VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP VI(QUYỂN 2) 1984 - 1987

THUYẾT TRÌNH CỦA ỦY BAN THANH NIÊN,
THIẾU NIÊN VÀ NHI ĐỒNG CỦA QUỐC HỘI VỀ PHÂN BỐ SỬ DỤNG LAO ĐỘNG TRẺ,
GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM CHO THANH NIÊN
(Do ông Lê Thanh Đạo, Chủ nhiệm Ủy ban thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội
 trình bày tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa VII, ngày 24-12-1985)

Kính thưa Quốc hội,

Kính thưa các đồng chí đại biểu;

Trong hai năm gần đây, Ủy ban thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội đã tập trung nghiên cứu, khảo sát vấn đề phân bổ và sử dụng lao động trẻ, giải quyết việc làm cho thanh niên. Đây là một vấn đề lâu dài, khó khăn và phức tạp. Đặc biệt là với nước ta đang trong chặng đường đầu tiên của thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội, trong tình hình nền kinh tế - xã hội của nước ta đang có nhiều khó khăn, mất cân đối gay gắt.

Dân số và lao động ở nước ta tăng nhanh. Hơn nửa thế kỷ qua, dân số tăng 3,7 lần, từ 15,6 triệu người (năm 1921) lên đến 59 triệu người (năm 1985). Mười năm qua (1976-1985) dân số nước ta tăng trên 10 triệu người. Bình quân hàng năm tăng trên 1 triệu người.

Sự "bùng nổ" về dân số những năm 60 đã dẫn đến sự tăng nhanh về lao động hiện tại và cả những năm tới 1986-1990. Cũng 10 năm qua lao động tăng thêm 9,5 triệu người, tốc độ tăng bình quân là 3,7%. Lao động dồi dào là một tiềm năng và vốn quý của ta trong quá trình dựng nước và giữ nước. Nhưng do lao động tăng ở mức độ cao trong tình hình tốc độ phát triển sản xuất của ta còn thấp và chậm, dẫn tới những khó khăn và áp lực về nhu cầu giải quyết việc làm cho người lao động, mà trước hết là lao động trẻ. Mức độ gay gắt của vấn đề giải quyết việc làm ở nước ta hiện nay biểu hiện tập trung ở mâu thuẫn giữa quy mô số người có nhu cầu giải quyết việc làm quá lớn với khả năng phát triển kinh tế, khả năng giải quyết chỗ làm việc còn rất hạn chế.

Mấy năm vừa qua, nhận thức được tính cấp bách của vấn đề, một số ngành và địa phương đã đặt vấn đề phân bổ và sử dụng lao động trẻ trong kế hoạch kinh tế - xã hội hàng năm nhằm thu hút lao động phục vụ cho các mục tiêu phấn đấu hoàn thành kế hoạch nhà nước. Một đối tượng quan trọng là thanh niên bước vào tuổi lao động được giải quyết việc làm, được huy động vào những mũi nhọn kinh tế và quốc phòng trên cả nước và trong phạm vi từng địa phương.

Năm năm (1981-1985) cả nước đã bố trí, sắp xếp việc làm cho 5,8 triệu lao động. Riêng ở các thành phố lớn đã sắp xếp cho gần 1 triệu lao động, khoảng 70% số người cần có việc làm, phần đông là lao động trẻ.

Một tiến bộ nổi rõ là Ủy ban nhân dân địa phương (nhất là cấp quận, huyện và phường, xã) đã nhận rõ hơn trách nhiệm của mình, trực tiếp đứng ra tổ chức, chỉ đạo, huy động vốn, tiếp nhận vốn hỗ trợ của Nhà nước, tìm nguồn việc làm, dạy nghề và phổ cập nghề cho người lao động. Một số địa phương đã biết gắn chặt với cải tạo xã hội chủ nghĩa trong nông nghiệp, công thương nghiệp, quản lý thị trường, sắp xếp lại ngành, nghề, phát triển dịch vụ và kinh tế gia đình để tạo ra việc làm tại chỗ cho người lao động.

Để cho người lao động có việc làm ổn định, có thu nhập thỏa đáng, vấn đề dạy nghề càng trở nên cấp bách, nhất là ở các thành phố, thị xã. Trong nhận thức của lãnh đạo các cấp và nhiều người trong nhân dân đã thấy cần phải đào tạo nghề nghiệp, bằng nhiều cách chuẩn bị cho thanh niên đi vào lao động, có cuộc sống ổn định, chứ không phải chỉ có con đường học lên đại học và vào biên chế nhà nước. Bên cạnh hệ thống dạy nghề theo trường lớp chính quy, như: vừa làm, vừa học; lớp chuyên học nghề ngắn ngày, học theo lối kèm cặp, nhiều nơi đã mở các trung tâm dạy nghề, v.v. phù hợp với hoàn cảnh từng nơi, dựa trên phương châm: Nhà nước, cơ sở và nhân dân cùng đóng góp.

Bước vào kế hoạch nhà nước năm 1986 và những năm sắp tới, mục tiêu của Nhà nước ta đặt ra việc phân bổ lại lao động và đất đai, trước hết phải nhằm phát triển mạnh mẽ lương thực, thực phẩm, đẩy mạnh trồng rừng, tăng nhanh sản phẩm cây công nghiệp, cây xuất khẩu, hàng hóa tiêu dùng, góp phần tích cực vào việc ổn định tình hình kinh tế và đời sống xã hội. Năm 1986, cố gắng giải quyết việc làm cho 2 triệu người, tiến tới giải quyết cho hầu hết số người lao động cần có việc làm, trong đó có phần lớn là lao động trẻ.

Ủy ban thanh niên, thiếu niên và nhi đồng xin nêu lên một số vấn đề và kiến nghị một số biện pháp trong công tác phân bổ lao động trẻ, giải quyết việc làm cho thanh niên đến tuổi lao động:

1. Vấn đề sử dụng một cách hợp lý các tiềm lực trong chủ nghĩa xã hội có liên quan đến việc thực hiện quyền lao động của con người. Khi tuyên bố bảo đảm quyền lao động thì Nhà nước và xã hội phải có được khả năng cung cấp việc làm cho tất cả những ai muốn lao động. Nói một cách khác, quyền lao động đó là sự bảo đảm công việc từ phía Nhà nước và xã hội cho tất cả những ai muốn và có thể làm việc được.

Việc phân bố và sử dụng lao động, giải quyết việc làm cho người lao động là vấn đề có ý nghĩa chính trị, kinh tế - xã hội quan trọng. Song đây là vấn đề to lớn, phức tạp gắn liền với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trước hết, phải có sự thống nhất về nhận thức, quan điểm theo tinh thần các Nghị quyết 6, 7, 8, 9 của Trung ương Đảng (khóa V). Nó phải được đưa vào kế hoạch hóa dài hạn và kế hoạch hàng năm, coi đây là những chương trình có mục tiêu: chương trình phân bổ lao động và dân cư, chương trình về giải quyết việc làm, về dạy nghề và phổ cập nghề cho thanh niên.

Chỉ có trên cơ sở quy hoạch tổng thể về phân bổ và sử dụng lao động trên cả nước và từng địa phương, nhất là trên địa bàn từng quận, huyện mà nắm chắc được tiềm năng lao động, đất đai, ngành, nghề và cơ sở vật chất hiện có, xác định rõ diện tích và khả năng thâm canh trên từng loại đất, nắm chắc số dân và lao động để xác định mức đầu tư lao động cho từng loại cây trồng, con gia súc; xác định hướng đi và khả năng phát triển các ngành tiểu, thủ công nghiệp và các nghề truyền thống ở địa phương. Phải bằng mọi cách kết hợp lao động với đất đai tạo ra nguồn sản phẩm, của cải cho xã hội, phát triển nông - lâm nghiệp là chủ yếu, đồng thời ra sức sử dụng lao động vào các ngành nghề thủ công nghiệp, tiểu công nghiệp, không để một người đến tuổi lao động thiếu việc làm, không để một vùng đất hoang mà thiếu người khai phá.

Mỗi quận, huyện có cơ cấu kinh tế phù hợp với điều kiện và khả năng thực tế của mình, khai thác hết khả năng lao động và đất đai, ngành nghề, giải quyết được vấn đề phân công, phân bổ lại lao động và dân cư của mình nhằm phát triển sản xuất, ổn định và cải thiện đời sống nhân dân, có tích lũy cho bản thân và góp phần càng nhiều cho công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa nước nhà.

Do có quy hoạch phân bổ lao động và dân cư nên một số tỉnh đã điều động được dân cư đi xây dựng, phát triển kinh tế cả ở trong và ngoài tỉnh như: các tỉnh đồng bằng Bắc bộ, Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Quảng Nam - Đà Nẵng, Nghĩa Bình... Riêng tỉnh Hà Sơn Bình chỉ trong năm 1985 đã đưa đi 3.680 hộ, 16.203 nhân khẩu, 8.421 lao động đạt gấp 10 lần 4 năm 1981-1984 cộng lại, với tổng số vốn đầu tư là 29,280 triệu đồng (tiền cũ), trong đó, ngân sách của Trung ương là 3,8 triệu đồng, ngân sách địa phương là 25,480 triệu đồng.

2. Trên lĩnh vực to lớn và đầy khó khăn này, phải làm cho thanh niên hiểu lao động là nghĩa vụ chung trong chủ nghĩa xã hội, có nghĩa là tất cả mọi người có sức lao động nhất thiết phải làm việc trong các xí nghiệp, cơ quan, nông trường, hợp tác xã và kinh tế gia đình... Tất cả những ai đã trưởng thành và có khả năng lao động thì phải có nghĩa vụ lao động, phải làm một công việc hoặc một nghề đem lại lợi ích cho xã hội. Giá trị của người lao động chân chính là đem lại lợi ích cho xã hội dù là trong biên chế nhà nước, lao động trong tập thể và gia đình, từ đó mà có quyền hưởng thụ kết quả lao động do mình tạo ra.

Vấn đề phân bố và sử dụng lao động trẻ, giải quyết việc làm cho thanh niên trước mắt vẫn phải quán triệt hướng tại chỗ là chủ yếu, nhất là trên địa bàn tỉnh và từng quận, huyện, từ đó mà thu hút được lao động trẻ.

Trên mặt trận nông nghiệp, thanh niên phải được bố trí để khai thác được đại bộ phận đất đai nông nghiệp, phủ xanh được đất trống, đồi núi trọc, khai thác vùng biển và ven biển. Có phong trào đi vào thâm canh, tăng vụ, phát triển ngành nghề, làm tăng nhanh sản lượng lương thực, thực phẩm, sản phẩm cây công nghiệp, cây xuất khẩu và hàng hóa tiêu dùng. Phải tận dụng đất đai nông nghiệp, đấu tranh chống lãng phí đất đai nông nghiệp. Tham gia vào việc phát triển các ngành nghề, xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật trong nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới xã hội chủ nghĩa.

Trên mặt trận công nghiệp, xây dựng cơ bản, các tổ chức Đoàn chủ động đề xuất các phương án sắp xếp lại lao động, tổ chức lại các dây chuyền sản xuất mới, xây dựng những định mức tiên tiến, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; giải quyết số lao động dôi ra để thiết lập các phân xưởng sản xuất phụ, thu nhặt và sử dụng nguyên liệu thứ cấp, phế liệu. Đặc biệt, chú ý khâu tiết kiệm vật tư - kỹ thuật, nguyên, nhiên, vật liệu để hạ giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm qua phong trào tuổi trẻ sáng tạo khoa học - kỹ thuật.

Hiện nay và những năm tới, khu vực sản xuất tiểu, thủ công nghiệp làm hàng xuất khẩu, kể cả hình thức gia công cho nước ngoài có khả năng thu hút thêm nhiều lao động, nhất là lao động trẻ được đào tạo và bồi dưỡng tay nghề bằng nhiều hình thức. Đây là một lĩnh vực quan trọng thu hút một bộ phận lớn lao động chưa có việc làm vào sản xuất, ổn định đời sống và xây dựng con người mới. Vừa qua, những quận, huyện, phường, xã phát triển sản xuất tiểu, thủ công nghiệp đều thu được những kết quả tốt cả về kinh tế và xã hội, từ đó tạo ra thêm nhiều việc làm mới để tiếp tục thu hút lao động nhàn rỗi.

Trên mặt trận phân phối - lưu thông và dịch vụ, Đoàn Thanh niên có nhiều hình thức hoạt động như xây dựng những quầy hàng, cửa hàng thanh niên, các đội thanh niên kiểm tra, v.v. để góp phần tăng cường thương nghiệp xã hội chủ nghĩa, giúp Nhà nước nắm hàng, nắm tiền, quay vòng đồng vốn nhanh, quản lý được thị trường và giá cả, đưa các mặt hàng thiết yếu đến tay người tiêu dùng, tích cực đấu tranh chống bọn phá hoại, đầu cơ, tích trữ, phá rối thị trường. Ở các thành phố, thị xã, cần phát triển các loại dịch vụ xã hội và dịch vụ kỹ thuật thông qua các tổ sản xuất, phân xưởng thanh niên và các trung tâm dạy nghề.

3. Những năm tới, công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng có nhu cầu to lớn và cấp bách. Những vùng kinh tế mới, vùng có đất đai và nguyên liệu còn nhiều tiềm năng để khai thác như: Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam bộ, miền núi và trung du phía Bắc, cần thiết phải tổ chức các đội hình của thanh niên đi vào xây dựng kinh tế dưới các hình thức thanh niên xung phong tập trung và cơ sở.

Rút kinh nghiệm của lực lượng thanh niên xung phong Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và một số tỉnh làm tốt theo hướng xóa bỏ tập trung quan liêu, bao cấp, thực sự đi vào hạch toán kinh tế, bước đầu lấy thu bù chi, tiến tới có thu nhập ổn định và cải thiện được đời sống, có đào tạo tay nghề, học tập rèn luyện và xây dựng con người thanh niên mới.

Đề nghị Hội đồng Bộ trưởng cùng các Bộ, ngành hữu quan cùng với Đoàn Thanh niên nghiên cứu hoàn chỉnh việc tổ chức thanh niên xung phong làm kinh tế trong tình hình mới để có thể trở thành một hoạt động chuyên ngành của tuổi trẻ đi vào sản xuất, kinh doanh và qua đó mà thu hút được thanh niên, đưa họ nhanh chóng trở thành con người mới làm chủ đất nước, có nhiệt tình, có bản lĩnh và sáng tạo.

Trong công việc này phải làm với tinh thần khẩn trương nhưng vững chắc, trên cơ sở có vốn đầu tư của Nhà nước (Trung ương và địa phương) do các cấp chính quyền đứng ra tổ chức, điều hành, đoàn thanh niên các cấp theo chức năng của mình phát huy được vai trò tham gia quản lý, bảo đảm quyền đại diện cho lợi ích của tuổi trẻ.

4. Vấn đề dạy nghề, phổ cập nghề phải được coi là một khâu quan trọng và then chốt để chuẩn bị cho thanh niên bước vào lao động. Từ nay cho đến cuối thế kỷ này, hàng năm chúng ta có trên một triệu thanh niên đến tuổi lao động, trong đó phần lớn là học sinh phổ thông cơ sở và phổ thông trung học không có điều kiện học lên; hầu hết số này lại chưa có nghề. Vì vậy, bên cạnh hệ thống đào tạo nghề chính quy của Nhà nước và khả năng bao cấp có hạn, cần thiết phải mở rộng các hình thức dạy nghề không chính quy, cách dạy nghề nhân dân mà nhiều nơi đang làm, có tổ chức, có hướng dẫn theo phương châm "Nhà nước, cơ sở và nhân dân cùng đóng góp".

Thời gian qua, một số nơi đã và đang áp dụng nhiều biện pháp phổ cập nghề lao động chưa có nghề từ 16 đến 35 tuổi. Thành phố Hồ Chí Minh có chỉ thị phổ cập nghề cho thanh niên. Thành phố Hải Phòng có quyết định đào tạo nghề cho học sinh học xong phổ thông cơ sở và phổ thông trung học không có điều kiện học lên. Với các hình thức đào tạo không chính quy, địa phương đã tận dụng được mặt bằng của cơ sở, tiết kiệm chi phí xây dựng trường lớp, không mở rộng biên chế vì giáo viên là người làm kiêm chức. Nếu tính kinh phí đào tạo một công nhân kỹ thuật theo trường lớp chính quy, Nhà nước phải đầu tư 40.000 đồng (tiền cũ), nhưng với hình thức đào tạo này, chi phí vào khoảng từ 2.000 đến 2.500 đồng một người, chất lượng học sinh ra trường có tay nghề bậc 2 hoặc 3/7.

Sở Lao động Hải Phòng tổ chức một lớp đào tạo theo phương thức vừa học vừa làm tại Nhà máy Toa xe Hải Phòng, không những đã tiết kiệm kinh phí Nhà nước chi cho đào tạo 4 triệu đồng (tiền cũ) so với đào tạo chính quy, mà học sinh còn nhận được 200 đồng mỗi tháng theo giá trị sản phẩm làm ra.

Cần phải nghiên cứu ban hành chương trình, nội dung giảng dạy, học tập thống nhất trong cả nước cho các loại hình đào tạo không chính quy. Trước mắt là ở các địa phương có các hình thức đào tạo này phải được công nhận về mặt pháp lý (giấy chứng nhận tay nghề, bằng cấp đào tạo) để bảo đảm quyền lợi cho người lao động khi họ được tuyển dụng, lúc làm việc, khi thuyên chuyển.

Để giải quyết một cách cơ bản và lâu dài hơn, cần nghiên cứu trong cải cách giáo dục đưa dần kiến thức nghề nghiệp vào giáo dục phổ thông, dạy những nghề đơn giản, đồng thời phát triển mạng lưới các trung tâm dạy nghề, chuẩn bị tốt cho học sinh phổ thông đến tuổi lao động biết một nghề nhất định, có thể nuôi sống bản thân, sẵn sàng chấp nhận sự phân công của xã hội đến những nơi cần thiết để làm việc, có đời sống ổn định và thu nhập thỏa đáng.

Cần thiết đặt ra sự liên kết giữa các cơ sở sản xuất, các trường dạy nghề, trường trung học chuyên nghiệp và các trường phổ thông để động viên và sử dụng được cơ sở vật chất, giáo viên dạy nghề, giáo viên trung học chuyên nghiệp, công nhân lành nghề tham gia dạy nghề cho học sinh phổ thông, trên cơ sở có chính sách thỏa đáng với họ.

Kính thưa Quốc hội,

Thưa các đồng chí đại biểu,

Công tác phân bổ lại lao động và dân cư là một nhiệm vụ chiến lược nhằm gắn lao động với đất đai, khai thác nhanh và có hiệu quả những tiềm năng và tài nguyên của đất nước, là vấn đề rất cơ bản để giải quyết tận gốc việc làm cho người lao động.

Tuổi trẻ tham gia vào sự nghiệp này vừa là quyền lợi vừa là nghĩa vụ công dân. Nó chỉ có thể thành công trên cơ sở của kế hoạch hóa, có sự quan tâm lãnh đạo của Đảng, sự chăm lo tổ chức thực hiện của các cấp chính quyền và sự phát huy đầy đủ tác dụng chính trị của tổ chức Đoàn các cấp nhằm giáo dục, tổ chức cho thanh niên đi vào lao động, vào học tập nghề nghiệp, cống hiến và trưởng thành.

Xin cám ơn các đồng chí đại biểu.

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội