VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP VI(QUYỂN 2) 1984 - 1987

 

PHÁT BIỂU
CỦA CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN HỮU THỌ
TRONG CUỘC HỌP VỚI CÁC TRƯỞNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI, NGÀY 20-12-1984

A- Theo dự kiến chương trình làm việc của kỳ họp Quốc hội đã gửi các đồng chí, Quốc hội sẽ họp trù bị vào 8 giờ sáng ngày mai (21-12-1984). Theo quy định, việc vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh nghỉ ngày thứ sáu, nên các đại biểu Quốc hội sẽ đi viếng vào 8 giờ sáng ngày thứ bảy 22-12-1984.

Về nội dung của phiên họp trù bị:

Ngoài việc Quốc hội biểu quyết thông qua chương trình làm việc của kỳ họp, còn có hai việc:

- Quốc hội mặc niệm đồng chí Nguyễn Thành Lân, Trung tá, chỉ huy phó Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Kiên Giang, đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang, từ trần ngày 27 tháng 10 năm 1984.

- Hội đồng Nhà nước trình Quốc hội phê chuẩn Nghị quyết của Hội đồng Nhà nước về việc cử đồng chí Cù Huy Cận giữ chức Bộ trưởng, đặc trách công tác văn hóa - nghệ thuật tại Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng.

Tờ trình của Hội đồng Nhà nước và sơ yếu lý lịch của đồng chí Cù Huy Cận đã được gửi tới các Đoàn đại biểu Quốc hội; đề nghị Quốc hội sẽ biểu quyết việc phê chuẩn trong phiên họp bế mạc.

Sáng mai (21-12-1984), sau khi họp trù bị, đúng 8 giờ 30, Quốc hội sẽ họp phiên khai mạc, có Đoàn ngoại giao tham dự. Dự kiến kỳ họp sẽ bế mạc vào chiều ngày thứ sáu 27 tháng 12 năm 1984.

B- Về nội dung của kỳ họp:

Vấn đề trọng tâm của kỳ họp này là:

Quốc hội sẽ thảo luận các báo cáo của Hội đồng Bộ trưởng về tình hình thực hiện kế hoạch nhà nước và ngân sách nhà nước năm 1984; quyết định kế hoạch nhà nước và ngân sách nhà nước năm 1985; phê chuẩn Tổng quyết toán ngân sách nhà nước năm 1983.

Quốc hội sẽ họp riêng để nghe Hội đồng Bộ trưởng báo cáo bổ sung về kế hoạch nhà nước và ngân sách nhà nước.

Ngoài vấn đề trọng tâm nói trên, Quốc hội sẽ nghe Bộ trưởng Bộ Ngoại giao báo cáo về tình hình thế giới trong thời gian qua và hoạt động đối ngoại của Nhà nước ta.

Các đại biểu Quốc hội sẽ cho ý kiến ở Tổ về các báo cáo công tác của Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

C- Về việc thuyết trình của Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban thường trực của Quốc hội; về việc thảo luận ở Tổ, tham luận và chất vấn

1. Về thuyết trình:

Trọng tâm của kỳ họp này là bàn và quyết định về kế hoạch nhà nước và ngân sách nhà nước, do đó Uỷ ban kinh tế, kế hoạch và ngân sách của Quốc hội sẽ thuyết trình trước Quốc hội về vấn đề này. Nếu Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban khác thấy có một số vấn đề lớn gắn với kế hoạch nhà nước và ngân sách nhà nước, thì tập thể Hội đồng và Uỷ ban sẽ bàn và kiến nghị việc thuyết trình; nếu thấy không cần phải có bản thuyết trình riêng, thì có thể nêu vấn đề chung trong bản thuyết trình của Uỷ ban kinh tế, kế hoạch và ngân sách.

2. Về thảo luận ở Tổ và tham luận:

Quốc hội sẽ dành bốn buổi để các đại biểu thảo luận ở Tổ (ba buổi về kế hoạch và ngân sách, một buổi về công tác của Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao), hai buổi tham luận ở Hội trường.

Về nội dung thảo luận và tham luận, xin gợi ý một số điểm sau đây:

- Căn cứ vào các báo cáo của Hội đồng Bộ trưởng, đánh giá tình hình kinh tế - xã hội và đời sống trong năm 1984, nêu những thành tựu đạt được và những khó khăn, thiếu sót tồn tại; chú ý phân tích nguyên nhân về những việc đã làm được và những việc chưa làm được; nhận xét về công tác chỉ đạo, điều hành và quản lý của Trung ương, các ngành, các địa phương và đơn vị cơ sở, rút ra những bài học kinh nghiệm.

- Xác định phương hướng, nhiệm vụ kế hoạch kinh tế - xã hội năm 1985; mục tiêu và biện pháp giải quyết vấn đề lương thực (chú ý việc trồng và chế biến màu), vấn đề trồng cây công nghiệp, vấn đề năng lượng; sản xuất hàng tiêu dùng; tăng cường công tác kinh tế đối ngoại; vấn đề giá - lương - tiền, hàng, quản lý thị trường, phân phối lưu thông, ổn định đời sống; vấn đề giao thông vận tải; công tác xây dựng huyện, cải tiến cơ chế quản lý và kế hoạch hóa, xóa bỏ tệ quan liêu, bao cấp, bảo thủ, trì trệ và tình trạng tự do tùy tiện, vô tổ chức, vô kỷ luật, vấn đề kết hợp kinh tế và quốc phòng. Về ngân sách nhà nước, chú ý những biện pháp tăng thu, giảm chi, hạn chế bội chi, triệt để thực hành tiết kiệm.

Để nâng cao chất lượng của kỳ họp Quốc hội, rút kinh nghiệm các kỳ họp trước, tôi đề nghị các đại biểu chú ý cải tiến việc thảo luận ở Tổ, tham luận ở Hội trường và vấn đề chất vấn:

a) Về thảo luận ở Tổ:

Thảo luận ở Tổ là hình thức thích hợp, nhằm làm cho tất cả các đại biểu Quốc hội có điều kiện đóng góp được nhiều ý kiến vào các vấn đề đưa ra trong kỳ họp.

- Để giúp các đại biểu có thể tham gia ý kiến thảo luận, tham luận, trong chương trình có xếp thời gian để các đại biểu nghiên cứu tài liệu (buổi sáng và buổi chiều ngày 22-12). Đề nghị các đại biểu đi họp tổ để nghiên cứu, chuẩn bị ý kiến thảo luận ở tổ và không sử dụng thời gian này để làm việc khác.

- Các đồng chí tổ trưởng cần nắm những vấn đề trọng tâm để gợi ý các đại biểu phát biểu tập trung vào các vấn đề cần thiết; tránh đi lan man sa vào các chi tiết vụn vặt. Cần đánh giá, nhận xét về các vấn đề đưa ra thảo luận và có những kiến nghị về biện pháp giải quyết. Phải làm sao để tất cả các đại biểu, nhất là đại biểu ở cơ sở ở địa phương đều phát biểu, tránh tình trạng để một, hai đại biểu phát biểu quá dài mà các đại biểu khác lại không được phát biểu. Trong trường hợp ở tổ có ý kiến khác nhau, đồng chí tổ trưởng cần kết luận cụ thể về ý kiến chung của tổ đối với vấn đề được đưa ra, nếu còn có ý kiến khác thì ghi cụ thể trong biên bản.

- Biên bản thảo luận ở Tổ nên ghi theo từng vấn đề thảo luận để Đoàn thư ký dễ theo dõi, tổng hợp. Sau mỗi buổi thảo luận, người điều khiển và thư ký của tổ cần xem lại biên bản để bảo đảm sự chính xác về các ý kiến.

b) Về tham luận:

Nội dung tham luận cần tập trung vào các vấn đề đã nêu ở trên. Tôi xin lưu ý thêm mấy điều:

- Nói chung, các bản tham luận của đại biểu Quốc hội trong những kỳ họp gần đây đã ngắn, gọn hơn trước, bước đầu khắc phục tình trạng kể lể tình hình, thành tích của địa phương, của ngành, v.v., đã tập trung vào việc nhận xét, phê phán đúng, sai và đề xuất các kiến nghị thiết thực, do đó được các đại biểu hoan nghênh.

- Trong kỳ họp này, đề nghị các đoàn bàn bạc, phân công và chuẩn bị trước ngay từ khi kỳ họp bắt đầu, làm sao cho các bản tham luận có chất lượng, đề xuất được nhiều ý kiến đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trước hết tập trung vào những biện pháp nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc, thiếu sót trong sản xuất và đời sống, trong quản lý kinh tế - xã hội, bảo đảm hoàn thành thắng lợi kế hoạch Nhà nước năm 1985, năm kết thúc kế hoạch 5 năm 1981 - 1985.

3. Về chất vấn:

Để cho việc chất vấn có tác dụng tốt và thiết thực chúng ta cần chú ý:

- Chất vấn là nêu các vấn đề có tầm quan trọng, đáng quan tâm mà đại biểu đã xem xét, cân nhắc để yêu cầu thủ trưởng các cơ quan nhà nước trả lời trước Quốc hội, từ đó có thể rút ra những kết luận cần thiết để cải tiến công tác quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội. Ngoài ra, đối với những vấn đề cần hỏi để biết hoặc những điều có tính riêng biệt của địa phương, thì không nhất thiết phải nêu thành chất vấn trong kỳ họp, đại biểu có thể hỏi thẳng các cơ quan hữu quan. Do đó, nên chuẩn bị trước những vấn đề cần đưa ra chất vấn trong kỳ họp; nếu qua báo cáo của Hội đồng Bộ trưởng, đại biểu thấy có ý kiến về điểm nào trong vấn đề đánh giá tình hình, vấn đề biện pháp giải quyết, v.v. thì có thể chất vấn, nhưng cần xác định rõ đối tượng mà đại biểu chất vấn để ghi rõ vấn đề chất vấn.

- Các điều chất vấn cần được đưa sớm cho Đoàn thư ký kỳ họp để các cơ quan có trách nhiệm kịp chuẩn bị trả lời.

- Trong các kỳ họp vừa qua, một số Đoàn đại biểu nêu ý kiến chất vấn của đoàn; nhờ có sự bàn bạc cụ thể thông qua ý kiến của các đại biểu ở nhiều góc độ và nhiều lĩnh vực, nên đã nêu được một số vấn đề đáng quan tâm. Đề nghị các đoàn chú ý hình thức chất vấn này.

- Nhân đây, cũng lưu ý Hội đồng Bộ trưởng là trong thời gian qua, thi hành Chỉ thị số 97/TTg ngày 9-12-1979 của Thủ tướng Chính phủ về việc trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội, các Bộ, các ngành đã có tiến bộ, nhưng nhìn chung có một số Bộ, ngành trả lời quá chậm, trả lời chung chung, không đi sát vào nội dung chất vấn, cá biệt có cơ quan trả lời tùy tiện, làm cho một số đại biểu nhận xét là không tôn trọng đại biểu Quốc hội như: công văn trả lời không ký tên và không đóng dấu, không phải do các thủ trưởng Bộ, ngành ký mà giao cho Văn phòng Bộ trả lời, hoặc có đồng chí nặng về mặt giải thích, v.v..

Đề nghị Hội đồng Bộ trưởng chỉ thị cho các Bộ, ngành phải khắc phục những thiếu sót nói trên. Nội dung trả lời chất vấn cần gọn, rõ ràng, nghiêm túc, đi thẳng vào vấn đề mà đại biểu chất vấn.

4. Về việc phản ánh tình hình thảo luận ở Tổ:

Cách phản ánh làm như kỳ họp trước: tổ trưởng hoặc tổ phó chịu trách nhiệm phản ánh với Đoàn thư ký về kết quả thảo luận; nếu cần, đồng chí Thư ký của tổ có thể cùng tham gia việc phản ánh để bổ sung ý kiến. Đoàn thư ký có trách nhiệm tổng hợp chính xác, đầy đủ kịp thời ý kiến của các tổ để báo cáo lên các đồng chí lãnh đạo kỳ họp.

Tôi đã trình bày xong ý kiến về nội dung và cách tiến hành kỳ họp này.

Đề nghị các đồng chí tham gia ý kiến.

 

Lưu tại Phòng Lưu trữ,
Văn phòng Quốc hội