VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP VI(QUYỂN 2) 1984 - 1987

 

THUYẾT TRÌNH
CỦA UỶ BAN KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT
CỦA QUỐC HỘI VỀ HUY ĐỘNG MỌI TIỀM LỰC KHOA HỌC - KỸ THUẬT VÀO VIỆC GIẢI QUYẾT THẮNG LỢI BA CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU LỚN TRONG NHỮNG NĂM TRƯỚC MẮT
(Do ông Trần Đức Lương, Chủ nhiệm Uỷ ban khoa học và kỹ thuật của Quốc hội
trình bày tại kỳ họp thứ 12, Quốc hội khóa VII, ngày 26-12-1986)

Kính thưa Quốc hội!

Đại hội lần thứ VI Đảng Cộng sản Việt Nam vừa thành công tốt đẹp. Để giải quyết có kết quả những vấn đề kinh tế xã hội đang đặt ra cho đất nước ta, Đại hội đã vạch ra ba chương trình mục tiêu lớn: lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu, coi đó là cốt lõi của mọi hoạt động kinh tế - xã hội, đòi hỏi phải tập trung sức người, sức của vào việc tổ chức thực hiện trong những năm trước mắt.

Đại hội cũng nêu yêu cầu “bức bách phải làm cho khoa học, kỹ thuật thật sự trở thành một động lực to lớn đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế xã hội của đất nước”. Nghị quyết của Đại hội phản ánh được nguyện vọng của đội ngũ cán bộ khoa học và kỹ thuật nước ta mong muốn được cống hiến cho sự nghiệp xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc chủ nghĩa xã hội, làm cho dân ta giàu, nước ta mạnh.

Tại kỳ họp này của Quốc hội, Uỷ ban chúng tôi muốn trình bày một số ý kiến và kiến nghị nhằm huy động có hiệu quả tiềm lực khoa học và kỹ thuật của đất nước vào việc giải quyết thắng lợi ba chương trình mục tiêu lớn mà Đại hội Đảng đã nêu ra.

I- NHỮNG VẤN ĐỀ ỨNG DỤNG
TIẾN BỘ KHOA HỌC - KỸ THUẬT TRÊN MẶT TRẬN
SẢN XUẤT LƯƠNG THỰC, THỰC PHẨM

Theo dõi những thành tựu đã đạt được, cũng như tình trạng hoạt động của mạng lưới nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật nông nghiệp hiện nay, Uỷ ban chúng tôi muốn lưu ý một số điểm sau đây:

Trên mặt trận lương thực và thực phẩm, các nhà khoa học - kỹ thuật nông nghiệp của chúng ta đang bám sát những thế mạnh của sinh học nhiệt đới và những tiến bộ mới nhất của sinh học hiện đại trên thế giới. Điều quan trọng nhất là phải chọn đúng những vấn đề phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của nước ta hiện nay để có thể triển khai nhanh, mang lại hiệu quả lớn.

Vấn đề cải tạo và đổi mới bộ giống, cây trồng và vật nuôi thích hợp với từng vùng sinh thái vẫn đang tiếp tục là vấn đề có triển vọng hiện thực to lớn trong việc tăng năng suất và sản lượng lương thực, thực phẩm. Theo đánh giá của Uỷ ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước, trong 5 năm 1981-1985 đã đưa vào áp dụng rộng rãi 19 giống lúa, nhiều giống cây trồng và vật nuôi có năng suất cao hơn so với thời kỳ 1976-1980 từ 1,3 - 1,5 lần, có loại tăng gấp 2 lần. Hiện nay, các cơ quan nghiên cứu nông nghiệp và sinh học nước ta đang tiếp tục có kết luận và đưa ra ứng dụng rộng rãi những giống lúa mới (giống lúa có năng suất cao và cao cây, thích hợp với vùng chiêm trũng, nước sâu, giống lúa chịu hạn, giống lúa chịu được sâu bệnh, nhất là bệnh đạo ôn và rầy nâu, v.v.), các giống màu thích hợp với các vùng sinh thái như giống ngô năng suất cao, ngô vụ đông, ngắn ngày, kỹ thuật gieo trồng khoai tây bằng hạt, các giống đỗ đậu, lạc, v.v..

Vấn đề mở rộng và ổn định việc cải tạo các đàn gia súc, gia cầm theo các giống lai kinh tế cho năng suất cao, hiệu quả lớn vẫn đang là những vấn đề thời sự và nhiều hứa hẹn.

Cần chống và đề phòng hiện tượng thỏa mãn với những tiến bộ đã đạt được trên mặt trận cải tạo, đổi mới bộ giống ở từng vùng. Cần lưu ý đầy đủ đến tính chất thiếu ổn định và có thể thoái hóa của các giống mới.

Bên cạnh những thành tựu to lớn đã đạt được, có tình trạng là các Viện nghiên cứu, các cán bộ nghiên cứu chủ chốt về giống ở nước ta còn thiếu sự phân công phối hợp chặt chẽ, có hiện tượng tuyên truyền quá sớm về những tiến bộ chưa vững chắc hoặc chưa có điều kiện ứng dụng thực tiễn, v.v.. Dù vấn đề cải tạo và đổi mới các bộ giống đã được Nhà nước ta quan tâm nhiều, song vẫn chưa dành cho nó sự ưu tiên đủ cần thiết và đồng bộ. Từ việc nghiên cứu đến thử nghiệm nhân giống, lưu trữ giống, v.v. đều còn nhiều thiếu sót. Mỗi vùng, mỗi tuyến làm một khác, thiếu sự đầu tư đồng bộ, thiếu kế hoạch và tổ chức quản lý chặt chẽ.

Xét về các mặt kinh tế và xã hội, việc đổi mới tập quán sản xuất, kỹ thuật và công cụ sản xuất cho hàng chục triệu nông dân là vấn đề có ý nghĩa then chốt trong cuộc cách mạng kỹ thuật đang diễn ra ở nông thôn nước ta. Cùng với những cố gắng tăng cường không ngừng diện tích được tưới tiêu bằng thủy lợi hóa và tăng thêm phân bón hóa học, việc thâm canh tăng vụ, cải tiến tập quán canh tác đã và đang diễn ra trên quy mô từng vùng rộng lớn đã góp phần quan trọng vào việc đưa sản lượng lương thực cả nước từ 14,4 triệu tấn năm 1980 lên 18,2 triệu tấn năm 1985. Cơ cấu mùa vụ đã có sự đổi khác về cơ bản trên hầu hết các vùng. Diện tích cao sản ở các vùng lúa đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng đã tăng từ 8% năm 1981 lên 25% năm 1985. Việc xuất hiện những diện tích canh tác lúa nước hàng vạn hécta ở Tây Nguyên, việc đưa vụ hè thu thành vụ chính và áp dụng gieo sạ đến 50 - 60% diện tích vụ mùa ở đồng bằng ven biển miền Trung, việc cơ giới hóa khâu làm đất đạt đến 40% ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng, có nơi đã đạt đến 60% (ở tỉnh Hải Hưng) là những đổi mới mà bà con nông dân ở các vùng nói trên chưa từng được chứng kiến từ hàng nghìn đời nay.

Nếu vấn đề đổi mới tập quán và kỹ thuật sản xuất đã và đang được đặt ra một cách rõ nét thì Uỷ ban chúng tôi cho rằng, vấn đề công cụ sản xuất cho người nông dân chưa được quan tâm đúng mức. Trong dịp đến thăm Viện Công cụ và Cơ giới hóa nông nghiệp vào tháng 10 năm 1986 vừa qua, đoàn công tác của Uỷ ban chúng tôi chú ý đến một công cụ cải tiến dùng tách hạt ngô, công cụ thuộc loại đơn giản, dùng công cụ này có thể đưa năng suất tách hạt lên 20 lần. Sáng chế tuy nhỏ nhưng đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, điều đặt ra là tại sao mãi đến nay việc cải tiến công cụ kiểu như vậy mới được các nhà kỹ thuật quan tâm đến? Câu hỏi này là quan trọng, bởi lẽ, trong thực tế hầu hết công cụ sản xuất cầm tay của người nông dân vẫn ở tình trạng thô sơ, lạc hậu như xưa (cày, bừa, dao, cuốc, liềm, hái, v.v.). Trong toàn bộ quy trình canh tác của người nông dân nước ta hiện nay, các công đoạn cấy và gặt là rất nặng nhọc và mang tính thời vụ cao. Trong khi đó, Uỷ ban chúng tôi thấy có quá ít đề tài nghiên cứu loại này trong các thành tựu đã qua cũng như trong danh mục đề tài hiện nay. Đề tài duy nhất thuộc loại này mà Uỷ ban chúng tôi được nghe giới thiệu ở Viện Thiết kế máy nông nghiệp của Bộ Cơ khí - Luyện kim lại là đề tài cải tiến máy ủi nước ngoài thành máy gặt đập liên hợp dùng cho đồng ruộng Việt Nam. Hệ thống cơ khí phục vụ nông nghiệp trên địa bàn phía Nam chưa được chăm lo và định hình. Ngoài ra, Uỷ ban chúng tôi cũng đã lưu ý đến sự chuyển hướng tự phát của hệ cơ khí địa phương ở các tỉnh phía bắc, sang sản xuất hàng kim khí tiêu dùng (quạt, xe đạp…) trong những năm gần đây mà trước đây, hệ cơ khí này được xây dựng với nhiệm vụ trước hết là phục vụ nông nghiệp. Sự chuyển hướng tự phát này có phần do chạy theo lời lãi, song lý do chính là hệ thiết bị công cụ đã từng bước định hình cho phương thức sản xuất hợp tác xã quy mô liên thôn, liên xã không còn thích hợp nữa kể từ khi thực hiện cơ chế khoán đến nhóm và người lao động trong nông nghiệp. Hệ thiết bị và công cụ phục vụ cho phương thức mới này tức là phương thức lao động cá nhân, tập thể nhỏ và kinh tế gia đình chưa được quan tâm định hình và định hướng sản xuất kịp thời.

Vấn đề thứ ba mà Uỷ ban chúng tôi quan tâm là những vấn đề ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong thu hoạch, bảo quản, lưu thông và chế biến lương thực, thực phẩm, trước hết là đối với lúa và màu.

So với hai loại vấn đề nêu trên thì loại vấn đề thứ ba này còn ít được quan tâm đến mức độ đáng kinh ngạc. Những tiến bộ khoa học - kỹ thuật được ứng dụng thuộc loại này còn rất lẻ tẻ và hạn chế. Hiện nay các tài liệu nghiên cứu của nhiều cơ quan nhà nước đều đánh giá là tổng cộng mức độ hao hụt lương thực về số lượng bình quân ở nước ta trong các khâu này lên tới 25-30%. Đó là chưa kể sự hao hụt về chất lượng lương thực, thực phẩm khi phân phối đến tay người tiêu dùng. Không những vấn đề tiết kiệm và sử dụng hợp lý lương thực, thực phẩm trong xây dựng chưa đạt được tiến bộ nào đáng kể so với trước đây mà tình hình lại có phần xấu hơn. Những chỉ số sau đây nói lên điều đó. Dị vật (các tạp chất) trong thóc nhập kho nhà nước trước đây không quá 1,5% thì nay tăng lên 2-4%; độ ẩm (thủy phần) trong thóc gạo cũng tăng từ 14-17%; tỷ lệ gạo trên thóc khi xay xát từ 69-70% nay tụt xuống còn 64-66%; hao hụt trong khâu cân đo cũng lên cao nghiêng về phía người tiêu dùng chịu thiệt. Tình trạng thóc mục, mọc mầm… ở các kho dã ngoại, nhất là ở đồng bằng sông Cửu Long trong các dịp mùa vụ được khắc phục rất chậm, v.v.. Trong khi đó, tổ chức, lực lượng cán bộ khoa học - kỹ thuật và trang bị cơ sở vật chất cho mạng lưới nghiên cứu triển khai ở hai Bộ Lương thực và Công nghiệp thực phẩm quá mỏng và đã không được quan tâm một cách đúng mức. Mặt khác, cần khắc phục tình trạng buông lỏng quản lý về kinh tế, kỹ thuật.

II- NHỮNG VẤN ĐỀ ỨNG DỤNG
TIẾN BỘ KHOA HỌC - KỸ THUẬT TRÊN CÁC LĨNH VỰC SẢN XUẤT HÀNG TIÊU DÙNG VÀ XUẤT KHẨU

Nền kinh tế nước ta đang chịu sức ép nặng nề về tình trạng mất cân đối lớn trong cung cầu đối với hàng tiêu dùng thiết yếu và hàng xuất, nhập khẩu. Sản xuất hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu còn ở trong tình trạng manh mún, thiếu mũi nhọn. Trong khi đó, nhiều loại tài nguyên sinh vật nhiệt đới cũng như tài nguyên khoáng sản chưa được khai thác sử dụng hợp lý, phần lớn các xí nghiệp, nhà máy hoạt động với công suất thấp (20-50%), tay nghề và tiềm lực lao động to lớn của đất nước chưa được huy động. Những yếu kém đó đồng thời cũng là những nhân tố thuận lợi để phát triển kinh tế trong giai đoạn tới. Mối nối giữa tài nguyên, đất đai với lao động chính là kỹ thuật và tổ chức quản lý. Xét về mặt kỹ thuật sản xuất, những vướng mắc lớn nhất nằm ở các khâu: sự thiếu hụt năng lượng, nguyên liệu, vật liệu; sự chưa tự chủ được về các mặt công nghệ, thiết bị và phụ tùng thay thế; sự lạc hậu về chất lượng hàng hóa; sự chậm trễ quá đáng trong việc xây dựng các ngành sản xuất hàng hóa có tính cách mũi nhọn của đất nước. Những vướng mắc đó chỉ có thể giải quyết được bằng sự chăm lo phát triển khoa học và kỹ thuật, trong đó có khoa học quản lý tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, là nội dung của cách mạng khoa học - kỹ thuật, nhằm đẩy mạnh phát triển lực lượng sản xuất. Đối với tất cả các nước đang công nghiệp hóa, những khó khăn đó là đương nhiên và phải khắc phục trong cả một quá trình. Điều đặt ra là phải chọn lựa đối tượng, mục tiêu, bước đi, quy mô thích hợp cho từng giai đoạn.

Căn cứ vào thực trạng của đất nước và thực tiễn hoạt động khoa học và kỹ thuật trong những năm qua, Uỷ ban chúng tôi thấy cần lưu ý đến những vấn đề sau đây:

Một là, cần rà soát thúc đẩy gấp rút các công tác điều tra cơ bản về tài nguyên và điều kiện thiên nhiên về các dữ liệu kinh tế - xã hội trong và ngoài nước, tạo cơ sở khoa học vững chắc cho việc xây dựng các chiến lược phát triển kinh tế mũi nhọn của đất nước cho cả thời kỳ quá độ. Nói mũi nhọn tức là nói đến quy mô sản xuất hàng hóa lớn, chất lượng đạt trình độ thương phẩm quốc tế và nhất là phải đưa lại hiệu quả kinh tế lớn cho nền kinh tế quốc dân.

Trong nhiều năm qua, chúng ta đã làm được nhiều việc trong lĩnh vực này nhưng rất không đồng đều và thiếu đồng bộ. Chúng ta đã và đang nhận được không ít những bài học kinh nghiệm về các quyết định lớn mà thiếu cơ sở khoa học. Ví dụ: quy hoạch vùng bông Thuận Hải 12,5 vạn hécta, sau xác định chỉ còn 6 nghìn hécta; Công ty Cao su Phú Riềng đã chặt phá trên 10 vạn hécta rừng để trồng cao su rồi lại thay đổi địa bàn quy hoạch; đã có lúc các cơ quan quy hoạch ngành và địa phương Tây Nguyên và Đông Nam bộ nhận được chỉ thị phải quy hoạch trồng 1,2 triệu hécta cao su, đồng thời với những chỉ tiêu diện tích lớn về các cây công nghiệp khác mà tổng cộng lại thì vượt quá khả năng tổng diện tích có thể khai thác được rất nhiều, đó là chưa kể đến phần diện tích cần thiết cho quy hoạch rừng; vấn đề quy hoạch vùng nguyên liệu cho Xí nghiệp giấy Bãi Bằng, v.v.. Việc rà soát bổ sung các số liệu điều tra cơ bản của chúng ta phải xoay chung quanh các thế mạnh của đất nước về tài nguyên và điều kiện tự nhiên như lúa, một số loại cây công nghiệp dài ngày và ngắn ngày, một số loại thủy, hải sản, dầu khí, một số khoáng sản kim loại và phi kim loại có tiềm năng lớn và có giá trị kinh tế cao, vận tải biển, xuất khẩu lao động (kể cả tại chỗ) và du lịch. Số liệu điều tra cơ bản phải đủ cho việc lập được các dự án kinh tế kỹ thuật (TĐC) cho các hướng và các quy hoạch dài hạn. Các dự án như vậy cần được các hội đồng có đủ thẩm quyền về khoa học - kỹ thuật và kinh tế thông qua và chịu trách nhiệm. Quyết định của các cấp lãnh đạo phải được thực hiện trên nguyên tắc chọn phương án tối ưu và trên cơ sở so sánh nhiều dự án. Cần lưu ý là, sự thiếu căn cứ và số liệu điều tra cơ bản hiện nay không chỉ là thiếu số liệu điều tra ban đầu mà phần rất quan trọng là thiếu sự tổng hợp, phân tích một cách nhất quán và có hệ thống. Điều không bình thường là các viện nghiên cứu ở các cơ quan kinh tế tổng hợp của Nhà nước ta hiện nay gần như còn chưa được trang bị và sử dụng các tính toán hiện đại.

Hai là, cần tuân thủ nghiêm túc việc thành lập và xét duyệt luận chứng kinh tế - kỹ thuật và thiết kế các công trình kinh tế và xây dựng cơ bản.

Trong khi tiếp xúc với các cơ sở sản xuất thuộc nhiều ngành và địa phương, Uỷ ban chúng tôi nhận thấy tình hình khá phổ biến là tình trạng thành lập, xét duyệt các luận chứng kinh tế - kỹ thuật một cách hình thức, nặng về giải quyết thủ tục, cốt để cấp trên thông qua, để mở được công trình, chỉ tiêu được tiền bạc. Kết quả là khi thiết bị toàn bộ được nhập hoặc chế tạo, công trình xây dựng xong đưa vào sản xuất thì thực tế diễn ra khác xa luận chứng được duyệt, dẫn đến hiệu quả kinh tế kém, thậm chí gây lãng phí nghiêm trọng vốn đầu tư.

Cũng có không ít trường hợp ngay thiết kế cũng được thay đổi tùy tiện trong quá trình xây dựng, nhất là tình trạng thiết kế thiếu đồng bộ, chắp vá.

Đi sâu vào nguyên nhân, Uỷ ban chúng tôi thấy có lai loại vấn đề đáng chú ý. Trước hết đó là thái độ thiếu trách nhiệm và cửa quyền (ở khâu thiết kế công trình dân dụng) của các cá nhân và cơ quan thành lập, xét duyệt luận chứng, thiết kế. Tình trạng đó diễn ra kéo dài vì Nhà nước ta đã không có thái độ nghiêm minh cần thiết. Uỷ ban chúng tôi cho rằng, những người được giao nhiệm vụ lập và xét duyệt luận chứng, thiết kế có đầy đủ tư cách pháp nhân và họ phải chịu trách nhiệm đến cùng về tư cách đó. Mặt khác, có tình hình thực tế là các thước đo về giá cả, về định mức kinh tế - kỹ thuật, để tính toán luận chứng và thiết kế được lựa chọn một cách tùy tiện và áp đặt (áp đặt của cấp trên theo chính sách giá thường xuyên bị rối loạn và tùy tiện của ngành, địa phương, cơ sở để đảm bảo hệ số an toàn cao cho hoạt động mai sau của mình). Trong tình hình như vậy, mọi tính toán đều trở nên sai lệch, không còn có ý nghĩa để lựa chọn và quyết định. Đặc biệt, tình hình này rất không có lợi đối với các công trình kinh tế hợp tác quốc tế và xuất khẩu. Đối với những loại công trình này, Uỷ ban chúng tôi cho rằng, Nhà nước cần có chủ trương cho phép lấy những chỉ tiêu có tính cách trung bình tiên tiến của Hội đồng Tương trợ kinh tế hoặc của thế giới để tính toán luận chứng (cả về chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật cũng như về giá cả).

Ba là, cần huy động mọi tiềm lực khoa học - kỹ thuật của đất nước đi vào hướng giải quyết một cách tích cực, chủ động khai thác các nguồn năng lực, nguyên liệu, vật liệu trong nước thay thế nguyên liệu nhập ngoại, tự lực từng bước trong công nghệ, chế tạo thiết bị và phụ tùng thay thế, để huy động công suất các xí nghiệp công nghiệp hiện có và nguồn lao động to lớn của tiểu thủ công nghiệp nước ta hiện nay. Đây là chủ trương của Đảng đã được nêu rất đậm nét trong báo cáo chính trị và phương hướng mục tiêu kinh tế - xã hội 5 năm 1986-1990 vừa được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI thông qua.

Hoạt động ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật của các ngành, các địa phương trong 5 năm qua đã có một sự chuyển biến tích cực theo hướng này. Theo tổng kết của Uỷ ban Khoa học - kỹ thuật Nhà nước, trong kế hoạch 5 năm 1981-1985 đã có đến 150 tiến bộ khoa học - kỹ thuật chủ yếu được tạo ra theo hướng này, trong đó có đến 76 loại nguyên vật liệu, thiết bị, phụ tùng thay thế, sản phẩm mới có thể thay thế một phần cho nhu cầu nhập khẩu.

Uỷ ban chúng tôi thấy cần đánh giá cao và khuyến khích mạnh mẽ những nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và kỹ thuật đúng hướng và có ý nghĩa thực tiễn cao như phong trào sử dụng thủy điện nhỏ, dùng trấu chạy hệ thống máy xay xát, sử dụng than bùn, đẩy mạnh khai thác phốtphorit sẵn có ở các địa phương, sử dụng pyrit trong nước, sản xuất gạch chịu lửa S4, xi măng trắng, nhựa epoxylacol, thủy tinh và sứ cách điệu, axít phốtphorit trích ly và phốtpho đỏ, dầu phanh ô tô, cao su vòng hóa, chế tạo các linh kiện điện tử và bán dẫn, giấy nến, giấy than, thuốc trừ sâu vi sinh, thuốc kích thích sinh trưởng cây trồng, một số loại hóa dược và sinh vật dùng sản xuất thuốc chữa bệnh, v.v.. Điều đáng quan tâm là ngành cơ khí và các ngành kỹ thuật nước ta đã bước đầu vươn lên tự lực về quy trình công nghệ và chế tạo thiết bị đồng bộ dù ở quy mô nhỏ như chế tạo và lắp đặt các tổ máy thủy điện đến 1.000KW, công nghệ khôi phục và chế tạo mới tụ điện cao áp, sản xuất trục cán thép có Ø đến 840mm, sản xuất thực nghiệm thép hợp kim 420T/n, sản xuất sắt xốp trong lò quoay bằng chất hoàn nguyên antraxit, dây chuyền sản xuất vật liệu từ tính 100T/n, sản xuất xi măng trắng bằng lò đứng, dây chuyền sản xuất và phục hồi vòi phun, bơm cao áp, dây chuyền sản xuất đường mía 30-100 T/ng dân, tàu thuyền xi măng lưới thép 50-300T, công nghệ tận dụng gỗ cành ngọn chế tạo đồ dùng dân dụng của Bộ Lâm nghiệp, v.v.. Tuy nhiên, khi nghiên cứu bảng danh mục tổng hợp các tiến bộ khoa học - kỹ thuật đã đạt được trong 5 năm 1981 -1985 do Uỷ ban Khoa học - Kỹ thuật Nhà nước đưa ra, chúng tôi nhận thấy:

- Những tiến bộ đã đạt được mới chỉ đáp ứng một phần nhỏ so với yêu cầu to lớn của sản xuất và đời sống hiện nay.

- Các tiến bộ được rút ra chưa được phân loại về trình độ sẵn sàng để đưa vào ứng dụng trong sản xuất, về đánh giá hiệu quả kinh tế và ý nghĩa thực tiễn, vẫn còn nặng về trình bày thành tích.

- Có sự trùng lắp và phân tán nhất định trong hướng nghiên cứu giữa các cơ quan nghiên cứu, ứng dụng thuộc các ngành kinh tế - kỹ thuật khác nhau.

- Phần lớn các sáng chế, tiến bộ kỹ thuật có quy mô quá nhỏ bé về phạm vi ứng dụng thực tiễn, nhiều vấn đề được nêu lặp đi lặp lại trong thời gian dài.

Những mặt yếu đó cần được quan tâm khắc phục trong thời gian tới.

III- MỘT SỐ KIẾN NGHỊ VỀ TỔ CHỨC QUẢN LÝ VÀ CHẾ ĐỘ CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT

Để cho khoa học - kỹ thuật có thể nhanh chóng vươn lên đáp ứng nhiều hơn nữa các yêu cầu của sản xuất và đời sống, thực sự trở thành lực lượng sản xuất, động lực thúc đẩy sản xuất, Uỷ ban khoa học và kỹ thuật của Quốc hội đề nghị Hội đồng Bộ trưởng, Uỷ ban Khoa học - Kỹ thuật Nhà nước và các cơ quan nhà nước có liên quan có những quyết định cụ thể và có hiệu lực về những vấn đề sau đây:

1. Cần tiếp tục hoàn chỉnh và sớm ban hành chiến lược phát triển khoa học - kỹ thuật cho cả nước và cho từng ngành kinh tế kỹ thuật. Cần huy động các cán bộ khoa học - kỹ thuật (bao gồm cả các ngành khoa học xã hội) tham gia xây dựng và phục vụ tốt kế hoạch 5 năm 1986-1990 và ba chương trình mục tiêu lớn mà Đại hội Đảng đã nêu ra (chúng ta chỉ mới có tên gọi và mục tiêu tổng quát của chương trình chứ chưa có ba chương trình đó). Cần quan tâm đúng mức về nghiên cứu khoa học cơ bản và nghiên cứu khoa học ứng dụng trong ba chương trình này. Đề nghị lưu ý đến những nhận xét và kiến nghị nêu trên đây của Uỷ ban chúng tôi trong việc xây dựng kế hoạch nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật 5 năm 1986-1990.

Cần thành lập các hội đồng liên ngành do Uỷ ban Khoa học - Kỹ thuật Nhà nước và Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước chủ trì để đánh giá phân loại trên 190 tiến bộ khoa học - kỹ thuật đã được tạo ra trong 5 năm 1981-1985, thống nhất về phạm vi, mức độ đưa vào áp dụng trong kế hoạch 5 năm 1986-1990.

2. Khẩn trương thực hiện việc sắp xếp lại hệ thống nghiên cứu khoa học và triển khai kỹ thuật trong cả nước theo yêu cầu được nêu trong Báo cáo Chính trị của Đảng tại Đại hội VI (phần 2, mục 4) và Nghị quyết 51 của Hội đồng Bộ trưởng. Trong khi giải quyết vấn đề này xin lưu ý đầy đủ các nhận xét và kiến nghị mà Uỷ ban chúng tôi đã nêu trong hai báo cáo riêng hồi tháng 5 và đầu tháng 12 năm nay. Cần tăng cường công tác quản lý kỹ thuật nhất là về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng sản phẩm. Coi trọng hơn nữa công tác thông tin khoa học - kỹ thuật.

3. Tiếp tục tăng đầu tư tài chính cho hoạt động khoa học - kỹ thuật đến 2% ngân sách như Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị (khóa V) đã ghi (năm 1980 = 0,4%, 1985 = 1%). Dành quỹ vật tư và vốn ngoại tệ cần thiết cho hoạt động khoa học - kỹ thuật. Quản lý đúng đắn và sát sao tiền vốn, vật tư, v.v. sử dụng trong các hoạt động khoa học - kỹ thuật.

4. Sửa đổi chế độ chính sách đối với cán bộ khoa học - kỹ thuật bao gồm nhà ở, phương tiện đi lại, tiền lương, tiền thưởng sáng chế, cải tiến, khuyến khích cán bộ khoa học - kỹ thuật đi sát cơ sở sản xuất, nông thôn, miền núi, khuyến khích chất lượng sản phẩm, v.v.. Uỷ ban chúng tôi thấy cần nhắc lại rằng lần cải tiến tiền lương vừa qua không những không có sự khuyến khích đối với cán bộ khoa học - kỹ thuật và công nhân kỹ thuật bậc cao mà còn làm giảm trong tỷ lệ so sánh với thang lương cán bộ nhân viên hành chính sự nghiệp. Đó là bất hợp lý cần phải sửa chữa. Uỷ ban chúng tôi đã có phát biểu về vấn đề này trong kỳ cuối năm 1985, song đến nay vẫn chưa được Bộ Lao động, Uỷ ban Khoa học - Kỹ thuật Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng lưu ý giải quyết.

5. Cần tiếp tục kiện toàn các cơ quan quản lý khoa học - kỹ thuật và Hội đồng khoa học - kỹ thuật về các mặt tổ chức, tuyển chọn cán bộ, quy chế hoạt động để các cơ quan này thật sự tư vấn cho các cơ quan lãnh đạo của Đảng và Nhà nước các cấp trong các quyết định đòi hỏi phải xem xét về căn cứ khoa học - kỹ thuật một cách chặt chẽ. Điều này hết sức cần thiết, bởi lẽ, không phải mọi cán bộ khoa học - kỹ thuật và mọi cơ quan quản lý khoa học - kỹ thuật hiện có đều có thể phát biểu ý kiến của mình với cấp trên và với các cơ quan có thẩm quyền một cách khách quan, vô tư và trung thực.

Kính thưa Quốc hội,

Uỷ ban khoa học và kỹ thuật của Quốc hội mong được Quốc hội và Hội đồng Nhà nước xem xét và chấp thuận những đề nghị trên đây của Uỷ ban chúng tôi.

Kính chúc sức khỏe các đồng chí đại biểu,

Kính chúc kỳ họp Quốc hội thành công tốt đẹp.

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội.