BÁO CÁO CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
VỀ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 1986
VÀ DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 1987
(Do ông Vũ Tuân, Bộ trưởng Bộ Tài chính
trình bày tại kỳ họp thứ 12, Quốc hội khóa VII, ngày 24-12-1986)
Thưa Đoàn Chủ tịch Quốc hội,
Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,
Được sự ủy nhiệm của Hội đồng Bộ trưởng, chúng tôi trình bày trước Quốc hội tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 1986 và dự toán ngân sách nhà nước năm 1987.
PHẦN THỨ NHẤT
TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC
NĂM 1986
Trong năm 1986, nhân dân cả nước ta đã dấy lên phong trào thi đua sôi nổi trên các lĩnh vực hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội lấy thành tích chào mừng Đại hội lần thứ VI của Đảng; đồng thời, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết (dự thảo) số 306 về bảo đảm quyền chủ động của cơ sở trong sản xuất - kinh doanh. Đó là những nhân tố thuận lợi có tác dụng thúc đẩy các ngành, các địa phương và cơ sở phấn đấu khắc phục khó khăn để thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 1986.
Tại kỳ họp lần thứ 10 của Quốc hội khóa VII (cuối tháng 12-1985), Quốc hội đã phê chuẩn dự toán ngân sách nhà nước năm 1986 với tổng số thu 50 tỷ đồng, tổng số chi 58 tỷ đồng.
Cuối tháng 6-1986, tại kỳ họp lần thứ 11 của Quốc hội, Hội đồng Bộ trưởng đã báo cáo tình hình thực hiện ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm cùng những biện pháp phấn đấu nhằm hoàn thành dự toán ngân sách nhà nước cả năm.
Thi hành Nghị quyết của Quốc hội, Hội đồng Bộ trưởng đã chỉ đạo các ngành, các địa phương và cơ sở tập trung khai thác các khả năng về lao động, đất đai, thiết bị và tiền vốn hiện có, tích cực giải quyết một phần sự mất cân đối về năng lượng, nguyên liệu, vật tư, ngoại tệ; đồng thời, ra nghị quyết và các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện Nghị quyết (dự thảo) số 306 của Bộ Chính trị về bảo đảm quyền chủ động của cơ sở nhằm thúc đẩy sản xuất - kinh doanh phát triển, hoàn thành kế hoạch nhà nước và ngân sách nhà nước năm 1986. Nhờ sự cố gắng phấn đấu của nhân dân trong cả nước và nhiều cơ sở đã phát huy tính chủ động, sáng tạo trong sản xuất - kinh doanh, việc thực hiện kế hoạch nhà nước năm 1986 đã đạt được một số thành tựu mới.
Tuy nhiên, do nền kinh tế của nước ta còn mất cân đối lớn, lại bị thiên tai, sâu bệnh gây thiệt hại nặng trên cả ba vùng, nhất là ở miền Bắc và miền Trung, cho nên sản xuất và đời sống tiếp tục gặp khó khăn. Tổng sản phẩm xã hội tăng 4,3%, thu nhập quốc dân tăng 4,2%, sản lượng lương thực tăng 1,1% so với năm 1985, trong khi dân số tăng 2%. Một số sản phẩm quan trọng của nền kinh tế quốc dân có số thu lớn cho ngân sách hụt kế hoạch như điện, thuốc trừ sâu, xi măng, sơn hóa học, cá biển, đường mật, chè chế biến, vải thành phẩm, xà phòng... Thu mua và bán lẻ nhiều mặt hàng không đạt kế hoạch và giảm sút so với năm 1985: lương thực, thịt lợn, cá, rau quả, săm lốp xe đạp...
Mặt khác, tình hình phân phối, lưu thông vẫn còn tiếp tục diễn biến phức tạp, có mặt xấu thêm. Tuy Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng đã đề ra những chủ trương, biện pháp xử lý, nhưng thực tế đến nay nhiều chủ trương chưa mang lại hiệu quả. Thị trường và giá cả tiếp tục biến động nhanh, mỗi nơi áp dụng một kiểu giá, các địa phương bù giá vào lương một cách khác nhau, sản xuất, lưu thông, đời sống (nhất là đời sống của những người ăn lương) gặp nhiều khó khăn.
Đặc điểm nổi bật của năm 1986 là sự biến động mạnh về giá cả đã tác động đến mọi hoạt động kinh tế - xã hội và đời sống, đến cân đối thu chi ngân sách nhà nước và đưa số bội chi ngân sách năm 1986 lên 15 tỷ đồng, chiếm 15,2% tổng số chi ngân sách nhà nước.
A. VỀ THU
Ước thực hiện 83,4 tỷ đồng, tăng 33, 4 tỷ đồng (tăng 66,8%) so với kế hoạch đầu năm.
1. Thu trong nước ước thực hiện 65,4 tỷ đồng, chiếm 78,4% tổng số thu ngân sách nhà nước, bằng 2 lần kế hoạch đầu năm, tăng chủ yếu do yếu tố giá:
- Thu từ khu vực kinh tế quốc doanh ước thực hiện 44,7 tỷ đồng, tăng 22,5 tỷ đồng so với kế hoạch đầu năm là do các ngành, các cấp, các đơn vị cơ sở có nhiều cố gắng khắc phục khó khăn trong sản xuất - kinh doanh, bảo đảm thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch nhà nước; do có khoản tăng thu do Hội đồng Bộ trưởng điều chỉnh giá bán một số mặt hàng cho hợp lý; do có nguồn hàng bổ sung của Liên Xô... Những khoản tăng thu nói trên ước 16 tỷ đồng. Ngoài ra, nhiều địa phương đã thu thêm khoảng 16 tỷ đồng do nâng giá bán lẻ một số mặt hàng nhập khẩu, sản xuất trong nước hoặc liên doanh, liên kết kinh tế. Các khoản thu tồn đọng của năm trước chuyển sang và tận thu các khoản khác khoảng 2,5 tỷ đồng.
Nhưng nguồn thu từ khu vực kinh tế quốc doanh chưa được khai thác đầy đủ do việc sắp xếp và tổ chức lại sản xuất ở các ngành, các địa phương triển khai chậm. Công suất máy móc thiết bị của nhiều cơ sở chỉ đạt mức sử dụng khoảng 50%; do năng suất lao động thấp, tình trạng mất cắp, lãng phí, sử dụng quá định mức vật tư, nguyên liệu, năng lượng trong quá trình sản xuất, lưu thông khá phổ biến và nghiêm trọng. Tình hình đó đã làm tăng giá thành và phí lưu thông, làm giảm thu ngân sách nhà nước hàng tỷ đồng.
- Thu từ khu vực kinh tế tập thể và cá thể ước thực hiện 15,1 tỷ đồng, tăng 84,1% so với kế hoạch đầu năm.
Trong đó:
+ Thuế công thương nghiệp ước thực hiện 7,5 tỷ đồng, tăng 87,5% so với kế hoạch. Trong khi giá cả thị trường xã hội tăng từ 3 đến 5 lần, có mặt hàng tăng 10 lần, thì mức tăng về thuế công thương nghiệp như vậy là còn thấp. Đó là do công tác cải tạo xã hội chủ nghĩa chưa được đẩy mạnh, chưa kết hợp chặt chẽ với quản lý thị trường và thu thuế. Công tác quản lý và thu thuế chưa theo sát hoạt động kinh doanh công thương nghiệp và giá cả thị trường, còn để thất thu khá nhiều do không kiểm soát và quản lý được hộ, doanh thu và thu nhập; nhiều hộ công thương nghiệp tư nhân thực tế vẫn kinh doanh riêng lẻ, nhưng lại núp dưới chiêu bài liên doanh, chỉ nộp thuế với mức thấp.
+ Thuế hải quan ước thực hiện 4,1 tỷ đồng, bằng 3,4 lần kế hoạch, tăng chủ yếu do giá.
+ Thuế nông nghiệp ước thực hiện 3,5 tỷ đồng, vượt kế hoạch 0,5 tỷ đồng, chủ yếu do các địa phương tính lại và thu thuế vườn theo sát giá thị trường, thu một phần thuế khê đọng của những năm trước.
Số thuế nhập kho (sau khi đã miễn, giảm cho những vùng bị thiên tai) khoảng 1,1 triệu tấn (quy thóc).
- Các khoản thu khác ước thực hiện 5,6 tỷ đồng, trong đó xổ số kiến thiết 1,5 tỷ đồng, huy động kết dư ngân sách địa phương 1 tỷ đồng...
2. Thu ngoài nước ước thực hiện 18 tỷ đồng, chiếm 21,5% tổng số thu ngân sách nhà nước năm 1986.
B. VỀ CHI
Ước thực hiện 98,4 tỷ đồng, tăng 40,4 tỷ đồng (tăng 69,7%) so với kế hoạch đầu năm.
Trong tổng số chi tăng 40,4 tỷ đồng, có các khoản:
- 14 tỷ đồng tăng về bù giá một số mặt hàng bán theo định lượng với giá ổn định cho cán bộ, công nhân viên chức, lực lượng vũ trang và các đối tượng chính sách.
- 4 tỷ đồng tăng phụ cấp đắt đỏ (15% và sau lại thêm 40%) cho cán bộ, công nhân viên chức, lực lượng vũ trang...
- Các khoản tăng chi do sửa chế độ học bổng, y tế phí, công tác phí, v.v. khoảng 1 tỷ đồng.
- Các địa phương dùng nguồn thu chênh lệch giá chi thêm cho các công trình xây dựng cơ bản ngoài kế hoạch và chi thêm phụ cấp lương, bù giá vào lương khoảng 11 tỷ đồng.
- Tăng bù lỗ hàng xuất khẩu 3 tỷ đồng do giá vốn hàng xuất khẩu tăng.
- Trợ cấp cho một số ngành và địa phương để khắc phục hậu quả bão lụt 1,5 tỷ đồng.
- Tăng chi hành chính sự nghiệp, quốc phòng, an ninh khoảng 5,9 tỷ đồng do giá cả tăng.
Trong tổng số chi 98,4 tỷ đồng, thì:
1. Chi xây dựng cơ bản ước thực hiện 29 tỷ đồng, tăng 7,7 tỷ đồng (tăng 36,2%) so với kế hoạch đầu năm:
- Vốn xây dựng cơ bản tập trung ước thực hiện 21 tỷ đồng, tăng 1 tỷ đồng so với kế hoạch. Chủ trương của Hội đồng Bộ trưởng sắp xếp lại đầu tư, hoãn thi công hoặc giãn tiến độ một số công trình để giảm 2 tỷ đồng vốn đầu tư đến tháng 7-1986 mới đề ra, nên những công trình cần hoãn hoặc giãn tiến độ thì đã làm xong hoặc vượt kế hoạch về vốn; đồng thời lại phải tăng thêm 1 tỷ đồng để đẩy tiến độ xây dựng một số công trình trọng điểm.
- Đầu tư xây dựng cơ bản bằng vốn tự có của ngân sách địa phương ước thực hiện 8 tỷ đồng, tăng 6,7 tỷ đồng so với kế hoạch đầu năm, chủ yếu do các địa phương dùng nguồn thu của địa phương, trong đó phần lớn là thu do chênh lệch giá để tăng vốn đầu tư hoặc khởi công xây dựng các công trình ngoài kế hoạch, và Bộ Tài chính không kiểm soát được.
2. Chi hành chính, sự nghiệp ước thực hiện 31,2 tỷ đồng, tăng 14,3 tỷ đồng (tăng 84,6%) so với kế hoạch để bảo đảm hoạt động bình thường của các sự nghiệp thăm dò địa chất, dầu khí, trạm trại nông nghiệp, bảo đảm giao thông, thủy lợi, nghiên cứu khoa học, giáo dục phổ thông, đào tạo cán bộ và công nhân, y tế, văn hóa, xã hội và duy trì hoạt động của bộ máy quản lý nhà nước, Đảng và các đoàn thể với mức giá tăng lên.
3. Chi bù giá các mặt hàng bán theo định lượng với giá ổn định ước 14 tỷ đồng.
Ngân sách nhà nước năm 1986 được Quốc hội phê chuẩn trong kỳ họp cuối tháng 12-1985 không ghi khoản chi bù giá.
Trong quá trình chấp hành ngân sách, trước tình hình giá cả biến động, Hội đồng Bộ trưởng chủ trương điều chỉnh giá thu mua thỏa thuận lương thực, lợn thịt và một số nông sản thực phẩm khác, đồng thời chỉ đạo việc bán một số mặt hàng theo định lượng với giá ổn định cho cán bộ, công nhân viên chức, lực lượng vũ trang và các đối tượng chính sách. Trong báo cáo trình bày tại kỳ họp của Quốc hội tháng 6-1986 vừa qua, Hội đồng Bộ trưởng đã dự tính khoản chi bù giá của ngân sách nhà nước.
Đến nay, khoản chi bù giá này ước 14 tỷ đồng, bao gồm:
- Về bù giá lương thực: do các ngành Vật tư, ngành Lương thực và các địa phương không quản lý chặt chẽ vật tư, hàng hóa để mua lương thực theo hợp đồng kinh tế; vật tư, hàng hóa lại không đủ, và do không quản lý chặt chẽ giá thu mua và giá giao nhận, nên phải chuyển hơn 40 vạn tấn thóc mua theo giá thỏa thuận đưa vào bán theo định lượng với giá ổn định, do đó ngân sách phải bù giá 4 tỷ đồng.
- Bù giá hàng nội thương 10 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là bù giá thịt lợn 7,5 tỷ đồng do giá tăng liên tục và Nhà nước phải mua hầu như hoàn toàn theo giá thỏa thuận ngang giá thị trường tự do; các mặt hàng khác (đường, nước chấm, chất đốt, xà phòng...) 2,5 tỷ đồng.
Về bội chi:
Mức bội chi ngân sách nhà nước năm 1986 được Quốc hội phê chuẩn trong kỳ họp cuối tháng 12-1985 là 8 tỷ đồng.
Trong quá trình chấp hành ngân sách nhà nước, Hội đồng Bộ trưởng đã đề ra một số chủ trương, biện pháp: chỉnh đốn khâu cung ứng vật tư nhằm đưa đến tay người sản xuất theo hợp đồng kinh tế để Nhà nước nắm được lương thực, nông sản theo giá cả hợp lý; bù giá một số mặt hàng bán theo định lượng với giá ổn định; tăng phụ cấp đắt đỏ và điều chỉnh giá mua thỏa thuận lương thực và một số nông sản. Tháng 9 vừa qua, trước tình hình đột biến về giá cả, Hội đồng Bộ trưởng đã tính lại ngân sách nhà nước năm 1986 trình Bộ Chính trị với tổng số thu 65 tỷ đồng, tổng số chi 80 tỷ đồng, bội chi 15 tỷ đồng (chiếm 18,7% tổng số chi ngân sách nhà nước).
Đến nay, ngân sách nhà nước năm 1986 ước thực hiện tổng số thu 83,4 tỷ đồng, tổng số chi 98,4 tỷ đồng, bội chi 15 tỷ đồng, chiếm 15,2% tổng số chi ngân sách nhà nước (mức bội chi đã được Quốc hội phê chuẩn trong kỳ họp cuối tháng 12-1985 là 8 tỷ đồng, chiếm 13,8% tổng số chi ngân sách nhà nước).
PHẦN THỨ HAI
DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 1987
Năm 1987 là năm đầu thực hiện phương hướng, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 1986-1990 do Đại hội lần thứ VI của Đảng đề ra.
Dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội lần thứ VI của Đảng, căn cứ vào nhiệm vụ, mục tiêu kế hoạch kinh tế - xã hội của Nhà nước năm 1987 và tiếp tục thực hiện kết luận của Bộ Chính trị (tháng 9-1986) và của Hội nghị Trung ương lần thứ 10 (khóa V) về những biện pháp cấp bách về giá - lương - tiền nhằm góp phần ổn định tình hình, hãm tốc độ tăng giá và sau khi tính toán các yếu tố, Hội đồng Bộ trưởng trình Quốc hội dự toán ngân sách nhà nước năm 1987 như sau:
VỀ THU:
Dự toán thu ngân sách nhà nước năm 1987 được tính trên cơ sở các chỉ tiêu kế hoạch nhà nước, tổng sản phẩm xã hội tăng 7,8% so với năm 1986, thu nhập quốc dân sản xuất tăng 7,9%, giá trị tổng sản lượng nông nghiệp tăng 6,2%, v.v. và theo tinh thần đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, tài chính, tích cực khai thác các nguồn thu và tăng thu, tiết kiệm chi.
Dự kiến tổng số thu 120 tỷ đồng, tăng hơn năm 1986 là 43,9% (36,6 tỷ đồng).
A. Thu trong nước dự kiến 100 tỷ đồng, chiếm 83,3% tổng số thu ngân sách nhà nước, tăng hơn năm 1986 là 52,9% (34,6 tỷ đồng):
1. Thu từ khu vực kinh tế quốc doanh dự kiến 64 tỷ đồng, tăng 19,3 tỷ đồng (43,2%) so với năm 1986, bằng 64% tổng số thu trong nước, dựa trên cơ sở giá trị tổng sản lượng công nghiệp tăng 9%, khối lượng vận tải hàng hóa tăng 3,8%, giá trị hàng hóa xuất khẩu tăng 16,4%, giá trị hàng hóa nhập khẩu tăng 14,7%, tổng mức hàng hóa thu mua, huy động trong nước tăng 60%, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ trên thị trường có tổ chức tăng 40% so với năm 1986.
a) Thu nhập thuần túy tập trung là khoản thu lớn nhất trong ngân sách nhà nước, dự kiến 58 tỷ đồng, chiếm 58% tổng số thu trong nước và tăng 16,7 tỷ đồng (40,4%) so với năm 1986 từ các nguồn sau đây:
+ Tăng thu do tăng năng suất lao động, tăng tổng sản phẩm xã hội.
+ Tăng thu do điều chỉnh giá bán vật tư nguyên liệu, hàng tiêu dùng nhập khẩu và sản xuất trong nước.
+ Tăng thu do tiết kiệm nguyên nhiên vật liệu, hạ giá thành và phí lưu thông.
b) Thu khấu hao cơ bản và thu nợ tín dụng đầu tư xây dựng cơ bản dự kiến 5 tỷ đồng, trong đó khấu hao cơ bản 4 tỷ đồng, chủ yếu do điều chỉnh giá tài sản cố định cho phù hợp với hệ thống giá bán buôn vật tư, thiết bị và đơn giá xây dựng cơ bản đã được xác định.
2. Thu thuế dự kiến 30 tỷ đồng, tăng 98,7% so với năm 1986.
a) Thuế công thương nghiệp dự kiến 18 tỷ đồng, tăng 140% so với năm 1986 do phát triển sản xuất tiểu thủ công nghiệp, kết hợp thu thuế với cải tạo và quản lý thị trường, thực hiện đúng Pháp lệnh thuế công thương nghiệp, đẩy mạnh công tác quản lý thu thuế, thu đúng chính sách, thu đủ và sát giá thị trường.
b) Thuế hải quan dự kiến 4 tỷ đồng, xấp xỉ năm 1986 được tính trên cơ sở quản lý chặt chẽ số hàng hóa nhập qua đường phi mậu dịch và tăng cường quản lý, thu sát giá thị trường, chống thất thu thuế.
c) Thuế xuất, nhập khẩu mậu dịch dự kiến 3 tỷ đồng được tính trên cơ sở Nhà nước sẽ ban hành chính sách thuế xuất, nhập khẩu vào đầu năm 1987 đối với hàng tiêu dùng. Trường hợp Nhà nước chưa ban hành chính sách thuế thì sẽ tăng thu chênh lệch giá xuất, nhập khẩu của các ngành và các địa phương.
d) Thuế nông nghiệp dự kiến 5 tỷ đồng, tăng 1,5 tỷ đồng (42,5%) so với năm 1986 trên cơ sở tăng cường đôn đốc, kiểm tra chống thất thu, thu thuế đúng Pháp lệnh khoảng 1,5 triệu tấn quy thóc (trong đó thu hiện vật khoảng 1,2 triệu tấn), thu thuế vườn, cây lâu năm theo sát sản lượng và sát giá thị trường.
B. Thu ngoài nước dự kiến 20 tỷ đồng, chiếm 16,7% tổng số thu ngân sách nhà nước, trên cơ sở kim ngạch vay nợ, viện trợ khoảng 1.395 triệu rúp và đô la, sau khi đã trừ khoản bù chênh lệch xuất, nhập khẩu 5 tỷ đồng (lỗ hàng xuất dự tính 11 tỷ đồng, lãi hàng nhập 6 tỷ đồng).
VỀ CHI:
Tổng số chi ngân sách nhà nước dự kiến mức tối thiểu là 130 tỷ đồng, tăng 32,1% (31,6 tỷ đồng) so với năm 1986.
1. Chi đầu tư xây dựng cơ bản dự kiến 26 tỷ đồng, gồm 22 tỷ đồng đầu tư cho các công trình thuộc nguồn vốn tập trung của Trung ương và 4 tỷ đồng thuộc nguồn vốn ngân sách địa phương và vốn tự có của các đơn vị cơ sở (xổ số kiến thiết, kết dư ngân sách, khấu hao cơ bản, quỹ phát triển sản xuất...).
2. Vốn lưu động và dự trữ vật tư nhà nước dự kiến 2,5 tỷ đồng, để dự trữ thiết bị nhập khẩu đưa vào lắp đặt, dự trữ lương thực, một số vật tư chiến lược và cấp vốn lưu động cho các xí nghiệp và tổ chức kinh tế mới đưa vào sản xuất - kinh doanh.
3. Chi chuyển dân đi xây dựng vùng kinh tế mới dự kiến 1 tỷ đồng, để thực hiện chỉ tiêu kế hoạch chuyển 14 vạn lao động với 30 vạn nhân khẩu đi khai hoang xây dựng các vùng kinh tế mới (bao gồm chi phí vận chuyển, trợ cấp mua lương thực, thuốc men, công cụ lao động, giúp đỡ đồng bào tổ chức sản xuất trong thời gian mới đến).
Vốn xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật của vùng kinh tế mới được dự trù trong mục chi về đầu tư xây dựng cơ bản nói ở điểm 1 trên đây.
4. Chi trả nợ dự kiến 3,5 tỷ đồng để trả một số khoản vay nóng đến hạn phải trả và khoản lãi nợ đến hạn không thể hoãn khoảng 200 triệu rúp và đô la.
5. Chi bù lỗ sản xuất - kinh doanh dự kiến 2 tỷ đồng để bù lỗ một số vật tư, hàng hóa do chính sách của Nhà nước như sắt, thép sản xuất trong nước, vật tư phục vụ nông nghiệp, sữa (cho trẻ em và người ốm), giấy viết (cho học sinh)... do giá thành còn cao và giá bán giữ ổn định.
6. Chi hành chính, sự nghiệp dự kiến 37 tỷ đồng, tăng 18,6% so với năm 1986 và chiếm 28,5% tổng số chi ngân sách nhà nước.
Số kinh phí dự kiến tăng thêm chủ yếu để thực hiện các chế độ, chính sách dự kiến sẽ được bổ sung như phụ cấp chênh lệch giá sinh hoạt theo vùng, tiền ăn, tiền thuốc của bệnh viện, học bổng, hội nghị phí, công tác phí, chi nhà trẻ...
Trong tổng số chi hành chính, sự nghiệp nói trên thì:
- Chi thăm dò địa chất, dầu khí và các sự nghiệp kinh tế khác 7,4 tỷ đồng, tăng 13,8% so với năm 1986.
- Chi nghiên cứu khoa học: 1,1 tỷ đồng, tăng 57,1% so với năm 1986 (chưa kể vốn xây dựng cơ bản và khoản thu để bổ sung thêm yêu cầu chi).
- Chi đào tạo cán bộ và công nhân kỹ thuật 3,8 tỷ đồng, tăng 26,7% so với năm 1986.
- Chi giáo dục 6 tỷ đồng, tăng 50% so với năm 1986.
- Chi y tế 5 tỷ đồng, tăng 42,9% so với năm 1986.
- Chi bảo hiểm xã hội và các sự nghiệp xã hội khác 6,5 tỷ đồng, tăng 30% so với năm 1986.
- Chi hành chính (quản lý nhà nước) 5,5 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 1986.
7. Chi bù giá 6 mặt hàng bán theo định lượng với giá ổn định dự kiến 20 tỷ đồng, tăng 42,9% so với năm 1986, bao gồm:
- Thịt lợn bù 13,5 tỷ đồng, trên cơ sở tính số thịt lợn bán ra 9 vạn tấn (quy xô lọc), mức bù bình quân khoảng 140 - 150 đồng/kg trên cơ sở Nhà nước phải nắm cho được 30 - 40 vạn tấn cám trong khối lượng thóc huy động của Nhà nước, quy định việc sử dụng số thóc trên diện tích dành cho chăn nuôi để ổn định giá mua hợp lý, không bị động theo giá thị trường tự do.
- Đường bù 4,1 tỷ đồng cho 4,5 vạn tấn đường, mức bù bình quân 92.000 đồng/tấn.
- Nước chấm bù 0,38 tỷ đồng cho 38 triệu lít, mức bù bình quân 10 đồng/lít.
- Chất đốt bù 1,3 tỷ đồng cho 1,8 triệu tấn (quy than), mức bù bình quân 700 đồng/tấn.
- Xà phòng bù 0,690 tỷ đồng cho 11.500 tấn, mức bù bình quân 60.000 đồng/tấn.
- Lương thực: căn cứ chỉ tiêu kế hoạch huy động lương thực năm 1987, cần phải quản lý chặt chẽ các khâu để với số thóc thuế thu được 1,2 triệu tấn và với quỹ vật tư hàng hóa đủ thu mua theo hợp đồng kinh tế với nông dân 2,5 triệu tấn thóc, để bảo đảm đủ nhu cầu lương thực bán theo định lượng với giá vốn bình quân không vượt quá giá bán lẻ ổn định để ngân sách nhà nước không phải bù lỗ.
Trong tổng số 20 tỷ đồng chi cho bù giá có 4 tỷ đồng được hạch toán vào giá thành và phí lưu thông làm giảm thu của các xí nghiệp quốc doanh, còn 16 tỷ đồng ghi vào dự toán chi ngân sách nhà nước năm 1987.
8. Dự kiến chi phụ cấp chênh lệch giá theo vùng khoảng 14 tỷ đồng. Trong điều kiện giá cả chưa ổn định, để giảm bớt khó khăn cho cán bộ, công nhân, viên chức, lực lượng vũ trang và các đối tượng khác, dự tính bổ sung khoản trợ cấp trượt giá khoảng 60% lương cơ bản.
9. Dự bị phí: ngân sách nhà nước năm 1987 xây dựng trong điều kiện nền kinh tế - tài chính và tiền tệ chưa ổn định, một số khoản thu, chi chưa được tính toán chắc chắn và đầy đủ, do đó, dự bị phí dự kiến 4 tỷ đồng, bằng 3,1% tổng số chi ngân sách nhà nước, và như vậy là quá mỏng.
Với dự kiến chi và với nguồn thu có thể tập trung được như trên, Hội đồng Bộ trưởng đề nghị Quốc hội cho phép ngân sách nhà nước năm 1987 bội chi 10% tổng số chi ngân sách nhà nước (năm 1986 tỷ lệ bội chi ước 15,2%) để phù hợp với tình hình giá cả còn chưa ổn định.
Thưa Đoàn Chủ tịch Quốc hội,
Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,
Để thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ VI của Đảng nhằm đạt mục tiêu từng bước ổn định tình hình kinh tế - xã hội, đạt kế hoạch ngân sách nhà nước năm 1987, Hội đồng Bộ trưởng đề nghị một số biện pháp như sau:
1. Xúc tiến việc tổ chức và sắp xếp lại sản xuất theo các ngành kinh tế - kỹ thuật, trước hết là các đơn vị sản xuất - kinh doanh nhằm đạt hiệu quả thiết thực, tránh chồng chéo, thực hiện liên kết giữa cơ sở và vùng nguyên liệu với các nhà máy chế biến công nghiệp, bảo đảm nguồn nguyên liệu ổn định, kết hợp hài hòa lợi ích của các cơ sở nông nghiệp và công nghiệp, giảm bớt khâu trung gian. Phát triển lực lượng sản xuất của 5 thành phần kinh tế, chú ý khuyến khích phát triển kinh tế gia đình.
Hội đồng Bộ trưởng sẽ điều hành thống nhất việc sử dụng nguồn ngoại tệ để nhập thêm phân bón, thuốc trừ sâu cho nông nghiệp, nhập thêm vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất hàng tiêu dùng và xuất khẩu.
Tập trung vật tư, tiền vốn cho ba chương trình đồng bộ có mục tiêu là lương thực - thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu.
Bảo đảm cân đối các điều kiện cho sản xuất như năng lượng, nguyên liệu, vật tư để nâng cao mức sử dụng công suất máy móc thiết bị của những cơ sở quốc doanh hiện có, trước hết là các cơ sở sản xuất hàng tiêu dùng nhằm đẩy mạnh sản xuất, tăng năng suất lao động và nâng cao chất lượng sản phẩm, phấn đấu tăng tổng sản phẩm xã hội và thu nhập quốc dân khoảng 10% so với năm 1986.
2. Các đơn vị sản xuất - kinh doanh triển khai thực hiện rộng rãi Nghị quyết (dự thảo) số 306 của Bộ Chính trị, Nghị quyết và các văn bản quy định cụ thể của Hội đồng Bộ trưởng nhằm bảo đảm quyền chủ động của cơ sở, nhất là quyền chủ động về tài chính, chuyển mạnh sang hạch toán kinh tế và kinh doanh xã hội chủ nghĩa. Thực hiện đúng các định mức tiêu hao vật tư, lao động đã ban hành; rà soát lại kết cấu giá thành, loại bỏ những chi phí không hợp lý và có biện pháp quản lý chặt chẽ để giảm giá thành và phí lưu thông trong khu vực kinh tế quốc doanh, phấn đấu đạt và vượt mức nhiệm vụ thu đã ghi trong dự toán ngân sách nhà nước năm 1987.
Đối với những đơn vị và sản phẩm còn đang bị lỗ, các đơn vị cơ sở và các cơ quan chủ quản cấp trên cần có biện pháp tổ chức sắp xếp lại sản xuất, củng cố tổ chức và đổi mới cơ chế quản lý hoặc chuyển hướng sản xuất - kinh doanh để sau 6 tháng không còn bị lỗ nữa, trừ những đơn vị và sản phẩm bị lỗ do chính sách của Nhà nước.
3. Trên cơ sở thực hiện kế hoạch sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp và hàng tiêu dùng, Nhà nước tập trung các nguồn hàng và phân phối có kế hoạch, làm chủ thị trường nhằm hãm tốc độ tăng giá, điều chỉnh những giá không hợp lý, từng bước ổn định giá; tạo điều kiện thực hiện đầy đủ ngân sách nhà nước năm 1987.
Tập trung vật tư, hàng hóa đưa vào hợp đồng kinh tế để Nhà nước mua được phần lớn số lương thực thừa và nông sản thực phẩm hàng hóa theo giá cả hợp lý. Thực hiện cân đối lương thực trên từng địa bàn và điều hòa giữa nơi thừa sang nơi thiếu, giữa các vùng trong nước, để tập trung được toàn bộ nguồn lương thực về thuế nông nghiệp, thủy lợi phí, công cày máy và mua theo hợp đồng kinh tế, đủ cung ứng theo định lượng và giá ổn định cho các đối tượng mà Nhà nước phải chăm lo.
Tổ chức lại việc xay xát số lương thực huy động để Nhà nước nắm toàn bộ số cám cung ứng cho các cơ sở chăn nuôi quốc doanh và hợp tác xã hoặc gia công cho các gia đình chăn nuôi để mua lại thịt; đồng thời quản lý tốt số lương thực trên 15% diện tích đất dành cho chăn nuôi ở các hợp tác xã nông nghiệp để mua thịt lợn với giá hợp lý và phân phối cho nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, giảm chi bù lỗ của ngân sách.
4. Đẩy mạnh xuất nhập khẩu, giải quyết giá cả và tỷ giá hối đoái hợp lý nhằm khuyến khích các ngành, các địa phương mở rộng nguồn hàng xuất khẩu, bảo đảm lợi ích của Nhà nước với cơ sở và người sản xuất. Chấm dứt tình trạng các công ty xuất, nhập khẩu tranh mua hàng xuất khẩu, đẩy giá lên cao. Sắp xếp lại tổ chức xuất, nhập khẩu trên từng khu vực, có sự tham gia của các địa phương dưới sự quản lý thống nhất của Bộ Ngoại thương; đồng thời Nhà nước có chính sách phân phối lợp lý quyền sử dụng ngoại tệ để nhập vật tư, hàng hóa cho những đơn vị làm hàng xuất khẩu.
Nhu cầu ngoại tệ để nhập thiết bị, vật tư, nguyên liệu cho sản xuất và trả nợ đến hạn khá lớn. Vì vậy, một mặt phải đẩy mạnh xuất khẩu, mặt khác, tìm mọi biện pháp khai thác các nguồn ngoại tệ và thống nhất quản lý ngoại tệ vào Ngân hàng Nhà nước. Đồng thời, có chính sách ưu tiên nhập khẩu vật tư cần thiết cho sản xuất hàng xuất khẩu. Tăng cường cơ sở vật chất, cải tiến chính sách và nghiệp vụ nhằm mở rộng hoạt động của ngành du lịch và các loại dịch vụ như hàng không và cung ứng tàu biển để tăng thu ngoại tệ. Có chính sách khuyến khích người Việt Nam ở nước ngoài góp vốn và kỹ thuật để xây dựng đất nước, sửa đổi lại tỷ giá kiều hối, có chính sách khuyến khích đối với người gửi tiền về nước.
5. Cải tiến và mở rộng lưu thông hàng hóa, bảo đảm cho thương nghiệp quốc doanh và hệ thống hợp tác xã mua bán thông qua hợp đồng kinh tế với giá cả thỏa đáng để mua tuyệt đại bộ phận hàng công nghiệp và nông sản hàng hóa nhằm phân phối đến tay người tiêu dùng. Các xí nghiệp, các tổ chức kinh tế quốc doanh và các hợp tác xã làm gia công có trách nhiệm giao toàn bộ sản phẩm hàng hóa theo hợp đồng cho thương nghiệp quốc doanh. Chấm dứt tình trạng các đơn vị tự ý giữ lại một phần sản phẩm để trao đổi với đơn vị khác, hoặc làm phần thưởng, bán rẻ nội bộ, bán thu chênh lệch giá, bảo đảm cho Nhà nước nắm được hàng, quản lý được thị trường, phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân và tập trung được nguồn thu vào ngân sách nhà nước.
6. Tiếp tục công tác cải tạo công thương nghiệp tư nhân kết hợp với công tác quản lý thị trường và thu thuế. Các ngành, các địa phương cần củng cố các tổ chức liên doanh, hợp doanh theo đúng điều lệ. Đồng thời, cần củng cố bộ máy, kiện toàn đội ngũ cán bộ tài chính và chỉ đạo thực hiện nghiêm chỉnh Pháp lệnh thuế công thương nghiệp và những điểm mới bổ sung sửa đổi trong Pháp lệnh; bảo đảm thu đúng đối tượng, thuế suất thuế biểu, mặt hàng chịu thuế, giá tính thuế, doanh thu chịu thuế...
Tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm minh và kịp thời các hoạt động đầu cơ, nâng giá, buôn lậu, kinh doanh trái phép, mua bán các loại hàng do Nhà nước thống nhất quản lý. Những hộ bán hàng hóa với giá cao, gây hỗn loạn thị trường phải chịu thuế suất đặc biệt và hàng buôn bán trái phép phải bị tịch thu đưa vào công quỹ.
Đẩy mạnh thu thuế nông nghiệp (kể cả đối với cây hàng năm và cây lâu năm, vườn cây ăn quả...) bằng cách rà soát lại diện tích, sản lượng tính thuế theo đúng Pháp lệnh. Tổ chức kiểm tra, đối chiếu, xác định thuế tồn đọng, có biện pháp thu đủ số thuế nông nghiệp còn thiếu từ năm 1983 đến nay.
7. Để thu hút một phần tiền mặt trong nhân dân, cần vận động nhân dân gửi tiết kiệm với lãi suất có bảo hiểm, lãi suất cao không có bảo hiểm, mở rộng hoạt động xổ số kiến thiết và vận động rộng rãi phong trào nhân dân mua công trái xây dựng Tổ quốc.
Mở rộng các hình thức bảo hiểm nhà nước đối với tài sản quốc doanh, tập thể và nhân dân (chú trọng nông nghiệp) và đối với con người để vừa giảm chi cho ngân sách nhà nước, vừa có quỹ dự trữ để phòng thiên tai và tai nạn rủi ro, bảo đảm ổn định sản xuất và đời sống nhân dân.
8. Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư xây dựng cơ bản, tập trung vật tư, lao động, tiền vốn cho các công trình trọng điểm của kế hoạch kinh tế - xã hội, trước hết là các công trình về nông nghiệp, công nghiệp hàng tiêu dùng, xuất khẩu... Phải đưa vào kế hoạch nhà nước thống nhất các nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản của Trung ương, địa phương và cơ sở để cân đối vật tư, tiền vốn và năng lực thi công; khắc phục tình trạng đầu tư ngoài kế hoạch, phân tán, không mang lại hiệu quả thiết thực.
9. Thực hành chính sách tiết kiệm nghiêm ngặt trong sản xuất, xây dựng và tiêu dùng. Giảm chi tiêu hành chính và quản lý nhà nước mà khâu chính là sắp xếp lại tổ chức, thu gọn bộ máy, bớt các đầu mối và khâu trung gian, để giảm biên chế hành chính và biên chế gián tiếp trong các cơ quan, cơ sở sản xuất - kinh doanh. Trong năm 1987, phấn đấu giảm ít nhất 10% so với biên chế hiện có để chuyển sang sản xuất, kinh doanh và dịch vụ. Hết sức tiết kiệm trong chi tiêu hành chính, sự nghiệp, tránh phô trương, lãng phí.
10. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tài chính đối với các đơn vị sản xuất - kinh doanh bảo đảm việc chấp hành đúng pháp luật của Nhà nước; thường xuyên kiểm tra giá thành, phí lưu thông, kiểm tra việc chấp hành ngân sách nhà nước, chế độ nộp tiền mặt vào Ngân hàng, chế độ giao sản phẩm theo hợp đồng kinh tế. Nghiêm cấm việc lập các quỹ trái phép và để các nguồn thu của Nhà nước ngoài ngân sách. Xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm chính sách và Pháp lệnh về thuế, giữ vững trật tự và kỷ cương trong quản lý kinh tế tài chính theo cơ chế hạch toán kinh tế và kinh doanh xã hội chủ nghĩa, đấu tranh chống tệ nạn hối lộ, tham nhũng và các biểu hiện tiêu cực khác.
Thưa Đoàn Chủ tịch Quốc hội,
Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,
Để góp phần tạo nên một sự chuyển biến mới về kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội lần thứ VI của Đảng, từng bước ổn định tình hình kinh tế, tài chính, phấn đấu giảm bội chi ngân sách, giảm lạm phát, hãm tốc độ tăng giá, hạn chế tác động qua lại giữa tiền và giá theo phương hướng: tập trung điều kiện phục vụ sản xuất nông nghiệp và công nghiệp hàng tiêu dùng phát triển, cải tiến lưu thông phân phối, trên cơ sở đó, thực hiện chính sách động viên công bằng hợp lý và tập trung các nguồn thu vào ngân sách nhà nước, triệt để tiết kiệm chi, nâng cao hiệu quả của việc phân phối và phân phối lại thu nhập quốc dân, thực hiện công bằng xã hội.
Hội đồng Bộ trưởng sẽ chỉ đạo các ngành, các cấp phấn đấu thực hiện những biện pháp kể trên, nhằm tạo ra sự chuyển biến mới trong việc phát triển kinh tế - xã hội, biến Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI thành hiện thực, bảo đảm kế hoạch nhà nước và ngân sách nhà nước năm 1987 được thực hiện thắng lợi.
Hội đồng Bộ trưởng đề nghị Quốc hội xem xét và quyết định dự toán ngân sách nhà nước năm 1987.
DỰ TOÁN THU NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 1987
Đơn vị: tỷ đồng
Nội dung các khoản thu
|
Năm 1986
|
Dự toán năm 1987
|
So sánh (%)
|
|
Dự toán Quốc hội phê chuẩn
|
Ước thực hiện
|
|
Ước thực hiện 1986 so dự toán 1986
|
Dự toán 1987 so ước thực hiện 1986
|
|
TỔNG SỐ THU
|
50
|
83,4
|
120
|
166,8
|
143,9
|
|
A- THU TRONG NƯỚC
|
32,5
|
65,4
|
100
|
201,2
|
152,9
|
|
I- Thu từ kinh tế quốc doanh
|
22,2
|
44,7
|
64
|
201,3
|
143,2
|
|
1. Thu nhập thuần túy tập trung
|
15,5
|
41,3
|
58
|
266,4
|
140,4
|
|
- Thu quốc doanh
|
7,3
|
10
|
30
|
137,0
|
300,0
|
|
- Lợi nhuận
|
6
|
11,3
|
10
|
188,3
|
88,5
|
|
- Chênh lệch giá
|
2,2
|
20
|
18
|
909,1
|
90,0
|
|
2. Thu khấu hao cơ bản và thu nợ tín dụng đầu tư xây dựng cơ bản
|
2
|
2
|
5
|
100
|
250,0
|
|
3. Thu sự nghiệp và khác
|
0,7
|
1,4
|
1
|
200
|
71,4
|
|
II- Thu từ kinh tế tập thể và cá thể
|
8,2
|
15,1
|
30
|
184,1
|
198,7
|
|
1. Thuế công thương nghiệp
|
4
|
7,5
|
18
|
187,5
|
240,0
|
|
2. Thuế hải quan
|
1,2
|
4,1
|
4
|
|
97,6
|
|
3. Thuế xuất nhập khẩu mậu dịch
|
1,2
|
|
3
|
|
|
|
4. Thuế nông nghiệp
|
3
|
3,5
|
5
|
116,7
|
142,9
|
|
III- Thu khác
|
2,1
|
5,6
|
6
|
266,7
|
107,1
|
|
1. Xổ số kiến thiết
|
0,8
|
1,5
|
3
|
187,5
|
200,0
|
|
2. Công trái quốc gia
|
0,5
|
|
1,5
|
|
|
|
3. Các khoản khác
|
0,8
|
4,1
|
1,5
|
512,5
|
36,6
|
|
B- THU NGOÀI NƯỚC
|
17,5
|
18
|
20
|
102,8
|
111,1
|
|
Tổng số thu
|
50
|
83,4
|
120
|
|
|
|
Tổng số chi
|
58
|
98,4
|
130
|
|
|
|
Bội chi
|
-8
|
-15
|
-10
|
|
|
|
Tỷ lệ bội chi (%)
|
13,8
|
15,2
|
7,7
|
|
|
|
DỰ TOÁN CHI NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 1987
Đơn vị: tỷ đồng
Nội dung các khoản chi
|
Năm 1986
|
Dự toán năm 1987
|
Tỷ lệ so sánh (%)
|
|
Dự toán Quốc hội phê chuẩn
|
Ước thực hiện
|
|
Ước thực hiện 1986 so dự toán 1986
|
Dự toán 1987 so ước thực hiện 1986
|
|
TỔNG SỐ CHI
|
58
|
98,4
|
130
|
169,7
|
132,1
|
|
Trong đó:
|
|
|
|
|
|
|
1. Chi đầu tư xây dựng cơ bản
|
21,3
|
29
|
26
|
136,2
|
89,7
|
|
+ Vốn tập trung của Trung ương
|
20
|
21
|
22
|
105,0
|
104,8
|
|
+ Vốn tự có của địa phương
|
1,3
|
8
|
4
|
615,4
|
50,0
|
|
2. Vốn lưu động và dự trữ vật tư nhà nước
|
0,3
|
1,8
|
2,5
|
600,0
|
138,9
|
|
3. Chi chuyển dân đi kinh tế mới
|
0,3
|
0,4
|
1,0
|
133,3
|
250,0
|
|
4. Viện trợ C + K
|
0,5
|
0,8
|
1,2
|
160,0
|
150,0
|
|
5. Trả nợ nước ngoài
|
1,0
|
1,2
|
3,5
|
120,0
|
291,7
|
|
6. Chi hành chính sự nghiệp
|
16,9
|
31,2
|
37,0
|
184,6
|
118,6
|
|
- Chi sự nghiệp kinh tế
|
3,2
|
6,5
|
7,4
|
203,1
|
113,8
|
|
- Chi nghiên cứu khoa học
|
0,7
|
0,7
|
1,1
|
100,0
|
157,1
|
|
- Chi đào tạo
|
1,5
|
3,0
|
3,8
|
200,0
|
126,7
|
|
- Chi về văn hóa, xã hội
|
9,1
|
16,0
|
19,2
|
175,8
|
120,0
|
|
Trong đó:
|
|
|
|
|
|
|
+ Giáo dục phổ thông
|
2,4
|
4,0
|
6,0
|
166,7
|
150,0
|
|
+ Y tế
|
2,2
|
3,5
|
5,0
|
159,1
|
142,9
|
|
+ Xã hội
|
3,5
|
5,0
|
6,5
|
142,9
|
130,0
|
|
- Chi hành chính
|
2,4
|
5,0
|
5,5
|
208,3
|
110,0
|
|
7. Bù lỗ sản xuất, kinh doanh
|
2,0
|
1,5
|
2,0
|
75,0
|
133,3
|
|
8. Bù giá các mặt hàng bán định lượng
|
|
14,0
|
16,01
|
|
114,3
|
|
9. Chi khác
|
0,7
|
2,0
|
3,0
|
285,7
|
150,0
|
|
10. Chi phụ cấp chênh lệch giá sinh hoạt theo vùng
|
|
|
14
|
|
|
|
11. Dự bị phí
|
3,0
|
|
4
|
|
|
|