BÁO CÁO
CỦA ỦY BAN PHÁP LUẬT CỦA QUỐC HỘI VỀ DỰ THẢO LUẬT HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH
(Do ông Trần Kiêm Lý, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban pháp luật của Quốc hội
trình bày tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa VII, ngày 24-6-1986)
Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,
Thực hiện chương trình xây dựng pháp luật của Nhà nước ta, Ban Dự thảo của Hội đồng Bộ trưởng về Luật hôn nhân và gia đình đã khẩn trương làm việc, tiến hành điều tra, nghiên cứu, nhiều lần tranh thủ ý kiến của các ngành, các cấp, và đến nay đã làm xong bản Dự thảo. Uỷ ban pháp luật của Quốc hội cùng các thường trực của Hội đồng dân tộc, Uỷ ban thanh niên, thiếu niên và nhi đồng, Uỷ ban y tế và xã hội của Quốc hội đã nhiều lần thẩm tra và góp ý kiến. Gần đây, bản Dự thảo cũng đã được các Đoàn đại biểu Quốc hội sơ bộ cho ý kiến.
Trong phiên họp ngày 14 và ngày 16 tháng 6 năm 1986 Hội đồng Nhà nước đã xem xét và quyết định cho phép Ban Dự thảo của Hội đồng Bộ trưởng báo cáo nội dung Dự thảo Luật trước Quốc hội tại kỳ họp này.
Dưới đây, chúng tôi xin báo cáo tổng hợp những ý kiến chính của các Đoàn đại biểu Quốc hội và những đề nghị của Uỷ ban pháp luật về các vấn đề đó:
1. Về tuổi kết hôn
Luật hôn nhân và gia đình năm 1959 quy định tuổi kết hôn đối với nam là từ 20 tuổi trở lên, nữ là từ 18 tuổi trở lên. Điều 5 trong Dự thảo Luật mới cũng quy định tuổi kết hôn như Luật năm 1959.
Về vấn đề này, có hai loại ý kiến: Nhiều Đoàn tán thành quy định của Dự thảo, nhưng cũng có ý kiến đề nghị nâng tuổi kết hôn lên cao hơn: nam từ 22 hoặc 25 tuổi trở lên, nữ từ 20 hoặc 22 tuổi trở lên, với lý do là cần bảo đảm cho thanh niên có điều kiện học tập và làm nghĩa vụ quân sự, đồng thời, cũng nhằm bảo đảm chính sách sinh đẻ có kế hoạch.
Uỷ ban chúng tôi tán thành quy định như Dự thảo Luật, vì vấn đề tuổi kết hôn phải được xem xét toàn diện, phải chú ý đầy đủ đến các mặt tâm lý, sinh lý của thanh niên, và tập quán của xã hội ta. Luật này áp dụng cho cả nước, nên cần chú ý đúng mức đến tình trạng xã hội không đồng đều giữa miền xuôi và miền núi, giữa thành thị và nông thôn, v.v.. Hơn nữa, Dự thảo Luật chỉ quy định mức tuổi tối thiểu để được kết hôn (dưới tuổi đó thì không được kết hôn), chứ không phải bắt buộc nam đến tuổi 20, nữ đến tuổi 18 thì phải kết hôn, do đó, hoàn toàn không ngăn cản gì những người muốn kết hôn muộn hơn. Còn sinh đẻ có kế hoạch là một cuộc vận động quần chúng; Nhà nước ta, vì lợi ích chung của đất nước và lợi ích riêng của mỗi gia đình, nên hết sức khuyến khích việc sinh đẻ có kế hoạch, nhưng không dùng những biện pháp ép buộc. Chúng tôi nghĩ rằng chủ trương như vậy là rất đúng, vì không phải bằng biện pháp nâng tuổi kết hôn mà có thể hạn chế được sinh đẻ, ngược lại, còn có thể gây ra những diễn biến tiêu cực, phức tạp hơn.
2. Về những trường hợp cấm kết hôn
Luật năm 1959 có quy định những người mắc bệnh hủi, những người bất lực hoàn toàn về sinh lý thì không được kết hôn. Trong Điều 7 của Dự thảo Luật, đã bỏ hai trường hợp cấm này. Nhưng có một số Đoàn không tán thành, mà đề nghị vẫn nên giữ lại quy định cấm kết hôn đối với cả hai trường hợp trên.
Hiện nay, y học thế giới cũng như Việt Nam đã xác định một cách có căn cứ khoa học rằng bệnh hủi không phải là loại bệnh truyền nhiễm và hoàn toàn có thể chữa khỏi được, do đó, việc cấm người hủi kết hôn rõ ràng là không cần thiết.
Đối với những người bất lực về sinh lý, nếu họ tự nguyện kết hôn thì cũng không nên cấm đoán. Nam nữ kết hôn với nhau, thương yêu, tôn trọng, và giúp đỡ nhau trong cuộc sống chung. Vì vậy, chúng tôi tán thành việc Dự thảo Luật đã bỏ hai trường hợp cấm kết hôn trên đây.
3. Về tài sản của vợ chồng
Dự thảo Luật trước đây quy định vấn đề tài sản của vợ chồng ở 3 Điều: Điều 14, Điều 15 và Điều 16. Đối với vấn đề này, các Đoàn có hai loại ý kiến.
Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, nên giữ nguyên chế độ tài sản của vợ chồng như Điều 15 của Luật năm 1959, cụ thể là: "Vợ và chồng đều có quyền sở hữu, hưởng thụ và sử dụng ngang nhau đối với tài sản có trước và sau khi cưới". Nếu quy định rằng ngoài tài sản chung, vợ hoặc chồng lại có tài sản riêng thì không hợp với tâm lý, tập quán của người Việt Nam, và có thể khuyến khích tư tưởng không lành mạnh "của anh, của tôi" trong quan hệ vợ chồng.
Loại ý kiến thứ hai tán thành quy định như Dự thảo, tức là vợ hoặc chồng có quyền có tài sản riêng, vì nó phản ánh một thực tế hiện nay, nhưng cần phải quy định rõ ràng thủ tục pháp lý cho việc công nhận tài sản riêng.
Về vấn đề này, Uỷ ban chúng tôi thấy nếu nhất loạt coi tất cả tài sản của vợ hoặc chồng có trước và sau khi cưới là tài sản chung, như quy định của Luật năm 1959 thì không còn phù hợp với tình hình hiện nay. Nhưng nếu quy định một cách quá rạch ròi, cứng nhắc về tài sản riêng của vợ hoặc chồng thì cũng không phù hợp với tâm lý chung của nhân dân ta.
Vì vậy, chúng tôi tán thành cách quy định mềm dẻo như đã được sửa lại ở Điều 126 của Dự thảo trình ra Quốc hội lần này: "Đối với tài sản mà vợ hoặc chồng có trước khi kết hôn, tài sản được tặng hoặc thừa kế riêng trong thời kỳ hôn nhân, thì người có tài sản đó có quyền nhập hoặc không nhập vào khối tài sản chung của vợ chồng".
4. Vấn đề "tước quyền làm cha, làm mẹ"
Về vấn đề này, có một số Đoàn tán thành, nhưng nhiều Đoàn thấy quy định như vậy là không phù hợp với tập quán của ta.
Trong Dự thảo trình ra Quốc hội kỳ này, cách viết (Điều 26) đã được sửa lại tốt hơn. Chúng tôi tán thành cách sửa chữa đó.
5. Về vấn đề con nuôi
Hầu hết các Đoàn nhất trí và thấy cần quy định vấn đề này thành một Chương như dự thảo.
Riêng về tuổi của con nuôi, nói chung các Đoàn đồng ý là người con nuôi khi được nhận nuôi phải dưới 16 tuổi; cũng có ý kiến là phải dưới 14 tuổi. Uỷ ban chúng tôi thấy quy định con nuôi nói chung phải dưới 16 tuổi là hợp lý. Nhiều Đoàn cũng nêu ý kiến là trong một số trường hợp, tuổi của con nuôi có thể trên 16 tuổi, nhưng cần nói rõ đó là những trường hợp nào. Tiếp thụ ý kiến của các Đoàn, Ban dự thảo đã bổ sung nói rõ những trường hợp được nuôi con nuôi trên 16 tuổi (Điều 35). Uỷ ban chúng ta tán thành những trường hợp cụ thể nêu trong Điều 35, nhưng cũng đề nghị đi sâu hơn xem có cần bổ sung những trường hợp nào khác nữa không.
6. Về vấn đề giám hộ
Trong dự thảo trước đây gửi các Đoàn đại biểu Quốc hội, có Chương VIII quy định vấn đề "giám hộ". Hầu hết các Đoàn đều nhất trí nên quy định vấn đề này trong Luật, nhằm bảo vệ quyền lợi của những người chưa thành niên mà cha mẹ đã chết, hoặc cha mẹ còn sống nhưng không có điều kiện chăm sóc, giáo dục. Một số Đoàn thấy nên thay thuật ngữ "giám hộ" bằng thuật ngữ "đỡ đầu" cho dễ hiểu hơn. Tiếp thụ ý kiến của các Đoàn, tên Chương này đã được Ban dự thảo sửa lại là "chế độ đỡ đầu".
Ngoài ra, một số Đoàn còn đề nghị nên quy định quyền và nghĩa vụ của người đỡ đầu cho cụ thể và thiết thực hơn, để khuyến khích việc đỡ đầu. Chúng tôi thấy vì trong vấn đề này, ta còn quá ít kinh nghiệm, nên chưa có điều kiện để quy định cụ thể hơn. Sau này, qua thực tế thi hành, ta sẽ rút kinh nghiệm và bổ sung khi thấy cần thiết.
7. Vấn đề hôn nhân và gia đình giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài
Đối với vấn đề này, nhiều Đoàn đồng ý với quy định của Dự thảo, nhưng có một số Đoàn thấy nên hạn chế lại, hoặc chưa nên quy định vì quá phức tạp.
Chúng tôi thấy cần quy định vấn đề này trong Dự thảo Luật, vì đây là một vấn đề thời sự, nếu trong Luật không có quy định gì cả thì không đáp ứng yêu cầu thực tế hiện nay của xã hội. Nhưng vì quan hệ cụ thể về hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài còn liên quan đến nhiều văn bản pháp luật khác, nên trong văn bản này chỉ có thể quy định những vấn đề có tính chất nguyên tắc. Chúng tôi thấy quy định như Dự thảo là vừa phải và thích hợp.
8. Về đề nghị đưa Dự thảo Luật ra cho nhân dân tham gia ý kiến
Nhìn chung, nội dung của Dự thảo Luật hôn nhân và gia đình đã thể hiện được những vấn đề cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình trong xã hội ta hiện nay. Đó là nhờ sự cố gắng to lớn của Ban Dự thảo, nhờ sự đóng góp ý kiến nghiêm túc và nhiệt tình của các Đoàn đại biểu Quốc hội cũng như của các các cấp, các ngành trong quá trình xây dựng dự thảo. Tuy nhiên, do vấn đề hôn nhân và gia đình liên quan nhiều đến lợi ích của mọi tầng lớp nhân dân, cho nên sự tham gia ý kiến rộng rãi của nhân dân đối với vấn đề này là rất cần thiết.
Chúng tôi đề nghị Quốc hội cho phép đưa Dự thảo Luật hôn nhân và gia đình ra nhân dân thảo luận. Sau khi có ý kiến đóng góp của nhân dân, bản Dự thảo Luật sẽ phải chỉnh lý kỹ một lần nữa, kể cả về mặt văn tự, và trình Quốc hội thảo luận và thông qua trong kỳ họp tới.
Trân trọng đề nghị Quốc hội xem xét và quyết định.
Xin cảm ơn các đồng chí đại biểu Quốc hội.