THUYẾT TRÌNH
CỦA ỦY BAN Y TẾ VÀ XÃ HỘI CỦA QUỐC HỘI VỀ VẤN ĐỀ BẢO ĐẢM VỆ SINH MÔI TRƯỜNG,
TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH DÂN SỐ (1981-1985) VÀ VIỆC ĐIỀU CHỈNH GIÁ - LƯƠNG - TIỀN
LIÊN QUAN TỚI LĨNH VỰC Y TẾ VÀ XÃ HỘI HIỆN NAY
(Do ông Dương Quốc Chính, Chủ nhiệm Ủy ban y tế và xã hội
trình bày tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa VII,
ngày 24-12-1985)
Thưa Quốc hội,
Thưa các đồng chí đại biểu,
Năm 1985, thực hiện chức năng của mình, Ủy ban y tế và xã hội của Quốc hội đã cử nhiều đoàn công tác đến một số tỉnh, thành phố đại diện cho cả 3 miền của đất nước ở các vùng đồng bằng, ven biển, miền núi, biên giới, hải đảo; thăm một số khu công nghiệp, khu tập trung dân cư, một số huyện, xã vùng xa xôi hẻo lánh, căn cứ cách mạng cũ, nghe báo cáo của một số Bộ, cơ quan có liên quan đến các vấn đề y tế, thương binh - xã hội và thể dục thể thao.
Qua một thời gian nghiên cứu và khảo sát các lĩnh vực trên, Ủy ban chúng tôi thấy cần phải báo cáo với Quốc hội một số nét về "Tình hình bảo đảm vệ sinh môi trường lao động và sinh hoạt ở các khu công nghiệp, các thành phố, thị xã, khu tập trung dân cư" và "Tình hình thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình (1981-1985)" để Quốc hội và các đồng chí đại biểu có thêm cơ sở trong quá trình xem xét, thảo luận và thông qua kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 1986, quyết định việc phân bổ ngân sách có tác dụng thúc đẩy các lĩnh vực chính trị, kinh tế - xã hội và quốc phòng ngày càng phát triển một cách cân đối, hài hòa, hợp lý.
Sau đây là một số ý kiến của chúng tôi về các lĩnh vực trên:
I- TÌNH HÌNH BẢO ĐẢM VỆ SINH MÔI TRƯỜNG
LAO ĐỘNG VÀ SINH HOẠT Ở CÁC KHU CÔNG NGHIỆP, THÀNH PHỐ, THỊ XÃ VÀ KHU TẬP TRUNG ĐÔNG DÂN CƯ
Trong hơn 40 năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã quan tâm rất nhiều đến sức khỏe của nhân dân. Cho đến nay, mạng lưới y tế đã được xây dựng rộng khắp mọi nơi, kể cả ở những vùng xa xôi, hẻo lánh, rừng núi, hải đảo; đội ngũ cán bộ; chuyên môn kỹ thuật y tế được đào tạo ngày càng đông và có trình độ chuyên môn ngày càng cao hơn. Nhiều phong trào vệ sinh phòng bệnh được phát động. Song những năm gần đây, dịch bệnh tuy có ít đi nhưng vẫn tồn tại và có thể phát triển trở lại, sức khỏe của nhân dân có chiều hướng giảm sút (theo báo cáo của Bộ Y tế). Một trong những nguyên nhân gây nên tình hình đó là môi trường lao động và sinh hoạt bị ô nhiễm nặng.
Hiện nay ở hầu hết các thành phố, thị xã, thị trấn, các xí nghiệp công nghiệp, thủ công nghiệp, kể cả những xí nghiệp sản xuất những chất rất độc cũng đóng ở các vị trí xen kẽ với khu dân cư. Trong lúc đó, môi trường sản xuất của đại đa số xí nghiệp, cơ sở sản xuất mà ngành Y tế tiến hành đo đạc được, nồng độ hơi độc, khí độc, bụi, tiếng ồn đều vượt các tiêu chuẩn cho phép nhiều lần, thậm chí có nơi gấp hàng trăm lần. Theo số liệu điều tra do ngành Y tế tiến hành tại 560 xí nghiệp công nghiệp và ngành Giao thông vận tải thì: Bụi vượt tiêu chuẩn cho phép từ 40-100% số mẫu đo; hơi khí độc từ 35-85%; tỷ lệ chất độc 666 (thuốc trừ sâu) trong nước thải của nhà máy Hóa chất Việt Trì đổ ra sông cao gấp 121 lần tiêu chuẩn cho phép; Độ ồn đo được ở một số xí nghiệp từ 90-100% dBA, thậm chí có nơi tới 120 dBA (tiêu chuẩn cho phép là 80-85 dBA) chất thải của rất nhiều nhà máy, xí nghiệp, tuy chưa đo đạc được mức độ gây ô nhiễm một cách chính xác, song đã gây ra những vụ chết cá trên sông, làm hỏng hoa màu, cây cối vùng chung quanh, làm thay đổi màu nước một số khúc sông, bụi đọng lại ở đường phố, mái nhà và vùng chung quanh, mà mắt thường cũng thấy được. Và còn bao nhiêu hoạt động khác nữa của tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp, công nghiệp như: gò, hàn, sản xuất đồ nhựa, cao su, hoạt động của các loại xe cơ giới cùng với việc sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu không theo đúng quy định, không được kiểm soát, cũng thải vào môi trường sống đủ loại hơi, khí độc, khói, bụi và tiếng ồn mà chúng ta chưa xác định được mức độ cụ thể.
Phân, rác, nước thải trong quá trình hoạt động của cộng đồng dân cư cũng là một nguồn ô nhiễm lớn. Mọi thứ rác rưởi, nước thải sinh hoạt, các chất hữu cơ thối rữa của các cơ sở sản xuất, bệnh viện, gia đình đều được thải ra hệ thống chung mà không qua một biện pháp xử lý nào, trong lúc đó hệ thống cống rãnh, hố xí, năng lực vận chuyển phân rác ra khỏi thành phố, khu đông dân cư không đáp ứng với sự phát triển công nghiệp, thủ công nghiệp, quá trình đô thị hóa và sự bùng nổ dân số. Những công trình mới xây dựng đều không được chú ý đúng mức về mặt vệ sinh chung, thậm chí, còn gây tắc nghẽn hệ thống thoát nước thải khác. Đường phố đô thị vừa là đường giao thông vừa là máng tiêu thoát nước sinh hoạt. Ngay cả hố xí là nhu cầu thiết yếu hàng ngày cũng không đủ. Tỷ lệ số hộ thiếu hố xí còn rất lớn, bình quân số người dùng chung một hố xí còn quá cao so với tiêu chuẩn một hố xí dùng cho 15 người. Đó là chưa kể đến chất lượng hố xí.
Tuy đã có nhiều cố gắng, nhưng năng lực vận chuyển, thu dọn rác ở các thành phố, thị xã cũng chỉ đáp ứng được 60-80% lượng rác hàng ngày. Số còn lại là do tư nhân tự do chuyên chở, hoặc bị thải xuống cống rãnh và ùn tắc lưu cữu lâu ngày gây tình trạng tắc đường giao thông, làm mất mỹ quan thành phố, thị xã, gây ra mùi xú uế khó chịu, tạo điều kiện cho ruồi, muỗi, nhặng, dịch bệnh phát triển. Với môi trường như vậy mà thức ăn, đồ uống, thực phẩm khác bày la liệt dọc đường giao thông, hè phố, gần ngay cả cống rãnh hố xí, nơi đổ rác có nhiều ruồi nhặng. Hệ thống nước cống lại bị hỏng, bị vỡ, bị đục phá, nước đầu nguồn không có đủ hóa chất để khử trùng nên trong các mẫu nước phát hiện lượng E.coli, C.welchi (vi trùng trong phân và nước cống rãnh) vượt xa tiêu chuẩn cho phép, thậm chí có nơi có cả vi trùng tả.
Tình hình ô nhiễm đó đang hàng ngày, hàng giờ ảnh hưởng tới sức khỏe của người lao động và thế hệ tương lai. Chúng ta mới tiến hành kiểm tra sức khỏe của một bộ phận công nhân sản xuất ở một số xí nghiệp đã phát hiện được hàng ngàn người mắc bệnh nghề nghiệp. Tại Thành phố Hồ Chí Minh đã phát hiện được 200 em sống ở chung quanh khu vực sản xuất ắcquy có nhiễm độc chì, 9 em bị viêm ruột hoại tử bước đầu xác định do bị nhiễm độc nước thải của nhà máy vùng Hoóc Môn. Các hiện tượng quái thai, dị dạng, chửa trứng cũng tăng. Những năm gần đây, một số dịch bệnh rất nguy hiểm trước đây đã bị dập tắt lại xuất hiện (như: tả, dịch hạch, lỵ, sốt rét, viêm não...) ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe, đe dọa tính mạng của nhân dân. Ngoài ra, còn ảnh hưởng rất lớn tới ngày công, giờ công và năng suất của người lao động, làm thiệt hại lớn cho sản xuất. Nhà nước phải tốn hàng triệu đồng và hơn nữa để dập tắt mỗi khi dịch xảy ra.
Sở dĩ có tình hình trên đây là do:
- Quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng, tỷ lệ dân số phát triển quá cao trong lúc nền kinh tế còn mất cân đối nghiêm trọng, các điều kiện vật chất và kỹ thuật để bảo đảm vệ sinh, chống ô nhiễm môi trường còn quá thiếu thốn và chậm được giải quyết.
- Trong quá trình thực hiện công tác quy hoạch, kế hoạch xây dựng các thành phố, thị xã và khu công nghiệp, xí nghiệp, các điều kiện và yêu cầu về vệ sinh (hệ thống lọc độc, làm mát, giảm bụi, giảm ồn, hệ thống cống rãnh, xử lý chất thải...) không được quan tâm thích đáng. Đặc biệt là khi tiến hành xây dựng từng công trình công nghiệp, dân dụng, giao thông vận tải, nhà ở... Các công trình bảo đảm vệ sinh không những không được xây dựng tốt mà còn bị cắt xén hạng mục và vốn, thậm chí lại còn tình trạng làm hư hỏng, cản trở hệ thống xử lý vệ sinh công cộng đã có trước đây.
- Công tác quản lý thành phố, thị xã lỏng lẻo, bao cấp nặng nề trong mọi lĩnh vực không phù hợp với những đặc điểm của khu tập trung dân cư, tập trung các đầu mối giao thông quan trọng nằm trên một địa bàn rất hẹp; thiếu tuyên truyền, vận động, giáo dục kỹ lưỡng, thường xuyên cho mọi người, mọi ngành; thiếu các biện pháp hành chính - kinh tế cần thiết đối với việc thực hiện các quy định vệ sinh; do đó, không huy động được sức mạnh tổng hợp của các cơ quan, xí nghiệp, đoàn thể và nhân dân trong việc bảo vệ môi trường lao động và sinh hoạt.
Từ tình hình trên, Ủy ban chúng tôi xin kiến nghị một số vấn đề:
1. Trước hết trong nhận thức của cán bộ, các cấp chính quyền, các cơ quan, xí nghiệp, đoàn thể và nhân dân, cần làm rõ vấn đề bảo vệ sức khỏe nhân dân chính là vấn đề kinh tế, vấn đề nâng cao năng suất lao động, vấn đề con người và nòi giống, làm tốt vấn đề trên sẽ giảm bớt chi phí cho công tác bị động chống dịch và điều trị bệnh như lâu nay ta vẫn làm và giảm bớt sự lo lắng cho mọi người, giữ gìn tốt nòi giống cho mai sau. Cần thực hiện cho được phương châm y tế của nước ta như Điều 47 của Hiến pháp năm 1980 đã xác định, thông qua những hành động thực tế, khắc phục những nguyên nhân gây ra dịch bệnh.
2. Từ nhận thức trên cần dành một số ngân sách, vật tư và phương tiện để cải tạo công trình vệ sinh trong thành phố, thị xã, khu công nghiệp đặc biệt là ở Thủ đô. Nhanh chóng nghiên cứu và ban hành các quy định cụ thể để huy động được sự đóng góp của nhân dân, gắn trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, các hộ tư nhân với điều kiện lao động và sinh hoạt của khu dân cư; giải quyết quan hệ giữa hưởng thụ và nghĩa vụ phù hợp với từng thành phố, thị xã (lâu nay chúng ta thấy một trình trạng là Nhà nước ra sức bỏ vốn đầu tư xây dựng công trình vệ sinh, đài thọ bộ máy làm vệ sinh, trong lúc đó các cơ sở, xí nghiệp quốc doanh; các tập thể sản xuất công nghiệp, tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp, các hộ tư nhân mặc sức thải đủ các loại chất độc, khí độc, phân, rác, nước cặn bã ra đường phố mà không chịu một chi phí nào). Đã đến lúc chúng ta phải xem lại cách quản lý bao cấp ấy. Coi trọng chỉ đạo và duy trì phong trào vệ sinh yêu nước của toàn dân.
3. Quan tâm tới việc phân bổ vốn đầu tư xây dựng mạng lưới, đào tạo cán bộ cho hệ vệ sinh phòng dịch cân đối với hệ điều trị. Nghiên cứu cơ chế thích hợp để có con số thống kê tình trạng dịch bệnh một cách nhanh chóng và chính xác làm cơ sở đề ra các biện pháp khắc phục phù hợp với từng thời gian, từng địa phương.
4. Chúng tôi đề nghị Hội đồng Bộ trưởng có biện pháp cụ thể kiểm tra việc thực hiện các quy định ghi trong Nghị quyết số 24/HĐBT ngày 20-9-1985, đồng thời, nghiên cứu quyền hạn và trách nhiệm của ngành Y tế trong việc theo dõi kiểm tra các cơ quan, tập thể và cá nhân xây dựng và cải tạo các công trình (về mặt vệ sinh và những tác hại ảnh hưởng đến sức khỏe dân cư).
5. Hội đồng Bộ trưởng có biện pháp chỉ đạo, hướng dẫn ủy ban nhân dân các cấp, các ngành thực hiện các quy định về vệ sinh đã ban hành trước đây; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, xử phạt, bắt bồi thường các trường hợp vi phạm các quy định về vệ sinh và làm hư, hỏng, mất tác dụng các công trình vệ sinh công cộng (dù đó là cơ quan nhà nước, cơ quan tổ chức xã hội, hợp tác xã hay là hộ tư nhân).
6. Nhanh chóng nghiên cứu trình Quốc hội ban hành Luật "bảo vệ sức khỏe nhân dân" và chỉnh lý các quy định, tiêu chuẩn vệ sinh đã ban hành trước đây, bổ sung các tiêu chuẩn mới phù hợp với trình độ quản lý và nền kinh tế - xã hội hiện nay.
II- VỀ VẤN ĐỀ THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH DÂN SỐ
Vấn đề "phát triển dân số một cách hợp lý và kế hoạch hóa gia đình": đối với nước ta từ hai thập kỷ nay ngày càng bộc lộ rõ tính chất cấp bách và trở thành một quốc sách.
Từ 1982, Ủy ban y tế và xã hội của Quốc hội đã tiến hành xem xét tình hình thực hiện các nghị quyết về kế hoạch nhà nước hàng năm của Quốc hội cụ thể hóa chỉ tiêu phấn đấu hạ tỷ lệ phát triển dân số đến mức hợp lý. Ủy ban đã định kỳ có báo cáo trước Quốc hội, Hội đồng Nhà nước.
Nay xin báo cáo tổng quát tình hình thực hiện chương trình dân số trong những năm 1981-1985.
Do hậu quả của việc sinh đẻ không có kế hoạch trước đây nên từ nay đến cuối thế kỷ XX, số phụ nữ Việt Nam trong tuổi sinh đẻ (19-45 tuổi) tăng nhanh và ngày càng chiếm tỷ lệ cao trong dân số (trung bình hàng năm tăng 3,5%). Số nam giới nhóm tuổi 20-55 cũng tăng theo tỷ lệ tương tự. Đặc tính trẻ của dân số Việt Nam như vậy rất cần được quan tâm. Đó chính là dấu hiệu của sự bùng nổ dân số đã bắt đầu, nó thể hiện tính chất cực kỳ khó khăn của việc kế hoạch hóa phát triển dân số của nước ta nhằm tạo sự cân đối giữa dân số và những điều kiện bảo đảm đời sống, cả vật chất và tinh thần cho số dân.
Năm năm qua, cuộc vận động sinh đẻ có kế hoạch (phát động từ 1963) đã được kiên trì tiếp tục theo 3 mục tiêu cơ bản "mỗi gia đình 2 con, con cách nhau 5 tuổi, nữ sinh con đầu lòng sau 22 tuổi". Mục tiêu 2 con - gái cũng như trai - là quy mô gia đình hợp lý về mọi mặt kinh tế - xã hội, văn hóa...
Hai năm đầu của kế hoạch nhà nước 1981-1985, ngành Y tế giữ vai trò chủ yếu từ khâu vận động, tuyên truyền, thuyết phục các cấp lãnh đạo đến các dịch vụ kỹ thuật tránh thai, song phong trào chưa thực sự sâu rộng và không đồng đều trong toàn quốc cũng như ở mỗi địa phương, mà còn tùy thuộc vào sự quan tâm của mỗi cấp ủy, sự chỉ đạo của chính quyền mỗi cấp, vai trò tham mưu của ngành Y tế mỗi nơi:
- Tỷ lệ sinh trong những năm đó giữ nguyên ở mức 30‰ so với số dân;
- Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên chiếm 52% năm 1981, 50% năm 1983 so với tổng số sinh;
- Tỷ lệ nữ sinh con trước tuổi 20 và sau tuổi 40 vẫn còn cao: 9,48% so với tổng số sinh;
- Đã có hơn 30 huyện đạt ít nhất một lần hạ tỷ lệ phát triển dân số xuống 1,5%; song, do thiếu biện pháp tích cực để duy trì phong trào nên hiện nay chỉ có ít huyện giữ vững được thành tích như Mỹ Văn, Hải Hưng.
Từ sau khi Ủy ban Quốc gia Dân số và Kế hoạch hóa gia đình được thành lập (4-1984), chương trình dân số được chỉ đạo thực hiện và có sự phối hợp chặt chẽ hơn. Các ngành, các cấp, các đoàn thể, đặc biệt là Hội liên hiệp Phụ nữ càng tích cực đề cao vai trò động viên, giáo dục quần chúng; Tổng Công đoàn đã chỉ đạo khá sít sao trong công nhân, viên chức bằng những quy định được hướng dẫn cụ thể, chi tiết tới tận cơ quan, xí nghiệp, v.v. hỗ trợ cho sự hoạt động có hiệu quả của ngành Y tế từ Trung ương tới cơ sở, với sự hình thành một đội ngũ cán bộ có kỹ thuật thực hiện các biện pháp tránh thai. Công tác này lại được lồng ghép với công tác bảo vệ bà mẹ - trẻ em nên được nhiều người dễ dàng chấp nhận. Quần chúng đông đảo hưởng ứng cuộc vận động và tự giác thực hiện; các kỹ thuật tránh thai được phục vụ hàng năm với số lượng cao gần gấp hai lần thời kỳ trước.
- Tỷ lệ nữ 18-49 tuổi, có chồng, dùng biện pháp tránh thai năm 1981 là 15%, năm 1985 là 34,2%, dự kiến cuối năm 1985 xấp xỉ 40%; một số tỉnh như Thái Bình, Hà Nội, Hải Phòng đạt trên 60%.
Năm 1984, trong tổng số sinh có 48,5% là con thứ ba trở lên, trong đó 25% là con sinh lần thứ tư.
- Trên 4,5% số bà mẹ nhiều tuổi còn sinh:
+ Đồng bằng Bắc bộ 0,94%.
+ Đồng bằng sông Cửu Long 3,46%.
+ Miền Tây Nam bộ 3,33%.
Trong số tỉnh thực hiện tốt kế hoạch hóa gia đình, ở miền Bắc còn có Hải Hưng, Quảng Ninh; Vĩnh Phú, Hà Bắc là 2 tỉnh mới nổi lên; miền Trung có Quảng Nam, Đà Nẵng, Nghĩa Bình; miền Nam có các tỉnh, Thành phố Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Long An, v.v.. Song Hà Nam Ninh, Hà Sơn Bình tuy cũng có những điều kiện kinh tế - xã hội, chính trị, văn hóa, tôn giáo, v.v. như Thái Bình, Hà Bắc nhưng tỷ lệ sinh không giảm hoặc giảm ít, điều đó cho thấy rất rõ vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền mỗi địa phương, mỗi đơn vị trong lĩnh vực này.
Phải nói thêm rằng, theo số liệu thống kê, những người sinh đẻ hàng năm chủ yếu là thanh niên (70-80%). Vận động được đối tượng này kế hoạch hóa sinh đẻ sẽ có một ý nghĩa rất lớn, đáng tiếc Đoàn Thanh niên (kể cả trong Quân đội) đóng góp chưa thật tích cực, có hiệu quả, cho cuộc vận động này, tuy gần đây đã có tiến bộ hơn trước ít nhiều.
Tới nay, theo báo cáo của Ủy ban Quốc gia Dân số và Kế hoạch hóa gia đình, kết quả tỷ lệ phát triển dân số qua các năm như sau:
1980
|
1981
|
1982
|
1983
|
1984
|
2,22%
|
2,32%
|
2,30%
|
2,29%
|
2,24%
|
Ở tỷ lệ này hàng năm dân số Việt Nam vẫn tăng trung bình 1 triệu 300.000 người (sinh trên 1,7 triệu cháu).
Như vậy là tình hình phát triển dân số ở nước ta mới chỉ ở mức có xu hướng chững lại (và còn cao hơn tỷ lệ năm 1980 một chút).
Với tỷ lệ cứ phát triển dân số 2% như hiện nay, thì dân số nước ta sẽ tăng lên hai lần vào năm 2020 (120 triệu) và chưa biết đến bao giờ mới ổn định được dân số và ở mức dân số là bao nhiêu, "Chương trình dân số Liên hợp quốc" dự kiến với đà này, nước ta chỉ có thể ổn định dân số ở mức 160 triệu dân, thật đáng lo ngại!
Qua làm việc với các ngành hữu quan, qua xem xét tình hình thực tế ở các địa phương, chúng tôi thấy nguyên nhân không đạt được chỉ tiêu kế hoạch phát triển dân số đã được Nhà nước đề ra, là:
1. Về nhận thức tư tưởng: chưa phải tất cả mọi cấp ủy đảng, cấp bộ chính quyền, mọi ngành, mọi người - kể cả những nhà làm kinh tế, những nhà giáo dục tư tưởng - đều đã nhận thức đầy đủ sức ép của vấn đề tăng dân số không hợp lý và hậu quả sâu xa của nó tạo ra sự mất cân đối giữa dân số và kinh tế - xã hội trên một đất nước đất không rộng, người quá đông (mật độ 175 người/1km2; bình quân 0,1ha đất cho 1 lao động; năng suất một lao động chỉ nuôi thêm được một nhân khẩu).
a) Công tác giáo dục, tuyên truyền kế hoạch hóa gia đình chưa được tiến hành thật bền bỉ, sâu rộng, thường xuyên, liên tục, phù hợp với từng đối tượng, từng vùng; Nhìn chung mới chỉ làm được trên diện rộng nhưng chưa khắp (nông thôn Nam bộ, vùng xa xôi hẻo lánh, vùng công giáo chưa được quan tâm đúng mức); hình thức còn nghèo nàn, nội dung chưa phong phú, chưa lý giải được những khía cạnh về tâm lý, những quan niệm cũ kỹ về gia đình, dòng giống. Đáng chú ý là chưa có hình thức và biện pháp đúng đắn, thích hợp để giáo dục cho nam nữ thanh niên có những hiểu biết khoa học cần thiết về giới tính, về cơ chế sinh sản để chủ động trong thực hiện sinh đẻ có kế hoạch.
b) Chưa coi trọng giác ngộ quần chúng biết gắn quyền lợi riêng với tiền đồ đất nước, chưa phát động lòng yêu nước của nhân dân trong việc tích cực góp phần thực hiện quốc sách phát triển dân số hợp lý để bảo đảm hạnh phúc của thế hệ mai sau có cuộc sống ấm no đầy đủ.
c) Chưa giáo dục bồi dưỡng cho cán bộ chuyên môn làm công tác sinh đẻ có kế hoạch nhận thức đầy đủ, sâu sắc về công việc mình làm có ý nghĩa quốc sách to lớn để có thái độ thông cảm, tôn trọng và khuyến khích động viên người áp dụng biện pháp tránh thai, còn nặng cửa quyền, ban ơn.
2. Màng lưới chuyên môn ở nhiều tỉnh, quận, huyện còn yếu và thiếu, chưa thật sự đáp ứng được yêu cầu của nhân dân về dịch vụ kỹ thuật tránh thai. Phương tiện, dụng cụ chuyên môn, thuốc men cũng như cơ sở vật chất (nhà cửa, tiện nghi bệnh viện, nước sạch và chất đốt) thiếu thốn, cũ, hỏng.
3. Các chế độ chính sách khuyến khích thực hiện sinh đẻ có kế hoạch cũ chậm được sửa đổi, bổ sung, hoặc xây dựng mới như Văn kiện Đại hội lần thứ V của Đảng đã ghi. Vì vậy, một số địa phương nhẹ khen thưởng động viên người tuyên truyền chính sách, người phục vụ y tế, nhẹ thuyết phục, nặng áp đặt đối với người sinh đẻ ngoài kế hoạch, trái với tính chất một cuộc vận động về tư tưởng, nếp sống...
4. Công tác tuyên truyền giáo dục, công tác dịch vụ kỹ thuật về bảo vệ bà mẹ trẻ em và kế hoạch hóa gia đình chưa được đầu tư thích đáng về ngân sách. Một chính sách lớn, một quốc sách đã chưa được mọi ngành, mọi người tự giác chấp hành mà kinh phí lại dựa chủ yếu vào nguồn viện trợ của Quỹ Dân số Liên hợp quốc thì thật là không hợp lý và không vững chắc.
Theo Ủy ban Quốc gia Dân số và Kế hoạch hóa gia đình, tính đến tháng 8-1984, ta có 28,5 triệu người ở độ tuổi lao động và mới chỉ giải quyết được việc làm cho 30 vạn/1,2 triệu lao động tăng hàng năm. Con số ấy sẽ lên tới 46 triệu người ở độ tuổi lao động vào năm 2000, vì vậy đầu thế kỷ sau, việc giải quyết việc làm cho người lao động sẽ càng khó khăn.
Từ tình hình trên, ngoài những công việc hết sức cấp thiết đã được Ban Bí thư nêu ra trong Chỉ thị 74/CT-TW ngày 19-9-1985 về việc " tăng cường lãnh đạo cuộc vận động kế hoạch hóa gia đình nhằm hạ tỷ lệ phát triển dân số", Ủy ban y tế và xã hội của Quốc hội trong một văn bản gửi Hội đồng Nhà nước đã kiến nghị lưu ý Hội đồng Bộ trưởng về một số vấn đề như:
- Ban hành chế độ chính sách khuyến khích thực hiện chính sách dân số.
- Chỉ đạo công tác tuyên truyền vận động kế hoạch hóa gia đình sâu rộng, thường xuyên, phù hợp từng đối tượng, từng vùng nhằm tạo ra sự chuyển biến sâu sắc, cơ bản về nhận thức ý nghĩa chiến lược của kế hoạch phát triển dân số đối với toàn xã hội và mỗi gia đình.
- Tổ chức các "Trung tâm hướng dẫn thực hiện kế hoạch hóa gia đình" ở các tuyến cơ sở gắn liền với các bệnh viện, phòng khám đa khoa.
- Đầu tư thỏa đáng cho công tác này về các mặt xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật; trang bị phương tiện dụng cụ, thuốc men; đào tạo bố trí lực lượng cán bộ chuyên môn kỹ thuật; lập quỹ khen thưởng và có ngân sách dùng cho thông tin tuyên truyền vấn đề này, v.v..
- Coi trọng phối hợp công tác giữa các ngành Dân số, Y tế, Thống kê, Kế hoạch để giúp Hội đồng Bộ trưởng quản lý tình hình phát triển dân số hàng tháng, hàng quý, có số liệu thống nhất, chính xác, nhằm kịp thời đề ra những biện pháp chỉ đạo thích hợp, có hiệu quả.
- Đề nghị các đoàn thể, đặc biệt là Đoàn Thanh niên (kể cả trong Quân đội) và Tổng Công đoàn hết sức đề cao trách nhiệm trong cuộc vận động này đối với các đối tượng của đoàn thể mình, coi đây là một tiêu chuẩn thi đua.
- Đề nghị Ủy ban Quốc gia Dân số và Kế hoạch hóa gia đình phát huy mạnh mẽ chức năng giúp Hội đồng Bộ trưởng chỉ đạo công tác thực hiện chính sách dân số nhằm đạt được những kết quả tốt đẹp hơn nữa trong giai đoạn tới.
III- MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG QUANH VIỆC ĐIỀU CHỈNH
GIÁ - LƯƠNG - TIỀN LIÊN QUAN TỚI LĨNH VỰC
Y TẾ - XÃ HỘI
Hiện nay, cả nước đang đi vào thực hiện Nghị quyết 8 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa V). Ủy ban y tế và xã hội chúng tôi nhận thức rằng việc đổi mới chính sách giá - lương - tiền và cơ chế quản lý kinh tế theo tinh thần Nghị quyết là sự thay đổi lớn có ý nghĩa thực tiễn, đúng đắn. Song trong việc chỉ đạo thực hiện còn có những mặt chưa bám sát tinh thần của Nghị quyết, ảnh hưởng không lợi đến sự nghiệp bảo vệ sức khỏe nhân dân và việc thi hành các chính sách xã hội của Đảng và Nhà nước. Cụ thể như sau:
- Giá thuốc tăng quá đột ngột trong lúc tâm lý xã hội đã được hình thành từ lâu chưa thay đổi kịp, cùng với việc cơ cấu 4đ tiền thuốc thông thường trong lương mới; chẳng những không có hiệu quả mà còn tạo ra nhiều bất lợi, ảnh hưởng tới công tác khám và chữa bệnh cho nhân dân.
- Trong hệ thống lương mới có nhiều chỗ không hợp lý, đặc biệt là tương quan lương của cán bộ y tế hệ điều trị và hệ vệ sinh phòng bệnh không phản ảnh được đường lối y tế dự phòng của Nhà nước ta.
- Qua công tác thu đổi tiền, lượng tiền nhỏ thiếu quá lớn đã ảnh hưởng không nhỏ tới việc cấp phát tiền trợ cấp xã hội cho các đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi (đặc biệt ở phía Nam rất nhiều trường hợp hàng mười mấy đối tượng nhận chung một tờ giấy bạc 500 đồng, không biết làm thế nào để chi dùng được).
Từ tình hình trên Ủy ban chúng tôi đề nghị Hội đồng Bộ trưởng nghiêm khắc kiểm điểm việc chỉ đạo điều chỉnh giá - lương - tiền trong lĩnh vực y tế - xã hội và sớm có biện pháp giải quyết những thiếu sót nêu trên.
Kính thưa Quốc hội!
Kỳ họp này Quốc hội thảo luận và thông qua kế hoạch và ngân sách nhà nước năm 1986, năm đầu tiên của kế hoạch 5 năm lần thứ tư, Ủy ban y tế và xã hội chúng tôi đề nghị Quốc hội dành phần quan tâm thích đáng đối với các vấn đề có liên quan chặt chẽ đến dân sinh, kinh tế chúng tôi đã trình bày trên, vì hiển nhiên rằng, vấn đề điều hòa sinh sản của cả một dân tộc, một quốc gia là công việc tối quan trọng, tối bức bách, có tính bao trùm toàn bộ nền kinh tế quốc dân và chỉ có thể kế hoạch hóa được nền kinh tế - xã hội khi đồng thời kế hoạch hóa và điều hòa được sự phát triển dân số và bảo đảm được những điều kiện sinh tồn lành mạnh cho số dân.
Kính chúc sức khỏe các đại biểu Quốc hội.