VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP VI(QUYỂN 2) 1984 - 1987

 

THUYẾT TRÌNH
CỦA UỶ BAN Y TẾ, XÃ HỘI VỀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ CẤP THIẾT
TRONG SỰ NGHIỆP BẢO VỆ SỨC KHỎE NHÂN DÂN VÀ KẾ HOẠCH HÓA PHÁT TRIỂN DÂN SỐ

(Do ông Dương Quốc Chính, Chủ nhiệm Uỷ ban y tế, xã hội của Quốc hội
trình bày tại kỳ họp thứ 12, Quốc hội khóa VII, ngày 26-12-1986)

Kính thưa Quốc hội,

Trong 6 năm qua của nhiệm kỳ Quốc hội khóa VII, với chức năng là một Uỷ ban thường trực của Quốc hội, Uỷ ban y tế, xã hội đã đi sâu nghiên cứu, tìm hiểu, xem xét nhiều vấn đề thuộc các lĩnh vực y tế, xã hội, thể dục thể thao, giúp Quốc hội, Hội đồng Nhà nước thực hiện quyền lập pháp và quyền giám sát. Trong suốt quá trình đó, Uỷ ban chúng tôi đã hiểu thêm nhiều và nhận thức ngày càng sâu sắc một số vấn đề cấp thiết cần được quan tâm giải quyết trong các lĩnh vực công tác nói trên và đã có nhiều báo cáo trình Quốc hội, Hội đồng Nhà nước. Tại kỳ họp này, Uỷ ban chúng tôi xin báo cáo với Quốc hội một số ý kiến liên quan tới sự nghiệp bảo vệ sức khỏe nhân dân và quốc sách kế hoạch hóa phát triển dân số.

I- VỀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ CẤP THIẾT
CỦA SỰ NGHIỆP BẢO VỆ SỨC KHỎE NHÂN DÂN

1. Trong kế hoạch nhà nước 5 năm 1981-1986, ngành Y tế đã có nhiều cố gắng để xây dựng một hệ thống tổ chức y tế hoàn chỉnh gồm 4 tuyến từ xã, huyện, tỉnh đến Trung ương. Hệ thống tổ chức sản xuất y cụ, sản xuất dược cũng phát triển, việc nuôi trồng dược liệu đã bắt đầu được chú ý tới. Công tác đào tạo cán bộ đã cung cấp cho ngành một đội ngũ thầy thuốc vững vàng về chuyên môn, vận dụng được phương châm kết hợp y học dân tộc cổ truyền với y học hiện đại, giải quyết được nhiều vấn đề bệnh tật, chiến thương, do khí hậu nhiệt đới nóng ẩm sinh ra, do chiến tranh để lại, và còn có những đóng góp vào sự nghiệp y tế thế giới. Mạng lưới y tế của chúng ta đã có thành tích không nhỏ trong việc bảo vệ sức khỏe nhân dân, phòng chống dịch bệnh.

2. Song sự nghiệp y tế đang gặp những khó khăn lớn trên con đường phát triển trong điều kiện khó khăn chung của nền kinh tế nước nhà:

a) Về cơ sở vật chất - kỹ thuật y tế: các cơ sở vật chất đã có từ trước đều xuống cấp, hư hỏng, có nơi dột nát, v.v. song không được cấp đủ kinh phí để tu sửa, xây lại. Trong khi đó với số vốn đầu tư để xây mới, nhiều nơi lại chạy theo xu hướng phô trương, hình thức hoặc máy móc rập khuôn cố làm theo quy mô do bộ thiết kế mẫu, không tính đến khả năng kinh phí có hạn, vật tư khan hiếm, lại huy động ồ ạt, hoặc sử dụng không hợp lý sức dân nên gây ra lãng phí, công việc xây dựng kéo dài, không bảo đảm chất lượng, chưa nghiệm thu đã bắt đầu xuống cấp, làm dở dang, chậm đưa vào sử dụng, v.v..

Việc phân bố các cơ sở chữa bệnh chưa hợp lý, có nơi đã có bệnh viện nhiều giường với trang bị tương đối hiện đại với đầy đủ đội ngũ cán bộ các chuyên khoa, chưa tận dụng hết công suất lại xây dựng thêm cách đó không xa một bệnh viện mới[1].

Các cơ sở sản xuất dược cũng còn nhỏ hẹp, nhiều nơi còn phân tán ra nhiều địa điểm không thuận tiện cho sản xuất và quản lý sản xuất, thiếu điều kiện hoạt động của một cơ sở sản xuất thuốc chữa bệnh, nhất là về mặt vệ sinh.

b) Về trang thiết bị: nhiều nơi làm xong được cơ sở vật chất thì hết kinh phí để trang bị, thiết bị bên trong, phục vụ công tác khám và chữa bệnh[2]. Số thiết bị đã có thì thiếu điều kiện bảo quản (điện, nước, hóa chất) thiếu phụ tùng thay thế, đã không đồng bộ càng mất đồng bộ, không phát huy được tác dụng (phần lớn thiết bị là hàng viện trợ, hàng nhập của nhiều nước trên thế giới).

Một số dụng cụ đơn giản nhưng rất thiết yếu cho công tác khám và điều trị như bơm tiêm, kim tiêm, cồn, bông băng, chỉ khâu vết mổ, nhiệt kế, máy đo huyết áp nhiều lúc cũng thiếu không chỉ ở các cơ sở y tế tuyến dưới mà ở ngay cả các cơ sở chữa bệnh tuyến 4.

Giường chiếu, chăn màn, chén đũa, bô chậu phục vụ sinh hoạt của bệnh nhân, cũ hỏng không được trang bị và bổ sung mới, làm cho nhiều bệnh viện hầu như không có hoặc rất thiếu.

c) Về kinh phí giường bệnh, với ngân sách cấp cho y tế như hiện nay và dù có thể tăng hơn chút ít nếu cân đối ngân sách cho phép, thì kinh phí giường bệnh có tăng cũng chỉ đủ dùng trong ba tháng (nếu thật dè xẻn thì cũng chỉ được 5-6 tháng/năm). Trong lúc đó, do giá cả biến động xấu, phần chi có tính chất lương để bù đắp cho trượt giá càng tăng. Quỹ lương của cán bộ công nhân viên y tế lại không được tách ra khỏi kinh phí giường bệnh, nên bình quân tiền thuốc còn lại cho một giường bệnh rất ít, chỉ đủ mua một vài loại thuốc thông thường, thuốc bồi dưỡng, sinh tố.

Do thiếu thuốc, thiếu phương tiện, bệnh nhân được dồn lên tuyến trên (có thể giải quyết được ở tuyến dưới) làm cho các bệnh viện này quá tải, mặt khác, không phát huy được hiệu quả của các cơ sở tuyến dưới. Đối với mỗi người bệnh, nhất là các bệnh nhân nặng chuyển lên các bệnh viện tuyến 4, tuyến Trung ương phải chi phí rất lớn, song tại các cơ sở này, cơ số thuốc cũng rất ít, kinh phí mua thuốc cũng không đủ so với yêu cầu (như đã trình bày ở trên), thiếu gay gắt các loại thuốc đặc hiệu, máu, huyết thanh cao cấp, chỉ khâu các vết mổ. Nhiều trường hợp bệnh nhân, gia đình bệnh nhân phải mua ngoài với bất kỳ giá nào như: 20.000 - 25.000đ/1 liều thuốc chữa ung thư; 100đ/1 viên Ripamicino chữa lao (mỗi liều 4 viên/ngày x 6 đến 8 tháng), v.v.. Do đó, thị trường tự do về thuốc vẫn còn tồn tại.

Trong tình hình thiếu thốn cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc, các điều kiện hoạt động khác, cũng như nhiều hiện tượng tiêu cực đã xảy ra ở các cơ sở khám, chữa bệnh, nhiều nơi cán bộ và nhân dân đã đề nghị cần thể chế hóa phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” bằng việc quy định thu một phần tiền chi phí cho việc chữa bệnh để góp phần bảo đảm các điều kiện chăm sóc sức khỏe của nhân dân, của mọi người lao động, một cách chu đáo hơn, trong tình hình kinh tế của đất nước ta đang mất cân đối gay gắt, phù hợp với thực tiễn bước đi ban đầu của thời kỳ quá độ xây dựng chủ nghĩa xã hội.

d) Thuốc chữa bệnh thiếu nghiêm trọng, nhất là kháng sinh, máu, thuốc đặc hiệu.

Tuy các địa phương đều có dành ngoại tệ để nhập nguyên liệu, hóa dược, có phát triển những liên hiệp xí nghiệp dược, những cơ sở sản xuất dược phẩm từ dược liệu trong nước, song vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu thuốc chữa bệnh trong nhân dân. Một bộ phận người tiêu dùng còn thích thuốc ngoại, song công tác tuyên truyền giới thiệu thuốc sản xuất trong nước của ta cũng làm chưa tốt, đã vậy hình thức trình bày, bao bì đóng gói không hấp dẫn, không gây được lòng tin ở việc bảo quản và bảo đảm chất lượng. Do mua nguyên liệu cao, phải bán giá cao để bảo đảm kinh doanh, nên thuốc của các xí nghiệp dược địa phương đắt hơn cao, đan, hoàn tán của Trung ương đưa về và thế là hình thành tình trạng thuốc bán theo hai giá ở địa phương.

Một tình hình nữa khiến cho việc thiếu thuốc càng căng thẳng là thiếu nguyên liệu do chính sách giá cả không phù hợp, không khuyến khích người nuôi, trồng dược liệu, người thu hái thiên nhiên.

e) Về chế độ chính sách - đời sống cán bộ ngành Y tế.

Do những biến động về giá cả thị trường, nên, cũng như cán bộ công nhân viên nói chung, cán bộ nhân viên ngành Y tế gặp quá nhiều khó khăn trong đời sống, nhất là ở những vùng xa xôi, hẻo lánh, các mặt hàng định lượng cung cấp không đầy đủ, không kịp thời. Các chế độ phụ cấp về ca trực, ca mổ hầu như không còn ý nghĩa gì bồi dưỡng người cán bộ y tế. Sức khỏe của anh chị em bị giảm sút nhanh, ảnh hưởng rất lớn tới các hoạt động chuyên môn, đặc biệt là các anh chị em thực hiện các ca mổ. Có trường hợp, bác sĩ ngất xỉu, choáng váng sau ca mổ căng thẳng chưa kể đến việc những trường hợp sai sót kỹ thuật tai hại có thể xảy ra do sức khỏe của người thầy thuốc không được bảo đảm. Để phòng ngừa các trường hợp đáng tiếc đó, nhiều bệnh nhân và gia đình họ đã tìm mọi cách bồi dưỡng riêng cho ca mổ và thế là dần dần hình thành các tình trạng tiêu cực. Anh chị em các cơ sở đều phát biểu: sau một ca trực suốt đêm hoặc một ca mổ phức tạp, tiền bồi dưỡng chỉ đủ mua một quả ổi bình thường, hoặc 4 - 5 người ăn chung một bát phở[3].

Màng lưới y tế xã, phường đang có nguy cơ rệu rã. Theo báo cáo của Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước: 30 - 50% cán bộ y tế bỏ việc vì đời sống quá khó khăn với mức lương từ 120đ, 140đ, 160đ đến 180đ/tháng. Chỉ những nơi nào chính quyền địa phương, hợp tác xã quan tâm giải quyết đời sống cho cán bộ y tế thì hoạt động của trạm xá mới được duy trì để phục vụ sức khỏe cho bà con và hỗ trợ đắc lực cho dịch vụ kế hoạch hóa gia đình.

II- VỀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ CẤP THIẾT ĐỂ
THỰC HIỆN QUỐC SÁCH KẾ HOẠCH HÓA
PHÁT TRIỂN DÂN SỐ

a) Một số nhận xét về quá trình và kết quả tiến hành công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình 5 năm qua:

Chúng ta đều biết rằng Nghị quyết Đại hội V đã ghi vấn đề “giảm tốc độ tăng dân số bình quân của cả nước từ 2,4% hàng năm xuống 1,7% vào năm 1985” và trong 5 năm kế hoạch 1981 - 1986 ngành Y tế và Uỷ ban Quốc gia Dân số (thành lập từ năm 1984) đã có nhiều cố gắng trong lĩnh vực hoạt động này. Năm 1985 là năm đầu tiên Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước giao chỉ tiêu sinh cho các địa phương để cân đối kế hoạch kinh tế - xã hội với kế hoạch sinh, biến động dân số của địa phương[4].

Song, theo báo cáo (7-1986) của Uỷ ban Quốc gia Dân số và Kế hoạch hóa gia đình tỷ lệ phát triển dân số qua các năm như sau:

      1980: 2,22%                          1983: 2,29%

      1981: 2,40%                          1984: 2,24%

      1982: 2,30%                          1985: 2,15%

Như vậy, nhịp độ giảm tỷ lệ phát triển dân số mấy năm qua rất chậm và cuộc vận động kế hoạch hóa gia đình đã không đạt được mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội V và các nghị quyết của Quốc hội đề ra.

Hệ quả của tình hình đó là số trẻ em tăng rất nhanh. Tính cả số trẻ em và người già là 30 triệu/61 triệu dân. Bình quân hàng năm có hơn 1 triệu thanh niên đến tuổi lao động mà chỉ giải quyết được việc làm cho 25 - 30%, quỹ thời gian làm việc của người lao động chỉ mới sử dụng được 4 - 5 giờ/ngày.

b) Nguyên nhân của tình hình trên đây, ngoài những điều Uỷ ban chúng tôi đã có dịp trình với Quốc hội và Hội đồng Nhà nước trước đây, theo Uỷ ban chúng tôi nhận định, còn là do:

- Những năm đầu của kế hoạch nhà nước 1981 - 1985, Nhà nước ta đã không sớm quyết định chính sách dân số trong chiến lược kinh tế - xã hội, làm xương sống cho việc tiến hành cuộc vận động sinh đẻ có kế hoạch.

- Chậm có những công trình nghiên cứu dân số học làm cơ sở cho việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, ban hành và chỉ đạo thực hiện những chế độ cụ thể, thống nhất cho cả nước, phục vụ cuộc vận động sinh đẻ có kế hoạch.

- Do chưa thấy rõ được từ sớm: kế hoạch hóa phát triển dân số là quy luật tất yếu để xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa, là sự đòi hỏi của nền kinh tế phát triển có kế hoạch và cần được toàn thể xã hội tự giác thực hiện, nên cho đến nay, chưa phải là tất cả các tổ chức Đảng, đoàn thể và chính quyền các cấp đã thực sự quan tâm chăm lo việc tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động sinh đẻ có kế hoạch.

Kết quả là đất nước ta đang chịu sức ép ngày càng lớn của tình trạng tăng dân số không hợp lý và hậu quả sâu xa của nó tạo ra sự mất cân đối giữa dân số và nền kinh tế, trên một đất nước đất không rộng, người quá đông, năng suất lao động thấp (xem Phụ lục 1, 2).

- Việc đầu tư thích đáng để thực hiện quốc sách kế hoạch hóa phát triển dân số chưa được quan tâm đúng mức. Các phương tiện, dụng cụ, thuốc men, tài chính để thực hiện công tác sinh đẻ có kế hoạch của ta hiện nay vẫn còn chủ yếu dựa vào viện trợ nước ngoài và tổ chức của Liên hợp quốc.

- Đội ngũ cán bộ chuyên môn và mạng lưới làm công tác dịch vụ y tế chưa được phân bố hợp lý và tổ chức để phát huy được năng lực vào phục vụ quốc sách kế hoạch hóa dân số. Công tác chăm sóc trẻ em và người già làm chưa tốt đã phần nào làm phát sinh tâm lý sinh nhiều con để phòng trường hợp khó nuôi và sau này nhờ cậy lúc tuổi già.

- Chậm đề ra những biện pháp có hiệu quả nhằm sử dụng lực lượng tổng hợp của các ngành, đặc biệt là các đoàn thể quần chúng và toàn bộ hệ thống văn hóa, giáo dục, thông tin, tuyên truyền, văn học, nghệ thuật, trong việc giáo dục vận động toàn xã hội theo dõi, chăm lo và quản lý, giám sát việc thực hiện quốc sách dân số, một sự nghiệp mà toàn xã hội cùng gánh vác để mang lại cuộc sống ngày càng đầy đủ, hạnh phúc cho toàn xã hội.

Kính thưa Quốc hội,

Trên đây, chúng tôi đã trình bày một số tình hình cấp thiết trong sự nghiệp bảo vệ sức khỏe nhân dân và kế hoạch hóa phát triển dân số. Để thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI vừa được thông qua về kinh tế - xã hội, Uỷ ban chúng tôi kiến nghị Quốc hội lưu ý Hội đồng Bộ trưởng về một số ý kiến đề xuất sau đây:

Về công tác y tế:

- Xem xét các điều kiện để duy trì và phát triển mạng lưới y tế ở các tuyến, nhất là tuyến xã và tuyến huyện. Tập trung mọi nguồn vốn, phương tiện, cán bộ, tránh dàn trải, giải quyết thỏa đáng các điều kiện chuyên môn kỹ thuật để có thể phục vụ tốt hơn nhu cầu bảo vệ sức khỏe của nhân dân.

Trong khi chờ đợi nghiên cứu hoàn thiện Dự thảo Luật “bảo vệ sức khỏe nhân dân”, trình Quốc hội khóa VIII thông qua, với tinh thần đổi mới của Đại hội Đảng lần thứ VI, khẩn trương nghiên cứu vấn đề “Chữa bệnh không mất tiền” như Điều 61 Hiến pháp năm 1980 ghi, để cụ thể hóa phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” một cách thống nhất và chặt chẽ trong lĩnh vực y tế, phù hợp với hoàn cảnh của nền kinh tế nước ta, trong đó còn tồn tại 5 thành phần, tăng thêm nguồn kinh tế hỗ trợ ngân sách dành cho y tế để khắc phục dần tình trạng như đã trình bày ở trên, giúp cho các cơ sở y tế hoạt động tốt, có điều kiện chăm sóc chu đáo sức khỏe của nhân dân, đặc biệt là ở các cơ sở khám và điều trị.

- Trước mắt nghiên cứu biện pháp duy trì đội ngũ cán bộ y tế, sửa đổi các chế độ phụ cấp đã lỗi thời, bảo đảm bù đắp phần nào sức lao động của người thầy thuốc, nghiên cứu chế độ đãi ngộ cán bộ y tế cấp xã, phường để củng cố mạng lưới y tế cơ sở, niềm tự hào của nền y tế Việt Nam, nơi trực tiếp chăm lo bảo vệ sức khỏe ban đầu, đóng góp có hiệu quả cho công tác sinh đẻ có kế hoạch.

Về công tác kế hoạch hóa phát triển dân số:

- Sớm nghiên cứu cụ thể hóa chủ trương và chính sách dân số để phấn đấu ráo riết hạ tỷ lệ phát triển dân số xuống 1,7% với mức 66 triệu dân vào năm 1990 như Nghị quyết Đại hội VI đề ra.

- Từ dự báo về phát triển kinh tế - xã hội cần xác định nhu cầu chất lượng dân số, cơ cấu dân số Việt Nam sẽ bao gồm những thành phần nào, với những ngành, nghề gì? Chất lượng những thành phần ấy về mặt kiến thức, kỹ năng, tư tưởng, tâm lý, sức khỏe và thể lực (phải thể hiện từng bước trong phương hướng chiến lược về dân số nước ta và trong kế hoạch nhà nước dài hạn và từng năm) cần có những biện pháp để đạt tới số lượng và chất lượng dân cư như yêu cầu đòi hỏi của đất nước.

- Nghiên cứu tâm lý xã hội, phong tục tập quán Việt Nam có những yếu tố nào gây khó khăn trở ngại hoặc thuận lợi cho cuộc vận động kế hoạch hóa dân số để có biện pháp giải quyết.

- Có đề án tốt về công tác nâng cao nhận thức, tuyên truyền giáo dục dân số, kế hoạch hóa gia đình cho các cấp chính quyền, đoàn thể, các tầng lớp nhân dân, tác động có hiệu quả thực tế vào từng đối tượng cụ thể, ở từng vùng dân cư.

- Đối với cán bộ lãnh đạo các cấp, cán bộ phụ trách các ngành, yêu cầu đặt ra là phải trên cơ sở quán triệt quan điểm, mục tiêu công tác dân số của Đảng, Nhà nước, đề cao trách nhiệm đối với chất lượng cuộc sống của nhân dân địa phương mình, ngành mình trong việc cân đối kế hoạch kinh tế - xã hội với kế hoạch dân số của địa phương. Trong công tác chỉ đạo phải ráo riết, chặt chẽ, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc và sẵn sàng tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, tạo thuận lợi cho cuộc vận động. Phải đòi hỏi cán bộ, trước hết là cán bộ chủ chốt, đảng viên bất cứ ở cương vị nào và gia đình gương mẫu thực hiện.

- Đề nghị các đoàn thể quần chúng đi sâu nghiên cứu đầy đủ về đối tượng của đoàn thể mình, nhất là về tâm lý, tình cảm để đề ra được phương pháp thích hợp tác động có hiệu quả vào tâm lý ấy, khơi dậy trong mỗi người đã hoặc sẽ làm cha mẹ, tình thương và trách nhiệm đối với thế hệ tương lai được nuôi dạy săn sóc tận tình là nghĩa vụ thiêng liêng; sinh đẻ nhiều để đạt ý muốn riêng tư lỗi thời, để con thiếu thốn cả vật chất tinh thần, cung cấp cho xã hội những công dân ốm yếu, dốt nát là tội lỗi, là tăng thêm gánh nặng cho xã hội.

- Đề nghị các cơ quan có thẩm quyền ở mỗi cấp, khi xây dựng kế hoạch kinh tế dài hạn, ngắn hạn của cấp mình cần chú ý tới việc đầu tư vật chất thỏa đáng, hợp khả năng, cho quốc sách dân số.

Mạng lưới y tế thôn ấp, xã làm dịch vụ y tế cho sinh đẻ có kế hoạch giữ vai trò quyết định với việc hạ nhanh tỷ lệ phát triển dân số, do đó cần đặc biệt quan tâm bố trí, đào tạo, bồi dưỡng trình độ, nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ này, đồng thời, có đầy đủ trang bị, phương tiện tối thiểu bảo đảm cho họ làm tốt các dịch vụ y tế theo yêu cầu phát triển của phong trào kế hoạch hóa gia đình.

- Thực hiện tốt các chính sách xã hội của Nhà nước bảo đảm tính ưu việt và tinh thần nhân đạo của chế độ làm chủ tập thể đối với các thành phần dân số: trẻ em, người già, thương binh, gia đình liệt sĩ. Được xã hội chăm lo, con người sẽ giải tỏa được nỗi băn khoăn “có con kế tự, nhất là con trai, để nhờ cậy về sau” và khỏi cầu “con đàn cháu đống”, sẵn sàng thực hiện và động viên gia đình, con cháu thực hiện kế hoạch hóa gia đình.

Kính thưa Quốc hội,

Trong kỳ họp này Quốc hội tập trung thảo luận, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cho thời gian sắp tới dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI. Người lao động Việt Nam chính là người thực hiện ba chương trình lớn: sản xuất lương thực, thực phẩm, phát triển công nghiệp làm hàng tiêu dùng, đẩy mạnh xuất khẩu. Giải quyết tốt vấn đề bảo vệ sức khỏe nhân dân, trong đó có người lao động, làm tốt cuộc vận động kế hoạch hóa gia đình, chính là thiết thực tạo điều kiện cho lực lượng sản xuất đóng góp tích cực vào việc thực hiện ba chương trình mà Đại hội Đảng lần thứ VI đề ra, thiết thực nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân.

Trình bày vấn đề này để các đồng chí đại biểu Quốc hội xem xét và có ý kiến trong quá trình tham gia thảo luận và thông qua kế hoạch, ngân sách nhà nước năm 1987, chúng tôi hy vọng rằng trong kế hoạch nhà nước vấn đề kế hoạch hóa và điều hòa sự phát triển dân số, vấn đề bảo vệ sức khỏe nhân dân sẽ có được vị trí xứng đáng trong đề án kế hoạch hóa nền kinh tế - xã hội của nước ta và được dành phần kinh phí thích đáng bảo đảm cho đề án trở thành hiện thực.

Kính chúc sức khỏe các đồng chí đại biểu và xin cảm ơn các đồng chí.

 


[1]. - Bệnh viện Trung ương ở Huế có 1.000 giường, thành phố Huế lại xây thêm 1 bệnh viện gần đó.

- Bệnh viện Việt Nam - Ba Lan ở Vinh có 450 giường (100 giường nhi chưa được sử dụng). Yêu cầu về kinh phí hoạt động của viện chỉ được cấp 12 triệu trên 120 triệu, thành phố Vinh lại còn hình thành thêm bệnh viện nhi 200 giường.

[2]. Huyện Tiên Sơn, Hà Bắc được mua một máy X quang nhưng ngân sách huyện không thể mua nổi.

[3]. Theo anh em ở Bệnh viện Tiên Sơn (Hà Bắc) người mổ chính được phụ cấp 2 đồng, người phụ mổ 1 đồng, y tá 0,5 đồng (10-1986).

[4]. Trước đây, việc giao chỉ tiêu phát triển dân số không phản ánh đúng thực chất cuộc vận động sinh đẻ có kế hoạch, vì có thể có nơi sinh nhiều, song công tác bảo vệ sức khỏe kém nên chết nhiều, thì tỷ lệ phát triển dân số vẫn thấp hơn nơi tỷ lệ sinh thấp và tỷ lệ tử cũng thấp.

 

PHỤ LỤC SỐ 1

Tỷ lệ dân số không giảm và chững
ở một số tỉnh, thành phố

 

Năm

Địa phương

1981

1982

1983

1984

1985

1986

Bình Trị Thiên

 

2,22%

2,38%

2,42%

2,42%

 

Nghệ Tĩnh

1,9%

1,94%

2,21%

2,27%

2,24%

 

Hà Tuyên

2,5%

2,39%

2,5%

2,37%

2,32%

 

Lai Châu

2,5%

2,64%

2,89%

3,02%

3,06%

 

Sơn La

3,37%

3,3%

3,22%

2,93%

3,49%

 

Vĩnh Phú

2,8%

2,78%

2,48%

2,46%

2,52%

 

Thanh Hóa

2,29%

2,58%

2,31%

2,35%

2,35%

 

Phú Khánh

2,6%

2,24%

2,09%

2,01%

2,02%

 

Thuận Hải

2,9%

2,5%

2,6%

2,65%

2,71%

 

Gia Lai - Kon Tum

2,55%

2,48%

2,57%

2,46%

2,59%

 

Đắc Lắk

3,14%

2,69%

2,76%

2,8%

2,92%

 

 

PHỤ LỤC SỐ 2

- Trong năm 1985 cứ 1 vạn người sinh con thì có 26 người đẻ ở tuổi dưới 17; 197 người đẻ ở tuổi 18 - 19.

- Tình hình đẻ con trước 22 tuổi ở tỉnh Hà Bắc năm 83 là 11,39%.

- Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên ở Nghệ Tĩnh là 48 - 50%.

- Tại xã Tân Phú, thành phố Huế, năm 1985 có 82 người sinh có tới 50 người sinh con thứ 3 trở lên.

- Khu vực thành thị có 32,6% số bà mẹ sinh con thứ 3 trở lên, con số này ở nông thôn là 44,4%.

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội.