VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP I 1945 - 1960

 

DIỄN VĂN CỦA ÔNG TÔN QUANG PHIỆT, PHÓ TRƯỞNG BAN THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI
THAY MẶT BAN THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI KHOÁ I
ĐỌC TẠI LỄ KỶ NIỆM TỔNG TUYỂN CỬ
6-1-1946 - 6-1-1956

 

Thưa Chủ tịch đoàn,

Thưa các vị đại biểu,

Thưa các đồng chí và các bạn,

Cách đây 10 năm, ngày 6-1-1946 toàn thể nhân dân Việt Nam từ Mục Nam Quan đến mũi Cà Mau, không phân biệt giai cấp, tôn giáo, dân tộc, xu hướng chính trị, đã cử hành tổng tuyển cử theo lối phổ thông đầu phiếu và bỏ phiếu kín để bầu đại biểu thành lập ra Quốc hội của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Lần đầu tiên người dân Việt Nam đã được sử dụng quyền công dân của mình để tham gia chính quyền và định đoạt vận mệnh của Tổ quốc.

Ngay trong các khoá họp đầu, Quốc hội đã giải quyết những vấn đề quan trọng: lập ra Chính phủ và thông qua Hiến pháp, xây dựng cơ sở của nền dân chủ cộng hoà.

Trong Cách mạng tháng Tám, nhân dân ta đã đánh đổ phát xít Nhật, giành lấy chính quyền, đã thủ tiêu chế độ quân chủ có từ hàng nghìn năm ở nước ta. Cuộc Tổng tuyển cử tháng giêng 1946 đem lại cho mỗi người công dân Việt Nam những quyền lợi căn bản là quyền ứng cử và quyền tuyển cử. Đó là kết quả của cuộc đấu tranh của nhân dân ta từ non một trăm năm chống bọn đế quốc cướp nước và bọn phong kiến bán nước để giành độc lập, tự do.

Cuộc Tổng tuyển cử của chúng ta đã thoát thai từ Cách mạng tháng Tám. Dưới sự lãnh đạo của Hồ Chủ tịch và Đảng Cộng sản Đông Dương. Mặt trận Việt Minh đã đoàn kết rộng rãi được các tầng lớp nhân dân. Trong quá trình đấu tranh để hoàn thành cách mạng dân tộc và dân chủ, quyền dân chủ của nhân dân và quyền độc lập của dân tộc phải đi đôi với nhau. Nếu không có độc lập thì không thể có dân chủ. Tranh thủ độc lập là để thực hiện dân chủ, cũng như phải thực hiện dân chủ để giữ vững độc lập. Người công dân của một nước độc lập hoàn toàn phải được hưởng những quyền tự do dân chủ thực sự.

Chúng ta còn nhớ cuộc Tổng tuyển cử đã tiến hành trong một hoàn cảnh vô cùng khó khăn và phức tạp. Sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà vừa thành lập thì thực dân Pháp do quân đội Anh giúp sức đã gây lại chiến tranh ở miền Nam. Ở miền Bắc, bọn phản động dựa vào quân đội Tưởng Giới Thạch, đang quấy rối. Nhưng nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Hồ Chủ tịch đã vượt mọi khó khăn, quyết tâm thực hiện cho được cuộc tổng tuyển cử. Chúng ta còn nhớ: đồng bào miền Nam bỏ phiếu dưới làn khói đạn, nhiều nơi thùng phiếu phải lưu động, các chiến sĩ tay cầm súng giết giặc, tay cầm lá phiếu làm tròn nhiệm vụ của người công dân. Một số cử tri đã anh dũng hy sinh trong cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp để thực hiện đầu phiếu. Còn đồng bào miền Bắc mặc dầu bọn phản động âm mưu phá hoại bằng đủ mọi hình thức cuộc tổng tuyển cử vẫn tiến hành một cách đường hoàng và đem lại một kết quả mỹ mãn. Tại thành phố Hà Nội, số phiếu bỏ cho Hồ Chủ tịch gần 100%. Các nơi khác, số người bỏ phiếu trung bình từ 75%, đến hơn 90%. Những lá phiếu của đồng bào bỏ trong ngày 6-1-1946 đã biểu hiện ý chí của toàn dân nhất định bảo vệ đất nước và xây nền móng của chính quyền dân chủ nhân dân, Quốc hội chúng ta đã do một cuộc đấu tranh mãnh liệt của toàn thể nhân dân mà thành lập ra.

Ngày 6-1-1946 đã mở một trang sử mới trong sự nghiệp cải cách dân chủ ở nước ta.

Ngày 6-1-1946 đã đặt nền tảng cho chính quyền dân chủ nhân dân của nước ta.

Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đang còn trẻ tuổi. Dân tộc Việt Nam đang tiến bộ vượt bậc. Tương lai của nước Việt Nam vô cùng xán lạn. Trong quá trình đấu tranh để củng cố hoà bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong cả nước, ngày tổng tuyển cử 6-1-1946 là ngày lịch sử có ý nghĩa rất trọng đại, vì nó đã đặt nền tảng trong việc xây dựng chính quyền dân chủ nhân dân, đã cắm cây mốc đầu tiên trên con đường đi tới của chính quyền dân chủ nhân dân và đã biểu hiện rõ rệt ý chí thống nhất của toàn dân, toàn quốc.

Quốc hội do cuộc Tổng tuyển cử bầu ra, gồm đại biểu các tầng lớp nhân dân, các dân tộc trong nước, là cơ quan dân chủ có quyền cao nhất và cũng là hình thức dân chủ rộng rãi nhất. Quốc hội đã sống qua những ngày gian khổ, những vinh quang của dân tộc. Quốc hội đã giúp Chính phủ điều khiển Nhà nước sau Cách mạng tháng Tám, điều khiển cuộc kháng chiến anh dũng trong 8, 9 năm qua. Trong những giờ phút nghiêm trọng của lịch sử nước nhà, tiếng nói của Quốc hội và Ban Thường trực Quốc hội đã có một sức mạnh động viên nhân dân, làm cho nhân dân thêm tin tưởng vào Chính phủ, tích cực tham gia mọi công cuộc kháng chiến và kiến quốc, cải cách ruộng đất, củng cố chính quyền dân chủ nhân dân. Sau khi hoà bình đã lập lại, trong hai khoá họp thứ 4 và 5, Quốc hội đã thông qua những chủ trương, đường lối để củng cố miền Bắc và đẩy mạnh cuộc chiến tranh nhằm củng cố hoà bình, thực hiện thống nhất nước nhà.

*

*      *

Theo Hiệp định Giơnevơ thì bắt đầu từ tháng 7-1955, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và chính quyền miền Nam Việt Nam phải mở hội nghị hiệp thương để thảo luận về mọi vấn đề liên quan đến việc chuẩn bị và tổ chức tổng tuyển cử tự do trong cả nước, để thực hiện thống nhất nước nhà. Trong bản báo cáo tại khoá họp Quốc hội lần thứ 5 nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã tuyên bố: "Những nguyên tắc căn bản của cuộc tổng tuyển cử ấy là: tổng tuyển cử tự do trong toàn quốc theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bí mật". Như Điều 7 trong bản tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Giơnevơ đã quy định "Cuộc tổng tuyển cử sẽ tổ chức vào tháng 7-1956, dưới sự kiểm soát của một Ban quốc tế gồm đại biểu những nước có chân trong ban giám sát và kiểm soát quốc tế". Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà luôn luôn trung thành với Hiệp định Giơnevơ và thành thật thi hành những đảm bảo cần thiết cho cuộc tổng tuyển cử thực sự tự do và dân chủ. Nhưng muốn thực hiện tổng tuyển cử tự do trong toàn quốc, trước hết hai bên phải hiệp thương với nhau về việc thực hiện những nguyên tắc trên đây.

Nhưng đế quốc Mỹ không phá nổi Hiệp định Giơnevơ, đã tìm mọi cách để mưu mô phá hoại hiệp định đình chiến. Thực dân Pháp đã cùng đế quốc Mỹ ký hiệp ước Manila, thành lập cái mà chúng gọi là "Khối phòng thủ Đông Nam Á" nhưng kỳ thực là khối xâm lược Đông Nam Á dưới quyền chỉ huy của Mỹ. Một mặt khác, Mỹ xúi giục và giúp đỡ cho bè lũ tay sai của chúng biến miền Nam Việt Nam thành một thuộc địa và căn cứ quân sự của Mỹ, chia cắt nước ta, chuẩn bị đặt miền Nam Việt Nam vào khối xâm lược Đông Nam Á và chuẩn bị gây lại chiến tranh.

Sau trò hề "trưng cầu dân ý", Ngô Đình Diệm đã xúc tiến việc tuyển cử riêng rẽ, lập một "Quốc hội" riêng và một "Hiến pháp" riêng, chủ đích là từ chối việc thống nhất nước nhà bằng tổng tuyển cử tự do trong toàn quốc. Đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai của chúng chẳng những đã vi phạm Hiệp định Giơnevơ một cách trắng trợn, mà còn công nhiên phá hoại nền thống nhất của Tổ quốc, ngăn cản sự nghiệp hoàn thành độc lập và dân chủ của nhân dân ta.

Nhân dân toàn quốc đã đồng thanh tố cáo trò hề "trưng cầu dân ý" của chính quyền miền Nam, nhất là đồng bào miền Nam đã tỏ rõ ý chí của mình trong các cuộc đấu tranh chống Mỹ - Diệm. Mặc dù mọi thủ đoạn phỉnh phờ và uy hiếp, số người đi bỏ phiếu trong cuộc "trưng cầu dân ý" đó rất là thưa thớt. Cuối cùng nhà chức trách miền Nam đã nhân con số lên gấp nhiều lần làm cho nhiều nơi con số đem ra quảng cáo nhiều hơn con số cử tri. Trò bịp bợm đã bị lột trần. Xem việc ấy thì biết cuộc tuyển cử mà nhà cầm quyền miền Nam đang chuẩn bị thực hiện cũng sẽ là một trò bịp bợm mới và sẽ bị đồng bào ta phản đối và dù chúng có lập ra "Quốc hội" hay "Hiến pháp" đi nữa thì ai cũng biết Quốc hội ấy chẳng qua là Quốc hội bù nhìn và Hiến pháp ấy cũng chỉ là Hiến pháp giả dân chủ. Nhân dân từ Bắc chí Nam chỉ thừa nhận Quốc hội do toàn dân bầu ra và chỉ thừa nhận Hiến pháp thật dân chủ do Quốc hội ấy thông qua.

Chỉ có cái gì do nhân dân sáng tạo ra mới thực sự là của nhân dân. Quốc hội Việt Nam là của nhân dân Việt Nam. Trái lại những cái gì không phải do nhân dân toàn quốc sáng tạo ra, mà là do âm mưu của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai bày ra sẽ bị nhân dân bài trừ.

Từ ngày hoà bình lập lại đến nay, ở miền Bắc, dưới sự lãnh đạo của Hồ Chủ tịch, Đảng Lao động Việt Nam và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, chẳng những mọi quyền tự do dân chủ của nhân dân được đảm bảo, mà đời sống của nhân dân cũng được cải thiện dần dần. Bốn đợt cải cách ruộng đất đã đem lại cho nông dân hơn 72 vạn mẫu tây ruộng đất, 1 vạn tấn lương thực. Về nông nghiệp đã cày cấy lại 71.821 mẫu tây bị bỏ hoang chỉ vì chiến tranh; đã sửa chữa 3.000 cây số đê; đã khôi phục 14 hệ thống nông giang lớn nhỏ. Đã phát triển trung, tiểu thuỷ nông chống hạn, phòng hạn trên một diện tích 381.000 mẫu tây; đã sửa chữa nhiều đường giao thông vận tải, trong đó có đường sắt Hà Nội - Mục Nam Quan, Hà Nội - Nam Định, Hà Nội - Việt Trì đã hoàn thành một số đường và cầu quan trọng cho ô tô đi lại; đã chấn chỉnh và khôi phục một số xí nghiệp lớn; đã cung cấp đủ gạo cho các thành phố và vùng công nghiệp; đã bình ổn giá những hàng cần thiết cho đời sống hàng ngày của nhân dân như muối, vải, củi, dầu hoả, v.v... Về mặt văn hoá xã hội thì số trường học, bệnh viện đều tăng. Văn học nghệ thuật lấy phục vụ nhân dân làm mục đích, đều tiến triển.

Trái lại, dưới chính quyền độc tài của miền Nam, dựa vào đế quốc Mỹ nhân dân đã bị tước đoạt hết quyền tự do dân chủ. Đến cuối năm 1955, theo thống kê chưa đầy đủ thì đã có 4.328 vụ khủng bố và 1.292 người chết, 4.482 người bị thương, 705 người mất tích, 29.045 người bị giam cầm. Còn nói về văn hoá xã hội thì những cuộc hỗn loạn ở nhiều nơi làm cho nhiều nhà trường phải đóng cửa, việc học tập của học sinh bị gián đoạn. Ở các thành phố những phim ảnh, sách báo trụy lạc, khiêu dâm kiểu Mỹ tràn ngập khắp nơi, gây tai hại lớn cho nhân dân, nhất là cho thanh niên. Những nạn trộm cướp, mãi dâm, thất nghiệp không thể giải quyết được. Sự so sánh giữa hai miền Bắc và Nam là so sánh giữa chính nghĩa và phi nghĩa, giữa yêu nước và phản nước, giữa dân chủ và phát xít; hai bên khác nhau một trời một vực.

Chúng ta rất thông cảm với nỗi đau khổ của đồng bào miền Nam. Chúng ta không tự mãn với những thành tích kiến thiết ở miền Bắc mà còn phải cố gắng thêm nhiều nữa.

Nhân ngày kỷ niệm tổng tuyển cử năm nay, nhân dân ta phải ra sức thi đua làm trọn những nhiệm vụ mà Hồ Chủ tịch đã đề ra trong toàn dân trong năm nay:

1- "Toàn dân đoàn kết chặt chẽ, kiên quyết đấu tranh chính trị, thực hiện cương lĩnh của Mặt trận Tổ quốc, đòi thi hành đúng đắn Hiệp định Giơnevơ, đòi nhà cầm quyền miền Nam phải Hiệp thương với Chính phủ ta để thực hiện thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập và dân chủ.

2- Đồng bào miền Bắc ta phải ra sức củng cố miền Bắc về mọi mặt, tức là:

- Hoàn thành tốt việc cải cách ruộng đất ở miền Bắc;

- Ra sức thi đua sản xuất và tiết kiệm, thực hiện kế hoạch khôi phục kinh tế và phát triển văn hoá năm 1956;

- Tiếp tục củng cố quốc phòng;

- Bảo vệ trật tự, an ninh, trấn áp bọn phá hoại.

3- Về ngoại giao; thắt chặt tình đoàn kết với Liên Xô, Trung Quốc và các nước anh em khác; tăng cường tình hữu nghị với các nước láng giềng: Cao Miên1, Lào, Ấn Độ, Diến Điện2, Nam Dương3; đoàn kết với nhân dân Pháp và nhân dân thế giới để bảo vệ hoà bình".

Trong cuộc đấu tranh chính trị để củng cố hoà bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ cả nước, nhân dân ta, những người đã đứng lên làm Cách mạng tháng Tám 1945 và thực hiện tổng tuyển cử tháng Giêng 1946, đã anh dũng kháng chiến và đang xây dựng nước nhà, nhất định chúng ta phải thắng trong công cuộc củng cố miền Bắc cũng như trong đấu tranh chính trị. Hồ Chủ tịch cũng đã dạy: so với đấu tranh vũ trang trong kháng chiến thì đấu tranh chính trị trong hoà bình còn gay go, phức tạp hơn. Nhưng dưới sự lãnh đạo của Hồ Chủ tịch, Đảng Lao động Việt Nam và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, cùng sự đồng tâm nhất trí của toàn dân, chúng ta đã thắng trong kháng chiến, nhất định sẽ thắng trong đấu tranh chính trị.

Thay mặt Ban Thường trực Quốc hội, chúng tôi kêu gọi toàn thể đồng bào từ Bắc chí Nam, phát huy tinh thần đấu tranh bền bỉ, anh dũng, đoàn kết nhất trí đã thể hiện trong cuộc tổng tuyển cử 6-1-1946. Riêng đồng bào miền Nam đã đấu tranh anh dũng trong cuộc tổng tuyển cử đầu tiên, trong cuộc kháng chiến trường kỳ, nhất là trong cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai của chúng hiện nay, sẽ càng bền bỉ, anh dũng hơn nữa để góp phần xứng đáng vào công cuộc đấu tranh củng cố hoà bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập, dân chủ trong cả nước.

Mặt trận Tổ quốc đã đề ra một bản cương lĩnh thiết thực và cụ thể. Bản cương lĩnh ấy đã được Quốc hội nhiệt liệt và nhất trí tán thành trong khoá họp thứ 5 vừa rồi. Chúng ta phải căn cứ vào cương lĩnh ấy để mở rộng mặt trận trong toàn quốc, thu hút tất cả những người tán thành hoà bình, thống nhất độc lập, dân chủ. Bản cương lĩnh của Mặt trận Tổ quốc hợp với ý nguyện của toàn dân ta và lợi ích của hoà bình thế giới. Nó có tác dụng to lớn là cô lập đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai của chúng, động viên đồng bào trong nước và kiều bào ở nước ngoài ra sức đấu tranh chống Mỹ - Diệm, tiến tới xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.

- Kiên quyết phấn đấu để giữ vững và phát triển thắng lợi của cuộc tổng tuyển cử 6-1. Củng cố chính quyền nhân dân: ủng hộ Quốc hội Việt Nam Dân chủ Cộng hoà do toàn dân bầu ra.

- Ra sức củng cố miền Bắc về mọi mặt, làm cơ sở vững chắc cho cuộc đấu tranh chính trị để củng cố hoà bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập dân chủ trong cả nước.

- Đồng bào miền Bắc ra sức thi đua hoàn thành kế hoạch khôi phục kinh tế và phát triển văn hoá năm 1956.

- Phấn đấu để triệt để thi hành Hiệp định Giơnevơ và đòi đối phương phải mở hội nghị hiệp thương với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà để bàn về tổng tuyển cử tự do trong toàn quốc, thực hiện thống nhất nước nhà.

- Phản đối Mỹ - Diệm định tổ chức tuyển cử riêng rẽ, mưu trường kỳ chia cắt nước ta và biến miền Nam nước ta thành thuộc địa và căn cứ quân sự của đế quốc Mỹ.

- Phản đối chính quyền miền Nam khủng bố trả thù những người đã tham gia kháng chiến, chà đạp lên quyền tự do dân chủ và luôn luôn xâm phạm đến sinh mệnh, tài sản của đồng bào miền Nam.

- Tinh thần ngày tổng tuyển cử 6-1 muôn năm !

- Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh muôn năm !

- Hồ Chủ tịch muôn năm !

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III.

 

1. Campuchia (BT).

2. Nay là Mianma (BT).

3. Inđônêxia (BT).