BÁO CÁO
CỦA ỦY BAN PHÁP LUẬT CỦA QUỐC HỘI
VỀ DỰ THẢO LUẬT HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH
(Do ông Trần Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội,
trình bày tại kỳ họp thứ 12, Quốc hội khóa VII)
Thưa các đồng chí đại biểu,
Tại kỳ họp thứ 11 (tháng 6-1986), Quốc hội đã ra Nghị quyết giao cho Hội đồng Nhà nước công bố Dự thảo Luật hôn nhân và gia đình để nhân dân tham gia ý kiến.
Thi hành Nghị quyết đó của Quốc hội, ngày 30-7-1986, Hội đồng Nhà nước đã công bố toàn văn Dự thảo Luật, và đã có công văn giao nhiệm vụ cho các tỉnh, thành và các ngành trong cả nước tổ chức tốt việc nhân dân thảo luận và góp ý kiến.
Ủy ban pháp luật của Quốc hội, với sự giúp đỡ của Hội đồng dân tộc, Ủy ban y tế và xã hội, Ủy ban thanh niên, thiếu niên và nhi đồng, đã cùng Ban Dự thảo Luật của Hội đồng Bộ trưởng nghiên cứu kỹ những ý kiến của cán bộ và nhân dân, chỉnh lý thành bản dự thảo mới trình ra Quốc hội tại kỳ họp này.
Thưa các đồng chí đại biểu,
Dự thảo Luật hôn nhân và gia đình đã được xây dựng một cách công phu, với tinh thần khẩn trương, thận trọng.
Để có căn cứ xây dựng Dự thảo Luật, Ban dự thảo đã cử nhiều đoàn đi điều tra, khảo sát tình hình quan hệ hôn nhân và gia đình ở 48 điểm thuộc các vùng khác nhau của 13 tỉnh, thành thuộc đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long, vùng trung du, vùng biên giới phía Bắc và phía Tây Nam, vùng tập trung các dân tộc thiểu số, tập trung dân cư theo các tôn giáo, và đã thu thập được nhiều số liệu về tình hình dân số, sinh đẻ, kết hôn, ly hôn, trẻ mồ côi, v.v.. Đối với một số vấn đề về hôn nhân và gia đình mà có quan hệ nhiều đến các lĩnh vực y học, di truyền học, xã hội học, tâm lý học, dân tộc học, dân số học, luật học, v.v. nhiều buổi tọa đàm, hội thảo đã được tổ chức để lấy ý kiến của các nhà khoa học. Dự thảo Luật được gửi nhiều lần đến các địa phương và các ngành ở Trung ương để tranh thủ ý kiến, và cũng đã hai lần được đưa ra để xin ý kiến của các đồng chí đại biểu Quốc hội. Trong một thời gian từ sau ngày 30-7 (ngày công bố Dự thảo Luật) đến hết tháng 10 vừa qua, một đợt mới thảo luận Dự thảo Luật lại được đông đảo cán bộ và nhân dân trong cả nước hưởng ứng và tham gia sôi nổi. Đây là một đợt sinh hoạt quan trọng, vừa góp phần nâng cao nhận thức của đồng bào về chế độ hôn nhân gia đình xã hội chủ nghĩa, vừa phát huy tính tích cực của nhân dân tham gia xây dựng pháp luật. ở nhiều nơi Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Hội liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, các cơ quan tư pháp, các cơ quan tuyên truyền đã ra sức tổ chức chu đáo các cuộc thảo luận. Có nơi đã tổ chức bồi dưỡng đội ngũ báo cáo viên hoặc cử cán bộ lãnh đạo của Hội liên hiệp Phụ nữ và của Sở Tư pháp về một số huyện, thị xã và cơ sở để báo cáo nội dung Dự thảo Luật, góp phần nâng cao chất lượng của việc đóng góp ý kiến. Một số địa phương vùng dân tộc thiểu số như Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Thái, Hà Tuyên, Hoàng Liên Sơn, Lai Châu, Đắc Lắc, Gia Lai - Kon Tum, v.v. đã cố gắng làm tốt việc lấy ý kiến của đồng bào và đã thu thập được nhiều ý kiến và nguyện vọng đáng chú ý của đồng bào trên lĩnh vực này.
Chúng tôi nghĩ rằng, việc xây dựng Dự thảo Luật hôn nhân và gia đình được tiến hành công phu như vậy là cần thiết và rất có ý nghĩa. Gia đình là tế bào của xã hội, quan điểm cơ bản đó của chủ nghĩa Mác - Lênin đã được trang trọng ghi nhận trong Hiến pháp 1980 của nước ta và đã trở thành tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt nội dung các điều khoản của Dự thảo Luật. Xây dựng gia đình tốt không phải chỉ là vì lợi ích của bản thân mỗi gia đình riêng lẻ, mà chính còn là để tạo ra các tế bào lành mạnh của một cơ thể xã hội lành mạnh. Công cuộc xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa của chúng ta không thể tách rời các gia đình, mà phải bắt đầu từ các gia đình, gia đình có tốt thì xã hội mới tốt, xã hội mà tốt thì gia đình càng tốt.
Qua các đợt thảo luận trước đây cũng như trong đợt thảo luận lần này, hầu hết các ý kiến đều hoan nghênh chủ trương ban hành một đạo luật mới về hôn nhân và gia đình thay thế Luật hôn nhân và gia đình năm 1959.
Từ sau ngày thống nhất đất nước, cả nước độc lập, tự do, và tiến lên chủ nghĩa xã hội, tình hình chung đã có nhiều thay đổi. Bên cạnh những vấn đề liên quan đến chế độ hôn nhân và gia đình mà ngày nay đã trở thành tập quán tốt, cần được bảo vệ và phát huy, cũng có nhiều vấn đề mới cần được thể chế hóa và đưa vào pháp luật.
Nội dung các quy định của dự thảo luật mới thấu suốt tinh thần kế thừa và nâng cao các truyền thống tốt đẹp trong quan hệ hôn nhân và gia đình của xã hội Việt Nam: tình nghĩa vợ chồng thủy chung; sức mạnh "thuận vợ, thuận chồng tát biển Đông cũng cạn"; "của chồng công vợ"; mối quan hệ yêu thương và đùm bọc giữa cha mẹ và con cái, giữa ông bà và các cháu, giữa anh chị em trong một gia đình, v.v.. Đặc biệt, Dự thảo Luật đã kế thừa và phát triển Luật hôn nhân và gia đình năm 1959 mà sau gần 30 năm thi hành, nhiều quy định đã trở thành thói quen mới, đã đi vào nếp sống của con người Việt Nam, như vấn đề tuổi kết hôn; chế độ hôn nhân tự nguyện; một vợ, một chồng; vợ chồng bình đẳng; gia đình dân chủ, hòa thuận; bảo vệ bà mẹ và trẻ em. Đồng thời, xuất phát từ tình hình chung của đất nước, Dự thảo Luật đã bổ sung nhiều quy định mới, đáp ứng yêu cầu của thực tế về hôn nhân và gia đình trong giai đoạn phát triển hiện nay của cả nước trên con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đương nhiên, việc bổ sung mới này đã được tiến hành đúng mức và chỉ gồm những điểm thiết thực và hết sức cần thiết.
Thưa các đồng chí đại biểu,
Trước đây, qua các lần lấy ý kiến của các ngành, các địa phương, cũng như trong hai lần xin ý kiến của các đại biểu Quốc hội, những vấn đề đã được thảo luận nhiều là về tuổi kết hôn; về những trường hợp cấm kết hôn; về tài sản chung và tài sản riêng của vợ chồng; về việc chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn, khi hôn nhân không hợp pháp bị tiêu hủy, và khi một bên vợ hoặc chồng chết trước; về việc nuôi con nuôi; về chế độ đỡ đầu; về việc kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài.
Đối với những vấn đề trên đây, tại kỳ họp cuối tháng sáu năm nay, Quốc hội đã cho ý kiến, và những ý kiến đó đã được thể hiện vào Dự thảo Luật được công bố. Trong đợt thảo luận vừa qua, về cơ bản, các ý kiến vẫn xoay quanh những vấn đề ấy. Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến nêu lên những khía cạnh mới đáng lưu ý.
Dưới đây, chúng tôi xin báo cáo những ý kiến chính trong đợt thảo luận này, và trình bày ý kiến của chúng tôi để Quốc hội xem xét và quyết định.
1. Về tuổi kết hôn
Đến nay, về vấn đề này, vẫn có hai ý kiến. Có ý kiến tán thành Dự thảo Luật giữ nguyên tuổi kết hôn như Luật năm 1959, tức là: nam từ 20 tuổi trở lên, nữ từ 18 tuổi trở lên mới được kết hôn, bởi vì, mức tuổi đó nói chung đã được xã hội chấp nhận. Có ý kiến đề nghị nâng tuổi kết hôn lên, nữ phải từ 20 hoặc 22 tuổi trở lên, nam phải từ 22 hoặc 24, 25 tuổi trở lên, với lý do chủ yếu là để bảo đảm chính sách sinh đẻ có kế hoạch.
Chúng tôi nghĩ rằng Luật năm 1959 quy định tuổi kết hôn của nữ từ 18 tuổi trở lên, nam từ 20 tuổi trở lên là xuất phát từ tình hình chung của xã hội ta, có chú ý đúng mức đến các mặt sinh lý, tâm lý của thanh niên, có căn cứ vào tập quán thông thường của nhiều vùng trong cả nước. Quy định như thế là hợp lý. Mặc dù vậy, đó đây, nhất là ở miền núi, vẫn còn có những trường hợp kết hôn dưới tuổi Luật quy định. Nếu nay ta lại nâng tuổi kết hôn lên cao hơn nữa, thì tình hình có thể thêm phức tạp, tình trạng tảo hôn có thể tăng lên, dẫn đến hậu quả không hay cho Tòa án phải tiêu hủy nhiều vụ kết hôn trái Luật. Chính vì vậy mà Dự thảo Luật vẫn thấy cần phải giữ nguyên quy định tuổi kết hôn như đã ghi trong Luật năm 1959. Vả lại, mức tuổi được phép kết hôn đó là mức tối thiểu, dưới mức đó thì không được kết hôn, chứ không ngăn cản việc kết hôn ở mức tuổi cao hơn, cho nên hoàn toàn không gây trở ngại gì cho việc vận động sinh đẻ có kế hoạch.
2. Về những trường hợp cấm kết hôn
Luật năm 1959 quy định: cấm kết hôn giữa anh chị em ruột, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha, tức là cấm kết hôn đến hai đời; từ đời thứ ba trở đi thì giải quyết theo phong tục, tập quán. Dự thảo mới quy định cấm kết hôn giữa những người có họ trong phạm vi ba đời. Nhưng cũng có đề nghị nên cấm kết hôn đến đời thứ tư hoặc đời thứ năm.
Theo chúng tôi, quy định như Dự thảo Luật đã chặt chẽ hơn Luật năm 1959, nó vừa đáp ứng các yêu cầu về mặt sinh học, bảo đảm việc phát triển nòi giống được lành mạnh, vừa phù hợp với tập quán của nhân dân ở nhiều vùng khác nhau.
3. Về tài sản của vợ chồng
Luật năm 1959 quy định: dù có trước hay có sau khi kết hôn, tài sản của vợ chồng là tài sản chung. Đối với tài sản chung đó, vợ chồng có quyền sở hữu, hưởng thụ và sử dụng ngang nhau.
Căn cứ vào những thực tế xã hội trong nhiều năm qua, nhất là tình hình cụ thể từ ngày Tổ quốc ta được thống nhất và qua thực tiễn xét xử của Tòa án nhân dân trong những vụ ly hôn có thể thấy rằng, ở nhiều gia đình, bên cạnh tài sản chung của vợ chồng, còn có tài sản riêng của vợ hoặc chồng do họ được thừa kế riêng hoặc được cha mẹ cho riêng. Vì vậy, Dự thảo Luật mới đã có những quy định phù hợp với tình hình đó, thừa nhận vợ hoặc chồng có thể có tài sản riêng bên cạnh tài sản chung của vợ chồng. Nhưng trong đợt thảo luận vừa rồi, vẫn còn có đề nghị không nên quy định vợ hoặc chồng có tài sản riêng với lý do "vì không phù hợp với tâm lý, tình cảm của người Việt Nam".
Chúng tôi cho rằng, những quy định ghi trong Dự thảo Luật là hợp lý, phù hợp với thực tế hiện nay và không có gì là trái với tâm lý, tình cảm của người Việt Nam. Dự thảo Luật quy định rõ: tài sản chung của vợ chồng bao gồm tài sản do vợ và chồng tạo ra, thu nhập về nghề nghiệp và những thu nhập hợp pháp khác của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân, tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được cho chung. Đồng thời, lại có quy định: đối với tài sản mà vợ hoặc chồng có trước khi kết hôn, tài sản được thừa kế riêng hoặc được cho riêng trong thời kỳ hôn nhân thì người có tài sản đó có quyền hoặc nhập vào khối tài sản chung của vợ chồng hoặc không nhập vào khối tài sản chung đó. Quy định như vậy là linh hoạt, mềm dẻo đúng mức, vừa bảo đảm chế độ tài sản chung của vợ chồng, tức là cơ sở vật chất tất yếu của gia đình. Vừa không loại trừ những trường hợp chính đáng vì lý do nào đó, vợ hoặc chồng không muốn nhập vào khối tài sản chung số tài sản mà mình có trước khi kết hôn, hay được thừa kế riêng hoặc được cho riêng trong thời kỳ hôn nhân. Làm như vậy là có lợi cho sự hòa hợp trong gia đình.
4. Về việc chia tài sản của vợ chồng
Đây là vấn đề phức tạp, cần được quy định cụ thể để các Tòa án nhân dân vận dụng được thống nhất trong công tác xét xử.
Luật năm 1959 chỉ quy định những nguyên tắc về việc chia tài sản khi ly hôn, và có ghi rõ việc chia tài sản khi một bên chết trước thì theo nguyên tắc đó. Còn việc chia tài sản khi hôn nhân bị tiêu hủy thì chưa có quy định.
Dự thảo Luật mới quy định phân biệt ba trường hợp chia tài sản khác nhau:
a) Chia tài sản của những người mà hôn nhân bị tiêu hủy vì kết hôn trái pháp luật
Trong Dự thảo trước, đã có quy định là đối với tài sản của những người mà hôn nhân bị tiêu hủy vì kết hôn trái pháp luật thì chia theo nguyên tắc "tài sản riêng của ai thì vẫn thuộc quyền sở hữu của người ấy; tài sản chung được chia căn cứ theo công sức đóng góp của mỗi bên".
Quy định đó nói chung là hợp lý, nhưng có thiếu sót là chưa tính đến trường hợp có một bên (thường là phụ nữ) bị cưỡng ép hoặc lừa dối. Họ là người không có lỗi, và quyền lợi chính đáng của họ phải được bảo vệ. Vì vậy, trong Dự thảo mới đã có ghi bổ sung "Quyền lợi chính đáng của bên bị lừa dối hoặc bị cưỡng ép kết hôn được bảo vệ".
b) Chia tài sản của vợ chồng khi một bên chết trước
Điều 17 của Dự thảo trước có quy định: "Khi một bên chết trước nếu cần chia tài sản thì chia theo quy định ở Điều 42 của Luật này", tức là chia như khi ly hôn. Có ý kiến đề nghị xem xét lại quy định này vì chưa thật hợp lý. Tiếp thụ ý kiến đó, trong Dự thảo mới, đã chỉnh lý lại Điều này như sau:
"Khi một bên chết trước, nếu cần chia tài sản chung của vợ chồng, thì chia đôi. Phần tài sản của người chết được chia theo quy định của pháp luật về thừa kế.
Vợ chồng có quyền thừa kế tài sản của nhau".
c) Chia tài sản trong trường hợp ly hôn
Có ý kiến nói: khi có ly hôn, việc chia tài sản chung của vợ chồng nên thấu suốt tinh thần: "của chồng, công vợ", do đó, phải chia đôi mới hợp lý: mặt khác, chia tài sản như quy định của dự thảo trước chỉ thích hợp với trường hợp vợ chồng đã ở riêng, còn trường hợp vợ chồng đang ở với gia đình bên chồng hoặc bên vợ, tài sản của bản thân vợ chồng còn nằm trong khối tài sản của gia đình, thì giải quyết như thế nào?
Do đó, Điều 42 đã được viết lại như sau:
"Khi ly hôn, việc chia tài sản do hai bên thỏa thuận, và phải được Tòa án nhân dân công nhận. Nếu hai bên không thỏa thuận được với nhau thì Tòa án nhân dân quyết định.
Việc chia tài sản khi ly hôn, về nguyên tắc, phải theo quy định dưới đây:
a) Tài sản riêng của bên nào thì vẫn thuộc quyền sở hữu của bên ấy;
b) Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi, đồng thời có xem xét một cách hợp lý đến tình hình tài sản, tình trạng cụ thể của gia đình, và công sức đóng góp của mỗi bên;
c) Trong trường hợp vợ chồng do còn sống chung với gia đình mà tài sản của bản thân vợ chồng không xác định được, thì vợ hoặc chồng được chia một phần trong khối tài sản chung của gia đình, căn cứ vào công sức của người được chia đóng góp vào việc duy trì và phát triển khối tài sản chung, cũng như vào đời sống chung của gia đình. Lao động gia đình được coi như lao động sản xuất;
d) Khi chia tài sản, phải bảo vệ quyền lợi của người vợ và của người con chưa thành niên, bảo vệ lợi ích chính đáng của sản xuất và nghề nghiệp".
Chúng tôi thấy rằng viết lại như vậy là đầy đủ.
5. Về hôn nhân giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài
Về vấn đề này, có ba loại ý kiến: loại ý kiến thứ nhất cho rằng không nên đưa vấn đề này vào Luật; loại ý kiến thứ hai đề nghị nên quy định vấn đề này một cách chi tiết; loại ý kiến thứ ba tán thành trong Luật chỉ nên quy định một số nguyên tắc cơ bản về kết hôn, còn những vấn đề cụ thể có liên quan đến hôn nhân và gia đình thì sau này sẽ có những văn bản dưới luật quy định.
Những nguyên tắc đã được ghi trong Chương IX Dự thảo Luật là:
a) Trong việc kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, mỗi bên tuân theo các quy định của pháp luật nước mình về kết hôn.
b) Nếu việc kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài tiến hành ở Việt Nam, thì người nước ngoài còn phải tuân theo các quy định ở Điều 5, Điều 6, Điều 7 của Luật này. Thủ tục công nhận việc kết hôn và ghi vào sổ kết hôn do Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định.
c) Trong trường hợp đã có Hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lý giữa Việt Nam với nước ngoài, thì việc kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước đó tiến hành theo quy định của Hiệp định.
Chúng tôi tán thành nội dung của Chương IX; trong tình hình hiện nay, quy định như vậy là vừa phải.
Thưa các đồng chí đại biểu,
Dự thảo Luật hôn nhân và gia đình trình ra Quốc hội lần này đã được chỉnh lý khá tốt. Ủy ban chúng tôi thấy nội dung của Dự thảo Luật về cơ bản, đã thể hiện được những vấn đề lớn của chế độ hôn nhân và gia đình trong xã hội ta hiện nay.
Thay mặt Ủy ban pháp luật của Quốc hội, tôi xin trân trọng đề nghị Quốc hội xem xét và thông qua Luật mới về hôn nhân và gia đình, mở đường cho việc củng cố và tăng cường chế độ hôn nhân và gia đình xã hội chủ nghĩa ở nước ta trong giai đoạn mới.
Xin cảm ơn các đồng chí!