VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP I 1945 - 1960

 

 BÁO CÁO
VỀ VIỆC ĐÒI HỌP LẠI HỘI NGHỊ GIƠNEVƠ VỀ VẤN ĐỀ ĐÔNG DƯƠNG
1
Do cụ Tôn Đức Thắng đọc trước Hội nghị liên tịch Ban Thường trực Quốc hội và Uỷ ban Trung ương
Mặt trận
Tổ quốc Việt Nam ngày 24, 25-2-1956 tại Thủ đô Hà Nội

 

Thưa Chủ tịch đoàn,

Thưa các vị đại biểu,

Thay mặt Chủ tịch đoàn, tôi xin báo cáo về vấn đề “Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đòi họp lại Hội nghị Giơnevơ để bàn biện pháp thi hành đúng đắn Hiệp định Giơnevơ năm 1954”

Thưa các vị,

Do 8, 9 năm kháng chiến anh dũng của nhân dân Việt Nam, Cao Miên, Lào; do cuộc đấu tranh dũng cảm của nhân dân Pháp đòi chấm dứt chiến tranh Đông Dương; do sự ủng hộ mạnh mẽ của các lực lượng hòa bình dân chủ thế giới; do sự cố gắng của các nước tham dự Hội nghị Giơnevơ năm 1954, nhất là vai trò quan trọng của Liên Xô, Trung Quốc, Hội nghị Giơnevơ năm 1954 về vấn đề Đông Dương đã thành công rực rỡ.

Hiệp định ký kết tại Giơnevơ đã chấm dứt chiến tranh, đồng thời xây dựng nền tảng hòa bình vững chắc và lâu dài ở Đông Dương trên cơ sở tôn trọng chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Việt Nam, Cao Miên2 và Lào. Đối với Việt Nam, Hiệp định Giơnevơ quy định việc thống nhất Việt Nam bằng Tổng tuyển cử tự do tháng 7-1956.

Hiệp định Giơnevơ là một thất bại nặng nề đối với âm mưu của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai nhằm kéo dài và mở rộng chiến tranh Đông Dương. Trái lại, nó là thắng lợi to lớn của nhân dân Đông Dương, của nhân dân Pháp và của hòa bình thế giới. Nó chẳng những đem lại hòa bình cho Đông Dương, mà còn góp phần làm cho tình hình thế giới bớt căng thẳng. Chính vì thế Hiệp định Giơnevơ đã làm cho đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai của chúng tức tối. Nhưng trái lại nó đã được nhân dân Đông Dương, nhân dân Pháp và nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới nhiệt liệt hoan nghênh.

Đấu tranh cho Hiệp định Giơnevơ được thi hành đầy đủ, tức là đấu tranh cho hòa bình, thống nhất, độc lập và dân chủ của Việt Nam, của Cao Miên và Lào, tức là đấu tranh củng cố hòa bình ở Đông Nam Á và thế giới.

Từ khi Hiệp định Giơnevơ được thi hành, Pháp muốn cứu vãn những quyền lợi còn lại ở miền Nam, nhưng bị bọn Mỹ - Diệm gạt dần về mọi mặt kinh tế, chính trị, quân sự. Tuy nhiên nhà đương cục Pháp ở miền Nam Việt Nam đã đi theo chính sách nhượng bộ Mỹ từng bước, đã trốn tránh trách nhiệm thi hành Hiệp định Giơnevơ, đã dung túng cho chính quyền miền Nam phá hoại Hiệp định.

Ai cũng biết rằng đế quốc Mỹ ngày càng tích cực can thiệp vào miền Nam Việt Nam, thật sự nắm quyền chỉ huy các lực lượng vũ trang ở miền Nam và trực tiếp tổ chức và huấn luyện các lực lượng đó. Đế quốc Mỹ và Ngô Đình Diệm ngang nhiên đưa vũ khí, đạn dược và nhân viên quân sự mới vào miền Nam, gấp rút tăng cường lực lượng quân sự, xúc tiến kế hoạch thành lập 10 sư đoàn trong năm 1956. Để đẩy mạnh việc chuẩn bị chiến tranh trong quân đội và trong nhân dân miền Nam. Chúng bắt buộc báo chí và đài phát thanh ở miền Nam không ngớt tuyên truyền “Bắc tiến”. Âm mưu của đế quốc Mỹ nhằm lôi kéo miền Nam Việt Nam vào khối liên minh xâm lược Đông Nam Á, mong biến miền Nam Việt Nam thành căn cứ quân sự của Mỹ để phục vụ chính sách chuẩn bị chiến tranh của Mỹ. Đó là vi phạm nghiêm trọng Hiệp định Giơnevơ về điều khoản ngăn ngừa chiến tranh trở lại.

Hiệp định Giơnevơ đảm bảo tính mệnh, tài sản và quyền tự do dân chủ cho nhân dân. Thế mà theo lệnh của đế quốc Mỹ, bọn Ngô Đình Diệm ráo riết thi hành chính sách khủng bố và tàn sát nhân dân, phân biệt đối xử với những người đã tham gia kháng chiến và những người yêu chuộng hòa bình và thống nhất. Ngoài ra, chúng nó dùng vũ lực gây ra những vụ giết người hàng loạt từ các vụ Ngân Sơn, Chí Thạnh, Chợ Được, Vĩnh Xuân, Mỏ Cày và sau đó trong các vụ thảm sát Duy Xuyên (Quảng Nam), Hương Điền (Quảng Trị) v.v.. Chúng đã thẳng tay đàn áp những người không tán thành trò hề trưng cầu dân ý, những người đòi thi hành Hiệp định Giơnevơ, như đã giết chết 50 người ở Ba Tơ (Quảng Ngãi) vì đòi hiệp thương tổng tuyển cử, chôn sống 21 người ở Chợ Được (Quảng Nam) vì phản đối lối bỏ phiếu gian lận trong cuộc trưng cầu dân ý. Chúng đã xây dựng cả một hệ thống nhà tù, từ thành thị đến thôn quê, cho đến huyện, xã. Chỉ riêng ở tỉnh Phú Yên đã có 109 nhà tù. Luật lệ lập các trại tập trung giết người của Ngô Đình Diệm gần đây càng biểu hiện tính chất tàn bạo của chế độ độc tài phát xít ở miền Nam Việt Nam. Bọn côn đồ chẳng những khủng bố nhân dân Việt Nam, chúng còn gây khó khăn và khủng bố cả nhân viên và trụ sở Uỷ ban quốc tế giám sát và kiểm soát việc thi hành Hiệp định Giơnevơ ở Việt Nam.

Đối với điều khoản chính trị của Hiệp định Giơnevơ, Ngô Đình Diệm đã cự tuyệt những đề nghị liên tiếp của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà nhằm lập lại quan hệ bình thường giữa Bắc và Nam, nhằm mở Hội nghị hiệp thương bàn về tổng tuyển cử tự do để thực hiện thống nhất Việt Nam. Ngô Đình Diệm công khai chống lại Hiệp định Giơnevơ, viện cớ không ký Hiệp định Giơnevơ và sau khi tổ chức trò hề “trưng cầu dân ý”, hiện nay đang ráo riết tiến hành tuyển cử riêng rẽ hòng mượn danh nghĩa nhân dân hợp pháp hóa chế độ độc tài phát xít của Mỹ - Diệm ở miền Nam, thành lập một nước riêng biệt ở miền Nam Việt Nam, đối lập Nam Bắc, chia rẽ dân tộc, chia cắt Tổ quốc.

Âm mưu của Mỹ - Diệm thật là quá rõ ràng. Chúng muốn biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa và căn cứ quân sự của Mỹ, hòng gây chiến tranh mới ở Đông Dương, phá hoại hòa bình và thống nhất của Việt Nam, phá hoại việc thi hành Hiệp định Giơnevơ, xóa cơ sở của Hiệp định Giơnevơ.

Thưa các vị,

Âm mưu của Mỹ Diệm rất thâm độc. Hành động phá hoại của chúng rất trắng trợn. Nhưng chúng đã vấp phải sức đấu tranh của nhân dân Việt Nam. Sau thời kỳ 300 ngày, việc thi hành Hiệp định Giơnevơ bước qua một thời kỳ mới rất quan trọng. Đó là thời kỳ giải quyết vấn đề chính trị, cụ thể là mở Hội nghị hiệp thương bắt đầu từ 20 tháng 7 giữa nhà đương cục Bắc và Nam để bàn việc thực hiện Tổng tuyển cử tự do thống nhất nước Việt Nam, đồng thời tiếp tục thi hành những điều khoản nhằm ngăn ngừa chiến tranh, bảo đảm quyền tự do dân chủ cho nhân dân.

Để mở đường cho việc giải quyết vấn đề chính trị, ngày 6 tháng 6 năm 1955, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã ra một bản tuyên bố nói rõ sẵn sàng cùng với nhà đương cục miền Nam mở Hội nghị hiệp thương để bàn về tổng tuyển cử tự do thống nhất nước nhà.

Ngày 19 tháng 7 năm 1955, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà lại gửi cho chính quyền miền Nam một bức thư đề nghị cử đại biểu để mở Hội nghị hiệp thương theo như Hiệp định Giơnevơ quy định. Tháng 9 năm 1955, Mặt trận dân tộc toàn quốc đã họp Đại hội thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, công bố Bản cương lĩnh mới, chiếu cố đúng mức tình hình thực tế hai miền, lợi ích chính đáng của tất cả các tầng lớp, có những chính sách hợp tình, hợp lý để làm căn cứ cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà. Sau đó, Quốc hội họp khóa thứ 5 thông qua đường lối đấu tranh của Chính phủ đề ra trên cơ sở Bản cương lĩnh của Mặt trận Tổ quốc.

Để đấu tranh củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất đất nước, thi hành đúng đắn Hiệp định Giơnevơ, chúng ta đã không ngừng tăng cường lực lượng của chúng ta trong quá trình tiến hành cuộc đấu tranh đó.

Ở miền Nam, nhân dân miền Nam luôn luôn trung thành với Tổ quốc, luôn luôn ủng hộ mọi đề nghị của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, chống mọi hành động khủng bố, đàn áp và phá hoại việc thi hành Hiệp định Giơnevơ của Mỹ - Diệm. Nhân dân miền Nam đã kiên quyết đấu tranh đòi hiệp thương bằng nhiều hình thức phong phú, trong tất cả các tỉnh ở miền Nam từ thành thị đến nông thôn, phong trào đã lôi cuốn nhiều tầng lớp nhân dân rộng rãi, ngay cả những người trong bộ máy chính quyền, quân đội của Diệm. Trong phong trào đấu tranh đòi tự do dân chủ, chống trò hề trưng cầu dân ý, nhân dân miền Nam đã tập hợp được lực lượng ngày càng đông đảo, chống chế độ độc tài phát xít của Mỹ -Diệm, chống hành động phá hoại việc thi hành Hiệp định Giơnevơ.

Ở miền Bắc, phong trào đấu tranh đó đã động viên hàng triệu người thi đua thực hiện mọi công tác để củng cố miền Bắc thành cơ sở vững chắc cho cuộc đấu tranh chính trị.

Cương lĩnh Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đem lại nguồn phấn khởi mới cho nhân dân ta từ Bắc đến Nam và kiều bào ở nước ngoài, làm cho nhân dân càng tin tưởng vào đường lối đấu tranh đúng đắn, hợp tình, hợp lý của Bản cương lĩnh. Bản cương lĩnh đã lay động đến cả người trong hàng ngũ chính quyền Ngô Đình Diệm.

Nhân dân thế giới, nhân dân các nước anh em, nhân dân Pháp nhân dân các nước Đông Nam Á đã nhiệt liệt ủng hộ phong trào đấu tranh của chúng ta.

Do phong trào đấu tranh quyết liệt của nhân dân ta và nhân dân thế giới mà Mỹ - Diệm ngày càng gặp nhiều khó khăn, nội bộ chúng lủng củng, chúng dần dần bị cô lập miền Nam. Binh lính của Mỹ - Diệm cũng chống đối lại âm mưu gây chiến của chúng. Trò hề trưng cầu dân ý bị nhân dân tẩy chay. Trò hề tuyển cử riêng rẽ phải hoãn đi hoãn lại nhiều lần. Mặc dù Mỹ - Diệm hết sức cố gắng để tiêu diệt các giáo phái, các giáo phái vẫn tiếp tục đấu tranh chống Mỹ - Diệm. Hàng ngũ chống Mỹ - Diệm ngày càng rộng rãi. Những biện pháp độc tài phát xít của Ngô Đình Diệm như những trại tập trung giết người, chứng tỏ chỗ yếu của Diệm, chứng tỏ rằng trước phong trào ngày càng mạnh mẽ chống chế độ độc tài phát xít của chúng, Mỹ - Diệm không còn cách nào hơn là phải điên cuồng đàn áp.

Tóm lại, trong thời gian qua, cuộc đấu tranh chính trị của nhân dân ta để củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, thi hành Hiệp định Giơnevơ đã nâng cao ý thức chính trị và tăng cường lực lượng đoàn kết toàn dân, đẩy mạnh thi đua củng cố miền Bắc, dồn bọn Mỹ - Diệm vào thế bị động lúng túng.

Nhưng Mỹ - Diệm vẫn ngoan cố phủ nhận Hiệp định Giơnevơ, từ chối hiệp thương, tiếp tục phá hoại Hiệp định Giơnevơ.

Do đó, ngày 17 tháng 8 năm 1955, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà gửi thư cho hai Chủ tịch Hội nghị Giơnevơ năm 1954, nêu rõ tính chất nghiêm trọng của tình hình ở Việt Nam và yêu cầu hai Chủ tịch có biện pháp để giải quyết vấn đề chính trị ở Việt Nam. Ngày 21 tháng 12 năm 1955, hai Chủ tịch Hội nghị Giơnevơ đã hỏi các nước tham gia Hội nghị Giơnevơ và 3 nước trong Uỷ ban quốc tế những đề nghị cần thiết về việc thi hành Hiệp định Giơnevơ ở Việt Nam. Trong Công hàm ngày 14 tháng 2 năm 1956 trả lời hai Chủ tịch Hội nghị Giơnevơ, Thủ tướng Phạm Văn Đồng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, sau khi một lần nữa đã vạch ra những hành động của Ngô Đình Diệm phá hoại Hiệp định Giơnevơ và một lần nữa nêu rõ tình hình nghiêm trọng đang đe dọa đất nước Việt Nam đã yêu cầu triệu tập lại Hội nghị Giơnevơ về vấn đề Đông Dương để bàn biện pháp bảo đảm thực hiện Hiệp định Giơnevơ năm 1954. Bức Công hàm ấy ngày 23-2-1956 đã được công bố.

Thưa các vị,

Trong lúc nhân dân và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà thi hành nghiêm chỉnh và đầy đủ Hiệp định Giơnevơ thì chính quyền Ngô Đình Diệm theo lệnh Mỹ công nhiên phá hoại Hiệp định Giơnevơ, cho nên vấn đề đặt ra cho chúng ta là đòi Hiệp định Giơnevơ phải được thi hành nghiêm chỉnh và triệt để. Chính do đó mà có chủ trương họp lại Hội nghị Giơnevơ với sự tham gia của 3 nước trong Uỷ ban quốc tế để bàn mọi biện pháp thi hành đầy đủ Hiệp định Giơnevơ năm 1954.

Biết bao xương máu của nhân dân Việt Nam, Cao Miên, Lào đã đổ ra trong 8, 9 năm kháng chiến anh dũng; biết bao công sức của nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới đã góp vào để xây dựng nên Hiệp định Giơnevơ, nhân dân Việt Nam cùng nhân dân thế giới quyết không thể để cho Hiệp định Giơnevơ bị phá hoại.

Đường lối đấu tranh của chúng ta vẫn trước sau như một là thực hiện thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập và dân chủ bằng phương pháp hòa bình. Đường lối ấy thể hiện rõ ràng trong Bản cương lĩnh của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Nó nhằm củng cố miền Bắc làm cơ sở vững chắc cho cuộc đấu tranh chính trị, đồng thời chiếu cố tình hình thực tế ở miền Nam. Nó chủ trương thống nhất nước nhà bằng cách tổng tuyển cử tự do trong toàn quốc, do tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội, Quốc hội định ra Hiến pháp và lập Chính phủ liên hiệp. Nghĩa là nước Việt Nam chỉ có một Quốc hội và một Chính phủ Trung ương chung cho cả nước. Do đó, hoàn thành độc lập dân chủ và xây dựng nước Việt Nam giàu mạnh và góp phần củng cố nên hòa bình chung. Cương lĩnh của Mặt trận kêu gọi, động viên lòng yêu nước và tinh thần đoàn kết của dân tộc Việt Nam, tranh thủ sự đồng tình của dư luận thế giới.

Đòi họp lại Hội nghị Giơnevơ không phải là sự thay đổi đường lối đấu tranh, mà là vẫn trên đường lối đấu tranh ấy, chúng ta đưa ra biện pháp mới, nêu lên khẩu hiệu mới để đẩy cuộc đấu tranh tiến mạnh lên.

Chủ trương đòi họp lại Hội nghị Giơnevơ nhằm phá tan âm mưu của Mỹ - Diệm, bảo đảm Hiệp định Giơnevơ làm chỗ dựa về pháp lý cho cuộc đấu tranh của chúng ta. Chủ trương này tạo thêm điều kiện cho chúng ta tập họp các lực lượng đấu tranh trong nước, tranh thủ sự đồng tình của nhiều từng lớp nhân dân ở miền Nam, tranh thủ dư luận quốc tế rộng rãi ủng hộ ta, làm áp lực đối với bọn Mỹ - Diệm, đẩy chúng vào thế ngày càng bị cô lập. Chủ trương họp lại Hội nghị Giơnevơ nhằm thúc đẩy cuộc đấu tranh chính trị trên cơ sở những kết quả đã thu được.

Chính vì thế mà Mỹ - Diệm lại càng ra sức phá hoại. Chúng sẽ dùng đủ mọi cách để phá hoại việc thi hành Hiệp định Giơnevơ, trước mắt là chúng tiến hành trò hề tuyển cử riêng rẽ, chia cắt nước ta và mưu tính đưa miền Nam Việt Nam vào khối xâm lược Đông Nam Á, phá hoại tổng tuyển cử tháng 7 năm 1956. Chúng sẽ dùng đủ mọi cách để làm cho Hội nghị Giơnevơ không họp được. Cuộc đấu tranh chính trị của chúng ta sẽ càng trở nên gay go và phức tạp.

Nhưng những kết quả đã thu được, lực lượng chúng ta ngày được tăng cường, miền Bắc chúng ta ngày càng củng cố, đồng bào miền Nam ngày càng kiên quyết đấu tranh chống lại âm mưu Mỹ -Diệm, đòi thi hành Hiệp định Giơnevơ, nhân dân thế giới ngày càng nhiệt liệt ủng hộ cuộc đấu tranh chính trị của chúng ta, tác dụng lớn lao và ảnh hưởng sâu rộng của Cương lĩnh Mặt trận Tổ quốc cho phép chúng ta tin tưởng ở thắng lợi của cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta.

Thưa các vị,

Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã yêu cầu họp lại Hội nghị Giơnevơ để bàn về biện pháp thực hiện Hiệp định Giơnevơ năm 1954. Đó là một biện pháp đúng đắn và cần thiết trong tình hình chính trị hiện nay. Nhân dân ta hoàn toàn tán thành chủ trương ấy. Chúng ta nêu chủ trương ấy thành một khẩu hiệu đấu tranh chung của dân tộc, động viên toàn dân ra sức làm tròn nhiệm vụ mà Hồ Chủ tịch, Đảng Lao động Việt Nam và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã đề ra để đủ lực lượng làm cho chủ trương ấy được thực hiện.

Hồ Chủ tịch thường nhắc nhở chúng ta rằng trong cuộc đấu tranh chính trị, lực lượng của nhân dân ta cùng với sức ủng hộ của nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới là yếu tố quyết định thắng lợi, nhưng trước hết lực lượng chủ yếu là nhân dân ta. Vì vậy, toàn dân ta phải ra sức đoàn kết, tăng cường lực lượng của mình.

Đồng bào miền Bắc cần ra sức hoàn thành tốt cải cách ruộng đất, thi đua thực hiện kế hoạch Nhà nước năm 1956, củng cố vững chắc miền Bắc về mọi mặt để làm chỗ dựa cho cuộc đấu tranh chính trị.

Đồng bào miền Nam tiếp tục tinh thần anh dũng bất khuất, kiên quyết chống mọi âm mưu và hành động phá hoại Hiệp định Giơnevơ của Mỹ - Diệm, tẩy chay trò hề tuyển cử riêng rẽ, chống việc lập trại tập trung giết người, đòi tự do dân chủ, đòi quyền lợi hàng ngày…

Kiều bào ở nước ngoài cần hưởng ứng mọi cuộc đấu tranh trong nước, tuyên truyền rộng rãi những chủ trương chính sách hòa bình của Chính phủ và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Toàn thể đồng bào Bắc - Nam, kiều bào ở nước ngoài cần đoàn kết rộng rãi hơn nữa xung quanh Bản cương lĩnh của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhất trí đòi gây lại quan hệ bình thường Bắc - Nam, đòi họp lại Hội nghị Giơnevơ.

Về mặt quốc tế, chúng ta luôn luôn được ủng hộ mạnh mẽ của Liên Xô, Trung Quốc và các nước dân chủ anh em. Các Chính phủ Trung Quốc, Ba Lan, Liên Xô đã lần lượt lên tiếng đòi họp lại Hội nghị Giơnevơ. Nhiều nguồn dư luận ở nhiều nước, nhất là ở Ấn Độ và Pháp cũng tán thành chủ trương họp lại Hội nghị Giơnevơ. Chúng ta phải làm cho những nguồn dư luận ấy ngày càng lan rộng, và biến thành sức mạnh ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân ta.

Bè lũ Mỹ - Diệm ngày càng hung bạo điên cuồng, thì càng gặp nhiều khó khăn mà chúng không thể vượt được. Đó là khó khăn về chính trị, về kinh tế làm cho chúng càng mâu thuẫn nội bộ, càng lâm vào thế cô lập và nhất định sẽ đi đến thất bại.

Trái lại, chúng ta có sức mạnh ngày càng to lớn, đó là sức đoàn kết đấu tranh của nhân dân ta, đó là sự đồng tình và sức ủng hộ của nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới, đó là chính nghĩa của nhân dân ta.

Nhân dân ta đã từng chịu đựng gian khổ, vượt mọi khó khăn giành thắng lợi. Nhân dân ta quyết phát huy truyền thống dũng cảm đó. Không chủ quan, không sốt ruột, nhân dân ta quyết dùng sức mạnh to lớn ấy để đập tan mọi âm mưu của Mỹ - Diệm phá hoại Hiệp định Giơnevơ.

Thắng lợi cuối cùng nhất định sẽ về nhân dân.

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III.


1. Bản gốc không ghi ngày cụ thể (BT).

2. Campuchia (BT).