VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP VI(QUYỂN 2) 1984 - 1987

 

THUYẾT TRÌNH CỦA ỦY BAN KINH TẾ,
KẾ HOẠCH VÀ NGÂN SÁCH CỦA QUỐC HỘI VỀ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 8
CỦA TRUNG ƯƠNG ĐẢNG VÀ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC TRONG 6 THÁNG  ĐẦU NĂM 1986
(Do ông Nguyễn Đăng, Quyền Chủ nhiệm  Uỷ ban kinh tế, kế hoạch và ngân sách của Quốc hội
trình bày tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa VII, ngày 25-6-1986)

Để thực hiện Nghị quyết kỳ họp thứ 10 của Quốc hội và nhiệm vụ do Hội đồng Nhà nước giao, Uỷ ban kinh tế, kế hoạch và ngân sách của Quốc hội đã làm việc với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Lao động, Uỷ ban Vật giá Nhà nước, Bộ Nội thương về tình hình thu chi ngân sách và quản lý tiền mặt, tín dụng trong quý I năm 1986 và tình hình tổ chức thực hiện những biện pháp cấp bách được nêu lên trong Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 31 của Hội đồng Bộ trưởng, nhằm thi hành đúng đắn Nghị quyết 8 của Trung ương Đảng. Sau đó, Uỷ ban chúng tôi đã cử hai đoàn đi nghiên cứu, xem xét hai vấn đề trên ở thành phố Hải Phòng, ở các tỉnh Hải Hưng, Hậu Giang và Kiên Giang.

Để thẩm tra hai vấn đề mà Hội đồng Bộ trưởng đưa ra trình Quốc hội trong kỳ họp 11 này, Uỷ ban kinh tế, kế hoạch và ngân sách đã cùng với thường trực Hội đồng dân tộc và thường trực các Uỷ ban khác của Quốc hội làm việc với các đại diện của Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Uỷ ban Vật giá Nhà nước, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước. Qua làm việc với các cơ quan nói trên và dựa vào kết quả nghiên cứu, xem xét trong thời gian qua, chúng tôi xin trình Quốc hội những ý kiến về những vấn đề như sau:

I- VỀ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 8
CỦA TRUNG ƯƠNG ĐẢNG VỀ GIÁ - LƯƠNG - TIỀN
VÀ NHỮNG BIỆN PHÁP CẤP BÁCH NHẰM TIẾP TỤC
THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 8 THỜI GIAN TỚI

Uỷ ban chúng tôi tán thành về cơ bản báo cáo của Hội đồng Bộ trưởng đánh giá về những việc đã làm từ sau kỳ họp thứ 10 của Quốc hội đến nay. Trong tình hình có khó khăn, mất cân đối nghiêm trọng về vốn và vật tư, với tinh thần khẩn trương, cố gắng khắc phục khó khăn, các ngành và các địa phương đã có nghị quyết và kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị và sau đó là Nghị quyết 31 của Hội đồng Bộ trưởng nhằm bảo đảm tiến độ kế hoạch nhà nước và ngân sách nhà nước năm 1986 và đạt được những kế hoạch như đã nêu ra trong báo cáo của Hội đồng Bộ trưởng.

Tuy nhiên, tình hình 6 tháng đầu năm 1986 vẫn có nhiều diễn biến phức tạp, khó khăn, thậm chí có một số mặt yếu kém và xấu hơn trước.

