhiệm vụ của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
- Vấn đề dân
tộc.
- Vấn đề tổ
chức Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, trong đó có vấn đề toà án và cơ
quan kiểm sát.
- Chế độ kinh
tế và xã hội của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
Những bản thuyết trình
này đều đề ra những nhận xét và đề nghị cụ thể. Cho đến nay, Ban Sửa đổi
Hiến pháp đã khai hội nghị tới lần thứ 8, đã thảo luận và thông qua về căn
bản 4 vấn đề đầu và đương tiến hành thảo luận vấn đề tổ chức Nhà nước Việt
Nam Dân chủ Cộng hoà. Hiện nay, Ban Thư ký cũng đã dự thảo xong bản thuyết
trình về quyền lợi và nghĩa vụ công dân sẽ đem bàn nay mai tại Ban Sửa đổi
Hiến pháp. Sau khi Ban Sửa đổi Hiến pháp thảo luận và thông qua toàn bộ
những vấn đề kể trên, Ban Thư ký sẽ sắp xếp tiết mục, dựng thành bản sơ thảo
Hiến pháp. Như thế bản sơ thảo Hiến pháp sẽ bước đầu hoàn thành và chúng ta
sẽ chuẩn bị sang bước thứ hai theo kế hoạch đã định.
Một điểm mà chúng tôi
thấy cần phải nhấn mạnh là: bản Hiến pháp sửa đổi của ta được xây dựng trong
một hoàn cảnh đặc biệt của nước nhà: đất nước còn tạm thời chia làm hai
miền, miền Bắc đương tiến dần lên chủ nghĩa xã hội, miền Nam đương trở thành
một thuộc địa của đế quốc Mỹ và nhân dân ta đương đấu tranh để thực hiện
thống nhất nước nhà. Do đó, việc xây dựng bản Hiến pháp sửa đổi không thể
chỉ dựa vào bản Hiến pháp năm 1946 với những tài liệu tham khảo Hiến pháp
các nước bạn; không phải là công việc thuần tuý trên bàn giấy, mà chủ yếu là
phải căn cứ vào tình hình thực tế của nước ta và nhiệm vụ cách mạng của nhân
dân ta trong giai đoạn hiện tại. Hiến pháp cũng không những phải phản ánh
thực tế hiện tại, mà còn phải nêu được hướng tiến lên trong một giai đoạn
lịch sử tương lai nhất định.
Dưới sự điều khiển của
cụ Trưởng ban, Ban Sửa đổi Hiến pháp nói chung, Ban Thư ký nói riêng đã làm
việc một cách khẩn trương và thận trọng. Hiện nay, bản sơ thảo Hiến pháp sửa
đổi sắp hoàn thành bước đầu. Nhưng qua ánh sáng của thực tế và sự tham gia ý
kiến của đông đảo nhân dân sau này, bản sơ thảo Hiến pháp đầu tiên còn phải
được chỉnh lý, xây dựng dần dần, đòi hỏi nhiều công phu và thì giờ nữa để
càng ngày càng hoàn thiện đặng đi tới hoàn thành bản dự án sửa đổi Hiến pháp
đem trình Quốc hội.
Trong kỳ họp Quốc hội
lần này, chúng tôi xin báo cáo những công tác đã làm và hứa với Quốc hội là
luôn luôn cố gắng làm việc, hoàn thành nhiệm vụ mà Quốc hội đã trao cho.
|
TM. BAN
SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP
Tổng
Thư ký
TRẦN
HUY LIỆU
|