LỊCH SỬ QUỐC HỘI VIỆT NAM Tập 2 (1960 - 1976)

 

QUỐC HỘI NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA KHÓA V (1975 - 1976)

  

I. BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA V. QUỐC HỘI BẦU CÁC CƠ QUAN LÃNH ĐẠO NHÀ NƯỚC, TUYÊN BỐ NHÂN DỊP MIỀN NAM HOÀN TOÀN GIẢI PHÓNG 

Nắm vững thời cơ lịch sử có một không hai để hoàn thành giải phóng miền Nam, giành thắng lợi trọn vẹn cho cuộc cách mạng dân tộc dân chủ, Bộ Chính trị Trung ương Đảng lao động Việt Nam đã hạ quyết tâm mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy nhằm tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ lực lượng vũ trang của chính quyền Sài Gòn, đánh đổ toàn bộ chính quyền các cấp của chúng, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Thực hiện kế hoạch chớp thời cơ, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 với tốc độ "một ngày bằng 20 năm", trải qua 3 chiến dịch lớn, mở đầu là chiến dịch Tây Nguyên (3-1975), tiếp đến là chiến dịch giải phóng Huế - Đà nẵng và các tỉnh Nam Trung Bộ và đến đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn cuối tháng 4 -1975. Các địa phương, các hải đảo tiếp tục được giải phóng. Miền Bắc vừa dốc sức chi viện cho miền Nam tiền tuyến lớn, vừa gấp rút hoàn thành việc chuẩn bị bầu cử Quốc hội.

Giữa lúc cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 đang diễn ra ở đỉnh cao, nhân dân cả hai miền Bắc và Nam đang dồn sức để hoàn thành nhiệm vụ lịch sử thiêng liêng nhất của mình, thì ở miền Bắc đã tiến hành cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa V.

1. Cuộc bầu cử Quốc hội ngày 6 - 4 - 1975.

Trong niềm vui thắng lợi ở miền Nam tiền tuyến lớn, nhân dân miền Bắc đã thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ của người công dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nô nức đi bầu cử đại biểu Quốc hội. Số cử tri đi bầu cử trên toàn miền Bắc đạt 98,26 %. Thái Bình đạt tỷ lệ cao nhất với 99,72% và Lạng Sơn đạt tỷ lệ thấp nhất cũng được 93,89%. Tổng số có 424 người được trúng cử đại biểu Quốc hội khóa V trong tổng số 527 người được giới thiệu ra ứng cử. Trong số 424 đại biểu [1], Hà Nội có 42 đại biểu, Hải Phòng có 26 đại biểu, Lai Châu 6 đại biểu, Sơn La 7 đại biểu, Nghĩa Lộ 5 đại biểu, Hà Giang 7 đại biểu, Tuyên Quang 6 đại biểu, Bắc Thái 14 đại biểu, Cao Bằng 8 đại biểu, Lạng Sơn 7 đại biểu, Lào Cai 5 đại biểu, Yên Bái 5 đại biểu, Hòa Bình 7 đại biểu, Vĩnh Phú 25 đại biểu, Hà Bắc 23 đại biểu, Quảng Ninh 14 đại biểu, Hải Hưng 32 đại biểu, Hà Tây 26 đại biểu, Nam Hà 35 đại biểu, Thái Bình 24 đại biểu, Ninh Bình 10 đại biểu, Thanh Hóa 36 đại biểu, Nghệ An 28 đại biểu, Hà Tĩnh 15 đại biểu, Quảng Bình 8 đại biểu, khu vực Vĩnh Linh 3 đại biểu. Về thành phần đại biểu có 93 đại biểu là công nhân, 90 đại biểu là nông dân tập thể, 93 đại biểu là trí thức xã hội chủ nghĩa, 28 đại biểu là quân nhân, 7 đại biểu làm nghề thủ công, 8 đại biểu là chức sắc tôn giáo (đạo Phật, đạo Thiên chúa, đạo Tin lành, đạo Cao đài), 137 đại biểu nữ, 71 đại biểu các tộc thiểu số, 27 đại biểu là Anh hùng lao động và Anh hùng lực lượng vũ trang. Số đại biểu từ 21 đến 35 tuổi là 142 người.

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa V đã kết thúc hoàn toàn thắng lợi. Trong bản thông cáo ngày 25-4-1975, Hội đồng bầu cử đã nhận định: Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa V đã tiến hành đúng pháp luật. Quyền dân chủ cơ bản của nhân dân và quyền bình đẳng giữa các dân tộc đã thật sự được tôn trọng. Việc tuyên truyền, vận động bầu cử được tiến hành hoàn toàn tự do và đúng pháp luật. Toàn dân đã tích cực hưởng ứng và tham gia bầu cử. Việc ghi danh sách cử tri ở tất cả các địa phương đều đúng theo luật định. Tuyệt đại đa số cử tri đã đi bầu và hoàn toàn tự do trong việc lựa chọn những người mà mình cho là xứng đáng vào cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước. Ở tất cả các đơn vị bầu cử, số người đi bầu đều quá nửa số cử tri ghi trong danh sách. Không có đơn vị nào phải bầu lại và bầu thêm. Căn cứ vào Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tình hình và kết quả cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa V và Báo cáo của Uỷ ban thẩm tra tư cách đại biểu Quốc hội khóa V, ngày 5-6-1975, Quốc hội ra Nghị quyết xác nhận tư cách của 424 đại biểu Quốc hội trúng cử trong cuộc bầu cử ngày 6-4-1975.

Kết quả tốt đẹp của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa V một lần nữa khẳng định sự nhất trí cao về tinh thần chính trị của xã hội miền Bắc, lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và sự tín nhiệm của toàn dân đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

2- Quốc hội ra tuyên bố nhân dịp giải phóng hoàn toàn miền Nam và bầu các cơ quan lãnh đạo Nhà nước.

Căn cứ vào Điều 46 Hiến pháp (1959) và quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 6-5-1975, kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa V được triệu tập họp từ ngày 3 đến 6-6-1975 tại Hà Nội. Dự kỳ họp có 402 trong tổng số 424 đại biểu.

Quốc hội họp sau khi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 đã toàn thắng. Chế độ thực dân mới của Mỹ ở miền Nam đã sụp đổ hoàn toàn. Tổ quốc ta đã được hoàn toàn độc lập, nhân dân Việt Nam đã rửa sạch nỗi nhục mất nước. Non sông Việt Nam đã thu về một mối, họa chia cắt đã bị xoá bỏ. Đất nước Việt Nam đã bước vào một kỷ nguyên lịch sử mới - kỷ nguyên cả nước thống nhất và tiến lên theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhiệm vụ chiến lược cách mạng của nước ta trong giai đoạn mới này là: hoàn thành sự nghiệp thống nhất nước nhà về mặt nhà nước, xây dựng lại đất nước ta "đàng hoàng hơn, to đẹp hơn".

Khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Trường Chinh nêu rõ: “Quốc hội ta họp trong bầu không khí vui mừng, phấn khởi: đất nước ta đã hoàn toàn sạch bóng quân xâm lược, nhân dân ta hoàn toàn làm chủ vận mệnh của mình. Bằng cuộc Tổng tấn công và nổi dậy thần tốc, trong vòng 55 ngày, quân và dân ta đã đập tan bộ máy nguỵ quyền tay sai của đế quốc Mỹ, hoàn toàn giải phóng miền Nam, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, thực hiện đúng chỉ thị của Hồ Chủ tịch: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho nguỵ nhào”. Vui mừng chiến thắng, chúng ta càng tưởng nhớ đến công ơn trời biển của Hồ Chủ Tịch, người đã cống hiến trọn đời mình cho tự do, hạnh phúc của nhân dân, đã vạch ra đường lối cho dân tộc ta đấu tranh để tự giải phóng và đạt được thắng lợi huy hoàng và trọn vẹn như ngày nay” [2].

Quốc hội khóa V nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa họp kỳ đầu tiên, với nỗi vui mừng và phấn khởi vô hạn về chiến thắng vĩ đại của dân tộc, giải phóng Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam thân yêu, hoàn thành xuất sắc sự nghiệp giải phóng dân tộc thiêng liêng của mình. Trong không khí phấn khởi và tự hào của Quốc hội, của toàn dân, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã trình bày trước Quốc hội bản báo cáo quan trọng của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Thủ tướng đã nhắc lại cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 thắng lợi và ngày 2-9-1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tuyên ngôn độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng công bố ngày 2-9-1945 tại quảng trường Ba Đình, bắt đầu bằng lời bất hủ:

“Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” [3].

“Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do” [4].

Kết thúc bản Tuyên ngôn độc lập. Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng tuyên bố trước thế giới:

“Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy” [5].

Thủ tướng Phạm Văn Đồng nêu rõ: “Cuộc chiến đấu lâu dài, gian khổ và biết bao oanh liệt của nhân dân ta trong 30 năm qua kết thúc bằng chiến thắng vĩ đại vừa qua chính là nhằm bảo vệ thành quả của Cách mạng tháng Tám, cuộc cách mạng đã mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử nước ta, kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Cách mạng tháng Tám là bước ngoặt to lớn và sâu xa trên con đường tiến lên của dân tộc Việt Nam, nó thể hiện quyết tâm của nhân dân ta đoạn tuyệt với quá khứ, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam mới, một chế độ mới, một cuộc sống mới phù hợp với quy luật tiến hóa của xã hội loài người”. Từ nay nước Việt Nam ta, trên toàn bộ lãnh thổ thiêng liêng của mình, là một nước hoàn toàn độc lập, tự do và vĩnh viễn là một nước độc lập, tự do; từ nay dân tộc Việt Nam ta là một dân tộc thống nhất và vĩnh viễn là một dân tộc thống nhất” [6].

Thủ tướng cũng đã nêu rõ các nhân tố thắng lợi của nhân dân ta trên con đường đấu tranh để giữ vững quyền độc lập, tự do, trong đó: “Nhân tố cơ bản, bao trùm của thắng lợi, ngay từ đầu, từ Tuyên ngôn độc lập cho đến chiến dịch Hồ Chí Minh, sợi chỉ đỏ xuyên qua ba mươi năm chiến đấu và thắng lợi liên tiếp là sự lãnh đạo của Đảng ta do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, tổ chức và rèn luyện, một Đảng vũ trang bằng học thuyết Mác - Lê nin và liên hệ mật thiết với quần chúng nhân dân; đó là sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt, độc lập, tự chủ, thông minh và sáng tạo, biết vận dung và phát huy mọi nhân tố đưa đến thắng lợi. Đảng ta là người đã đề ra đường lối chính trị và quân sự để chỉ đạo cuộc chiến tranh, là người đã vạch ra chiến lược tổng hợp đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, giành thắng lợi vĩ đại cho nhân dân Việt Nam ta và đó cũng là thắng lợi của phong trào giải phóng dân tộc và sự nghiệp xã hội chủ nghĩa của nhân dân thế giới” [7].

Đất nước được hoàn toàn giải phóng. Non sông thu về một mối. Đất nước ta giàu, đẹp. Hai miền góp lại tạo nên một tiềm lực phong phú, nhân dân cả nước ta có một chế độ bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân “nhất định chúng ta sẽ vươn lên biến chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong chiến tranh thành chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong xây dựng hòa bình, khắc phục những khó khăn lớn - hậu quả của hàng chục năm chiến tranh liên tiếp - quyết dành thắng lợi ngày càng to lớn trong mọi lĩnh vực kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật, quyết xây dựng cuộc sống tươi vui hạnh phúc cho mọi người Việt Nam”[8].

Kết thúc bản báo cáo, Thủ tướng nhấn mạnh: “Từ ngày thành lập Đảng cách đây 45 năm, nhân dân Việt Nam ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đã chiến đấu rất kiên cường và đã giành được những thắng lợi rất to lớn: thắng lợi của Cách mạng tháng Tám và thắng lợi của hai cuộc kháng chiến, thanh toán mọi chướng ngại để nhân dân Việt Nam ta bước vào thời kỳ mới, thực hiện điều mong muốn cuối cùng của Bác Hồ kính yêu và cũng là nguyện vọng sâu xa nhất và ý chí mãnh liệt nhất của mọi người Việt Nam ta”.

“Không có gì quí hơn độc lập, tự do”. Phải có độc lập, tự do để xây dựng đất nước giầu mạnh, xây dựng cuộc sống tươi vui cho toàn dân. Vậy nhiệm vụ nặng nề và vẻ vang của toàn thể dân tộc cũng như mọi người Việt Nam ta lúc này là góp phần to lớn nhất của mình vào sự nghiệp vĩ đại ấy, và như vậy để xứng đáng với những thế hệ ngày mai, xứng đáng với sự ủng hộ đầy nhiệt tình của nhân dân thế giới, và nhất là xứng đáng với Tổ quốc Việt Nam vô cùng thân yêu của chúng ta”.

Dưới ngọn cờ Tổ quốc và chủ nghĩa xã hội, chúng ta hãy vững bước tiến về phía trước! Những thắng lợi mới, những thắng lợi rực rỡ đang chờ đón chúng ta![9].

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh cũng trình bày với Quốc hội  bản báo cáo “Kiên trì đường lối quốc tế của Đảng, phát huy thắng lợi vĩ đại của dân tộc, đẩy mạnh công tác ngoại giao nhằm phục vụ công cuộc xây dựng nước nhà và làm nghĩa vụ quốc tế”.

Báo cáo đã nêu rõ, xuất phát từ hoàn cảnh quốc tế, từ tính chất, đặc điểm của cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân ta, từ  đường lối chính trị của Đảng, hơn 30 năm qua, đường lối đối ngoại của ta được xác định trên cơ sở kết hợp nhuẫn nhuyễn lợi ích của dân tộc ta với lợi ích của cách mạng thế giới, kết hợp chủ nghĩa yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế vô sản. Đó là đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ và đoàn kết quốc tế, đường lối kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của ba dòng thác cách mạng, tạo thành sức mạnh tổng hợp có thể đánh bại bất cứ kẻ thù nào. Đường lối này đặc biệt quan trọng đối với ta, một nước đất không rộng, người không đông, kinh tế nghèo nàn, lạc hậu mà phải chống lại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, tên đế quốc đầu sỏ, có tiềm lực kinh tế và quân sự rất lớn. Để giành thắng lợi, Đảng ta đã ra sức tập hợp mọi lực lượng có thể tập hợp được, lợi dụng mâu thuẫn trong hàng ngũ địch, chĩa mũi nhọn vào đế quốc Mỹ, cô lập chúng đến cao độ, làm suy yếu vị trí và thế lực của chúng, củng cố và tăng cường vị trí và thế lực của ta trên quốc tế, tạo nên sức mạnh từ bên ngoài làm hậu thuẫn cho cuộc chiến đấu của dân tộc ta.

Đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, sáng tạo đó là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của Đảng và Nhà nước ta trên mặt trận ngoại giao trong suốt mấy chục năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp để đánh Mỹ và thắng Mỹ. Thắng lợi của Việt Nam chứng minh rằng trong thời đại hiện nay, một dân tộc đấu tranh cho sự nghiệp chính nghĩa của mình, có đường lối chính trị và quân sự đúng đắn, có đường lối quốc tế đúng đắn, kết hợp chủ nghĩa yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế vô sản, thì nhất định đoàn kết được rộng rãi nhân dân thế giới, tranh thủ được sự ủng hộ và giúp đỡ quốc tế to lớn. Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thay mặt Hội đồng Chính phủ trình bày báo cáo về tình hình và nhiệm vụ quân sự.

Quốc hội đã nghiên cứu và nhất trí tán thành các báo cáo chính trị, quân sự và ngoại giao của Hội đồng Chính phủ.

Trong thời gian gần 10 năm đã qua, Nghị quyết ngày 10-4-1965 giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội một số quyền hạn nhằm bảo đảm hoạt động của Nhà nước ta thích ứng với tình hình của thời chiến đã phát huy tác dụng tích cực trong việc thực hiện các nhiệm vụ của cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân trong thời chiến, bảo đảm giải quyết kịp thời những vấn đề lớn của Nhà nước. Đến tháng 4-1975, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã thắng lợi hoàn toàn. Cả nước đã độc lập, thống nhất. Quốc hội đã có thể hoạt động trong điều kiện bình thường, để bàn bạc quyết định các vấn đề lớn của Nhà nước. Vì vậy, Quốc hội đã nhất trí thông qua quyết định chấm dứt hiệu lực của Nghị quyết ngày 10-4-1965 của Quốc hội.

Quốc hội đã bầu các vị đứng đầu các cơ quan cao nhất của Nhà nước, cử các thành viên của Hội đồng Quốc phòng, Hội đồng Chính phủ và các Ủy ban của Quốc hội.

 

CHỦ TỊCH VÀ PHÓ CHỦ TỊCH NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA

Chủ tịch

Tôn Đức Thắng

Phó chủ tịch

Nguyễn Lương Bằng

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội:

Chủ tịch

Trường Chinh

Phó chủ tịch:

Hoàng Văn Hoan

Nguyễn Xiển

Trần Đăng Khoa

Chu Văn Tấn

Nguyễn Thị Thập

Xuân Thủy

Tổng thư ký

Chu Văn Tấn

Ủy viên:

Hồ Đắc Di

Thích Trí Độ

Lê Thanh Đạo

Lò Văn Hạc

Trần Kiên

Trương Tấn Phát

Lê Thành

Nguyễn Đức Thuận

Võ Thành Trinh

Trần Đình Tri

Lê Thị XuyÕn

Uỷ viên dự khuyết:

Vũ Định

Nguyễn Xuân Ngà

Đào Văn TËp

 

Hội đồng Chính phủ

Thủ tướng

Phạm Văn Đồng

Phó Thủ tướng:           

Võ Nguyên Giáp

Nguyễn Duy Trinh

Lê Thanh Nghị

Hoàng Anh

Nguyễn Côn

Đỗ Mười

Trần Hữu Dực

Phan Trọng Tuệ

Đặng Việt Châu

 

Hội đồng Quốc phòng

Chủ tịch

Tôn Đức Thắng

Phó chủ tịch

Phạm Văn Đồng

Uỷ viên

Lê Duẩn

Trường Chinh

Võ Nguyên Giáp

Lê Thanh Nghị

Trần Quốc Hoàn

Văn Tiến Dũng

Song Hào

 

Thủ tướng Phạm Văn Đồng báo cáo việc thay đổi tổ chức một số Bộ và được Quốc hội chấp nhận: Hợp nhất Bộ Công an và Bộ Nội vụ thành Bộ Nội vụ.

- Thành lập thêm Bộ Thương binh và Xã hội.

- Sáp nhập Bộ Lương thực và Thực phẩm vào Uỷ ban Nông nghiệp Trung ương.

Căn cứ vào giới thiệu của Thủ tướng, Quốc hội đã cử các Bộ trưởng các Bộ, Chủ nhiệm các Ủy ban Nhà nước và Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ

Bộ trưởng các Bộ, Chủ nhiệm các Ủy ban Nhà nước

và Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng

Võ Nguyên Giáp

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao     

Nguyễn Duy Trinh

Bộ trưởng Bộ Nội vụ

Trần Quốc Hoàn

Chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước

Lê Thanh Nghị

Bộ trưởng, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước

Nguyễn Hữu Mai

Bộ trưởng, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước

Đinh Đức Thiện

Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc của Chính phủ

Lê Quảng Ba

Bộ trưởng Bộ Điện và Than

Nguyễn Chấn

Bộ trưởng Bộ Cơ khí và Luyện kim

Nguyễn Côn

Bộ trưởng Bộ Xây dựng

Đỗ Mười

Bộ trưởng Bộ Giao thông và Vận tải

Dương Bạch Liên

Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nhẹ

Vũ Tuân

Chủ nhiệm Uỷ ban Nông nghiệp Trung ương          

Võ Thúc Đồng

Bộ trưởng, Phó chủ  nhiệm Uỷ ban Nông nghiệp TƯ

Ngô Minh Loan

Bộ trưởng, Phó chủ  nhiệm Uỷ ban Nông nghiệp TƯ

Nghiêm Xuân Yêm

Bộ trưởng Bộ Thủy lợi

Nguyễn Thanh Bình

Bộ trưởng Bộ Nội thương

Hoàng Quốc Thịnh

Bộ trưởng Bộ Ngoại thương

Phan Anh

Bộ trưởng Bộ Tài chính         

Đào Thiện Thi

Tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước

Đặng Việt Châu

Bộ trưởng Bộ Lao động

Nguyễn Thọ Chân

Bộ trưởng Bộ Vật tư  

Trần Danh Tuyên

Chủ nhiệm Uỷ ban Vật giá Nhà nước

Tô Duy

Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước

Trần Đại Nghĩa

Bộ trưởng Bộ Văn hóa

Hoàng Minh Giám

Bộ trưởng Bộ Giáo dục

Nguyễn Văn Huyên

Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp

Tạ Quang Bửu

Bộ trưởng Bộ Y tế

Vũ Văn Cẩn

Bộ trưởng Bộ Thương binh và Xã hội

Dương Quốc Chính

Chủ nhiệm Uỷ ban Thanh tra của Chính phủ:

Nguyễn Văn Lộc

Chủ nhiệm Uỷ ban Thống nhất của Chính phủ

Đặng Thí

Bộ trưởng chuyên trách công trình Sông Đà

Hà Kế Tấn

Bộ trưởng chuyên trách văn giáo Phủ thủ tướng

Trần Quang Huy

Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Phủ Thủ tướng

Phan Mỹ

Bộ trưởng Phủ Thủ tướng

Trần Hữu Dực

 

Các Uỷ ban của Quốc hội:

Uỷ ban Dự án pháp luật :

Chủ nhiệm Hoàng Văn Hoan và 12 ủy viên

Uỷ ban Kế hoạch và Ngân sách:

Chủ nhiệm Nguyễn Văn Trân và 24 ủy viên.

Uỷ ban Dân tộc:

Chủ nhiệm Chu Văn Tấn và 18 ủy viên.

Uỷ ban Văn hóa xã hội

Chủ nhiệm Trần Quỳnh và 18 ủy viên

Uỷ ban Thống nhất

Chủ nhiệm Nguyễn Thị Lựu và 13 ủy viên

Uỷ ban Đối ngoại

Chủ nhiệm Xuân Thủy và 10 ủy viên

     

 

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã thắng lợi hoàn toàn. Nhân dân ta phải tiếp tục hoàn thành sự nghiệp thống nhất đất nước về mặt Nhà nước và phải bắt tay xây dựng lại đất nước đàng hoàng và to đẹp hơn theo phương châm tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội. Đó là một nhiệm vụ chiến lược vô cùng nặng nề đối với Việt Nam - một nước vốn trong quá trình từ một xã hội mà nền kinh tế còn phổ biến là sản xuất nhỏ tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa, lại chịu hậu quả hết sức nghiêm trọng trên nhiều mặt của 30 năm chiến tranh liên miên và ác liệt để lại. Trong điều kiện đó, việc xây dựng một bộ máy Nhà nước lớn mạnh và thích ứng là cần thiết. Song xem xét về mặt tổ chức bộ máy lãnh đạo của Nhà nước do Quốc hội khóa V xây dựng và bổ nhiệm các cán bộ cấp cao, nhất là bộ máy Chính phủ bao gồm 1 Thủ tướng, 9 Phó thủ tướng, 30 bộ và cơ quan ngang bộ với 35 thành viên cấp Bộ trưởng là quá đồ sộ, cồng kềnh. Thực tiễn của sự nghiệp xây dựng đất nước sẽ đem đến cho chúng ta nhận thức đúng hơn về tổ chức.

Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, khóa V, họp Kỳ thứ nhất trong bối cảnh lịch sử miền Nam vừa mới được giải phóng hoàn toàn. Nhân dịp này, với tư cách là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, Quốc hội long trọng tuyên bố:

“Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 2-9-1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Từ Bắc đến Nam, đồng bào cả nước thề quyết một lòng đem xương máu giữ gìn độc lập, tự do của Tổ quốc.

Chủ nghĩa đế quốc, đứng đầu là đế quốc Mỹ, liên tiếp tiến hành chiến tranh xâm lược và âm mưu chia cắt lâu dài nước ta. Nhưng chúng đã hoàn toàn thất bại, nhân dân Việt Nam đã hoàn toàn thắng lợi!

Sau ba mươi năm chiến đấu gian khổ và vô cùng anh dũng, nhân dân ta đã đánh bại chủ nghĩa thực dân cũ của đế quốc Pháp và chủ nghĩa thực dân mới của đế quốc Mỹ, hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Nhân dân ta đã bảo vệ và phát triển thành quả Cách mạng tháng Tám, bảo vệ và tiếp tục sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa, thực hiện lời căn dặn chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Hơn một trăm năm nay, đây là lần đầu tiên Tổ quốc thân yêu của chúng ta không còn bóng một tên xâm lược, dân tộc ta hoàn toàn làm chủ vận mệnh của mình. Từ đây nhân dân ta đời đời sống trong độc lập, tự do và hạnh phúc. Đó là thắng lợi có ý nghĩa lịch sử và có tính thời đại của dân tộc Việt Nam ta”[10].

Bản Tuyên bố của Quốc hội đã nhận định từ sau thắng lợi có tính bước ngoặt lịch sử vĩ đại đó: “Nhân dân ta đang bước vào một thời kỳ phát triển vô cùng rực rỡ của Tổ quốc ta. Với sức lao động dồi dào và tài nguyên phong phú, với trí thông minh, lòng dũng cảm và tính cần cù của mình, nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam, có đầy đủ khả năng vươn lên mạnh mẽ, giữ vững độc lập, tự do, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, thực hiện một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giầu mạnh, góp phần tích cực vào sự nghiệp cách mạng của nhân dân thế giới”[11]

II. QUỐC HỘI VỚI VIỆC PHÊ CHUẨN KẾ HOẠCH NHÀ NƯỚC NĂM 1976, CẢI TIẾN HỆ THỐNG HÀNH CHÍNH, CÔNG TÁC PHÁP LUẬT VÀ KHEN THƯỞNG

1. Phê chuẩn kế hoạch Nhà nước năm 1976.

Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 đã kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước hơn 20 năm của nhân dân Việt Nam. Đất nước ta sạch bóng quân thù. Tổ quốc chúng ta từ nay hoàn toàn và vĩnh viễn thống nhất. Đất nước ta bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên xây dựng Tổ quốc Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất và xã hội chủ nghĩa, kỷ nguyên dân tộc ta hoàn toàn làm chủ vận mệnh lịch sử của mình, xây dựng cho mình và cho con cháu muôn đời mai sau một cuộc sống ấm no hạnh phúc, xây dựng đất nước đàng hoàng và to đẹp hơn.

Trên cơ sở thắng lợi của kế hoạch Nhà nước năm 1974 và được cổ vũ bởi thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, nhân dân miền Bắc đã ra sức chi viện và ra sức khắc phục khó khăn để thực hiện những nhiệm vụ, mục tiêu khôi phục và phát triển kinh tế, phát triển văn hóa.

Ngay sau ngày toàn thắng, khoảng một triệu tấn vật tư, hàng hóa đã được chuyển nhanh vào miền Nam, góp phần để giải quyết những vấn đề cấp bách sau chiến tranh.

Ở miền Bắc trong năm 1975 nền kinh tế tiếp tục phát triển với tốc độ khá. Xét trong hoàn cảnh phải tập trung cao độ cho miền Nam, những thành tích và tiến bộ về khôi phục và phát triển kinh tế, phát triển văn hóa của miền Bắc đã đạt được là to lớn.

Đến cuối năm 1975, hầu hết các cơ sở công nghiệp bị đế quốc Mỹ đánh phá đã được khôi phục lại, trừ một ít nhà máy vừa khôi phục, vừa cải tạo và mở rộng. Các tuyến đường sắt, đường bộ, cầu và nhà ga đều được khôi phục. Tất cả số mìn do địch ném xuống các cảng biển, cảng sông đã được tháo gỡ. Các công trình thủy nông được sửa chữa, các hố bom được san lấp, trả lại cho sản xuất nông nghiệp hàng chục vạn héc ta đất canh tác. Số vốn đầu tư để mở rộng và xây dựng mới trong 3 năm 1973-1975 gấp 5,5 lần số vốn dành vào công việc khôi phục cơ sở bị phá hoại trong chiến tranh.

Chúng ta đã khôi phục 12.000 phòng học bị chiến tranh tàn phá, xây dựng thêm 22.000 phòng học mới. Bệnh viện, bệnh xá, các cơ sở chữa bệnh được sửa chữa và xây dựng thêm. Việc đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật, cán bộ khoa học quản lý, công nhân kỹ thuật được đẩy mạnh. Tính đến năm 1975, miền Bắc đã có 12 vạn cán bộ có trình độ trung cấp, 63 vạn cán bộ kỹ thuật - đây là một thành tựu to lớn đã đạt được trong hoàn cảnh chiến tranh, một vốn quý của đất nước khi bước vào thời kỳ mới.

Tuy vậy, có một số nhiệm vụ kinh tế chưa thực hiện tốt, có mặt chưa đặt mục tiêu và yêu cầu mà Đảng và Nhà nước đã đề ra. Nền kinh tế miền Bắc còn nhiều mặt chưa cân đối.

Tiếp theo năm 1975 lịch sử, năm 1976 là năm mở đầu của thời kỳ xây dựng đất nước trong điều kiện hòa bình, độc lập, thống nhất. Tại Kỳ họp thứ hai của Quốc hội khóa V, Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị trình bày bản báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế miền Bắc và nhiệm vụ kế hoạch Nhà nước năm 1976. Báo cáo nhấn mạnh từ nay trở đi nhân dân ta có thể giành toàn bộ tài trí và sức lực vào công cuộc xây dựng nước nhà, thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu và nguyện vọng tha thiết của nhân dân ta là xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất và chủ nghĩa xã hội, với khẩu hiệu “Tất cả cho sản xuất”, “tất cả để xây dựng chủ nghĩa xã hội”, “tất cả vì Tổ quốc giầu mạnh, và hạnh phúc của nhân dân”.

Kế hoạch Nhà nước năm 1976 thể hiện nhiệm vụ chiến lược cách mạng nước ta trong giai đoạn mới là hoàn thành thống nhất nước nhà, đưa cả nước tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội, miền Bắc phải tiếp tục đẩy mạnh xây dựng chủ nghĩa xã hội và hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, miền Nam phải đồng thời tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Nhiệm vụ chung của kế hoạch Nhà nước năm 1976 được xác định như sau: “Ra sức khôi phục kinh tế và khắc phục các hậu quả của chiến tranh, sắp xếp nền kinh tế của hai miền để tạo thành kinh tế thống nhất, hợp lý nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của nền kinh tế trong cả nước, đẩy mạnh xây dựng và phát triển kinh tế, tiếp tục phát triển những ngành công nghiệp nặng, then chốt, trước hết là những cơ sở phục vụ cho nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm, công nghiệp nhẹ; ra sức phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, nghề cá, công nghiệp thực phẩm, công nghiệp nhẹ và các ngành nghề tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp; phân bố lại lực lượng lao động đi đôi với việc giải quyết việc làm cho những người thất nghiệp; ra sức đẩy mạnh xuất khẩu, làm tốt công tác kinh tế đối ngoại; ổn định và cải thiện một bước đời sống của nhân dân sau chiến tranh, giải quyết một cách tích cực các yêu cầu cấp bách về ăn, ở, chữa bệnh, học tập, đi lại, cải tiến quản lý kinh tế, củng cố quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, tích cực nghiên cứu và chuẩn bị vững chắc cho việc cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền Nam; thiết thực chuẩn bị một cách có kế hoạch các điều kiện cho việc đẩy mạnh hơn nữa sự nghiệp công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa trong các năm sau; kết hợp chặt chẽ việc phát triển kinh tế và củng cố quốc phòng”[12].

Báo cáo cũng đã trình bày các nhiệm vụ cụ thể về công nghiệp, nông nghiệp và lâm nghiệp, đầu tư và xây dựng cơ bản, giao thông vận tải và bưu điện, xuất khẩu và nhập khẩu, nội thương, phân bố lực lượng lao động xã hội, tổ chức và quản lý lao động, đào tạo công nhân và cán bộ, công tác phục vụ đời sống, giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội, điều tra cơ bản, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, nghiên cứu khoa học kỹ thuật.

Căn cứ vào báo cáo của Chính phủ và ý kiến tham luận của các đại biểu, Quốc hội đã nhất trí thông qua phương hướng, nhiệm vụ và những chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch Nhà nước năm 1976.

Quốc hội cũng đã nhất trí phê chuẩn dự toán ngân sách Nhà nước năm 1976, phê chuẩn tổng quyết toán ngân sách Nhà nước năm 1974.

2. Phê chuẩn về việc cải tiến hệ thống tổ chức các đơn vị hành chính.

Để thích hợp với tình hình mới sau khi đất nước đã hoàn toàn giải phóng, cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội, về mặt tổ chức các đơn vị hành chính phải sắp xếp lại nhằm bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng và quản lý Nhà nước được nhanh chóng, nhạy bén, sát cơ sở, giảm bớt đầu mối và cấp trung gian, các tỉnh phải trở thành những đơn vị lớn mạnh, có khả năng giải quyết đến mức cao nhất những yêu cầu về xây dựng kinh tế, phát triển văn hóa nâng cao đời sống nhân dân, củng cố quốc phòng và an ninh cho nên Hội nghị lần thứ 24 của Ban chấp hành Trung ương Đảng đã đề ra chủ trương tổ chức thực hiện chế độ quản lý hành chính theo bốn cấp, Trung ương, tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương, huyện và tương đương, xã và tương đương cụ thể là bỏ cấp khu và hợp nhất một số tỉnh với qui mô cần thiết.

Thực hiện chủ trương của Ban chấp hành Trung ương Đảng, Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính các khu tự trị Tây Bắc và Việt Bắc đã họp bàn và nhất trí đề nghị bỏ cấp khu tự trị. Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính một số tỉnh cũng đã họp bàn và kiến nghị lên Chính phủ về việc hợp nhất tỉnh.

Hội đồng Chính phủ trong Phiên họp ngày 10-10-1975 đã bàn việc đề nghị Quốc hội xét và quyết định về vấn đề tổ chức hành chính. Tại kỳ họp thứ hai, Phó Thủ tướng Trần Hữu Dực, đã thay mặt Hội đồng Chính phủ đọc Tờ trình về việc bỏ cấp khu và hợp tỉnh.

Báo cáo ý kiến của Ủy ban dân tộc của Quốc hội về vấn đề thực hiện chính sách dân tộc và xây dựng miền núi vững mạnh, Chu Văn Tấn đã nêu rõ Ủy ban tán thành báo cáo của Chính phủ về việc bỏ cấp khu và mở rộng tỉnh. Vấn đề bỏ cấp khu là việc tổ chức, mà tổ chức không phải là cố định, tổ chức phải tiến kịp nhiệm vụ chính trị, phù hợp với tình hình mới… “Bỏ cấp khu tự trị, nhưng chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta vẫn được coi trọng, được thực hiện khẩn trương cụ thể hơn, mà cơ sở của nó là công cuộc phát triển kinh tế, văn hóa được xúc tiến mạnh mẽ hơn ở các địa phương, các vùng. Cả nước thống nhất tiến lên chủ nghĩa xã hội là điều kiện rất cơ bản để đưa các dân tộc thiểu số, đa số tiến bộ đồng đều, miền núi tiến kịp miền xuôi”[13].

Ngày 27-12-1975, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khóa V, Kỳ họp thứ hai đã:

1. Căn cứ vào Điều 50 và Điều 112 của Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1959), sau khi nghe báo cáo của Hội đồng Chính phủ về sự cần thiết cải tiến hệ thống các đơn vị hành chính trong tình hình mới và ý kiến của Ủy ban Dự án pháp luật của Quốc hội, đã quyết nghị:

  - Nay bỏ cấp khu trong hệ thống các đơn vị hành chính nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

- Những qui định trong Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về cấp khu tự trị đều bãi bỏ.

2. Căn cứ vào Điều 50 Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, theo đề nghị của Hội đồng Chính phủ và sau khi nghe ý kiến của các Hội đồng nhân dân các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Hòa Bình, Hà Tây, Nam Hà, Ninh Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Yên Bái, Lao Cai, Nghĩa Lộ, Quốc hội đã quyết nghị phê chuẩn hợp nhất một số tỉnh thành những tỉnh mới.

- Hợp nhất tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn thành tỉnh Cao Lạng.

- Hợp nhất tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang thành tỉnh Hà Tuyên.

- Hợp nhất tỉnh Yên Bái và Lào Cai và Nghĩa Lộ (trừ huyện Bắc Yên và huyện Phù Yên) thành tỉnh Hoàng Liên Sơn.

- Hợp nhất tỉnh Hà Tây và Hòa Bình thành tỉnh Hà Sơn Bình.

- Hợp nhất tỉnh Nam Hà và Ninh Bình thành tỉnh Hà Nam Ninh.

- Hợp nhất tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An thành tỉnh Nghệ Tĩnh.

 Giao cho Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hiệp thương với Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam để chuẩn bị hợp nhất tỉnh Quảng Bình và khu Vĩnh Linh với các tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên theo hướng đã nêu trong Hội nghị hiệp thương chính trị thống nhất Tổ quốc.

Ở miền Nam Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Trung ương cục Đảng Lao động Việt Nam, Hội đồng Cố vấn và Hội đồng Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã nhất trí thực hiện chủ trương giải thể cấp khu và hợp nhất tỉnh ở miền Nam Việt Nam. Tháng 2-1976, Hội đồng Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã ra nghị định thống nhất các tỉnh ở miền Nam thành 20 tỉnh mới và một thành phố lớn. Các tỉnh và thành phố đó là:

- Hợp nhất tỉnh Quảng Trị, tỉnh Thừa Thiên, thành phố Huế với Quảng Bình thành tỉnh Bình Trị Thiên.

- Hợp nhất tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng thành tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng.

- Hợp nhất tỉnh Quảng Ngãi và tỉnh Bình Định thành tỉnh Nghĩa Bình.

- Hợp nhất tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa thành tỉnh Phú Khánh.

- Hợp nhất tỉnh Gia Lai và Kon Tum thành tỉnh Gia Lai Kon Tum.

- Hợp nhất tỉnh Đắc Lắc và Quảng Đức thành tỉnh Đắc Lắc.

- Hợp nhất tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận và Bình Tuy thành tỉnh Thuận Hải.

- Hợp nhất tỉnh Tuyên Đức, tỉnh Lâm Đồng và thành phố Đà Lạt thành tỉnh Lâm Đồng.

- Hợp nhất tỉnh Bà Rịa, Long Khánh, Biên Hòa và thành phố Biên Hòa thành tỉnh Đồng Nai.

- Hợp nhất tỉnh Thủ Dầu Một và Bình Phước thành tỉnh Sông Bé.

- Hợp nhất tỉnh Long An và Kiến Tường thành tỉnh Long An.

- Hợp nhất tỉnh Mỹ Tho và Gò Công và thành phố Mỹ Tho thành tỉnh Tiền Giang.

- Hợp nhất tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh thành tỉnh Cửu Long.

- Hợp nhất tỉnh Cần Thơ và Sóc Trăng và thành phố Cần Thơ thành tỉnh Hậu Giang.

- Hợp nhất một số huyện thuộc tỉnh Sa Đéc và Kiên Phong thành tỉnh Đồng Tháp.

- Hợp nhất tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu thành tỉnh Minh Hải.

- Hợp nhất tỉnh Rạch Giá và ba huyện thuộc tỉnh Long Châu Hà thành tỉnh Kiên Giang.

- Hợp nhất một huyện của tỉnh Sa Đéc, một số huyện của tỉnh Long Châu Hà, hai huyện của tỉnh Long Châu Tiền cùng toàn bộ tỉnh An Giang cũ thành tỉnh An Giang.

- Tỉnh Tây Ninh.

- Tỉnh Bến Tre.

- Thành phố Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định.

Thực hiện chủ trương cải tiến hệ thống hành chính theo 4 cấp, bỏ bớt cấp khu, một cấp trung gian là đúng. Song, việc hợp nhất các tỉnh nhỏ thành các tỉnh lớn với mong muốn bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng và sự chỉ đạo của Nhà nước được nhanh gọn, phát huy sức lao động sáng tạo của nhân dân vào việc khai thác các tài nguyên làm cho các tỉnh thành, các đơn vị lớn mạnh, có khả năng giải quyết đến mức cao nhất những yêu cầu về xây dựng kinh tế, phát triển văn hóa, nâng cao đời sống nhân dân là một chủ trương mang tính chủ quan, duy ý chí, không phù hợp với thực tiễn.

3. Các Quyết nghị về công tác pháp luật, về giải quyết đơn thư khiếu nại, về tổ chức Nhà nước, về việc khen thưởng của Quốc hội.

Trong nhiệm kỳ của Quốc hội khóa V, hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của các Ủy ban của Quốc hội và của các đại biểu Quốc hội đã diễn ra trên nhiều mặt. Chỉ tính từ Kỳ họp thứ nhất (6-1975) đến Kỳ họp thứ hai của Quốc hội (12-1975) Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp 10 phiên, đã thông qua 64 nghị quyết về các vấn đề thuộc quyền hạn của Ủy ban.

Ngày 4-5-1975, Ủy ban Thường vụ, căn cứ vào đề nghị của Hội đồng Chính phủ đã ra Nghị quyết tha cho những phạm nhân đã cải tạo tốt và giảm án cho một số phạm nhân đã thật thà cố gắng cải tạo.

Ủy ban Thường vụ cũng đã đề nghị các cơ quan Nhà nước và địa phương phải quan tâm đúng mức đến công tác xét xử và giải quyết đơn thư của cán bộ và nhân dân, phải nghiêm chỉnh thi hành chính sách pháp luật của Nhà nước, tôn trọng quyền tự do dân chủ của nhân dân. Chỉ tính từ sau kỳ họp thứ 5 của Quốc hội khóa IV đến tháng 12-1975 Ủy ban Thường vụ đã nhận được hơn 4.531 đơn thư khiếu nại, tố cáo và góp ý của cán bộ, nhân dân và đã tiếp trên 1.000 lượt người đến trực tiếp trình bày sự việc.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn được giải phóng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhận được trên 50 thư và đơn của cán bộ và đồng bào miền Nam. Nội dung các đơn tố cáo đề cập đến tình hình một số cán bộ thoái hóa, mất phẩm chất đạo đức như tham ô của công, nhận hối lộ, hủ hóa, dâm ô, khai man lý lịch, lấy vợ lẽ ở miền Bắc, phụ bạc với vợ chính ở miền Nam, lấn chiếm ruộng đất, độc đoán chuyên quyền, khám xét, bắt người, giam người, tịch thu tài sản trái pháp luật, đánh người trọng thương…

Mặc dù Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị các cơ quan Nhà nước và các địa phương phải quan tâm đúng mức đến công tác xét và giải quyết đơn từ tố cáo, khiếu nại của nhân dân, song các cơ quan và các địa phương vẫn ít quan tâm giải quyết. Có người đã gửi hàng trăm đơn khiếu tố tới nhiều cơ quan từ địa phương đến Trung ương nhưng vẫn không được xét và giải quyết. Có hiện tượng đơn chuyển vòng quanh từ cơ quan này đến cơ quan khác rồi cuối cùng lại chuyển tới cơ quan bị khiếu tố hoặc người bị khiếu tố. Số đơn khiếu tố ngày càng tăng nhưng tỷ lệ đơn được giải quyết rất thấp, chỉ khoảng 10%. Tình trạng này kéo dài làm ảnh hưởng không tốt đến việc thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, quyền tự do dân chủ và đời sống của dân, vi phạm quyền lợi của công dân Việt Nam được ghi trong điều 29 Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tháng 12-1959. Ủy ban thường vụ Quốc hội tiếp tục yêu cầu các cơ quan ở Trung ương và địa phương cần phải chấp hành đúng Điều 29 của Hiến pháp và đặc biệt lưu ý chính phủ xúc tiến việc hoàn thành dự thảo pháp lệnh quy định trách nhiệm về việc xét và giải quyết các đơn khiếu nại của nhân dân.

Để ghi công và động viên cán bộ, quân đội và nhân dân trong chiến đấu và lao động, căn cứ vào đề nghị của Hội đồng Chính phủ, trong thời gian này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định tặng danh hiệu Anh hùng và tặng thưởng Huân chương các loại cho nhiều địa phương, đơn vị và bộ đội, cán bộ, công nhân viên chức và chuyên gia nước ngoài, trong số đó có 56 đơn vị và 6 cá nhân thuộc quân đội nhân dân Việt Nam đã lập được nhiều thành tích xuất sắc trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975; tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho lực lượng công an nhân dân Việt Nam, danh hiệu Anh hùng Lao động cho 3 chuyên gia Liên Xô có công trong việc giúp Chính phủ Việt Nam giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và xây dựng lăng của Người; 2 Huân chương Quân công cho 2 đơn vị quân đội nhân dân Việt Nam; 23 đơn vị và 1.884 cán bộ và chiến sỹ Quân đội nhân dân Việt Nam, công an nhân dân vũ trang, bộ đội địa phương, dân quân du kích và dân công được tặng thưởng Huân chương Chiến công; 1.002 gia đình được tặng Huân chương Kháng chiến; 300 đơn vị và hai cá nhân được tặng Huân chương Lao động; 106 Huân chương Lao động và 4 Huân chương Kháng chiến cho các chuyên gia, cán bộ, sỹ quan và viên chức của các nước xã hội chủ nghĩa anh em đã có công giúp nhân dân ta trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội v.v...

Ngày 20-8-1975, Ủy ban Thường vụ đã phê chuẩn việc thành lập Tổng cục Dầu khí và Khí đốt Việt Nam (gọi tắt là Tổng cục Dầu khí Việt Nam) trực thuộc Hội đồng Chính phủ.

Ngày 12-1-1976, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phê chuẩn việc thành lập Tổng cục Hàng không dân dụng Việt Nam trực thuộc Hội đồng Chính phủ.

Các Ủy ban của Quốc hội cũng được kiện toàn thêm về mặt tổ chức nhân sự và chức năng, nhiệm vụ, lề lối làm việc. Các Ủy ban đã bầu ra Phó Chủ nhiệm:

- Trương Tấn Phát, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật.

- Đoàn Trọng Truyến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch và Ngân sách.

- Lâm Phái, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc.

- Trần Đình Thọ và Nguyễn Cao Luyện, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội.

- Trần Đình Tri, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại.

Giữa Hội đồng Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội luôn luôn có quan hệ mật thiết. Đại diện Hội đồng Chính phủ thường xuyên tham dự các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Các Nghị quyết, Nghị định, Chỉ thị, các Thông báo thường kỳ về hoạt động của Chính phủ đã được gửi đều đặn lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

 

III. TIẾP TỤC MỞ RỘNG HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI 

Thắng lợi của cách mạng Việt Nam trên cả hai miền đất nước, đặc biệt là thắng lợi của sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước mà đỉnh cao là thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, đất nước hoàn toàn độc lập và thống nhất đã làm cho uy tín của Đảng Lao động Việt Nam, Quốc hội, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Hội đồng Cố vấn, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam lên cao hơn bao giờ hết.

Trong hoàn cảnh thuận lợi mới, Đảng và Nhà nước ta đã tích cực mở rộng và tăng cường mối quan hệ giữa Việt Nam với các nước trên thế giới. Chúng ta tiếp tục góp phần khôi phục và bảo vệ sự đoàn kết giữa các nước xã hội chủ nghĩa và các Đảng cộng sản trên cơ sở chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản có lý có tình.

Đối với ba nước trên bán đảo Đông Dương, Việt Nam chủ trương tăng cường hơn nữa khối đoàn kết giữa ba nước trên cơ sở tôn trọng các quyền dân tộc và đường lối độc lập, tự chủ của nhau, đoàn kết và hợp tác lâu dài nhằm giúp nhau trong sự nghiệp bảo vệ độc lập dân tộc và xây dựng đất nước phồn vinh theo con đường mà mỗi nước lựa chọn.

Đông Nam Á là một khu vực có tầm quan trọng đặc biệt với nền an ninh và sự phát triển của Việt Nam. Chúng ta chủ trương tăng cường quan hệ với các nước này, từng bước tổ chức quan hệ hợp tác kinh tế và trao đổi văn hóa theo nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng cùng có lợi. Việt Nam coi việc tiếp tục đoàn kết với phong trào độc lập dân tộc và phong trào công nhân quốc tế là một nhiệm vụ quan trọng có ý nghĩa về nguyên tắc.

Đối với các nước tư bản phát triển, Việt Nam chủ trương thiết lập quan hệ chính trị và kinh tế trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền của nhau, bình đẳng, hai bên cùng có lợi và chung sống hòa bình.

Hoa Kỳ là một bên ký Hiệp định Pari về Việt Nam. Việt Nam kiên quyết đòi Hoa Kỳ phải thực hiện những nghĩa vụ của họ như Hiệp định Pari đã qui định. Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tuyên bố rằng, những nguyên tắc cơ bản của Hiệp định Pari phải được bảo vệ và thực hiện nghiêm chỉnh. Hoa Kỳ phải tôn trọng triệt để quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam, phải làm nghĩa vụ đóng góp vào việc hàn gắn vết thương chiến tranh và công cuộc xây dựng sau chiến tranh ở cả hai miền Việt Nam. Những vấn đề hậu quả chiến tranh có liên quan đến Việt Nam và Hoa Kỳ như việc Hoa Kỳ đóng góp vào việc hàn gắn vết thương chiến tranh ở cả hai miền, việc tìm người Mỹ mất tích trong chiến tranh, việc cất bốc và hồi hương hài cốt của người Mỹ bị chết là những vấn đề còn lại thì Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẵn sàng cùng với Chính phủ Hoa Kỳ bàn bạc để giải quyết.

Đường lối đối ngoại đó của Việt Nam được triển khai ngày càng rộng rãi. Từ ngày 20 đến ngày 24-5-1975, ủy ban Đối ngoại của Quốc hội đã tiếp đoàn nghị sỹ của Nghị viện nước Cộng hòa Mêhicô do ông Hôxê Murét dẫn đầu sang thăm hữu nghị Việt Nam. Đây là đoàn đại biểu nghị sỹ đầu tiên của vùng Mỹ La tinh đến thăm nước ta, góp phần làm cho mối quan hệ bước đầu giữa hai nước phát triển.

Nhận lời mời của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đoàn đại biểu Ấn Độ do ông G.S Đilơn, Chủ tịch Hạ nghị viện Ấn Độ, Chủ tịch Liên minh Quốc hội các nước làm trưởng đoàn đã thăm hữu nghị chính thức nước ta từ ngày 23-6 đến ngày 1-7-1975. Cuộc đi thăm này đã góp phần thắt chặt mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết và hợp tác giữa Việt Nam và Ấn Độ. Đặc biệt trong lúc này tình hình ở Ấn Độ đang diễn ra phức tạp, việc đoàn đến Việt Nam được đón tiếp trọng thể và nhiệt tình đã khẳng định sự ủng hộ của Chính phủ và nhân dân Việt Nam với Chính phủ Ấn Độ do bà I. Găngđi làm Thủ tướng.

Đảng và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng đã cử nhiều đoàn đại biểu lần lượt đi thăm hữu nghị ở một số nước.

Tháng 7-1975 đoàn đại biểu Đảng Lao động Việt Nam do Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng, Lê Duẩn dẫn đầu thăm Campuchia.

Từ ngày 22 đến ngày 28-9-1975 đoàn đại biểu Đảng và Nhà nước ta do Lê Duẩn dẫn đầu đi thăm hữu nghị nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Từ ngày 13-10 đến 18-11-1975, Lê Duẩn dẫn đầu đoàn đại biểu Đảng và Nhà nước ta đi thăm hữu nghị một số nước xã hội chủ nghĩa: Hungari (từ 3 đến 8-10), Bungari (từ 8 đến 15-10), Tiệp Khắc (từ 19 đến 27-10), Liên xô (từ 27 đến 31-10), Ba Lan (từ 8 đến 13-11) và Rumani (từ 13 đến 18-11).

Từ ngày 11 đến 14-10-1975 Chủ tịch Quốc hội, Trường Chinh dẫn đầu đoàn đại biểu của Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sang dự lễ kỷ niệm lần thứ 30 nước Lào tuyên bố độc lập.

Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã kiến lập quan hệ ngoại giao ở cấp đại sứ với Cộng hòa Đahômây (7-4-1975), với Cộng hòa Hy Lạp (15-4-1975), Vương quốc Nêpan (15-5-1975),  Hợp chủng quốc Mêhicô (19-5-1975), Liên bang Mianma (28-5-1975),  Cộng hòa Manđivơ (18-6-1975), Niu Di lân (19-6-1975), Môdămbích (25-6-1975),  Cộng hòa Bồ Đào Nha (1-7-1975), Cộng hòa Cápve (8-7-1975), Cộng hòa Philipin (12-7-1975), Cộng hòa Panama (28-8-1975), Cộng hòa Liên bang Đức (23-9-1975), Cộng hòa Ruanđa (30-9-1975), Cộng hòa Cốtđivoa (6-10-1975), Cộng hòa Ănggôla (12-11-1975), Giamaica (5-1-1976), Nhà nước Côoét (10-1-1976), Cộng hòa dân chủ liên bang  Etiôpia (23 -2-1976), Cộng hòa Cốtxtarica (24-4-1976), Cộng hòa Liên bang Nigiêria (25-5-1976), Vươnh quốc Thái Lan (8-5-1976), Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ (7-6-1976) [14].

Cộng hòa miền Nam Việt Nam cũng đã nhanh chóng lập quan hệ ngoại giao ở cấp đại sứ với Vương quốc Đan Mạch (2-5-1975), Cộng hòa Pháp (14-5-1975), Vương quốc Nêpan (15-5-1975), Hợp chủng quốc Mêhicô (26-5-1975), Liên bang Mianma (30-5-1975),  Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai Len (23-6-1975), Canađa (25-6-1975),  Liên bang Thụy Sỹ (26-6-1975), Cộng hòa Hồi giáo Pakítxtan (1-7-1975), Cộng hòa Phần Lan và Malayxia (4-7-1975), Cộng hòa Italia và Vương quốc Bỉ (9-7-1975),  Luychxămbua (10-7-1975), Cộng hòa Áo (15-7-1975), Ôttrâylia (8-8-1975), Vương quốc Lào (12-8-1975), Cộng hòa Airơlen (15-8-1975), Panama (28-8-1975), Cộng hòa Cốtđivoa (6-10-1975), Niu Dilân (5-11-1975), Cộng hòa Ruanđa (15-11-1975), Vương quốc IRan (27-11-1975), Cộng hòa Síp (29-11-1975),  Nhà nước Côoét (10-1-1976),  Cộng hòa Liên bang Nigiêria (25-5-1976)...

Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được công nhận là thành viên của khối các nước không liên kết tại Hội nghị lần thứ 5 của các Bộ trưởng Ngoại giao các nước khối không liên kết họp ở Lima Thủ đô Pêru (từ 25 đến 30-8-1975). Bản Tuyên bố Lima và nhiều Nghị quyết quan trọng khác của Hội nghị đã hoan nghênh thắng lợi to lớn của nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do, hoan nghênh thắng lợi của 3 nước Đông Dương đã đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, khẳng định tình đoàn kết với nhân dân Việt Nam, Lào và Campuchia và quyết định lập quĩ giúp đỡ nhân dân 3 nước này trong công cuộc xây dựng lại đất nước. Quốc hội đã phê chuẩn các hiệp ước về kinh tế, văn hóa… do Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ký với nhiều nước trên thế giới để tái thiết đất nước.

Thắng lợi của quan hệ quốc tế nêu trên là thắng lợi của đường lối chống Mỹ, cứu nước, đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng, sự nỗ lực hoạt động đối ngoại của Quốc hội, của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, của Hội đồng Cố vấn và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

 

IV. QUỐC HỘI PHÊ CHUẨN KẾT QUẢ HỘI NGHỊ HIỆP THƯƠNG CHÍNH TRỊ GIỮA HAI ĐOÀN ĐẠI BIỂU BẮC, NAM VỀ VẤN ĐỀ THỐNG NHẤT NƯỚC NHÀ VỀ MẶT NHÀ NƯỚC. 

Từ buổi bình minh dựng nước thời Hùng Vương đến thời đại Hồ Chí Minh vẻ vang, nhân dân Việt Nam đã trải qua nhiều thời kỳ đấu tranh oanh liệt để giữ gìn độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc. Cuộc đấu tranh của nhân dân ta vì độc lập dân tộc và thống nhất Tổ quốc luôn luôn gắn bó với nhau. Tổ quốc độc lập hoàn toàn thì nhất định phải được thống nhất. Đất nước có thống nhất mới giữ vững được độc lập hoàn toàn và bảo đảm đời sống ấm no hạnh phúc cho nhân dân. Trải qua 30 năm chiến tranh, nhân dân ta đã giành được thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, kết thúc bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

 Đây là thắng lợi có ý nghĩa lịch sử và có tính thời đại của dân tộc Việt Nam.

Bước vào một thời kỳ rực rỡ mới của Tổ quốc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta có đầy đủ khả năng vươn lên mạnh mẽ để giữ vững độc lập, tự do, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, thực hiện một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần tích cực vào sự nghiệp cách mạng của nhân dân thế giới. Vì vậy, việc hoàn thành thống nhất nước nhà là một nhiệm vụ chính trị trước mắt của Đảng, Nhà nước ta.

Hội nghị lần thứ 24 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 9-1975 đã đề ra nhiệm vụ hoàn thành thống nhất Tổ quốc. Nghị quyết nêu rõ:

“Thống nhất đất nước vừa là nguyện vọng tha thiết bậc nhất của đồng bào cả nước, vừa là quy luật khách quan của sự phát triển cách mạng Việt Nam, của lịch sử dân tộc Việt Nam. Cách mạng thắng lợi trong cả nước, chế độ thực dân mới do đế quốc Mỹ áp đặt ở miền Nam bị đập tan, nguyên nhân chia cắt đất nước ta hoàn toàn bị thủ tiêu, thì đương nhiên cả nước ta được độc lập thống nhất và tiến lên chủ nghĩa xã hội”.

“Thống nhất đất nước tạo ra sức mạnh mới, những thành tựu mới để phát triển kinh tế, văn hóa và củng cố quốc phòng.

Thống nhất đất nước càng tăng cường ảnh hưởng của Việt Nam trên trường quốc tế. Vì vậy, thống nhất càng sớm thì càng phát huy sức mạnh toàn diện của Tổ quốc”[15].

Từ sau ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước hoàn toàn độc lập, thì trên thực tế hai miền Bắc - Nam đã thống nhất và giống nhau về nhiều mặt. Nhưng giữa hai miền còn những chỗ khác nhau cần phải xoá bỏ từng bước trong quá trình cách mạng. Chính vì vậy, như Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trường Chinh đã nhấn mạnh: “Trong toàn bộ sợi dây chuyền của sự nghiệp hoàn thành thống nhất Tổ quốc hiện nay, thực hiện thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước là khâu then chốt, nó tạo điều kiện để hoàn thành thống nhất nước nhà về các mặt khác một cách thuận lợi. Thực hiện thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước tức là chính thức hóa sự nghiệp thống nhất Tổ quốc”[16].

Để thực hiện nhiệm vụ thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã bàn bạc và nhất trí với các cơ quan có trách nhiệm ở miền Nam về chương trình ba điểm sau:

1. Tổ chức Hội nghị hiệp thương chính trị giữa đại biểu hai miền Bắc Nam nhằm thống nhất nhận định về yêu cầu và nội dung của toàn bộ sự nghiệp hoàn thành thống nhất nước nhà, về tầm quan trọng và tính cấp bách cũng như bước đi, biện pháp của việc thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước.

2. Tổ chức Tổng tuyển cử bầu ra Quốc nước Việt Nam thống nhất trên cả nước theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Cuộc bầu cử sẽ được tổ chức vào cùng một ngày trong thời gian nửa đầu năm 1976.

3. Triệu tập kỳ họp đầu tiên của Quốc hội chung để nghe Hội đồng bầu cử toàn quốc báo cáo về kết quả cuộc Tổng tuyển cử và xác nhận tư cách đại biểu, nghe báo cáo về vấn đề dự thảo Hiến pháp mới của nước Việt Nam thống nhất và bầu ra Ủy ban dự thảo Hiến pháp của Quốc hội, quyết định tên nước, Quốc huy, Quốc kỳ, Quốc ca và Thủ đô, bầu những cơ quan lãnh đạo của Nhà nước v.v...

Thực hiện chương trình đó, ngày 27-10-1975, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã họp phiên đặc biệt để thảo luận và thông qua đề án về thực hiện thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước và cử đoàn đại biểu miền Bắc để tiến hành Hội nghị hiệp thương với đoàn đại biểu miền Nam.

Ở miền Nam đầu tháng 11-1975, Hội nghị liên tịch mở rộng gồm đại biểu của Ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Ủy ban Trung ương Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Hội đồng Cố vấn Chính phủ và đại biểu nhân sĩ, trí thức miền Nam đã họp thảo luận về chủ trương và các biện pháp để thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước và cử đoàn đại biểu miền Nam để tiến hành Hội nghị hiệp thương với miền Bắc.

Từ ngày 15 đến ngày 21-11-1975, tại thành phố Sài Gòn, Đoàn đại biểu miền Bắc gồm 25 đại biểu do Ủy viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Trường Chinh làm Trưởng đoàn và Hoàng Văn Hoan, Trần Hữu Dực làm Phó Trưởng đoàn và Đoàn đại biểu miền Nam gồm 25 đại biểu do Ủy viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, Bí thư Đảng bộ miền Nam Phạm Hùng làm Trưởng đoàn và Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, Luật sư Trịnh Đình Thảo làm Phó Trưởng đoàn đã tiến hành hiệp thương chính trị bàn vấn đề thống nhất nước Việt Nam về mặt Nhà nước.

Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Mặt trận dân tộc giải phóng, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã đọc diễn văn long trọng khai mạc Hội nghị. Luật sư khẳng định thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của nhân dân ta kết thúc bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 "là thắng lợi rất vững chắc của sự nghiệp độc lập dân tộc và thống nhất Tổ quốc dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng tiên phong, Đảng lao động Việt Nam, mà Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại là người sáng lập và rèn luyện. Đó là thắng lợi của cả dân tộc Việt Nam ta, Nam - Bắc cùng kề vai sát cánh chiến đấu chống kẻ thù chung. Thắng lợi đó đã mở ra một giai đoạn mới của cách mạng Việt Nam: giai đoạn hoàn thành sự nghiệp thống nhất nước nhà và đưa cả nước tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội... Thực hiện thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước là chính thức hóa việc nước nhà đã thống nhất trên thực tế và đang hoàn thành về mọi mặt... Thống nhất nước nhà vừa là nguyện vọng tha thiết bậc nhất của đồng bào cả nước ta, vừa là quy luật khách quan của sự phát triển lịch sử của dân tộc Việt Nam"[17].

Trường Chinh, Trưởng đoàn đại biểu miền Bắc đọc báo cáo chính trị Thực hiện thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước, Phạm Hùng, Trưởng đoàn đại biểu miền Nam đọc báo cáo Tiến lên sớm hoàn thành Thống nhất Tổ quốc.

Hai bản báo cáo của hai Trưởng đoàn đã nhận định về yêu cầu và nội dung, về tầm quan trọng, tính cấp bách, những bước đi và biện pháp của việc thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước, mà việc quan trọng trước mắt là tổ chức Tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội chung của cả nước. Hoàn thành thống nhất nước nhà là phải hoàn thành thống nhất giữa hai miền về chế độ chính trị và xã hội, cụ thể là về cơ cấu kinh tế, quan hệ sản xuất, thành phần xã hội, tổ chức Nhà nước, Hiến pháp và pháp luật, văn hóa và tư tưởng v.v... “Trong toàn bộ sợi dây chuyền của sự nghiệp hoàn thành thống nhất Tổ quốc hiện nay, thực hiện thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước là khâu chính”[18].

Tại Hội nghị, 22 đại biểu của đoàn miền Nam và 14 đại biểu của đoàn miền Bắc đã đọc tham luận trình bày quan điểm và nguyện vọng của tổ chức hoặc tầng lớp nhân dân mà mình đại diện, đối với yêu cầu hoàn thành thống nhất nước nhà. Hội nghị đã khẳng định:

“Cần hoàn thành thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đó là sự thống nhất trọn vẹn và vững chắc nhất.

Độc lập thống nhất và chủ nghĩa xã hội gắn chặt với nhau. Chủ nghĩa xã hội là phương hướng tiến lên và xu thế tất yếu của xã hội Việt Nam, là con đường duy nhất để vĩnh viễn giữ gìn độc lập và thống nhất, xây dựng nước ta giàu mạnh có công nghiệp hiện đại, nông nghiệp hiện đại, quốc phòng vững mạnh, văn hóa và khoa học tiên tiến, bảo đảm cuộc sống ấm no, hạnh phúc của chúng ta ngày nay và của con cháu mai sau.

Trong toàn bộ quá trình hoàn thành thống nhất Tổ quốc, khâu chính là thực hiện sự thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước. Đó là điều kiện cơ bản để đưa nước ta tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội, để không ngừng tăng cường quyền làm chủ tập thể của nhân dân ta, để phát triển kinh tế và văn hóa có kế hoạch, phù hợp với tình hình thực tế của mỗi miền nước ta, xây dựng xã hội mới, con người mới trong cả nước”[19].

Hội nghị nhất trí rằng cần tổ chức sớm cuộc Tổng tuyển cử trên lãnh thổ Việt Nam để bầu ra Quốc hội chung của cả nước. Quốc hội đó sẽ xác định thể chế Nhà nước, bầu ra các cơ quan lãnh đạo của Nhà nước và qui định Hiến pháp mới của nước Việt Nam thống nhất.

Cuộc tuyển cử sẽ tiến hành trong nửa đầu năm 1976 theo nguyên tắc dân chủ, phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín.

Kết quả của Hội nghị đã thể hiện trong hai văn kiện chính thức: Thông cáo của Hội nghị hiệp thương chính trị thống nhất Tổ quốc và Những vấn đề đã được hai đoàn đại biểu nhất trí thông qua trong Hội nghị hiệp thương chính trị thống nhất Tổ quốc.

Thành công của Hội nghị hiệp thương chính trị thống nhất Tổ quốc là một thắng lợi chính trị quan trọng của toàn dân ta, là kết quả của mấy chục năm đấu tranh đầy gian khổ và hy sinh để thực hiện một chân lý lịch sử của dân tộc: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một[20]. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi”[21].

Thành công Hội nghị hiệp thương chính trị đã đáp ứng nguyện vọng tha thiết của toàn thể đồng bào ta ở cả hai miền Nam Bắc là sớm thành lập một Nhà nước chung nhằm phát huy sức mạnh của toàn dân tộc, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất và xã hội chủ nghĩa.

Tại Kỳ họp thứ hai (từ 22 đến 27-12-1975) của Quốc hội khóa V, Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trường Chinh đã báo cáo kết quả của Hội nghị hiệp thương chính trị thống nhất Tổ quốc. Quốc hội đã sôi nổi thảo luận và tham luận về vấn đề thống nhất đất nước về mặt Nhà nước trong đó có các tham luận của Nghiêm Xuân Yêm, Hoàng Minh Giám, Trần Đồng, Pháp sư Thích Trí Độ, Hoàng Minh Viễn, Nguyễn Thành Vĩnh, Nguyễn Sơn Hà, Lê Thị Xuyến, Võ Thành Trinh, Bùi Thị Cẩm, Nguyễn Duy Gia, Huỳnh Văn Tiểng, Đàm Quang Trung v.v. Trong không khí tràn đầy phấn khởi của đất nước sau đại thắng mùa Xuân năm 1975, tham luận của các đại biểu đã phản ánh tâm niệm, những lời nói của trái tim yêu nước, ý chí của toàn dân muốn sớm hoàn thành thống nhất đất nước trên cơ sở độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì đó là sự thống nhất duy nhất, sâu sắc nhất cho độc lập dân tộc, cho việc xây dựng một cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc trước mắt và lâu dài cho con cháu mai sau.

Bùi Thị Cẩm, một người con của thành phố Sài Gòn, đại biểu Quốc hội ứng cử tại Vĩnh Phú đã phản ảnh với Quốc hội khi bà rời Sài Gòn ra Hà Nội, một bạn nữ bác sĩ đã nhắc lại với bà mấy câu thơ của Huỳnh Văn Nghệ, trong bài thơ Nhớ Bắc, giọng đầy xúc động:

“Ai về đất Bắc ta đi với,

Thăm lại non sông giống Lạc Hồng

Từ độ mang gươm đi mở cõi

Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”

Nguyễn Sơn Hà, kết thúc bản tham luận của mình đã gửi bạn bè, các nhà tư sản công thương dân tộc ở miền Nam mấy dòng tâm huyết:

“Đất nước thu về một mối

Nhân dân chung về một cội

Bốn nghìn năm: nay mới thật cười!

Ngọn núi muốn thêm nhiều suối

Dòng sông muốn nhiều phù sa

Con người, thêm suy nghĩ mới

Xưa chỉ biết lo mình lợi

Khác “nào nhổ tóc lên cao!”

Nay: độc lập, niềm vui gió thổi

Lo sao dân tộc mạnh, giàu”[22]

Ngày 27-12-1975, Quốc hội đã nhất trí phê chuẩn kết quả của Hội nghị hiệp thương chính trị thống nhất Tổ quốc.

Sau khi được Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Hội nghị đại biểu nhân dân miền Nam Việt Nam phê chuẩn kết quả Hội nghị hiệp thương chính trị thống nhất Tổ quốc, cuộc Tổng tuyển cử trên lãnh thổ Việt Nam sẽ được tổ chức để bầu ra Quốc hội chung của cả nước. Quốc hội sẽ bầu ra các cơ quan lãnh đạo Nhà nước và qui định Hiến pháp của nước Việt Nam thống nhất.

Cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung của cả nước sẽ tiến hành cùng một ngày trên cả hai miền, vào một ngày chủ nhật trong tháng 4-1976 dưới sự chỉ đạo và hướng dẫn của Ủy ban Bầu cử toàn quốc.

Thành công của Hội nghị Hiệp thương chính trị thống nhất Tổ quốc và kết quả Hội nghị Hiệp thương chính trị được Quốc hội phê chuẩn đã tạo nên một luồng phấn khởi mới trong toàn dân, hăng hái thi đua sản xuất để hoàn thành kế hoạch kinh tế Nhà nước, tích cực chuẩn bị và tham gia Tổng tuyển cử.

*

*     *

Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khóa V ra đời (6-4-1975) trong bối cảnh miền Bắc đã giành được những thắng lợi to lớn trong thời gian đầu của kế hoạch khôi phục kinh tế, tiếp tục chi viện đến mức cao nhất sức người, sức của cho miền Nam tiền tuyến lớn, cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân cả nước ta. Miền Nam hoàn toàn giải phóng. Đất nước sạch bóng quân thù. Non sông qui về một mối và đi vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên đất nước thống nhất cùng tiến lên chủ nghĩa xã hội, chung sức chung lòng xây dựng lại đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.

Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khóa V chỉ hoạt động trong thời gian không đầy hai năm (1975 - 1976), qua hai kỳ họp, Kỳ họp thứ nhất từ ngày 3-6 đến ngày 6-6-1975 và Kỳ họp thứ hai từ ngày 22-12 đến 27-12-1975 và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã họp 10 phiên để bàn bạc quyết định nhiều vấn đề trọng đại của đất nước.

Quốc hội đã nghiên cứu thảo luận đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch Nhà nước năm 1975 và quyết định kế hoạch Nhà nước năm 1976, năm thứ nhất của kế hoạch 5 năm lần thứ hai, mở đầu thời kỳ xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất và xã hội chủ nghĩa, đã phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 1975 và dự toán ngân sách Nhà nước năm 1976.

Quốc hội đã cải tiến hệ thống các đơn vị hành chính nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, phê chuẩn giải thể cấp khu và hợp nhất một số tỉnh nhỏ thành tỉnh lớn.

Ở miền Nam Việt Nam, Hội đồng Cố vấn và Hội đồng Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam cũng đã quyết định giải thể cấp khu, hợp nhất các tỉnh nhỏ thành tỉnh lớn theo chủ trương của Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam.

 Đặc biệt, Quốc hội khóa V của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, cũng như Hội đồng Cố vấn và Hội đồng Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã lần lượt phê chuẩn kết quả Hội nghị hiệp thương chính trị thống nhất Tổ quốc trên cơ sở độc lập và chủ nghĩa xã hội, cùng khẩn trương chuẩn bị để thực hiện kế hoạch bầu Quốc hội chung, ngày hội non sông mới của cả dân tộc, hoàn thành thống nhất đất nước về mặt Nhà nước.

 


 

[1] Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã quy định là 425 người. Đến sát ngày bầu cử, ở Bắc TháI có một ứng cử viên, vì điều kiện riêng xin rút đơn ứng cử. Bắc Thái là nơi có danh sách tròn, việc rút đơn đột ngột đó nên Bắc Thái bầu thiếu một đại biểu và yêu cầu Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho Bắc TháI miễn bầu bổ sung. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đồng ý với đề nghị của Bắc TháI sau khi đã hỏi ý kiến Hội đồng bầu cử Trung ương

[2] Các văn kiện của Kỳ họp thứ nhất, khóa V; Lưu trữ Văn phòng Quốc hội, tr.41

[3] Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Báo Cứu quốc, số ngày 5-9-1945

[4] Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Báo Cứu quốc, số ngày 5-9-1945

[5] Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Báo Cứu quốc, số ngày 5-9-1945

[6] Các văn kiện của Kỳ họp thứ nhất, khóa V, từ ngày 3 đến ngày 6-6-1975, Lưu trữ Văn phòng Quốc phòng Quốc hội, tr 47, 48

[7] Các văn kiện của Kỳ họp thứ nhất, khóa V; Lưu trữ Văn phòng Quốc hội, 1975, tr .49, 51

[8] Các văn kiện của Kỳ họp thứ nhất, khóa V; Lưu trữ Văn phòng Quốc hội, 1975, tr.49, 51    

[10] Các văn kiện của Kỳ họp thứ nhất, khóa V; từ ngày 3 đến ngày 6-6-1975; Lưu trưc Văn phòng Quốc hội, Tr.130, 132.

[11] Các văn kiện của Kỳ họp thứ nhất, khóa V; từ ngày 3 đến ngày 6-6-1975; Lưu trưc Văn phòng Quốc hội, Tr.130, 132.

[12] Các văn kiện của Kỳ họp thứ hai, khóa V; Lưu trữ Văn phòng Quốc hội, 1976,  Tr. 40.

[13] Sđd, tr.89

[14] Danh sách các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam. Vụ Lễ tân, Bộ Ngoại giao, Hà Nội 2-2003

[15] Các văn kiện của Kỳ họp thứ 2, khóa V, Lưu trữ  Văn phòng Quốc hội, 1976, Tr. 24.

[16] Các văn kiện của Kỳ họp thứ hai, khóa V, Lưu trữ Văn phòng  Quốc hội, 1976, tr.24

[17] Các văn kiện của Kỳ họp thứ hai, khóa V; Lưu trữ Văn phòng Quốc hội, 1976, Tr. 363

[18] Các văn kiện của Kỳ họp thứ hai, khóa V; Lưu trữ Văn phòng Quốc hội, 1976, Tr. 380

[19] Các văn kiện của Kỳ họp thứ hai, khóa V; Lưu trữ Văn phòng Quốc hội, 1976, Tr. 395

[20] Hồ Chí Minh: toàn tập, tập 11, NXB. Chính trị quốc gia,  4-1996,  4267

[21] Hồ Chí Minh: toàn tập, tập 4, NXB. Chính trị quốc gia, 4-1995,  4246

[22] Các văn kiện của Kỳ họp thứ hai, khóa V; Lưu trữ Văn phòng Quốc hội, 1976, Tr. 125