QUỐC HỘI VIỆT NAM NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN


MỘT SỐ YẾU TỐ TÁC ĐỘNG TỚI HIỆU QUẢ
HOẠT ĐỘNG
CỦA ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI
[*]

Đặng Đình Luyến

                                                                            Phó Vụ trưởngởng Vụ Pháp luật,

                                                                                    Văn phòng Quốc hội

 

Hiệu quả hoạt động của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) là một phần quan trọng trong hiệu quả hoạt động chung của Quốc hội. Hiệu quả hoạt động của ĐBQH thể hiện qua kết quả hoạt động tại kỳ họp Quốc hội, tại các cơ quan của Quốc hội (mà ĐBQH là thành viên) và kết quả các hoạt động khác trong thời gian giữa hai kỳ họp. Hiệu quả hoạt động đó phụ thuộc vào các yếu tố sau: năng lực và trình độ của ĐBQH; các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của ĐBQH; sự tham gia của các ĐBQH đối với hoạt động của Quốc hội; sự quan tâm, đánh giá của cử tri đối với hoạt động của ĐBQH và các điều kiện bảo đảm cho hoạt động của ĐBQH.

1. Năng lực, trình độ của ĐBQH

Để góp phần bảo đảm Quốc hội thực sự là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn do Hiến pháp và pháp luật quy định, ngoài các tiêu chuẩn về phẩm chất, đạo đức thì ĐBQH cần phải có trình độ, năng lực để thực hiện nhiệm vụ, tham gia quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Có thể nói, năng lực và trình độ là một trong những tiêu chuẩn rất quan trọng của ĐBQH, là khả năng nhận thức, phân tích, đánh giá và thể hiện quan điểm, chính kiến của mình về vấn đề nhất định. ĐBQH có trình độ và năng lực thì mới có thể tham gia thảo luận tại phiên họp toàn thể, tại Tổ ĐBQH, tại Đoàn ĐBQH để góp ý kiến có chất lượng của mình vào các dự án luật, các báo cáo, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội, tham gia quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. ĐBQH có trình độ, năng lực thì khi tiếp xúc cử tri mới có khả năng trình bày, báo cáo đầy đủ, chính xác những nội dung kỳ họp Quốc hội với cử tri; trả lời những yêu cầu, vấn đề mà cử tri quan tâm nêu ra hoặc tổng hợp ý kiến của cử tri để phản ánh với Quốc hội; tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đúng Hiến pháp và pháp luật... Vì vậy, trong những lần bầu cử ĐBQH vừa qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm nâng cao chất lượng, tiêu chuẩn của người đại biểu nhân dân; lựa chọn, giới thiệu để nhân dân bầu ra đại biểu của mình là những người không chỉ có phẩm chất, đạo đức cách mạng mà còn phải có trình độ học vấn cao, có năng lực thực hiện nhiệm vụ ĐBQH.

2. Các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của ĐBQH

Những quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của ĐBQH có mối quan hệ với nhau, tạo cơ sở pháp lý để ĐBQH thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Theo quy định của pháp luật, ĐBQH có một số nhiệm vụ, quyền hạn cơ bản sau:

- ĐBQH phải thường xuyên liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, biết gắn hoạt động của mình với sản xuất, công tác và hoạt động của quần chúng. Qua đó, ĐBQH phản ánh được ý chí, nguyện vọng của nhân dân một cách trung thực, đầy đủ, chính xác; đồng thời góp phần vào việc xây dựng, ban hành các đạo luật, nghị quyết của Quốc hội có chất lượng và tính khả thi cao, được đông đảo nhân dân đồng tình và tự nguyện thực hiện.

- ĐBQH phải gương mẫu trong việc chấp hành Hiến pháp và pháp luật, có cuộc sống lành mạnh và tôn trọng các quy tắc sinh hoạt công cộng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, góp phần phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Bằng những hành động gương mẫu của mình thực hiện tốt trách nhiệm nêu trên, các ĐBQH đã làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, động viên nhân dân chấp hành pháp luật và tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội.

- ĐBQH có quyền chất vấn Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ, Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chủ tịch nước... Chất vấn giúp cho ĐBQH có thêm cơ sở để thực hiện quyền bầu và bãi miễn những người lãnh đạo các cơ quan cao cấp của Nhà nước. Trái lại, để thực hiện tốt quyền chất vấn, ĐBQH cần thường xuyên liên hệ chặt chẽ với cử tri, thường xuyên tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri.

- ĐBQH có quyền tham dự hội nghị Hội đồng nhân dân các cấp nơi mình được bầu. Việc tham dự hội nghị Hội đồng nhân dân các cấp là một dịp thuận lợi để ĐBQH tìm hiểu thêm tình hình thực tiễn của địa phương để kịp thời phản ảnh, báo cáo với Quốc hội.

- ĐBQH không thể bị bắt, giam, truy tố, nếu không có sự đồng ý của Quốc hội hoặc của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) trong thời gian Quốc hội không họp. Quyền này nhằm bảo đảm cho hoạt động của ĐBQH được thuận lợi hơn, tránh cho ĐBQH mọi áp lực không chính đáng trong khi làm nhiệm vụ.

Tóm lại, quy định nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu có ảnh hưởng trực tiếp tới hiệu quả hoạt động của ĐBQH. Các nhiệm vụ, quyền hạn của ĐBQH có mối quan hệ lẫn nhau, hỗ trợ nhau, tạo điều kiện để ĐBQH thực hiện tốt các nhiệm vụ của mình, đáp ứng được lòng mong mỏi của nhân dân cả nước.

3. ĐBQH tham gia các hoạt động Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội

Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của ĐBQH là tham gia các hoạt động chung của Quốc hội tại kỳ họp. Thông qua các hoạt động tại kỳ họp, ĐBQH có điều kiện nghiên cứu, thảo luận và biểu quyết về các nội dung của chương trình kỳ họp Quốc hội; phản ánh với Quốc hội, các cơ quan nhà nước hữu quan về ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của cử tri, tình hình kinh tế- xã hội ở địa phương. Đồng thời, qua các hoạt động của Quốc hội sẽ giúp ĐBQH nắm chắc nội dung các luật, nghị quyết mà Quốc hội thông qua để kịp thời báo cáo với cử tri, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện. Đối với các ĐBQH là thành viên của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Hội đồng Dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội, thì ngoài việc tham gia các hoạt động chung của Quốc hội, ĐBQH còn có trách nhiệm tham gia các hoạt động của cơ quan của Quốc hội mà mình là thành viên. Việc tham gia hoạt động của cơ quan của Quốc hội sẽ giúp ĐBQH trực tiếp thảo luận, quyết định về những vấn đề thuộc phạm vi hoạt động của cơ quan đó.

Tóm lại, thông qua việc tham gia các hoạt động của Quốc hội, nhất là hoạt động của các cơ quan của Quốc hội sẽ tạo điều kiện, giúp ĐBQH nâng cao hiệu quả hoạt động của mình. Do đó, một trong những yêu cầu đặt ra là các ĐBQH phải tham gia đầy đủ các hoạt động của Quốc hội, của cơ quan của Quốc hội mà mình là thành viên.

4. Sự quan tâm, đánh giá của cử tri

Sự quan tâm, đánh giá của cử tri đối với hoạt động của ĐBQH có tác động rất lớn đối với hiệu quả hoạt động của ĐBQH. ĐBQH do cử tri trực tiếp bầu ra, là người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, thay mặt nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước. Do đó, mọi hoạt động luôn được cử tri quan tâm, theo dõi. Sự quan tâm, đánh giá của cử tri đối với các hoạt động của ĐBQH thường được thực hiện thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Qua đó, cử tri sẽ có nhận xét, đánh giá về trình độ, năng lực và chất lượng hoạt động của ĐBQH. Sự quan tâm, theo dõi của cử tri đối với hoạt động của ĐBQH còn được thực hiện trực tiếp khi ĐBQH tiếp xúc với cử tri, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri để phản ánh với Quốc hội hoặc khi báo cáo với cử tri về nội dung kỳ họp Quốc hội, tuyên truyền, động viên nhân dân thực hiện Hiến pháp và pháp luật. Sự quan tâm, đánh giá của cử tri đối với hoạt động của ĐBQH sẽ có ảnh hưởng rất tốt đến hiệu quả hoạt động của ĐBQH, động viên các ĐBQH tham gia tích cực vào các hoạt động của Quốc hội, đề cao trách nhiệm của mình trong việc thảo luận, góp ý kiến vào dự án luật, các dự thảo nghị quyết và các dự án luật khác. Nếu ĐBQH ít tham gia các hoạt động của Quốc hội, ít phát biểu góp ý kiến về các vấn đề mà Quốc hội thảo luận hoặc chất lượng ý kiến phát biểu của ĐBQH hạn chế thì sẽ có thể ĐBQH đó không được cử tri bầu lại làm ĐBQH nhiệm kỳ sau.

5. Các điều kiện bảo đảm hoạt động

Như chúng tôi đã trình bày ở trên, nhiệm vụ, quyền hạn của ĐBQH rất lớn. Để góp phần bảo đảm cho ĐBQH thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Điều 47 và Điều 59 của Luật Tổ chức Quốc hội năm 2001 đã quy định rõ các điều kiện bảo đảm hoạt động của ĐBQH là:

- ĐBQH hoạt động chuyên trách được bố trí nơi làm việc và các điều kiện cần thiết khác cho hoạt động đại biểu của mình;

- ĐBQH hoạt động không chuyên trách được dành ít nhất một phần ba thời gian làm việc để làm nhiệm vụ đại biểu. Cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi có ĐBQH làm việc có trách nhiệm tạo điều kiện để ĐBQH thực hiện nhiệm vụ;

- Khi ĐBQH hoạt động chuyên trách thôi làm nhiệm vụ đại biểu thì cơ quan, tổ chức có thẩm quyền có trách nhiệm bố trí công tác cho ĐBQH;

- Lương, các chế độ khác của ĐBQH hoạt động chuyên trách và các khoản phụ cấp của ĐBQH do UBTVQH quy định;

Có thể nói, đây là các điều kiện rất quan trọng, nhằm bảo đảm cho ĐBQH thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

6. Một số kiến nghị

Nâng cao hiệu quả hoạt động của ĐBQH là vấn đề bức xúc, cấp thiết, là ý nguyện và mong muốn của cử tri cả nước. ĐBQH có thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn của người đại biểu thì hiệu quả hoạt động chung của Quốc hội mới được nâng cao.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động của ĐBQH, chúng tôi xin kiến nghị một số vấn đề sau đây:

6.1. Về cơ cấu, thành phần ĐBQH

Nhà nước ta là Nhà nước của nhân dân mà nền tảng là liên minh của giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức, là Nhà nước của 54 dân tộc anh em cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam. Hơn nữa, điều kiện phát triển kinh tế- xã hội ở mỗi vùng, miền cũng rất khác nhau. Do đó, theo chúng tôi, việc cơ cấu thành phần ĐBQH là cần thiết, là yêu cầu khách quan để bảo đảm một cách hợp lý đại diện các tầng lớp nhân dân, các dân tộc tham gia Quốc hội; bảo đảm tỷ lệ thích hợp các ĐBQH là phụ nữ, người dân tộc, người ngoài Đảng trong Quốc hội; cần tăng cường số ĐBQH là cán bộ đang công tác trong các cơ quan của Đảng, tổ chức chính trị- xã hội, Hội đồng nhân dân. Việc cơ cấu ĐBQH cần phải bảo đảm những người được lựa chọn, giới thiệu ứng cử ĐBQH phải có đầy đủ các tiêu chuẩn của ĐBQH, cả về phẩm chất đạo đức và trình độ, năng lực công tác.

6.2. Về năng lực và trình độ của ĐBQH

Trong các nhiệm kỳ Quốc hội khoá tới, ngoài yêu cầu về phẩm chất chính trị thì các ĐBQH cần phải có trình độ chuyên môn, am hiểu kiến thức pháp luật, quản lý nhà nước, có khả năng phân tích, tổng hợp tình hình đời sống kinh tế- xã hội của đất nước để thảo luận, cho ý kiến về các dự án luật, các báo cáo, các dự án khác, tham gia quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. ĐBQH phải có khả năng thuyết phục và có tín nhiệm cao trong nhân dân, có khả năng tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện pháp luật, đồng thời có khả năng thu thập và phản ánh ý kiến, nguyện vọng của cử tri với Quốc hội, các cơ quan nhà nước hữu quan.

6.3. Tỷ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách tại các cơ quan của Quốc hội

Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng Dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội rất nặng nề, như thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh, các dự án khác, tiến hành các hoạt động giám sát và các công tác khác. Trong khi đó, hầu hết các thành viên của các cơ quan này đều hoạt động kiêm nhiệm, chỉ có bộ phận thường trực hoạt động chuyên trách nên trong nhiều trường hợp, không thể thực hiện được hết các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật. Vì vậy, cần nghiên cứu để bổ sung, tăng cường thêm ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Hội đồng Dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội. Theo chúng tôi, số ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Hội đồng Dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội cần tăng lên ít nhất là 40% tổng số thành viên Hội đồng Dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội./.

 

 

[*] Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp,  số 3/2002.