Việc tổ chức sắp xếp lại sản xuất, công tác quản lý của các ngành, các địa phương và đơn vị cơ sở tuy có chuyển biến, nhưng chưa nhiều, chưa đồng đều. Vật tư nguyên liệu, năng lượng, ngoại tệ phục vụ cho sản xuất, xây dựng và hợp đồng kinh tế mất cân đối và thường không bảo đảm thực hiện "5 đúng" trong mua bán, cung cấp, chưa kể những tiêu cực xảy ra khá phổ biến và từ lâu nhưng chưa khắc phục được. Đặc biệt, trong vụ đông - xuân và hè thu phân bón và thuốc trừ sâu thiếu nghiêm trọng, không bảo đảm cho yêu cầu sản xuất nông nghiệp, trước hết là cho sản xuất lương thực. Nhiều cơ sở sản xuất, một mặt chưa được bảo đảm quyền chủ động trong sản xuất, mặt khác, lại thiếu quan tâm đến hiệu quả, lỗ thì đã có ngân sách bù; ngay một số sản phẩm tiêu dùng cũng không có thu quốc doanh. Tình hình đó đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất và làm giảm đáng kể sản phẩm cho xã hội.

Việc chỉ đạo và quản lý giá, định giá bán không thống nhất, thiếu chặt chẽ, cộng với việc chấp hành kỷ luật giá chưa nghiêm chỉnh đã gây nên tình hình thị trường lộn xộn về giá cả, có nơi, có lúc mua không được, bán không được, làm cho sản xuất bị ngừng trệ, phân phối - lưu thông bị ách tắc. Vừa qua, Hội đồng Bộ trưởng đã tăng giá ngay một số mặt hàng bán theo định lượng và việc tăng giá này đã làm cho việc tăng phụ cấp đắt đỏ 15% của Hội đồng Bộ trưởng trở nên vô nghĩa vì số tiền để mua hàng định lượng đã vượt xa tỷ lệ phụ cấp này. Đây là một vấn đề đã gây ra xôn xao dư luận trong cán bộ, công nhân, viên chức ở nhiều nơi và ngay tại Hà Nội. Đến nay, họ vẫn đang trông chờ Hội đồng Bộ trưởng có sự bù đắp như thế nào, không thì đời sống hết sức khó khăn.

Trong phân phối, bao cấp còn tràn lan, chưa gắn phân phối với sản xuất như: vi phạm chế độ quản lý quỹ lương, quỹ thưởng, sử dụng sản phẩm sai quy định, v.v.; do đó, hàng nhà nước bị tuồn ra thị trường, vào tay tư thương, làm cho giá cả tăng lên, ảnh hưởng đến sản xuất. Do thiếu hàng, bán không kịp thời, giá cả và tiền tệ luôn biến động và xấu, chỉ số giá sinh hoạt, nhất là ở các thành phố lớn, khu công nghiệp tập trung tăng lên nhanh chóng, nên đồng lương thực tế của công nhân, viên chức bị giảm rõ rệt, đời sống càng thêm khó khăn.

Còn đối với lực lượng vũ trang có một vấn đề đáng lưu ý là Hội đồng Bộ trưởng chưa có biện pháp giải quyết được việc cung cấp bằng hiện vật theo định lượng, nhất là đối với các chiến sĩ ở tuyến 1, đã phải dùng tiền để mua ở thị trường tự do nên mức ăn bị giảm, không bảo đảm đủ sức chiến đấu.

Cơ chế quản lý kinh tế và bộ máy quản lý chậm được đổi mới và có những chính sách của ta hiện nay còn hạn chế việc khuyến khích bỏ vốn vào sản xuất, như chưa làm tốt chính sách kiều hối, để khuyến khích Việt kiều dễ đầu tư vào trong nước tăng thêm sản phẩm cho xã hội.

Về quản lý và điều hành của Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng, của các ngành, các cấp thể hiện nhiều mặt còn lúng túng, thiếu những biện pháp thống nhất, có hiệu quả, chưa giải quyết được kịp thời những khó khăn, mắc mứu cho bên dưới. Đồng thời, trong quá trình tổ chức thực hiện cũng nảy sinh tình trạng phân tán, cục bộ, có xu hướng tự do chủ nghĩa tùy tiện ở một số địa phương, ảnh hưởng trở lại sự tập trung quản lý thống nhất của Trung ương. Trước khi phân tích tình hình, Uỷ ban chúng tôi xin nêu lại kiến nghị mà Uỷ ban đã trình tại kỳ họp 10 của Quốc hội vào cuối năm 1985: "... Do tính chất sai lầm, khuyết điểm trong việc thực hiện giá - lương - tiền vừa qua là hết sức nghiêm trọng, có tác hại nặng nề và sâu rộng cho nền kinh tế - tài chính của đất nước ta và tác động mạnh đến đời sống và tâm tư của mọi người dân, cho nên đề nghị Hội đồng Bộ trưởng cần phân tích sâu sắc, chỉ rõ chỗ sai lầm, khuyết điểm vừa qua, phân tích rõ nguyên nhân và đặc biệt cần đề ra các biện pháp, kể cả các biện pháp về tổ chức có tính cấp bách và kịp thời, đủ sức thuyết phục để sớm khắc phục các khuyết điểm sai lầm, để tạo được sự đồng tình, nhất trí trong cán bộ và nhân dân, để họ tin tưởng, ủng hộ Nhà nước, cùng với Nhà nước khắc phục các hậu quả".

Đến nay đã qua 6 tháng, chúng tôi được biết Hội đồng Bộ trưởng còn đang tiến hành việc kiểm điểm, và đồng chí Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng vừa cho biết khi bắt đầu kỳ họp là việc báo cáo kết quả kiểm điểm của Hội đồng Bộ trưởng trước Quốc hội về khuyết điểm sai lầm trong chỉ đạo điều hành giá - lương - tiền vừa qua chưa làm được ngay và xin để đến kỳ họp Quốc hội vào cuối năm nay. Uỷ ban chúng tôi nhận thức rõ rằng trách nhiệm đối với những sai lầm và hậu quả đã gây ra trong vấn đề giá - lương - tiền trước hết là thuộc về Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng, song cũng có phần trách nhiệm của một số ngành và địa phương.

Nếu vấn đề kiểm điểm được tiến hành sớm và kiểm điểm một cách sâu sắc và nghiêm túc, nếu Hội đồng Bộ trưởng đã nhận được rõ nội dung, tính chất, mức độ và nguyên nhân sai sót của từng vấn đề, đã chỉ rõ được chỗ cần sửa, nội dung cần sửa và cách phải sửa đối với những khuyết điểm vừa qua trong việc chỉ đạo điều hành thực hiện Nghị quyết 8 về giá - lương - tiền, thì sẽ kịp thời giúp rất nhiều cho các ngành, các cấp tự liên hệ kiểm điểm cụ thể trong phạm vi trách nhiệm của mình, rút ra được những bài học kinh nghiệm, những kết luận cần thiết và đề ra được những công tác phải làm để tiếp tục thực hiện đúng đắn Nghị quyết 8. Nếu làm được như vậy thì đã sớm tạo ra được sự nhất trí cao từ trên xuống dưới để cùng nhau hợp lực quyết tâm sửa chữa, giải quyết những khó khăn trước mắt, giảm nhẹ được sự tác hại đã kéo dài của tình hình phức tạp và ngày càng xấu hiện nay.

Uỷ ban chúng tôi cho rằng: sở dĩ có tình hình tồn tại trong 6 tháng đầu năm 1986, là do nhiều nguyên nhân gây ra, nhưng trong đó có một nguyên nhân rất quan trọng cần nhấn mạnh là do cơ chế quản lý tập trung quan liêu, bao cấp chưa được kiên quyết khắc phục, chưa có kế hoạch và biện pháp tích cực chuyển mạnh sang hạch toán kinh tế, kinh doanh xã hội chủ nghĩa. Mặt khác là do sự chỉ đạo, điều hành và quản lý, từ trên xuống dưới, còn buông lỏng, phân tán, tự do tùy tiện, thiếu kiểm tra đôn đốc sát sao, thiếu chỉ đạo hướng dẫn cụ thể, nhất là về thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, bảo đảm quyền tự chủ sản xuất, kinh doanh của các đơn vị kinh tế cơ sở làm còn yếu. Về bộ máy quản lý điều hành ở Trung ương có thiếu sót là chưa được chấn chỉnh, còn có một số cán bộ phụ trách tổ chức thực hiện vẫn chưa thật sự thông suốt các Nghị quyết của Trung ương Đảng và Bộ Chính trị.

Trên cơ sở nhận xét như đã trình bày ở trên, ngoài những biện pháp mà Hội đồng Bộ trưởng đã nêu, Uỷ ban chúng tôi xin có một số kiến nghị như sau:

1. Trước hết phải tập trung ưu tiên giải quyết cho đủ yêu cầu về vật tư, phân bón, thuốc trừ sâu, v.v. cho sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là cho sản xuất lương thực, trước mắt tìm mọi biện pháp chuẩn bị tốt cho mùa và vụ đông xuân tới; giải quyết những vướng mắc, khó khăn, tiêu cực trong cung ứng, mua bán, giao nhận vật tư cho sản xuất các hàng tiêu dùng và các sản phẩm khác.

Đi đôi với vấn đề này, cần thống nhất việc quản lý giá, định giá bán nhằm hạ giá thành sản phẩm và giảm phí lưu thông.

2. Việc thực hiện Nhà nước độc quyền ngoại thương, Trung ương thống nhất quản lý ngoại hối theo một kế hoạch thống nhất đã và đang là một yêu cầu cấp thiết. Uỷ ban chúng tôi đề nghị cần sớm thực hiện việc sắp xếp lại và tổ chức công tác xuất, nhập khẩu nhằm tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu, quản lý chặt chẽ nhập khẩu và bảo đảm chất lượng và hiệu quả trong xuất, nhập khẩu.

3. Đối với công tác giá cả, ngoài những vấn đề đã được nêu ra trong kết luận của Hội nghị Trung ương lần thứ 10 (khóa V), Uỷ ban chúng tôi chỉ xin nhấn mạnh là phải triệt để nghiêm cấm các ngành, các địa phương, các đơn vị tùy tiện nâng giá vật tư và các hàng hóa khác để hưởng chênh lệch giá dưới bất kỳ hình thức nào. Cần xử lý nghiêm minh với bất kỳ tổ chức, đơn vị, cá nhân nào cố ý vi phạm đến kỷ luật về giá cả.

4. Yêu cầu cấp thiết và trước mắt để bảo đảm đời sống cho cán bộ công nhân, viên chức và lực lượng vũ trang là phải sớm bình ổn giá cả thị trường xã hội, làm tốt việc phân phối theo phương thức thích hợp một số mặt hàng thiết yếu. Nếu cần nâng giá một số mặt hàng bán theo định lượng, thì yêu cầu Nhà nước tính thêm phụ cấp chênh lệch giá sinh hoạt theo vùng cho công nhân, viên chức. Cần chỉ đạo kiên quyết bảo đảm việc cung cấp kịp thời, đủ số lượng hàng định lượng bằng hiện vật cho lực lượng vũ trang, đặc biệt cho cán bộ, chiến sĩ trên biên giới. Đồng thời, bảo đảm quỹ hàng hóa dành cho thu mua, tăng cường quản lý thị trường, đấu tranh có hiệu quả chống bọn buôn gian bán lận.

Trong thời gian qua, chúng ta đã đề ra rất nhiều biện pháp để cân đối vật tư cho sản xuất, công bố nhiều biện pháp bảo đảm cung cấp các mặt hàng định lượng và thiết yếu cho công nhân, viên chức và lực lượng vũ trang, nhưng ta không thực hiện được làm mất lòng tin. Uỷ ban chúng tôi đề nghị từ nay trở đi, khả năng cân đối và cung cấp của ta được đến đâu thì tuyên bố đến đó và bảo đảm cho được, làm đúng theo lời nói. Đề nghị trong 6 tháng cuối năm, Hội đồng Bộ trưởng cùng các cấp, các ngành tập trung giải quyết cho có kết quả rõ rệt việc cung cấp vật tư cho sản xuất và vấn đề đời sống của nhân dân.

II- VỀ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC
6 THÁNG ĐẦU NĂM 1986

Theo báo cáo của Hội đồng Bộ trưởng, thì tình hình thu chi ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 1986 là:

Tổng số thu ước thực hiện  : 24.710 triệu đồng

Tổng số chi ước thực hiện  : 30.210 triệu đồng

Bội chi                                    : 5.500 triệu đồng

Số bội chi này quá lớn, chiếm 18,1% so với tổng số chi trong 6 tháng đầu năm 1986 và bằng 68,7% so với số bội chi cả năm 1986 đã được thông qua trong kỳ họp thứ 10 của Quốc hội (8 tỷ).

Qua việc xem xét tình hình thực hiện ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 1986, Uỷ ban chúng tôi có mấy nhận xét như sau:

1. Bước vào năm 1986, Nhà nước và nhân dân ta đã có nhiều cố gắng thực hiện kế hoạch và ngân sách nhà nước, trong khi nền kinh tế, tài chính của ta đang còn nhiều khó khăn, mất cân đối gay gắt và đang chịu sự tác động mạnh của hậu quả sai sót về tổ chức thực hiện giá - lương - tiền vừa qua. Tuy nhiên, do công tác quản lý kinh tế vẫn tiếp tục có nhiều mặt yếu kém, việc sửa đổi các chính sách, chế độ về tài chính, ngân hàng và việc xử lý các "rối" về giá làm còn chậm, thiếu vững chắc, đồng bộ và thống nhất nên tình hình ngân sách nhà nước ở Trung ương và nhiều địa phương bị thiếu hụt nghiêm trọng, ngân sách và tiền mặt tiếp tục bội chi lớn.

2. Tình hình thu chi ngân sách 6 tháng đầu năm 1986 tiếp tục mất cân bằng. Điều đáng lưu ý là mặc dù có số thu lớn về chênh lệch giá do nhiều địa phương bán lẻ cao hơn giá lẻ quy định và con số thu do tồn đọng cuối năm 1985, nhưng thu vẫn không tạm đủ cho chi. Nhiều nguồn thu đạt thấp so với kế hoạch, đáng chú ý nguồn thu nhập thuần túy từ xí nghiệp quốc doanh là một nguồn thu lớn cho ngân sách, nếu loại trừ yếu tố thu chênh lệch giá thương nghiệp cấp II, thì chỉ đạt có 35% so với kế hoạch, do các xí nghiệp sản xuất không được cung cấp vật tư, nguyên liệu đúng, đủ và kịp thời, do thiếu vật tư, nguyên liệu căng thẳng, do giá cả luôn luôn biến động, do chế độ thu nộp chưa được chấp hành nghiêm chỉnh,... Nguồn thu thuế công thương nghiệp tuy có cố gắng, nhưng thất thu về hộ vẫn còn nhiều và trong tình hình giá cả thị trường tự do tăng lên quá nhanh thì mức thuế như hiện nay là thấp. Còn các khoản chi như chi cho đầu tư xây dựng cơ bản, cho an ninh quốc phòng, củng cố các tỉnh biên giới, cho bù giá các mặt hàng cung cấp, cho bù lỗ của các ngành sản xuất, kinh doanh lại tăng nhanh và tăng nhiều. Các biện pháp tăng thu, giảm chi và triệt để tiết kiệm chi thực hiện còn thiếu kiên quyết và kém hiệu quả.

Điều đáng quan tâm là quản lý thị trường và cải tạo công thương nghiệp, thiếu những biện pháp tích cực, liên tục và chủ động.

III- VỀ DỰ TÍNH LẠI NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 1986

Theo báo cáo của Hội đồng Bộ trưởng thì dự kiến ngân sách nhà nước năm 1986 được tính lại như sau:

Tổng số thu    : 54.000 triệu đồng,

Tổng số chi    : 62.000 triệu đồng,

Bội chi            : 8.000 triệu đồng.

Hội đồng Bộ trưởng, trong báo cáo của mình, cũng đã đề nghị Quốc hội: "... vì hiện nay tình hình đang có nhiều biến động, những khó khăn và mất cân đối của nền kinh tế đang trong quá trình phải cố gắng khắc phục, mức bội chi ngân sách nếu có tăng thì xin phép Quốc hội điều hành trong phạm vi tối đa không quá 15% tổng số chi ngân sách nhà nước".

Trong thời gian qua, trên cơ sở nghiên cứu, xem xét về vấn đề này và sau khi đã làm việc với Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước, Uỷ ban chúng tôi còn băn khoăn và mối băn khoăn này có cơ sở tính toán của chúng tôi về những khả năng, điều kiện và mức độ bảo đảm của những con số mà Hội đồng Bộ trưởng đã dự tính lại về thu, chi và bội chi ngân sách.

Uỷ ban chúng tôi tán thành những biện pháp cụ thể, tích cực của Hội đồng Bộ trưởng nhằm tăng thu, giảm chi, tiết kiệm chi. Tuy nhiên, Uỷ ban chúng tôi xin lưu ý Hội đồng Bộ trưởng mấy vấn đề sau đây:

- Các nguồn thu trong nước đang giảm sút, nhất là nguồn thu từ nền kinh tế quốc doanh đang có nhiều khó khăn, bế tắc do thiếu vật tư, nhiên liệu và nguyên liệu.

- Trong khi các nguồn thu còn quá hạn chế, thì nhiều nguồn chi đều tăng, trong đó có chi cho lương, chi bù lỗ, bù giá chiếm một tỷ trọng khá lớn trong tổng số chi. Nhiều khoản chi khác đều tăng nhanh và tăng nhiều.

- Tình hình giá cả và chính sách giá cả vừa qua đã và đang gây ra thêm những hậu quả xấu cho sản xuất, phân phối - lưu thông và đời sống của nhân dân. Từ nay đến cuối năm 1986, vấn đề giá cả dù có những biện pháp mạnh mẽ và có hiệu quả thì cũng mới giảm được tốc độ tăng giá, do đó, yếu tố trượt giá vẫn còn làm cho các con số chi tăng lên.

- Cơ chế quản lý kinh tế và các chính sách kinh tế - tài chính chưa được đổi mới bao nhiêu. Các biện pháp tăng thu, giảm chi, triệt để tiết kiệm chi nếu có gì đổi mới thì cũng cần có thời gian để phát huy hiệu quả.

Do đó, tình hình kinh tế - tài chính không bình thường như hiện nay đang đòi hỏi phải có sự chuyển biến mạnh mẽ về tư tưởng và hành động của toàn Đảng, toàn dân, đòi hỏi Hội đồng Bộ trưởng và các cấp, các ngành phải tăng cường quản lý một cách chặt chẽ hơn nữa, phải tổ chức và động viên được đông đảo nhân dân hăng hái khắc phục khó khăn, tham gia góp công, góp của xây dựng đất nước.

Từ đánh giá, phân tích tình hình như trên, Uỷ ban chúng tôi xin kiến nghị như sau:

1. Muốn nền tài chính quốc gia tiến dần tới ổn định, cân bằng thu chi ngân sách và có tích lũy, cần phải có những chính sách để huy động được nhiều nguồn vốn. Cần chú ý đến chính sách mở rộng kiều hối để thu thêm ngoại tệ, khuyến khích Việt kiều đầu tư vào trong nước để phát triển sản xuất, tăng thêm sản phẩm cho xã hội có thêm nguồn thu ngân sách. Cần áp dụng biện pháp đặc biệt nhằm thu hút nhiều hơn nữa tiền vào Ngân hàng như: bảo hiểm giá trị đồng tiền bằng những hiện vật phù hợp với từng vùng để người gửi tiền vẫn giữ được vốn và có lãi, nâng lãi suất đặc biệt với việc gửi tiền tiết kiệm trong một thời gian thích hợp, v.v.. Đi đôi với vấn đề này, cần làm tốt việc tinh giản biên chế, sắp xếp, tổ chức lại sản xuất, lao động hợp lý và bảo đảm quyền tự chủ trong sản xuất, kinh doanh của các tổ chức kinh tế, cơ sở.

2. Cần xúc tiến nhanh việc nghiên cứu để có được chính sách tài chính quốc gia thống nhất; sửa đổi kịp thời các chính sách kinh tế, tài chính nhằm tháo gỡ những vướng mắc, để các đơn vị kinh tế nhanh chóng đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, bảo đảm mua bán bình thường, giao lưu thông suốt, đồng thời bảo đảm quyền quản lý tập trung, thống nhất của Trung ương.

Trong việc sửa đổi chính sách tài chính, tiền tệ, trước hết cần sửa đổi cơ chế hoạt động của Ngân hàng, bổ sung các chính sách giá cả, tín dụng, nhằm thúc đẩy sản xuất, tạo ra nhiều việc làm theo phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm" để tạo thêm nguồn thu mới cho ngân sách.

3. Cần sớm cải tiến chế độ thu quốc doanh và bảo đảm việc thực hiện nghiêm chỉnh và đúng chế độ thu nộp tài chính. Cần tổ chức thực hiện tốt hai Pháp lệnh về thuế nông nghiệp và công thương nghiệp, có biện pháp tích cực chống thất thu thuế và tận thu các khoản nợ. Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, ban hành chính sách thuế thích hợp (điều chỉnh mức thuế kinh doanh thương nghiệp tăng lên tương ứng với giá mới, chính sách thuế nông nghiệp, thuế hải quan, thuế xuất nhập khẩu...).

- Cần kiên quyết không đầu tư tràn lan, tập trung vào trọng điểm. Phải tập trung đầu tư chiều sâu, cải tạo, mở rộng, đồng bộ hóa các cơ sở hiện có để sớm phát huy hiệu quả, tăng nhanh được nguồn thu ngân sách. Chúng tôi ủng hộ việc kiên quyết và dứt khoát giảm chi 3 tỷ về xây dựng cơ bản. Cần triệt để tiết kiệm chi về hành chính, sự nghiệp và các khoản chi khác, đấu tranh chống tiêu cực, chống thất thoát tiền, hàng, chống đầu cơ, buôn lậu, tăng cường kỷ luật tài chính và bảo đảm thực hiện nghiêm chỉnh pháp luật hiện hành.

4. Một trong những vấn đề rất quan trọng và cấp bách hiện nay là cần đặc biệt chú trọng đến khâu tổ chức thực hiện và đổi mới cơ chế quản lý, thực hiện tốt Nghị quyết 306 (dự thảo) của Bộ Chính trị về bảo đảm quyền tự chủ sản xuất, kinh doanh của đơn vị kinh tế cơ sở. Đề nghị Hội đồng Bộ trưởng cần có những biện pháp kiên quyết, đặc biệt và dứt khoát nhằm chấn chỉnh và đổi mới bộ máy quản lý từ Trung ương đến địa phương. Trong việc bố trí cán bộ, cần nắm vững phương hướng là những người phụ trách có trách nhiệm thực hiện phải là những người có đủ năng lực, đồng thời, phải thật sự thông suốt với Nghị quyết 8 của Trung ương Đảng, các Nghị quyết 28, 31, 306 của Bộ Chính trị, kết luận của Hội nghị lần thứ 10 của Trung ương Đảng về giá - lương - tiền. Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cần được tăng cường và coi trọng; công tác kiểm tra, kiểm soát cần được làm thường xuyên và có hiệu lực.

Trên đây là những ý kiến của Uỷ ban kinh tế, kế hoạch và ngân sách của Quốc hội trình Quốc hội xem xét và quyết định.

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội.