BÁO CÁO
VỀ CHUYẾN THĂM HỮU NGHỊ CHÍNH THỨC NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA TIỆP KHẮC,
NƯỚC CỘNG HÒA NHÂN DÂN HUNGGARI VÀ NƯỚC CỘNG HÒA DÂN CHỦ ĐỨC
CỦA ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VIỆT NAM
Nhận lời mời của Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Tiệp Khắc Alôixơ Inđơra, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa Nhân dân Hunggari Xáclốt Ítvan, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa Dân chủ Đức Xinđơman, Đoàn đại biểu Quốc hội nước ta đã đi thăm hữu nghị chính thức Tiệp Khắc, Hunggari và Cộng hòa Dân chủ Đức.
Đoàn gồm có:
Trưởng đoàn:
1. Đồng chí Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Quốc hội:
Đoàn viên:
2. Đồng chí Huỳnh Cương, Phó Chủ tịch Quốc hội;
3. Đồng chí Bùi Phùng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Uỷ viên Uỷ ban kinh tế, kế hoạch và ngân sách của Quốc hội;
4. Đồng chí Giáo sư, Phó tiến sĩ Trần Thị Nhị Hường, Hiệu trưởng Trường đại học Nông nghiệp Hôxê Mácti, Uỷ viên Uỷ ban văn hoá và giáo dục của Quốc hội;
5. Đồng chí Lê Trang, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước.
1. Hoạt động của Đoàn tại Tiệp Khắc (từ ngày 03 đến ngày 08-10-1985).
a) Những hoạt động của Đoàn: Đoàn đã đặt vòng hoa tại mộ chiến sĩ vô danh, mộ Chủ tịch Clêmen Gốtvan, Đài tưởng niệm các anh hùng Liên Xô và đến thăm Lidica; hội đàm với các đại diện Quốc hội Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Tiệp Khắc do Chủ tịch Quốc hội Alôixơ Inđơra dẫn đầu; Đoàn đã thăm nhiều cơ sở kinh tế và văn hóa tại Trung ương và địa phương.
Đồng chí Gúxtáp Huxăc, Tổng Bí thư Uỷ ban Trung ương Đảng Cộng sản Tiệp Khắc, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Tiệp Khắc, đồng chí Lubômia Xtrugan, Uỷ viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Tiệp Khắc, Thủ tướng Chính phủ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Tiệp Khắc đã tiếp và nói chuyện thân mật với Đoàn. Ngoài ra Đoàn cũng có nhiều cuộc gặp gỡ khác với nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của bạn như các đồng chí Giôdép Kempni (Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Séc, Giôdép Lênát (Uỷ viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Tiệp Khắc, Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Xlôvakia), Pête Côlốtca (Uỷ viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Tiệp Khắc, Thủ tướng Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xlôvakia), Uyliam, (Uỷ viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Xlôvakia, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Xlôvakia).
Nội dung hội đàm và tiếp xúc:
Ta thông báo tình hình thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược và các Nghị quyết Trung ương gần đây, đặc biệt là Nghị quyết 8 của Trung ương và các hoạt động của Quốc hội ta. Ta thông báo chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta, về tình hình Đông Nam Á và chủ trương của ba nước Đông Dương nhằm giải quyết vấn đề Campuchia theo hướng thực hiện hòa bình ổn định và hợp tác ở khu vực Đông Nam Á. Ta đã nói cho bạn rõ... chưa thay đổi chính sách thù địch chống Việt Nam và đến nay vẫn bác bỏ đề nghị thiện chí của ta. Ta biểu thị sự ủng hộ những sáng kiến hòa bình của Liên Xô, và cuộc đấu tranh của các nước xã hội chủ nghĩa vì hòa bình và an ninh trên thế giới.
Ta ca ngợi những thành tựu của bạn trong xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa phát triển, cảm ơn sự giúp đỡ chân tình của bạn.
- Bạn thông báo về chính sách đối nội và đối ngoại, nêu bật những thành tựu đã đạt được trong 40 năm qua, nhấn mạnh tình hình Tiệp Khắc, ổn định, bạn đang chuẩn bị tích cực Đại hội Đảng lần thứ 17, quan tâm vấn đề liên kết kinh tế xã hội chủ nghĩa, triển khai phối hợp sản xuất trong khối SEV trên nhiều lĩnh vực.
Về quan hệ hai nước, lãnh đạo bạn đánh giá rất cao quan hệ với ta, cho rằng về các vấn đề quốc tế Tiệp Khắc và Việt Nam có những quan điểm giống nhau hoặc gần nhau, Tiệp Khắc ủng hộ những cố gắng của Việt Nam củng cố khối đoàn kết giữa ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia, ủng hộ sáng kiến của Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao ba nước Đông Dương họp hồi tháng 8 vừa qua.
Tiệp Khắc cải thiện quan hệ với Trung Quốc, nhưng không làm hại đến lợi ích của nước thứ ba. Đồng chí Inđơra nói cần có sự bàn bạc giữa các nước xã hội chủ nghĩa về thái độ đối với Trung Quốc.
Lãnh đạo bạn khẳng định mong muốn và sẵn sàng tăng cường hợp tác và trao đổi ngoại thương với Việt Nam, tiếp tục giúp đỡ Việt Nam đào tạo cán bộ và công nhân kỹ thuật.
Đồng chí G.Huxắc nhiệt liệt chào mừng Đoàn Quốc hội ta sang thăm Tiệp Khắc. Đồng chí đánh giá cao sự hợp tác giữa Tiệp Khắc và Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế… Tiệp Khắc cố gắng hợp tác đạt kết quả tốt góp phần giúp Việt Nam xây dựng chủ nghĩa xã hội. Các đồng chí lãnh đạo và nhân dân Tiệp Khắc rất khâm phục chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nhân dân Việt Nam trong đấu tranh chống đế quốc. Trong thời gian đó, Tiệp Khắc hoàn toàn ủng hộ Việt Nam. Hiện nay, Tiệp Khắc ủng hộ đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam ở Đông Nam Á.
Đồng chí Thủ tướng Xtrugan đã thông báo những nét lớn về phương hướng chiến lược kinh tế của bạn và khẳng định sẽ tiếp tục giúp đỡ ta phát triển và hiện đại hóa các cơ sở sản xuất.
Về các vấn đề quốc tế, bạn hoàn toàn ủng hộ đề nghị mới đây của đồng chí Goócbachốp tại Pari, cho đó là sáng kiến có ý nghĩa rất to lớn, có thể tạo ra bước ngoặt trong tình hình thế giới. Đề nghị đó sẽ tác động vào quá trình chuẩn bị cho cuộc gặp Rigân sắp tới.
b) Đánh giá kết quả: cuộc đi thăm đã đạt kết quả rất tốt, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, góp phần củng cố, phát triển quan hệ, đoàn kết, hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước. Bạn đã biểu thị thái độ coi trọng việc tăng cường quan hệ với ta.
Các cơ quan thông tin, tuyên truyền đưa tin nhanh, trang trọng, đầy đủ và kịp thời về các hoạt động của Đoàn.
2. Hoạt động của Đoàn tại Hunggari (từ ngày 09 đến ngày 13-10-1985)
a) Những hoạt động của Đoàn:
Tuy đang bận họp kỳ đầu tiên Quốc hội khoá mới, bạn đã thu xếp đón Đoàn tốt, mời Đoàn ta dự phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội khoá mới.
Đoàn đại biểu Quốc hội ta đã hội đàm với Đoàn đại biểu Quốc hội do đồng chí Xáclốt Ítvan dẫn đầu.
Ngoài ra còn các hoạt động khác như đặt vòng hoa tại quảng trường; dự chiêu đãi trọng thể của Quốc hội; thăm một số cơ sở kinh tế, văn hóa ở thủ đô và địa phương. Ở những nơi Đoàn đến, Đoàn được đón tiếp nhiệt tình. Đồng chí Lôxônxi Pan, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Hunggari đã tiếp và trao đổi thân mật tình hình với Đoàn.
Trong hội đàm, bạn thông báo một số thành tựu như tăng xuất khẩu để trả nợ, đồng thời cũng nêu một số khó khăn, kế hoạch kinh tế năm nay không thực hiện được vì mùa đông quá lạnh gây nhiều thiệt hại (20 tỷ phôlôrinh). Kế hoạch 5 năm tới phải có thay đổi theo hướng nâng cao chất lượng và hiệu quả, tiết kiệm nguyên nhiên liệu, giảm nợ nước ngoài, điều chỉnh cơ cấu công nông nghiệp, tăng đầu tư cho nông nghiệp và chăn nuôi.
Đời sống một bộ phận nhân dân còn có khó khăn, nhất là 2 triệu người hưu trí và số thanh niên mới vào đời.
Bạn giới thiệu nhiều về cơ chế quản lý điều tiết bằng thị trường, chứ không theo kế hoạch của Nhà nước và cho rằng cuộc cách mạng khoa học - kỹ thuật đang đặt ra những thách thức mới, cần tăng vốn đầu tư cho phát triển khoa học - kỹ thuật, nâng cao chất lượng hàng hóa để tăng khả năng cạnh tranh. Bạn cho rằng điều này rất quan trọng vì Hunggari có một nửa thu nhập do trao đổi với nước ngoài.
Về quốc tế, bạn coi trọng quan hệ các nước trong khối SEV, tăng quan hệ với các nước thế giới thứ ba, tiếp tục quan hệ kinh tế với các nước tư bản chủ nghĩa nhưng không chấp nhận điều kiện chính trị.
Với Trung Quốc, bạn bình thường hoá quan hệ, nhưng vẫn giữ quan điểm trên một số vấn đề hai bên còn khác nhau. Sắp tới có Đoàn Quốc hội do Phó Chủ tịch Quốc hội Hunggari dẫn đầu đi thăm Trung Quốc.
Về quan hệ hai nước, bạn hiểu khó khăn của Việt Nam, mong ta sử dụng kinh nghiệm các nước xã hội chủ nghĩa để ít phải trả giá như một số nước. Hunggari tiếp tục giúp Việt Nam theo khả năng của mình và mong muốn phát triển hơn nữa quan hệ giữa hai nước.
Bạn hoan nghênh việc ta chủ trương xúc tiến đối thoại, giải quyết hòa bình các vấn đề ở khu vực Đông Nam Á.
b) Đánh giá kết quả chuyến đi.
Ta đã tranh thủ thông báo tình hình đối nội và đối ngoại của ta, đặc biệt việc thực hiện Nghị quyết Trung ương lần thứ 8, tạo cơ sở bước đầu cho sự chuyển biến nền kinh tế từ quan liêu bao cấp sang hạch toán kinh tế và kinh doanh xã hội chủ nghĩa. Ta cũng nói cho bạn rõ Trung Quốc chưa thay đổi chính sách thù địch với ta và vẫn bác bỏ mọi đề nghị thiện chí của ta.
Bạn thông cảm khó khăn của ta và hoàn toàn ủng hộ đường lối đối ngoại của Nhà nước ta.
3. Hoạt động của Đoàn tại Cộng hòa Dân chủ Đức (từ ngày 14 đến ngày 21-10-1985).
a) Những hoạt động của Đoàn:
Đoàn đại biểu Quốc hội ta đã đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm những chiến sĩ đã hy sinh và những nạn nhân của chủ nghĩa phátxít và chủ nghĩa quân phiệt.
Quốc hội bạn tổ chức chiêu đãi trọng thể chào mừng Đoàn. Đoàn đại biểu Quốc hội nước ta đã hội đàm với Đoàn đại biểu Quốc hội bạn do đồng chí Êrích Muychkhenbecgơ, Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Quốc hội dẫn đầu.
Giữa lúc Đoàn ta đến thăm Cộng hòa Dân chủ Đức, đồng chí Chủ tịch Quốc hội Xinđơman phải đi thăm Phần Lan nhiều ngày nhưng đã dành 3 buổi tiếp xúc, hội đàm với đoàn; đồng chí Igon Cơren, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, thay mặt đồng chí Êríc Hônếchcơ, Tổng Bí thư Đảng Xã hội chủ nghĩa Thống nhất và Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, đồng chí Vilixtốp, Thủ tướng và đồng chí Êítsơ, Bộ trưởng Ngoại giao đã tiếp Đoàn.
Đoàn đã đi thăm một số cơ sở kinh tế và văn hóa ở thủ đô, tỉnh Phơrangphuốc Ôđơ, tỉnh Pốtxđam.
Trong hội đàm chính thức, cũng như trong các cuộc tiếp xúc từ Trung ương đến địa phương, bạn đều nhấn mạnh không có sự bất đồng giữa hai nước, tình đoàn kết Việt Nam - Cộng hòa Dân chủ Đức đã được thử thách trong đấu tranh, có sức sống mãnh liệt, không ai có thể phá vỡ nổi, và bày tỏ lòng mong muốn phát triển quan hệ nhiều mặt với nước ta; ủng hộ sáng kiến của hội nghị Ngoại trưởng ba nước Đông Dương họp hồi tháng 8 vừa qua; bạn nhấn mạnh không làm hại đến Việt Nam trong quan hệ với Trung Quốc, không ủng hộ bất cứ ai xâm phạm các quyền của Việt Nam. Bạn đánh giá cao quan hệ giữa hai Quốc hội.
Về quốc tế, bạn ủng hộ những sáng kiến hòa bình của Liên Xô, đấu tranh chống đế quốc bảo vệ hòa bình và an ninh ở châu Âu và trên toàn thế giới.
Đồng chí Cơren tiếp thân mật và thông báo một số tình hình cho đoàn ta, tập trung vào tình hình bạn chuẩn bị Đại hội Đảng. Để làm trong sạch đội ngũ Đảng năm nay bạn sẽ đưa ra khỏi Đảng khoảng 6.000 người, tăng cường liên hệ với quần chúng, quan tâm chăm lo nâng cao đời sống của nhân dân. Đồng chí Vili Xtốp dành một buổi thông báo cho ta tình hình kinh tế bạn: những điểm cơ bản trong chiến lược kinh tế của bạn và kết hợp tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội với những thành tựu khoa học - kỹ thuật; bạn coi trọng các ngành mũi nhọn như điện tử, người máy công nghiệp, gắn khoa học với sản xuất, tiết kiệm nguyên nhiên liệu, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả, tăng thu nhập quốc dân lên khoảng 4%. Về công tác Quốc hội và Nhà nước, bạn giới thiệu Luật tổ chức Hội đồng nhân dân các cấp mới được ban hành, theo nguyên tắc tập trung dân chủ, gắn liền đề cao pháp luật với tăng cường dân chủ xã hội chủ nghĩa.
Về đối ngoại, bạn nhất trí với các nước xã hội chủ nghĩa anh em, ủng hộ những sáng kiến hòa bình của Liên Xô. Về quan hệ với Trung Quốc bạn nói cần tranh thủ mọi lực lượng để chống Mỹ chạy đua vũ trang. Với Cộng hòa Liên bang Đức, bạn chủ trương phát triển quan hệ với cả Chính phủ và các phe phái đối lập để chống chiến tranh hạt nhân, chiến tranh hoá học, bảo vệ hòa bình và an ninh ở châu Âu và trên thế giới.
Đoàn ta thông báo về chính sách đối nội và đối ngoại của Nhà nước ta, nêu lên những chuyển biến bước đầu trong quản lý kinh tế từ sau Nghị quyết Trung ương lần thứ 8, nhấn mạnh những sáng kiến hòa bình mới đây nhằm biến Đông Nam Á thành khu vực hòa bình, ổn định và hợp tác.
b) Kết quả chuyến đi thăm:
Bạn đón tiếp Đoàn rất nhiệt tình, trọng thị và chu đáo, bố trí chương trình phong phú, tổ chức tiếp xúc rộng rãi ở Trung ương và địa phương.
Bạn hiểu rõ và thông cảm với những khó khăn của ta, khẳng định sự đoàn kết và ủng hộ đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta.
Đánh giá chung
Cuộc đi thăm hữu nghị chính thức ba nước của Đoàn đã thu được kết quả tốt đẹp.
Bạn hiểu rõ thêm, thông cảm hơn và hoàn toàn ủng hộ đường lối đối nội và đối ngoại của Nhà nước ta, tỏ lòng sẵn sàng tăng cường quan hệ về các mặt với ta, nhất là khả năng hợp tác kinh tế, mong muốn Việt Nam xây dựng kinh tế nhanh hơn.
Bạn hoàn toàn ủng hộ những sáng kiến của Việt Nam, của ba nước Đông Dương nhằm đẩy mạnh xu thế đối thoại giải quyết hòa bình các vấn đề ở khu vực Đông Nam Á. Ta cũng làm cho bạn hiểu rõ là … chưa thay đổi chính sách thù địch với ta.
Ở ba nước bạn đều khẳng định, trong khi bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc, bạn không làm hại đến lợi ích của nước thứ ba.
Về vấn đề lớn của thời đại là chiến tranh và hòa bình, các nước đều chung quan điểm với ta về đánh giá tình hình cực kỳ nguy hiểm hiện nay do những hành động quân phiệt chạy đua chiến tranh hạt nhân của đế quốc Mỹ gây ra; ủng hộ hoàn toàn những sáng kiến hòa bình của Liên Xô, đặc biệt những đề nghị mới đây của đồng chí Goócbachốp. Các bạn cũng cảm ơn ta ủng hộ những cố gắng mới của Cộng hòa Dân chủ Đức và Tiệp Khắc nhằm thành lập một khu vực không có vũ khí hoá học ở Trung Âu.
Quốc hội ba nước đã đón tiếp Đoàn rất trọng thị, nhiệt tình. Các phương tiện tuyên truyền đại chúng đều đưa tin kịp thời, rộng khắp về hoạt động của Đoàn.
Kết quả cuộc đi thăm của Đoàn đại biểu Quốc hội nước ta tại Tiệp Khắc, Hunggari và Cộng hòa Dân chủ Đức đã đánh dấu một bước mới trong quan hệ nhiều mặt giữa nước ta và ba nước nói trên.
Ta và bạn đều hài lòng về kết quả tốt đẹp của cuộc đi thăm.