VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP VI(QUYỂN 2) 1984 - 1987

BÁO CÁO CÔNG TÁC CỦA HỘI ĐỒNG NHÀ NƯỚC TẠI KỲ HỌP THỨ 10, QUỐC HỘI KHÓA VII*

Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,

Hội đồng Nhà nước báo cáo với Quốc hội về công tác của Hội đồng Nhà nước, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban thường trực của Quốc hội, từ kỳ họp thứ 9 của Quốc hội đến nay:

I- CÔNG TÁC LẬP PHÁP

Sau khi Bộ luật hình sự được Quốc hội thông qua trong kỳ họp thứ 9, ngày 09 tháng 7 năm 1985, đồng chí Chủ tịch Hội đồng Nhà nước đã ký Lệnh công bố và ngày 12 tháng 7 năm 1985, Bộ luật đã được công bố trên các báo, đài phát thanh. Các ngành Tòa án, Kiểm sát, Tư pháp đã ban hành một số văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật hình sự kể từ ngày 01-01-1986.

Tại phiên họp bất thường ngày 13 tháng 9 năm 1985, theo đề nghị của Hội đồng Bộ trưởng, Hội đồng Nhà nước đã thông qua Pháp lệnh phát hành tiền ngân hàng mới và thu đổi tiền ngân hàng cũ.

Tại phiên họp ngày 28 tháng 10 năm 1985, theo đề nghị của Hội đồng Bộ trưởng, Hội đồng Nhà nước đã quyết định phê chuẩn Công ước về năng lực pháp lý, quyền ưu đãi và miễn trừ của Hội đồng Tương trợ kinh tế.

Nhân dịp kỷ niệm "Ngày các Nhà giáo" (20-11-1985), theo đề nghị của Hội đồng Bộ trưởng, Hội đồng Nhà nước đã ra quyết định bổ sung Điều 3 của Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước tặng nghệ sĩ, nhà giáo và thầy thuốc, xét tặng thưởng thêm cho cả giáo viên dạy nghề, cán bộ giảng dạy đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp.

Trong ngày 13 tháng 8, ngày 17 tháng 9 và ngày 13 tháng 11 năm 1985, đồng chí Chủ tịch và một số đồng chí Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước đã họp với các đồng chí lãnh đạo các ngành, các cơ quan (Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban pháp luật của Quốc hội, Ban Nội chính Trung ương, Bộ Tư pháp, Tòa án quân sự Trung ương, Viện kiểm sát quân sự Trung ương, Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước) để cho ý kiến chỉnh lý Dự thảo Pháp lệnh tổ chức Viện kiểm sát quân sự. Ngày 03-12-1985, Hội đồng Nhà nước đã thảo luận, cho ý kiến về Dự thảo hai Pháp lệnh nói trên và sau khi chỉnh lý lần cuối sẽ trình Hội đồng Nhà nước chính thức thông qua.

Ủy ban pháp luật của Quốc hội đã nghe Bộ Quốc phòng báo cáo về tình hình ba năm thi hành Luật nghĩa vụ quân sự và Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, thảo luận, góp ý kiến chỉnh lý Dự thảo Luật hôn nhân và gia đình.

II- CÔNG TÁC GIÁM SÁT

1. Đối với công tác của Hội đồng Bộ trưởng:

- Tại phiên họp ngày 27 và 28 tháng 8 năm 1985, Hội đồng Nhà nước đã nghe Hội đồng Bộ trưởng báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch nhà nước và ngân sách nhà nước trong 6 tháng đầu năm 1985, tình hình xây dựng cơ bản và sử dụng vốn đầu tư trong các năm 1981-1985.

- Tại phiên họp ngày 27 tháng 9 năm 1985, Hội đồng Nhà nước đã nghe Hội đồng Bộ trưởng báo cáo về việc thực hiện Quyết định của Bộ Chính trị Trung ương Đảng về giá và lương, việc thực hiện Pháp lệnh phát hành tiền Ngân hàng mới và thu đổi tiền Ngân hàng cũ.

- Tại phiên họp ngày 28 tháng 10 năm 1985, Hội đồng Nhà nước đã nghe Hội đồng Bộ trưởng báo cáo về tình hình thiên tai liên tiếp vừa qua đã gây thiệt hại rất nghiêm trọng ở nhiều tỉnh, nặng nhất là ở tỉnh Bình Trị Thiên.

Hội đồng Nhà nước đã có ý kiến với Hội đồng Bộ trưởng về một số việc cần làm để mau chóng ổn định sản xuất và đời sống ở các vùng bị thiên tai, đã cử Phó Chủ tịch Huỳnh Tấn Phát thay mặt Hội đồng Nhà nước vào Bình Trị Thiên để thăm hỏi đồng bào.

2. Đối với công tác của Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao:

Hội đồng Nhà nước đã dành nhiều thời gian để cho ý kiến chỉnh lý bản dự thảo và thông qua Pháp lệnh tổ chức Tòa án quân sự, Pháp lệnh tổ chức Viện kiểm sát quân sự, như đã nói ở trên.

3. Hoạt động của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban thường trực của Quốc hội:

Ngày 14 tháng 11 năm 1985, đồng chí Chủ tịch Quốc hội và đồng chí Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Nhà nước đã họp với các đồng chí Chủ tịch Hội đồng dân tộc và Chủ nhiệm các Ủy ban thường trực của Quốc hội để nghe báo cáo và đánh giá hoạt động của Hội đồng và các Ủy ban từ đầu năm 1985 đến nay; thông báo chương trình làm việc của kỳ họp thứ 10 của Quốc hội và thảo luận, chuẩn bị nội dung các thuyết trình của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban trước kỳ họp Quốc hội.

Nhìn chung, hoạt động của Hội đồng và các Ủy ban có nhiều cố gắng, tập trung vào công tác kiểm tra, xem xét việc thi hành các nghị quyết quan trọng của Đảng và Nhà nước, các chuyên đề mà Hội đồng Nhà nước giao cho. Đã tổ chức trên 20 đoàn về địa phương, cơ sở, phát hiện và đề xuất nhiều ý kiến thiết thực, được các ngành, các địa phương coi trọng. Hội đồng Nhà nước đã chuyển các bản báo cáo sang Hội đồng Bộ trưởng và các ngành có liên quan để nghiên cứu và giải quyết các kiến nghị đã nêu trên.

Hội đồng dân tộc: Đã cử thành viên của Hội đồng làm việc với Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng để tìm hiểu tình hình thực hiện các Nghị quyết của Đảng, của Nhà nước về việc chăm lo đời sống của đồng bào các dân tộc ở vùng biên giới phía Bắc và vấn đề tăng cường cấp huyện ở miền núi; đã cử đoàn đi xem xét tình hình nói trên ở Sơn La, Lai Châu, Hoàng Liên Sơn.

Ủy ban kinh tế, kế hoạch và ngân sách: Đã họp Thường trực mở rộng để nghe Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch nhà nước và ngân sách nhà nước trong 6 tháng đầu năm 1985, tình hình thực hiện kế hoạch xây dựng cơ bản, sử dụng vốn đầu tư trong các năm 1981-1985; nghe đại diện Ủy ban Vật giá Nhà nước, Bộ Lao động báo cáo tình hình thi hành Nghị quyết 8 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Quyết định của Bộ Chính trị về giá và lương; nghe Bộ Lương thực báo cáo tình hình thiệt hại về lương thực do bão, lụt gây ra.

Ủy ban đã chuẩn bị thẩm tra báo cáo của Hội đồng Bộ trưởng trước kỳ họp thứ 10 của Quốc hội về tình hình thực hiện kế hoạch nhà nước và ngân sách nhà nước năm 1985, phương hướng, nhiệm vụ kế hoạch nhà nước và ngân sách nhà nước năm 1986, tổng quyết toán ngân sách nhà nước năm 1984.

Ủy ban pháp luật: Đã cử đoàn đi xem xét việc thi hành pháp luật ở các tỉnh Lâm Đồng, Thuận Hải và Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo.

Ủy ban y tế và xã hội: Đã cử đoàn đi xem xét tình hình chống ô nhiễm và bảo vệ môi trường lao động, sản xuất và quản lý thuốc, vận động kế hoạch hóa gia đình ở thành phố Hà Nội và tỉnh Lạng Sơn.

Ủy ban khoa học và kỹ thuật: Đã cử hai đoàn đi xem xét tình hình ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật và chất lượng sản phẩm ở Bến Tre, Đồng Nai, Minh Hải, Quảng Nam - Đà Nẵng, Nghĩa Bình, Phú Khánh; đã họp thường trực Ủy ban để nghe Bộ Cơ khí - Luyện kim, Bộ Công nghiệp nhẹ báo cáo về tình hình ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật.

Ủy ban thanh niên, thiếu niên và nhi đồng: Đã cử đoàn đi xem xét tình hình dạy nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên ở Quảng Nam - Đà Nẵng, Nghĩa Bình.

Ủy ban đối ngoại: Đã họp ba lần để nghe Bộ Ngoại giao báo cáo về tình hình quốc tế và hoạt động đối ngoại của Nhà nước ta.

4. Công tác dân nguyện:

Từ sau kỳ họp thứ 9 của Quốc hội đến nay, đã có 2.897 đơn, thư khiếu tố và dân nguyện gửi tới Quốc hội và Hội đồng Nhà nước. Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước đã tiếp 420 lượt người đến khiếu tố và trình bày nguyện vọng.

Đơn, thư khiếu nại chiếm 58%, tố cáo 26%, còn lại là đơn thư dân nguyện.

Qua các đơn, thư khiếu tố, dân nguyện và qua việc tiếp dân, có những vấn đề đáng chú ý:

- Tình trạng bắt người, xâm phạm quyền tự do thân thể và nhà ở của công dân vẫn thường xảy ra, có nhiều trường hợp gây hậu quả chết người (88 trường hợp), đối tượng vi phạm phần nhiều là ở cơ sở (công an, chính quyền, quân đội); việc bồi thường, quy định trách nhiệm sau những vụ chết người chưa được quan tâm đầy đủ.

- Một số cán bộ, thường là ở cơ sở thoái hóa, biến chất, lợi dụng chức quyền, tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa; mặc dù có vụ việc đã được phát hiện, nhưng người vi phạm vẫn chưa bị xử lý, người tố cáo thì bị truy trù (chuyển đi công tác khác, buộc thôi việc...).

- Đơn thư khiếu nại tập trung vào các vấn đề sau đây:

+ Một số Tòa án ở các cấp đã xét xử thiếu công minh, không khách quan, không theo đúng thủ tục; quyền tự do dân chủ của bị cáo, của người có việc đến Tòa án bị vi phạm do nhân viên Tòa án hách dịch, tùy tiện, không làm theo luật; việc thi hành án quá chậm trễ, vi phạm pháp luật trong việc cưỡng chế thi hành án như: bắn bị thương người phải thi hành án, tùy tiện khám nhà, thu giữ tài sản.

+ Nhà cửa bị xử lý oan trong các đợt cải tạo hoặc cơ quan nhà nước mượn nhà của dân quá hạn không trả lại; nhà thuê của nhà nước hoặc mượn của tư nhân bị quy bất minh và bị thu hồi, mặc dầu đã khiếu nại nhiều vẫn chưa được giải quyết.

+ Việc thực hiện chính sách hậu phương quân đội có thiếu sót, đãi ngộ chưa thỏa đáng đối với gia đình thương binh, liệt sĩ ở một số địa phương. Đáng chú ý, một số gia đình thuộc diện chính sách, thiếu thuế, thiếu mức đóng góp về nghĩa vụ lương thực, đã bị nhân viên chính quyền ở địa phương đến nhà xúc thóc, thu giữ tài sản; một số gia đình có con em hy sinh trong thời kỳ chống Mỹ chưa được báo tin, gia đình chưa được hưởng chế độ đãi ngộ của Nhà nước.

- Đơn thư dân nguyện phản ánh việc vi phạm Pháp lệnh thu đổi tiền ở một số địa phương; tình hình khó khăn về đời sống hiện nay; góp ý kiến về việc Hội đồng Bộ trưởng định giá thóc thấp, giá hàng công nghiệp cao, về Nghị quyết 236 của Hội đồng Bộ trưởng cải tiến chế độ hưu trí, mất sức, làm chưa đúng chính sách, v.v..

- Việc giải quyết đơn, thư của các cơ quan nhà nước tuy có tiến bộ, song nhìn chung vẫn chưa nghiêm chỉnh thi hành đúng các quy định của Pháp lệnh về việc xét, giải quyết các khiếu nại và tố cáo của công dân; tình trạng đe dọa, trả thù những người tố cáo vẫn xảy ra nhiều.

5. Việc giám sát và hướng dẫn hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp:

Thi hành Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, sáu tháng qua, các địa phương, nhất là cấp tỉnh đã có nhiều cố gắng thúc đẩy hoạt động của Hội đồng nhân dân. Nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tiến hành kỳ họp Hội đồng nhân dân để kiểm điểm tình hình thực hiện kế hoạch nhà nước trong chín tháng đầu năm 1985, việc thi hành Nghị quyết 8 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, bàn chủ trương, biện pháp thực hiện kế hoạch nhà nước trong ba tháng cuối năm 1985; đáng chú ý là đã bàn một số chuyên đề thiết thực về kinh tế - xã hội ở địa phương, như: vấn đề sinh đẻ có kế hoạch, làm trường học, đường sá, làm thủy lợi, bù giá vào lương, xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa mới.

Các ban thư ký và các ban chuyên trách khác của Hội đồng nhân dân, từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở, đã được thành lập. Ở một số địa phương, các ban này đã bước đầu phát huy tác dụng, tích cực góp phần thúc đẩy hoạt động và nâng cao vị trí của Hội đồng nhân dân.

Tuy nhiên, nói chung hoạt động của các ban của Hội đồng nhân dân, các tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân chưa đều và hiệu quả còn thấp, nhất là ở cấp huyện, xã và tương đương, ở nhiều nơi, Hội đồng nhân dân hoạt động vẫn còn nặng về hình thức.

Trong tháng 10 và tháng 11, đồng chí Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Nhà nước đã dự các kỳ họp Hội đồng nhân dân của tỉnh Hải Hưng, thành phố Hà Nội, quận Hoàn Kiếm, phường Cửa Nam; đi kiểm tra tình hình hoạt động của Ban thư ký và các ban chuyên trách của Hội đồng nhân dân ở thành phố Hà Nội, quận Hoàn Kiếm, quận Ba Đình, huyện Thanh Trì, huyện Gia Lâm và một số xã, phường thuộc các quận, huyện nói trên.

Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước đã cử cán bộ giúp Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bắc Thái, tỉnh Hà Bắc xây dựng quy chế hoạt động của Ban thư ký và các ban chuyên trách của Hội đồng nhân dân các cấp, trao đổi kinh nghiệm nhằm tăng cường hiệu lực hoạt động của Hội đồng nhân dân.

III- VẤN ĐỀ ĐẶC XÁ

- Nhân dịp Quốc khánh (ngày 02 tháng 9 năm 1985), theo đề nghị của Hội đồng Bộ trưởng, Hội đồng Nhà nước đã quyết định tha và ân giảm cho những phạm nhân có án tù đã cải tạo tốt.

- Trong 6 tháng cuối năm 1985, Hội đồng Nhà nước đã xét 27 vụ gồm 29 phạm nhân bị kết án tử hình có đơn xin ân giảm. Hội đồng Nhà nước đã bác đơn của 27 phạm nhân và quyết định ân giảm cho 2 tên xuống tù chung thân.

IV- CÔNG TÁC ĐỐI NGOẠI

1. Đi thăm nước ngoài: Nhận lời mời của Quốc hội các nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Tiệp Khắc, Cộng hòa Nhân dân Hunggari và Cộng hòa Dân chủ Đức, Đoàn đại biểu Quốc hội nước ta do Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ dẫn đầu đã hoàn thành tốt cuộc thăm hữu nghị chính thức ba nước nói trên.

2. Đón tiếp khách nước ngoài: 11 đoàn khách nước ngoài, trong đó có Đoàn đại biểu Đảng và Nhà nước Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Cộng hòa Nhân dân Campuchia đã đến dự lễ kỷ niệm lần thứ 40 Quốc khánh 2-9.

Ngoài ra, ta đã đón tiếp các đoàn sau đây sang thăm hữu nghị nước ta:

- Đoàn đại biểu Đảng và Nhà nước Cuba do đồng chí Hoan Anmâyđa Bốtxkê, Ủy viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Cuba, Chủ tịch Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, làm trưởng đoàn (từ ngày 4 đến ngày 9-12-1985).

- Đoàn nghị sĩ Pháp gồm đại diện Đảng Xã hội, Đảng Cộng sản, Đảng Tập hợp vì nền Cộng hòa và Đảng Liên minh vì nền Dân chủ thuộc Uỷ ban Văn hóa, Gia đình và Xã hội trong Quốc hội Pháp do ông Bécna Báctơn là trưởng đoàn (từ ngày 10 đến ngày 15-9-1985).

- Đoàn đại biểu Liên minh Quốc hội Ảrập gồm đại diện các đoàn Liên minh Quốc hội các nước Angiêri, Irắc, Xyri, Cộng hòa Ảrập Yêmen và Tổ chức Giải phóng Palextin, do ông Ápđen Rátman Burauy, Tổng Thư ký của Liên minh làm trưởng đoàn (từ ngày 21 đến ngày 23-10-1985).

3. Tiếp nhận đại diện ngoại giao của nước ngoài:

Hội đồng Nhà nước đã tiếp và nhận thư ủy nhiệm của Đại sứ các nước: Cộng hòa Arập Ai Cập, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Yêmen, Cộng hòa Ba Lan, Cộng hòa Ảrập Yêmen, Vương quốc Thụy Điển, Niu Dilân, Hà Lan, Inđônêxia.

4. Hoạt động của Đoàn Việt Nam trong Liên minh Quốc hội:

Đoàn đại biểu Việt Nam trong Liên minh Quốc hội do đồng chí Nguyễn Ngọc Hà, Ủy viên Ủy ban đối ngoại của Quốc hội làm trưởng đoàn, đã đi dự Hội nghị mùa Thu (lần thứ 74) của Liên minh Quốc hội ở Ốttaoa (Canađa) từ ngày 02 đến ngày 7-10-1985.

V- TỔ CHỨC VÀ NHÂN SỰ CỦA NHÀ NƯỚC

1. Về việc bổ nhiệm Đại sứ: 

Ngày 29 tháng 8 năm 1985, theo đề nghị của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Hội đồng Nhà nước đã bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước ta tại Anbani, Malaixia, Italia, Bồ Đào Nha, Angiêri.

2. Về việc cử Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân của Toà án nhân dân tối cao:

Hội đồng Nhà nước đã quyết định cử 6 Thẩm phán và 10 Hội thẩm nhân dân của Tòa án nhân dân tối cao.

VI- CÔNG TÁC KHEN THƯỞNG

Theo đề nghị của Hội đồng Bộ trưởng, Hội đồng Nhà nước đã quyết định:

- Tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho 109 đơn vị và 97 cá nhân; tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho 75 đơn vị và 20 cá nhân thuộc Quân đội nhân dân, 34 đơn vị và 8 cá nhân thuộc Công an nhân dân.

- Tặng Huân chương Sao Vàng cho 13 đơn vị thuộc lực lượng Công an nhân dân và Quân đội nhân dân đã có thành tích xuất sắc, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 40 ngày thành lập nước.

- Tặng Huân chương Sao Vàng cho đồng chí M.X.Goócbachốp, Tổng Bí thư Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, Cố Thủ tướng Ấn Độ Inđira Ganđi, tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho 17 đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước của các nước anh em đã có nhiều đóng góp đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta.

- Tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho 108 đơn vị và 9 cá nhân đã lập nhiều thành tích trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

- Tặng Huân chương Độc lập hạng nhất, hạng nhì, hạng ba cho 22 đơn vị và 364 cá nhân đã có nhiều cống hiến đối với sự nghiệp cách mạng, 6.449 gia đình có nhiều người hy sinh cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc, 9 chuyên gia và cố vấn Liên Xô.

- Tặng Huân chương Lao động cho 986 đơn vị và 124 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện kế hoạch nhà nước và trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.

- Tặng Huân chương Quân công và Huân chương Chiến công cho 1.914 đơn vị và 9.938 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

- Tặng Huân chương Chiến sĩ vẻ vang cho 8.756 cán bộ, chiến sĩ đã có công lao phục vụ trong Quân đội nhân dân.

- Tặng Huân chương Giải phóng cho 3 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp giải phóng đất nước.

- Tặng Huân chương Hữu nghị cho 116 tập thể và 35 cá nhân thuộc các nước xã hội chủ nghĩa đã có công giúp Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

VII- HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI

Đến nay, mới có 9 đoàn (trong tổng số 40 đoàn đại biểu Quốc hội) gửi báo cáo về tình hình hoạt động của đoàn từ sau kỳ họp thứ 9 của Quốc hội đến nay. Qua các báo cáo và qua thực tế tìm hiểu hoạt động của các đoàn đại biểu Quốc hội trong 6 tháng qua, có những nét đáng chú ý:

- Báo cáo với Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố, với đại biểu cử tri về kết quả của kỳ họp thứ 9 của Quốc hội, trọng tâm là Bộ luật hình sự đã được Quốc hội thông qua.

- Tổ chức các buổi tiếp dân để giải quyết những khiếu nại, tố cáo. Nhiều đoàn đại biểu đã có lịch tiếp dân và thông báo để nhân dân biết; đã phối hợp việc tiếp dân của đại biểu Quốc hội với đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh.

- Thực hiện Quy chế về đại biểu Quốc hội, nhiều đoàn đã khắc phục khó khăn, tạo điều kiện để đại biểu tăng cường hoạt động, xuống cơ sở tiếp xúc với cử tri, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri để bàn với các cấp chính quyền giải quyết.

- Tham dự các kỳ họp của Hội đồng nhân dân các địa phương, góp phần thực hiện chức năng giám sát đối với hoạt động của Hội đồng nhân dân. Tại các kỳ họp Hội đồng nhân dân, nhiều đại biểu Quốc hội đã đóng góp ý kiến, thiết thực góp phần giải quyết những vấn đề cấp bách về kinh tế - xã hội ở địa phương.

VIII- VIỆC CHẤP NHẬN ĐƠN XIN THÔI
 KHÔNG ĐẢM NHIỆM CHỨC VỤ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI

Tại phiên họp ngày 03 tháng 12 năm 1985, sau khi xem xét, Hội đồng Nhà nước đã chấp nhận đơn của đồng chí Trương Công Đồng, đại biểu Quốc hội của tỉnh Hà Bắc và đồng chí Huỳnh Văn Ve, đại biểu Quốc hội của Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo, xin thôi không đảm nhiệm chức vụ đại biểu Quốc hội, theo quy định của Điều 69 trong Luật tổ chức Quốc hội và Hội đồng Nhà nước.

Trên đây là những điểm chính về công tác của Hội đồng Nhà nước, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban thường trực của Quốc hội, hoạt động của các đại biểu Quốc hội trong thời gian từ kỳ họp thứ 9 của Quốc hội đến nay.

Hội đồng Nhà nước xin báo cáo với các đồng chí đại biểu Quốc hội.

 

HỘI ĐỒNG NHÀ NƯỚC


 

* Báo cáo này không đọc trước Quốc hội, được chuyển đến các đại biểu Quốc hội (BT).

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội.