BẢN CHỈ DẪN TÊN NGƯỜI
Ngày 04-7-1981, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa VII đã bầu Luật sư Nguyễn Hữu Thọ giữ chức Chủ tịch Quốc hội và 9 Phó Chủ tịch Quốc hội là các ông, bà: Xuân Thủy, Nghiêm Xuân Yêm, Nguyễn Xiển, Y Một (tức Pah), Huỳnh Cương, Phan Anh, Cầm Ngoan, Hòa thượng Thích Thế Long, Linh mục Võ Thành Trinh.
Quốc hội đã bầu ông Trường Chinh giữ chức Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và bốn Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước là các ông: Nguyễn Hữu Thọ, Lê Thanh Nghị, Chu Huy Mân, Xuân Thủy.
Trong các Tập 2, 5, Văn kiện Quốc hội toàn tập, chúng tôi đã giới thiệu vắn tắt tiểu sử của các ông: Trường Chinh, Nguyễn Hữu Thọ, Xuân Thủy, Nguyễn Xiển. Vì vậy, trong Tập 6 này xin không giới thiệu lại các vị đó, chỉ giới thiệu các ông, bà (xếp thứ tự theo vần A, B, C): Phan Anh, Huỳnh Cương, Thích Thế Long, Chu Huy Mân, Y Một, Lê Thanh Nghị, Cầm Ngoan, Võ Thành Trinh, Nghiêm Xuân Yêm (BT).
PHAN ANH (1912-1990)
Luật sư Phan Anh sinh trưởng trong một gia đình nhà nho ở xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.
Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, ông là Chủ tịch Tổng hội sinh viên Đông Dương và Giáo sư trường Thăng Long (Hà Nội). Sau khi tốt nghiệp khoa Luật, Đại học Đông Dương, ông làm luật sư. Ông đã tham gia phong trào Dân chủ Đông Dương trong những năm 1936 - 1937 và phong trào truyền bá chữ Quốc ngữ, với mục đích đấu tranh cho độc lập dân tộc.
Sau Cách mạng tháng Tám, ông tham gia thành lập Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam (gọi tắt là Liên Việt), 29-5-1945, làm thành viên Ủy ban nghiên cứu kế hoạch kiến thiết quốc gia rồi Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trong Chính phủ liên hiệp kháng chiến và Tổng thư ký phái đoàn Chính phủ đi dự Hội nghị Phôngtennơblô (Pháp) từ ngày 06-7 đến ngày 10-9-1945.
Từ năm 1947 đến năm 1976, ông liên tục giữ các chức vụ: Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Bộ trưởng Bộ Công thương, Bộ trưởng Bộ Thương nghiệp, Bộ trưởng Bộ Ngoại thương. Từ năm 1945 đến năm 1990, ông liên tục là Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Tại Đại hội lần thứ I (tháng 02-1977) và lần thứ II (tháng 5-1983) Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ông được cử làm Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Tháng 11-1988, tại Đại hội lần thứ III Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ông được bầu làm Phó Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Luật sư Phan Anh liên tục là đại biểu Quốc hội 7 khóa (từ khóa II đến khóa VIII). Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa VII (tháng 7-1981), ông được bầu làm Phó Chủ tịch Quốc hội. Ông là người sáng lập Hội Luật gia Việt Nam (1955) và từ đó đến năm 1990, liên tục được bầu làm Chủ tịch Hội, đồng thời tham gia Thường vụ Hội Luật gia Dân chủ quốc tế.
Từ năm 1976 đến năm 1986, ông là Chủ tịch Uỷ ban Bảo vệ hòa bình thế giới của Việt Nam. Từ năm 1978 đến năm 1990, là Phó Chủ tịch Hội đồng Hòa bình thế giới. Ông còn là Chủ tịch nhóm nghị sĩ Việt Nam trong Tổ chức Liên minh Quốc hội thế giới (IPU).
Do có nhiều cống hiến cho Tổ quốc và nhân dân, luật sư Phan Anh đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng nhất, Huân chương Kháng chiến hạng nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng nhất và nhiều huân chương, huy chương, kỷ niệm chương cao quý khác của nước ta, của Liên hợp quốc, Hội đồng Hòa bình thế giới và Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết.
HUỲNH CƯƠNG (1925-1997)
Ông xuất thân trong một gia đình nông dân, thuộc tầng lớp trí thức, dân tộc Khơme, ở xã Vĩnh Phước, huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng. Ông đã sớm giác ngộ cách mạng. Từ năm 1953, ông tham gia tổ chức xây dựng cơ sở cách mạng trong hàng ngũ học sinh, giáo viên, sư sãi và đồng bào ở huyện Vĩnh Châu và thị xã Sóc Trăng.
Từ năm 1960 đến năm 1968, ông là Uỷ viên Uỷ ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng khu Tây Nam bộ và miền Nam Việt Nam, Tháng 11-1967 ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.
Từ năm 1968 đến năm 1975, ông là Uỷ viên Hội đồng Cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng khu Tây Nam bộ.
Ông liên tục được bầu là đại biểu Quốc hội các khóa VI, VII, VIII, IX; Uỷ viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Uỷ viên Uỷ ban dân tộc của Quốc hội khóa VI; Phó Chủ tịch Quốc hội các khóa VII, VIII; Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội khóa IX.
Từ năm 1976 đến năm 1991, ông là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hậu Giang, Uỷ viên Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tỉnh Uỷ viên, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Hậu Giang.
Từ năm 1991 đến năm 1997, ông đã lần lượt giữ các chức vụ: Uỷ viên Trung ương Đảng khóa VII, Phó Trưởng Ban Dân tộc Trung ương, Uỷ viên Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trưởng Phân ban Dân tộc Trung ương Nam bộ, Trưởng cơ quan đại diện Uỷ ban dân tộc và miền núi đặc trách về công tác Khơme Nam bộ…
Ông đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng nhì, Huân chương Quyết thắng hạng nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng nhất, Huân chương Giải phóng hạng nhì…
HÒA THƯỢNG THÍCH THẾ LONG (1909-1985)
Hòa thượng bí danh là Phạm Thế Long, xuất thân trong một gia đình nhà Nho thanh bạch tại xã Hải Anh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định.
Năm 1915, Hòa thượng xuất gia đầu sư và đắc pháp với Hòa thượng Thích Quang Tuyên tại chùa Cổ Lễ (Nam Định).
Là nhà tu hành chân chính, giàu lòng yêu nước, Hòa thượng đã tích cực tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1945 và được tín nhiệm cử giữ nhiều chức vụ: Phó Chủ nhiệm Tỉnh bộ Việt Minh tỉnh Nam Định (1945), Phó Chủ tịch Phật giáo cứu quốc tỉnh Nam Định (1947), Phó Chủ tịch Mặt trận Liên Việt tỉnh Nam Định, Uỷ viên Mặt trận Liên Việt Liên khu 3, Uỷ viên Mặt trận Liên Việt toàn quốc (1951).
Từ năm 1976 đến năm 1980, là Phó Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hà Nam Ninh (cũ) và là đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh trong nhiều khóa.
Từ năm 1972 đến khi Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam được thành lập, Hòa thượng là Phó Hội trưởng kiêm Tổng thư ký Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam, Phó Trưởng Ban vận động Thống nhất Phật giáo Việt Nam. Tại Hội nghị Thống nhất Phật giáo Việt Nam thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (tháng 11-1981), Hòa thượng được cử giữ chức vụ Thường trực Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Hòa thượng được cử tham gia phái đoàn của nhân dân Việt Nam đi dự Đại hội hòa bình châu Á và Thái Bình Dương, Đại hội nhân dân thế giới bảo vệ hòa bình. Với tư cách là đại diện của Phật giáo Việt Nam, Hòa thượng đã tích cực tham gia vận động xây dựng tổ chức Phật giáo châu Á vì hòa bình và được cử giữ chức vụ Phó Chủ tịch của tổ chức này.
Hòa thượng là đại biểu Quốc hội các khóa VI, VII. Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa VII (ngày 04-7-1981), Hòa thượng được bầu làm Phó Chủ tịch Quốc hội.
Trong suốt cuộc đời của mình, Hòa thượng đã cống hiến cho đạo pháp và dân tộc. Hòa thượng đã được Nhà nước ta tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng nhì, Huân chương Kháng chiến hạng 3 và nhiều Bằng khen của Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Hòa thượng còn được Tổ chức Phật giáo châu Á vì hòa bình tặng Huân chương Hòa bình.
CHU HUY MÂN (1913-2006)
Đại tướng Chu Huy Mân tên khai sinh là Chu Văn Điều. Quê quán xã Yên Lưu, tổng Yên Trường, phủ Hưng Nguyên, nay là xã Hưng Hòa, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Ông tham gia cách mạng từ năm 1929, gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930. Từ năm 1937 đến năm 1940, ông bị thực dân Pháp bắt giam nhiều lần ở nhà lao Vinh rồi đưa đi giam ở các nhà lao Đắc Lay, Đắc Tô (Kon Tum). Đầu năm 1943, ông vượt ngục, tiếp tục hoạt động cách mạng, tham gia Ban Việt Minh tỉnh và Tỉnh ủy Quảng Nam, sau đó làm Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam.
Sau khi giành được chính quyền năm 1945, ông được Đảng phân công vào công tác trong quân đội, lần lượt giữ các chức vụ: Chính trị viên Tỉnh đội Quảng Nam, Chủ tịch Uỷ ban Quân chính khu C, gồm 4 tỉnh Bắc Trung bộ.
Cuối năm 1946, ông làm Trưởng Ban kiểm tra Đảng, Quân khu Uỷ viên khu Việt Bắc. Từ năm 1947 đến năm 1949, là Trung đoàn trưởng, Chính ủy một số trung đoàn. Tháng 5-1951, làm Phó Chính ủy, sau đó làm Chính ủy Đại đoàn, Bí thư Đảng ủy Đại đoàn 316. Tháng 8-1954, là Đoàn trưởng, Bí thư Đảng ủy Đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào. Năm 1957, là Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Quân khu 4. Năm 1958, là Bí thư Khu ủy, Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Quân khu Tây Bắc.
Cuối năm 1959 đến năm 1960, ông được Trung ương cử sang giúp cách mạng Lào, giữ các chức vụ: Đoàn trưởng, Bí thư Đảng ủy Đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào.
Năm 1961, ông được Trung ương Đảng điều vào chiến trường Quân khu 5 và giữ các chức vụ: Phó Bí thư Khu ủy rồi Chính ủy, Bí thư Quân Khu ủy Quân khu 5.
Tháng 8-1965, là Tư lệnh kiêm Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Mặt trận B3 - Tây Nguyên. Năm 1967, là Phó Bí thư Khu ủy, Tư lệnh, Phó Chính ủy, Phó Bí thư Quân khu ủy khu 5 rồi Tư lệnh kiêm Chính ủy, Bí thư Quân Khu ủy khu 5.
Tháng 3-1977, ông giữ chức Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Phó Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương, Trưởng Ban kiểm tra Đảng ủy Quân sự Trung ương.
Ông đã được phong quân hàm Thiếu tướng (1958), vượt cấp từ Thiếu tướng lên Thượng tướng (1974), Đại tướng (1980).
Tại Đại hội lần thứ III của Đảng (1960) ông được bầu là Uỷ viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tại các Đại hội lần thứ IV (1976), lần thứ V (1982) của Đảng, ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được Trung ương bầu vào Bộ Chính trị.
Ông là đại biểu Quốc hội các khóa II, VI, VII; được Quốc hội khóa VII bầu làm Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước.
Ông đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều Huân chương, Huy chương cao quý khác của Nhà nước ta và các nước bạn.
Y MỘT (1939-2004)
Tên khai sinh của bà là Y Pah, dân tộc Giẻ Triêng, quê quán làng Ri Mek, xã Đắc Môn, huyện Đắc Glei, tỉnh Kon Tum. Bà tham gia hoạt động cách mạng từ khi mới 16 tuổi, được kết nạp Đảng tháng 8-1957. Hơn 40 năm hoạt động liên tục, nhất là trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà và xây dựng Tổ quốc, bà đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng, tín nhiệm giao nhiều trọng trách.
Tại Đại hội Đảng lần thứ IV (1976), bà được bầu là Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng và tại Đại hội lần thứ V (1982), được bầu làm Uỷ viên Trung ương Đảng. Bà đã đảm nhiệm các chức vụ như Phó Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ nhiệm Uỷ ban kiểm tra Tỉnh ủy Gia Lai - Kon Tum, Hội phó Hội Phụ nữ Quân khu 5, Hội trưởng Hội Phụ nữ tỉnh Gia Lai - Kon Tum, Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.
Bà được bầu là đại biểu Quốc hội các khóa VII, VIII, Phó Chủ tịch Quốc hội khóa VII (1981-1987), Uỷ viên Hội đồng dân tộc của Quốc hội khóa VIII (1987-1991). Từ năm 1987 đến tháng 10-1996, bà lần lượt giữ các chức: Uỷ viên thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy Đắc Glei, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy, kiêm Trưởng ban Bảo vệ chính trị nội bộ Tỉnh ủy Gia Lai - Kon Tum.
Bà Y Một đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng nhất, Huân chương Quyết thắng hạng nhất và nhiều huân chương, huy chương cao quý khác.
LÊ THANH NGHỊ (1911-1989)
Tên thật là Nguyễn Khắc Xướng, quê quán làng Thượng Cốc, xã Gia Khánh, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương.
Từ năm 1928, ông giác ngộ cách mạng và tham gia phong trào công nhân ở các mỏ than Vàng Danh, Cọc 5 và Hòn Gai (Quảng Ninh), gia nhập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Năm 1930, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.
Tháng 5-1930, ông bị thực dân Pháp bắt và bị chúng kết án tù chung thân đày đi Côn Đảo.
Giữa năm 1936, ông ra tù trở về hoạt động cách mạng trong phong trào công nhân xây dựng các hội ái hữu nghiệp đoàn, tổ chức cơ sở Đảng và tham gia Thành ủy Hà Nội.
Cuối năm 1937, ông được cử về hoạt động cách mạng ở tỉnh Hải Dương. Giữa năm 1939, ông tham gia Ban liên tỉnh ủy B và sau đó về công tác ở Xứ ủy Bắc kỳ.
Đầu năm 1940, ông bị thực dân Pháp bắt lần thứ hai, kết án 5 năm tù, đày đi Sơn La.
Đầu năm 1945, ông ra tù, trở về Hà Nội, được Đảng chỉ định tham gia Thường vụ Xứ ủy Bắc kỳ. Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (ngày 09-3-1945), ông được phân công chỉ đạo phong trào cách mạng ở chiến khu Hoàng Hoa Thám và được cử vào Uỷ ban Quân sự Bắc kỳ phụ trách Chiến khu 2.
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, ông là Xứ ủy viên Xứ ủy Bắc kỳ phụ trách miền duyên hải. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 - 1954), ông là một trong những người lãnh đạo chủ chốt của phong trào kháng chiến ở Liên khu 3. Giữa năm 1946, ông tham gia Thường vụ Xứ ủy Bắc kỳ; tháng 12-1946 là Bí thư Khu ủy 3 và Chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến khu 3. Đầu năm 1948, ông được giữ chức Phó Bí thư Liên khu ủy 3, cuối năm giữ chức Chánh Văn phòng Trung ương Đảng.
Năm 1951, tại Đại hội lần thứ II của Đảng, ông được bầu là Uỷ viên Trung ương Đảng và trực tiếp làm Bí thư Liên khu ủy kiêm Chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến hành chính và Chính ủy Bộ Tư lệnh Liên khu 3. Năm 1953-1954, ông kiêm giữ chức Bí thư Thành ủy Hà Nội.
Năm 1955, ông giữ chức Bộ trưởng Bộ Công nghiệp. Tháng 10-1956, ông được Trung ương cử vào Bộ Chính trị.
Năm 1960, tại Đại hội lần thứ III của Đảng, ông được bầu là Uỷ viên Trung ương Đảng, Uỷ viên Bộ Chính trị, sau đó, được cử làm Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Chủ nhiệm Văn phòng Công nghiệp Phủ Thủ tướng; năm 1967, được phân công kiêm Trưởng Ban Công nghiệp Trung ương Đảng.
Từ năm 1974 đến năm 1980, ông giữ chức Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước.
Tháng 12-1976, tại Đại hội lần thứ IV của Đảng, ông được bầu làm Uỷ viên Trung ương Đảng, Uỷ viên Bộ Chính trị. Đầu năm 1980 làm Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng. Tháng 7-1981, ông được Quốc hội khóa VII bầu làm Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước.
Từ tháng 3-1982 đến tháng 12-1986, ông là Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Nhà nước.
Ông Lê Thanh Nghị là đại biểu Quốc hội liên tục 6 khóa (từ khóa II đến khóa VII).
Do có nhiều công lao, thành tích đối với cách mạng và đất nước, ông đã được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng - Huân chương cao quý nhất của Đảng và Nhà nước ta.
CẦM NGOAN (1922-2007)
Ông Cầm Ngoan (tức Cầm Văn Chương, bí danh Cầm Mương), quê quán bản Búa Thượng, xã Tường Phú, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La; tham gia cách mạng từ tháng 3-1945, vào Đảng năm 1947.
Từ tháng 8-1945 đến năm 1947, ông là cán bộ Việt Minh, tổ chức các hội cứu quốc ở xã, được bầu làm Bí thư Thanh niên cứu quốc xã, Phó ban Việt Minh xã và đại biểu Hội đồng nhân dân xã Tường Phú, huyện Phù Yên.
Từ tháng 5-1947 đến tháng 7-1949, ông là Bí thư chi bộ liên xã Tường Phú và Tường Gia Phú, huyện Phù Yên. Từ tháng 7-1949 đến tháng 3-1952, ông tham gia Thường vụ Huyện ủy Phù Yên, Chính trị viên trưởng Huyện đội và Đại đội bộ đội địa phương huyện, phụ trách quân sự địch hậu. Trong sáu tháng cuối năm 1950, ông nhận nhiệm vụ kiêm Đội trưởng Đội vũ trang 99; đầu năm 1951, là Trưởng ban cán sự huyện Yên Châu. Từ tháng 4-1952 đến tháng 7-1956, ông giữ chức Bí thư Huyện ủy Mộc Châu.
Từ tháng 7-1956 đến tháng 01-1960, ông giữ chức Phó Chủ nhiệm Công ty lương thực khu tự trị Tây Bắc, Chủ nhiệm Công ty mậu dịch khu; Phó Giám đốc rồi Giám đốc Sở Công thương mậu dịch khu, Khu Uỷ viên Khu ủy Tây Bắc, Phó Chủ tịch thường trực Uỷ ban hành chính Khu tự trị Tây Bắc.
Từ tháng 01-1963 đến cuối năm 1975, ông là Khu ủy viên, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Uỷ ban hành chính tỉnh Nghĩa Lộ, Uỷ viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội và Uỷ viên Uỷ ban kế hoạch và ngân sách của Quốc hội khóa VI (1976-1981).
Từ năm 1976 đến cuối năm 1984, ông giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Sơn La; Uỷ viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội và Phó Chủ tịch Quốc hội khóa VII (1981-1987).
Từ năm 1985 đến cuối năm 1989, ông lần lượt đảm nhiệm các chức vụ: Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc của Chính phủ, Phó Trưởng Ban trù bị Đại hội Hội liên hiệp Nông dân tập thể Việt Nam, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.
Từ năm 1989 đến năm 1994, là Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam.
Ông liên tục là đại biểu Quốc hội năm khóa (III, IV, V, VI, VII). Ông đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng nhì, Huân chương Kháng chiến hạng nhất và nhiều huân, huy chương cao quý khác.
LINH MỤC VÕ THÀNH TRINH (1916-1991)
Linh mục sinh trưởng trong một gia đình công giáo tại họ đạo Cái Đôi, xã Hòa Bình, huyện Chợ Mới, tỉnh Long Xuyên (nay là tỉnh An Giang).
Ông đã theo học tại Tiểu chủng viện Cù Lao Giêng (An Giang) và Đại chủng viện Xuân Bích (Hà Nội).
Ông sớm hưởng ứng và tham gia phong trào Việt Minh từ những ngày đầu Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Tháng 09-1946, ông được phong linh mục tại Cần Thơ. Từ tháng 10-1946, là Phó xứ ở các họ đạo Hòn Chông, Rẫy Mới, Rạch Đông (tỉnh Hà Tiên). Từ tháng 01-1952, ông phụ trách các nhà thờ Huyện Sử, Tân Lộc, Cái Rắn, Cái Cấm thuộc vùng căn cứ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược tại tỉnh Bạc Liêu, làm Hội trưởng Hội Công giáo kháng chiến và Cố vấn Uỷ ban Kháng chiến hành chính tỉnh Hà Tiên, Hội trưởng Hội Công giáo kháng chiến và Phó Chủ tịch Mặt trận Việt Minh - Liên Việt tỉnh Bạc Liêu.
Năm 1954, linh mục phụ trách các xứ đạo Hòn Gai, Cẩm Phả, Cửa Ông (tỉnh Quảng Ninh), đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban liên lạc Công giáo tỉnh Quảng Ninh và Uỷ viên thường trực Uỷ ban liên lạc Toàn quốc những người Công giáo Việt Nam yêu Tổ quốc, yêu hòa bình.
Linh mục là đại biểu Quốc hội liên tục các khóa V, VI, VII, VIII; Uỷ viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội các khóa V, VI; Phó Chủ tịch Quốc hội khóa VII; Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Chủ tịch Uỷ ban đoàn kết Công giáo yêu nước Việt Nam kiêm Chủ tịch Uỷ ban đoàn kết Công giáo Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Tổ chức Kitô giáo thế giới vì hòa bình (CPC).
Ông là một vị linh mục yêu nước tiêu biểu, được Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc trao tặng nhiều huân, huy chương cao quý như: Huân chương Độc lập hạng nhất, Huân chương Kháng chiến hạng nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng nhất, Huy chương “Vì sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc”.
NGHIÊM XUÂN YÊM (1913-2001)
Quê quán làng Tây Mỗ, xã Hữu Hưng, huyện Hoài Đức tỉnh Hà Đông, nay là xã Tây Mỗ, huyện Từ Liêm, Hà Nội.
Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, ông học Trường cao đẳng Nông, Lâm Hà Nội. Tốt nghiệp kỹ sư nông học nhưng ông không chịu ra làm việc với thực dân Pháp mà đi dạy học. Ông tham gia phong trào Việt Minh và vào Đảng Dân chủ Việt Nam, từ tháng 6 - 1944.
Năm 1946, ông công tác tại Bộ Canh nông, chịu trách nhiệm tổ chức các cơ quan canh nông tại khu 1 ở Chiến khu Việt Bắc. Ông đã giữ các chức vụ: Thứ trưởng Bộ Canh nông (1947 -1953), Bộ trưởng Bộ Nông, Lâm (1953 - 1963), Bộ trưởng Bộ Nông trường (1963 - 1971), Bộ trưởng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Nông nghiệp Trung ương (1971 - 1975), Bộ trưởng phụ trách khoa học, kỹ thuật nông nghiệp (1976 - 1981).
Ông là Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Dân chủ Việt Nam (1950-1958), Tổng Thư ký Đảng Dân chủ Việt Nam (từ giữa năm 1958 đến năm 1988), đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ông là đại biểu Quốc hội liên tục trong 7 khóa (từ khóa II đến khóa VIII).
Từ năm 1981 đến năm 1987, ông là Phó Chủ tịch Quốc hội khóa VII, Uỷ viên Đoàn Chủ tịch, sau đó là Uỷ viên danh dự Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1983 - 1994 ).
Ông đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Kháng chiến hạng nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng nhất, v.v..