VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP VI(QUYỂN 2) 1984 - 1987

BÁO CÁO
CÔNG TÁC CỦA HỘI ĐỒNG NHÀ NƯỚC
TẠI KỲ HỌP THỨ 8, QUỐC HỘI KHÓA VII
*

Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,

Hội đồng Nhà nước báo cáo với Quốc hội về công tác của Hội đồng Nhà nước, Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban thường trực của Quốc hội, từ kỳ họp thứ 7 của Quốc hội đến nay.

I- CÔNG TÁC LẬP PHÁP

Sau khi Quốc hội đã thông qua sơ bộ bản Dự thảo Phần các tội phạm của Bộ luật hình sự tại kỳ họp thứ 7 (tháng 6 năm 1984), Thường trực Ủy ban pháp luật đã cùng Ban Dự thảo Bộ luật hình sự nghiên cứu ý kiến của các đại biểu Quốc hội để chỉnh lý bản Dự thảo; ngày 22 tháng 9 năm 1984, đồng chí Chủ tịch Hội đồng Nhà nước đã họp với Ban Dự thảo Bộ luật hình sự, cho thêm ý kiến về vấn đề này.

Thi hành Chỉ thị số 52-CT/TW ngày 01-11-1984 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và quyết định của Hội đồng Nhà nước, Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước đã tổ chức cuộc họp báo, công bố bản Dự thảo Phần các tội phạm của Bộ luật hình sự để nhân dân tham gia ý kiến. Hội đồng Nhà nước đã có công văn gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương, lưu ý vấn đề chỉ đạo thực hiện và có kế hoạch hướng dẫn việc tổ chức lấy ý kiến của nhân dân.

Tại phiên họp ngày 26 tháng 9 năm 1984, Hội đồng Nhà nước đã nghe Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao báo cáo về các dự thảo Pháp lệnh tổ chức Tòa án quân sự, tổ chức Viện Kiểm sát quân sự. Hội đồng Nhà nước đã thảo luận, cho ý kiến để Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao chỉnh lý, trình Hội đồng Nhà nước thông qua.

Tại phiên họp ngày 27 tháng 10 năm 1984, Hội đồng Nhà nước đã nghe Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Nội vụ báo cáo về bản Dự thảo Pháp lệnh bắt giam, bắt giữ và khám xét. Hội đồng Nhà nước đã thảo luận, nêu lên những vấn đề có tính nguyên tắc và giao cho các cơ quan có trách nhiệm chỉnh lý bản Dự thảo để trình Bộ Chính trị cho ý kiến trước khi đưa ra Hội đồng Nhà nước thông qua.

Đầu tháng 10-1984, đồng chí Chủ tịch Hội đồng Nhà nước đã họp với các cơ quan hữu quan, cho ý kiến chỉnh lý các dự thảo Pháp lệnh đất đai, Pháp lệnh về nghĩa vụ lao động để trình xin ý kiến Bộ Chính trị.

Ủy ban pháp luật và một số Ủy ban thường trực của Quốc hội đã họp, góp ý kiến về các dự thảo Luật hôn nhân và gia đình, Luật thanh niên, Luật bảo vệ sức khỏe của nhân dân, Pháp lệnh tổ chức luật sư.

II- CÔNG TÁC GIÁM SÁT

1. Đối với công tác của Hội đồng Bộ trưởng

Ngày 28 tháng 8 năm 1984, Hội đồng Nhà nước đã nghe Hội đồng Bộ trưởng báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch nhà nước và ngân sách nhà nước trong 6 tháng đầu năm 1984; Ban Thi đua Trung ương báo cáo về phong trào thi đua yêu nước trong các năm 1981 - 1983; Hội đồng Bộ trưởng và Viện kiểm sát nhân dân tối cao báo cáo về tình hình thi hành Nghị quyết của Hội đồng Nhà nước về bắt, giam, giữ, tập trung cải tạo và cưỡng bức lao động trong 6 tháng đầu năm 1984.

Hội đồng Nhà nước cũng đã nghe các đồng chí Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Nguyễn Hữu Thọ, và Huỳnh Tấn Phát báo cáo về việc đi kiểm tra tình hình bắt, giam, giữ, cải tạo ở thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngày 26 tháng 9 năm 1984, Hội đồng Nhà nước đã nghe Hội đồng Bộ trưởng báo cáo về công tác phòng bệnh, chữa bệnh cho nhân dân, việc sản xuất và phân phối thuốc chữa bệnh, việc kết hợp y dược học hiện đại với y dược học cổ truyền dân tộc.

Ngày 29 tháng 11 năm 1984, Hội đồng Nhà nước đã nghe Hội đồng Bộ trưởng báo cáo về công tác cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nông nghiệp.

Sau khi nghe báo cáo về các vấn đề nói trên, Hội đồng Nhà nước đã có kết luận gửi đến Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng, thủ trưởng các ngành có liên quan ở Trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương, các đồng chí Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội.

2. Đối với công tác của Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân

Trong các phiên họp thường lệ của Hội đồng Nhà nước, đồng chí Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và đồng chí Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã tham dự để trình bày ý kiến đối với những vấn đề có liên quan đến công tác của ngành mình.

3. Hoạt động của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban thường trực của Quốc hội

Trong 6 tháng qua, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban đã có những hoạt động sau đây:

- Hội đồng dân tộc: đã nghe báo cáo, làm việc với một số Bộ và Ủy ban Nhà nước về dự án kế hoạch nhà nước năm 1985 (phần đối với miền núi); đã cử đoàn đi các tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, Bình Trị Thiên để xem xét tình hình tổ chức định canh, định cư ở một số vùng trọng điểm và đã có kiến nghị trình Hội đồng Nhà nước về vấn đề này.

- Ủy ban kinh tế, kế hoạch và ngân sách: sau khi làm việc với Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước và Bộ Tài chính, Ủy ban đã có báo cáo trình Hội đồng Nhà nước về tình hình thực hiện kế hoạch nhà nước và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 1984, những biện pháp chỉ đạo thực hiện kế hoạch 6 tháng cuối năm 1984, Ủy ban đã cử một số đoàn đi xem xét tình hình sản xuất, quản lý, vận chuyển than ở Quảng Ninh, tình hình trồng và sản xuất cao su, tình hình xuất nhập khẩu ở Hải Phòng và đã có báo cáo về các vấn đề nói trên.

- Ủy ban pháp luật: đã cử đoàn đi các tỉnh Minh Hải, Tây Ninh để xem xét tình hình thi hành pháp luật như bắt, giam, giữ, tập trung cải tạo.

- Ủy ban văn hoá và giáo dục: đã làm việc với Bộ Văn hóa, Bộ Giáo dục, Cục Điện ảnh, Sở Văn hoá Hà Nội, Hội Văn nghệ Hà Nội về vấn đề quản lý văn hóa, vấn đề thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về cải cách giáo dục; đã cử 3 đoàn đi khảo sát tình hình nói trên ở Thái Bình, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh, An Giang, Đắc Lắc và Gia Lai - Kon Tum.

- Ủy ban khoa học và kỹ thuật: Thường trực Ủy ban làm việc với Bộ Nông nghiệp và Bộ Lâm nghiệp về tình hình ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong sản xuất; đã cử 2 đoàn đi xem xét tình hình nói trên ở Vĩnh Phú, Hoàng Liên Sơn, Sông Bé và Tây Ninh.

- Ủy ban y tế và xã hội: đã cử đoàn đi Lai Châu, Vĩnh Phú, Sơn La, Bến Tre, Cửu Long, Đồng Tháp, Hải Phòng và Hà Nội để xem xét tình hình quản lý thuốc, tổ chức chữa bệnh cho nhân dân; đã làm việc với Bộ Y tế, Viện Y học dân tộc Hà Nội và Ủy ban Quốc gia dân số về tình hình sinh đẻ có kế hoạch, tình hình công tác và sinh hoạt của lao động nữ.

- Ủy ban thanh niên, thiếu niên và nhi đồng: đã làm việc với Bộ Lao động, Tổng cục Dạy nghề, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh về tình hình sử dụng lao động thanh niên; đã cử đoàn đi xem xét tình hình nói trên ở Thành phố Hồ Chí Minh và Long An, Tiền Giang, Tây Ninh.

- Ủy ban đối ngoại: đã họp ba lần để nghe Bộ Ngoại giao báo cáo về tình hình quốc tế và hoạt động đối ngoại của Nhà nước ta.

4. Công tác dân nguyện

Từ sau kỳ họp thứ 7 của Quốc hội đến nay, đã có 2.876 đơn, thư khiếu tố và dân nguyện gửi tới Quốc hội và Hội đồng Nhà nước.

Đơn thư khiếu nại chiếm 60%, tố cáo 25%, còn lại là đơn thư dân nguyện.

Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước đã tiếp 848 lượt người đến khiếu tố và trình bày nguyện vọng.

Qua các đơn, thư khiếu tố, dân nguyện và qua việc tiếp dân, có những vấn đề đáng chú ý sau đây:

- Một số cán bộ lãnh đạo các cơ sở sản xuất đã lợi dụng chức quyền, vi phạm chế độ quản lý vật tư, thông đồng, móc ngoặc để xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa, có vụ đã gây thiệt hại cho Nhà nước hàng chục triệu đồng. Đáng chú ý là trong những người bị tố cáo, có một số là đại biểu Quốc hội và cán bộ cao cấp.

- Hiện tượng vi phạm quyền cơ bản của công dân trong việc bắt, giam giữ, khám nhà, thu giữ tài sản, tập trung cải tạo vẫn xảy ra nghiêm trọng ở nhiều địa phương.

- Hiện tượng trù dập người khiếu nại, tố cáo (với các hình thức: cảnh cáo, chuyển làm việc khác trái ngành, nghề, không bố trí công tác, cho về hưu trước tuổi quy định hoặc cho thôi việc...) vẫn xảy ra phổ biến.

- Nhiều vụ án xét xử thiếu công minh, thiếu quan tâm đến việc điều tra chứng cứ, vi phạm thủ tục tố tụng, để quên hoặc lọt bị cáo, việc thi hành án quá chậm trễ đã gây nên sự bất bình trong nhân dân.

- Nhiều đơn, thư của công nhân, viên chức phản ánh lên Quốc hội, Hội đồng Nhà nước về tình hình đời sống khó khăn đắt đỏ, kiến nghị với Nhà nước cần có những biện pháp kiên quyết, ngăn chặn những hiện tượng tiêu cực phát triển trong xã hội.

5. Việc giám sát và hướng dẫn hoạt động của Hội đồng nhân dân

Trong các tháng 10, 11 và 12 năm 1984, đồng chí Lê Thanh Nghị, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Nhà nước đã đi kiểm tra, xem xét tình hình hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp và việc thi hành pháp luật (bắt, giữ, giam, giáo dục cải tạo) ở Gia Lai - Kon Tum, Nghĩa Bình, Thành phố Hồ Chí Minh, Tây Ninh và Cao Bằng.

Nhìn chung, từ sau khi có Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp, các Ban của Hội đồng nhân dân được đẩy mạnh hơn trước. Các kỳ họp của Hội đồng nhân dân đã tập trung bàn và quyết định những vấn đề kinh tế - xã hội thiết thực đối với địa phương như: công tác phân phối, lưu thông, cải tạo công thương nghiệp tư doanh, quản lý thị trường, công tác y tế, thể dục thể thao và những vấn đề có liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 của Trung ương Đảng.

Đến nay, Hội đồng nhân dân ở nhiều địa phương đã bầu các ban chuyên trách và Ban Thư ký, nhưng còn lúng túng về phương thức hoạt động. Việc bồi dưỡng cho đại biểu Hội đồng nhân dân về những kiến thức cần thiết để làm nhiệm vụ chưa được các địa phương chú ý đúng mức.

III- VẤN ĐỀ ĐẶC XÁ

Nhân dịp Quốc khánh (ngày 2 tháng 9 năm 1984), theo đề nghị của Hội đồng Bộ trưởng, Hội đồng Nhà nước đã quyết định tha và ân giảm cho những phạm nhân có án tù đã cải tạo tốt.

Trong 6 tháng cuối năm 1984, Hội đồng Nhà nước đã xét 48 vụ gồm 53 phạm nhân bị kết án tử hình có đơn xin ân giảm. Hội đồng Nhà nước đã bác đơn của 49 phạm nhân và quyết định ân giảm cho 4 phạm nhân xuống tù chung thân.

IV- CÔNG TÁC ĐỐI NGOẠI

1. Đi thăm nước ngoài

Từ ngày 11 đến ngày 19 tháng 7 năm 1984, Đoàn đại biểu cấp cao của Đảng và Nhà nước do đồng chí Trường Chinh, Uỷ viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước dẫn đầu đi thăm chính thức nước Cộng hòa Nhân dân Mông Cổ.

Từ ngày 2 đến ngày 5 tháng 11 năm 1984, Đoàn đại biểu cấp cao của Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng do Chủ tịch Trường Chinh dẫn đầu đi Ấn Độ dự Lễ tang cố Thủ tướng Inđira Găngđi.

2. Đón tiếp khách nước ngoài

Ta đã đón tiếp 6 đoàn khách nước ngoài sang thăm hữu nghị chính thức nước ta:

- Đoàn đại biểu Đảng và Nhà nước Môdămbích do Chủ tịch Xamôra Maxen dẫn đầu (từ ngày 24 đến ngày 27 tháng 7 năm 1984).

- Đoàn đại biểu Uỷ ban đối ngoại Thụy Điển do ông Xtuarê Kơpốtxi, phó Chủ tịch Uỷ ban dẫn đầu (từ ngày 5 đến ngày 8 tháng 9 năm 1984).

- Đoàn đại biểu Quốc hội Cộng hòa Dân chủ Đức do đồng chí Êríc Muýchkenbécgơ, Uỷ viên Bộ Chính trị Ủy ban Trung ương Đảng Xã hội chủ nghĩa thống nhất Đức, Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa Dân chủ Đức dẫn đầu (từ ngày 22 đến ngày 26 tháng 10 năm 1984).

- Đoàn đại biểu Xô viết tối cao Liên Xô do đồng chí V.I. Đônghích, Uỷ viên dự khuyết Bộ Chính trị, Bí thư Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô dẫn đầu (từ ngày 12 đến ngày 17 tháng 11 năm 1984).

- Đoàn đại biểu Đảng và Nhà nước Hunggari do đồng chí Lôxônxi Pan, Uỷ viên Bộ Chính trị Ủy ban Trung ương Đảng Công nhân xã hội chủ nghĩa Hunggari, Chủ tịch Hội đồng Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Hunggari dẫn đầu (từ ngày 19 đến ngày 23 tháng 11 năm 1984).

- Đoàn đại biểu Quốc hội nước Cộng hòa Nhân dân Ba Lan do đồng chí Dơbigơnhép Ghêrơtúc, Phó Chủ tịch thứ nhất Quốc hội dẫn đầu (từ ngày 20 đến ngày 26 tháng 11 năm 1984).

3. Tiếp nhận đại diện ngoại giao của nước ngoài

Hội đồng Nhà nước đã tiếp và nhận thư uỷ nhiệm của Đại sứ các nước: Cộng hòa Liên bang Đức, Ápganixtan, Daia[1], Angiêri, Hunggari, Miến Điện[2], Thái Lan và Cộng hòa Síp.

4. Hoạt động của Đoàn Việt Nam trong Liên minh Quốc hội

Từ ngày 22 đến ngày 29 tháng 9 năm 1984, Đoàn Việt Nam trong Liên minh Quốc hội do đồng chí Phan Anh, Phó Chủ tịch Quốc hội dẫn đầu đi dự Hội nghị Mùa Thu của Liên minh Quốc hội tại Gơnevơ (Thụy Sĩ).

V- TỔ CHỨC VÀ NHÂN SỰ CỦA NHÀ NƯỚC

1. Về tổ chức

Tại phiên họp ngày 30 tháng 8 năm 1984, theo đề nghị của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Hội đồng Nhà nước đã phê chuẩn việc thành lập Tổng cục Hải quan, cơ quan thuộc Hội đồng Bộ trưởng.

2. Về nhân sự của Hội đồng Bộ trưởng

Tại phiên họp ngày 27 tháng 9 năm 1984, theo đề nghị của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Hội đồng Nhà nước đã cử đồng chí Cù Huy Cận giữ chức Bộ trưởng, đặc trách công tác văn hóa - nghệ thuật tại Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng.

3. Về việc bổ nhiệm Đại sứ

Tại phiên họp ngày 29 tháng 11 năm 1984, theo đề nghị của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Hội đồng Nhà nước đã bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền tại nước Cộng hòa Aixơlen.

4. Về việc cử kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao

Tại phiên họp ngày 27 tháng 9 năm 1984, theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Hội đồng Nhà nước đã quyết định cử 6 kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

5. Về việc cử thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao

Tại phiên họp ngày 29 tháng 11 năm 1984, Hội đồng Nhà nước đã quyết định cử 5 thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

VI- CÔNG TÁC KHEN THƯỞNG

Hội đồng Nhà nước đã quyết định:

- Tặng Huân chương Sao vàng cho Tổng Công đoàn Việt Nam, Thủ đô Hà Nội, Quân đội nhân dân Việt Nam (lần thứ ba) và đồng chí Lôxônxi Pan, Uỷ viên Bộ Chính trị Ủy ban Trung ương Đảng Công nhân xã hội chủ nghĩa Hunggari, Chủ tịch Hội đồng Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Hunggari.

- Tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho 43 cán bộ cao cấp, cán bộ cách mạng lão thành đã có nhiều cống hiến đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc; 5 đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước Liên Xô đã có nhiều đóng góp đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân Việt Nam; 2 đơn vị đã lập nhiều thành tích trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

- Tặng Huân chương Độc lập hạng nhất, hạng nhì, hạng ba cho 153 cán bộ đã có nhiều cống hiến đối với sự nghiệp cách mạng.

- Tặng Huân chương Lao động cho 88 cá nhân, 447 đơn vị đã có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện kế hoạch nhà nước và trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu bảo vệ Tổ quốc; 5 chuyên gia Liên Xô đã có thành tích xuất sắc trong thời gian công tác ở Việt Nam.

- Tặng Huân chương Kháng chiến cho 166.580 người đã có thành tích trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

- Tặng Huân chương Quân công hạng nhất, hạng nhì, hạng ba cho 20.739 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

- Tặng Huân chương Chiến sĩ vẻ vang cho 25.648 cán bộ, chiến sĩ đã có công lao phục vụ trong Quân đội nhân dân.

- Tặng Huân chương Hữu nghị cho 18 cá nhân thuộc các nước xã hội chủ nghĩa đã có công giúp Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

VII- HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI

Đến nay, đã có 27 đoàn (trong số 40 đoàn đại biểu Quốc hội) gửi báo cáo về tình hình hoạt động của đoàn. Qua các báo cáo và qua thực tế tìm hiểu, hoạt động của các đoàn đại biểu Quốc hội trong 6 tháng qua có những điều đáng chú ý:

- Từ sau kỳ họp thứ 7 của Quốc hội (tháng 6-1984), các đoàn đại biểu Quốc hội đều có kế hoạch phân công các đại biểu đi báo cáo với cử tri về nội dung và kết quả của kỳ họp. Một số đoàn đã tranh thủ báo cáo trong các cuộc họp của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh, huyện trước khi xuống cơ sở.

- Nhiều đoàn đại biểu Quốc hội đã phối hợp với các ngành đến thăm hỏi đồng bào gặp nhiều khó khăn do lụt, bão gây ra. Đoàn đại biểu Quốc hội ở tỉnh An Giang đến thăm 13 xã trong 6 huyện bị lụt, phân phát gạo, thuốc men, vải cho 815 hộ, trong đó có các gia đình liệt sĩ, thương binh, gia đình bộ đội... Đoàn Hà Sơn Bình đến thăm nhân dân các dân tộc ở vùng cao tại huyện Đà Bắc. Đoàn Lâm Đồng thăm và tặng quà đồng bào dân tộc ở vùng căn cứ cách mạng (xã Lộc Lâm, Lộc Bắc, huyện Bảo Lộc).

- Thực hiện Quy chế về đại biểu Quốc hội, nhiều đoàn đã khắc phục khó khăn, tạo điều kiện để đại biểu tăng cường hoạt động, xuống sát cơ sở, tiếp xúc rộng rãi với cử tri. Công tác tiếp dân của các đoàn đại biểu Quốc hội đã dần dần đi vào nền nếp. Nhiều đoàn tiếp dân theo lịch đã định, góp phần tích cực vào việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo của công dân. Nhiều đoàn đã cùng với Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố và một số ngành có liên quan tổ chức các buổi họp liên tịch để giải quyết dứt điểm những vụ, việc khiếu tố kéo dài.

*
*       *

Trên đây là những điểm chính về công tác của Hội đồng Nhà nước, Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban thường trực của Quốc hội, hoạt động của các đại biểu Quốc hội trong thời gian từ kỳ họp thứ 7 của Quốc hội đến nay.

Hội đồng Nhà nước xin báo cáo với các đồng chí đại biểu Quốc hội.


 

* Báo cáo này được gửi tới các vị đại biểu Quốc hội, không trực tiếp trình bày trước Quốc hội (BT).

[1]. Nay là Cộng hòa Dân chủ Cônggô (BT).

[2]. Nay là Mianma (BT).

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội