VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP VI(QUYỂN 2) 1984 - 1987

NGHỊ QUYẾT CỦA KỲ HỌP THỨ 8,
QUỐC HỘI KHÓA VII, NGÀY 27-12-1984
VỀ DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 1985

QUỐC HỘI
NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
KHÓA VII, KỲ HỌP THỨ 8

Căn cứ vào Điều 83 của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Sau khi xem xét báo cáo của Hội đồng Bộ trưởng về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 1984 và dự toán ngân sách nhà nước năm 1985;

Sau khi nghe thuyết trình của Uỷ ban kinh tế, kế hoạch và ngân sách của Quốc hội và ý kiến của các đại biểu Quốc hội,

QUYẾT NGHỊ:

1. Thông qua dự toán ngân sách nhà nước năm 1985 với:

- Tổng số thu là một trăm năm mươi sáu tỷ đồng (156.000.000.000 đồng);

- Tổng số chi là một trăm sáu mươi hai tỷ đồng (162.000.000.000 đồng).

2. Các ngành, các cấp, các đơn vị cơ sở cần phấn đấu hạ giá thành và phí lưu thông, ra sức khai thác các nguồn thu ngân sách, nhất là thu từ kinh tế quốc doanh, thực hiện nghiêm chỉnh Pháp lệnh thuế nông nghiệp và thuế công thương nghiệp để tăng nhanh các nguồn thu; thực hành triệt để tiết kiệm trong mọi hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và quản lý nhà nước; phấn đấu giảm mức bội chi ngân sách và bội chi tiền mặt trên cơ sở phục vụ và thúc đẩy sản xuất phát triển, nắm hàng, nắm tiền, làm chủ thị trường và quản lý giá cả. Cần áp dụng các biện pháp và hình thức thích hợp huy động các nguồn vốn và tiền mặt trong xã hội, động viên nhân dân hăng hái gửi tiền tiết kiệm và mua Công trái xây dựng Tổ quốc; tập trung mọi nguồn thu tài chính và phân phối vốn hợp lý để giải quyết tốt hơn vấn đề đời sống, bảo đảm vốn đầu tư xây dựng cơ bản, đáp ứng các yêu cầu quốc phòng an ninh, bảo vệ Tổ quốc và sẵn sàng chiến đấu, và các nhu cầu chi tiêu khác của Nhà nước, nhằm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, kinh tế và xã hội trong năm 1985.

Hội đồng Bộ trưởng cần tăng cường chỉ đạo phát huy tính chủ động, sáng tạo của các ngành, các địa phương và các đơn vị cơ sở; kiểm tra đôn đốc các ngành, các cấp, các đơn vị cơ sở chấp hành nghiêm chỉnh chính sách tài chính thống nhất của Nhà nước, đề cao kỷ luật tài chính và tiền tệ ở tất cả các cấp, các ngành và các đơn vị cơ sở; thực hiện nghiêm chỉnh kỷ luật giá và chế độ phân công, phân cấp, quản lý giá.

3. Uỷ ban kinh tế, kế hoạch và ngân sách của Quốc hội có nhiệm vụ giúp Quốc hội và Hội đồng Nhà nước giám sát chặt chẽ các ngành, các cấp nghiêm chỉnh thực hiện các chỉ tiêu thu, chi của ngân sách nhà nước đã được Quốc hội thông qua.

Các đại biểu Quốc hội có nhiệm vụ động viên các cơ quan, xí nghiệp, hợp tác xã, tập đoàn sản xuất và các tầng lớp nhân dân hăng hái lao động sản xuất, thực hành triệt để tiết kiệm trong sản xuất, xây dựng, tiêu dùng, làm tròn nghĩa vụ đối với Nhà nước và thực hiện quyền giám sát của nhân dân đối với hoạt động của các cơ quan nhà nước.

 Nghị quyết này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá VII, kỳ họp thứ 8, thông qua ngày 27 tháng 12 năm 1984.

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI

NGUYỄN HỮU THỌ

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội