VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP VI(QUYỂN 2) 1984 - 1987

 

BÁO CÁO
VỀ CUỘC THĂM HỮU NGHỊ CHÍNH THỨC ANBANI, CUBA, MÊHICÔ, NICARAGOA VÀ LIÊN XÔ
CỦA ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VIỆT NAM
*

Nhận lời mời của Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa Nhân dân Xã hội Chủ nghĩa Anbani Pali Miska, Chủ tịch Quốc hội của chính quyền nhân dân nước Cộng hòa Cuba Phlaviô Bravô Parđô, Chủ tịch Thượng viện kiêm Chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Liên bang Mêhicô Antôniô Riva Palaxiô Lôpết và Chủ tịch Hạ viện Humbéctô Lugô Gin, Chủ tịch Quốc hội Nicaragoa Cáclốt Nunét Tenlét và Xô viết tối cao Liên Xô, Đoàn đại biểu Quốc hội nước ta đã đi thăm hữu nghị chính thức Anbani, Cuba, Mêhicô, Nicaragoa và Liên Xô.

Đoàn gồm có:

Trưởng đoàn

1. Đồng chí Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Quốc hội.

Đoàn viên:

2. Đồng chí Xuân Thuỷ, Phó Chủ tịch Quốc hội.

3. Đồng chí Hoàng Trường Minh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội;

4. Đồng chí Nguyễn Thị Yến, Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng, Uỷ viên Uỷ ban kinh tế, kế hoạch và ngân sách của Quốc hội;

5. Đồng Chí Vù Mý Kẻ, Uỷ viên Uỷ ban kinh tế, kế hoạch và ngân sách của Quốc hội, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Tuyên;

6. Đồng chí Lê Trang, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước.

1. Hoạt động của Đoàn tại Anbani (từ ngày 21 đến ngày 28-3-1985)

a)  Những hoạt động của Đoàn: Đoàn đã đặt vòng hoa tại nghĩa trang liệt sĩ, dự chiêu đãi trọng thể chào mừng Đoàn do Ban Thường vụ Quốc hội tổ chức tại cung “Các lữ đoàn”, hội đàm với Đoàn Quốc hội Anbani do Chủ tịch Quốc hội Pali Mixca dẫn đầu, thăm nhiều cơ sở kinh tế và văn hóa ở Tirana và các tỉnh Phiéc, Bêrát, Vlôra, Krugie và Đucrét.

Đồng chí Ramít Alia, Uỷ viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Quốc hội Anbani và đồng chí Ađin Cácani Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Uỷ viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Anbani tiếp đoàn các buổi khác nhau. Chủ tịch Ramít Alia chuyển lời chào mừng của đồng chí Ăngve Hốtgia tới Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ và các đồng chí trong Đoàn (vì đồng chí Ăngve Hốtgia không có điều kiện tiếp Đoàn). Sau buổi tiếp, Chủ tịch Ramit Alia mời cơm thân mật Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ và các đoàn viên trong đoàn; tham dự có 6 Uỷ viên Bộ Chính trị, trong đó có Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Quốc hội và Bộ trưởng Ngoại giao.

Nội dung hội đàm và tiếp xúc:

- Ta thông báo tình hình thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược và các Nghị quyết Trung ương gần đây.

Vạch rõ âm mưu của bọn bành trướng bá quyền câu kết với đế quốc Mỹ và phản động chống Việt Nam và Đông Dương, thông báo chính sách của ta đối với Trung Quốc và các nước trong khu vực nhằm giải quyết vấn đề Campuchia và đấu tranh cho hòa bình ổn định và hợp tác trong khu vực Đông Nam Á.

Ca ngợi truyền thống bất khuất chống ngoại xâm, những thành tựu của bạn trong xây dựng chủ nghĩa xã hội, cảm ơn sự giúp đỡ của bạn, bày tỏ vui mừng trước sự phát triển tốt đẹp của quan hệ hai nước và mời Đoàn Quốc hội bạn do Chủ tịch Quốc hội dẫn đầu sang thăm Việt Nam.

- Bạn thông báo những thành tựu đạt được 40 năm qua, nhất là trong lĩnh vực kinh tế và vấn đề giải quyết đời sống trong hoàn cảnh khó khăn, nhấn mạnh tự lực cánh sinh.

