DÂN CHỦ - TỪ MỘT KỲ HỌP
Khánh Vân
Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá XI diễn ra từ ngày 19/7 đến 12/8/2002, vấn đề dân chủ trong sinh hoạt của Quốc hội nhiệm kỳ này được dư luận rất quan tâm.
Số đại biểu: Quan hệ lượng và chất
Điều mà ai cũng thấy ngay tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khoá XI là: So với các nhiệm kỳ Quốc hội gần đây, số đại biểu Quốc hội khoá XI đã được tăng lên (498 đại biểu, so với khoá X là 450 đại biểu, khoá IX là 395 đại biểu). Số thành viên của các cơ quan của Quốc hội cũng tăng lên so với các khoá trước, vượt ra ngoài số dự kiến ban đầu đã được trù liệu trước kỳ họp của các Thường trực Uỷ ban của Quốc hội khoá X. Trong bài viết này, chúng tôi muốn nhìn nhận việc tăng số đại biểu dưới góc độ là biểu hiện của phát triển dân chủ Quốc hội như sau:
- Thứ nhất, việc tăng số đại biểu Quốc hội nói chung và số đại biểu chuyên trách nói riêng trong bối cảnh mà Đảng, Nhà nước ta đang chủ trương tinh giản biên chế thể hiện quan điểm của Đảng và Nhà nước ta: đề cao vai trò của Quốc hội. Đề cao vai trò của Quốc hội - thiết chế biểu hiện dân chủ đại diện của nhân dân cũng có nghĩa là đề cao dân chủ của nhân dân, thể hiện quan điểm của Đảng và Nhà nước ta coi trọng và khuyến khích phát huy dân chủ của nhân dân. Đây là một minh hoạ rõ ràng cho chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa “của dân, do dân, vì dân” đang hiện thực hoá trong đời sống chính trị ở nước ta?
- Thứ hai, việc tăng số đại biểu Quốc hội nói chung và tăng số đại biểu chuyên trách nói riêng thực sự là một trong những lời giải cho “bài toán hóc” về năng lực thực hiện chức năng, nhiệm vụ mà nhiều nhiệm kỳ Quốc hội vừa qua chúng ta chưa tìm ra “lời giải”. Có lẽ còn có nhiều việc khác cần phải làm, nhưng rõ ràng, số đại biểu tăng lên, nhất là số đại biểu chuyên trách tăng lên sẽ tạo điều kiện về “nhân lực” giúp Quốc hội, các Uỷ ban của Quốc hội thực hiện số lượng nhiệm vụ rất nặng nề còn đang “nợ” đối với nhân dân cũng như số nhiệm vụ đang ngày càng phát sinh nhiều hơn. Quốc hội - thiết chế dân chủ của nhân dân như vậy đã được tăng cường thực lực để thực hiện vai trò dân chủ đại diện cực kỳ quan trọng của mình.
- Thứ ba, việc tăng số đại biểu Quốc hội đồng thời với việc đa dạng hơn cơ cấu thành phần đại biểu. Có nhiều hơn những nhóm lợi ích, các tầng lớp hay cộng đồng dân cư trong xã hội đã có được đại diện để nói lên tiếng nói của mình trên diễn đàn Quốc hội. Điều này không chỉ làm cho thành phần đại biểu Quốc hội phong phú hơn, rộng rãi hơn - một biểu hiện về mặt hình thức của dân chủ mà tiếng nói và ý chí của tập thể đại biểu Quốc hội - biểu hiện về mặt bản chất của dân chủ cũng sâu sắc hơn. Như vậy, “lượng” tăng, hy vọng sẽ kéo theo “chất” tăng, chất lượng hoạt động của Quốc hội sẽ được nâng cao hơn.
Trên nghị trường
Từ phía đại biểu
Những ai quan tâm theo dõi hoạt động Quốc hội một cách thường xuyên từ trước đến nay hẳn nhận ra một điều: không khí sinh hoạt Quốc hội tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá XI cởi mở hơn, thẳng thắn hơn các. Và, sự khác biệt này càng rõ hơn nếu so với những kỳ họp thứ nhất của các khoá Quốc hội trước đó - kỳ họp mà quan niệm truyền thống (xuất phát từ thực tiễn) từ trước đến nay ở nước ta, đây chỉ là dịp để đại biểu Quốc hội “làm quen” với Hội trường Ba Đình, “làm quen” với vai trò mới của mình - thậm chí là “làm quen” với mấy cái “nút bấm” trên bàn làm việc sao cho khi sử dụng để biểu quyết không bị “nhầm”. Thế mà, ngay từ phiên thảo luận đầu tiên tại Hội trường (về số lượng thành viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội), hầu hết trong số các đại biểu phát biểu một cách rất thẳng thắn, thậm chí khác với quan điểm của Uỷ ban thường vụ Quốc hội khoá X lại là các đại biểu lần đầu tiên có mặt tại Nghị trường. Đó là một dấu hiệu cho thấy rằng Quốc hội khoá này sẽ hoạt động dân chủ hơn, như ý kiến mà nhiều người theo dõi phiên họp này nhận xét.
Phía kia: Chủ toạ điều hành
Chưa bao giờ, trong quá trình điều hành phiên họp Quốc hội, chủ toạ lại nhắc đến hai từ “dân chủ” nhiều như tại kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khoá XI này. Chủ tịch tái cử Nguyễn Văn An có lẽ cũng cảm nhận và đồng cảm với suy nghĩ chung của các đại biểu, nhất là với những điều chưa hài lòng về không khí dân chủ. Câu nói giản dị mà chân thành của Chủ tịch Quốc hội, đồng thời cũng là Uỷ viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương của Đảng: “những ý kiến, mong muốn của đại biểu là xác đáng”[1] đã thể hiện sự gắn kết không chỉ của tập thể Quốc hội, mà còn thể hiện sự gắn kết giữa Đảng với Quốc hội trong một ước nguyện chung về dân chủ. Đây sẽ là tiền đề để hoạt động Quốc hội trong thời gian tới sẽ dân chủ hơn, hiệu quả hơn, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân và yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Những điều cần nói thêm
Tuy nhiên, bên cạnh những nét mới về dân chủ của Quốc hội khoá XI, trong các phiên họp vừa qua, vẫn có ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, cách làm việc của chúng ta còn chưa thật dân chủ như mong muốn. Rồi, trong những phiên họp bàn về cơ cấu tổ chức của Chính phủ, một số đại biểu băn khoăn: vì sao có những việc có tới gần 30% đại biểu không đồng ý mà lại không được Chính phủ giải trình, xem xét. Phải chăng ở đây có biểu hiện chưa dân chủ?[2]
Một vấn đề nữa cũng ảnh hưởng không nhỏ tới dân chủ trên nghị trường. Đó là việc thông tin cho các đại biểu. Theo một số đánh giá của đại biểu thì việc thông tin tới đại biểu kỳ họp này cần được xem lại. Có quá ít, thậm chí quá sơ lược những thông tin quan trọng lẽ ra phải có để giúp cho việc xem xét, bầu những người giữ trọng trách quan trọng của Nhà nước, dẫn đến tình trạng “đại biểu địa phương không biết hết trình độ năng lực và hoạt động của nhân sự được giới thiệu”[3] như đại biểu Nguyễn Đức Dũng nhận xét. Bên cạnh đó, thời gian và thời điểm cung cấp những thông tin vốn đã ít ỏi cho các đại biểu về các vấn đề thảo luận lại quá gấp. Do vậy, đại biểu không có thời gian nghiên cứu, xem xét, chọn lựa kỹ càng, dẫn đến tình trạng hiểu mơ hồ về một số vấn đề. Và như vậy, vô hình trung đã làm giảm tính dân chủ trong chọn lựa của đại biểu.
Không những thế, theo các đại biểu, Quốc hội kỳ này bố trí quá ít thời gian cho thảo luận tại hội trường. Các đại biểu cho rằng, thảo luận ở Đoàn đại biểu Quốc hội cũng tốt song điều đó làm phân tán ý kiến của các đại biểu. Ông Nguyễn Lân Dũng yêu cầu: “nên tận dụng trí tuệ của gần 500 đại biểu”[4] vì nếu các đại biểu nghe được ý kiến của nhau sẽ giúp dẫn đến cái nhìn chung nhất và hợp lý cho từng việc. Hơn nữa, nếu chỉ sử dụng ý kiến thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu không đưa được những lý lẽ của mình, mà ý kiến chỉ được thể hiện thông qua những con số tổng hợp của Đoàn thư ký kỳ họp, và như vậy “chưa thể hiện được tính dân chủ”[5], như đại biểu Tôn Nữ Thị Ninh nhận xét. Ngoài ra, do thời gian bố trí cho thảo luận tại phiên họp toàn thể quá ít nên nhiều đại biểu không có cơ hội được phát biểu hoặc phát biểu kỹ hơn. Cũng theo bà Tôn Nữ Thị Ninh, nên chăng, “Quốc hội dành thêm một chút thì giờ để kỳ họp có sự đồng tâm, đồng ý”. Dân chủ là đại biểu phải được tham gia góp ý kiến một cách bình đẳng bằng tiếng nói của mình. Như đồng chí Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An cũng đồng ý tại phiên họp bàn nhân sự:“phải lắng nghe ý kiến của người khác, ý ta thì như vậy nhưng ý của người khác thì như thế nào?”.
Việc gửi phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội cũng là một biểu hiện của tính dân chủ trong họat động của kỳ họp. Nhưng phiếu xin ý kiến lại không có mục ghi lý do tại sao lựa chọn. Điều đó dẫn đến việc đại biểu không bày tỏ được lý lẽ của mình tại sao lại đồng ý hay phản đối về một vấn đề nào đó cần thảo luận, biểu quyết. Một số đại biểu còn đề nghị không nên đưa phiếu thăm dò ý kiến khi chưa tiến hành việc thảo luận, giải trình để tránh một sự gò ép không đáng có.
Như vậy, có thể nói: dân chủ là vấn đề luôn giành được nhiều sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và của các đại biểu Quốc hội. Đôi khi chỉ là những biểu hiện tưởng như nhỏ nhặt nhưng nó cũng tác động không nhỏ tới hiệu quả của những quyết định quan trọng và sẽ tạo được niềm tin của nhân dân cũng như sự đóng góp lớn hơn của các đại biểu Quốc hội. Dân chủ là một trong những yếu tố quan trọng góp phần tạo nên thành công cho Quốc hội. Có dân chủ mới có sự đồng tình nhất trí của nhân dân mà đại biểu Quốc hội là đại diện tiêu biểu nhất nói lên tiếng nói của khối đại đoàn kết ấy. Có dân chủ trong hoạt động tại Quốc hội thì mới có được những ý kiến đóng góp xác đáng, quý báu cho sự phát triển của đất nước trong xu thế phát triển chung của thời đại. Tại kỳ họp này, vấn đề dân chủ đã được quan tâm và coi trọng, song vẫn còn những hạn chế cần phải tiếp tục khắc phục. Hy vọng rằng, không chỉ sau mỗi nhiệm kỳ mà, ngay sau mỗi kỳ họp, sau mỗi phiên họp, không khí làm việc của Quốc hội sẽ cởi mở và thẳng thắn hơn.
[1] Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An phát biểu trong phiên họp toàn thể ngày 23/7/2002.
[2] Trích báo cáo tổng hợp kết quả trao đổi ở Đoàn đại biểu Quốc hội ngày 5/8/2002.
[3] Trao đổi ở Hội trường về vấn đề nhân sự ngày 23/7/2002.
[4] Phát biểu tại phiên thảo luận tại Hội trường ngày 5/8/2002.
[5] Trao đổi ở Hội trường về vấn đề nhân sự ngày 23/7/2002.