BÁO CÁO
CÔNG TÁC CỦA HỘI ĐỒNG NHÀ NƯỚC
TẠI KỲ HỌP THỨ 12, QUỐC HỘI KHÓA VII
Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,
Hội đồng Nhà nước xin báo cáo với Quốc hội về công tác của Hội đồng Nhà nước, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban thường trực của Quốc hội, từ kỳ họp thứ 11 của Quốc hội đến nay:
I- CÔNG TÁC LẬP PHÁP
- Tại phiên họp ngày 28-8-1986, Hội đồng Nhà nước đã bàn và quyết định những việc phải làm để hoàn thành chương trình xây dựng pháp luật năm 1986.
- Thi hành Nghị quyết của Quốc hội tại kỳ họp thứ 11 (tháng 6-1986) về Dự thảo Luật hôn nhân và gia đình, ngày 30-7-1986, Hội đồng Nhà nước đã cho công bố bản Dự thảo luật này để nhân dân tham gia ý kiến. Đồng thời, Hội đồng Nhà nước đã có công văn gửi các đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc Trung ương, các đồng chí thủ trưởng các Bộ, ban, ngành ở Trung ương về việc tổ chức lấy ý kiến đóng góp của cán bộ và nhân dân. Tại phiên họp ngày 6-11-1986, Hội đồng Nhà nước đã nghe Ủy ban pháp luật của Quốc hội báo cáo về ý kiến đóng góp của các cấp, các ngành, của nhân dân và cho ý kiến chỉnh lý bản Dự thảo Luật hôn nhân và gia đình. Ngày 28-11-1986, sau khi nghe Ủy ban pháp luật của Quốc hội báo cáo, Bộ Chính trị đã đồng ý cho trình ra Quốc hội thông qua tại kỳ họp này.
- Tại phiên họp ngày 29-8-1986, Hội đồng Nhà nước đã nghe báo cáo và cho ý kiến về Dự thảo Pháp lệnh sửa đổi việc tính các định mức bằng tiền trong Điều lệ thuế công thương nghiệp và Điều lệ thuế hàng hóa; tại phiên họp ngày 6-11-1986, sau khi xin ý kiến Bộ Chính trị, Hội đồng Nhà nước đã thông qua Pháp lệnh này và đã có công văn gửi các đồng chí Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thông báo là Pháp lệnh này chỉ công bố chính thức trên Công báo của Nhà nước mà không phổ biến trên các báo, đài.
Ngày 18-9-1986, đồng chí Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh và đồng chí Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Nguyễn Hữu Thọ đã họp với đại diện các ngành có liên quan (Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ, Ban Nội chính Trung ương, Ủy ban pháp luật của Quốc hội, Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng, Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước) để nghe báo cáo và cho ý kiến chỉnh lý Dự thảo Pháp lệnh quy định cụ thể việc bảo đảm quyền tự do thân thể và quyền bất khả xâm phạm đối với nhà ở, đồ vật, thư tín của nhân dân.
II- CÔNG TÁC GIÁM SÁT
1. Đối với công tác của Hội đồng Bộ trưởng
- Tại phiên họp ngày 28-8-1986, Hội đồng Nhà nước đã nghe Hội đồng Bộ trưởng báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch nhà nước trong 6 tháng đầu năm 1986 và ý kiến của Ủy ban kinh tế, kế hoạch và ngân sách của Quốc hội về vấn đề này.
- Tại phiên họp ngày 29-9-1986, Hội đồng Nhà nước đã nghe Hội đồng Bộ trưởng báo cáo về tình hình và biện pháp đẩy mạnh công tác định canh định cư và ý kiến của Hội đồng dân tộc về vấn đề này.
Hội đồng Nhà nước đã có kết luận về hai vấn đề nói trên gửi đến Hội đồng Bộ trưởng và các cơ quan có liên quan.
2. Đối với công tác của Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Trong các phiên họp thường lệ của Hội đồng Nhà nước, đồng chí Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và đồng chí Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã tham dự để trình bày ý kiến đối với những vấn đề có liên quan đến công tác của hai ngành tòa án và kiểm sát.
3. Hoạt động của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban thường trực của Quốc hội
Ngày 28-11-1986, đồng chí Chủ tịch Quốc hội đã họp với các đồng chí Chủ tịch Hội đồng dân tộc và Chủ nhiệm các Ủy ban thường trực của Quốc hội để nghe báo cáo về kết quả hoạt động của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban từ kỳ họp thứ 11 của Quốc hội đến nay, thảo luận chương trình hoạt động của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban từ nay đến hết nhiệm kỳ của Quốc hội khóa VII và chuẩn bị các thuyết trình của Hội đồng dân tộc và các ủy ban tại kỳ họp thứ 12 của Quốc hội.
- Hội đồng dân tộc: đã làm báo cáo chuyên đề trình Hội đồng Nhà nước về tình hình đào tạo cán bộ người dân tộc thiểu số; đã họp thường trực mở rộng để nghe Bộ Lâm nghiệp báo cáo về tình hình công tác định canh, định cư và làm tờ trình Hội đồng Nhà nước; đã cử đoàn đi nghiên cứu tình hình thực hiện chính sách dân tộc, đào tạo cán bộ người dân tộc thiểu số ở các tỉnh Đồng Nai, Sông Bé và Tây Ninh.
- Ủy ban pháp luật: đã họp nhiều lần để chỉnh lý Dự thảo Luật hôn nhân và gia đình, thẩm tra sơ bộ, góp ý kiến chỉnh lý từng phần của bản Dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự; đã cùng với Thường trực Ủy ban kinh tế, kế hoạch và ngân sách của Quốc hội thẩm tra Dự thảo Pháp lệnh sửa đổi việc tính các định mức bằng tiền trong Điều lệ thuế công thương nghiệp và Điều lệ thuế hàng hóa. Thường trực Ủy ban cũng đã tham gia ý kiến với Bộ Tư pháp về Dự thảo Pháp lệnh xử phạt hành chính; đã tham gia ý kiến với Tòa án nhân dân tối cao về Dự thảo Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán hướng dẫn áp dụng Phần các tội phạm của Bộ luật hình sự.
- Ủy ban kinh tế, kế hoạch và ngân sách: đã họp thường trực mở rộng để nghe Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Lương thực, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch nhà nước trong 6 tháng đầu năm 1986 và làm tờ trình Hội đồng Nhà nước; đã cử đoàn đi xem xét tình hình quản lý, cung ứng vật tư nông nghiệp và quyền tự chủ tài chính của các đơn vị kinh tế cơ sở ở các tỉnh Long An, Đồng Nai.
- Ủy ban y tế và xã hội: đã cử đoàn đi xem xét tình hình sản xuất, quản lý thuốc, tình hình phát triển dân số và kế hoạch hóa gia đình ở các tỉnh Hoàng Liên Sơn, Hà Bắc.
- Ủy ban văn hóa và giáo dục: đã họp thường trực nghe đại diện Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp báo cáo và đã làm tờ trình Hội đồng Nhà nước về việc xem xét đơn tố cáo vi phạm quy chế tuyển sinh ở trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội; đã cử đoàn đi xem xét tình hình chống mê tín dị đoan và tình hình đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng giáo viên ở các tỉnh Thuận Hải, Lâm Đồng.
- Ủy ban khoa học và kỹ thuật: đã xem xét vấn đề tổ chức, sắp xếp lại hệ thống nghiên cứu và triển khai khoa học kỹ thuật, phân bố và sử dụng đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật, đã cử đoàn đi khảo sát, tọa đàm với đại diện một số viện, trường ở thành phố Hà Nội về vấn đề nói trên.
- Ủy ban thanh niên, thiếu niên và nhi đồng: đã cử đoàn đi nghiên cứu, khảo sát việc tổ chức thanh niên xung phong và các mô hình lao động trẻ làm kinh tế ở các tỉnh Phú Khánh, Đắk Lắk.
- Ủy ban đối ngoại của Quốc hội: đã nghe Bộ Ngoại giao báo cáo về tình hình thế giới và chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta; thẩm tra tình hình hợp tác lao động giữa nước ta với một số nước xã hội chủ nghĩa anh em.
Hội đồng dân tộc và các Ủy ban thường trực của Quốc hội đang chuẩn bị tổng kết hoạt động của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban trong nhiệm kỳ của Quốc hội khóa VII.
4. Việc giám sát và hướng dẫn hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp
- Các đồng chí Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Lê Thanh Nghị và Huỳnh Tấn Phát đã đi kiểm tra việc thi hành Quyết định của Hội đồng Nhà nước về kiểm điểm tình hình tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp (ở Đồng Tháp, Kiên Giang), tham dự kỳ họp Hội đồng nhân dân ở tỉnh Long An và đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo.
- Thi hành Quyết định của Hội đồng Nhà nước, hầu hết Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo đã hoàn thành việc kiểm điểm, rút kinh nghiệm về tình hình tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân từ khi có Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân đến nay và chỉ đạo việc kiểm điểm của Hội đồng nhân dân cấp dưới.
Nhìn chung, các địa phương đều nhất trí với nhận xét của Hội đồng Nhà nước đã nêu trong bản Dự thảo Báo cáo về hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp; đã có chuyển biến bước đầu trong hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, tuy chưa đồng đều và chưa mạnh; ở Hội đồng nhân dân cấp huyện và cấp xã, sự chuyển biến còn ít, tình trạng phổ biến vẫn còn hoạt động một cách hình thức.
Các địa phương đã thảo luận và gửi bản đóng góp ý kiến về Dự thảo Quy chế hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp.
- Trong tháng 11-1986, Hội đồng nhân dân ở một số tỉnh, thành phố đã tiến hành kỳ họp thường kỳ cuối năm; một số Ban thư ký Hội đồng nhân dân ở các tỉnh Hà Sơn Bình, Nghệ Tĩnh, Vĩnh Phú và thành phố Hà Nội đã cử các đồng chí Trưởng ban đến Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước để trao đổi kinh nghiệm hoạt động của Hội đồng nhân dân.
5. Công tác dân nguyện
Từ sau kỳ họp thứ 11 của Quốc hội đến nay, đã có 2.988 đơn, thư khiếu tố và dân nguyện gửi đến Quốc hội và Hội đồng Nhà nước (tăng hơn 6 tháng đầu năm 772 đơn, thư). Đơn, thư khiếu nại chiếm 65%, tố cáo chiếm 20%, còn lại là đơn, thư dân nguyện.
Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước đã tiếp 679 lượt người dân đến khiếu tố và trình bày nguyện vọng (tăng hơn 6 tháng đầu năm 240 lượt người).
Qua các đơn, thư khiếu tố, dân nguyện và qua việc tiếp dân, có những vấn đề đáng chú ý sau đây:
- Đơn, thư tố cáo tập trung vào các việc: một số cán bộ cao, trung cấp và cơ sở ở một số ngành, kể cả ngành kiểm sát, tòa án, công an, đã lợi dụng chức quyền, xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa, đưa con cháu vào làm việc ở cơ quan, bao che những việc làm sai pháp luật, nhận hối lộ, trù dập những người dưới quyền không ăn cánh hoặc tố cáo những việc làm sai trái của họ bằng cách buộc thôi việc, chuyển làm công tác khác hoặc buộc đi bệnh viện tâm thần.
Nhân đợt phê bình, tự phê bình và góp ý xây dựng Đảng, số đơn, thư tố cáo tăng hơn thường lệ và có nhiều đơn, thư gắn việc tố cáo với việc góp ý kiến về vấn đề nhân sự Đại hội Đảng các cấp.
- Đơn, thư khiếu nại tập trung nhiều vào việc tranh chấp nhà ở, đất ở và đất canh tác chưa được cơ quan có thẩm quyền giải quyết đúng chính sách của Nhà nước hoặc chưa được giải quyết (thậm chí có cơ quan nhà nước tranh chấp nhà, đất với dân). Ngoài ra, khiếu nại về xử lý buộc thôi việc sai hoặc quá nặng, bị cưỡng bức vào hợp tác xã và tập đoàn sản xuất nông nghiệp (các tỉnh ở miền Nam), bị trưng thu, trưng mua tài sản với giá rẻ mạt...; việc xét xử và thi hành án có nhiều vụ, việc chưa được công minh, chưa đúng pháp luật, bản án đã có hiệu lực nhưng không được thi hành; tình trạng bắt người, xâm phạm quyền tự do thân thể của công dân vẫn xảy ra nhiều (có trường hợp Công an tình nghi đã bắt giam, đánh đập dẫn đến hậu quả chết người...); nhiều đơn thư nêu lên các sai sót trong việc thực hiện chính sách hậu phương quân đội ở nhiều địa phương; đời sống của lực lượng vũ trang và cán bộ, công nhân, viên chức có nhiều khó khăn nhưng chưa được quan tâm giải quyết.
- Đơn thư dân nguyện tập trung vào việc xin ân giảm, ân xá nhân dịp Quốc khánh 2-9; góp ý kiến với Đại hội Đảng lần thứ VI về một số vấn đề kinh tế - xã hội; phản ánh những sai trái trong việc phê bình và tự phê bình ở một số địa phương và cơ sở; phản ánh tình hình khó khăn về đời sống hiện nay, hiện tượng tiêu cực xảy ra nhiều nhưng Nhà nước chưa có biện pháp kiên quyết ngăn chặn; nhiều đơn, thư tỏ ý trông chờ vào kết quả của Đại hội Đảng lần thứ VI.
III- VẤN ĐỀ ĐẶC XÁ
- Nhân dịp Quốc khánh (2-9-1986), theo đề nghị của Hội đồng Bộ trưởng, Hội đồng Nhà nước đã quyết định tha và ân giảm cho những phạm nhân có án tù đã cải tạo tốt.
- Trong 6 tháng cuối năm 1986, Hội đồng Nhà nước đã xét 31 vụ gồm 33 phạm nhân bị kết án tử hình có đơn xin ân giảm. Hội đồng Nhà nước đã bác đơn của 31 phạm nhân và quyết định ân giảm cho 2 phạm nhân xuống tù chung thân.
IV- CÔNG TÁC ĐỐI NGOẠI
1. Đi hoạt động ở nước ngoài
- Tại phiên họp ngày 28-8-1986, Hội đồng Nhà nước đã nghe báo cáo về cuộc gặp gỡ giữa đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước với đồng chí M.X. Goócbachốp, Tổng Bí thư Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, ngày 12-8-1986 tại Mátxcơva.
- Tại phiên họp ngày 29-9-1986, Hội đồng Nhà nước đã nghe báo cáo về Hội nghị cấp cao các nước không liên kết lần thứ 8, từ ngày 1 đến ngày 6-9-1986 tại Hararê (Dimbabuê) và hoạt động của Đoàn đại biểu nước ta do Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Nguyễn Hữu Thọ dẫn đầu.
- Đoàn đại biểu nước ta do đồng chí Huỳnh Tấn Phát, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước dẫn đầu đã đi dự lễ kỷ niệm lần thứ 15 Quốc khánh Libi.
2. Tiếp nhận đại diện ngoại giao của nước ngoài
Hội đồng Nhà nước đã nhận thư ủy nhiệm của Đại sứ các nước Nêpan, Burunđi, Cộng hòa Liên bang Đức, Cuba, Nicaragoa, Phần Lan, Liên Xô, Italia, Daia, Đan Mạch, Cộng hòa Dân chủ Đức, Thái Lan và Nhật Bản.
3. Hoạt động của Đoàn Việt Nam trong liên minh Quốc hội
Đoàn đại biểu của Đoàn Việt Nam trong Liên minh Quốc hội do đồng chí Phan Anh, Phó Chủ tịch Quốc hội dẫn đầu đã đi dự Hội nghị mùa thu của Liên minh Quốc hội tại Buênốt Airét (Áchentina).
V- TỔ CHỨC VÀ NHÂN SỰ CỦA NHÀ NƯỚC
1. Về việc bổ nhiệm Đại sứ
Ngày 29-8-1986, theo đề nghị của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Hội đồng Nhà nước đã bổ nhiệm Đại sứ của nước ta tại Thái Lan, Bungari kiêm nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ, Miến Điện kiêm nhiệm Bănglađét và Nêpan, Nam Tư kiêm nhiệm Hy Lạp, Arập Xiry kiêm nhiệm Síp và Libăng, Giamahiria, Arập Libi, Mađagaxca kiêm nhiệm Xâysen, Môdămbích, Ôxtrâylia kiêm nhiệm Niu Dilân và Vanuatu, Dimbabuê kiêm nhiệm Dămbia. Cũng tại phiên họp này, Hội đồng Nhà nước đã nêu lên một số ý kiến chung về vấn đề lựa chọn và bổ nhiệm đại sứ.
Ngày 6-11-1986, Hội đồng Nhà nước đã bổ nhiệm đại sứ nước ta tại Cuba, Nicaragoa kiêm nhiệm Panama và Côxta Rica.
2. Về việc cử thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và kiểm sát viên của Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Hội đồng Nhà nước đã quyết định cử 5 thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và 5 kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
VI- VỀ CÔNG TÁC KHEN THƯỞNG
Hội đồng Nhà nước quyết định:
- Tặng thưởng Huân chương Sao Vàng cho đồng chí Lê Duẩn, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã có công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc.
- Tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh cho đồng chí Phiđen Caxtrô Rudơ, Bí thư thứ nhất Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa Cuba, đã có những cống hiến xuất sắc vào việc củng cố và tăng cường tình hữu nghị anh em, tình đoàn kết chiến đấu và sự hợp tác toàn diện giữa Cuba và Việt Nam.
- Tặng thưởng Huân chương Độc lập cho 7 đơn vị và 1.441 cá nhân đã có nhiều cống hiến đối với sự nghiệp cách mạng hoặc lập được nhiều thành tích trong công cuộc xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Ngoài những huân chương nói trên, Hội đồng Nhà nước đã quyết định tặng thưởng: 821 Huân chương Lao động, 313.948 Huân chương Kháng chiến, 17 Huân chương Quân công, 26.360 Huân chương Chiến sĩ vẻ vang, 7 Huân chương Chiến công cho các đơn vị và cá nhân đã có nhiều thành tích trong lao động, chiến đấu và phục vụ chiến đấu; tặng thưởng 8 Huân chương Hữu nghị cho các đơn vị và cá nhân thuộc các nước xã hội chủ nghĩa đã có công giúp Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
VII- HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI
- Sau kỳ họp thứ 11 của Quốc hội khóa VII (từ ngày 24 đến ngày 30-6-1986), các Đoàn đại biểu Quốc hội đã báo cáo kết quả của kỳ họp cho các đại biểu Hội đồng nhân dân và tại hội nghị của các ngành, các giới ở tỉnh và thành phố. Các Đoàn đại biểu Quốc hội đã tham gia vào việc tổ chức lấy ý kiến của cán bộ và nhân dân đối với bản Dự thảo Luật hôn nhân và gia đình.
- Nhiều Đoàn đại biểu Quốc hội đã duy trì tốt công tác tiếp dân để góp phần giải quyết những khiếu nại, tố cáo của công dân; tăng cường tiếp xúc với cử tri, nhất là cử tri ở cơ sở để tìm hiểu, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri, kịp thời phản ánh với các cấp chính quyền giải quyết. Một số đoàn đã họp để trao đổi ý kiến tổng kết hoạt động của đoàn đại biểu trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa VII.
VIII- VIỆC CHẤP NHẬN ĐƠN XIN THÔI KHÔNG
ĐẢM NHIỆM CHỨC VỤ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI
Tại phiên họp ngày 29-9-1986, sau khi xem xét, Hội đồng Nhà nước đã chấp nhận đơn của đồng chí Trần Hoài Phương, đại biểu Quốc hội tỉnh Thuận Hải, xin thôi không đảm nhiệm chức vụ đại biểu Quốc hội, theo đúng Điều 69 trong Luật tổ chức Quốc hội và Hội đồng Nhà nước, vì đã mắc sai lầm trong công tác và phẩm chất, đạo đức.
IX- HỘI ĐỒNG NHÀ NƯỚC TỰ PHÊ BÌNH
VỀ CÔNG TÁC CỦA HỘI ĐỒNG NHÀ NƯỚC
Tại phiên họp ngày 29 và 30-9-1986, Hội đồng Nhà nước đã tự phê bình về công tác của Hội đồng Nhà nước từ khi được Quốc hội bầu ra (tháng 7-1981) đến nay và đã có văn bản gửi các đồng chí Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội để thông báo với các đại biểu Quốc hội.
Trên đây là những điểm chính về công tác của Hội đồng Nhà nước, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban thường trực của Quốc hội, hoạt động của đại biểu Quốc hội trong thời gian từ kỳ họp thứ 11 của Quốc hội đến nay.
Hội đồng Nhà nước xin báo cáo với các đồng chí đại biểu Quốc hội.