- Về quốc tế, bạn phê phán Mỹ và Liên Xô chạy đua vũ trang, giành giật khu vực ảnh hưởng, gây tình hình quốc tế căng thẳng, khẳng định sẽ không có quan hệ gì với hai nước này, coi trọng việc cải thiện quan hệ nhất là về kinh tế với các nước láng giềng, lên án chính sách của Nam Tư ngược đãi người Anbani sống ở Kôsôvô. Về Đông Nam Á bạn lên án chính sách bành trướng... và đế quốc.

Về quan hệ hai nước, bạn đánh giá cao tình hữu nghị chiến đấu với Việt Nam, mong muốn phát triển hơn nữa quan hệ hữu nghị và hợp tác với ta trên lĩnh vực kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật… hết lời ca ngợi chiến thắng chống Mỹ của ta, khẳng định tiếp tục ủng hộ ta chống... xâm lược, ủng hộ đoàn kết ba nước Đông Dương, đánh giá cao sự có mặt của Đoàn ta tại Anbani, cảm ơn việc ta mời đoàn bạn sang thăm Việt Nam.

b) Đánh giá kết quả chuyến đi: Chuyến đi thăm đạt kết quả tốt, vượt yêu cầu của ta đề ra. Hai bên hiểu nhau hơn: bạn hiểu rõ hơn âm mưu của... và chính sách của ta đối với Trung Quốc, ASEAN và triển vọng giải quyết vấn đề Campuchia. Ta hiểu thêm quá khứ anh dũng của bạn, tình hình hiện nay của bạn, nhất là những cố gắng và thành tựu to lớn của bạn trong xây dựng chủ nghĩa xã hội, tự túc lương thực, điện khí hoá gần khắp nông thôn, tự sản xuất phần lớn hàng tiêu dùng, đời sống nhân dân ổn định, xuất khẩu một số mặt hàng. Bạn nhấn mạnh mong muốn phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác hơn nữa với ta.

Là nạn nhân của..., nên bạn ủng hộ ta chống bành trướng..., còn đối với Liên Xô thái độ Anbani chưa có gì thay đổi, song nói về Liên Xô có mức độ, có thể là vì không muốn làm phật lòng ta. Bạn đón tiếp ta trọng thị và nhiệt tình cao, từ Trung ương đến địa phương. Chủ tịch Quốc hội, Thư ký Đoàn Chủ tịch Quốc hội và Thứ trưởng Ngoại giao đi với Đoàn trong tất cả các hoạt động. Các cơ quan thông tin, tuyên truyền đưa tin trang trọng, đầy đủ và kịp thời.

Cuộc đi thăm góp phần củng cố, phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước.

2. Hoạt động của Đoàn tại Cuba (từ ngày 01 đến ngày 07-4-1985).

Trong thời gian ở thăm Cuba, Đoàn đại biểu Quốc hội ta đã đặt vòng hoa viếng Hôxê Mácti, người anh hùng dân tộc của Cuba.

Đoàn đại biểu Quốc hội ta đã hội đàm với Đoàn đại biểu Quốc hội của chính quyền nhân dân nước Cộng hòa Cuba. Hai bên đã thông báo cho nhau về tình hình xây dựng và bảo vệ đất nước ở hai nước, về quan hệ Nhà nước và Quốc hội hai nước, về những vấn đề quốc tế mà hai bên cùng quan tâm.

Hai bên hoàn toàn nhất trí về những vấn đề đã nêu trong hội đàm và mong muốn phát triển hơn nữa mối quan hệ sẵn có giữa hai Quốc hội, nhằm góp phần tăng cường tình đoàn kết chiến đấu, tình hữu nghị và sự hợp tác anh em giữa hai nước.

Đồng chí Phiđen Caxtơrô, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng đã tiếp và nói chuyện thân mật với Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ và đồng chí Xuân Thuỷ (thông báo một số ý kiến của đồng chí Phiđen).

Đoàn đã có cuộc gặp gỡ thân mật với đồng chí Giêgiút Môntanê, Uỷ viên dự khuyết Bộ Chính trị, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Cuba.

Qua các cuộc tiếp xúc, trao đổi ý kiến với các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước Cuba, các đồng chí đều hoàn toàn ủng hộ đường lối và hoạt động đối ngoại của Nhà nước ta, đồng thời khẳng định chính sách của ta đối với Trung Quốc, ASEAN là đúng đắn, khôn khéo và có thiện chí. Về quốc tế, các đồng chí Cuba tập trung nói về chủ trương xoá nợ nước ngoài và thiết lập trật tự kinh tế công bằng do đồng chí Phiđen nêu ra, nhằm tập hợp lực lượng Mỹ Latinh và các nước đang phát triển, chĩa mũi nhọn vào Mỹ. Thị trưởng thành phố La Habana tiếp Đoàn và làm lễ trao tượng trưng chìa khoá của Thủ đô cho Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ.

Đoàn đã thăm một số cơ sở kinh tế, văn hóa ở Thủ đô La Habana như nông trường Picađura, khu nhà ở Alamar, bệnh viện đa khoa, v.v..

Bạn đã bố trí cho Đoàn thăm tỉnh Xantiagô đề Cuba. Tại đây, Đoàn thăm trang trại Sibônêy, trại lính Môncađa (nay là trường học), nhà máy đường, nhà bảo tàng Phran Paít và mộ Hôxê Mácti.

Nhân dịp này bạn đã quyết định tặng Huân chương Đoàn kết cho Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ.

Nhận xét:

Ở những nơi đến thăm, Đoàn được đón tiếp rất nồng nhiệt, trọng thị và đầy tình nghĩa anh em. Bạn đã tạo điều kiện dễ dàng cho ta thực hiện tốt chuyến thăm Mêhicô và Nicaragoa. Bạn hoàn toàn nhất trí với đường lối đối ngoại của ta, đánh giá cao sự ủng hộ của ta đối với cách mạng ở Mỹ Latinh.

3.  Hoạt động của Đoàn tại Mêhicô (từ ngày 8 đến ngày 13-4-1985)

Quốc hội Mêhicô đã dành cho Đoàn một chương trình khá phong phú:

Đoàn đã đặt vòng hoa tại Đài kỷ niệm các thiếu nhi anh hùng.

Bộ trưởng Nội vụ, Thị trưởng Uỷ ban hành chính Thủ đô Mêhicô và Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao Mêhicô tiếp và nói chuyện với Đoàn.

Tại Lâu đài Quốc hội Xan Ladarô, Chủ tịch Thượng viện và Chủ tịch Hạ viện Mêhicô đón và chào Đoàn.

Uỷ ban thường vụ Quốc hội cùng nhiều nghị sĩ thuộc các đảng phái khác nhau trong Quốc hội Mêhicô đã tham gia hội đàm và dự các cuộc chiêu đãi.

Qua tiếp xúc và hội đàm, bạn giới thiệu thể chế Quốc hội Mêhicô, làm nổi các vấn đề dân chủ, tự do và đa dạng hoá tư tưởng trong Quốc hội. Về đối ngoại, bạn nhấn mạnh chính sách truyền thống độc lập, tôn trọng quyền tự quyết, không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác và chủ trương giải quyết tranh chấp quốc tế bằng thương lượng.

Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ đã trình bày về tình hình Việt Nam, vấn đề Campuchia, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc và lập trường thiện chí của ta.

Đoàn ta sang thăm Mêhicô đúng vào dịp sắp kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, nên bạn thường bày tỏ cảm tình đối với nhân dân ta, mong muốn phát triển quan hệ hữu nghị giữa hai nước.

Điều đáng chú ý là bạn đón Đoàn ta trong bối cảnh tình hình Trung Mỹ căng thẳng, Mỹ đang tìm cách gây sức ép nhằm cô lập Mêhicô với nhóm Côntađôra, và trong lúc bạn Mêhicô đang triển khai chiến dịch tranh cử Hạ viện, nên bạn tránh nói công khai những vấn đề gây cấn cho nội bộ cũng như đối với Mỹ và Trung Quốc.

Bạn tổ chức cho Đoàn ta đi thăm bang Puêbla. Thống đốc bang, Chủ tịch Viện dân biểu và các nghị sĩ đón tiếp Đoàn trọng thị.

Đoàn còn tham quan Kim tự tháp Têôtihuacan và Viện bảo tàng nhân chủng học.

Một Đoàn đại biểu của Uỷ ban Mêhicô đoàn kết với Việt Nam gồm đại diện của nhiều tầng lớp nhân dân do bà Mácta, Chủ tịch Uỷ ban dẫn đầu, đã đến thăm Đoàn. Kể lại những hoạt động ủng hộ Việt Nam trong lúc kháng chiến chống Mỹ, bày tỏ cảm tình sâu sắc đối với nhân dân Việt Nam.

Nhận xét:

Bạn đón tiếp Đoàn ta trọng thị và hữu nghị, bày tỏ tình cảm đối với nhân dân ta, nhưng tránh không đề cập đến một số vấn đề tế nhị (như vấn đề Campuchia, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc) Mêhicô đang bị sức ép và đe doạ của Mỹ cả về kinh tế, quân sự, có lẽ vì thế, nên Tổng thống đã tránh không tiếp Đoàn.

4.  Hoạt động của Đoàn tại Nicaragoa (từ ngày 14 đến ngày 18-4-1985)

Tuy ở thăm ngắn ngày, nhưng Quốc hội Nicaragoa đã dành cho Đoàn một chương trình rất phong phú và đặc biệt.

Ngay hôm đến, Chủ tịch nước Đanien Oóctêga đã đến thăm Đoàn và thông báo một số tình hình Nicaragoa. Chủ tịch Đanien còn đến nói chuyện và dự cơm thân mật với Đoàn trước khi Đoàn rời Nicaragoa.

Đoàn đã đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm lãnh tụ cách mạng nhân dân Xanđinô, Tư lệnh Cáclốt Phônxêca.

Tại trụ sở Quốc hội, Đoàn đã hội đàm với đoàn đại biểu Quốc hội Nicaragoa. Phía Nicaragoa đề cập đến những khó khăn nghiêm trọng về kinh tế, thuận lợi cơ bản về chính trị nội bộ sau bầu cử Quốc hội và tiến bộ nhanh về quân sự. Về đối ngoại, bạn đang tích cực đối phó với sức ép của Mỹ, tiếp tục tranh thủ nhóm Côntađôra và dư luận quốc tế rộng rãi, nhằm bác bỏ “đề nghị hòa bình (mang tính chất tối hậu thư) của Rigân, đòi Mỹ nối lại đối thoại với Nicaragoa”.

Phía ta đã thông báo tình hình xây dựng và bảo vệ đất nước, đồng thời ủng hộ mạnh mẽ Nicaragoa. Đặc biệt, Đoàn được mời tham dự phiên họp thường kỳ thứ 4 của Quốc hội Nicaragoa và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Hữu Thọ đọc diễn văn chào mừng và bày tỏ sự ủng hộ hoàn toàn đối với chính sách đối ngoại của Nicaragoa, đặc biệt là đối với hành động can thiệp và đe doạ của Mỹ. Đoàn đã gặp gỡ, tiếp xúc với nhóm nghị sĩ thuộc các đảng phái khác nhau; nói chung, họ đều ca ngợi cuộc chiến đấu chống Mỹ của nhân dân ta và tỏ ra trọng thị và hữu nghị đối với Đoàn ta.

Tư lệnh cách mạng Vêelốc, Uỷ viên Ban lãnh đạo FSLN[1] Bộ trưởng nông nghiệp đã đưa Đoàn đi thăm một cơ sở chăn nuôi.

Ngoại trưởng Nicaragoa có buổi làm việc riêng với đồng chí Xuân Thuỷ để trao đổi kinh nghiệm về đàm phán với Mỹ.

Bạn đã bố trí cho Đoàn đi thăm núi lửa và thành phố Masaya, nghe giới thiệu tình hình quân sự ở Nicaragoa, thăm thương binh tại bệnh viện quân sự và thăm nhà máy sản xuất bông băng vệ sinh y tế Prôsan.

Nhận xét:

Bạn đón Đoàn ta trong bối cảnh tình hình đối nội, đối ngoại rất khẩn trương. Do coi trọng việc tăng cường đoàn kết, chiến đấu và quan hệ giữa hai nước, bạn đón Đoàn ta đặc biệt thân tình và trọng thị. Ngoài việc góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị giữa hai nước, ta hiểu thêm được tình hình Nicaragoa và Trung Mỹ, đồng thời bày tỏ sự ủng hộ đúng vào lúc bạn có yêu cầu.

Đánh giá chung ở ba nước Mỹ Latinh.

Lần đầu tiên đi thăm ba nước thuộc khu vực Mỹ Latinh, Đoàn đại biểu Quốc hội ta đã đạt những yêu cầu đề ra ở mức cao:

1. Chuyến đi thăm này đã góp phần tăng cường thêm một bước quan hệ hữu nghị với Quốc hội, nhân dân các nước trên. Tất cả đều tỏ ý mong muốn phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác với Quốc hội và nhân dân Việt Nam.

2. Ở cả ba nước, Đoàn ta đã thông báo, giới thiệu được một số nét cơ bản về tình hình xây dựng và bảo vệ đất nước của ta, làm cho bạn hiểu rõ hơn đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta, đồng thời thấy được những chuyển biến mới và triển vọng của tình hình ở Đông Dương và Đông Nam Á.

3. Các nước Đoàn đến thăm đã bố trí một chương trình phong phú và bổ ích, thể hiện nhiệt tình, hữu nghị, trọng thị và lòng mến khách cao, bày tỏ cảm tình (tuy mức độ khác nhau) đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta, thông cảm cuộc đấu tranh hiện nay của ta chống bành trướng bá quyền... Đoàn đã có nhiều cuộc hội đàm, tiếp xúc ở thủ đô cũng như ở địa phương ở cấp cao nhất và với nhiều nhân vật quan trọng. Đặc biệt ở Cuba và Nicaragoa, đồng chí Phiđen Cáxtơrô và đồng chí Đanien Oóctêga cũng như một số đồng chí lãnh đạo khác, đều bày tỏ tình cảm rất sâu sắc, hoàn toàn tin cậy lẫn nhau, đánh giá cao cuộc thăm hữu nghị của Đoàn. Lãnh đạo của Cuba và Nicaragoa đánh giá cao việc ta làm nghĩa vụ quốc tế, đáp ứng yêu cầu của bạn và một số nước Mỹ Latinh khác.

Ở cả ba nước, báo chí và đài đều đưa tin trang trọng và liên tục.

5. Hoạt động của Đoàn tại Liên Xô (từ ngày 22 đến ngày 28-4-1985).

a) Về những hoạt động chính của Đoàn:

Đoàn đã đến viếng V.I. Lênin và mộ chiến sĩ vô danh tại Quảng trường Đỏ, thăm nơi ở và làm việc của Người ở điện Cremli và làng Goócki.

Đoàn đã được đồng chí V.V.Cudơnhétxốp, Uỷ viên dự khuyết Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, Phó Chủ tịch thứ nhất Đoàn Chủ tịch Xô viết tối cao Liên Xô tiếp.

Hai Chủ tịch Viện Liên bang và Dân tộc Xô viết tối cao Liên Xô chủ trì đón, tiếp, hội đàm và chiêu đãi Đoàn.

Đoàn đã đi thăm nước Cộng hòa Lítva[2], đã hội đàm với Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Xô viết tối cao Lítva và Chủ tịch Xô viết tối cao Lítva. Đoàn Chủ tịch Xô viết tối cao Lítva chiêu đãi Đoàn.

b) Về nội dung hội đàm và tiếp xúc:

Đồng chí V.VCudơnhépxốp thông báo:

- Về quyết định triệu tập Đại hội Đảng Cộng sản Liên Xô lần thứ 27 của Hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô vừa họp, coi đây là Đại hội lịch sử sẽ đánh giá thành tích và thiếu sót từ Đại hội 26 đến nay và đề ra những biện pháp khắc phục để thúc đẩy nhanh công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội phát triển và chủ nghĩa cộng sản.

- Về quan hệ Xô-Mỹ, Xô - Trung và Đông Nam Á:

+ Đàm phán Xô - Mỹ về vũ khí hạt nhân và vũ trụ đã kết thúc vòng đầu, nhưng chưa thấy có triển vọng tiến bộ vì Mỹ chưa thay đổi lập trường, chưa tỏ ra kiềm chế chạy đua vũ trang trên mặt đất và trong vũ trụ. Song, Liên Xô vẫn tiếp tục cố gắng để đưa đàm phán đến kết quả. Vòng đàm phán tới sẽ tiếp tục vào tháng 5-1985.

+ Về đàm phán (vòng 6) Xô - Trung không có gì mới. Trung Quốc tiếp tục đòi những điều kiện tiên quyết mới cải thiện quan hệ chính trị. Liên Xô chủ trương tiếp tục quan hệ với Trung Quốc không làm hại đến lợi ích của nước thứ ba, nhất là Việt Nam; bạn kiên quyết củng cố quan hệ với Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, điều này tác động đến tình hình khu vực và thế giới. Liên Xô ủng hộ những sáng kiến của ba nước Đông Dương nhằm bình thường hoá tình hình và đóng góp vào sự ổn định ở Đông Nam Á và thế giới.

Đồng chí Nguyễn Hữu Thọ bày tỏ sự ủng hộ đường lối đối ngoại hòa bình, chống chạy đua vũ trang của Liên Xô, hoan nghênh những thắng lợi đạt được trong xây dựng đất nước và cảm ơn Liên Xô ủng hộ và giúp đỡ nhân dân ta.

Theo đề nghị của đồng chí V.V.Cudơnhétxốp, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ đã thông báo kết quả chuyến đi thăm 4 nước (Anbani, Cuba, Mêhicô và Nicaragoa) của Đoàn Quốc hội ta, nêu một số vấn đề đáng chú ý về chủ trương đối ngoại của các nước này và một số tình hình liên quan đến Liên Xô.

Trong hội đàm với lãnh đạo hai Viện:

- Bạn chủ yếu giới thiệu cơ cấu, chức năng nhiệm vụ và hoạt động của Xô viết tối cao Liên Xô.

- Nói qua về đàm phán Xô - Mỹ còn khó khăn, phê phán Oashingtơn dùng đàm phán để che giấu việc triển khai vũ khí hạt nhân mới.

- Về Đông Nam Á và Việt Nam:

+ Đánh giá Việt Nam là nhân tố quan trọng củng cố vị trí của chủ nghĩa xã hội ở Đông Nam Á và tình hữu nghị Xô - Việt không những giúp cho công cuộc xây dựng đất nước Việt Nam, mà còn giúp chủ nghĩa xã hội phát triển ở Đông Dương.

+ Nguyên nhân tiếp tục làm tình hình căng thẳng ở khu vực Đông Nam Á là do các thế lực đế quốc và bá quyền âm mưu giành ưu thế về quân sự đối với chủ nghĩa xã hội và lập mặt trận thứ hai ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tìm cách gây chia rẽ và đối đầu giữa các nước ở Đông Nam Á, đưa ra cái gọi là “vấn đề Campuchia”, bịa đặt ra cái gọi là “mối đe doạ của Việt Nam và Liên Xô”.

+ Đánh giá cao những cố gắng của ba nước Đông Dương nhằm bình thường hoá quan hệ với các nước ASEAN để lập khu vực hòa bình và ổn định ở đây và đánh giá cao những cố gắng của Việt Nam chống lại những hành động khiêu khích; ủng hộ những cố gắng của Việt Nam nhằm bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc, điều này làm lành mạnh tình hình ở Đông Nam Á.

+ Nhấn mạnh vai trò quan trọng của Việt Nam trong phong trào không liên kết, phong trào này là sức mạnh to lớn trong đấu tranh giành độc lập kinh tế chống lại sức ép của đế quốc.

c) Về tuyên truyền đối với Đoàn:

- Đưa tin nhiều và liên tục về những hoạt động chính của Đoàn.

- Các cơ quan thông tin tuyên truyền: TASS, Rađiô[3], truyền hình toàn Liên Xô và Lítva và Xưởng phim thời sự đã có các cuộc phỏng vấn Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ về cảm tưởng đi thăm Liên Xô và kỷ niệm 10 năm giải phóng miền Nam.

d) Nhận xét:

Trong gặp gỡ và hội đàm, bạn tập trung nói về đấu tranh cho hòa bình hoà dịu, giải trừ quân bị, phê phán Mỹ, tránh phê phán Trung Quốc, chủ yếu đề cập tình hữu nghị giữa hai nước Liên Xô - Việt Nam.

Lúc đầu thống nhất với ta định ra thông cáo báo chí (đã đưa dự thảo về phía bạn cho Đoàn), nhưng sau rút lại. Cuối cùng, hai bên thoả thuận đưa tin tổng hợp.

Bạn đón tiếp Đoàn trọng thị, thân mật. Chuyến đi thăm của Đoàn đạt yêu cầu đề ra là tranh thủ tình cảm và tăng cường tình hữu nghị và đoàn kết của nhân dân Liên Xô đối với nhân dân Việt Nam.

 

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI

NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Trưởng đoàn

NGUYỄN HỮU THỌ


 

* Báo cáo này được gửi tới các đại biểu Quốc hội, không trình bày trước Quốc hội (BT).

[1]. FSLS: tên viết tắt của Mặt trận Dân tộc giải phóng Xanđinô - Tổ chức chính trị cánh tả tiến bộ đã lãnh đạo nhân dân Nicaragoa lật đổ chính quyền độc tài Xamôda thân phương Tây trong những năm 80 thế kỷ XX lúc đó đang là chính đảng cẩm quyền tại Nicaragoa. (BT).

[2]. Trước đây là một nước trong thành phần Liên Xô cũ; sau khi Liên Xô tan rã đã thành một quốc gia độc lập tại vùng Bantích (BT).

[3]. Tức là Đài phát thanh (BT).

 

Toàn văn Văn kiện
Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội