VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP VI(QUYỂN 2) 1984 - 1987

THUYẾT TRÌNH CỦA ỦY BAN KINH TẾ,
KẾ HOẠCH VÀ NGÂN SÁCH CỦA QUỐC HỘI VỀ KẾ HOẠCH NHÀ NƯỚC VÀ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC
(Do ông Nguyễn Đăng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế, kế hoạch và ngân sách của Quốc hội
trình bày tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa VII, ngày 24-12-1984)

Để thẩm tra các báo cáo về kế hoạch và ngân sách nhà nước mà Hội đồng Bộ trưởng trình Quốc hội tại kỳ họp này, Uỷ ban kinh tế, kế hoạch và ngân sách đã cùng với thường trực của Hội đồng dân tộc và 4 Ủy ban của Quốc hội, làm việc với đại diện các cơ quan: Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và Ủy ban Vật giá Nhà nước. Riêng Bộ Lao động không đến làm việc với lý do là vấn đề tiền lương còn phải được tiếp tục nghiên cứu thêm.

Uỷ ban kinh tế, kế hoạch và ngân sách xin trình Quốc hội những ý kiến về các vấn đề sau đây:

I- Kết quả thực hiện kế hoạch nhà nước năm 1984.

II- Phương hướng nhiệm vụ kế hoạch nhà nước năm 1985.

III- Tình hình tài chính quốc gia.

IV- Vấn đề phân phối, lưu thông và đời sống.

V- Một số vấn đề về quản lý kinh tế.

I- KẾT QUẢ THỰC HIỆN
KẾ HOẠCH NHÀ NƯỚC NĂM 1984

Năm 1984, mặc dù có thiên tai bão lụt lớn từ Nam đến Bắc, mặc dù bọn bành trướng bá quyền... tăng cường đánh phá trên toàn tuyến biên giới phía Bắc và tiến hành chiến tranh phá hoại nhiều mặt ở nhiều nơi, mặc dù có những khó khăn do thiếu ngoại tệ, do mất cân đối về vật tư nhiên liệu gay gắt hơn năm 1983 và mấy năm trước, nhưng kế hoạch nhà nước năm 1984 vẫn được thực hiện tích cực với tinh thần tự lực, tự cường của nhân dân ta.

Trong nông nghiệp, không đạt được mục tiêu 18 triệu tấn lương thực là mục tiêu hàng đầu, nhưng nông dân ở các miền của đất nước đã kiên cường chống thiên tai, mở rộng phong trào hợp tác hoá nông nghiệp, nên sản lượng lương thực trong năm 1984 sẽ tăng hơn năm 1983 từ 20 đến 30 vạn tấn.

Nhìn lại 4 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ V của Đảng Cộng sản Việt Nam, nền nông nghiệp của ta đã có những chuyển biến quan trọng, nổi bật là về sản xuất lương thực, sản lượng quy ra thóc từ 14,4 triệu tấn năm 1980 tăng lên 17,3 triệu tấn năm 1984, bình quân tăng hàng năm trong 4 năm 1981 - 1984 là 70 vạn tấn. Cây công nghiệp cũng có bước phát triển mới, nhất là cây công nghiệp ngắn ngày và cây xuất khẩu. Chăn nuôi tiếp tục phát triển về số lượng và chất lượng - các đàn trâu, bò, lợn, gia cầm đều tăng, nhất là trong khu vực chăn nuôi của gia đình.

Song đối chiếu với yêu cầu và nhiệm vụ, nông nghiệp phát triển chưa đều, chưa toàn diện và chưa vững chắc. Sản xuất nông nghiệp của ta vẫn lệ thuộc khá nặng vào thiên nhiên, thời tiết, lại đang ở trong thời kỳ đầu tổ chức lại sản xuất, điều kiện sản xuất có nhiều khó khăn, về cơ bản vẫn là sản xuất nhỏ, thủ công, năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh còn thấp.

Trong công nghiệp, tuy điều kiện cung ứng vật chất cho sản xuất của Nhà nước không hơn năm 1983 và giảm khá nhiều so với các năm trước, nhưng giá trị sản lượng công nghiệp vẫn tăng, một số sản phẩm chủ yếu tăng khá. Nhìn chung trong cả nước, năm 1984, công nghiệp quốc doanh Trung ương phát triển nhanh hơn công nghiệp quốc doanh địa phương, công nghiệp quốc doanh tăng nhanh hơn tiểu thủ công. Một số ngành công nghiệp và sản phẩm công nghiệp chủ yếu có triển vọng đạt và vượt các chỉ tiêu kế hoạch. Giá trị tổng sản lượng công nghiệp cả nước tăng được 7,5%.

Công tác cải tạo và sắp xếp, tổ chức lại sản xuất trong các ngành công thương nghiệp từ sau khi có Nghị quyết 6 của Trung ương Đảng đã được xúc tiến khẩn trương, tập trung hơn và bước đầu có kết quả tích cực.

Tuy nhiên, một số sản phẩm chủ yếu không đạt kế hoạch: như than có vị trí rất quan trọng lại giảm sút quá nhiều, từ 6,2 triệu tấn trong các năm 1982 - 1983 nay chỉ còn 5,2 triệu tấn năm 1984, xi măng là sản phẩm trọng yếu cũng không đạt kế hoạch. Một số sản phẩm phục vụ đời sống nhân dân tăng không đáng kể, thậm chí có loại còn giảm sút. Nhiều sản phẩm chưa đạt chỉ tiêu chất lượng và chất lượng lại còn giảm, tiêu hao vật tư quá lớn, giá thành của nhiều loại sản phẩm tăng hơn năm trước, năng suất lao động chưa đạt bằng mức của năm 1977.

*
*       *

Nhìn chung, việc thực hiện kế hoạch nhà nước năm 1984 được tương đối khá do các nguyên nhân cơ bản:

- Nhân dân cả nước ta nỗ lực phấn đấu lao động sản xuất, dũng cảm và kiên cường, chủ động vượt mọi khó khăn và khắc phục các hậu quả nặng nề do thiên tai, địch hoạ gây ra.

- Từ khi có Nghị quyết 6 của Trung ương Đảng, Hội đồng Bộ trưởng đã bước đầu cụ thể hoá trong việc quản lý công nghiệp quốc doanh; các ngành tổng hợp đang hướng dẫn thực hiện, Nghị quyết 6 của Trung ương Đảng đáp ứng đúng nguyện vọng của các tầng lớp lao động, nên có nhiều ngành, nhất là ở địa phương và cơ sở, đã vận dụng Nghị quyết 6 của Trung ương một cách sáng tạo để khai thác và phát huy các nguồn tiềm năng, tạo điều kiện bổ sung các cân đối để thực hiện kế hoạch nhà nước năm 1984.

Những khuyết điểm chủ quan đáng chú ý là:

- Công tác kế hoạch hóa chưa thật sự đổi mới, chưa thực hiện được việc xây dựng kế hoạch từ cơ sở và huyện, chưa phát huy được sâu rộng và mạnh mẽ tinh thần chủ động, sáng tạo và khả năng phong phú của các ngành, các địa phương và cơ sở.

- Làm chậm việc sửa đổi, bổ sung các chính sách cũ không phù hợp, việc ban hành chính sách mới cũng chậm.

- Công tác tổ chức chuyển biến không kịp thời và chưa đáp ứng yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ; việc bố trí sắp xếp cán bộ ở các ngành, các địa phương và cơ sở trọng yếu làm chưa được tốt.

- Công tác chỉ đạo và điều hành còn yếu kém.

II- PHƯƠNG HƯỚNG NHIỆM VỤ
KẾ HOẠCH NHÀ NƯỚC NĂM 1985

Năm 1985 là năm cuối của kế hoạch 5 năm 1981 - 1985, năm có ý nghĩa rất quan trọng.

Đi vào kế hoạch năm 1985, cần nhìn lại toàn bộ các mục tiêu cơ bản của kế hoạch 5 năm, phấn đấu tạo ra sự chuyển biến mới để bước vào kế hoạch 5 năm 1986 - 1990.

Ủy ban chúng tôi xin trình Quốc hội một số ý kiến như sau:

A. Về tư tưởng chỉ đạo của kế hoạch nhà nước năm 1985.

Ngoài những ý kiến đã được Hội đồng Bộ trưởng trình bày, Ủy ban chúng tôi đề nghị nhấn mạnh thêm:

1. Phải tạo một sự chuyển biến có ý nghĩa kinh tế - xã hội trong việc bố trí và thực hiện kế hoạch nhà nước năm 1985 nhằm đưa nền kinh tế của nước ta đi vào thế ổn định. Về cụ thể, chúng tôi đề nghị tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất lương thực, cây công nghiệp, phát triển mạnh hơn sản xuất hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu, coi đây là trọng tâm, trọng điểm để ưu tiên phân bố vốn đầu tư, đồng thời chú ý đầu tư cho các ngành phục vụ trực tiếp các mục tiêu kể trên, ví dụ, các ngành Điện, gang thép, cơ khí, giao thông vận tải cần quan tâm hơn nữa đến các tỉnh biên giới phía Bắc và Tây Nguyên.

2. Phải rà soát lại bốn mục tiêu cơ bản mà Đại hội Đảng lần thứ V đã đề ra trong nhiệm vụ kế hoạch năm 1981 - 1985, xem lại từng mục tiêu, nhằm bố trí kế hoạch năm 1985 sao cho ăn khớp, phù hợp, mục tiêu nào chưa làm tốt thì trong năm 1985 phải thể hiện rõ trong kế hoạch để ra sức làm tốt. Về cụ thể, chúng tôi đề nghị phải nắm vững mục tiêu số một là ổn định và cải thiện đời sống của nhân dân. Các nhiệm vụ kế hoạch phải tập trung lo cho mục tiêu về đời sống của người lao động, công nhân viên chức và các lực lượng vũ trang, đồng thời phải tích cực xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội.

3. Kế hoạch năm 1985 phải thấu suốt tư tưởng chỉ đạo và nội dung của Nghị quyết các Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 6 và lần thứ 7, mà quan trọng nhất là:

- Thực sự chuyển mạnh hoạt động của tất cả các ngành, các cấp và cơ sở từ hành chính bao cấp sang sản xuất, kinh doanh xã hội chủ nghĩa, thực sự đi vào hạch toán kinh tế, khắc phục bằng được tệ quan liêu, trì trệ, bảo thủ, kìm hãm sản xuất.

- Thực sự mở rộng quyền chủ động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, giao đầy đủ quyền hạn đi đôi với giao trách nhiệm cho cơ sở để đẩy mạnh phát triển sản xuất, khuyến khích sản xuất có năng suất, chất lượng và hiệu quả, đồng thời tăng cường sự chỉ đạo tập trung, thống nhất, sự kiểm tra, hướng dẫn và giúp đỡ của cấp trên, khắc phục tình trạng phân tán, tự do tuỳ tiện, vô tổ chức, vô kỷ luật.

4. Năm 1985, phải đẩy mạnh công tác cải tạo xã hội chủ nghĩa, hoàn thành về cơ bản cải tạo nông nghiệp ở các tỉnh Nam bộ, gắn với cải tạo và sắp xếp lại sản xuất các ngành công nghiệp, tiểu, thủ công nghiệp. Phải xúc tiến việc củng cố hợp tác xã và tập đoàn sản xuất nông nghiệp, hoàn chỉnh công tác khoán sản phẩm, kiên quyết khắc phục tình trạng khoán trắng, làm hại cho sản xuất và làm xói mòn quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa ở nông thôn.

5. Chúng tôi tán thành trong kế hoạch năm 1985 phải kết hợp tốt kinh tế với quốc phòng, bảo đảm yêu cầu củng cố quốc phòng, an ninh, chống lại một cách có hiệu quả cuộc chiến tranh phá hoại nhiều mặt của địch, sẵn sàng đối phó trong mọi tình huống. Cần tích cực xây dựng, củng cố toàn diện các huyện ở vùng biên giới phía Bắc.

B. Về các chỉ tiêu kế hoạch và biện pháp.

Nhìn chung, các chỉ tiêu tổng hợp của nền kinh tế nêu trong bản kế hoạch năm 1985 đều tiếp tục tăng. Các chỉ tiêu về sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, đời sống, văn hóa xã hội đều tăng, chỉ tiêu về tổng mức đầu tư giữ như năm 1984, nhưng thực tế sẽ thấp hơn năm 1984 vì giá các vật tư đều tăng.

Khi đi vào xem xét các điều kiện cân đối, nhất là từ phía Nhà nước Trung ương bảo đảm cho các ngành, các cấp để thực hiện các chỉ tiêu, thì ta thấy còn nhiều bấp bênh, chưa có cơ sở vững chắc.

Trong bốn nguồn khả năng, do hoàn cảnh khó khăn chung của cả nước, nên nguồn do Nhà nước lo liệu đang rất khó tăng. Chúng ta đang mất cân đối lớn về xăng dầu, phân hoá học, vật tư, ngoại tệ, v.v.. Làm sao trong năm 1985 có đủ 2 triệu tấn phân hoá học để đạt mục tiêu 19 triệu tấn lương thực, làm sao có từ 1,8 triệu đến 2 triệu tấn xăng dầu cho nhu cầu tối thiểu của các ngành, làm sao trong năm 1985 có được tối thiểu từ 120 triệu đến 200 triệu rúp và đôla để nhập vật tư cần thiết cho nhu cầu của kế hoạch, làm sao bảo đảm được phân bố vốn đầu tư ưu tiên cho các trọng tâm, trọng điểm để phát triển sản xuất lương thực, tăng sản xuất hàng tiêu dùng; hàng xuất khẩu mà còn dành được vốn đầu tư chiều sâu cho các ngành công nghiệp phục vụ cho nông nghiệp và hàng tiêu dùng? Còn nhiều câu hỏi khác, mà qua làm việc với cơ quan của Hội đồng Bộ trưởng, Ủy ban chúng tôi thấy Hội đồng Bộ trưởng đang rất bận tâm tìm cách lo liệu. Chúng tôi nghĩ đấy cũng là điều suy nghĩ và lo lắng của các đại biểu Quốc hội. Mọi người cần tìm biện pháp làm sao để sản xuất tiếp tục được phát triển chứ không bị thu hẹp, đời sống được ổn định và khá lên, chứ không kéo dài trong khó khăn.

Từ tình hình thực tế này, Ủy ban chúng tôi nhất trí với Hội đồng Bộ trưởng về việc đề nghị Quốc hội thông qua những chỉ tiêu của kế hoạch nhà nước năm 1985, coi đó là chỉ tiêu tối thiểu.

Trong quý I năm 1985, Hội đồng Bộ trưởng sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngành, các địa phương, các cơ sở tiếp tục làm kế hoạch từ cơ sở lên, xây dựng bổ sung các chỉ tiêu kế hoạch và làm rõ thêm các cân đối cụ thể.

Để cho các ngành, các địa phương và cơ sở có điều kiện tham gia thực sự với Trung ương, bổ sung các nguồn cân đối của mình với nguồn cân đối của Trung ương nhằm bảo đảm có đủ điều kiện thực hiện kế hoạch năm 1985 tốt hơn năm 1984, Ủy ban chúng tôi đề nghị:

1. Ngoài việc tính toán, phân bổ thật hợp lý và kịp thời những gì mà Nhà nước đang có, Hội đồng Bộ trưởng cần tìm mọi biện pháp bảo đảm cân đối được năng lượng, điện và xăng dầu cho các yêu cầu tối thiểu và chính đáng của các ngành, các địa phương; đây là hai việc lớn mà trong quá trình làm kế hoạch từ cơ sở lên, các đơn vị cơ sở, các địa phương, các ngành sẽ khó tự lo liệu được.

2. Ngoài phần nguồn của Nhà nước Trung ương lo, để tìm cho ra các nguồn khả năng bổ sung mới như: thực hành tiết kiệm, huy động vốn trong dân, vốn ở ngoài nước, vốn đất đai, vốn lao động, ngành, nghề, cơ sở vật chất của kinh tế địa phương, của từng ngành, sự hợp tác giữa các địa phương, các ngành, các cơ sở thông qua liên kết kinh tế để bổ sung ngay trong quý I năm 1985, thì việc bãi bỏ tình trạng quan liêu, bao cấp, đi vào sản xuất, kinh doanh, thực sự để cho các cấp, các ngành, các cơ sở chủ động tính toán sản xuất, kinh doanh là điều có tác dụng quyết định. Thời gian để tìm mọi nguồn cân đối cho kế hoạch năm 1985 không cho phép chúng ta chậm trễ trong việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 6 và lần thứ 7, giao quyền tự chủ cho địa phương và cơ sở. Những sửa đổi về chính sách, chế độ quản lý kinh tế mà vừa qua Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành, tuy chưa nhiều, nhưng cũng đáp ứng một phần yêu cầu của sản xuất và kinh doanh. Tuy nhiên, các ngành, các địa phương, các cơ sở vẫn còn nhiều vướng mắc chưa được tháo gỡ.

Ủy ban chúng tôi thấy việc cụ thể hoá các nghị quyết của Đảng và Nhà nước để hướng dẫn một cách đồng bộ cho bên dưới làm là trách nhiệm của Hội đồng Bộ trưởng, của các ngành tổng hợp như Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Vật giá, Bộ Ngoại thương, v.v.; các ngành này cần phải làm hết sức khẩn trương và với ý thức trách nhiệm cao.

III- TÌNH HÌNH TÀI CHÍNH QUỐC GIA

1. Về tổng quyết toán ngân sách nhà nước năm 1983

Dự toán ngân sách nhà nước năm 1983 được Quốc hội thông qua trong kỳ họp thứ 4 với tổng số thu 59.100 triệu đồng, tổng số chi 62.100 triệu đồng, bội chi 3.000 triệu đồng.

Đến nay, Hội đồng Bộ trưởng trình Quốc hội tổng quyết toán ngân sách nhà nước năm 1983 như sau:

Tổng số thu 75.043.827.487 đồng, đạt 126,9% kế hoạch,

Tổng số chi 77.998.943.149 đồng, đạt 125,6% kế hoạch,

Ngân sách nhà nước bội chi: 2.955.115.662 đồng.

Qua việc xem xét tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 1983, Ủy ban chúng tôi có mấy nhận xét như sau:

1. Trong năm 1983, nền kinh tế của nước ta tiếp tục có chuyển biến tích cực. Công tác quản lý tài chính trong khu vực kinh tế quốc doanh được chấn chỉnh một bước và đẩy mạnh hơn trước. Do đó, thu nhập thuần tuý tập trung từ các xí nghiệp quốc doanh tăng đáng kể. Hai pháp lệnh về thuế công thương nghiệp và thuế nông nghiệp được các cấp uỷ Đảng và chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện. Đội ngũ cán bộ làm công tác thuế được tăng cường và tích cực hoạt động. Nhờ đó, số thuế thu vào ngân sách tăng lên đáng kể, riêng thuế công thương nghiệp thu vượt kế hoạch và tăng gần gấp đôi so với năm 1982. Nhìn chung, tình hình thu của ngân sách có tiến bộ.

2. Nền kinh tế tuy có chuyển biến tích cực, nhưng còn nhiều khó khăn và mất cân đối lớn về năng lượng, vật tư và ngoại tệ. Nhiều chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch nhà nước và ngân sách nhà nước đạt thấp. Công tác quản lý thu mua nắm nguồn hàng, nắm tiền, quản lý tài chính và tiền tệ còn nhiều sơ hở. Kỷ luật thu chi ngân sách chưa được nghiêm. Ngân sách bội chi đến 2.955 triệu đồng, chiếm 3,8% tổng số chi của ngân sách. Số bội chi này cũng mới phản ánh qua hệ thống ngân sách nhà nước. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước, qua hệ thống tín dụng còn phát hành thêm để cấp thay cho tài chính về vốn lưu động, ứng trước cho thu mua, v.v.. Trong tình hình nói trên, ngân sách nhà nước năm 1983 bội chi là điều không thể tránh khỏi. Ủy ban chúng tôi xin đề nghị Quốc hội thông qua tổng quyết toán ngân sách nhà nước năm 1983.

2. Về ngân sách nhà nước

Dự toán ngân sách nhà nước năm 1984 đã được Quốc hội phê chuẩn:

Tổng số thu là: 85.500 triệu đồng

Tổng số chi là: 88.500 triệu đồng

Số bội chi là: 3.000 triệu đồng.

Theo báo cáo của Hội đồng Bộ trưởng thì ngân sách nhà nước năm 1984 ước thực hiện như sau:

Tổng số thu là: 97.500 triệu đồng,

Tổng số chi là 101.500 triệu đồng,

Số bội chi là: 4.000 triệu đồng. Số bội chi này vượt 1.000 triệu đồng so với số Quốc hội đã thông qua, chiếm 3,9% tổng số chi ngân sách nhà nước năm 1984.

Qua xem xét tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 1984, Ủy ban chúng tôi thấy:

Các khoản thu ngân sách đều tăng so với kế hoạch, trừ khoản thu mua công trái đạt 66,6% kế hoạch, nhưng vẫn chưa đáp ứng được các khoản chi của nền kinh tế quốc dân. Nguồn thu lớn nhất là nguồn thu từ kinh tế quốc doanh tăng 38% so với năm trước, nhưng tỷ trọng chiếm trong tổng số thu trong nước có xu hướng giảm dần. Như: năm 1981 là 77,6%, năm 1982 là 74,5%, năm 1983 là 70,3%, năm 1984 chỉ còn 57,9%. Thuế nông nghiệp còn khê đọng ở một số nơi; thuế công thương nghiệp thất thu, do còn tình trạng trốn thuế, lậu thuế, mức thuế chưa đúng với mức doanh thu và giá cả hiện nay.

Các khoản chi ngân sách đều vượt mức kế hoạch, trong đó có những khoản chi về phục vụ đời sống, xã hội, chi bù giá hàng cung cấp cho công nhân viên chức tăng lên. Mặc dù Nhà nước ta đã có những chủ trương, biện pháp để tăng thu, giảm chi, nhưng bội chi về ngân sách vẫn tăng hơn số được Quốc hội thông qua. Việc thực hành tiết kiệm chưa có tiến bộ; tình trạng lãng phí tham ô còn nhiều, chưa được tích cực ngăn chặn.

Thu chi tiền mặt cũng có những diễn biến phức tạp. Thu tiền mặt tuy tăng 36% so với kế hoạch và tăng 68,9% so với năm trước, nhưng vẫn không bảo đảm kịp cho các khoản chi. Tiền mặt lưu thông ngoài xã hội ngày càng nhiều do không có đủ hàng bảo đảm; vòng quay tiền mặt tăng không đáng kể.

Từ nhận xét trên đây, Ủy ban chúng tôi xin kiến nghị như sau:

Vấn đề cấp bách đặt ra cho năm 1985 là ra sức phấn đấu tiến lên làm chủ lưu thông tiền tệ, phấn đấu giảm bội chi ngân sách và tiền mặt, hết sức thực hành tiết kiệm và chống lãng phí tham ô. Nhà nước phải quản lý chặt chẽ lưu thông tiền tệ, ổn định và củng cố sức mua của đồng tiền, thu bớt tiền thừa trong lưu thông hiện nay đang quá lớn và quay vòng ngoài quỹ của ngân hàng.

Để nắm được hàng và tiền, trước hết phải nắm chắc vật tư do ta nhập hoặc sản xuất, nắm cho được hàng hóa do các đơn vị quốc doanh và tập thể làm ra, nắm được nông sản hàng hóa. Muốn vậy, phải sửa đổi chính sách, đặc biệt là chính sách giá cả, mua cho ra mua, bán cho ra bán, bảo đảm nắm được cả hiện vật và giá trị. Thương nghiệp xã hội chủ nghĩa phải chuyển mạnh sang kinh doanh xã hội chủ nghĩa.

Ngành Ngân hàng phải chuyển mạnh sang cơ chế kinh doanh xã hội chủ nghĩa, phải vươn lên làm tốt công tác điều hoà lưu thông tiền tệ, thu hút được phần lớn tiền dư thừa trong xã hội, bản thân ngành ngân hàng phải biết kinh doanh đồng tiền một cách nhanh nhạy, tăng vòng quay tiền mặt. Mặt khác, ngành Ngân hàng phải xóa bỏ những thủ tục phiền hà và khắc phục những hiện tượng tiêu cực trong ngành để phục vụ kịp thời các yêu cầu của sản xuất và kinh doanh.

Ủy ban chúng tôi kiến nghị Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng xem xét, sửa đổi thời hạn và lãi suất về công trái xây dựng Tổ quốc, đồng thời, nhấn mạnh nghĩa vụ và quyền lợi của công dân trong việc mua công trái; tăng mức lãi suất của tiền gửi tiết kiệm nhằm thu hút mạnh nguồn tiền mặt vào tay Nhà nước.

Mặt khác, các cơ quan tài chính, ngân hàng cần thực hiện và phát huy đầy đủ chức năng của mình để tác động tích cực vào việc phục vụ sản xuất và lưu thông phân phối.

IV- VẤN ĐỀ PHÂN PHỐI, LƯU THÔNG VÀ ĐỜI SỐNG

Năm 1984, các cấp, các ngành đã có nhiều cố gắng đẩy mạnh một số mặt về phân phối, lưu thông. Công tác cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với công thương nghiệp tư doanh và quản lý thị trường tuy mới đưa lại kết quả bước đầu, nhưng đã có tác dụng khá. Qua đó, việc nắm hàng, nắm tiền đã có một bước tiến. Công tác thu mua hàng nông sản và các hàng hóa khác tăng hơn so với năm 1983. Thương nghiệp xã hội chủ nghĩa đã cố gắng trong việc cung cấp một số mặt hàng theo định lượng cho cán bộ, công nhân và lực lượng vũ trang đồng thời mở rộng kinh doanh chiếm lĩnh thị trường, có tác dụng trong việc đấu tranh kìm giữ tốc độ tăng giá của thị trường tự do.

Phân phối - lưu thông và đời sống vẫn là khâu nóng bỏng, cấp bách và còn nhiều vấn đề tồn tại cần được giải quyết theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội lần thứ V và các nghị quyết của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 6 và lần thứ 7.

Để khắc phục và giải quyết một bước tình hình khó khăn phức tạp trong lĩnh vực phân phối, lưu thông, Ủy ban chúng tôi tán thành về cơ bản những phương hướng đã nêu trong Báo cáo của Hội đồng Bộ trưởng và có những kiến nghị như sau:

- Giá cả và tiền lương trước hết là vấn đề của sản xuất, đồng thời cũng là vấn đề của đời sống, của phân phối và lưu thông. Vì vậy, để đẩy mạnh sản xuất, quản lý tốt thị trường, phải sớm giải quyết vấn đề giá và lương, coi đó là nhiệm vụ cấp bách, không thể trì hoãn được.

- Vấn đề giá cả - tiền lương - tài chính - tiền tệ - hàng hóa - quản lý thị trường cần được khẩn trương nghiên cứu giải quyết đồng bộ. Trong khi chờ đợi phương án giải quyết các vấn đề này, đề nghị Hội đồng Bộ trưởng cần có biện pháp tích cực bảo đảm việc cung cấp đều và đủ các mặt hàng theo định lượng và những mặt hàng thiết yếu khác cho công nhân, viên chức và các lực lượng vũ trang. Trước mắt, cần thực hiện đúng việc lập quỹ hàng hóa và lập cửa hàng cung cấp riêng bán hàng theo giá ổn định. Ngành Thương nghiệp quốc doanh từ trên xuống dưới, phải thật sự chấn chỉnh và kiện toàn đội ngũ cán bộ, nhân viên, nghiêm trị kịp thời những phần tử xấu.

Về mặt giá cả, cơ quan vật giá cần đi sát thực tế, xử lý kịp thời những vướng mắc về giá cả trong sản xuất, kinh doanh, thực hiện đầy đủ và đúng đắn chính sách hai giá, bảo đảm tương quan tỷ giá cũng như mức giá hợp lý giữa giá mua nông sản và giá bán lẻ hàng công nghiệp tiêu dùng, tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất, mở rộng kinh doanh của thương nghiệp xã hội chủ nghĩa, tiếp tục tăng cường việc đấu tranh chiếm lĩnh và làm chủ thị trường không để cho giá hàng tăng lên tuỳ tiện, bảo đảm ổn định đời sống của nhân dân.

V- MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ QUẢN LÝ KINH TẾ

Bước sang năm 1985, nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế đặt ra rất lớn và cấp bách. Nhiều vấn đề phải được nghiên cứu và giải quyết sớm. Trước mắt, trong quý I năm 1985, ngoài những kiến nghị về quản lý đã nói trong các phần trên, Ủy ban chúng tôi đề nghị một số vấn đề sau đây:

1. Ban hành văn bản cụ thể hướng dẫn công tác kế hoạch hóa để thực hiện việc xây dựng kế hoạch từ cơ sở, hướng dẫn cho các ngành, các địa phương và cơ sở đổi mới công tác kế hoạch hóa gắn liền sản xuất với tiêu thụ, tự bảo đảm các cân đối với phần Nhà nước giao để thể hiện vào chỉ tiêu pháp lệnh.

2. Gấp rút chấn chỉnh và kiện toàn bộ máy của các ngành, các cấp. Trên cơ sở nhận thức đầy đủ vấn đề cán bộ là quyết định, cần mạnh dạn và kiên quyết sắp xếp lại, cất nhắc, đề bạt cán bộ có phẩm chất và năng lực đảm nhiệm các trọng trách, thay thế kịp thời những cán bộ phạm sai lầm không còn thích hợp với nhiệm vụ.

3. Có biện pháp tích cực tăng cường hiệu lực của Nhà nước chuyên chính vô sản bằng công tác kiểm tra, kiểm soát, chống các hiện tượng tiêu cực làm tổn hại đến sản xuất và đời sống nhân dân. Ví dụ, trong khâu quản lý lương thực, các thành viên trong Ủy ban chúng tôi đã phản ảnh là mức hao hụt lương thực ở trong phạm vi các tỉnh, thành phố chỉ có từ 0,8% đến 2,5%, nhưng ngành Lương thực để hao hụt và mất mát quá lớn, điều đó không thể chấp nhận được trong tình hình rất khó khăn của nước ta về lương thực.

4. Vấn đề tiền lương hiện nay được đặt ra phải giải quyết trong mối quan hệ đồng bộ, trong cả hệ thống giá cả - tiền lương - tài chính - tiền tệ - hàng hóa - thị trường. Như vậy, phải tổ chức nghiên cứu chu đáo. Khối lượng công việc rất lớn và rất phức tạp, Ủy ban chúng tôi đề nghị Hội đồng Bộ trưởng chỉ đạo các ngành hữu quan một cách khẩn trương và chặt chẽ để sớm có phương án giải quyết trong quý I năm 1985.

*
*       *

Trên đây là một số ý kiến của Uỷ ban kinh tế, kế hoạch và ngân sách trình Quốc hội xem xét.

 

Toàn văn Văn kiện
lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội