VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP VI(QUYỂN 2) 1984 - 1987

THUYẾT TRÌNH
CỦA UỶ BAN Y TẾ VÀ XÃ HỘI CỦA QUỐC HỘI
(Do ông Dương Quốc Chính, Chủ nhiệm Ủy ban y tế và xã hội của Quốc hội
trình bày tại kỳ họp thứ 8,  Quốc hội khóa VII, ngày 24-12-1984)

Thưa Quốc hội,

Thưa các vị đại biểu,

Năm 1984, thực hiện chương trình hoạt động của ủy ban được Hội đồng Nhà nước tán thành, Uỷ ban y tế và xã hội của Quốc hội đã đi sâu xem xét tình hình tổ chức chữa bệnh cho nhân dân và tình hình sản xuất, quản lý, sử dụng thuốc (chú ý thuốc dân tộc). Ủy ban đã tổ chức nhiều Đoàn đại biểu đi khảo sát tại 11 tỉnh, thành phố; đã làm việc với các Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Y tế, các bệnh viện, các xí nghiệp dược phẩm, xem xét một số cửa hàng bán thuốc của quốc doanh và của tư nhân (đại lý); Ủy ban đã làm việc về nội dung trên với Bộ Y tế.

Sau đây chúng tôi xin có một số ý kiến trình Quốc hội xem xét khi thông qua kế hoạch, ngân sách nhà nước năm 1985:

I- VỀ TÌNH HÌNH TỔ CHỨC
KHÁM, CHỮA BỆNH CHO NHÂN DÂN

Hiện nay, hệ thống màng lưới y tế của ta hình thành 4 tuyến:

- Cơ sở có trạm y tế, có nơi, ấp, đội sản xuất có tổ y tế, các cụm xã có phòng khám đa khoa khu vực;

- Quận, huyện, có bệnh viện huyện;

- Tỉnh, thành phố có bệnh viện đa khoa và một số bệnh viện chuyên khoa, một số nơi có thêm bệnh viện đa khoa khu vực.

- Tuyến Trung ương, có các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa, phòng khám bệnh.

Trong lĩnh vực y học dân tộc còn có các phòng chẩn trị y học dân tộc, khoa y học dân tộc trong các bệnh viện tây y, bệnh viện y học dân tộc của 32/40 địa phương và các viện y học dân tộc, góp phần phục vụ sự nghiệp bảo vệ sức khỏe nhân dân theo phương châm kết hợp y học, dược học hiện đại với y học, dược học cổ truyền của dân tộc.

Hệ thống mạng lưới y tế được xây dựng rộng rãi vươn tới những nơi xa xôi hẻo lánh và hình thành 4 tuyến nói lên tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa. Song, để phát huy tác dụng tích cực, ngành Y tế của ta còn phải phấn đấu vượt qua nhiều khó khăn, trở ngại, cụ thể là:

Ở tuyến xã: tuy 95% số xã đã có trạm y tế với 3-5 cán bộ y tế mỗi trạm, 70% số xã đã có y sĩ phục vụ, 2634 trạm (26% số xã) đã được Bộ Y tế trang bị đồng bộ hoặc từng phần về y cụ viện trợ; song những năm gần đây, do thiếu dụng cụ y tế, thiếu thuốc, do nhiều nơi không bảo đảm được phụ cấp và lương thực cho cán bộ y tế, nhiều người phải chạy theo khoán sản phẩm của gia đình để có ăn, bỏ hoạt động y tế hoặc hoạt động thất thường. Số giường bệnh tại xã không dùng hết, tuyến xã không đáp ứng được yêu cầu khám, chữa bệnh, bệnh nhân phải lên tuyến trên. Mạng lưới y tế tuyến xã nhiều nơi đang có chiều hướng suy yếu đi.

Ở tuyến huyện, thực hiện chủ trương tăng cường cấp huyện, 182 bệnh viện (32%) đã được trang bị dụng cụ y tế đồng bộ và được tăng cường cán bộ. Ở các tỉnh Nam bộ cũ đang có phong trào thi đua xây dựng bệnh viện huyện theo phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm". Song hiện nay, khó khăn lớn nhất của các bệnh viện huyện phía Nam là đội ngũ cán bộ y tế rất thiếu, và ở phía Bắc (kể cả đối với tuyến tỉnh và tuyến Trung ương) cơ sở nhà cửa phần lớn xây dựng cũ, nay đã dột nát, hư hỏng, xuống cấp, thiếu kinh phí, vật tư để sửa chữa. Trong điều kiện phân cấp ngân sách cho huyện hiện nay, nhiều huyện chưa thực sự quan tâm tạo điều kiện cho bệnh viện nên kinh phí thường chỉ bảo đảm 30 - 40% nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân. Khó khăn khác của các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến Trung ương là bình quân số giường bệnh trên mỗi vạn dân đã quá thấp mà càng ngày càng giảm, không tương ứng với số dân tăng hàng năm.

Ví dụ:     1980, có 24,6 giường bệnh/1 vạn dân,

               1983, có 23,5 giường bệnh/1 vạn dân.

Nên các bệnh viện đều quá tải. Các trang bị chuyên khoa sâu như phẫu thuật tim, thận nhân tạo, v.v. được trang bị từ lâu, nay một số hư hỏng nhưng chưa được trang bị lại nên hạn chế việc phát triển các kỹ thuật trên. Điện, nước thất thường, các vật tư đảm bảo phục vụ chuyên môn và sinh hoạt người bệnh quá thiếu, do kinh phí quá eo hẹp, giá cả tăng nhanh.

Số cán bộ y, bác sĩ đào tạo ra hàng chục năm qua còn ít lại được phân bổ không đồng đều, tập trung phần lớn ở thành phố, thị xã, nhẹ ở miền núi và vùng xa xôi hẻo lánh. Việc tuyển sinh dân tộc một, hai năm gần đây mới có hướng để khắc phục dần tình trạng này.

Đáng chú ý là, lúc này cán bộ và nhân dân đi vào hưởng ứng cuộc vận động sinh đẻ có kế hoạch, mạng lưới y tế càng bộc lộ tình trạng cán bộ chuyên môn thiếu và yếu, không phục vụ được đầy đủ yêu cầu này.

Trong những điều kiện khó khăn như hiện nay, ngành Y tế đã có nhiều cố gắng trong nhiệm vụ khám và chữa bệnh cho nhân dân. Hằng năm, 110 triệu lượt người được khám, chữa bệnh, 7 triệu được điều trị tại bệnh viện; ngành đã đưa kỹ thuật cấp cứu, chữa bệnh lên ngày càng cao, nhất là tuyến Trung ương, nhiều kỹ thuật đạt trình độ quốc tế; đã đưa công tác thanh toán bệnh lao, bệnh phong, bệnh quặm và mù loà theo quy mô xã, huyện; đã quản lý sức khỏe cho toàn dân ở 22 huyện; đã điều tra đánh giá được tình hình bệnh xã hội trong nhân dân để có kế hoạch phòng, chống.

Tuy nhiên, công tác y tế còn chưa đáp ứng được nhu cầu phòng bệnh, phòng dịch, khám bệnh, chữa bệnh cho nhân dân[1].

- Dịch bệnh vẫn còn xảy ra ở một số nơi.

- Một số bệnh xã hội đã được đẩy lùi nay có chiều hướng trở lại (hoa liễu, vì không tổ chức điều trị dứt điểm bệnh sốt rét cho các đồng chí đi công tác ở vùng miền núi, biên giới trước khi về địa phương, cho nên bệnh này đang lây lan khá nặng ở nhiều vùng rộng lớn).

- Bệnh nhân tâm thần, phong cùi chưa được tổ chức chữa trị chu đáo, còn lang thang ở những nơi đô thị, đông dân cư.

- Một số cán bộ y tế vừa làm việc cho Nhà nước vừa mở phòng khám mạch tư chưa được sự chỉ đạo, kiểm tra, quản lý chặt chẽ theo một quy định thống nhất của ngành Y tế.

- Một số người không có chứng chỉ chuyên môn đang hành nghề trái phép; một số bọn lừa bịp chữa bệnh bằng mê tín dị đoan còn chưa bị ngăn chặn kịp thời đã làm ảnh hưởng xấu tới sức khỏe nhân dân.

- Đáng quan tâm hơn nữa là công tác kết hợp y, dược học hiện đại với y, dược học cổ truyền đến nay vẫn chưa được nhận thức một cách thống nhất trong ngành Y tế, đặc biệt là thiếu sự nhận thức thống nhất ngay trong giới y học cổ truyền, dẫn đến phương thức thực hiện cũng mỗi nơi, mỗi cơ sở mỗi khác. Bộ Y tế cũng chưa tạo được đủ những điều kiện cần thiết cho công tác này phát triển và tuy đã mở nhiều hội nghị song cũng chưa thật đi sâu để giải quyết vấn đề một cách cơ bản theo tinh thần Điều 47, Hiến pháp 1980.

Theo chúng tôi nghĩ, lịch sử đã để lại cho đất nước hai nền y học, trong đó y học dân tộc cổ truyền đã tồn tại hàng nghìn năm. Trong quá trình đấu tranh với bệnh tật, dân tộc ta đã tích luỹ được nhiều kinh nghiệm quý báu và đã xây dựng được một nền y học dân tộc có giá trị phòng bệnh và chữa bệnh to lớn với những dược liệu rẻ tiền trong nước, những phương pháp độc đáo.

Trên quan điểm y tế cách mạng ở một nước có hai nền y học, cách đây 30 năm, từ năm 1954, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chính thức đặt vấn đề xây dựng "một nền y học của ta" và Nhà nước đã có nhiều văn bản chỉ đạo việc kết hợp đông - tây y. Một phần ba thế kỷ đã trôi qua từ đó, song chúng ta cũng chưa làm được bao nhiêu trong việc kết hợp y học, dược học cổ truyền với y học dược học hiện đại để xây dựng một nền y học Việt Nam với những nét riêng biệt của nó. Việc kết hợp này cần được thực hiện từ lý luận đến thực hành trong toàn bộ công tác y tế (công tác tư tưởng, tổ chức, đào tạo cán bộ, phòng bệnh, chữa bệnh, sản xuất thuốc, pha chế thuốc, nghiên cứu khoa học). Riêng về cán bộ, cần đào tạo đội ngũ cán bộ có kiến thức và kinh nghiệm cả về y, dược học hiện đại và y, dược học cổ truyền, đủ năng lực để trên cơ sở khoa học thừa kế những kinh nghiệm tốt, tham khảo lý luận đông y, lấy khoa học hiện đại để chứng minh, chỉnh lý và nâng cao lý luận đông y, nâng y học cổ truyền lên tầm hiện đại, làm cái nền cho việc kết tinh tinh hoa hai nền y học phục vụ sức khỏe nhân dân.

Quan điểm này cần được thể hiện rõ nét trong Luật bảo vệ sức khỏe nhân dân sẽ trình Quốc hội thông qua.

II- VỀ SẢN XUẤT, QUẢN LÝ VÀ PHÂN PHỐI
THUỐC CHỮA BỆNH

Các tỉnh - nhất là các tỉnh miền Nam từ sau ngày Giải phóng, đều đã xây dựng được các xí nghiệp dược phẩm và công ty dược phẩm với sản lượng và doanh số tăng dần hàng năm. Tỷ trọng sử dụng nguyên liệu trong nước để sản xuất thuốc cũng ngày một tăng (Xí nghiệp Dược phẩm tỉnh Vĩnh Phú có tới 95% mặt hàng, Xí nghiệp Dược phẩm I Hà Nội có 43/81 mặt hàng sản xuất từ dược liệu trong nước). Song, các xí nghiệp dược phẩm còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất chật hẹp, không đủ tiêu chuẩn làm nơi sản xuất thuốc, cán bộ chuyên môn thiếu và yếu, thiết bị sản xuất và kiểm nghiệm thuốc quá thô sơ, thiếu thốn, nguồn dược liệu chưa vững chắc, chủ yếu còn dựa vào cây trồng manh mún của hợp tác xã, của tư nhân hoặc vào thu hái trong thiên nhiên, song trong thu hái mới chỉ tận lực khai thác mà chưa chú ý bảo vệ, tái sinh khiến một số cây, con dược liệu quý đang có nguy cơ bị tiêu diệt.

- Do khó khăn về dược liệu, có những bài thuốc cổ, nhân dân ta quen dùng (lục vị hoàn, bát vị hoàn, quy tì hoàn, bổ trung ích khí...) và nhiều bài thuốc mới của ta được cấu tạo trên cơ sở các bài thuốc cổ (bổ thận âm, bổ thận dương, kiện vị bổ trung...), nhiều bài thuốc dân gian chữa trị có kết quả, nay ít hoặc không còn được đưa ra phục vụ nhân dân. Dược liệu cho thuốc chén thiếu nhiều, thiếu cả đến những vị rất thông thường (vỏ quýt, hạt táo, củ tróc, lá nhọ nồi, rau má...).

- Nhìn chung, ngành Dược đã phấn đấu để hàng năm đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch sản xuất thuốc. Các nhóm hàng chủ yếu phục vụ phòng bệnh, chữa bệnh (kháng sinh, thuốc chữa bệnh thông thường, sinh tố...) giữ vững được chỉ tiêu chất lượng bảo đảm hiệu quả chữa bệnh và an toàn cho người dùng. Đây là những cố gắng rất lớn trong tình hình dược liệu trong nước chưa có cây, con nào có sản lượng đáp ứng được nhu cầu của sản xuất công nghiệp, một số còn chưa đáp ứng được cả đến nhu cầu của sản xuất thủ công. Chính sách giá cả chưa theo kịp với biến động của thị trường. Các phụ liệu, các điều kiện khác (năng lượng, bao bì, phương tiện vận chuyển, v.v.) thiếu thốn thất thường, hơn nữa, tình hình viện trợ và nhập khẩu về nguyên liệu, thành phẩm không cao hơn năm trước (bình quân đầu người chỉ có 0,2 - 0,3 rúp, đôla)[2].

Theo báo cáo của Bộ Y tế, chúng ta chủ trương nhập nguyên liệu để bào chế trong nước, nhưng ở khu vực đồng rúp, ta chỉ sử dụng được 20 - 25% ngoại tệ mua nguyên liệu, số còn lại phải mua thành phẩm. Ở thị trường tư bản chủ nghĩa, ngoại tệ ta có quá ít. Mặc dù về nguyên tắc, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng cho phép Bộ Y tế được sử dụng ngoại tệ thu bằng con đường chuyên gia đi các nước và bằng dịch vụ y tế để tăng thêm nguồn thuốc, nhưng một mặt, kế hoạch nhà nước ghi trừ vào ngoại tệ được cấp (như vậy, kể như không được cấp thêm); mặt khác, cơ chế sử dụng còn rất khó khăn, nên ngành Y tế chưa chủ động được trong việc tăng cường lực lượng thuốc nhập.

Tiền xuất khẩu hàng năm một số dược liệu và thành phẩm cũng không được sử dụng để nhập thuốc. (Năm 1983, Bộ Ngoại thương - ngành Y tế xuất sang Liên Xô hơn 100 triệu hộp dầu cao sao vàng (hơn 15 triệu rúp) và gần 2 triệu đôla sang Angiêri).

Về phân phối và sử dụng thuốc, có một vấn đề rất đáng quan tâm là, trong điều kiện cơ cấu mặt hàng dược đã được cải tiến nhiều nhưng vẫn chưa phong phú, nhất là đối với các loại chuyên khoa, thường phải bảo đảm bằng thuốc nhập (bị hạn chế vì khả năng ngoại tệ), song ở khu vực bệnh viện, lượng thuốc được giành cho khá nhiều, mà chưa sử dụng được hết vì không đủ kinh phí, thông thường, các bệnh viện chỉ đủ kinh phí để trả lương nhân viên và duy trì hoạt động tối thiểu của cơ sở, thiếu tiền để mua thuốc!).

Giá thuốc có nhiều bất hợp lý, còn mang nặng tính bao cấp, nên giữa giá chỉ đạo và giá thị trường chênh lệch quá cao, dễ gây ra nhiều lạm dụng và tiêu cực. Trong lúc đó, giá dược liệu bị kìm nên ảnh hưởng lớn tới thu mua và sản xuất. Khi giá dược liệu được điều chỉnh cho hợp lý, thì giá thành phẩm lại trở nên quá cao so với giá chỉ đạo các mặt hàng thành phẩm tân dược, làm cho việc sản xuất thuốc từ dược liệu trong nước cũng bị hạn chế.

Tình hình hiện nay là năng lực sản xuất ta còn chưa dùng hết, song quỹ hàng hóa lại chưa nhiều cả về số lượng và chủng loại thuốc do thiếu nguyên liệu từ trong nước, do xuất khẩu chưa được đẩy mạnh để tạo nguồn ngoại tệ mua nguyên liệu ngoài nước...

Để sự nghiệp y tế đáp ứng được yêu cầu bảo vệ sức khỏe nhân dân một nước nhiệt đới như nước ta, vốn nhiều bệnh nhiễm khuẩn, lại trải nhiều năm chiến tranh liên tiếp chống ngoại xâm, còn nhiều di chứng chiến tranh, sức khỏe giảm sút trong hoàn cảnh khó khăn về kinh tế và đời sống hiện nay, Uỷ ban y tế và xã hội kiến nghị Quốc hội lưu ý Hội đồng Bộ trưởng một số vấn đề như sau:

1. Xem xét đầu tư thoả đáng cho ngân sách ngành Y tế để đáp ứng yêu cầu bảo vệ sức khỏe nhân dân (tỷ lệ 4% tổng ngân sách hiện nay và mức bình quân 0,2 - 0,3 rúp đôla/đầu người, tiền thuốc nhập ngoại, theo báo cáo của Bộ Y tế, là quá thấp, không đáp ứng yêu cầu).

2. Tách quỹ lương cán bộ y tế khỏi định mức kinh phí giường bệnh và khi mức lương và tiền phụ cấp được tăng lên thì cần bổ sung cho quỹ lương đủ chi để khỏi ảnh hưởng đến việc chi tiêu phục vụ người bệnh, nhất là trong điều kiện phân cấp cho ngân sách huyện hiện nay, có những trường hợp Ngân hàng không cấp kinh phí được kịp thời cho các bệnh viện huyện nên có hiện tượng xê dịch mục chi này qua mục chi khác, dẫn đến thiếu tiền mua thuốc cho bệnh nhân.

Khẩn trương kiểm tra, đôn đốc việc thi hành Chỉ thị 111-HĐBT và Thông tư liên Bộ Tài chính, Y tế, lương thực về giải quyết đời sống cán bộ y tế xã để cứu vãn mạng lưới y tế tuyến xã đang có chiều hướng suy yếu đi.

3. Mạnh dạn đầu tư để xây dựng ngành công nghiệp dược phẩm (chủ yếu là công nghiệp nguyên liệu, kháng sinh, hoá dược) và để hiện đại hoá từng bước các xí nghiệp dược phẩm hiện có, thay đổi và bổ sung thiết bị. Bảo đảm cung cấp phụ liệu, năng lượng cho sản xuất. Cung cấp các phương tiện vận tải cho các xí nghiệp dược phẩm.

4. Có quy hoạch đào tạo theo đúng bậc thang điều trị để tăng nhanh tốc độ đào tạo, xây dựng cơ cấu đội ngũ cán bộ chuyên môn phục vụ tuyến huyện. Có quy hoạch trang thiết bị dụng cụ y tế cho các tuyến để lập kế hoạch sản xuất hoặc nhập nội, bảo đảm yêu cầu khám và chữa bệnh.

5. Nghiên cứu toàn diện chính sách giá cả đối với dược liệu, dược phẩm nhằm thúc đẩy sản xuất phục vụ nhu cầu trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu để có ngoại tệ tăng thêm nguồn thuốc.

6. Sơ kết tình hình 2 năm thực hiện Chỉ thị 88-HĐBT ngày 15-5-1982, trên cơ sở đó, chỉ đạo chặt chẽ các ngành Y tế, Nông nghiệp, Lâm nghiệp, Quốc phòng và Ủy ban kế hoạch nhà nước thực hiện các nhiệm vụ đã đề ra trong Chỉ thị nhằm bảo đảm cung ứng dược liệu cho nhu cầu sản xuất thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho nhân dân, và thể hiện bằng những chỉ tiêu pháp lệnh trong kế hoạch nhà nước.


 

[1]. Theo điều tra cơ bản, hiện có gần 25.000 người bị đục thuỷ tinh thể gây mù loà, mỗi năm chỉ mổ được 1/10. Có 120.000 người bị ung thư chỉ điều trị nội ngoại trú được 1/20. Có 600.000 người tâm thần, mới quản lý điều trị được 80.000. Có 386.000 trẻ em thấp khớp cấp nhưng số được quản lý rất ít. 12 triệu người sâu răng, một số cần làm răng giả, nhưng được giải quyết rất ít.

[2]. Bình quân ở Pháp là 120 đôla/đầu người (1976), ở Môdămbích 1 đôla/đầu người (1981).

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội